Friday, July 20, 2007

20/07 Bàn về xung khắc Việt Trung trên biển





20 Tháng 7 2007 - Cập nhật 11h26 GMT

Giáo sư Carl Thayer
Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc châu
Căng thẳng đang dâng lên giữa Trung Quốc và Việt Nam xung quanh quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa (Spratlys) sau khi lại xảy ra một vụ đụng độ bạo lực nữa trong khu vực ngoài khơi giàu dầu lửa này.

Tàu hải quân Trung Quốc hôm 9/7 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách TP Hồ Chí Minh 350km.
Các nguồn tin quân sự cho hay một thuyền của Việt Nam đã chìm trong vụ tấn công nay. Một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ đài BBC, Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc châu, cho biết: "Các sỹ quan hải quân Việt Nam nói các tàu của Trung Quốc đã có hành động gây hấn một thời gian nay."

GS Thayer: Đây rõ ràng là biến cố thứ hai trong vòng ba tháng vừa qua. Nó cho thấy các tàu của Trung Quốc ngày càng hoạt động mạnh hơn đẩy thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trở về. Tôi không nghĩ rằng đây là chiến lược mới của Trung Quốc, thế nhưng những quan chức quân sự của Việt Nam mà tôi có dịp nói chuyện cho biết từ năm ngoái đến năm nay, mỗi khi có tàu đánh cá hay tàu hải quân của Việt Nam vào khu vực tranh chấp thì họ sẽ phải đương đầu với sự đe dọa của Trung Quốc.

BBC: Theo ông, tại sao Việt Nam vẫn không lên tiếng mặc dù vụ việc này đã xảy ra cách đây cả chục ngày rồi?

GS Thayer: Theo tôi thì thứ nhất là họ còn đang đợi có thêm thông tin. Vụ đụng độ lần trước xảy ra khi ông Triết đi thăm Bắc Kinh và ông ta cũng im lặng. Về mặt công khai thì cả hai phía đều nói họ sẽ có các hành động để không làm tồi tệ thêm tình hình. Thế nên theo tôi Việt Nam phải chờ đợi để tìm hiểu thực tế là như thế nào, có phải các ngư đang đi vào vùng tranh chấp hay không, và có thể họ sẽ đưa ra phản đối riêng chứ không công khai.

BBC: Cái vùng tranh chấp mà ông nói thì nó khó phân định đến đâu?

GS Thayer: Hai phía mới chỉ phân định ở vịnh Bắc Bộ, trong khi vụ việc này xảy ra ở dưới phía nam. Theo thông tin của tôi thì tại khu vực đảo Trường Sa và hai khu vực khác, hai phía vẫn chưa nhất trí được về cách phân định ranh giới, và điều này là không thể vì cả hai đều có sự hiện diện lẫn lộn tại đây. Vịnh Bắc Bộ không có các đảo nhô lên nên người ta mới phân định được đường biên cũng như khu vực đánh cá chung. Thế còn tại quần đảo Trường Sa thì cả hai phía đều tuyên bố chủ quyền tại nhiều khu vực, thế nên cần có thiện chí của cả hai bên thì mới ngăn ngừa được những biến cố như thế này xảy ra.

BBC: Theo ông thì biến cố này sẽ có hậu quả như thế nào tới quan hệ song phương?

GS Thayer: Theo tôi thì hiện nay trong khi vấn đề này vẫn đang được giữ im lặng, cả hai phía đều muốn giải quyết về mặt ngoại giao. Những biến cố như thế này đôi khi vẫn xảy ra, và người ta phải đợi quyết định ở cấp cao nhằm thể hiện sự kiểm soát và ảnh hưởng đối với những vấn đề mà về cơ bản là thuộc về các cơ sở làm ăn tư nhân, trong trường hợp này là những ngư dân. Nói chung cũng khó để chính phủ kiểm soát chuyện này; tuy nhiên tôi nghĩ chính phủ Việt Nam cần nêu rõ quan điểm là việc các lực lượng vũ trang TQ bắn, giết hay đánh chìm ngư dân Việt Nam không phải là cách hành xử hợp lý. Thay vào đó, người ta nên bắt giữ, đưa ra xét xử hay phạt những ngư dân vi phạm thì hơn. Cả hai nước, Trung Quốc và Việt Nam, cần phải chỉ thị cho các tàu quân sự tránh dùng vũ lực gây chết người như trong trường hợp này.

BBC: Tác động của vụ này đối với việc giải quyết các tranh chấp trên quần đảo Trường Sa là như thế nào thưa ông?

GS Thayer: Theo tôi thì tác động của nó không nhiều, nhưng nó cũng là chỉ dấu khiến các bên liên quan cấp cao hơn lo ngại. Chính phủ VN thì bây giờ đang rất muốn tập đoàn dầu lửa Anh Quốc tiếp tục triển khai công việc thăm dò, thế nhưng việc Trung Quốc phản đối khiến cho BP đã phải ngừng dự án. Những vụ việc như thế này là bị liệt vào dạng hoạt động mà hai phía đã nhất trí là không gây ra để làm xáo trộn tình trạng hiện thời. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một dạng thỏa thuận mơ hồ và hai phía cần phải gia tăng các hành động để giảm bớt đi những mơ hồ khó hiểu tại khu vực này.
BBC: Thế ông có cho là Việt Nam nên gia tăng khả năng quân sự, đặc biệt là cho lực lượng hải quân, để đối phó với những biến cố như thế này trong tương lai?
GS Thayer: Thì Việt Nam đã làm việc này trong mấy năm vừa qua rồi, họ mua các thiết bị của Nga, như tàu chiến cơ động mà có thể xuất hiện tại mọi nơi, và trong biến cố mới nhất đây thì một chiếc BPS 500 đã có mặt ngay thế nhưng nó phải đứng từ xa vì khả năng hỏa lực của chiếc tàu chiến Trung Quốc mạnh hơn nhiều. Khả năng quân sự như thế là cũng có vấn đề, nhưng trong trường hợp này, ít nhất Việt Nam đã có sự hiện diện và có thể báo cáo lại những gì họ thấy đã xảy ra.

BBC: Theo ông thì căng thẳng này liệu có gia tăng thêm, và nó có thể tồi tệ đến đâu?

