Monday, October 25, 2010

01/10 Tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn báo Nhật

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - mới đây có cuộc trả lời phỏng vấn báo Akahata, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản.

Nội dung cuộc phỏng vấn nói về chính sách quốc phòng của Việt Nam và những phát triển trong hợp tác với các nước.

Bộ binh Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

- Xin Thứ trưởng cho biết chính sách, lập trường của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng và đối ngoại quốc phòng?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Kế tục truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ nhiều năm qua, chính sách chung của Việt Nam là độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính để bảo đảm an ninh cho đất nước. Việt Nam chủ trương dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia chính đáng của mình. Do vậy, trong khi coi trọng hợp tác với các nước khác để giải quyết vấn đề liên quan, Việt Nam không tham gia liên minh hay các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác, không đi với nước này để chống nước kia. Đây là lập trường có tính nguyên tắc của Việt Nam.

Chính sách hợp tác quốc phòng và đối ngoại quốc phòng của Việt Nam nằm trong đường lối và chính sách chung của Đảng và Nhà nước, đó là đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước. Đồng thời, chính sách hợp tác quốc phòng và đối ngoại quốc phòng cũng thể hiện tính chất quan trọng nhất của chính sách quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Chúng tôi chủ trương không sử dụng, không đe dọa sử dụng sức mạnh vũ lực trong quan hệ quốc tế, kiên trì giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Nhưng Việt Nam sẵn sàng và có khả năng giáng trả và đánh thắng tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược, những hành động xâm phạm, độc lập, chủ quyền của Việt Nam.

Hiện nay về đối ngoại quốc phòng, chúng tôi chủ trương tăng cường hợp tác với tất cả các nước trên bình diện song phương cũng như đa phương. Tuy nhiên, chúng tôi ưu tiên các nước có quan hệ láng giềng với Việt Nam như Trung Quốc, Campuchia, Lào, mở rộng ra là các nước trong ASEAN, các nước bạn bè truyền thống. Bên cạnh đó, chúng tôi sẵn sàng và tích cực mở rộng quan hệ với các nước mong muốn hợp tác với Việt Nam trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

- Thứ trưởng có thể cho biết về những tiến triển trong hoạt động đối ngoại quốc phòng gần đây của Việt Nam?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trong những năm gần đây, quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi theo xu hướng tích cực. Hòa bình và ổn định là xu hướng chủ đạo. Trong môi trường như vậy, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là mở rộng hoạt động đối ngoại. Điều này không chỉ thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở mà còn tạo động lực để Việt Nam phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với bối cảnh chung đó, đối ngoại quốc phòng của Việt Nam cũng phát triển.

Về song phương, chúng tôi đã có quan hệ với nhiều nước trên thế giới mà trước hết là các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước bạn bè truyền thống và các nước lớn. Trong quan hệ song phương, bên cạnh việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin, chúng tôi cũng dần dần đi vào hợp tác thực chất nhằm xây dựng quân đội vững mạnh. Trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam xây dựng đối tác chiến lược với nhiều nước cho nên quan hệ quốc phòng cũng có bước tiến theo hướng phát triển này. Việt Nam bắt đầu mở đối thoại chiến lược quốc phòng với một số nước như Ấn Độ, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và sắp tới đây là Trung Quốc. Đây là bước phát triển mới và quan trọng vì giữa Việt Nam và các nước lớn đã có diễn đàn để trao đổi vấn đề chiến lược để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đồng thời đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực.

Bên cạnh hợp tác song phương, chúng tôi cũng đẩy mạnh hợp tác đa phương. Những năm gần đây, Việt Nam tham gia vào các diễn đàn quốc phòng đa phương rất trách nhiệm. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia tích cực vào các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM). Đại tướng cũng đã đóng góp ý kiến rất có trách nhiệm vào Diễn đàn Shangri-la, một diễn đàn về an ninh hàng đầu của khu vực. Trong năm 2010, Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, vì vậy Bộ Quốc phòng Việt Nam là Chủ tịch ADMM trong 2010. Hiện mới là tháng 9 song có thể nói rằng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch Quốc phòng ASEAN trong năm 2010.

