Tuesday, June 7, 2011

07/06 Đọc "Giấc mơ Trung Quốc"

02:24-07/06/2011 
Huy Đường

Tác giả cuốn sách, GS ĐH Quốc phòng Liu Mingfu,
viết, Trung Quốc cần có quân đội mạnh nhất thế giới
để trở thành "quốc gia lãnh tụ".
Trong những cuốn sách nói lên tham vọng Trung Quốc muốn soán ngôi “Nhất thế giới” của Mỹ thì Giấc mơ Trung Quốc – Tư duy nước lớn và định vị chiến lược trong thời đại hậu Mỹ (2010) đưa ra lời tuyên bố kích động chưa từng thấy: trong thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ giàu mạnh nhất thế giới và thay Mỹ làm “quốc gia lãnh tụ thế giới”, “vua Trái Đất”!
Đọc xong sách này nhà báo Jeffrey Schmidt thốt lên: “Trung Quốc đã tháo găng tay và đang thách thức sự thống trị thế giới của Mỹ”. 

Đại tá-giáo sư Đại học Quốc phòng Lưu Minh Phúc dành 4 năm viết Giấc mơ Trung Quốc nhằm trình bày chủ trương của một bộ phận giới quân sự nước này về chiến lược cạnh tranh với Mỹ trong thế kỷ XXI, gồm 3 điểm:

1- Trung Quốc phải thay Mỹ lãnh đạo thế giới, làm “quốc gia quán quân và quốc gia lãnh tụ”, nghĩa là phải “dẫn dắt” thế giới, trước hết dẫn dắt về văn hoá (?). Lịch sử có quy luật: cứ 100 năm lại thay đổi “quốc gia quán quân”. Mỹ đã “quán quân” một thế kỷ rồi, nay lại đang suy thoái kinh tế và sa lầy ở Iraq, Afghanistan, nên nhường ngôi số một cho Trung Quốc – nước “có lý lịch và kinh nghiệm tốt nhất làm lãnh tụ thế giới”: là dân tộc ưu tú nhất (lớn nhất, lâu đời nhất, văn minh nhất, sức đồng hóa mạnh nhất); từng nhiều thế kỷ là nước giàu nhất; không có “tội tổ tông” (xâm lược, chiếm thuộc địa) như các cường quốc khác; mạnh và thiếu tài nguyên nhưng không bành trướng; vương đạo lập quốc mà không bá đạo, có mô hình phát triển bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao nhất.  

2- Muốn vậy, Trung Quốc phải tiến hành cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Đây không phải là cuộc chiến tranh nóng (quyết đấu sống mái) hoặc lạnh (đấu quyền Anh) mà là cuộc chiến tranh “ấm” giữa hai nước, là cuộc thi đấu (game) điền kinh lâu dài, cả hai bên sẽ cùng thắng. Trung Quốc cần tranh ngôi thứ nhất nhưng không “tranh bá”, tức không giành “bá quyền” của Mỹ mà ngược lại còn chấm dứt bá quyền của Mỹ. Trung Quốc muốn xây dựng thế giới dân chủ đa cực không bá quyền, Mỹ muốn bá chủ toàn cầu, duy trì thế giới một cực.

3- Để thắng cạnh tranh, Trung Quốc cần có quân đội mạnh nhất thế giới – đây là điều chủ yếu giới quân sự Trung Quốc muốn nói (lâu nay họ không có người ở trong ban lãnh đạo cao nhất nước này). Trong thế kỷ XXI, Trung Quốc cần có quân đội mạnh nhất, không phải để đánh Mỹ mà là để khỏi bị Mỹ đánh; phải có lực răn đe sao cho không ai dám dùng quân sự ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy. 

Giấc mơ Trung Quốc viết rất nhiều về lịch sử trỗi dậy của nước Mỹ và mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ. Tác giả nói Mỹ là “đế quốc văn minh”, “người thầy tốt nhất của Trung Quốc”... “Trung Quốc cần tham khảo trí tuệ và nghệ thuật trỗi dậy kiểu Mỹ”. Mỹ có 2 thành công chiến lược: thực hiện tự trỗi dậy và ngăn chặn thành công Liên Xô trỗi dậy. Mỹ luôn ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, nhưng ngăn chặn một cách có lý trí, văn minh. “Bá quyền” là mặt xấu nhất của Mỹ. Chính phủ Mỹ dân chủ với dân Mỹ nhưng lại bá chủ thế giới, thực hành chuyên chế quốc tế, vì thế Mỹ chỉ là nước dân chủ một nửa, không phải là quỷ sứ cũng chẳng phải thiên thần. Trung Quốc cần giúp Mỹ “tiến hóa về phía thiên thần”, tức trở thành quốc gia phi bá quyền. Tác giả viết khá dài về thuyết “Liên minh Trung Quốc-Mỹ” của đại gia chiến lược Mỹ Thomas Barnett và coi đó là “ý tưởng rất có sáng tạo” – điều này không thể không khiến bạn đọc cảnh giác về một liên minh bá quyền mới.

Trước "Giấc mơ Trung Quốc", đã có hai cuốn sách khác nói lên tham vọng của Trung Quốc muốn soán ngôi “Nhất thế giới” của Mỹ: "Trung Quốc có thể nói Không" (xuất bản 1996), "Trung Quốc không vui" (2009).
Có thể thấy, trong khi ca ngợi nước mình quá nhiều, quá nhàm, tác giả viết được quá ít về các ưu thế sức mạnh mềm của Trung Quốc hiện nay, như có giá trị quan nào cảm hóa thu hút được thế giới, chiếm được đỉnh cao văn hoá toàn cầu. Ông thừa nhận: văn hoá Trung Quốc vẫn ở thế yếu hơn phương Tây; Mỹ đang xuất khẩu các giá trị quan tự do, dân chủ, nhân quyền, thu hút và cảm hóa được thế giới; Trung Quốc hiện chỉ mới có quan điểm “thế giới dân chủ” và “phi bá quyền hóa thế giới”, tác giả không giải thích cụ thể nhưng vẫn nói liều là trong thế kỷ XXI văn hoá Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới. Bạn đọc càng thất vọng khi thấy tác giả viết quá sơ sài về chiến lược “lãnh tụ thế giới” và ý tưởng của Trung Quốc muốn xây dựng châu Á và thế giới như thế nào. Có lẽ vì Trung Quốc chưa đủ trình độ nghĩ tới chuyện đó.