GS Thayer: Tôi nghĩ đây chỉ là một biến cố riêng rẽ và sẽ không dẫn tới tình hình quá tồi tệ thêm. Tôi nghĩ cả hai phía sẽ thảo luận về những gì đã xảy ra, vì đây là một vụ việc đặc biệt, làm tổn thất sinh mạng người. Việt Nam có thể sẽ không nêu công khai biến cố này để tránh lên án trước khi thương lượng, nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề đáng được nêu lên cả ở cấp ngoại giao và cuối cùng là ở cấp cao nhất.







AQ, USA
Trong lịch sử cận đại của VN, có hai tên đại Việt gian đều là người Quảng Ngãi. Thứ nhất là Nguyễn Thân, dẫn quân Pháp tiêu diệt nghĩa quân của Phan Đình Phùng. Thứ hai, Phạm Văn Đồng dâng Hoàng Sa cho Trung Cộng. Cuối năm 1974, Hải quân miền Nam VN (VNCH)có một trận hải chiến lẫy lừng với Hải quân Trung Cộng. Kết quả là Hải quân TC có 2 tàu bị chìm và 1 tàu bị thương, với số sĩ quan chết là 1 Đô Đốc, 4 Đại tá, 2 Trung tá... Về phía Hải quân miền Nam, 1 chiếc bị chìm (HQ 10), Hạm trưởng Thiếu tá Nguỵ Văn Thà hy sinh. Hai chiếc bị thương. Trung Cộng đưa thêm tàu chiến của Hạm đội Biển đông và phi cơ để tham chiến. Hải quân miền Nam yếu thế phải rút đi.
Ngày hôm sau chính phủ miền Bắc, đại diện là Phạm Văn Đồng gửi điện văn chúc mừng chiến thắng của Hãi quan TC và công nhận chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa là của TC. Cho nên bây giờ ngư phủ VN đánh cá xâm phạm hải phận, TC đuổi đi không được là họ có quyền bắn !!! Dù chính quyền CSVN có đưa ra giấy tờ, bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa,ngược lại TC đưa ra điện văn chúc mừng chiến thắng và công nhận chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa do đích thân Phạm Văn Đồng ký. Vì thế chính quyền CSVN há miệng ra là mắc quai !!!
Dam San, Hải Phòng
Tôi nghĩ rất kỹ rồi Việt Nam ta mà không nhanh nhanh phát triển kinh tế để đất nước sớm trở lên giầu có ,khi mà có tiền thì mua nhiều vũ khí tốt để trong kho. Ông Trung quốc mà có ý lấy đảo lấn biên giới thì còn có cái để cho ông Trung Quốc phải "nghĩ lại" chút . Nếu còn nghèo thì nên kết thân với Hoa kỳ để cho ông Trung Quốc còn nể Hoa kỳ mà tha cho Việt Nam chí không thì "nguy" to phải không các công dân Việt? Em nghĩ thế có gì sai mong các bác thông cảm cho, chí không lại bảo em sợ nhé!
Thanh Nhi, Hà Nội
Việt Nam cần phải tính toán kỹ càng trước khi có những hành xử là đúng. Tuy nhiên, sự viẹc xảy ra như vừa rồi mà Chính phủ VN im lặng lâu như vậy là không được. Những ngư dân bình thường thì làm sao có thể biết đâu là vùng biển của Trung Quốc, đâu là vùng biển của Việt Nam. Hơn nữa, Trung Quốc và Việt Nam đang là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" cơ mà. Việc xả súng vào ngư dân vô tội trên biển là hành động không thể chấp nhận được.
titeuf, Pháp
Thông cảm với các bạn là thấy dân mình bị giết, đảo mình bị mất nên rất căm phẫn. Nhưng xin các bạn hãy sáng suốt 1 tí. Các bạn có biết năm 2007 TQ chi bao nhiêu cho ngân sách quốc phòng không ? Câu trả lời là 58 tỷ USD (đây là con số do họ công bố còn trên thực tế còn cao hơn). Các bạn có biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là bao nhiêu không ? Năm 2006, GDP nước ta đạt khoảng 62 tỷ USD. Sau 30 năm bị cấm vận, khí tài trang thiết bị quân sự của nước ta chỉ đáng đem trưng bày ở viện bảo tàng, cái nào chạy được thì cất vào kho cái nào đã hỏng thì vất luôn vì không có phụ tùng thay thế. Các bạn sẽ hỏi tại sao chúng ta không tự chế tạo lấy ? Xin thưa là trình độ công nghệ chúng ta còn thấp kém.
Còn TQ thì sao ? Họ đã đóng được tàu chiến, sản xuất được xe tăng, máy bay chiến đấu, có cả tên lửa diệt vệ tinh... Nền kinh tế VN vừa được cởi trói, đang phát triển thuận lợi nếu 1 cuộc chiến xảy ra thì nó sẽ đẩy nền kinh tế nước ta về xuất phát điểm, công lao hơn chục năm sẽ đổ sông đổ biển. Ai sẽ khổ đây ? Đó là hơn 80 triệu đồng bào đang sống trong nước sẽ phải khổ. Nếu chúng ta không tìm cách hòa hoãn, tìm cách giải quyết thông qua đường đàm phán mà để xảy ra xung đột thì chính chúng ta lại mắc vào cái bẫy khiêu khích của họ. Chỉ cần 1 thất bại trong xung đột trên biển thì chúng ta không chỉ mất toàn bộ Trường Sa mà lãnh hải của chúng ta sẽ không còn là của chúng ta nữa.
Pham Cong Diem, Hà Tây
Tại sao chúng ta lại cứ để "anh bạn" Trung Quốc bắt lạt mãi thế nhỉ, họ đã cướp đất của chúng ta nay lại muốn cướp cả biển và đảo? Mặc dù là đối thủ trong quá khứ nhưng đã đến lúc chúng ta bắt tay với Mỹ (USA) như Nhật Bản và Đài Loan đã làm và cho Mỹ đặt căn cứ Hải Quân tại quân cảng Cam Ranh thì tôi chắc rằng "Đồng Chí" Trung Quốc sẽ không dám làm gì ta nữa.
Gia Bách, Hà Nội
Tôi đã có dịp đến thăm một vùng biên giới nữa là Thác Bản dốc của tỉnh Cao Bằng, cột mốc chính thức từ thời 1960 được đặt ở giữa đỉnh núi. Nhưng đến nay thì cột mốc lại được đặt dưới chân núi và Việt Nam mất cả con suối mà lịch sử gọi là Thác Bản Dốc.
Từ xa xưa đời ông cha ta đến nay, không thể có chuyện lạ đến vậy, đã đổ biết bao xương máu chỉ để mỗi mục đích giành lại non sông, quyết không chịu mất một tấc đất. Nhưng với Đảng cộng sản Việt Nam đấu tranh dành độc lập giữa hai miên Nam Bắc thì vô cùng khốc liệt mà thực chất là cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Vậy mà đối với nước bạn Trung Hoa thì Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn lép vế. Ông láng giềng Trung Hoa cũng hiểu được Việt Nam đang lúc như vậy, không thể được như ngàn đời cha ông họ đã từng oanh liệt chống ngoại xâm.
Phi Long
Thật đáng xấu hổ. Hải Quân đâu mà lại để cho bọn Tàu giết người mình như rứa? Bao nhiêu ngàn năm nay giặc phương bắc luôn nhăm nhe xâm phạm bờ cõi nước ta, vậy mà chính quyền hiện tại mỗi khi có ông nào lên nắm quyền đều đến thăm Trung Quốc trước tiên để tỏ "tình hữu nghị" mới sợ chứ. Đã đến lúc phải thay đổi lại quan điểm ngoại giao?
Người Việt
Sự cố vùng biển Trường Sa có thể là một tính toán của TQ vì thế Chính Phủ VN cần có sự thận trọng trong vấn đề này là điều dễ hiểu.
Cần phải có sự tìm hiểu rõ vấn đề, bàn bạc, tính toán thật sau đó mới đưa ra phản ứng thích hợp có như thế mới tránh được những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai và không xảy ra những diễn biến khó lường.
TQVN
Rất mong thế hệ trẻ quang tam đến chính trị, yêu dân tộc Việt Nam hơn chứ đừng quá ham mê vật chất, ham mê những lợi ích nhỏ nhoi tầm thường mà quên đi lợi ích dân tộc để giặc Tàu luôn luôn đè đầu, ức hiếp dân tộc.

