Saturday, May 28, 2011

25/05 Chuyên nghiệp hóa khâu trưng bày bảo tàng: Đường còn xa!

Chuyên nghiệp hóa khâu trưng bày bảo tàng:
Đường còn xa!
PN - Từ nhiều năm nay, các bảo tàng ở TP.HCM đều có những nỗ lực chuyển mình, thấy rõ nhất là ở cách trưng bày hiện vật và tăng cường tiếp cận công chúng bằng những đợt triển lãm lưu động, đưa bảo tàng đến vùng sâu, vùng xa. Nhưng để hoạt động trưng bày bảo tàng bắt kịp hướng chuyên nghiệp thì… có lẽ vẫn còn xa.

Nỗ lực vượt lên chính mình

Ở Bảo tàng (BT) TP.HCM, kiểu trưng bày dàn trải các hiện vật đã được thay bằng cách trưng bày theo từng chủ đề gắn liền với sự phát triển của TP. Theo phương thức cuốn chiếu, đến nay BT TP đã hoàn tất các chuyên đề triển lãm cố định: Văn hóa TP.HCM, Thiên nhiên khảo cổ, Đấu tranh cách mạng, Thương cảng-thương mại-dịch vụ, Tiền Việt Nam, Địa lý hành chánh… Cùng với việc khánh thành khu trưng bày mới rộng 1.500m2, BT Mỹ thuật cũng thay đổi toàn bộ nội dung và hình thức của phòng trưng bày mỹ thuật hiện đại.

BT Chứng tích chiến tranh đặc biệt chú trọng đến công tác trưng bày, đa dạng hóa các hoạt động. Ngay từ đầu năm, BT đã khánh thành phòng trưng bày Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam bằng nền tường màu cam với nhiều góc nhìn khác nhau. Hai phòng trưng bày văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - VII) và Chămpa (thế kỷ VII - XV) với các trang thiết bị hiện đại ở BT Lịch sử TP.HCM, khánh thành đầu năm 2010, cũng mở ra cho người xem niềm hy vọng về một hướng đi chuyên nghiệp. Nền tường vàng đơn điệu của BT được thay bằng màu trắng xám, hệ thống bục bệ được thiết kế cùng tông với nền nhà. Cường độ ánh sáng được chú ý đến từng chi tiết. Các hiện vật là những bức tượng nhỏ được che chắn để giảm bớt ánh sáng trời, nhờ vậy ánh sáng từ đèn chiếu trực tiếp có thể phát huy hết hiệu quả trong việc thể hiện sự độc đáo của hiện vật. Khoảng 400 hiện vật nghệ thuật và điêu khắc độc đáo trên các chất liệu vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm, gỗ, sa thạch… được trưng bày theo từng chủ đề trên những bệ đỡ cao thấp khác nhau dọc theo tường hoặc những bệ đỡ hình khối đặt ở không gian giữa phòng, đã phát huy hết giá trị di sản văn hóa, mang lại cảm giác mới lạ cho người xem.

Khu trưng bày văn hóa Óc Eo của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM được thực hiện
theo hướng chuyên nghiệp hơn

Ước mơ chuyên nghiệp

Các BT tại TP.HCM đều đang lưu giữ rất nhiều hiện vật giá trị, tiếc rằng kiểu thiết kế, trình bày vẫn cứ đi theo lối mòn xưa cũ, hạn chế khả năng làm bật lên hiện vật và những câu chuyện của chúng. Đơn cử, chiếc thuyền độc mộc cổ ở BT Lịch sử được bảo vệ chắc chắn bằng khung kính, nhưng lại không đủ ánh sáng, thiếu điểm nhấn, nên người xem khó cảm nhận hết nét độc đáo của chiếc thuyền hàng trăm năm tuổi.

Hầu hết các giám đốc và những người làm công tác BT đều thừa nhận, dù đã thay đổi rất nhiều, nhưng BT ở TP.HCM vẫn chưa đạt đến sự chuyên nghiệp và hiện đại so với các nước trên thế giới. Lý do chủ yếu là thiếu kinh phí. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết: “Vì ít kinh phí nên các BT càng gặp khó khăn trong đổi mới và tiến trên bước đường chuyên nghiệp hóa”. Tuy nhiên, ông nhìn nhận: “Có kinh phí cũng chưa chắc có những BT tốt. Những phòng trưng bày tốt do trình độ làm BT ở VN vẫn không thay đổi so với 50-60 năm trước”.