Vào tháng 10 tới, Việt Nam sẽ tổ chức ADMM + lần đầu tiên. Hội nghị này có tầm vóc và tính chất đặc biệt. Tôi nói như vậy vì: Thứ nhất, ADMM + là diễn đàn của các nhà lãnh đạo quốc phòng của ASEAN và các nước lớn trên thế giới. Những người đại diện cho sức mạnh quân sự của các nước lại bàn về vấn đề hòa bình. Thứ hai, ADMM+ là diễn đàn có sự tham dự của Bộ trưởng 18 nước trong đó có nhiều cường quốc. Đây là điều chưa từng có. Thứ ba, trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi thấy rằng có một sự đồng thuận cao trong ASEAN và sự ủng hộ tích cực của các nước lớn. Như vậy, mục tiêu của ADMM+ thu hút được sự quan tâm của các nước ASEAN, đồng thời tạo được sự chú ý của các nước lớn. Đây là một điểm đáng mừng và chúng ta chờ đợi Hội nghị ADMM+ đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào 12/10 tới sẽ thành công tốt đẹp.

- Thứ trưởng nhận định như thế nào về thông tin cho rằng, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ để chống Trung Quốc?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Về thông tin này, chúng tôi đã đề cập nhiều lần. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khẳng định lại là Việt Nam không hợp tác quốc phòng với Mỹ hay bất cứ nước nào để chống Trung Quốc và Việt Nam cũng không có ý định chống Trung Quốc.

Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam với tất cả các nước trong đó có quan hệ Việt Nam - Mỹ hay Việt Nam - Trung Quốc đều dựa trên tinh thần độc lập tự chủ, tôn trọng chủ quyền của nhau, lắng nghe ý kiến của nhau, cùng có lợi, không phương hại tới lợi ích của nước nào và đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực. Với chính sách đối ngoại quốc phòng như vậy thì khổng thể nói Việt Nam đi với một nước này để chống nước khác. Bên cạnh đó, Việt Nam không có lợi ích gì khi chống Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp.

Việc nói Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ để chống Trung Quốc gây phương hại đến quan hệ Việt – Trung, gây phương hại đến hòa bình, ổn định khu vực và gây phương hại đến lòng tin giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là ý kiến không đúng đắn và thiếu thiện chí.

Tuy Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp trên biển Đông nhưng chúng tôi cùng với Trung Quốc chủ trương giải quyết vấn đề này bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế mà cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới là Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Cũng cần nói thêm là bên cạnh ý kiến nói rằng Việt Nam chống Trung Quốc cũng có dư luận bàn bạc về vấn đề song phương hay đa phương trong việc xử lý quan hệ ở biển Đông. Quan điểm của Việt Nam là những vấn đề gì có liên quan đến tranh chấp lợi ích giữa hai nước thì hai nước giải quyết với nhau, không lôi kéo nước khác vào giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến lợi ích của ba nước, bốn nước thì các nước đó phải ngồi cùng với nhau. Không thể có việc hai nước bàn bạc với nhau việc chung của ba, bốn nước. Chúng tôi không quan niệm đây là song phương hay đa phương mà là các nước có lợi ích cần phải ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các nước cũng phải tôn trọng ý kiến của nhau, không được áp đặt ý kiến chủ quan. Bên cạnh đó, việc giải quyết vấn đề biển Đông tuy không quốc tế hóa nhưng phải công khai, minh bạch và lắng nghe ý kiến của cộng đồng quốc tế.

Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam dựa vào sức mình là chính để bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh lớn nhất giúp Việt Nam giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược là sức mạnh chính nghĩa. Do có chính nghĩa nên Việt Nam cũng luôn nhận được sử ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là về mặt tinh thần. Vì thế chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ giữ được hòa bình, ổn định cũng như chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.

- Xin thứ trưởng cho biết những thành tựu chính trong hợp tác quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Mỹ?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam coi trọng hợp tác quốc phòng với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước nói chung và quan hệ Việt – Trung, Việt – Mỹ nói riêng đều dựa trên nguyên tắc mà tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác của Việt Nam với mỗi nước có mức độ khác nhau. Việt Nam luôn coi Trung Quốc là nước láng giềng có quan hệ tốt đẹp, đặc biệt kể từ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo ở hai nước. Việt Nam và Trung Quốc đều mong muốn hòa bình và ổn định vì lợi ích của cả hai bên. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh hợp tác quốc phòng toàn diện với Trung Quốc, phù hợp với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện.

Với chủ trương như vậy, chúng tôi vui mừng thấy rằng trong những năm vừa qua quan hệ quốc phòng Việt – Trung phát triển tốt đẹp, càng ngày càng phong phú và đa dạng. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn ở các cấp, tổ chức giao lưu sỹ quan trẻ, trao đổi đào tạo học viên, tuần tra chung trên biển, các đoàn tàu Trung Quốc thăm Việt Nam, các đoàn tàu Việt Nam thăm Trung Quốc. Hằng năm, Việt Nam đều mời đoàn cựu cố vấn, chuyên gia quân sự Trung Quốc giúp Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến sang thăm và Đại tướng Phùng Quang Thanh lần nào cũng tiếp. Tôi tin rằng hợp tác quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc sẽ có tác dụng tích cực trong việc đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trên tinh thần “16 chữ” và “4 tốt”.