19/07 Diễn biến mới tại Trường Sa


19 Tháng 7 2007 - Cập nhật 19h25 GMT



Bản đồ Trường Sa
Khu vực biển quanh Trường Sa được sáu nước tuyên bố chủ quyền
Căng thẳng đang dâng lên giữa Trung Quốc và Việt Nam xung quanh quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa (Spratlys) sau khi lại xảy ra một vụ đụng độ bạo lực nữa trong khu vực ngoài khơi giàu dầu lửa này.

Tàu hải quân Trung Quốc hôm 9/7 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách TP Hồ Chí Minh 350km.
Các nguồn tin quân sự cho hay một thuyền của Việt Nam đã chìm trong vụ tấn công nay. Một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương.
Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc châu, cho biết: "Các sỹ quan hải quân Việt Nam nói các tàu của Trung Quốc đã có hành động gây hấn một thời gian nay."
Các quan chức Việt Nam cũng nói đã có các đụng độ nhỏ khi thuyền của Việt Nam chạm trán thuyền của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
Giáo sư Thayer nhận định: "Hành động của Trung Quốc là một phần trong cương lĩnh chung nhằm thực hiện tuyên bố chủ quyền và ngăn không cho ngư dân Việt Nam lấn vào vùng biển của họ."
Hồi đầu tháng Tư, biên phòng Việt Nam báo rằng tàu hải quân Trung Quốc đã bắt giữ bốn thuyền đánh cá của Việt Nam vì hoạt động trong vùng biển gần Trường Sa.
Phía Trung Quốc đã giữ 41 ngư dân và chỉ trả tự do cho họ sau khi những người này nộp phạt.
Đại tá Lê Phúc Nguyên, phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, nói với The Straits Times:" Ngư dân rất khó mà biết được đâu là lằn ranh chính xác giữa hai bên. Thế nhưng không nên dùng vũ lực trên biển vì việc này sẽ chỉ dẫn đện các vấn đề nghiêm trọng hơn mà thôi."
Trung Quốc luôn nói quần đảo Trường Sa, mà nước này gọi là Nam Sa, thuộc chủ quyền của họ.
Brunei, Malaysia và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo tại đây.

Tăng cường hải quân

Các nguồn tin quân sự nói ngày 9/7 hai tàu chiến cơ động BPS-500 của Việt Nam do Nga thiết kế đã vội vã đến hiện trường nhưng phải đứng từ xa vì hỏa lực quá mạnh từ tàu Trung Quốc.
 'Xu hướng chiến lược lâu dài cho thấy khả năng sẽ có căng thẳng lên cao hơn nữa.
GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc châu

Đại tá Nguyên nói: "Về lâu dài, chúng tôi cần củng cố lực lượng hải quân cũng như nâng cấp các đơn vị tuần tra ven biển."
Ngoài vấn đề chủ quyền thì nguồn tài nguyên dưới sâu là nguyên nhân chính dẫn tới các mâu thuẫn.
Cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều có nền kinh tế tăng trưởng mạnh và ngày càng cần nhiều nhiên liệu.
Khi giá dầu thô có thể lên tới 100USD một thùng vào cuối năm nay, Việt Nam muốn khai thác trữ lượng trên 600 triệu thùng của mình.
Thế nhưng phần lớn lượng dầu này nằm trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Khả năng xảy ra xung đột nghiêm trọng đã khiến cho một số công ty dầu khí phải rút đi.
Tháng trước, tập đoàn dầu khí British Petroleum và đối tác ConocoPhillips của Mỹ cùng Petrovietnam đã phải ngừng dự án khai thác khí trị giá hai tỷ đôla ngoài khơi Việt Nam.
Giáo sư Thayer nhận xét: 'Xu hướng chiến lược lâu dài cho thấy khả năng sẽ có căng thẳng lên cao hơn nữa quanh chủ đề dầu lửa ở vùng Nam Hải (Việt Nam gọi là biển Đông)."
Tuy nhiên cũng có người cho rằng có thể có giải pháp nhượng bộ.
Ông David Koh, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói: 'Xét tới các tuyên bố trái ngược nhau của cả hai bên, thì dường như nay cả hai đều thấy rằng chủ quyền chẳng nuôi sống nổi ai và cũng chẳng cứu rỗi linh hồn ai được cả."