Thực tế, nước ta hiện đang rất thiếu đội ngũ các nhà thiết kế nội thất BT và họa sĩ trình bày được đào tạo chuyên ngành. Việc thực hiện chuyên đề, thiết kế trưng bày BT… vẫn được làm theo kiểu mỗi phòng ban thực hiện phần việc của mình. “Dù có chuyên nghiệp, ăn ý đến đâu cũng khó có thể đạt được hiệu quả cao bởi thiếu sự lĩnh xướng của một chuyên gia am hiểu để dung hòa cả hai yếu tố mỹ thuật và giá trị hiện vật”, như trăn trở của bà Ngọc Vân (GĐ BT Chứng tích chiến tranh) và bà Thu Huyền (GĐ BT TP.HCM).

Bên cạnh đó, BT chưa có một đội ngũ curator-(những người tổ chức trưng bày) sáng tạo những kịch bản tốt. Xu hướng trang trí bảo tàng chủ yếu sử dụng tranh minh họa, phù điêu... Điều này làm hạn chế khả năng tôn vinh hiện vật và những câu chuyện của chúng. Không gian ở các BT cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính chuyên nghiệp. Diện tích các phòng trưng bày nhỏ hẹp, nhiều góc cạnh, cột nhà… khiến việc xử lý không gian, ánh sáng ít nhiều bị hạn chế. Một số tòa nhà lại có diện tích khá rộng, nhiều cửa, nhiều lối đi. Chỉ cần đi chệch hướng, mạch dẫn câu chuyện bị ngắt đoạn, thiếu tính liên hoàn, làm giảm ấn tượng của người xem.

Con đường hiện đại hóa để sánh bằng BT các nước, nói theo một số giám đốc BT “vẫn là ước mơ”. Dự án nâng cao năng lực cho BT do Pháp tài trợ chỉ tạo ra cú hích cho việc đổi mới BT. Điều quan trọng là: “Chính sách đầu tư, sự quyết tâm của các ban ngành liên quan, quan niệm, tư duy mới về công tác làm BT là những yếu tố không thể thiếu”, như TS Nguyễn Văn Huy khẳng định.

Thảo Vân

25/05 Cái mặt khó ưa

PN - Niềm vui tôi chia sẻ cùng gia đình, nhưng nỗi buồn lại âm thầm chịu đựng. Đôi lúc giữa khuya, tôi choàng tỉnh giấc, nghĩ suy, lo sợ bâng quơ rồi nước mắt rơi mà không hay. Cuộc sống thật sự không đơn giản, khi đã bước vào tuổi làm cha, làm ông.

Dáng cao gầy, khắc khổ, gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu, làm người ta có cảm giác khó gần, đó là nhân dạng của tôi.

Đồ họa: Phùng Huy

Nhớ có lần cố nhạc sĩ Trương Quốc Khánh nói: “Người diễn hài cái hài thường toát ra ngoài, đi đâu cũng vui vẻ, còn mầy, sao cái mặt như bị táo bón, thấy chẳng có chút xíu hài nào”. Tôi cười hề hề, nheo mắt, làm bộ thì anh ấy lại cười.

Thiệt tình, tôi không biết diễn hài ngoài đời, đôi khi tôi nghĩ đó là thất bại của mình trong quan hệ xã hội. Nhưng rồi tôi nghĩ, sân khấu và đời thực phải khác nhau, không nên lẫn lộn giữa thực và ảo, vì vậy tôi thường từ chối khi có người yêu cầu tôi diễn hài bên… bàn nhậu.

Xuất thân từ giới hội họa, đương nhiên tôi yêu cái đẹp. Cuộc sống thời trẻ của tôi khó khăn, vì cha mẹ tôi không sống gần nhau, nhưng không vì thế mà tôi quên yêu cái đẹp của con người, có lẽ nhờ vậy mà tôi mới đến được với sân khấu, điện ảnh, chấp nhận gian lao để dần tự khẳng định mình.

Tôi vào vai nông dân khá "ngọt" nên có người khẳng định tôi là nông dân nòi, thật ra, tôi sanh ở Sài Gòn, cha gốc Sa Đéc, mẹ An Giang, ông bà mất, tôi cũng ít có dịp về quê. Vốn sống từ những người chân quê chắc có được nhờ thời gian tôi làm công nhân thủy lợi, đi khắp đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình sống và sinh hoạt với người địa phương đã cho tôi chút vốn lận lưng để đem vào vai diễn của mình.