Một nhà báo viết: người Trung Quốc thích khoe tổ tông. Lưu Minh Phúc có quá lời chăng khi viết dân tộc Trung Hoa ưu tú nhất thế giới; từ xưa chính quyền đã thực hành đối ngoại hòa bình không bành trướng xâm lược; đối nội vương đạo mà không bá đạo. Xin hỏi, nếu thực hành vương đạo – dùng nhân nghĩa trị thiên hạ – thì tại sao Trung Quốc lại nhất thế giới về số vụ khởi nghĩa của nông dân? 

Nhà chính luận dân tộc chủ nghĩa cực đoan Tư Mã Bình Bang nhận xét: Trong Giấc mơ Trung Quốc, “vương đạo” là phần đáng chê nhất; nếu người Trung Quốc muốn dựa vào trí tuệ gây dựng cơ đồ của tổ tiên mình thì kết cục nhất định sẽ rất bi thảm; từ năm 1840 trở đi dân tộc Trung Hoa luôn cho thấy còn cách “dân tộc ưu tú nhất” một khoảng cách xa lắm.

Nói Trung Quốc “mạnh nhưng không muốn bành trướng, xâm lược nước khác” càng khó thuyết phục. Thủa xưa họ chỉ có vùng đất Trung Nguyên, tức vùng trung-hạ du Hoàng Hà, về sau mở ra tứ phía, rộng mênh mông như hiện nay; rõ ràng là do bành trướng xâm lược mà có. Còn về chuyện Trung Quốc chưa có thuộc địa ở hải ngoại, chủ yếu là do chính quyền luôn gặp quá nhiều “nội tranh”, quân đội chủ yếu dùng để đàn áp nhân dân và các phe phái đối lập trong nước, nếu đưa quân đi đánh nước ngoài thì triều đình bị lật đổ ngay, nhà vua chẳng dại đi cướp thuộc địa mà để mất ngai vàng. Nửa cuối thế kỷ XX họ vẫn còn đấu đá nội bộ: Chủ tịch đảng hạ bệ Chủ tịch nước cùng Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Chủ tịch đảng âm mưu giết Chủ tịch đảng; Lũ 4 tên định lật Thủ tướng rồi chính họ lại bị bỏ tù hoặc xử tử v.v... 

***

Điều đáng quan tâm không phải l�Giấc mơ Trung Quốc có thực hiện được hay không, mà là khi thực hiện rồi thì các nước xung quanh Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng ra sao.
Nhật Bản, một quốc gia châu Á chịu tác động cực mạnh của văn hoá Trung Quốc, sau khi trỗi dậy và giàu mạnh đã phạm sai lầm chết người đem quân đi xâm lược các nước khác, chuốc lấy thất bại nhục nhã trong Thế chiến II. Trung Quốc có tránh được vết xe đổ ấy không?

Lưu Minh Phúc viết: ngay từ năm 1942 Mỹ đã nghĩ tới việc phải “cân bằng” sức mạnh Trung Quốc nhằm giữ ổn định ở châu Á. Vì sao họ nghĩ như vậy khi thời ấy Trung Quốc mới có 400 triệu dân, lại đang do Quốc Dân Đảng thân Mỹ thống trị? 

Ngày nay Trung Quốc nhiều lần nói không xưng bá, không đe dọa ai, nhưng cách hành xử ngày một hung hăng lấn tới của họ đang làm nhân dân châu Á và thế giới e ngại. 

Tháng 9/2009, Thủ tướng Nhật Hatoyama nói: Nhật Bản nằm giữa nước Mỹ đang tiếp tục duy trì địa vị bá quyền và Trung Quốc đang mưu cầu trở thành quốc gia bá quyền, vì vậy giữ gìn độc lập chính trị và lợi ích quốc gia mình như thế nào là vấn đề đang làm đau đầu Nhật cũng như các nước châu Á nhỏ và vừa. 

Tháng 10/2009 tại Washington, lãnh tụ Singapore Lý Quang Diệu công khai kêu gọi Mỹ trở lại châu Á-Thái Bình Dương nhằm cân bằng sức mạnh của Trung Quốc. 

Thật đáng buồn khi vận mệnh thế giới luôn luôn bị một vài cường quốc chi phối và hễ có một cường quốc mới nổi lên thì trật tự thế giới lại chao đảo. Năm xưa là Nhật và Đức, nay là Trung Quốc ở ngay cạnh Việt Nam.

Trong tình hình đó, có lẽ nên nhắc lại lời Washington căn dặn dân Mỹ trong diễn văn từ nhiệm năm 1796 (Tocqueville gọi là danh ngôn; hồi ấy nước Mỹ còn nhỏ yếu, diện tích chưa bằng 1/5 hiện nay): 

Nên xóa bỏ phản cảm thâm căn cố đế có nguồn gốc lâu đời đối với một số quốc gia cá biệt cũng như tình cảm quá tốt đẹp đối với một số quốc gia khác...Một quốc gia luôn căm ghét hoặc ưa thích quốc gia khác thì sẽ trở thành kẻ nô lệ của lòng yêu và ghét ấy.

Nên nhìn các cường quốc với thái độ Đừng nghe họ nói, hãy xem họ làm. Và chớ bao giờ quên lời trăng trối của nhà yêu nước Tiệp Khắc Julius Fučík trước khi ông bước lên giá treo cổ của phát xít Hitler: Nhân loại hỡi, hãy cảnh giác!