HVT, Hà Nội
Tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn VŨ (TPHCM) và 1 số người khác. VN mình đúng là yếu về quân sự, nhưng Nhật Bản, ASEAN thì không. TQ thật là " gần " hết tình anh em. " Cộng sản TQ và Việt Nam " không có tiếng nói chung. Đây là hình thức anh em của " xã hội đen". Hi vọng con đường ngoại giao có bước tiến để VN mình không còn chịu khổ nữa.
Long, Hà Nội
Trung quốc luôn dùng mọi thủ đoạn làm suy yếu Việt Nam trong bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Nay hơn bao giờ hết Việt Nam ta cần tranh thủ hòa bình để phát triển. Nếu bây giờ có chiến tranh dân tộc Việt Nam mãi mãi không ngóc dầu lên được. Có nhiều quốc gia trên thế giới không có nhiều tài nguyên nhưng vẫn phát triển giàu có. Trí tuệ dân tộc Việt Nam sẽ là tài nguyên vô giá ngàn đời khai thác không hết!
Hung Chen, Sài Gòn
Lạ thiệt, 2 tuần rồi mà không báo nào ở nước Việt Nam lên tiếng cả. Theo tôi tốt nhất VN nên dùng ngoại giao tốt hơn là dùng vũ lực vì thật sự nếu có xung đột giữa 2 nước, người dân sẽ luôn là người bị thiệt thòi, trong khi cán cân quân sự quá chênh lệch. VN nên tạo dựng mối quan hệ thật tốt với Ấn độ, Nhật Bản và Mỹ để gây phần nào sức ép lên chính sách biển Đông của China, nếu chỉ biết im lặng, e rằng 1 ngày nào đó sẽ chẳng còn Trường Sa.
Vic, Việt Nam
Chẹp, nhận ai làm anh cũng dễ bị nuốt chửng hoặc gặm nhấm chút xíu. Chỉ có nội lực mới giúp chính mình. Trong khi nội lực chưa có thì mình phải nhờ cậy và chịu đựng thiệt thòi chút xíu. Cái quần đảo Trường Sa này là kho báu của mình nên mình cũng đừng để mất, mà chia bớt và tìm anh nào mạnh bảo vệ. Chỉ có điều khi thỏa thuận chia thì phải tỉnh táo các bác ơi...
Vinh, Việt Nam
Tư tưởng Đại Hán đã tồn tại song hành với đất nước TQ suốt mấy ngàn năm, ngay cả khi tưởng chừng CNCS đã nhấn chìm TQ trong Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản. Dù thời nào TQ cũng có ý định bá chủ thế giới...Còn chính quyền ta thì làm gì. Ngay cả tài liêu về hai cuộc chiến tranh biên giới với TQ cũng giấu nhẹm đi, mấy vụ TQ giết ngư dân ta cũng chỉ nói sơ sơ sợ sợ, miệng luôn hô hào TQ là anh em. Theo tôi cần phải cho nhân dân biết bộ mặt thật của TQ, để từ đó khơi dậy lòng tự tôn dân tộc.
QYMM
Trung Quốc muốn làm gì thì làm, Việt Nam ta có dám hó hé gì đâu? Đường hoàng là “Chủ tịch” một nước, ấy vậy mà trước khi qua Mỹ thì phải qua “hỏi ý kiến” Bắc Kinh trước; ngài Chủ tịch QH ngài Chủ tịch mới đắc cử cũng phải qua “triều kiến”, bị người ta “lên lớp” mà chẳng dám ho he một tiếng. Bắc Kinh áp lực hãng dầu lửa BP phải rút ra khỏi dự án 2 tỷ đô, có thấy Việt Nam ta nói tiếng Tây tiếng Tàu gì không? Bắt dân đánh cá Việt Nam, đổ cho tội cướp biển, phải đóng tiền phạt mới được thả ra, cũng có thấy nhà nước ta nói gì không? Đó chỉ là những phần nổi thôi, tôi tin là “phần còn lại của tảng băng” còn gấp mấy lần. Còn bạn nào nói sao không cho tụi Mỹ mướn lại căn cứ Cam Ranh làm lá chắn cho Tàu “lui bớt”. Đừng có nằm mơ. BCT chẳng ai có thể quyết chuyện đó đâu.
Nguyen Viet, Việt Nam
Tôi thấy một số bạn tỏ vẻ bênh vực chính quyền với lý lẽ "TQ quá mạnh so với ta, không nên gây hấn làm gì". xin thưa rằng chuyện chênh lệch về thực lực thì quá hiển nhiên rồi, và cũng chẳng ai ngu dại gì lại muốn có đụng độ với siêu cường này cả. Nhưng xin hỏi chỉ một lời phản đối chính thức mạnh mẽ (và kịp thời) thì có chết ai? Không lẽ chỉ vì bị ông phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN lên tiếng phản đối hành động bắn giết thường dân vô tội vạ mà TQ bỏ bom VN? Thái độ của VN hiện nay chẳng phải là "không ngoan" hay "mềm dẻo" gì cả, mà là hèn nhát, thế thôi.
Một ý kiến
Al Qaeda còn làm cho các cường quốc phải sợ. Tại sao chúng ta phải sợ Trung Quốc. Dân tộc Việt Nam hãy đứng lên.
Thomas
TQ vẫn tìm cách gây hấn với VN nhưng tiến đến việc xâm lăng toàn diện VN như đã làm ở Tây Tạng là một điều khó xảy ra. TQ có lẽ chỉ muốn giữ vai trò anh cả trấn áp, dạy dỗ đàn em thay thế LX nay đã không còn. Trong quá khứ TQ và LX đã từng tranh dành vai trò này. Thế gới đại đồng anh em là thế đấy: nay còn vài mống mà đoàn kết chưa xong. TQ vẫn còn phải tiếp tục viện trợ cho Bắc Hàn để duy trì sự sống còn của CNCS, nếu chủ trương tiêu diệt VN thì ăn nói làm sao với cộng đồng quốc tế về CNCS, về một một nước VN độc tài CS giống y hệt mình. Chắc hẳn TQ không muốn sống lẻ loi một mình trên hành tinh này, hại hơn là lợi. Tôi chỉ mong điều như bạn Trung Nguyên ở Berlin nói: khi nào TQ trở thành một nước TDDC thì nguy cơ xâm lược sẽ gi! ảm nhẹ và lúc đó... CSVN sẽ không còn lý do gì mà tồn tại. Thế kỷ 21 này cho thấy CSVN lẫn CSTQ phải đối đầu với những mâu thuẫn gay gắt ngay bên trong lòng của nó hay nói đúng hơn là giữa thực tế và lý thuyết. TQ không quá dại dột tự tiêu diệt đảng mình sớm.
Roy, Singapore
Vào thời gian TQ giết 12 ngư dân VN mà chính quyền VN không thấy có hành động gì ngoài một vài bài báo mang tính chất thông tin tôi thật sự rất bất bình.
Nhưng lần này tôi lại có một suy nghĩ khác sau những thay đổi ( dù là rất nhỏ ) trong chính quyền.
So sánh lực lượng quân sự của hai nước thì thật là khập khiễng khi nói đến vấn đề này, TQ hơn hẳn VN về quân số và tính hiện đại của trang thiết bị quân sự.
Mặt khác VN không có hỗ trợ từ bên ngoài, nên nếu xảy ra một cuộc xung đột vũ trang,không cần dùng đến bom hạt nhân TQ cũng sẽ cho VN tắm máu, chiến tranh vừa kết thúc không bao lâu, hơn 30 năm, (nếu không tính đến cuộc xung đột biên giới với TQ, và cuộc chiến với Khơme đỏ).
Nếu VN theo phe của Mỹ và các nước Châu Âu, TQ sẽ bị kẹp gi! a 2 gọng kìm Bắc Nam và điều đó thì phía TQ chẳng mong đợi, nên thời gian gần đây đã có những xung đột mang tính khiêu khích VN để xảy ra một cuộc chiến qua đó TQ sẽ lấy lý do bình định mà thôn tính cả VN, lúc đó thì nước không giữ được mà còn hy sinh hàng triệu đồng bào.
Còn nếu như một bạn ở diển đàn này, tại sao không cho Mỹ đặt căn cứ quân sự ở vịnh Cam Ranh, thì xin thưa, Mỹ chỉ mới rút khỏi VN 30 năm, bây giờ lại rước Mỹ vào đặt căn cứ quân sự để đối trọng với TQ, thì e rằng lòng dân không thuận và mặt khác TQ có để yên cho cho VN trong thời gian Mỹ xây dựng căn cứ hay không
Vũ, TP. HCM
Theo tôi hiện nay chúng ta cần bình tĩnh, “quân tử báo thù mười năm chưa muộn”, phương châm là chúng ta phải có chiến lược lâu dài về quân sự, ngoại giao.
Vừa rồi, tại Nam Á chúng ta đã nâng tầm quan hệ với Ấn Độ - đối thủ tiềm tàng của TQ lên tầm đối tác chiến lược, đây cũng sẽ là một đối trọng của chúng ta với ảnh hưởng của TQ trong tương lai, vì Ấn Độ họ cũng muốn có một đồng minh ở ĐNA như Trung Quốc nuôi Pakistan ở Nam Á vậy.
Còn khu vực Bắc Á, chúng ta cũng lên nâng tầm quan hệ với Nhật Bản lên tầm đối tác chiến lược.
Nhật Bản hiện nay đang khao khát để trở thành một “cường quốc hoàn chỉnh” vì họ là cường quốc kinh tế số 2 thế giới trong khi lại không phải là cường quốc về quân sự và không có đại diện trong Hội đồng bảo an. Họ đang chuẩn bị sửa đổi hiến pháp để có Bộ Quốc phòng và có thể gửi quân ra nước ngoài, đồng thời về ngoại giao họ cũng muốn lôi kéo các nước ĐNA theo họ để tạo vây cánh, thực hiện vành đai thịnh vượng Đông Á. Vậy sao chúng ta không chơi với họ, “kẻ thù của kẻ thù là bạn”.
Còn Nga mặc dù mạnh về quân sự nhưng những mâu thuẫn trong lòng nước Nga giải quyết cũng đủ mệt rồi thì còn tâm trí đâu mà lo cho chúng ta được. ASEAN cũng là một kênh để chúng ta dựa vào mặc dù xét về thực lực cả khối này không thể so sánh với TQ được.
Trung Nguyên, Berlin
Để một Trung quốc lớn mạnh không còn là sự lo ngại hàng ngày mà là yếu tố có lợi cho sự ổn định và phát triển của chúng ta thì chúng ta, một mặt cần phải mềm mỏng, khôn khéo, nhưng mặt khác phải khác Trung quốc.
Chỉ với một Trung quốc phát triển và có tự do chính trị trên cơ sở dân chủ, đa nguyên thì Việt nam mới có lợi về cả giao thương kinh tế và an toàn chủ quyền, lãnh thổ.
Không bao giờ nên theo hướng "dạy cho Trung quốc một bài học" vì như thế chúng ta sẽ là người chịu thiệt thòi hơn cả.
Nhưng đừng nghe theo Trung quốc mà từ chối tự do chính trị. Tự do chính trị kết hợp với chính sách thân Hoa kỳ và Liên hiệp châu Âu sẽ làm chúng ta mau mạnh về kinh tế (như Đài loan, Hàn quốc và Nhật bản).
Tự do chính trị ở Việt nam là cái mà nhà cầm quyền Trung quốc không muốn thấy vì nó phương hại đế sự độc tài hiện có của họ. Nhưng mọi đe dọa từ phía Trung quốc đối với Việt nam đều gắn liền với chế độ độc tài.
Một khi chính quyền độc tài Trung quốc được thay thế bằng chính quyền dân chủ thực sự thì nguy cơ từ phương Bắc đối với Việt nam sẽ giảm đi.
Việc Việt nam đi trước trong cải cách chính trị sẽ là tấm gương cho người dân Trung quốc và là cái cớ cho các lực lượng dân chủ Trung quốc đấu tranh đối với chính quyền nhưng không thể là cái cớ để nhà cầm quyền Trung quốc gây hấn với chúng ta. Những gì tôi muốn chỉ là giấc mơ. Nhưng nó sẽ là hiện thực khi Bộ chính trị và Trung ương Đảng cộng sản muốn.
Nguyên, TP. HCM
Có bạn trên diễn đàn đòi xoá bỏ chế độ để người khác lên đánh TQ. Sao các bạn ấu trĩ quá vậy.
Vấn đề ở đây không phải là ý thực hệ mà là lợi ích dân tộc. Liệu một chính quyền khác lên thì có dám đánh nhau không, xin thưa là còn lâu mới dám.
Trong quan hệ với Tàu thì tất các các dân tộc ở DNA đều phải thận trọng, không để mắc mưu khiêu khích của nó. Mình căm thù nó thật nhưng cũng phải bình tĩnh sáng suốt chứ không được manh động hoặc lạc quan tếu.
Đất nước mạnh lên thì vị thế sẽ khác thôi, lúc đó không thằng nào có thể áp chế được mình nữa. Tôi tin các động thái của chính quyền hiện nay là khôn ngoan, tránh dứt dây động rừng, quân tử báo thù mười năm chưa muộn.
Chơi với thằng Tàu phải nhớ: "không đồng chí, chẳng đồng minh, sống biết mình, biển Đông gác lại".
Shinsaber
Chờ đấy mà Mĩ nó giúp. Hiện giờ thực lực VN và Tàu chênh nhau quá xa, cương với nó lúc này chỉ thiệt thân mà chả được cái gì hết, phải dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết, đành bảo bà con tránh xa mấy vùng đang tranh chấp để khỏi chết oan thôi.
Tuy Mĩ có thể làm đối trọng với Tàu nhưng nước xa sao cứu được lửa gần (mà nó có muốn cứu ko hay lại ngồi xa hưởng lộc), các đối tác mà VN có thể bắt tay được giờ chỉ có Ấn Độ là khả dĩ, Nga thì dở dở ương ương, lại đang bận đối đầu cùng Mĩ.
Giờ thì phải lo mà phát triển kinh tế để tăng cường thực lực quân sự. Ko thì khó mà đấu với Tàu lắm
ABC
Các bạn không để ý sao, chính phủ VN đang nghiêng về phía Mỹ nhưng vẫn ko muốn làm mích lòng TQ.
Xét cho cùng thì làm bạn với TQ chẳng khác gì thỏ làm bạn với Cáo, chẳng được lợi gì, nó chẳng lấy gì của mình là may lắm rồi.
Việc làm bạn với Mỹ cũng phải có thời gian và có chính sách phù hợp, không nên vồ vập mà chịu nhiều thiệt hại cho đất nước, khi đó các bạn lại oán thán chính phủ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng chính phủ quá thận trọng trong việc này, có lẽ là vì nhiều lãnh đạo nhà nước còn e ngại , thiếu bản lĩnh và tầm nhìn xa. Việc trang bị quân đội VN đòi hỏi nhiều kinh phí mà với tiềm lực kinh tế hiện tại VN chưa thể làm được. Chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi, phải làm sao cho VN giàu có thì mới mạnh được.
Mai Ninh, Saigon
Theo tôi thấy hành động của Trung Quốc là hợp lẽ với đường lối Cộng Sản không gì phải bực mình cả, vì đó cũng là đường lối của đảng CS VN khi dành chính quyền và khi cai trị!
Vấn đề đặt ra là 60 tỷ USD từ dầu khí đó sẽ được anh hai TQ chia như thế nào thôi (ngụ ngôn con cáo chia bánh).
Còn mong chờ từ nội lực của VN thì có lẽ đó chỉ là cảm tính, một tinh thần tự ái dân tộc rất "dễ thương". Còn mong đợi ở sự trợ giúp của Mỹ và phương Tây thì phải chờ vào lòng yêu nước của đảng CSVN cầm quyền, vì muốn chơi với họ thì phải chơi theo luật (vì nước VN nhỏ và đang cần họ) mà chơi theo luật của họ thì phải dân chủ, không độc tài, độc quyền...
Thôi vậy, sống ở VN thì phải cam chịu vậy, cố gắng làm lụng để nuôi thân và gia đình, mọi sự còn lại có Đảng lo, đến khi nào không chịu nổi nữa thì hãy tính tiếp!
Teddy, Hà Nội
Dù yêu nước đến mấy thì người VN cũng chỉ có thể chiến đấu loanh quanh trên mặt đất mà thôi. Nếu mà gây sự ở ngoài biển hay trên trời thì ta chịu rồi. Lực bất tòng tâm.
Thời đại này đánh đấm bằng mồm không ăn thua lắm, cứ phải có phương tiện vũ khí chứ. Cầu trời cho Mỹ rủ lòng thương giúp cho thì còn giữ được chứ không thì mất chắc. Mà Mỹ đã giúp thì luôn kèm theo giải pháp chính trị. Cái vụ này có lẽ lại là cái may trong cái hoạ.
VietThach, Saigon
Đất Nước, Dân Tộc là trên hết. Nhà cầm quyền đương thời nên xoá sạch cái gọi là sự nghiệp xây dựng XH Xã hội chủ nghĩa đi!
Hãy quay về với Nhân Dân, lạy các ông! đừng ăn cắp của Nhân Dân nữa và hãy giương cao ngọn cờ Dân tộc, hoà hợp hoà giải, đoàn kết người Việt trong nước và khắp thế giới để chống lại kẻ thù truỵền kiếp!
Minh, Australia
Lại thêm 24 giờ nữa trôi qua. Mở gần hết các trang tin điện tử chủ lực của cộng sản, từ Nhân dân, Quân đội nhân dân, Bộ Ngoại giao cho đến Vietnamnet, Dangcongsan, ... vẫn chưa thấy nhà nước Việt Nam phản ứng gì trước vụ việc này.
Thật là vô cùng thất vọng! 24 giờ, ở các nước khác, thừa đủ để người ta lên tiếng và thậm chí có hành động cụ thể nếu công dân của họ gặp nạn, bị bắt cóc hoặc sát hại ở nước ngoài. Đã 11 ngày rồi. Việt Nam vẫn im lặng. Vì sợ? Hay vì một lý do gì khác? Đây có phải là lần đầu tiên Trung Cộng giết ngư dân Việt Nam đâu?
Tuyen976
Mình phải học tập Nhật Bản, dựa vào nước khác để đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế-khoa học kỹ thuật.
Đến lúc mình mạnh rồi sẽ từ từ tách ra, trang bị vũ khí và quân đội tối tân.
Nước mình cần phải xem lại chính sách quan hệ đối ngoại, phân biệt đâu là bạn, đâu là thù thì tương lai mới vững mạnh được. Nga đi rồi, hãy để cho Mỹ thuê căn cứ quân sự tại Cam Ranh, từ từ phát triển ngoại giao bền chắc để bọn Phillipine, Indonesia, TQ khi nhòm ngó cũng phải dè chừng...Đó mới là thượng sách trong thời điểm hiện nay.
Nguyễn Bình, TP HCM
Tôi thấy các bạn rất bức xúc! Bình tĩnh và đừng lôi CS vào trong việc này.
Ta hãy xem lại thực lực VN và TQ: - Về hải quân: Hạm đội Nam Hải của TQ có 600 tàu chiến lớn nhỏ, có tàu sân bay và tàu ngầm. Trong khi đó, HQ VN cấp tàu chiến lớn nhất chưa đến cấp tàu khu trục thì đánh làm sao?
Không quân TQ bây giờ thuộc hàng hiện đại trên thế giới: không quân sử dụng toàn các máy bay kiểu SU-27 hoặc máy bay tự chế tạo J-10 - tương đương F-18, trong khi đó thì máy bay VN đang sử dụng ở mức thấp hơn nhiều. Để đối chọi ngay với TQ trên biển thì chỉ có một cách thôi: phải là bạn thân của Mỹ hoặc Nga ngay lập tức để "Bạn thân" có thể bảo vệ mình! Việc hiện đại hóa HQ phải từ từ và kinh tế nước nhà phải phát triển đã. ĐCS đang cố gắng nhưng không thể muốn là được.
Nguyễn, Italy
Cách duy nhất để giành lại tất cả đất đai, hải phận mà csvn đã để mất về tay trung cộng là phải xây dựng một quân đội hùng mạnh toàn diện, đưa tất cả những vụ quân tàu ăn cướp đất và biển của ta ra tòa án quốc tế. Nhưng có một điều nếu muốn Quốc tế hậu thuẫn và ủng hộ VN thì phải xây dựng một nền dân chủ thực thụ. Ngoài ra nên cho Hoa kỳ thuê đất để lập các căn cứ quân sự như ở Nam hàn, Nhật bản, EU, có như vậy tụi trung cộng mới không dám bén mảng nhòm ngó đất và biển của ta nữa đấy hỡi các đồng chí thân mến ạ.
Tôi thấy là cái ĐCSVN từ lâu đã làm tay sai cho quân bành trướng Bắc Kinh để mặc sức hưởng thụ để mặc cho vận mệnh quốc gia ra sao. Đất đai của tổ tiên thì họ bán cho tàu để ngồi yên trên ngai vàng mà trụy lạc. Nếu họ, những người CSVN cầm quyền còn một chút lương tri thì hãy lo giữ gìn lấy đất và biển mà các vua Hùng đã lập ra cho tộc Việt bằng cách hợp tác toàn diện với Hoa kỳ, chỉ có như vậy mới chặn đứng được hành động ăn cướp của quân bành trướng Bắc Kinh mà thôi.
Saigon by night
Thiệt là tức, Đài Loan chỉ nhỏ bằng 1/10 nước ta mà TQ chẳng làm gì nổi, dù hiển nhiên Đài loan là của TQ.
Còn người VN ta thì cứ bị TQ bắt bớ và bắn chết hoài. Vậy là sao hả? Thôi thì cho TQ hết cho rồi, nếu không giữ được, rồi xác định lãnh hải lại đàng hoàng cho dân ta biết nước chúng ta "nhỏ" như thế nào để biết đường đi đứng. Cứ hô hào: "Trường sa thân yêu là của VN" mà dân mình cứ ra tới đó là chết, thiệt là nhẫn tâm.
Hoàng Anh, Đà Nẵng
Đất nước Việt Nam không phải sợ Trung Quốc. Nếu có chiến tranh xảy ra Việt Nam chắc chắn đánh bại Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc xâm lược Viết Nam thì các bạn thử nghĩ xem họ sẽ biến Việt Nam thành kho vũ khí lớn nhất thế giới. Họ sẽ vô tình biến cả Đông Nam Á thành đồng minh số một của Mỹ, với các đồng minh ở Đông Nam Á trong tay. Mỹ sẽ tạo ra thế gọng kìm bóp nghẹt Trung Quốc cùng với các đồng minh phía Bắc.
Chiến tranh xâm lược xảy ra Mỹ không thể làm ngơ trước sự bành trướng của Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh gồm liên minh các nước Đông Nam Á với với Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Trung Quốc hiện nay vẫn chưa đủ lực để so sánh với Mỹ. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho Mỹ chấm dứt một kỉ nguyên phát triển của Trung Quốc trước khi Trung Quốc trở nên quá mạnh. Chúng ta phải thẳng tay với Trung Quốc. Nếu đụng vào ta chắc chăn họ sẽ bị xoá sổ trên bản đồ thế giới.
annvietnam
Lãnh đạo đang bận họp quốc hội, nên các bạn thông cảm, với lại trung quốc la anh 3 của chúng ta mà, từ từ rồi đảng ta cũng cố gắng thuyết phục anh ba Trung Quốc thôi, nếu thuyết phục không được nữa thi đảng ta sẽ dung vũ lực với Trung Quốc như là dung vũ lực với bà con nông dân việt nam khiếu kiện đòi đất đai vậy mà.
Hãy tin tưởng đảng ta luôn luôn đi dầu trong mọi công cuộc chống ngoại bang, ngoại xâm, ngư dân việt nam bị bắn cũng mấy mạng rồi nhỉ, co lẽ không sao đâu, đôi khi đảng ta im lặng thời gian chờ xem anh ba bắn bao nhiêu nguời nũa rồi lên tíêng lần một luôn. Mấy Bác cứ nói đảng ta yếu là không được nhé, hãy chờ xem đội quân trung thành của nhân dân ta đáp trả Trung Quốc nha.
Quang, Đà Nẵng
Thật xót xa khi thấy đồng bào ta bị giết hại trên chính lãnh thổ của chúng ta. Tham vọng của Trung Quốc chưa dừng lại ở đó, họ sẽ tiếp tục bành trướng.
Thế hệ trẻ Việt Nam ngay bây giờ phải làm điều gì đó để bảo vệ đất nước, chúng ta cần phải cống hiến hết trí lực và sức lực vì tổ quốc thân yêu của chúng ta . Đất nước ta không nên trông chờ vào sự giúp đỡ, bảo vệ của ngoại quốc.
Chúng ta phải tự xây dựng một nền quân sự hùng mạnh bằng tài trí của người Việt Nam. Để làm được điều đó tuổi trẻ phải ra sức học tập, rèn luyện nghiên cứu, có tinh thần yêu nước, yêu đồng bào. Chúng ta hãy biến Việt Nam thành một cường quốc trên thế giới!
TN
Sức mạnh quốc gia có lẽ là sự đoàn kết chặt chẽ một lòng của dân tộc. Chúng ta đã có sự đoàn kết đó chưa? Bắc cũng như Nam, trong cũng như ngoài nước? Sự thật phũ phàng là chưa. Tại sao? Nước ta tuy nhỏ nhưng nếu đoàn kết thì không một thế lực nào dám gây sự như TQ đã từng thất bại ở VN.
Hãy nhớ lại Thế Chiến 2, Nhật và Đức đều là kẻ bại trận như nhau nhưng phe Đồng Minh không dám xử Nhật Hoàng như đã xử những tướng lãnh hàng đầu của Đức. Tại sao? Phải chăng vì đụng đến Nhật Hoàng là chạm đến tất cả những người dân Nhật còn lại? Đó là điều Đồng Minh phải ngán.
ĐCSVN có đoàn kết được các thành phần dân tộc hay không, các đảng viên cao cấp có chấp nhận một cuộc sống đạm bạc gần gũi, làm gương tốt cho dân như Hoàng gia Nhật hay không. Hãy nhìn lối sống xa hoa, hưởng thụ, phóng túng, cách biệt với quần chúng của họ hiện nay thì rõ.
TQ cũng thừa hiểu rằng xưa nay VN là một đối thủ cứng đầu số một và nếu bẻ gãy được sức đề kháng này thì những nước chung quanh không cần đánh cũng tự động xếp giáp thần phục. Chưa nói tới đoàn kết thì hãy khoan nói đến chống xâm lăng như thế nào và cầm cự được bao lâu. Vận mệnh dân tộc VN ra sao - cho dẫu TQ có muốn xâm lăng hay không - vẫn còn tùy thuộc vào tầm cỡ của các lãnh tụ. Đây cũng là một diễn biến để nhắc nhở các lãnh tụ VN hãy suy nghĩ lại và chọn lựa giữa Đảng của mình và dân tộc VN.
Ng Nguyen, CA
Việt Nam chúng ta cần phải giàu lên và đoàn kết để phát triển , kể cả kỹ nghệ quốc phòng. Hoặc ít ra cũng có tiền mua vũ khí tối tân để quân bành trướng phải dè chừng. Nếu ta có thằng bạn lúc nào cũng lẫn dao găm, hở ra là đâm ngang thì làm ăn cũng khó. Dân tôc Việt anh dũng có thừa, nhưng vì nghèo và lạc hậu về vũ khí nên điều lớn lao nhất có thể làm được là liều chết để giữ nước chứ chẳng làm gì được chúng .
Chúng ta làm sao đừng để mất quá nhiều năng lực vào việc giành giựt đất đai, chống tham nhũng,và v.v . Thiệt thòi với bà con mình chút đỉnh có hơn để cho kẻ cướp giựt phăng đi không .
Quang, South Carolina
Nhu nhược quá mức! Mất đất mất biển rồi nay ngư dân nước mình chết và bị thương đã 10 ngày mà CSVN vẫn chưa lên tiếng phản kháng.
Nếu có, chắc là phải để sau kỳ họp quốc hội này, cũng sẽ hết sức yếu ớt. Vì bị 16 chữ vàng kia làm cho hoa mắt, u mê đầu óc, tê liệt chân tay. Hiểm họa phương bắc đang phủ dần bóng đen của nó xuống phương nam. Những lúc như thế này rất cần tranh thủ lòng dân đến mức cao nhất, thì lại gia tăng kìm kẹp, trấn áp, xuống tay với chính đồng bào của mình. Giặc thì mạnh, lòng người lại ly tán, thì ngôi báu của đảng cũng khó bề mà giữ được.
Park, Quebec
Tôi nghĩ người Việt ta dù ở trong nước hay nước ngoài cũng nên gác bỏ mâu thuẫn, đoàn kết nhau lại chống ngoại bang. Việt Nam là Việt Nam, không nên dựa vào trung Quốc, Nhật Mỹ gì hết. Hãy phát huy nội lực của mình để bảo toàn lãnh thổ. Nếu bây giờ Tổ quốc bị xâm lăng, tôi nghĩ cả ba triệu Việt kiều sẽ trở về cùng chiến đấu với đồng bào quốc nội. Trung Quốc đã lấn đất của ta cả ngàn năm trước rồi, không thể nhún nhường hơn được nữa.
Minh Hoàng, Sài gòn
Tục ngữ có câu: "Khôn nhà dại chợ". Qua chuyện này thiết nghĩ nhà nước CSVN nên có thái độ mạnh mẽ trước Trung Quốc hơn là thẳng tay đàn áp những người dân oan không có 1 tấc sắt trong tay.
Huy Ho, San Jose, USA
Tôi thật sự nóng người lên mỗi khi nghe bờ cõi VN bị xâm phạm và đồng bào mình phải bỏ mình. Đây thật sự là điều đau lòng và sỉ nhục cho dân tộc. Nhưng mọi sự mất mát, hy sinh để bảo vệ dân tộc đều nên làm. Khi cá nhân nào rơi vào hoàn cảnh này thì nên chấp nhận số phận và đóng góp vào việc bảo vệ lãnh thổ một cách oanh liệt nhất. Cứ đứng cao, ngẩng đầu bất phục.
VN còn tồn tại tới ngày hôm nay không phải là chúng ta có vũ khí tối tân, hoặc là sức mạnh vô địch. Mà là tinh thần yêu nước mãnh liệt, bất khuất của dân tộc ta. Chúng ta không thể im lặng rút lui, hoặc đổ lỗi cho nhau. Nếu mỗi khi đối đầu đều bỏ chạy, thì không bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn mảnh đất VN nữa, TQ sẽ ngày qua ngày đánh lấn và chiếm tất cả. Những ngư dân ta không phải là người lính, nhưng sự bỏ mình cũa họ đáng được tôn vinh. Chúng ta hãy cùng cầu xin cho linh hồn họ được yên giấc.
TT, Mỹ
Điều này cho thấy tăng cường sức mạnh hải quân là một vấn đề cấp bách, việc mà lẽ ra VN phải làm từ lâu. VN có thể nhờ tới những người bạn thật sự của mình như Nhật Bản hay Ấn Độ.
Ẩn danh
Chơi với Trung Quốc chẳng khác nào trao thân cho tướng cướp. VN có thể dựa vào Mỹ cho an ninh và phát triển. Dựa vào đại gia cũng tốt hơn.
Không nêu tên
Thật chịu hết nổi, mặc dầu ở nước ngoài nhưng nếu có sự tranh chấp về mặt quân sự, tôi sẽ tình nguyện cầm súng để giữ lãnh thổ Việt Nam.
Mai, Florida
Sự việc xảy ra hôm 9-7, đến nay đúng 10 ngày mà chính quyền VN vẫn chưa lên tiếng cho dân biết, vì sao? Tôi nghĩ TQ chỉ muốn nhắc cho VN biết rằng: chú mày có muốn tiến gần hơn với USA thì tao ở sát nách mày vẫn có thể chĩa dao vào cổ mày bất cứ lúc nào! Chỉ tội cho dân lành.