Trong gia đình, tôi không phải là người chồng, người cha lúc nào cũng cười… Một mình gánh vác cả gia đình, sau khi đi quay phim hay cười cợt trên sân khấu, về đến nhà phải leo năm tầng lầu mới đến nơi, tôi có muốn cười cũng là nụ cười nhếch một bên mép, chắc vì vậy mà hàng xóm cho tôi là người khó gần… Được cái, tôi không quên giúp đỡ khi láng giềng cần.

Có người nói, đôi lúc thấy Lê Bình già khi diễn chính kịch… đôi khi lại thấy ông trẻ khi diễn hài. Nhưng tôi biết, nhờ tôi ít nghĩ đến chuyện bon chen, tranh giành. Tôi vào vai lặng lẽ với những đồng xu ít ỏi, tin vào điều mình đang làm, cười cợt với bè bạn nhưng không có xu hướng hùa theo để kiếm chác nhiều hơn, cố không để lòng mình bận bịu với những trò ma mãnh trong nghề.

Sau giờ làm việc, tôi thích nhậu để tự thưởng cho mình, rồi thích nói chuyện bông lơn với những ai hiểu, nhưng cái cười không phải lúc nào cũng có. Có lúc tôi buồn rơi nước mắt, đã có khi suy nghĩ cùng quẫn, nhưng cũng may còn có gia đình vợ con là động lực để vượt qua.

Niềm vui tôi chia sẻ cùng gia đình, nhưng nỗi buồn lại âm thầm chịu đựng. Đôi lúc giữa khuya, tôi choàng tỉnh giấc, nghĩ suy, lo sợ bâng quơ rồi nước mắt rơi mà không hay. Cuộc sống thật sự không đơn giản, khi đã bước vào tuổi làm cha, làm ông. Đời quá nhiều cạm bẫy mà gia đình lại quá đỗi vô tư. Tôi thương con còn bé, cháu nội mồ côi cha không biết sống ra sao. Ai nói đàn ông không biết khóc…

Một lối diễn hài thâm trầm, nhẹ nhàng, có chút đau đớn
đã làm nên "người cười" Lê Bình

Thật ra, không soi gương tôi cũng biết cái mặt hay nhăn nhó của mình có khi như con nhím xù lông đáng sợ. Phải như vậy để bớt đi những phiền toái của cuộc đời, làm người nghệ sĩ, cuộc sống bắt buộc tiếp xúc nhiều người, biết ai thật ai gian. Thôi thì cố tránh những va chạm được chừng nào hay chừng ấy.

Có lúc trên sân khấu, tôi là một đại gia đất đai bạt ngàn, đời thật thì vẫn... định cư ở chung cư. Nhưng không để cái khó làm mất vui, tôi tự nhìn đời qua lăng kính hài để làm vui mình và vui cho mọi người. Ai cũng có cái để cười, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn và bao giờ tôi cũng tự cười mình trước khi đem lên sân khấu để cười người.

Có một thời, kiểu hài ồn ào cợt nhả vang lên khắp nơi. Với một người ăn nói không lanh thì… không thể chen chân được. Có lẽ nhờ sự thiếu thốn nên tôi mới nghĩ được cách diễn hài thâm trầm, nhẹ nhàng, đôi khi cũng có chút đớn đau trong đó. Nói để người nghe và cười khi người hiểu. Cũng may rồi từng bước được công nhận là người gây cười… rề rà, như các đồng nghiệp nói. Lão già này càng ngày càng có duyên. Cám ơn, trước đó chắc tôi vô duyên lắm!

Nhận được giải thưởng Diễn viên phụ được yêu thích nhất của Đài Truyền hình HTV năm 2011, tôi vui thiệt là vui. Sau 30 năm hành nghề cùng với nắng mưa cuộc đời, tôi có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghệ thuật, thêm tự tin để giúp những diễn viên trẻ mới vào nghề.

Nhiều nghệ sĩ lớn tuổi khi gặp vẫn thường hỏi: “Cuộc sống bây giờ ra sao?”. Tôi nói: “Cám ơn chú, cuộc sống nay có phần dễ thở hơn xưa, khi con cái lớn khôn, biết đi làm phụ với gia đình. Và cũng nhờ già đi nên bớt chạy nhảy, để dành thời gian nghiền ngẫm về cuộc sống, để bắt chước ông nhà văn trẻ - nghệ sĩ già Mạc Can, viết lại những điều mình đã trải nghiệm trong cuộc đời, và để nhận thấy, có khi điều rề rà giữa đám đông ồn ào náo nhiệt, lại tạo được một cái tên Lê Bình trong bộ nhớ của khán giả…”.