07/06 Belleza, môi trường sống cho gia đình trẻ

MINH DUY
07/06/2011 09:57 (GMT+7)
pictureCác gia đình trẻ thường muốn sống trong một môi trường tốt nhằm tạo những ảnh hưởng tích cực lên sự phát triển của con cái sau này.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Một nghiên cứu của Đại học Melbourne (Australia) đã chứng minh rằng, trẻ em sinh sống ở các khu chung cư có xu hướng tự lập hơn, trí tưởng tượng phong phú và thích khám phá.


25/05 Cô dâu Việt xa xứ: Bất hạnh bị nhân lên bội phần!


25/05/2011 | 07:32:00

Một cô dâu Việt trở về nước trên xe lăn và bị ngơ ngẩn là đã "may mắn" so với các phụ nữ thiệt mạng, không thể trở về (Nguồn: Internet)
CÁC TIN LIÊN QUAN
Biểu tình tại Seoul phản đối vụ sát hại cô dâu Việt
Cuộc biểu tình của hàng trăm phụ nữ nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc đã diễn ra ở Seoul, phản đối vụ sát hại cô dâu Hoàng Thị Nam.

Quy trình hôn nhân sẽ là “áo giáp” cho cô dâu Việt
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết "Dự án quy trình hôn nhân" hiện đang được thí điểm sẽ biện pháp bảo vệ  quyền lợi cô dâu Việt.

Vụ việc cô Hoàng Thị Nam 1987 bị chồng là ông Lim Chae Won (37 tuổi) sát hại khi mới sinh con được 19 ngày đang gây ra những bất bình và xót xa trong dư luận xã hội.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn cùng chuyên gia về giáo dục và chuyên gia về luật pháp xung quanh chuyện cô dâu Việt lấy chồng xứ người. 

Tin về cô dâu Việt bị sát hại luôn gây day dứt 

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phân tích: “Hiện tượng lấy chồng là người nước ngoài đang ngày càng phổ biến. Hội nhập là cả một quá trình sâu rộng về mọi mặt. Chính vì thế xu hướng kết hôn với người nước ngoài đang trở nên tất yếu. Hôn nhân ngày nay không còn đặt vấn đề khoảng cách về biên giới lãnh thổ, khoảng cách dân tộc như khoảng gần hai chục năm trở về trước.

"Nhà nước cũng đã có những chính sách cởi mở [về vấn đề này], có thể nói đó là chính sách mang tính nhân văn. Tuy nhiên, đằng sau các cuộc hôn nhân cũng cần tìm hiểu về hôn nhân có yếu tố nước ngoài đó được hình thành bởi tình yêu hay vì những gì khác.

"Cũng có những ý kiến cho rằng chuyện hôn nhân ở đâu cũng có những thử thách và cũng cần được bảo vệ. Ngay cả trong nước cũng có những chuyện bạo hành, nhưng ta cần nhớ tới nỗi khổ của phụ nữ Việt làm vợ người ngoại quốc và sống ở nước ngoài không có gia đình ruột thịt ở bên. Sự cô đơn, lẻ loi sẽ kéo theo rất nhiều thiệt thòi, đau đớn.

[Đã xác minh nhân thân của cô dâu Việt bị sát hại]

"Tin về mỗi cô dâu Việt bị đánh đập, thậm chí bị giết hại luôn làm mọi người Việt chúng ta day dứt. Những người phụ nữ trẻ ấy nơi đất khách quê người không có gia đình, không có xóm làng, càng không có nhiều sự đồng cảm trong cộng đồng người Việt như sống trong lòng đất nước. Vì thế mà bất hạnh của các cô dâu Việt xa xứ đã nhân lên gấp bội phần.

"Nếu là hôn nhân có tình yêu thì còn ít nhiều có đồng cảm, tôn trọng và sẻ chia trong cuộc sống. Nhưng nếu hôn nhân vì mục đích kinh tế thì việc kết hôn mong 'thoát nghèo' có thể đem đến những mối họa khôn lường - cái họa khủng khiếp không thể tính đếm.

"Còn có một dạng nữa là hôn nhân do bị lừa. Cô dâu trẻ cùng gia đình của cô ta đã bị lừa dối, bị đưa vào vùng ảo tưởng. Đó chỉ là ảo tưởng về sự sung sướng, an nhàn nơi xứ người. Họ đã bị dụ dỗ và nghe lời người môi giới, lôi kéo mà 'nhắm mắt đưa… thân!'

"Điều tôi muốn nói ở đây là sự khác nhau về văn hóa sống sẽ là một trong những nguy cơ lớn nhất cho mọi rạn nứt. Nếu cuộc hôn nhân kết hợp hai người từ hai gia đình có truyền thống, lối sống khác nhau cũng đã bất hạnh rồi. Ví dụ như một gia đình trọng đạo so với một gia đình coi thường chuyện học hành.

"Đây còn là sự khác nhau về truyền thống dân tộc, khác biệt về văn hóa. Thế nên nhất định cần đặt ra vấn đề là phải am hiểu thì mới chia sẻ và chung sống được.

"Thực tế đã cho thấy rằng nếu chỉ kết nối thông qua… thể xác (tình dục) thì quá mạo hiểm. Vì tình cảm cũng có thể nảy sinh song nếu không đủ kiên nhẫn, không đủ hiểu biết để 'chịu đựng' thử thách và sóng gió ban đầu của cuộc sống chung thì cầm chắc việc chia lìa. Và với việc mất mạng như cô Nam thì chia lìa còn là chuyện nhỏ.

"Vấn đề đặt ra là cần 'giáo dục' những người lấy chồng ngoại trước khi bước vào cuộc hôn nhân ở ngoài nước như thế nào? Tôi được biết đối với một số quốc gia phương Tây, kể cả hôn nhân có tình yêu rất tự nguyện đều phải qua phỏng vấn xem trình độ ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa thế nào thì mới được nhập cư.

