Thursday, September 22, 2011

22/09 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức 3 nước

22/09/2011 | 19:46:00


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 22/9, Bộ Ngoại giao ra thông cáo cho biết, nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Cộng hòa Uzbekistan Savkat Mizziyayev và Thủ tướng Ukraine Mikola Azarov, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân sẽ thăm chính thức ba nước này.

Chuyến thăm Vương quốc Hà Lan diễn ra từ ngày 27/9-1/10, Cộng hòa Uzbekistan từ ngày 2-4/10 và Ukraine từ ngày 4-6/10./.
(TTXVN/Vietnam+)

22/09 Cải cách kinh tế: Bắt đầu từ kỷ luật tài khóa



Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa điều chỉnh kịch bản kinh tế năm 2011 (được trung tâm này công bố vào tháng 5/2011) với chỉ số lạm phát ở kịch bản thấp là 18,2% và kịch bản cao là 24,5%.

VEPR cảnh báo: Lạm phát vẫn có thể vượt tầm kiểm soát kéo theo những rủi ro vĩ mô khá lớn nếu như tính kiên định trong việc thực thi chính sách, vì một lý do nào đó, bị giảm sút.

Lạm phát: 18,2% hay 24,5%?
Trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011 được công bố hồi tháng 5-2011, VEPR đưa ra 2 kịch bản. Theo đó, ở kịch bản thứ nhất, lạm phát cả năm khoảng 15,5% và tăng trưởng GDP là 6,18%; ở kịch bản 2, lạm phát khoảng 18,2% và tăng trưởng GDP là 6,55%.

Tuy nhiên, mới đây, VEPR đã điều chỉnh lại các kịch bản này mà theo đó ở kịch bản lạc quan, mức lạm phát cả năm vào khoảng  18,2%, tăng trưởng GDP khoảng 6,2%. "Kịch bản này chỉ đạt được nếu chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách kiên nhẫn (có thể kéo dài đến hết năm) đi liền với cắt giảm đầu tư công một cách nghiêm khắc (như tinh thần của Nghị quyết 11)" - TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR cho biết. Ngược lại, theo TS. Thành, trong trường hợp xấu, lạm phát có thể lên tới 24,5%.

Phân tích diễn biến động thái chính sách những tháng gần đây, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh: "Không cần nhắc lại Nghị quyết 11 đã mang lại hiệu quả thế nào khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có phần giảm tốc; các chỉ số kinh tế vĩ mô đã đi dần vào quỹ đạo ổn định. Tuy nhiên, tình hình phức tạp từ thế giới và những yếu tố không lường trước nảy sinh đã khiến một số chỉ số vĩ mô khó đạt mục tiêu đề ra".

Được biết, VEPR đã quyết định điều chỉnh các kịch bản dự báo khi nhận thấy lạm phát và mức giá chung năm nay tăng vượt khá nhiều so với dự kiến. Giá cả tăng bắt nguồn từ sự biến động giá thế giới và sự điều chỉnh lớn giá các mặt hàng thiết yếu và nguyên liệu đầu vào trong nước.

Theo VEPR, yếu tố lạm phát chi phí đẩy ngày càng thể hiện một cách đậm nét hơn trong diễn biến lạm phát những tháng qua. Vì thế, VEPR cho rằng: "Chỉ trong trường hợp giá nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh thì tốc độ tăng lạm phát trong nước mới có thể giảm nhiều hơn vào cuối năm giúp kìm đà tăng giá của cả năm. Tuy nhiên, khả năng để kịch bản này xảy ra là rất thấp". Nhận định của VEPR cho thấy, khó có thể hy vọng sức ép lạm phát giảm từ yếu tố khách quan, bên ngoài. Và áp lực lạm phát đang dồn nặng lên chính sách.

Hướng tới mục tiêu kép

VEPR cho rằng, cần tính toán lại các chỉ tiêu tiền tệ cho phù hợp với giai đoạn hiện nay và điều hành một cách nhất quán, dứt khoát bằng các công cụ mang tính thị trường. Theo đó, giới hạn tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm nay như Nghị quyết 11 đã đề ra là hợp lý, phù hợp với thực trạng của nền kinh tế.

Trước khuyến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là nên giới hạn tăng trưởng tín dụng ở mức cụ thể là 15-17%, TS. Nguyễn Đức Thành đồng tình với định hướng của Chính phủ và NHNN là tùy diễn biến thực tế để có giới hạn tín dụng ở mức vừa phải.

TS. Thành lưu ý: "Nếu đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quá thấp thì vừa khó khả thi, vừa có thể tạo ra một cú sốc mạnh đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều quan trọng là đưa ra một hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp để trên cơ sở này tạo tiền đề cho việc duy trì hạn mức tín dụng tương tự trong những năm tiếp theo nhằm tạo nền tảng cho việc thiết lập kỷ luật tiền tệ trong tương lai".

