Tuesday, November 16, 2010

15/11 ĐBQH Nguyễn Hữu Trí (Tiền Giang): Cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm chính trong phòng, chống buôn bán người?

15/11/2010
Phòng, ngừa mua bán người là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Phòng, chống buôn bán người, có tác dụng tích cực trong việc ngăn chặn nguyên nhân, điều kiện dẫn đến mua bán người.
01-co quan-31910-180.jpgDự thảo Luật đã nêu được 5 nhóm biện pháp phòng, ngừa chung và 6 biện pháp phòng ngừa thông qua các hoạt động của cơ quan tổ chức và gia đình. Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định cụ thể cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện, nhất là ở các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để mua bán người như: kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; cho, nhận con nuôi; đưa người Việt Nam lao động ra nước ngoài…
Đối tượng mua bán người, đa số là người nước ngoài, quá trình điều tra khó khăn, khó có thể bắt được các đối tượng này. Người bị mua, bị bán do mặc cảm, sợ kỳ thị, trả thù nên không tố giác tội phạm, nhiều trường hợp nạn nhân vẫn ở nước ngoài nên việc phát hiện, điều tra, xử lý gặp khó khăn. Trong khi đó, về hợp tác quốc tế trong dự thảo luật vẫn còn dừng lại ở mức khung, do đó không thể phối hợp giải quyết triệt để về phòng ngừa và đấu tranh đối với đối tượng mua bán người ra nước ngoài. Ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống buôn bán người cần tiếp tục nghiên cứu và quy định cụ thể hơn về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người ra nước ngoài. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức có liên quan đến việc đưa người Việt Nam ra nước ngoài, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong việc phối hợp theo dõi hoạt động của họ ở nước ngoài, can thiệp và giải cứu kịp thời các nạn nhân.