"Cơ quan đại diện của các nước này không căn cứ vào yêu hay không (vì việc này không kiểm tra được) mà họ thông qua kết quả thi. Chưa thi được, thì cứ ôn lại, học lại cho đến khi nào nắm được văn hóa sống của nước sẽ nhập cư thì thôi. Nhiều đôi yêu nhau 'tình xuyên biên giới' mà vẫn phải qua thi cử liên miên.

"Ở Australia, người ta cũng làm việc nêu trên rất tốt. Đại diện nhà chức trách nước bạn phỏng vấn kiểm tra điều kiện về văn hóa sống có đủ không. Nếu cần các cô dâu phải được tập huấn, giáo dục bài bản.

"Tôi nghĩ rằng không chỉ phía 'người' mà phía 'mình' cũng phải xét duyệt, hướng dẫn kỹ càng và kiểm tra đầy đủ. Đặc biệt cần có hướng dẫn để các cô dâu Việt tự vệ và tạo mối dây liên hệ để hỗ trợ khi bị bạo hành, khi cần bảo vệ. Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, Hội việt Kiều, Đại sứ quán đều có vai trò và các tổ chức này cũng đã giúp đỡ cho người Việt ở các nước sở tại. Thực tế, họ cần là và chính là “nhà ngoại” để các cô dâu Việt bị ngược đãi tìm về."

Đặt vấn đề “hội nhập” về pháp luật 

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Chu Hồng Thanh, thuộc Hội Luật gia Việt Nam, đưa ra những ý kiến trao đổi: "Theo xu thế toàn cầu mạnh mẽ. Nhu cầu kết hôn với người nước ngoài của công dân các nước đều đang ngày càng tăng. Số lượng công dân Việt Nam kết hôn với công dân các nước khác cũng ngày một nhiều.

"Bàn về làm dâu ở nước ngoài, ta cũng nên thấy rõ rằng nếu các cô gái Việt lấy chồng và sống ở các thành phố lớn, ở các nước phát triển thì có thể có hạnh phúc vì được đối xử văn minh, tôn trọng.

"Nhưng cần chú ý hơn cả là các trường hợp phụ nữ đi lấy chồng ở các vùng nông thôn xa xôi, những vùng khó khăn ở nước ngoài. Hầu hết họ phải lao động vất vả. Không ít người sang đó để trở thành là lao động chính trong gia đình.

"Ở các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc thì còn một vấn đề nữa là màu sắc gia trưởng của người đàn ông rất đậm đặc. Vì vậy mà quyền lợi của người phụ nữ bị xem nhẹ.

[Lấy chồng Hàn: “Không có tình yêu sẽ là đánh bạc”]

"Bên cạnh những đôi hạnh phúc thì không ít người 'khóc dở mếu dở.' Đáng lên án mạnh mẽ chính là những vụ bị đối xử tàn tệ, thậm chí dẫn đến thiệt mạng.

"Tôi nghĩ rằng, Chính phủ từ hai phía cần quan tâm, rà soát hành lang pháp lý thế nào. Giúp cho người đi làm dâu xứ người có nhận thức pháp lý rõ ràng.

"Người Việt ở bất cứ nước nào cũng cần có ý thức pháp luật và hiểu những điều luật, những điểm cần thiết trong luật của nước mình sinh sống.

"Nếu nắm được luật tức là người Việt hiểu được quyền lợi của mình. Họ hiểu bản thân cũng như con cái mình sẽ được chính quyền luật pháp nước sở tại bảo vệ ra sao khi cần. Tôi muốn đặt vấn đề 'hội nhập' về pháp luật trong hiểu biết của người Việt.

"Đã có nhiều ý kiến đặt ra là phía Việt Nam cũng cần phải phỏng vấn mới cho nữ công dân của mình xuất ngoại lấy chồng. Nhưng vấn đề là ai phỏng vấn thì chưa phải là dễ có lời đáp thống nhất ngay. Tuy nhiên, theo tôi Hội Liên hiệp Phụ nữ chính là nơi có thể phỏng vấn cùng với việc tư vấn giúp đỡ về nhận thức đời sống.

"Bên cạnh đó là giới luật gia cũng có thể hỗ trợ về hiểu biết pháp luật nước, vùng mà cô dâu Việt sắp sang sinh sống. Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức ngoại giao phi chính phủ cũng có thể tham gia hướng dẫn, hỗ trợ"./.
Nguyễn Anh (Vietnam+)

24/05 Lấy chồng Hàn: “Không có tình yêu sẽ là đánh bạc”


24/05/2011 | 16:18:00

Lễ tang người phụ nữ Việt Nam bị chồng sát hại tại Busan, ngày 15/7. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
CÁC TIN LIÊN QUAN
Biểu tình tại Seoul phản đối vụ sát hại cô dâu Việt
Cuộc biểu tình của hàng trăm phụ nữ nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc đã diễn ra ở Seoul, phản đối vụ sát hại cô dâu Hoàng Thị Nam.

Quy trình hôn nhân sẽ là “áo giáp” cho cô dâu Việt
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết "Dự án quy trình hôn nhân" hiện đang được thí điểm sẽ biện pháp bảo vệ  quyền lợi cô dâu Việt.

Người Việt còn chưa quên cách đây gần 1 năm, cô dâuThạch Thị Hoàng Ngọc bị chồng sát hại khi mới sang làm dâu Hàn Quốc được 1 tuần, thì khoảng 1 giờ ngày 24/5 lại thêm một cô dâu Việt bị chém chết.

Đáng buồn hơn, cô dâu họ Hoàng mới 23 tuổi, kết hôn được một năm và mới sinh con trai cho anh chồng người Hàn Quốc được 19 ngày.

Đây quả là một tin xót xa và là cảnh báo sống cho những người đang ôm ấp giấc mộng đổi đời nhờ lấy chồng ngoại quốc.

Chiều nay (24/5) Vietnam+ đã liên lạc tới Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam về vụ việc trên, song phía Đại sứ quán chưa có câu trả lời chính thức.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng) cho hay, sự việc đáng tiếc trên có nguồn từ tình yêu không trọn vẹn.

[Phát hiện một tụ điểm môi giới lấy chồng Hàn Quốc]

Ông nói, cho dù làm dâu xứ Việt hay xứ người thì người con gái cũng cần xây dựng một cuộc hôn nhân dựa trên tình yêu. Người phụ nữ không nên xác định lấy chồng cho có. Hạnh phúc là phải cùng chung sức, chung tay làm ra chứ không nên hy vọng đổi đời nhờ việc lấy chồng, không được đặt mình vào vị trí phụ thuộc người khác. Bởi, việc lấy chồng kiểu này “như đánh sổ xố.”

“Khi mắc sai lầm, người ta sẽ phải trả giá bằng hạnh phúc, chịu áp bức, bạo lực và thậm chí là cả cái chết,” ông Đoàn nói.

Còn nếu quyết định lấy chồng ngoại, ông Đoàn khuyên các cô dâu phải tìm hiểu thật kỹ những thông tin như khi bị bạo lực thì phải gọi điện đến đâu, chạy đến đâu để cầu cứu. Theo ông, để dẫn đến cái chết như cô dâu họ Hoàng nói trên, chắc chắn chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa đôi vợ chồng này đã có từ trước đó. Do vậy, việc “phòng bị” bao giờ cũng là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, trước khi về nhà chồng, các cô dâu cũng cần trang bị cho mình những hành trang về văn hóa, ứng xử… để không xảy ra hiểu lầm. Đặc biệt, khi lấy chồng Hàn Quốc, cần phải hiểu thật kỹ nếp sống của họ, về tư tưởng gia trưởng của các anh chồng Hàn để chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống sau này.

Ông Đoàn cũng khuyên các cô gái không được ỷ lại vào môi giới hôn nhân. Bởi những người làm môi giới thường sẽ vì lợi nhuận mà đưa ra những thông tin không chính xác về người đàn ông đi tìm vợ. Còn người phụ nữ Việt, khi tìm hiểu về người chồng tương lai sẽ rất khó khăn, và câu chuyện tìm hiểu thực tế là không thể.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho hay, hầu hết những cuộc hôn nhân không tình yêu sẽ dẫn đến bi kịch và người phụ nữ sẽ phải trả giá đắt.

Từ đó, ông khuyến cáo người con gái trước khi lấy chồng ngoại cần phải tìm hiểu kỹ về tính tình của họ bằng cách tiếp xúc thực tế trong một thời gian nhất định, chứ không chỉ chọn lựa qua mai mối, hình ảnh…

[Kẻ giết cô dâu Việt bị đề nghị mức án chung thân]

Lại nhớ, trong buổi đón tiếp 10 gia đình chồng Hàn-vợ Việt về Việt Nam ăn Tết Kỷ Sửu (2009), bà Jeon Man Gil, Phòng hỗ trợ và tư vấn cho những gia đình đa văn hóa (tỉnh Ocheon, Hàn Quốc) khi ấy cho phóng viên Vietnam+ hay, do bất đồng ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa nên nhiều gia đình có cô dâu Việt Nam không được hạnh phúc.

Bà Jeon Man Gil cho rằng, phụ nữ Hàn Quốc khi lấy chồng thường cam chịu. Còn tại Việt Nam, phụ nữ thường bình đẳng với nam giới hơn. Bởi vậy trong cuộc sống dễ xảy ra sự xô xát. Ngoài ra, những người già ở Hàn Quốc thường không muốn cho cô dâu ngoại quốc ra ngoài làm thêm, trong khi phụ nữ Việt Nam lại... không muốn ở nhà khiến nảy sinh bất đồng.

Ngoài việc không hiểu ngôn ngữ, các cặp vợ chồng này thực sự là “đũa lệch” khi họ không đến với nhau bằng tình cảm. Bà Jeon Man Gil cho biết có đến 99% cô dâu Việt lấy chồng Hàn qua các công ty môi giới mà không có quyền lựa chọn, tìm hiểu.

Từ đó, bà Jeon Man Gil cho rằng, nếu cô dâu Việt muốn có một cuộc sống hạnh phúc tại Hàn Quốc thì nên cố gắng học tập để trở thành người Hàn Quốc./.
Trung Hiền (Vietnam+)


07/06 Người cao tuổi Việt Nam mãi mãi là tấm gương sáng cho con cháu noi theo


Cập nhật lúc 02:07, Thứ ba, 07/06/2011 (GMT+7)
Sáng 6-6, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi (NCT) Việt Nam; T.Ư Hội NCT Việt Nam, Hội NCT Hà Nội phối hợp tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam, Ngày NCT Việt Nam (6-6-1941 - 6-6-2011).
Tới dự có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia NCT Việt Nam; Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Lao  động - Thương  binh  và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia NCT Việt Nam; Huỳnh Ðảm, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Ðặng Ngọc Tùng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam, cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và Hà Nội.
Ðọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Cù Thị Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam nêu rõ, 70 năm qua, nhất là từ năm 1995 đến nay, Ðảng và Nhà nước ta đã từng bước tạo dựng hệ thống chính sách chăm sóc và phát huy vai trò NCT, mà đỉnh cao là Luật NCT. Ðồng thời Hội cũng xác định được mục tiêu của NCT là sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và Hội là thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam. Qua hơn 16 năm xây dựng, Hội NCT Việt Nam đã phát triển sâu rộng từ T.Ư đến địa phương và cơ sở, với hơn tám triệu NCT cả nước. Hơn 11 nghìn xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội NCT cơ sở (chiếm tỷ lệ 100%), có 207.731 chi hội, tổ hội trong các thôn, bản, buôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố. Hội NCT Việt Nam đã khẳng định được ba mặt hoạt động là chăm sóc, phát huy vai trò NCT, xây dựng tổ chức vững mạnh, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chăm sóc phát huy vai trò NCT để chăm sóc tốt hơn NCT. Ðồng thời, khẳng định tính bền vững phong trào thi đua yêu nước 'Tuổi cao-gương sáng' thông qua các hoạt động mang lại hiệu quả cao như phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xóa nhà tạm cho NCT, một triệu áo ấm cho NCT nghèo, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tệ nạn xã hội, bảo vệ biên cương Tổ quốc, góp phần xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh...
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao vai trò, vị trí của lớp NCT Việt Nam qua các thời kỳ và khẳng định: Từ ngày thành lập đến nay, mặc dù chặng đường lịch sử cách mạng của nước ta trải qua rất nhiều bước thăng trầm, đòi hỏi rất nhiều hy sinh gian khổ, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, bất cứ khó khăn nào lớp NCT Việt Nam luôn luôn thể hiện được ý chí 'Tuổi cao, chí càng cao' cùng con cháu góp sức hoàn thành sứ mệnh cao cả là bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn nền văn hóa của dân tộc và mãi mãi là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Phó Thủ tướng mong rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp, quan tâm hơn nữa đến NCT, để NCT luôn sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
* Sáng 6-6, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp mặt kỷ niệm.
Hội Người cao tuổi tỉnh Ninh Thuận hiện có 49.733 hội viên. Những năm qua, Hội không ngừng nâng cao vai trò của mình, góp sức xây dựng Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp. Ðến nay, toàn tỉnh có 2.262 người cao tuổi làm kinh tế giỏi từ cấp cơ sở đến toàn quốc.
Năm tháng đầu năm 2011, các cấp hội đã hòa giải 191 vụ việc, thành lập quỹ khuyến học khuyến tài được 466 triệu đồng, tổ chức trao hàng trăm suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại địa phương.

07/06 Các đơn vị, địa phương học tập, quán triệt Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng


Cập nhật lúc 02:08, Thứ ba, 07/06/2011 (GMT+7)
Tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư vừa tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng cho cán bộ chủ chốt khối văn hóa, văn nghệ khu vực phía nam. Ðồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư dự, chỉ đạo hội nghị. Hơn 100 cán bộ lãnh đạo các cơ quan văn hóa, văn nghệ, văn nghệ sĩ khu vực phía nam tham dự lớp học.
Các học viên tập trung nghiên cứu, thảo luận những nội dung chủ yếu các văn kiện Ðại hội XI của Ðảng như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011);  Báo cáo Chính trị của BCH T.Ư khóa X tại Ðại hội XI; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; những vấn đề về văn hóa, văn học, nghệ thuật  trong các văn kiện Ðại hội  XI của Ðảng.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng đề nghị đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật đi sâu nghiên cứu những nội dung cốt lõi, những  điểm  mới  trong  các văn kiện. Cần đi sâu tìm hiểu cơ sở khoa học và mối liên hệ của những vấn đề nêu trong văn kiện; vị trí con người, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục trong xã hội XHCN; nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN...
Tỉnh ủy Hòa Bình vừa tổ chức hội nghị học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng cho hơn 400 cán bộ chủ chốt của tỉnh và các huyện, thị xã. Hội nghị được các đồng chí báo cáo viên của T.Ư giới thiệu, quán triệt những nội dung cơ bản Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng. Hội nghị đã dành thời gian thảo luận, xây dựng chương trình hành động nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15. Chương trình hành động tập trung triển khai các nhóm giải pháp: Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghệp và nông thôn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Ðảng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt các Văn kiện Ðại hội XI của Ðảng dành cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc. Hội nghị được nghe các báo cáo viên trình bày nội dung chủ yếu các Văn kiện Ðại hội XI của Ðảng; tập trung thảo luận thông qua chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng. Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Thuận đề cập sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Ðảng bộ, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống chính trị; thúc đẩy kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng CNH, HÐH; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự chuyển biến rõ rệt, toàn diện, vững chắc các mặt đời sống xã hội ở địa phương.
Hơn 450 cán bộ chủ chốt của tỉnh Vĩnh Long vừa tham dự hội nghị do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức nhằm quán triệt các Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng gắn với xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát hợp với tình hình địa phương. Các báo cáo viên đã tập trung trình bày bốn chuyên đề lớn trong Văn kiện Ðại hội XI của Ðảng. Vĩnh Long xây dựng chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, tập trung thực hiện các giải pháp: Thu hút vốn đầu tư; phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp; giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; phát triển đô thị và nhà ở; phát triển hạ tầng kỹ thuật.
PV

07/06 Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản phát triển ngày càng sâu sắc


Cập nhật lúc 02:07, Thứ ba, 07/06/2011 (GMT+7)
Tình cảm biết ơn và trân trọng sự cảm thông, chia sẻ đầy tình người và tình cảm đoàn kết hữu nghị mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong lúc khó khăn bởi thảm nạn động đất, sóng thần lớn nhất trong lịch sử và mong muốn tăng cường sâu sắc quan hệ "đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" giữa Việt Nam và Nhật Bản là thông điệp mạnh mẽ được Chính phủ, chính giới, cộng đồng doanh nghiệp, các phương tiện truyền thông đại chúng và đông đảo các tầng lớp nhân dân Nhật Bản bày tỏ đồng tình cao với đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản những ngày đầu tháng 6 vừa qua.
'Người bạn lúc hoạn nạn là người bạn đích thực'
Ðó là câu ngạn ngữ của Nhật Bản mà Thủ tướng Na-ô-tô Can nhắc đến trong một tuyên bố ngay tuần đầu tiên sau trận động đất và sóng thần xảy ra để bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với các nước và bạn bè quốc tế đã thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị và giúp đỡ Nhật Bản trong thời khắc khó khăn. Suy nghĩ và tình cảm đó được tất cả các nhà lãnh đạo Chính phủ, Thượng viện, Hạ viện, chính giới, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nhật Bản liên tục nhắc lại trong tất cả các cuộc tiếp xúc với Ðoàn.  Lãnh  đạo  Nhật  Bản đánh giá cao Việt Nam là một trong  những  nước  đầu  tiên gửi điện thăm hỏi, tổ chức quyên góp và gửi tặng hàng hóa thiết yếu cho nạn nhân động đất và sóng thần Nhật Bản; nhấn mạnh rằng những túi hàng cứu trợ đúng lúc của Việt Nam đã làm ấm lòng người dân Nhật Bản.
Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Ta-ca-hi-rô Y-ô-cô-mi-chi và nhiều nhà lãnh đạo khác cho rằng tinh thần đối tác chiến lược càng thể hiện rõ nét, quan trọng hơn bao giờ hết trong lúc này; bày tỏ cảm ơn và đánh giá rất cao việc Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dù chương trình làm việc rất bận rộn đã quyết định thăm các nạn nhân động đất, sóng thần đang sinh sống trong trung tâm tạm cư tại TP A-sa-hi, tỉnh Chi-ba, một trong các địa phương chịu tàn phá trực tiếp của trận động đất và sóng thần vừa qua.
Tại trung tâm tạm cư ở TP A-sa-hi, đồng chí Trương Tấn Sang và Ðoàn đại biểu Ðảng ta đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân động đất, sóng thần; đã nói chuyện, tặng quà và thăm hỏi về tình hình cuộc sống của người dân. Thông báo về phong trào quyên góp, ủng hộ của người dân Việt Nam hướng về các nạn nhân động đất, sóng thần tại Nhật Bản, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định tuy Việt Nam còn nghèo, giá trị quyên góp được còn ít, nhưng đó là tình cảm nồng ấm, thể hiện nghĩa tình của nhân dân Việt Nam. Ðồng chí bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, với ý chí dũng cảm, nghị lực kiên cường, trí thông minh và sự ủng hộ của bạn bè thế giới, nhân dân Nhật Bản chắc chắn sẽ sớm vượt qua mọi khó khăn, công cuộc tái thiết sẽ thành công, đất nước Nhật Bản tiếp tục phát triển phồn vinh. Nhiều người dân địa phương, chủ yếu là người già, đã thật sự xúc động, bật khóc trước tình cảm nồng ấm và chuyến thăm của đồng chí Trương Tấn Sang và Ðoàn, bởi họ biết trong những thời khắc khó khăn này, họ không cô đơn, nhân dân Việt Nam luôn ở bên cạnh nhân dân Nhật Bản.
Phát triển sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản
Thực tiễn cho thấy, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản sau gần 40 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao được xây dựng trên nền tảng vững chắc, có sự đồng thuận và mức độ tin cậy chính trị ngày càng tăng, phát triển nhanh chóng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, giáo dục - đào tạo, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực khác như văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương.
Mối quan hệ đó đã phát triển lên một tầm cao mới vào năm 2009 khi lãnh đạo cấp cao hai nước xác định khuôn khổ 'quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á' và gần đây nhất, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 10-2010 của Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can, hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và đạt nhiều thỏa thuận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, tạo cơ sở để tăng cường thực chất, toàn diện quan hệ đối tác chiến lược
Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa nền kinh tế hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng.
Qua chuyến thăm Nhật Bản lần này của đồng chí Trương Tấn Sang, hai bên đã đạt được sự nhất trí cao về phương hướng và biện pháp lớn nhằm tăng cường toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới, tập trung ở một số điểm chính sau:
Thứ nhất, khẳng định việc phát triển sâu sắc quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là phù hợp lợi ích của hai nước và có lợi cho khu vực; cần tích cực triển khai thực hiện có kết quả các thỏa thuận giữa hai Thủ tướng tháng 10-2010.
Thứ hai, nhất trí lấy năm 2013 là 'Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản' nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao; hai bên mở rộng giao lưu các cấp, các ngành, các địa phương và trên tất cả các kênh; sẽ phối hợp chặt chẽ, có các hoạt động phong phú, thiết thực và sâu rộng để kỷ niệm trọng thể sự kiện quan trọng này.
Thứ ba, nhất trí phấn đấu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều trong vòng mười năm tới; nhấn mạnh mục tiêu đó có tính khả thi và hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng nhanh hơn nữa. Hai bên sẽ nỗ lực tăng cường hiệu quả hoạt động của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và các cơ chế hợp tác với sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, mở cửa thị trường cho nhau và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước mở rộng hoạt động. Nhật Bản sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Thứ tư, hai bên khuyến khích và có chính sách hỗ trợ thích đáng các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư vào Việt Nam, tham gia tích cực quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu ở Việt Nam, góp phần tích cực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi ý kiến, lãnh đạo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Liên đoàn các tổ chức Kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN), Hiệp hội Xúc tiến Ngoại giao Nhân dân (FEC), Liên đoàn Kinh tế vùng Can-xai (KANKEIREN), Hiệp hội Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp vùng Ô-xa-ca (OCCI), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC)..., nhiều tập đoàn kinh tế, tài chính lớn của Nhật Bản thông báo đang có kế hoạch mở rộng đầu tư và hợp tác với Việt Nam và rất quan tâm các dự án lớn trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ chế biến; cam kết đầu tư và chuyển giao các công nghệ tiên tiến nhất để cống hiến cho phát triển kinh tế Việt Nam và cho sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước. Hai bên đánh giá thời điểm hiện nay là cơ hội lý tưởng để tận dụng tiềm năng hợp tác to lớn, có tính bổ sung cao giữa hai nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của hai dân tộc.
Thứ năm, các nhà lãnh đạo Chính phủ, Nghị viện Nhật Bản khẳng định, dù còn nhiều khó khăn về tài chính, nhưng chính sách cung cấp ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam không có gì thay đổi, sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao phù hợp yêu cầu phát triển của Việt Nam và yêu cầu hợp tác giữa hai nước, trong đó ưu tiên cao cho các dự án hạ tầng có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam; cảng Lạch Huyện, Hải Phòng; Nhà ga T2 Sân bay Nội Bài; Sân bay quốc tế Long Thành; các tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Nhà máy điện hạt nhân; Khai thác và chế biến đất hiếm và một số dự án mới quan trọng khác. Trong bối cảnh đang phải khắc phục sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Phư-cư-si-ma, Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại nhất, bảo đảm an toàn cao nhất cho dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 2 tại tỉnh Ninh Thuận.
Thứ sáu, mở rộng hơn nữa hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực; thông qua tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp và chế biến nông - hải sản là những lĩnh vực Nhật Bản sẽ ưu tiên phát triển trong thời gian tới, là một trong các giải pháp để khắc phục hậu quả sau thảm họa thiên tai vừa qua. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định sẽ ưu tiên cho việc tăng cường tiếp nhận tu nghiệp sinh, lao động Việt Nam với số lượng lớn hơn để tham gia vào quá trình tái thiết và phát triển kinh tế Nhật Bản một cách lâu dài và ổn định. Ðồng thời, Chủ tịch JICA tỏ ý sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện để phát triển bền vững.
Thứ bảy, hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, theo đó cùng với chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; Nhật Bản sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và vốn cho các dự án phòng chống nước biển dâng, cũng như dự án Trung tâm Vũ trụ Hòa Lạc, công trình rất có ý nghĩa đối với phòng chống thiên tai.
Thứ tám, tăng cường và mở rộng phạm vi phối hợp giữa hai nước trong xử lý các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm thông qua việc nâng cao hiệu quả cơ chế đối thoại chiến lược hằng năm Việt Nam - Nhật Bản và khi có nhu cầu.
Củng cố sự đồng thuận chính trị
Phát triển toàn diện, thực chất 'quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á' giữa Việt Nam và Nhật Bản từ lâu luôn giành được sự ủng hộ, đồng thuận cao của lãnh đạo, chính giới, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, đồng chí Trương Tấn Sang đã có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền, lãnh đạo các chính đảng đối lập lớn ở Nhật Bản như đảng Dân chủ Tự do, đảng của mọi người, Ðảng CS Nhật Bản; trao đổi ý kiến với lãnh đạo hai Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam (đa đảng và đảng Dân chủ), cùng một số chính trị gia có thiện cảm với Việt Nam và có ảnh hưởng lớn trên chính trường Nhật Bản. Lãnh đạo các chính đảng, các tổ chức của Nhật Bản đều khẳng định rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản, khẳng định sẽ luôn dành sự ủng hộ cao cho phát triển sâu sắc quan hệ hai nước.
Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam (đa đảng) Ta-kê-be Chu-tô-mu khẳng định, tuy các chính đảng Nhật Bản có thể có khác biệt nhau, nhưng luôn đồng thuận và hợp tác tốt với nhau trong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam; đề nghị mở rộng hơn nữa giao lưu giữa Quốc hội/Nghị viện và các nghị sĩ hai nước, không ngừng nâng cao vai trò để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với Việt Nam.
Không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác giữa các địa phương
Mở rộng hợp tác giữa các địa phương hai nước là một nội dung quan trọng được đồng chí Trương Tấn Sang và các nhà lãnh đạo cấp cao Nhật Bản hết sức quan tâm. Hai bên đã đạt được sự nhất trí cao trong việc khuyến khích và hỗ trợ các địa phương hai nước tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu hữu nghị với nhau trên các lĩnh vực, không chỉ về văn hóa, giáo dục, giao lưu nghệ thuật mà cả trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; nhấn mạnh việc mở rộng quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các địa phương chính là góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ đoàn kết hữu nghị tốt đẹp sẵn có và là một biện pháp đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
Trong thời gian thăm TP Ô-xa-ca và vùng Can-xai, đồng chí Trương Tấn Sang đã có nhiều cuộc gặp và trao đổi ý kiến với lãnh đạo chính quyền các tỉnh vùng Can-xai - trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo của Nhật Bản, nơi có mối giao thương lâu đời với Hội An. Ðồng chí khuyến khích và đề nghị các tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp vùng Can-xai mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác, giao lưu với các địa phương của Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh - địa phương kết nghĩa với TP Ô-xa-ca, Ðà Nẵng - địa phương kết nghĩa với TP Xa-cai, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu - hai cửa ngõ giao lưu quốc tế ở hai miền Việt Nam và các địa phương khác.
Nhân dịp này, đồng chí Trương Tấn Sang đã tiếp các đoàn đại biểu của Hiệp hội Giao lưu Quốc tế với Việt Nam TP Xa-cai, Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam vùng Can-xai. Ðồng chí đánh giá cao hoạt động hữu nghị có ý nghĩa, liên tục của hai tổ chức, coi đó là cầu nối hữu nghị quan trọng của vùng Can-xai với Việt Nam; cảm ơn và đề nghị các tổ chức tích cực hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam, trong đó có hàng nghìn sinh viên và tu nghiệp sinh Việt Nam đang sinh sống và học tập tại vùng Can-xai; hoan nghênh các tổ chức hữu nghị không ngừng kiện toàn tổ chức, có nhiều hoạt động hữu nghị phong phú với Việt Nam, đặc biệt trong năm 2013, để thiết thực kỷ niệm Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Báo giới và các phương tiện truyền thông đại chúng Nhật Bản đã dành sự quan tâm đặc biệt và đưa tin rộng rãi về chuyến thăm và các hoạt động quan trọng của Ðoàn. Báo Ni-cây, tờ báo lớn nhất của Nhật Bản, đã xin được phỏng vấn và đưa tin trang trọng bài phỏng vấn với đồng chí Trương Tấn Sang.
Với những kết quả quan trọng đạt được, chuyến thăm của đồng chí Trương Tấn Sang, một sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản trong năm 2011, đã thành công tốt đẹp. Ðây chính là bước triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Ðại hội XI, đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản vào chiều sâu, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của dân tộc ta.
TTXVN