Để giữ được lạm phát cả năm ở mức 18,2%, VEPR khuyến nghị: "Chính sách tài khóa cũng cần phải thắt chặt, nhưng trên cơ sở tính toán đến khả năng tăng trưởng dài hạn". Theo đó, việc cắt giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước cần phải được thực hiện đồng thời với việc đa dạng hóa hay xã hội hóa đầu tư như các hình thức đầu tư theo dạng BOT, BT… hay theo mô hình hợp tác công tư (PPP) để đảm bảo huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo VEPR, cắt giảm chi tiêu công trong bối cảnh hiệu quả đầu tư công thấp như hiện nay là đúng hướng, nhưng đồng thời cần hoạch định những nguồn vốn bổ sung thích hợp để duy trì nguồn đầu tư cho các công trình hạ tầng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Đặc biệt, vẫn cần đảm bảo nguồn chi tiêu công thích đáng cho các vùng và khu vực khó khăn.

Khuyến nghị này đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh bởi nó hướng tới mục tiêu kép, phù hợp với thực trạng và hoàn cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay. Theo đó, vừa đảm bảo mục tiêu tạo dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu cho các vùng, khu vực khó khăn; vừa tạo công ăn việc làm và không gây cú sốc cho tăng trưởng.

Đề cao kỷ luật tài khóa

Đồng thời với việc đưa ra những khuyến nghị chính sách, VEPR cũng đã hé lộ những e ngại về khả năng những rủi ro vĩ mô có thể không được xử lý một cách triệt để. Đó là trường hợp giả định Chính phủ phải đối mặt với nhiều sức ép và không đủ quyết liệt trong việc chống lạm phát và bình ổn vĩ mô; không đủ kiên nhẫn duy trì tiếp những chính sách thắt chặt.

Sức ép này có thể đến từ  sự suy giảm của sản xuất trong nước, tình hình khó khăn của DN và những khó khăn của nền kinh tế khi chịu những tác động của chính sách thắt chặt. E ngại đó cũng chính là một trong những lý do khiến VEPR đưa ra kịch bản thứ hai với lạm phát cả năm nay có thể lên tới 24,5%. "Mức lạm phát cao như trong kịch bản này hàm chứa những rủi ro vĩ mô to lớn và khả năng lạm phát vượt ra khỏi tầm kiểm soát là cao" - báo cáo của VEPR lưu ý.

VEPR cũng cho rằng, không hoàn toàn loại trừ khả năng, vì một lý do nào đó mà tính kiên định chính sách bị suy giảm như đã từng xảy ra vào nửa cuối năm trước. Và VEPR đặc biệt nhấn mạnh đến kỷ luật tài khóa. "Xét trên khía cạnh quản lý nhà nước nói chung, kỷ luật tài khóa có ý nghĩa sống còn trong việc gây dựng một chương trình cải cách phục hồi sức mạnh của nền kinh tế.

Có thể coi đây là xuất phát điểm, nút thắt đầu tiên cần tháo gỡ, trước tất cả những điểm cần nhắm tới cho toàn bộ quá trình tiếp theo" - báo cáo của VEPR nhấn mạnh. Cũng theo VEPR, cần hết sức chú ý tới "kết quả ròng" đạt được khi nới lỏng chính sách quá sớm bởi mặc dù việc nới lỏng có thể giúp tăng trưởng cao hơn một chút, nhưng so với các năm trước, hiệu ứng đối với tăng trưởng không còn đáng kể do sự bất ổn trong năm 2011 đã trực tiếp tác động đến chất lượng tăng trưởng.

"Kỷ luật tài khóa cần được khôi phục" - báo cáo của VEPR khuyến nghị. Theo đó, thâm hụt ngân sách tính theo GDP phải được giảm dần trong những năm kế tiếp. Để làm được điều này, cần giảm sức ép lên chi tiêu công và đồng thời cải thiện nguồn thu của Chính phủ.

Theo VEPR, muốn giảm sức ép chi ngân sách, Nhà nước cần rút khỏi những lĩnh vực hoạt động kinh tế không cần thiết thông qua việc bán tài sản trong các doanh nghiệp bằng quá trình cổ phần hóa. Mục tiêu của việc bán tài sản không phải là để tăng thu ngân sách mà thực chất là để giảm sức ép chi ngân sách trong tương lai, nhất là trong trường hợp xảy ra những rủi ro tài chính (ví dụ như sự phá sản hoặc làm ăn kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước lớn, luôn đòi hỏi có sự giải cứu của Chính phủ).

VEPR cho rằng, trên cơ sở thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước, chất lượng đầu tư xã hội có thể sẽ được nâng lên và hiện tượng đầu tư quá mức có thể được giảm bớt, góp phần cải thiện tình trạng mất cân đối giữa tiết kiệm - đầu tư; nhờ đó giảm thâm hụt cán cân vãng lai.