NS Lê Bình

28/05 WHO tặng bằng khen cho 1 chuyên gia y tế Việt

Tiến sỹ Lý Ngọc Kính. (Nguồn: Internet)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trao tặng “Bằng khen ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2011” cho tiến sỹ Lý Ngọc Kính, chuyên gia cao cấp, nguyên Chánh văn phòng, Văn phòng thường trực Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế (Vinacosh), nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế.

Trong lời tuyên dương, WHO đã đánh giá tiến sỹ Lý Ngọc Kính có những nỗ lực trong việc kiểm soát sử dụng thuốc lá tại Việt Nam cũng như đóng góp một phần quan trọng vào sự thành công của chiến dịch ủng hộ việc phê chuẩn sớm Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá của WHO tại Việt Nam.

Tiến sỹ Lý Ngọc Kính còn có những đóng góp vào việc soạn thảo Kế hoạch Thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá của WHO tại Việt Nam, được ban hành năm 2009.

Ông Kính hiện là thành viên của Ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Theo kế hoạch dự thảo Luật này sẽ được xem xét và thông qua bởi Quốc hội vào năm 2012.

Hiện nay, có hơn 5 triệu người trên toàn thế giới tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan tới thuốc lá - nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, sốt rét và lao cộng lại.

Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá của WHO đã được xây dựng nhằm ngăn chặn nạn dịch thuốc lá trên toàn cầu. Công ước bao gồm các biện pháp giảm cung và giảm cầu đã được chứng minh có hiệu quả.

Hiện có trên 170 quốc gia đã phê chuẩn Công ước Khung. Việt Nam là một trong những nước đã sớm phê chuẩn Công ước Khung từ năm 2004./.

Thùy Giang (Vietnam+)


27/05 Báo Phụ Nữ TP.HCM kỷ niệm 36 năm thành lập

PNO - Trong không khí phấn khởi mừng thành công của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, chiều 27/5/2011, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã tổ chức kỷ niệm 36 năm thành lập và ra mắt phiên bản mới của tuần báo Phụ Nữ Chủ Nhật tại tòa soạn báo, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM.

Đến chung vui với báo Phụ Nữ TP.HCM có các đồng chí lãnh đạo của Cục Báo chí phía Nam; đại diện Thành ủy, UBND TP, các sở, ban ngành TP.HCM; Hội LH Phụ nữ TP và quận huyện; đại diện các cơ quan truyền thông; các dì, các chị từng công tác tại Báo Phụ Nữ TP.HCM.

36 năm trước, ngày 19/5/1975, kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa những ngày tháng Năm rực lửa, Báo Phụ Nữ Sài Gòn- nay là báo Phụ Nữ TP.HCM, đã ra mắt bạn đọc để đến hôm nay vẫn luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích là bạn đường hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp tục chuyển tải những thông tin thời sự, bổ ích của cuộc sống liên quan đến gia đình, xã hội; đấu tranh bảo vệ nhân phẩm, lợi ích của phụ nữ và trẻ em; giáo dục giới tính, xây dựng người phụ nữ mới, văn minh và tiến bộ, góp phần xây dựng cuộc sống gia đình văn hóa, hạnh phúc. 36 năm phấn đấu và phát triển, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã khẳng định vị trí của mình trong ngành báo chí Việt Nam, trở thành món ăn tinh thần bổ ích của đông đảo bạn đọc.

Nhân kỷ niệm 36 năm thành lập báo, đáp lại sự tin cậy của bạn đọc, cùng với các ấn phẩm báo Phụ Nữ thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, Chủ nhật và Trang tin điện tử Phụ Nữ Online (www.phunuonline.com.vn), Báo Phụ Nữ TP.HCM luôn sáng tạo và phát triển bền vững với phiên bản mới của tạp chí Phụ Nữ Chủ Nhật được cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức. "Đây cũng chính là dịp Báo Phụ Nữ thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình để không phụ lòng mong mỏi của bạn đọc - bà Nguyễn Thị Khánh Tâm, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, Tổng biên tập báo Phụ Nữ khẳng định - Phiên bản mới của Phụ Nữ Chủ Nhật sẽ không ngừng tạo sức hấp dẫn với bạn đọc trong xu hướng phát triển của thời đại bùng nổ thông tin".

