Saturday, October 30, 2010

29/10 Cắt điện đột ngột phải bồi thường cho người tiêu dùng

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại phiên họp chiều 29/10, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng.


Dự thảo luật quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng. Đại biểu Dương Kim Anh đề nghị thêm cụm từ “tài sản” trước “sức khỏe”. Bởi vì thực tế có những tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong quá trình cung cấp không đầy đủ như thông báo với khách hàng. Như tình trạng điện lúc có lúc không thời gian qua đã gây thiệt hại rất lớn cho nhà sản xuất.

Một cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản nếu điện chỉ cần cắt đột ngột khoảng 30 giây thôi thì đã thiệt hại 5-6 triệu đồng. Như vậy nơi cung cấp điện đã gây thiệt hại đến tài sản của người tiêu dùng và phải bồi thường thiệt hại cho cơ sở sản xuất này, đại biểu Kim Anh phân tích.

Đại biểu Trần Đình Nhã phản ánh nhắn gửi của cử tri, rằng khi ban hành luật này cần quan tâm đến vấn đề giá cả. Bởi vì bây giờ người tiêu dùng ở nước ta luôn cảm thấy bị “móc túi” một cách quá đáng trong giá thuốc, giá sữa, giá dịch vụ.

Đấy là thiệt hại rất nghiêm trọng đối với người tiêu dùng nên luật cần có quy định điều chỉnh giá cả “trên trời” như hiện nay, đại biểu Nhã đề nghị.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình khi dự án luật đã có quy định về quảng cáo sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên vẫn đề nghị cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ cũng như ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng ở lĩnh vực quảng cáo. Nhất là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thiết thực cho sản xuất của nông dân như thuốc trừ sâu, phân bón.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn lo ngại về tính khả thi của một số nội dung tại dự luật. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào đặt câu hỏi, với truyền thống đất nước tự sản tự tiêu, với truyền thống quan niệm thuận mua vừa bán và bước vào nền kinh tế thị trường, liệu có vội vã hay không khi chúng ta thông qua kỳ họp lần này?

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trình độ nhiều mặt ở nước ta cũng còn thấp so với các nước phát triển và các nước đang phát triển mà pháp luật của chúng ta xây dựng theo hướng của một xã hội hiện đại. Cho nên đúng là trong thực tế có những quy định của pháp luật thì có tính khả thi, có quy định của pháp luật thì tính khả thi còn hạn chế. Và cũng có quy định của pháp luật thì cũng mang tính chất kêu gọi, khuyến cáo.

Theo Nguyễn Lê

Vneconomy

26/10 Bồi dưỡng năng lực quản lý xây dựng, phát triển đô thị cho công chức lãnh đạo

11:23 AM, 26/10/2010
(Chinhphu.vn) - Đến năm 2015, có 100% công chức lãnh đạo đương nhiệm, công chức đô thị từ loại V trở lên, công chức lãnh đạo, chuyên môn các cơ quan tham mưu giúp UBND các cấp quản lý xây dựng và phát triển đô thị được đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng và phát triển đô thị.


Nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo và công chức chuyên môn - Ảnh minh họa


Đây là mục tiêu của Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010.

8 đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng sẽ tập trung vào 6 lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nông thôn; quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật, môi trường đô thị và vấn đề các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu toàn cầu; quản lý đô thị; bảo tồn di sản đô thị; quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản; tài chính xây dựng đô thị.


Sẽ có 8 đối tượng công chức lãnh đạo và công chức chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án này, gồm:

1. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

2. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố, thị xã thuộc tỉnh;

3. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;

4. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, xã của các thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh;

5. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thị trấn;

6. Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng, Phó phòng chuyên môn thuộc các Sở Xây dựng, Quy hoạch - kiến trúc, Giao thông thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

7. Trưởng, Phó phòng quản lý đô thị, công thương thuộc quận, huyện, thành phố, thị xã;

8. Công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường phường, thị trấn và công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã thuộc thành phố, thị xã.

Theo Đề án, sẽ tiến hành đào tạo, bồi dưỡng tập trung trong thời gian từ 5-10 ngày. Đối với chương trình có thời gian trên 10 ngày, có thể tổ chức học thành 2 đợt, trong thời gian học có kiểm tra, đi thực tế và cấp chứng chỉ. Đào tạo, bồi dưỡng trong nước kết hợp với tham quan học tập ở nước ngoài.

Minh Hùng

26/10 Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Viên chức

4:58 PM, 26/10/2010
(Chinhphu.vn) - Phạm vi điều chỉnh, quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập... là những nội dung của dự thảo Luật viên chức được tập trung thảo luận trong phiên họp toàn thể Quốc hội hôm nay…


Đại biểu tỉnh Khánh Hòa Bo Bo Thị Yến phát biểu - Chinhphu.vn


Dự thảo Luật Viên chức gồm 6 chương, 36 điều, nếu được thông qua Luật này sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm 2012.

Liên quan tới phạm vi điều chỉnh của Luật, vẫn còn nhiều ý kiến nhưng đa số tán thành với quy định của dự thảo Luật là chỉ điều chỉnh viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo các đại biểu, đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động trực tiếp hay gián tiếp chính là Nhà nước. Hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản của Nhà nước, phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang được nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động. Vì thế cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị này không thể áp dụng như các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập .

Về tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức, đa số đại biểu tán thành với điều 24 của dự thảo luật, là đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị được thực hiện việc tuyển viên chức và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Tuy nhiên, theo đại biểu Vi Thị Hường (Điện Biên) cần có quy định trách nhiệm rõ ràng cũng như cần có cơ chế kiểm tra bảo đảm sự minh bạch bởi việc giao quyền cho người đứng đầu quá nhiều, dễ tạo nên tiêu cực thiếu khách quan.

Về vấn đề công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định trong dự thảo viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam.

Lấy dẫn chứng cụ thể là trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu, đại biểu Nguyễn Đức Mạnh (Bình Phước) cho rằng cần có quy định cụ thể tạo điều kiện cho người có tài năng tâm huyết tham gia đóng góp cho đất nước. Nếu bó hẹp, sẽ ảnh hưởng đến thu hút người tâm huyết phát triển sự nghiệp công lập. Với những trường hợp như thế cần có cơ chế mời họ về làm việc.

Cùng ngày, Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào các nội dung như trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, quy định về hình thức doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới …

Luật kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2001 là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Về cơ bản, các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành là phù hợp với các yêu cầu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và loại hình doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm bình quân tăng 27%/năm và tính đến hết năm 2009 đã tái vốn đầu tư trở lại cho nền kinh tế tăng 13 lần so với năm 2000.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm lần này dựa trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành và xuất phát từ những nhu cầu bức xúc trong thực tế hoạt động.

Quỳnh Hoa

27/10 Sửa Luật khoáng sản, tăng trách nhiệm đối với tài nguyên

5:47 PM, 27/10/2010
(Chinhphu.vn) – Hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện tâm huyết đối với việc gìn giữ nguồn tài nguyên của đất nước và bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản có hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường.


Gồm XI chương và 86 điều, dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận chiều nay (27/10) tại hội trường. Nếu được thông qua, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.

Hầu hết ý kiến của các đại biểu đều thể hiện tâm huyết đối với việc gìn giữ nguồn tài nguyên của đất nước và bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản có hiệu quả, khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước lâu dài.

Vấn đề được các đại biểu quan tâm đó là quyền lợi của người dân, địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

Nhiều ý kiến đề nghị nhà nước có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác.

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho biết, nếu theo điều 17 quy định tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, có nghĩa việc khai thác phải đảm bảo lợi ích cho người dân, trong đó có người dân vùng khai thác khoáng sản. Khai thác phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng.

Thực tế hiện nay, trách nhiệm cộng đồng của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn hạn chế nên không ít nơi đã xảy ra mâu thuẫn xung đột cũng như môi trường xuống cấp.

Đại biểu Lan đề nghị, cần có quy định cụ thể mang tính định lượng thì mới giải quyết các vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cũng nêu vấn đề, có thực trạng, tại một số nơi tiến hành khai thác khoáng sản, trong khi người dân khu vực đó có đời sống khó khăn thì các doanh nghiệp khai thác lại hưởng lợi nhuận cao.

Từ đó, đại biểu Tuyết cho rằng, cần quy định trong dự thảo Luật cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý, đảm bảo lợi ích cho người dân địa phương.

Đồng thời trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể quy chế sử dụng, quản lý nguồn thu này của địa phương vào các mục đích phục vụ cộng đồng. Thêm vào đó, trong trường hợp việc khai thác khoáng sản gây thiệt hại đến sản xuất của người dân thì cũng phải có quy chế bồi thường hợp lý.

Liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với việc bảo vệ môi trường, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) mong muốn, cần quy định cụ thể trong luật trong trường hợp xảy ra sự cố về môi trường. Dự luật phải quy định rõ trách nhiệm xử lý, giải quyết những vụ việc như vậy thuộc về cơ quan, tổ chức nào.

Bên cạnh trách nhiệm về môi trường, theo đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản còn phải có trách nhiệm trong việc sửa chữa, duy tu đường sá trên tuyến vận chuyển khoáng sản khai thác. Bởi trên thực tế, nhiều trường hợp khai thác khoáng sản ở tỉnh này nhưng gây hỏng cả đường sá ở tỉnh khác trong quá trình vận chuyển.

Liên quan đến việc đấu giá quyền thăm dò và quyền khai thác khoáng sản, đa số các ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo Luật bởi điều này mở ra cơ hội thu hút nhiều nguồn vốn, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tham gia, đặc biệt hạn chế cơ chế xin cho.

Theo đại biểu Lê Quốc Dũng (Đồng Tháp), vẫn phải quy định điều kiện cụ thể đối với đơn vị trúng thầu để đảm bảo doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, công nghệ phù hợp, tránh lãng phí tài nguyên cũng như hạn chế hiện tượng bán lại dự án.

Quỳnh Hoa


30/10 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ

6:01 AM, 30/10/2010
(Chinhphu.vn) – Hoan nghênh ý tưởng của Ngoại trưởng Hillary Clinton về việc nâng cấp quan hệ hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã giao cho các cơ quan hữu quan nghiên cứu và trao đổi với Hoa Kỳ về vấn đề này, trong đó coi quan hệ kinh tế là cốt lõi của quan hệ hai nước, là động lực thúc đẩy các quan hệ khác phát triển.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại trưởng Hillary Clinton - Ảnh Chinhphu.vn




Tối 29/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sang dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) được tổ chức tại Hà Nội.


Chào mừng chào mừng vị khách mời đặc biệt tham dự EAS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn những lời chia buồn và sự hỗ trợ thiết thực của Hoa Kỳ đối với những thiệt hại của nhân dân miền Trung Việt Nam trong đợt lũ lụt vừa qua.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2010 Hoa Kỳ đã có nhiều đóng góp quan trọng tăng cường quan hệ với ASEAN đồng thời ủng hộ Hoa Kỳ triển khai các chính sách mang tính xây dựng tại khu vực, nhất là Sáng kiến Tiểu vùng Mekong và khẳng định nhất trí ủng hộ Hoa Kỳ trở thành thành viên đầy đủ của Cấp cao Đông Á.


Hoan nghênh ý tưởng của Ngoại trưởng Hillary Clinton về việc nâng cấp quan hệ hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã giao cho các cơ quan hữu quan nghiên cứu và trao đổi với Hoa Kỳ về vấn đề này, trong đó coi quan hệ kinh tế là cốt lõi của quan hệ hai nước, là động lực thúc đẩy các quan hệ khác phát triển.


Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ xem xét hỗ trợ phát triển Đại học Cần Thơ thành đại học đẳng cấp khu vực, trong đó có chuyên sâu về đào tạo, nghiên cứu ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu ở khu vực Mekong, tiếp tục cường hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh.




Ảnh Chinhphu.vn



Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhắc lại lời mời Tổng thống Obama thăm Việt Nam vào năm 2011, bày tỏ mong muốn sớm đón cựu Tổng thống Bill Clinton thăm lại Việt Nam.


Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định cam kết nâng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, trong đó tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo...bởi hai nước còn nhiều tiềm năng để triển khai quan hệ đối tác vì lợi ích chung của mỗi quốc gia.


Chúc mừng những thành công của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Ngoại trưởng Hillary Clinton đánh giá cao những hợp tác giữa hai nước trong thời gian gần đây.


Ngoại trưởng Hillary Clinton đề nghị hai bên đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng trường đại học chuyên về biến đổi khí hậu cũng như kinh phí rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc dioxin, y tế, phòng chống HIV/AIDS...


Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với đảm bảo an toàn, an ninh trên Biển Đông và đề nghị các nước trong khu vực tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho vấn đề Biển Đông, trước hết phải tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC)./.


Hải Minh - Nhật Bắc

29/10 ASEAN mong muốn quan hệ sâu sắc hơn với Nhật Bản

1:12 PM, 29/10/2010
(Chinhphu.vn) - Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản là một trong những quan hệ quan trọng hàng đầu của ASEAN.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 29/10, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần thứ 13 đã mở đầu ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các Cấp cao liên quan tại Hà Nội.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và các nhà lãnh đạo ASEAN, Hội nghị đã tiến hành kiểm điểm và xác định hướng phát triển thời gian tới cho quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản là một trong những quan hệ quan trọng hàng đầu của ASEAN.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ toàn diện ASEAN - Nhật Bản, khai thác mọi tiềm năng để đưa hợp tác đi vào thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy liên kết khu vực rộng lớn hơn ở Đông Á.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản là một trong những quan hệ quan trọng hàng đầu của ASEAN - Ảnh: Chinhphu.vn

Trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Indonesia đã thông báo với Hội nghị về những tiến triển mới trong quan hệ đối thoại giữa hai bên, bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển quan trọng, thực chất thời gian qua, đặc biệt là về kết quả thực hiện Kế hoạch hành động triển khai “Tuyên bố Tokyo về Quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản năng động và dâu dài bước vào Thiên niên kỷ mới”.

ASEAN đánh giá cao vai trò của Quỹ Liên kết ASEAN-Nhật (JAIF), trong đó có việc sớm triển khai các cam kết hỗ trợ ASEAN, nhất là khoản 62 triệu USD trợ giúp khẩn cấp đối phó với khủng hoảng tài chính cho khu vực ASEAN.

ASEAN và Nhật Bản nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả quan hệ đối tác lâu dài, hữu nghị và chiến lược vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.


Ảnh: Chinhphu.vn

Các nhà lãnh đạo giao các Bộ trưởng và các quan chức đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về kinh tế - thương mại, nhất là triển khai có hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP); hợp tác phát triển Tiểu vùng, đặc biệt là triển khai Sáng kiến Một thập kỷ Mekong xanh vì sự phát triển bền vững ở lưu vực Mekong; tăng cường hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, chống khủng bố, an ninh biển, an ninh năng lượng…; thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân dân...

Kết thúc, Chủ tịch Hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 13./.

Lam Chi- Nhật Bắc

29/10 ASEAN- Hàn Quốc đối tác chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng

3:37 PM, 29/10/2010
(Chinhphu.vn) - Nhằm đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 13 nhất trí nâng quan hệ ASEAN-Hàn Quốc thành đối tác chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng.


Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 13 tại Hà Nội - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 29/10, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 13 đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tham dự Hội nghị có Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak và lãnh đạo các nước ASEAN.

Thủ tướng Lào, trên cương vị nước điều phối chia sẻ với Hội nghị về những tiến triển gần đây trong quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc. Các nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những phát triển và hợp tác tốt đẹp giữa ASEAN và Hàn Quốc sau hơn hai thập kỷ hình thành quan hệ đối tác.

Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh “Sáng kiến châu Á mới” của Hàn Quốc ưu tiên tăng cường hợp tác với ASEAN. Nhằm đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, các nhà lãnh đạo nhất trí nâng quan hệ ASEAN-Hàn Quốc thành đối tác chiến lược và thông qua Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 13 - Ảnh: Chinhphu.vn

Các nhà lãnh đạo hài lòng ghi nhận kết quả tích cực trong việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố chung về Hợp tác và Đối tác toàn diện giai đoạn 2006-2010 và đã thông qua Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2011-2015 với nhiều biện pháp hợp tác quan trọng và thiết thực.

Về kinh tế-thương mại, ASEAN - Hàn Quốc nhất trí sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai hiệu quả tất cả các thỏa thuận, hiệp định trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) và khẳng định cam kết nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 150 tỉ USD vào năm 2015.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng hoan nghênh Sáng kiến của Hàn Quốc về Tăng trưởng Xanh ít carbon nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Hàn Quốc - Ảnh: Chinhphu.vn

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. ASEAN khẳng định ủng hộ đối thoại và hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như các nỗ lực nối lại đàm phán 6 bên hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

ASEAN hoan nghênh việc Hàn Quốc tiếp nhận cương vị Chủ tịch Nhóm G-20, đánh giá cao việc Hàn Quốc mời Chủ tịch ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao của G-20 vào tháng 11 tới và đã cùng với Hàn Quốc trao đổi về các nội dung tham gia đóng góp của ASEAN tại Hội nghị này.

Kết thúc, Chủ tịch Hội nghị đã ra Tuyên bố về kết quả và các quyết định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc./.

Cao Phong- Nhật Bắc

29/10 Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc

7:06 PM, 29/10/2010

(Chinhphu.vn) - Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc là mối quan hệ phát triển năng động và toàn diện nhất của ASEAN.


Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc - Ảnh: Chinhphu.vn


Ngày 29/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 13 tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và lãnh đạo các nước ASEAN.

Thông qua Kế hoạch hành động mới cho giai đoạn 2011-2015

Trên cương vị nước điều phối, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá những bước phát triển mạnh mẽ và thiết thực năm qua trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc là mối quan hệ phát triển năng động và toàn diện nhất của ASEAN.

Các nhà lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc bày tỏ coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện.

Hai bên hài lòng ghi nhận những kết quả thiết thực trong việc thực hiện Kế hoạch hành động (giai đoạn 2005-2010) nhằm triển khai Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc vì Hòa bình và Thịnh vượng và nhất trí thông qua Kế hoạch hành động mới cho giai đoạn 2011-2015.

ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Các nhà lãnh đạo hai bên cũng đã trao đổi về các hoạt động phù hợp để thiết thực kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc vào 2011, năm hữu nghị ASEAN-Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và các hiệp định liên quan bắt đầu được triển khai từ ngày 1/1/2010. Trung Quốc hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, với thương mại hai chiều đạt trên 200 tỉ USD.

Ảnh: Chinhphu.vn

Nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 tỉ USD

Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các thỏa thuận trong khuôn khổ ACFTA, trên cơ sở cùng có lợi, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 tỉ USD và tăng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN lên 10 tỉ USD vào năm 2015.

Hai bên cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi và triển khai các dự án do Trung Quốc hỗ trợ như Quỹ tín dụng trị giá 15 tỉ USD và Quỹ hợp tác đầu tư ASEAN Trung Quốc trị giá 10 tỉ USD cũng như các sáng kiến do Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra dịp này nhằm tăng cường hợp tác các mặt với ASEAN, với trọng tâm ưu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối ở khu vực.

ASEAN và Trung Quốc nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Công, trong các khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Hợp tác phát triển lưu vực Mê Công (AMBDC), Ủy hội Mê Công (MRC), Hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS)…

Hợp tác toàn diện hướng tới phát triển đồng đều, bền vững

Tại dịp này, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về Phát triển bền vững, khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện hướng tới phát triển đồng đều và bền vững trong tương lai, nhất là trong việc ứng phó và xử lý hiệu quả các thách thức đang nổi lên như môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực…

Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; tuân thủ và thực hiện hiệu quả Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy hợp tác tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc; cũng như đẩy mạnh hợp tác xử lý các vấn đề cùng quan tâm, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống mà khu vực đang phải đối mặt.



Các nhà Lãnh đạo khai trương trang thông tin trực tuyến ASEAN-Trung Quốc - Ảnh: Chinhphu.vn



Khai trương trang thông tin trực tuyến ASEAN-Trung Quốc

Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo cũng đã chứng kiến Lễ khai trương trang thông tin trực tuyến về quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Kết thúc, Chủ tịch Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch về Kết quả và các quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 13.

Cùng ngày, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc đã ký Nghị định thư thứ 2 về sửa đổi Hiệp định Thương mại Hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN- Trung Quốc; đại diện Ngân hàng Phát triển Trung Quốc ký với đại diện các Ngân hàng ASEAN Hiệp định khung thành lập Hiệp hội liên Ngân hàng Trung Quốc-ASEAN./.

An Bình- Nhật Bắc

28/10 Chấm dứt hoạt động 3 chi nhánh công ty thuốc lá nước ngoài tại Việt Nam

6:13 PM, 28/10/2010

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về việc chấm dứt hoạt động của 3 chi nhánh công ty thuốc lá nước ngoài tại Việt Nam gồm: Chi nhánh Công ty JTI (VIETNAM) PTE.LTD, Chi nhánh Công ty BAT Việt Nam Ltd và Chi nhánh Công ty Philip Morris Việt Nam S.A.


Ảnh minh họa


Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ khi trao đổi với Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ, được biết, Chính phủ đã có chủ trương sau khi hết hạn hoạt động của các chi nhánh công ty thuốc lá nước ngoài tại Việt Nam sẽ không tiếp tục gia hạn giấy phép hoạt động của các chi nhánh này.

Trước đó, để có cơ sở ra quyết định chấm dứt hoạt động của 3 chi nhánh công ty thuốc lá nước ngoài nêu trên, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ ra quyết định chính thức chấm dứt hoạt động của 3 chi nhánh này.

Quốc Hà

29/10 Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 8 vào cuối năm 2010

4:17 PM, 29/10/2010

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 8.


Ảnh minh họa


Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện sự kiện này.

Trao đổi với Vụ Theo dõi khiếu nại tố cáo và PCTN, được biết, Hội nghị đối thoại lần này dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 11/2010 với chủ đề "PCTN trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai".

Đồng chủ trì buổi đối thoại gồm có Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ, Chương trình Hội nghị đối thoại sẽ gồm 2 phần.

Hội nghị đối thoại lần thứ 7 đã diễn ra trong tháng 5 vừa qua với chủ đề "PCTN trong lĩnh vực giáo dục".

Phần 1 là báo cáo về những tiến triển trong công tác PCTN của Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực giáo dục nói riêng kể từ sau đối thoại về PCTN lần thứ 7.

Phần 2 là đối thoại về chủ đề PCTN trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.

Được biết, trước khi diễn ra Hội nghị trên, sẽ tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học về nguy cơ tham nhũng liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở; tổ chức hội thảo đánh giá những tác động tích cực của kỳ đối thoại PCTN lần 7 tới nhận thức xã hội và công tác PCTN trong lĩnh vực giáo dục.

Quốc Hà

29/10 Thành lập thêm 2 trường Đại học

5:56 PM, 29/10/2010

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định thành lập 2 Trường Đại học trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Lục quân 1 và 2, trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Cụ thể, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Lục
quân 1, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trường có trụ sở chính tại Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Thành lập Trường Đại học Nguyễn Huệ trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Lục quân 2, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trụ sở chính của trường tại tỉnh Đồng Nai.

2 trường Đại học trên đều là cơ sở giáo dục đại học công lập, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Chí Kiên

(Nguồn: Quyết định 1972, 1973/QĐ-TTg

29/10 27 văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ 1/1/2011

6:14 PM, 29/10/2010

(Chinhphu.vn) – Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành Danh mục 27 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2011.


Sẽ có 3 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật các tổ chức tín dụng - Ảnh
minh họa

Trong số 27 văn bản trên có 20 Nghị định và 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm quy định chi tiết thi hành 10 luật gồm: Luật Nuôi con nuôi, Luật Trọng tài thương mại, Luật Người khuyết tật, Luật Bưu chính, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thi hành án hình sự, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong số các luật trên, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ có 7 văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, Bộ Công Thương soạn thảo 2 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trình trong tháng 11,12/2010; các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, mỗi Bộ soạn thảo 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trình trong quý I/2011.

Đối với Luật Thi hành án hình sự sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011, Thủ tướng giao Bộ Công an soạn thảo 8 Nghị định và trình trong tháng 3 và 4/2011.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo; thống nhất quan điểm, nội dung trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng dự thảo văn bản và đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Xem Danh mục 27 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực từ 1/1/2011 tại đây.

Thu Nga