Đồng thời với quá trình này, hệ thống doanh nghiệp có nhiều điều kiện để minh bạch hóa hơn, tránh tích tụ rủi ro đạo đức. "Đây có lẽ là một trong những cách phòng ngừa rủi ro vĩ mô hữu hiệu nhất trong tương lai" - một chuyên gia của VEPR bình luận.
(TBNH)

22/09 Philippines tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông

Hội thảo Chuyên gia luật hàng hải ASEAN sắp diễn ra tại Philippines, với chủ đề chính là vấn đề Biển Đông.

Philippines: 'Trung Quốc nên biết điều ở Biển Đông'

Đèn biển trên đảo Tiên Nữ
Đèn biển trên đảo Tiên Nữ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh:Nghiencuubiendong
Hội thảo này được diễn ra để tạo diễn đàn thảo luận đề xuất của Philippines về một Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZoPFF/C), nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Cuộc gặp gỡ này còn được dựa trên quyết định của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 tại Bali, Indonesia, hồi tháng 7 năm nay.
Các chuyên gia luật hàng hải đến từ 10 nước thành viên ASEAN sẽ gặp nhau tại khách sạn Sofitel Philippine Plaza, thuộc thành phố Pasay, nằm trong vùng thủ đô Manila của Philippines. Họ sẽ hỗ trợ việc nghiên cứu đề xuất kể trên của Philippines. "Cuộc hội thảo được tổ chức nhằm tìm kiếm việc thiết lập hiểu biết chung giữa các thành viên ASEAN về đề xuất ZoPFF/C", báo Sun Star của Philippines trích thông báo của Bộ Ngoại giao nước này.
Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo lên Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN (SOM), để từ đây các kiến nghị sẽ được trình lên cho các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN xem xét trước Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 diễn ra tại Bali, Indonesia, vào tháng 11/2011.
Theo đề xuất về ZoPFF/C của Philippines, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng các khu vực có tranh chấp tại quần đảo Trường Sa phải được tách khỏi các khu vực không có tranh chấp phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Trong khuôn khổ đó, các khu vực có tranh chấp sẽ được chuyển thành một vùng hợp tác chung, trong khi những khu vực không có tranh chấp sẽ chỉ thuộc quyền tài phán của một nước cụ thể. Quần đảo Trường Sa là một nhóm các đảo nhỏ, đảo đá ngầm và đảo san hô, vốn được cho là giàu trữ lượng giàu mỏ và khoáng sản.
Trả lời phỏng vấn của VnExpress bên lề hội thảo "Hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới" diễn ra tại Hà Nội hôm 21/9, giáo sư Renato Cruz De Castro của đại học De La Salle, Philippines, cho rằng Philippines và Việt Nam cũng như các quốc gia có liên quan trong vấn đề Biển Đông cần hợp tác với nhau để giải quyết, thay vì đối đầu.
Việc các hội thảo được tổ chức giữa các nước ngày một nhiều sẽ giúp sự chia sẻ về vấn đề Biển Đông có hiệu quả và sâu rộng hơn. Khu vực quần đảo Trường Sa nói riêng và toàn Biển Đông nói chung trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây, sau khi Việt Nam và Philippines cùng cáo buộc Trung Quốc có những hành động cản trở hoạt động của các tàu, thuyền của mình.
Trong một phản ứng đáp lại hành động ngày một rõ ràng của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế về biển, và thậm chí gợi ý đưa vụ việc ra trước Tòa án Quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (ITLOS). Ngược lại, Trung Quốc luôn tuyên bố chỉ đàm phán song phương với từng nước liên quan, chứ không đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông.
Trong diễn biến mới nhất về tình hình Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố "Trung Quốc cần phải biết điều và cũng cần có một số cách thức để tự giữ thể diện". Phát biểu mạnh mẽ của ông Aquino được đưa ra tại Hội châu Á (Asia Society) ở New York, Mỹ, nơi ông đang có mặt để dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuyên bố này cũng được đưa ra không lâu sau khi ông Aquino có chuyến thăm chính thức Trung Quốc.
Phan Lê
Theo dòng sự kiện:
Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông (20/07)
Philippines muốn LHQ phân xử tranh chấp ở Biển Đông (20/07)
Nghị sĩ Mỹ cảnh báo Trung Quốc về Biển Đông (19/07)
Tranh chấp Biển Đông lên bàn hội nghị Bộ trưởng ASEAN (19/07)
Chủ đề biển Đông sẽ được đưa ra tại Hội nghị tư lệnh hải quân (19/07)
ARF kêu gọi ngoại giao phòng ngừa cho tranh chấp Biển Đông (17/07)

22/09 Tăng trưởng quá nhanh 'dễ gây tai nạn'

Chandran Nair
Cập nhật: 15:39 GMT - thứ năm, 22 tháng 9, 2011

Ông Nair nói đã có ba thập niên có tình trạng vay quá nhiều để rồi không trả nổi.
Hình thái cực đoan của chủ nghĩa tư bản đã lan rộng khắp thế giới, nhất là trong khoảng 30-40 năm gần đây, hiện đang gặp phải nhiều rắc rối và bị chúng ta chối bỏ.
Điều quan trọng là hiểu được hai nguyên tắc chính của chủ nghĩa tư bản. Thứ nhất việc coi con người hành xử có lý và rằng thị trường phản ứng có lý là sai; và nguyên tắc thứ hai coi thị trường định đoạt giá cả cũng sai nốt.
Điều quan trọng là hiểu được gốc rễ của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Có thể tranh luận rằng chiếm hữu nô lệ là nỗ lực đầu tiên cho việc sở hữu tài nguyên một cách rẻ mạt, vì thế khi chiếm hữu nô lệ kết thúc, chúng ta có chế độ thuộc địa, và một lần nữa, đây là nỗ lực điển hình của chủ nghĩa tư bản để sử dụng tài nguyên thật rẻ, và khi chế độ thuộc địa đổ đổ vỡ, điều này cũng trở nên khó đạt được thì chúng ta lại có cái cớ toàn cầu hóa tăng trưởng kinh tế và rồi toàn cầu hóa tài chính.

22/09 Tăng trưởng quá nhanh 'dễ gây tai nạn'

Chandran Nair
Cập nhật: 15:39 GMT - thứ năm, 22 tháng 9, 2011
Ông Nair nói đã có ba thập niên có tình trạng vay quá nhiều để rồi không trả nổi.
Hình thái cực đoan của chủ nghĩa tư bản đã lan rộng khắp thế giới, nhất là trong khoảng 30-40 năm gần đây, hiện đang gặp phải nhiều rắc rối và bị chúng ta chối bỏ.
Điều quan trọng là hiểu được hai nguyên tắc chính của chủ nghĩa tư bản. Thứ nhất việc coi con người hành xử có lý và rằng thị trường phản ứng có lý là sai; và nguyên tắc thứ hai coi thị trường định đoạt giá cả cũng sai nốt.
Điều quan trọng là hiểu được gốc rễ của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Có thể tranh luận rằng chiếm hữu nô lệ là nỗ lực đầu tiên cho việc sở hữu tài nguyên một cách rẻ mạt, vì thế khi chiếm hữu nô lệ kết thúc, chúng ta có chế độ thuộc địa, và một lần nữa, đây là nỗ lực điển hình của chủ nghĩa tư bản để sử dụng tài nguyên thật rẻ, và khi chế độ thuộc địa đổ đổ vỡ, điều này cũng trở nên khó đạt được thì chúng ta lại có cái cớ toàn cầu hóa tăng trưởng kinh tế và rồi toàn cầu hóa tài chính.

22/09 Thất bại tài chính lây lan tới kinh tế

Angel Gurria
Cập nhật: 13:49 GMT - thứ năm, 22 tháng 9, 2011
Khủng hoảng tài chính 2008 đã dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu.
Phải chăng chủ nghĩa tư bản Phương Tây thất bại? Câu trả lời của tôi cho câu hỏi này là KHÔNG.
Nhưng tôi cũng tự hỏi rằng tư bản chủ nghĩa có đáp ứng được tính liên tục để hướng tới hoàn thiện hay không. Tôi muốn nói về kinh tế thị trường, về thị trường tự do.

Tôi nghĩ rằng chúng ta không thành công với tư cách giám sát, tư cách của nhà quản lý giới công ty và chúng ta thất bại trong vai trò quản lý rủi ro.
Chúng ta cũng thất bại trong việc phân bổ vai trò và trách nhiệm cho các tổ chức kinh tế quốc tế.

22/09 Khó khăn hiện nay của kinh tế Việt Nam

Cập nhật: 09:21 GMT - thứ năm, 22 tháng 9, 2011
Giao dịch ở tiệm vàng
Vàng đã tăng giá đột biến trong thời gian vừa qua
Những biến động khó lường của kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua đang tác động tiêu cực đến Việt Nam, theo lời của một số chuyên gia trong nước.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm cùa Việt Nam chỉ tăng có 5,7% so vợ́i cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp thứ hai trong năm năm trở lại đây (chỉ cao hơn mức 4,6% của năm khủng hoảng kinh tế 2009).
Cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng trầm trọng ở Châu Âu đang có nguy cơ đẩy thế giới vào một đợt suy thoái mới, trong khi kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa còn Nhật Bản vẫn đang chống chọi với những hậu quả của thảm họa động đất sóng thần hồi tháng Ba năm nay.
Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đều là những đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt của Việt Nam.
Đối với một đất nước mà nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu cũng như đầu tư nước ngoài như Việt Nam thì sức khỏe của kinh tế thế giới có tác động rất lớn đối với tình hình kinh tế trong nước, theo nhận định của Giáo sư Hà Tôn Vinh hiện đang giảng dạy tại Khoa Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Sau đợt khủng hoảng năm 2008, qua năm 2009 và đến năm 2010 nhiều người cứ nghĩ là đã qua khó khăn và ổn định trở lại,” GS Vinh nói với BBC.
“Nhưng đến năm 2011 thì tình hình lại trở nên hết sức khó khăn,” ông nói.
“Bình thường nếu kinh tế thế giới vững thì Việt Nam cũng không gặp khó khăn nhiều lắm,” ông nói thêm.

Bất ổn vĩ mô

Tuy nhiên hiện nay xuất khẩu cũng như lượng kiều hối của Việt kiều gửi về Việt Nam đều giảm sút.
Dấu hiệu rõ nét của những bất ổn của kinh tế vĩ mô là việc vàng tăng giá đột biến trong thời gian ngắn, từ dưới 30 triệu hiện đã đạt mức 47 đồng Việt Nam chỉ trong vòng 1 năm.
Theo GS Vinh, giá vàng trong nước tăng một mặt là tăng theo thị trường thế giới do Việt Nam phải nhập khẩu vàng, mặt khác do tâm lý lo sợ của người dân Việt Nam.
“Người dân Việt Nam rất nhạy cảm, bất cứ biến động gì cũng ‘thủ’ cho chắc ăn,” ông nói.
"Chúng ta phải có giải pháp dài hơi chứ không phải giải pháp tình thế như hiện nay vốn chỉ tập trung vào ưu tiên ngắn hạn là chống lạm phát"
GS Hà Tôn Vinh, Đại học Quốc gia Hà Nội
“Đối với họ, đầu tư vào vàng lúc này là đúng bởi vì lạm phát cao nên họ không dám bỏ tiền vào ngân hàng,” ông giải thích.
Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam không dựa vào vàng và đa số người dân Việt Nam cũng không đầu tư vào vàng nên giá vàng tăng chỉ có lợi cho rất ít người mà thôi, ông nói.
Bên cạnh những tác động từ bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu những tác dụng phụ của việc thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát,
“Các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay hoặc phải vay với lãi suất cao nên không có vốn sản xuất,” ông nói.
“Thậm chí khi sản xuất được thì cũng không xuất khẩu được.”
Sản xuất đình đốn nên doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc dẫn đến thất nghiệp gia tăng.
“Doanh nghiệp không phát triển thì an sinh xã hội không thể bảo đảm mặc dù đây là mục tiêu Chính phủ rất muốn thực hiện,” ông nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục làm ăn thua lỗ thì thị trường chứng khoán sẽ kéo dài thời kỳ ảm đạm.
GS Vinh cho rằng việc Chính phủ tập trung vào chống lạm phát một cách quyết liệt sẽ để lại hậu quả lâu dài cho các doanh nghiệp vốn sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi trở lại.
“Chúng ta phải có giải pháp dài hơi chứ không phải giải pháp tình thế như hiện nay vốn chỉ tập trung vào ưu tiên ngắn hạn là chống lạm phát,” ông nói.
Tuy nhiên GS Vinh cũng thừa nhận là rất khó để cân bằng giữa các mục tiêu chống lạm phát và phát triển sản xuất.
“Hiện nay cả Chính phủ và các doanh nghiệp đều đang cố gắng hết sức để chống chọi với tình hình khó khăn,” ông nói.

Giảm đầu tư công

Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận vốn ngân hàng
Về tình hình thắt chặt đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, GS Vinh cho biết trên thực tế không làm được bao nhiêu.
“Đầu tư công của Việt Nam rất lớn, đến hơn 90.000 tỉ, trong khi chỉ cắt giảm được khoảng 3%,” ông nói.
“Đây là công việc mất nhiều thời gian xem xét để quyết định cắt giảm dự án nào ở địa phương nào,” ông nói thêm, “Nếu không sẽ cắt giảm những dự án cần thiết cho những địa phương nghèo trong khi vẫn giữ nguyên những dự án không hiệu quả.”
GS Vinh cho biết hiện ông chưa thấy tín hiệu gì khả quan của nền kinh tế Việt Nam cả và ít nhất phải đến năm 2013 hoặc 2014 thì kinh tế Việt Nam mới có triển vọng sáng sủa trở lại.
“Trong khi đó thì người dân Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục mua vàng,” ông nói.
GS Vinh cũng nhận định là Chính phủ Việt Nam sẽ không phá giá tiền đồng một lần nữa mặc dù có thể sẽ nới rộng biên độ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.
Trong khi đó, GS Hà Huy Thành, nguyên viện phó Viện kinh tế học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, có một cái nhìn lạc quan hơn GS Hà Tôn Vinh.
Theo GS Thành, giá vàng tăng sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống của người dân Việt Nam.
Ông cũng dự đoán rằng từ bây giờ đến cuối năm 2011, giá cả cũng không tăng gì đột biến. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát theo như Quốc hội đề ra thì không thực hiện được.
“Chính phủ đang quyết tâm kiềm chế lạm phát, nhưng mục tiêu tăng trưởng thì chắc chắn không đạt được như kế hoạch dù tôi hy vọng là sẽ không giảm nhiều lắm,” ông nói.

Giá xăng có thể tăng

Về giá xăng dầu, GS Thành cho biết có thể sẽ tăng nhưng theo hướng không tạo cú sốc cho thị trường vì giá xăng dầu hiện nay đã được điều tiết theo thị trường nhưng vẫn có sự điều chỉnh của Chính phủ.
"Xây dựng cơ bản, nhà công vụ và mua sắm ô-tô cho các bộ ngành cũng giảm nhiều"
GS Hà Huy Thành, nguyên viện phó Viện kinh tế học
Ông cũng dự đoán là trong nhiều tháng tới giá điện sẽ không tăng vì Chính phủ đã dứt khoát nói không với đề xuất tăng giá của Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Ông nói những khó khăn của kinh tế thế giới hiện nay mặc dù lớn nhưng cũng không thể làm cho nền kinh tế Việt Nam chao đảo hay sụp đổ được.
Về tình hình đầu tư công, ông cho rằng Chính phủ Việt Nam đang thực hiện rất quyết liệt.
“Xây dựng cơ bản, nhà công vụ và mua sắm ô-tô cho các bộ ngành cũng giảm nhiều,” ông nói.
Theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2011 trong phiên họp tháng 11 năm ngoái, thì lạm phát được khống chế dưới 7% còn mục tiêu tăng trưởng trong khoảng từ 7 đến 7,5%.
Sau đó, Chính phủ đã hai lần điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng xuống lần lượt là 6,5 và 6% trong năm nay.
Trong bản báo cáo về nền kinh tế toàn cầu vừa mới công bố, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2011 là 5,8% còn lạm phát cả năm là 19%.
IMF dự kiến đến năm 2012, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm còn 12% và tăng trưởng kinh tế sẽ nhích lên 6,3%.

22/09 Wall Street Journal đánh giá cao kinh tế Việt Nam


▪  AN HUY
22/09/2011 00:19 (GMT+7)
 
Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay.
10 năm sau khi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc được gộp lại thành nhóm BRIC, những lợi thế trước đây về đầu tư vào những nền kinh tế này đang suy yếu dần. Cùng với đó, một nhóm các nền kinh tế mới nổi được đánh giá cao khác xuất hiện, với cái tên viết tắt là CIVETS.

Theo tờ Wall Street Journal, nhóm CIVETS bao gồm các nước Columbia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Báo này cho biết, đây là nhóm nước được dự báo sẽ trở thành thế hệ những “nền kinh tế con hổ mới” của thế giới. 

Đây đều là những quốc gia có một lực lượng đông đảo dân số trẻ ở lứa tuổi trung bình 27. Vì lẽ này, về lý thuyết, các nước CIVETS sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng. Ngoài ra, đây cũng là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tương đối đa dạng hóa về ngành nghề, đồng nghĩa với việc các nước này sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu của thị trường bên ngoài như nhóm BRIC.

Hồi tháng 5 vừa qua, công ty quản lý tài sản HSBC Global Asset Management đã thành lập quỹ đầu tiên chuyên về nhóm nước này, với cái tên, HSBC GIF CIVETS. HSBC cho rằng, mức độ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng, mức nợ công thấp (trừ ở Thổ Nhĩ Kỳ) và các mức điểm xếp hạng tín nhiệm tiến dần tới hạng đầu tư là những ưu điểm nổi trội của các nước trong CIVETS.

Giới phê bình nhận xét, các nước CIVETS chẳng có đặc điểm gì chung ngoài dân số trẻ. Thêm vào đó, các nhà phê bình còn cho rằng, tính thanh khoản thấp, trình độ quản trị doanh nghiệp còn kém, và bất ổn chính trị, nhất là ở Ai Cập, vẫn là những vấn đề cần xem xét.

“Cái tên CIVETS tôi nghe như một trò quảng cáo vậy. Ai Cập thì có điểm gì chung với Việt Nam? Ít nhất các nước BRIC cũng là 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới nên có cớ để mà đưa họ vào một nhóm”, ông Darius McDermott, Giám đốc điều hành của công ty Chelsea Financial Services, nhận xét.

Tuy nhiên, những con số ban đầu cho thấy, những nhà đầu tư vào các nước CIVETS có thể thu được kết quả không tồi. Chỉ số S&P CIVETS 60 được thiết lập hồi năm 2007 đang có mức tăng điểm vượt trội so với hai chỉ số của các thị trường mới nổi khác là S&P BRIC 40 và S&P Emerging BMI.

Bài báo của Wall Street Journal đã điểm qua những đặc điểm nổi bật về kinh tế của các quốc gia trong CIVETS, bao gồm Việt Nam.

Columbia: Trong thập kỷ qua, các biện pháp an ninh được tăng cường đã làm giảm 90% số vụ bắt cóc và 46% số vụ giết người ở quốc gia này. Cùng với đó, từ năm 2002 đến nay, GDP bình quân đầu người của Columbia đã tăng gấp đôi. Năm nay, trái phiếu chính phủ của Columbia đã được cả ba hãng định mức tín nhiệm lớn cho lên hạng điểm đầu tư. Nước này sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa, than và khí đốt dồi dào. Vốn FDI đổ vào Columbia đạt 6,8 tỷ USD trong năm 2010, chủ yếu là từ Mỹ.

Indonesia: Nhờ thị trường nội địa rộng lớn, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhẹ nhàng hơn các nước khác. Sau khi tăng 4,5% vào năm 2009, nền kinh tế Indonesia tăng 6% vào năm ngoái và được dự báo sẽ còn giữ tốc độ tăng này trong vài năm tới. Nợ công của Indonesia chỉ còn kém hạng đầu tư có một bậc. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Indonesia có mức chi phí lao động thấp nhất, nhưng tham nhũng lại là một rào cản.

Việt Nam: Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6% trong năm nay và 7,2% vào năm 2013. Vị trí địa lý sát Trung Quốc của Việt Nam khiến một số nhà phân tích dự báo, Việt Nam có khả năng trở thành một “công xưởng” mới. Những người có quan điểm hoài nghi thì cho rằng, Việt Nam được đưa vào nhóm nước CIVETS chẳng qua là để từ viết tắt tên của nhóm nước… có thể đọc được. Quỹ của HSBC chỉ phân bổ 1,5% vốn vào thị trường Việt Nam.

Ai Cập: WB cho rằng, với bất ổn chính trị, kinh tế Hy Lạp chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay, so với mức tăng 5,2% trong năm tới.  Tuy nhiên, giới phân tích dự báo, kinh tế Ai Cập sẽ bật mạnh một khi chính trị ổn định trở lại. Một trong những lợi thế nổi trội của Ai Cập là sở hữu những cảng lớn trên biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ, kênh đào Suez, và nguồn tài nguyên khí đốt khổng lồ.

Thổ Nhĩ Kỳ: Nằm giữa châu Âu và các nước sản xuất năng lượng lớn ở Trung Đông, biển Caspian và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có những dự án đường ống khí đốt lớn giúp nước này trở thành một hành lang năng lượng quan trọng giữa châu Âu và khu vực Trung Á. WB dự báo, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng 6,1% trong năm nay, sau đó tăng 5,3% vào năm 2013.

Nam Phi: Giá hàng hóa cơ bản leo thang, nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm ôtô và hóa chất, cùng hoạt động chi tiêu cho World Cup đã giúp ích nhiều cho Nam Phi - nền kinh tế giàu tài nguyên như vàng, bạc. Nhờ đó, kinh tế Nam Phi đã tăng trưởng trở lại sau một thời gian suy thoái. Nhiều chuyên gia xem quốc gia này là một cửa ngõ để đầu tư vào các nước khác ở “lục địa đen”.

22/09 “Doanh nghiệp nhà nước phải được xã hội giám sát!”


▪  MAI MINH
22/09/2011 14:23 (GMT+7)
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú tại cuộc hội thảo về giá xăng dầu hôm 19/9. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu kêu bị lỗ vì một phần phải gánh trách nhiệm xã hội - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung, cho rằng việc công khai thông tin hoạt  động của khối doanh nghiệp nhà nước “nhìn thì tưởng đó là việc đơn giản, dễ làm, nhưng nếu thực hiện được, đó sẽ là “cú nhảy vọt” cho sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước”.

Ông Cung nói:

- Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước luôn có “lợi thế” là khi làm ăn có lãi thì họ cho đó là sự thành công của họ, nhưng lúc thua lỗ lại đổ tại vì phải gánh vác những trách nhiệm xã hội mà Nhà nước giao cho, và yêu cầu giải cứu... 

Như thế là không sòng phẳng, và vô hình trung trở thành rào cản cho chính họ trên con đường tiến tới sự phát triển tích cực hơn.

Muốn tốt cho doanh nghiệp nhà nước, cần đặt các doanh nghiệp này vào áp lực cạnh tranh và bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp khác. Và khi cũng phải đối mặt với những rủi ro thị trường, tôi nghĩ họ sẽ có những thay đổi theo hướng tốt lên đối với người dân cũng như dư luận xã hội trong cách ứng xử.

Muốn làm được điều này, công khai hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là một trong những cách làm mang tính chất quyết định nhất. Các doanh nghiệp nhà nước không thể vận hành theo cơ chế thị trường chừng nào họ chưa công khai minh bạch hoạt động của mình và luôn mang nặng tư tưởng rằng không cần dấn thân, có sáng kiến đổi mới, họ vẫn được hưởng thành quả xứng đáng hơn những gì họ đã bỏ ra, và nếu có gây ra sai sót, họ có thể cũng không phải chịu trừng phạt gì. 

Không có công khai, minh bạch thì hoạt động của doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ vẫn còn tồn tại những hành vi mua bán dự án, tìm kiếm mối quan hệ, đầu cơ... Vì vậy, cần buộc các doanh nghiệp nhà nước phải công khai hóa, minh bạch thông tin với một tiêu chuẩn khắt khe về tình hình sản xuất, tài chính. 

Tôi nhấn mạnh đến sự “khắt khe” là vì doanh nghiệp nhà nước không phải sở hữu của cá nhân, tập thể nào mà là sở hữu của toàn xã hội, nên cần phải được xã hội giám sát quá trình hoạt động, kinh doanh của họ. Các mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp nhà nước cũng cần được công bố và cả những chương trình kế hoạch cho 5 năm.   

Nhưng, nếu buộc các doanh nghiệp nhà nước cũng phải chịu áp lực cạnh tranh như các thành phần kinh tế khác, đồng thời công khai, minh bạch hoạt động, thì liệu có là bất công với họ vì các doanh nghiệp nhà nước còn phải gánh trách nhiệm xã hội?

Tôi cho rằng Nhà nước không nên tiếp tục giao trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp nhà nước như trách nhiệm điều tiết thị trường, điều tiết vĩ mô..., bởi sử dụng họ như thế  là trái với quy luật thị trường. 

Chúng ta vẫn phải quản lý thị trường bằng luật pháp, chứ không phải chỉ là giao trách nhiệm này riêng cho khối doanh nghiệp nhà nước.

Tốt nhất, đã là doanh nghiệp thì nên để họ hoạt động thuần túy theo nguyên tắc kinh doanh, không nên sử dụng doanh nghiệp như một công cụ điều tiết vĩ mô, điều tiết thị trường hay thực hiện chính sách xã hội.

Chẳng hạn với việc cung cấp điện, đã đến lúc Nhà nước phải đảm bảo tất cả các doanh nghiệp đều có cơ hội phân phối điện như nhau chứ không phải chỉ  giao cho một công ty độc quyền... Như thế, Nhà  nước vừa đỡ mất công quản lý để doanh nghiệp này không dùng vị thế độc quyền chi phối thị trường, hoặc lợi dụng vị trí độc quyền để gây tổn hại cho người tiêu dùng, vừa đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp... 

Đã và đang nghiên cứu rất sâu về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, ông có thể cho biết tâm tư khi thực hiện nghiên cứu này?

Đầu tư nhà nước, trong đó có đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng vào thành công của mô hình tăng trưởng hiện nay. Tuy vậy, thực tế cho thấy, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, năng suất thấp, hiệu quả thấp đã đến mức tận khai và cần được thay đổi.

Đầu tư nhà nước gia tăng  là một trong các nguyên nhân làm mất cân đối vĩ mô, qua đó, làm cho kinh tế vĩ mô  ngày càng trở nên bất ổn định.  Đầu tư nhà nước tăng làm tăng bội chi ngân sách, tăng chênh lệch giữa tiết kiệm và  đầu tư, làm trầm trọng thêm thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai; làm gia tăng nợ quốc gia... 

Tất cả diễn biến này đã và đang làm suy yếu các yếu tố nền tảng vĩ mô của nền kinh tế, làm suy yếu vị thế và khả năng của Chính phủ trong quản lý kinh tế vĩ mô; làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các tác động bất lợi từ bên ngoài; khiến kinh tế vĩ mô mong manh, thiếu ổn định.

Điều đáng lưu ý là trong những năm gần đây vốn đầu tư thực tế từ ngân sách luôn cao hơn khá nhiều so với vốn đầu tư dự kiến theo kế hoạch. Ví dụ, năm 2010, vốn đầu tư từ ngân sách dự kiến là 125,5 ngàn tỷ đồng, thì thực tế thực hiện lại vào khoảng hơn 180 ngàn tỷ đồng, tức là 55,5 ngàn tỷ cao hơn dự kiến, tương đương 2,7 tỷ USD, bằng khoảng 2,7% GDP năm 2010. 

Câu hỏi đặt ra là ai, cơ quan nào có thẩm quyền thay đổi các khoản chi của ngân sách đã được phê duyệt? 

Nếu chỉ đầu tư theo kế hoạch, thì bội chi ngân sách năm 2010 chỉ khoảng 3,5%, một tỷ lệ lý tưởng trong bối cảnh hiện nay để ổn định kinh tế vĩ mô. 

Và nếu bội chi ngân sách chỉ khoảng 3,5% GDP, thì chính sách tài khóa đã bổ sung, phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong chống lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô; qua đó, tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, không bất ổn đến mức báo động như những gì chúng ta đang chứng kiến.