Một số hình ảnh tại buổi lễ:


Bà Nguyễn Thị Khánh Tâm tặng hoa cho bà Trương Thị Ánh- Phó Chủ tịch HĐND TP (giữa)
và bà Đinh Thị Bạch Mai- Chủ tịch Hội LHPN TP (bìa trái)


Bà Nguyễn Thị Khánh Tâm- Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ
phát biểu tại buổi lễ


Các dì, các chị từng công tác tại Báo Phụ Nữ TP.HCM về họp mặt


Bà Nguyễn Thị Khánh Tâm tặng hoa tri ân
dì Nguyễn Thị Tuyết- nguyên Phó TBT báo Phụ Nữ TP.HCM


Ông Nguyễn Vinh Thái- Chủ tịch Công đoàn viên chức TP
chia vui cùng Báo Phụ Nữ


Ca sĩ Quang Hà biểu diễn tại buổi họp mặt

Ca sĩ Phương Thanh hát tặng Báo Phụ Nữ

Ca sĩ Cao Thái Sơn hát tại buổi họp mặt

Tin: Tố Phương- Ảnh: Phạm Thành Nhân

27/05 Giai đoạn 2 cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại TPHCM: Đẩy mạnh quảng bá, tư vấn về hàng Việt


Chiều 26-5, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành chức năng góp ý kiến sơ kết một năm thực hiện chương trình hành động của TP về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ NVNƯTDHVN), bàn kế hoạch công tác trong năm 2011.

Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu đều cho rằng, CVĐ không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) nhận thức rõ vai trò của thị trường nội địa mà quan trọng hơn, niềm tin người tiêu dùng về hàng Việt được nâng lên rõ rệt.


Chọn mua bánh do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại siêu thị - Ảnh: SGGP

Xắn tay cùng làm

Theo nhận định của các chuyên gia, CVĐ đã có sự chuyển biến về chất so với nhiều chương trình vận động trước đó. Đã có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn cho từng mục tiêu cụ thể, đó là người tiêu dùng cụ thể, địa bàn tập trung, truyền thông nhất quán và đặc biệt là có sự “xắn tay áo cùng làm” của cả bộ máy chính trị, chính quyền các cấp. Chính sự tham gia một cách cụ thể, với những mục tiêu nhỏ nhưng khả thi đã từng bước đưa hàng VN tiếp cận thành công đến người tiêu dùng.

Tại cuộc họp nhiều ý kiến cho rằng, CVĐ NVNƯTDHVN mang ý nghĩa quyết định sống còn cho sự phát triển của sản xuất trong nước khi VN đã gia nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới. Do vậy, việc đánh giá kết quả CVĐ phải được lượng giá thông qua những con số cụ thể từ đó có thể bóc tách những mặt được và chưa được, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện.

Điều quan trọng, chúng ta đang hô hào người dân hãy ủng hộ hàng Việt nhưng với mỗi cán bộ, công chức cũng như việc mua sắm công đã thực hiện đến đâu lại chưa làm được. Nói cách khác, cho đến nay TP vẫn chưa tiến hành một cuộc khảo sát mang tính toàn diện, từ đó đánh giá mức độ tiêu dùng hàng Việt trong dân.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc tiến hành điều tra, khảo sát cũng là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình triển khai CVĐ. Ngay trong tháng 6, Sở Công thương phối hợp với Cục Thống kê TP thực hiện sớm để đưa kết quả vào báo cáo.

Ngoài việc khảo sát mức độ tiêu dùng trong dân nên mở rộng các khu vực, đối tượng khảo sát vào các sở, ngành, trong đó lưu ý đến việc mua sắm công xem các cơ quan này có thực hiện đúng theo chỉ đạo của nhà nước theo hướng ủng hộ hàng Việt hay vẫn sính hàng ngoại. Trong trường hợp phát hiện việc chi tiêu không đúng trọng tâm CVĐ, Sở Tài chính có quyền từ chối chi ngân sách.

Công tác truyền thông cần đi vào chiều sâu

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc tuyên truyền trong giai đoạn mới của CVĐ sẽ góp phần tư vấn, định hướng tiêu dùng đúng cho người dân, đồng thời phê phán hàng dỏm, hàng giả trên các báo đài, ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân về hàng Việt, vừa kích thích tiêu dùng, vừa khuyến kích động viên những nhà sản xuất chân chính. Trước mắt, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với Đài Truyền hình TPHCM sẽ mở kênh chuyên giới thiệu, quảng bá và bán hàng Việt.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, mục tiêu CVĐ đặt ra trong năm 2011 là phải đi vào chiều sâu, tạo thành phong trào hành động của các tầng lớp nhân dân, của các DN. Theo đó, TPHCM sẽ tập trung cho vấn đề chính là thông tin truyền thông, tổ chức thường xuyên, định kỳ, có chuyên đề chuyên trang cụ thể để tạo dấu ấn cho bạn đọc. TPHCM cũng sