Friday, August 19, 2011

19/08 Nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND - những yêu cầu lý luận và thực tiễn


Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ
07:28 | 19/08/2011
Báo cáo đề dẫn của Thường trực HĐND tỉnh Nam Định do PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH NAM ĐỊNH TRẦN LƯƠNG BẰNG trình bày
Kính thưa các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể các đồng chí!
Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ đã thống nhất cao với chủ đề hội nghị theo đề xuất của Thường trực HĐND tỉnh Nam Định, đó là: “Nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân”. Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa bao trùm và có tác động mang tính quyết định đến hiệu quả hoạt động của HĐND. Đặc biệt, Hội nghị của chúng ta diễn ra trong thời điểm đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016, Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND nhiều địa phương được bầu mới, vì vậy, mục đích việc lựa chọn chủ đề này là thông qua trao đổi, thảo luận tại hội nghị sẽ rút ra các vấn đề cả về lý luận và thực tiễn nhằm xác định rõ vai trò, trách nhiệm và củng cố thêm những kỹ năng cơ bản trong hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và Văn phòng giúp việc cho HĐND nhằm nâng cao chất lượng kỳ họp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Kính thưa các vị đại biểu!
Từ thực tế hoạt động của HĐND, chúng ta có thể thấy có rất nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan tác động đến chất lượng kỳ họp HĐND. Thứ nhất: Về xây dựng nội dung, chương trình kỳ họp: vào kỳ họp cuối năm, HĐND đều ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng nghị quyết của năm sau, vậy các bước tiến hành thế nào, Thường trực HĐND cần phải phối hợp với UBND, các tổ chức hữu quan những vấn đề gì để đảm bảo Chương trình xây dựng nghị quyết phù hợp với yêu cầu đặt ra và mang tính khả thi cao? Sự phối hợp và trách nhiệm của Thường trực HĐND, các Ban HĐND với UBND, Ban thường trực UBMTTQ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan như thế nào trong chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp? Quan điểm xử lý của Thường trực, các Ban HĐND đối với những nội dung phát sinh do UBND trình sau khi đã có thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp như thế nào?
Thứ hai: Về nâng cao chất lượng và đảm bảo thời gian hoàn thành các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp: cần làm rõ trách nhiệm đôn đốc và những yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp như thế nào? Cách xử lý của Thường trực HĐND, các Ban HĐND đối với những nội dung báo cáo, đề án gửi muộn, gây khó khăn cho công tác thẩm tra của các Ban HĐND? việc tham gia của các Ban HĐND với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND ngay từ khi soạn thảo nội dung các báo cáo, đề án, nghị quyết có cần thiết và phù hợp không? 
Thứ ba: Về hoạt động giám sát, thẩm tra trước kỳ họp và nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND trình tại kỳ họp: báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND là thông tin hết sức tin cậy giúp cho các đại biểu HĐND làm căn cứ để đi đến những quyết định quan trọng của kỳ họp. Vấn đề đặt ra là: Cách thức tiến hành việc giám sát, thẩm tra như thế nào; làm thế nào để thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu, đánh giá tình hình và lựa chọn nội dung trọng tâm giám sát? Qua giám sát, thẩm tra các Ban cần phải nắm bắt những gì và thể hiện quan điểm như thế nào để báo cáo thẩm tra có chất lượng và độ tin cậy cao? Việc tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân để đảm bảo sự phù hợp của các cơ chế, chính sách do HĐND ban hành nên thực hiện như thế nào? Đề nghị các địa phương đã tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân trao đổi những hình thức tham vấn hiệu quả nhất đã được triển khai và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân ở địa phương mình.
Thứ tư: Tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri và tham gia vào các nội dung của kỳ họp: Cần làm rõ vai trò của Thường trực HĐND trong việc phối hợp với UBMTTQ hướng dẫn các Tổ đại biểu tiếp xúc cử tri, tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, tập hợp ý kiến kiến nghị của cử tri nhằm khắc phục tính hình thức và phản ánh trung thực, đầy đủ các kiến nghị của cử tri; làm thế nào để các đại biểu HĐND có thể chuẩn bị ý kiến tham gia vào các nội dung của kỳ họp? trách nhiệm của Tổ đại biểu như thế nào trong việc chuẩn bị tham gia vào các nội dung của kỳ họp? Trong khi Nhà nước chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và chế độ chính sách phục vụ hoạt động của Tổ đại biểu HĐND, thì các địa phương đã có những cách làm, cách vận dụng như thế nào để nâng cao vai trò của Tổ đại biểu HĐND, nhất là các địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện?
Thứ năm: Về kỹ năng điều hành kỳ họp của Thường trực HĐND: Kỳ họp thường lệ của HĐND diễn ra trong phạm vi từ 2,5 đến 3 ngày, vậy cần phải bố trí thời gian như thế nào để đảm bảo cho việc sử dụng thời gian mỗi phiên họp đủ nội dung và đạt hiệu quả cao? Quy định các nội dung báo cáo tại hội trường, trả lời chất vấn và đối tượng trình bày như thế nào? Có biện pháp gì để nâng cao hiệu quả trong thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn? Cách xử lý những vấn đề thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu? Việc chuẩn bị dự thảo Nghị quyết và điều hành biểu quyết như thế nào để đảm bảo Nghị quyết khi được thông qua có sự thống nhất cao?
Thứ sáu: Về công tác thông tin, tuyên truyền: Kỳ họp HĐND là hoạt động được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, vậy, cần làm thế nào để các nội dung của kỳ họp được chuyển tải rộng khắp và đầy đủ đến mọi tầng lớp nhân dân? Những hình thức tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp? Công tác tập hợp và in Kỷ yếu của kỳ họp? Việc triển khai thực hiện Nghị quyết như thế nào?
Thứ bảy: Công tác tham mưu và phục vụ kỳ họp: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND. Để đảm bảo cho công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp được thuận lợi, Thường trực HĐND chỉ đạo hoạt động của Văn phòng như thế nào trong việc tham mưu, phục vụ hoạt động của Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND trước, trong và sau kỳ họp? Cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo Nghị quyết 545/2007/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đảm bảo cho hoạt động của HĐND tỉnh chưa? Cần kiến nghị, đề xuất gì?
Thường trực HĐND tỉnh Nam Định xin kính chúc các vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc Hội nghị thu được nhiều kết quả và thành công tốt đẹp!

No comments:

Post a Comment