Về quan hệ với Mỹ, chúng tôi vui mừng khi thấy quan hệ quốc phòng giữa hai bên có bước phát triển và sự phát triển ấy nằm trong khuôn khổ các mục đích, nguyên tắc mà tôi đã nói ở trên. Mỹ khi quan hệ với Việt Nam đã bày tỏ sự tôn trọng độc lập tự chủ của Việt Nam, tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam và thực sự mong muốn cùng có lợi khi quan hệ với Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi chủ trương mở rộng quan hệ với Mỹ về mặt quốc phòng. Trước mắt, chúng tôi tổ chức trao đổi đoàn ở các cấp ví dụ như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thăm Mỹ và sắp tới đây Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng sẽ thăm Việt Nam nhân dịp dự kiện ADMM +. Chuyến thăm chính thức này sẽ đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam và Mỹ. Việc khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy độc cũng được đẩy mạnh. Phía Mỹ càng ngày càng tỏ ra có trách nhiệm hơn.

Thêm một mặt hợp tác nữa đó là việc hỗ trợ nhân đạo. Mỹ cử các đoàn quân y cùng quân y Việt Nam khám chữa bệnh cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Sự hợp tác này tuy về mặt vật chất không lớn nhưng mang lại một hình ảnh đẹp cho quan hệ Việt – Mỹ. Việc tìm kiếm người Mỹ và quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh cũng đã đạt được nhiều kết quả. Việt Nam tạo điều kiện tối đa để Mỹ đẩy nhanh công tác này. Vừa qua, trong cuộc đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Mỹ, Mỹ bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh trên các nội dung: thông tin, tìm kiếm, trao đổi kỷ vật và các hoạt động tưởng niệm. Hai bên cũng sẽ tăng cường trao đổi học viên, trước hết là học tiếng Anh và tiếng Việt.

- Xin Thứ trưởng cho biết những mục tiêu, ý nghĩa trong việc Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc phòng khu vực như việc tổ chức ADMM+ lần đầu tiên vào tháng 10 tới?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việc mở rộng hợp tác quốc phòng đa phương trong khu vực nằm trong chính sách chung của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương nhằm đóng góp cho hoà bình, ổn định và đoàn kết trong khu vực. Chúng ta thường nói đến hòa bình và ổn định nhưng đến một lúc nào đó sẽ cần phải nói đến đoàn kết. Đoàn kết không chỉ có nghĩa thân nhiện với nhau mà có nghĩa là phải tôn trọng độc lập tự chủ, bình đẳng, biết lắng nghe ý kiến và tôn trọng lợi ích của nhau.

Chúng tôi coi công tác đối ngoại quốc phòng là một nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cách bảo vệ Tổ quốc tốt nhất, cách chống chiến tranh tốt nhất là củng cố hoà bình, và Việt Nam đang phát triển đối ngoại quốc phòng nhằm mục đích như vậy. Đó là “thượng sách” trong bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi mong muốn các nước hiểu chính sách đối ngoại hoà bình của Việt Nam, ngược lại chúng tôi muốn nghe thấy, muốn tin vào tính chất hoà bình trong chính sách của tất cả các nước. Bên cạnh mong muốn hoà bình, Việt Nam cũng như các nước khác có quyền bảo vệ Tổ quốc mình bằng bất kỳ giá nào khi bị xâm phạm đến độc lập chủ quyền.

Một ý nghĩa nữa trong tham gia các diễn đàn đa phương là Việt Nam sẽ có điều kiện để xây dựng quân đội và đối phó với các thách thức đang nổi lên. Hiện nay trong khu vực và trên thế giới xuất hiện nhiều thách thức mới về an ninh, đặc biệt là các thách thức phi truyền thống như chống bão lụt, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cháy rừng... Chúng ta cần có sức mạnh chung để cùng giải quyết các thách thức này.

- Vấn đề diễn tập chung với các nước khác thì Việt Nam có chủ trương như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng tôi chủ trương chỉ tham gia diễn tập trong các lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ nhân đạo, trước hết là với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan... Tuy nhiên, ngoài các nước ấy, chúng tôi có thể diễn tập với tất cả các nước khác để nâng cao trình độ năng lực của mình, để học hỏi kinh nghiệm, các kiến thức khoa học kỹ thuật mới nhằm phục vụ cho mục đích nhân đạo. Chúng tôi sẵn sàng diễn tập với cả Nhật Bản trong lĩnh vực này, nếu Nhật Bản có mong muốn.

- Vừa qua tôi thấy việc định nghĩa "diễn tập" là một vấn đề. Nếu như diễn tập Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Nhật là diễn tập quân sự truyền thống thì các giao lưu hải quân giữa Mỹ và Việt Nam vừa qua thì gọi là gì, thưa Thứ trưởng?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Hiện nay có hai từ hay bị lạm dụng là "liên minh" và "diễn tập". Ví dụ giới thiệu về kinh nghiệm phòng cháy chữa cháy ở trên tàu thì lại được gọi là "diễn tập" trên biển, tàu nước ngoài thăm một nước khác hoặc mời đại diện của nước ven bờ lên thăm tàu lại nói là “liên minh”... Bản chất nó rất khác nhau, và giữa những khái niệm này có ranh giới rất rõ ràng - diễn tập quân sự khác mà diễn tập tìm kiếm cứu nạn khác, ví dụ như vậy.

- Tôi được biết Diễn đàn khu vực ASEAN vừa rồi coi trọng vấn đề DOC ở Biển Đông và cuối năm sẽ họp nhóm làm việc tại Bắc Kinh để tiến tới COC. Việt Nam có đặt hy vọng Trung Quốc và ASEAN sẽ sớm có được COC?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trong AMM-16 và ARF-17 vừa qua tại Hà Nội, các nguyên thủ quốc gia ASEAN và các Ngoại trưởng ARF một lần nữa khẳng định việc ứng xử trên Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 và tinh thần DOC. Các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc cũng thống nhất với nhau là lựa chọn một thời điểm thích hợp để họp Nhóm làm việc của ASEAN và Trung Quốc nhằm thực hiện tốt DOC và tiến tới COC. Đấy là sự thống nhất chung giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam chúng tôi rất ủng hộ ý tưởng này và mong muốn sớm có cuộc họp của nhóm công tác. Cuộc họp đó sẽ có những đóng góp thực chất cho việc giải quyết các vấn đề trên Biển Đông trên tinh thần ASEAN và Trung Quốc đã ký kết với nhau. Đấy là mong muốn của Việt Nam, còn về thời gian cụ thể để họp thì đến nay tôi chưa nhận được thông tin. Việt Nam mong muốn sớm có không chỉ một mà nhiều cuộc họp như vậy.

Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào COC vì đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng được ASEAN và Trung Quốc ký kết. Nhưng các bên cần kiên trì, dù có khó khăn và có thể nó chậm nhưng nếu quyết tâm và có thiện chí thì tôi nghĩ sẽ đi đến đích. Đó là cho ra đời một bộ luật ứng xử trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và tinh thần của một thế giới văn minh.

- Vừa qua Thứ trưởng thăm và hội đàm với phía Trung Quốc, trong đó có khẳng định lại lập trường giải quyết hoà bình vấn đề Biển Đông và đẩy mạnh hợp tác vì hoà bình khu vực không?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Vừa qua tôi thăm Trung Quốc chủ yếu để tham vấn về ADMM+, tuy nhiên bên cạnh đó, hai bên cũng bàn về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Tôi đã khẳng định lại một lần nữa hệ thống các quan điểm của Việt Nam trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ đoàn kết hữu nghị với Trung Quốc nói riêng. Chúng tôi cũng vui mừng khi thấy các đồng nghiệp Trung Quốc, đặc biệt trong buổi gặp với Bộ trưởng Lương Quang Liệt đã lắng nghe và hiểu biết về chính sách quốc phòng của Việt Nam. Các đồng chí đó cũng bày tỏ mong muốn nâng cao hợp tác quốc phòng với Việt Nam và giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng biện pháp hoà bình. Đó là những điều làm tôi rất phấn khởi sau chuyến thăm Trung Quốc.

- Tôi được biết Việt Nam đã trải qua cuộc chiến tranh dài nhất ở châu Á, vậy việc đẩy mạnh các xu thế hoà bình có phản ánh kinh nghiệm của Việt Nam trong chiến tranh không?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam là một nước mong muốn hoà bình, kiên trì hoà bình. Khát vọng hoà bình không phải chỉ có ở Việt Nam mà là khát vọng chung của cả thế giới. Việt Nam chịu nhiều nỗi đau và mất mát trong chiến tranh nên khát vọng hoà bình được nhân lên nhiều lần. Việt Nam là một nước đang phát triển, hoà bình ổn định là điều kiện quan trọng nhất để đưa đất nước đi lên và nâng cao đời sống nhân dân. Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thì hoà bình là điều quan trọng nhất bên cạnh độc lập tự chủ. Thuộc tính và giá trị quan trọng nhất của chủ nghĩa cộng sản là yêu chuộng hoà bình.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng.

(Theo QĐND Online)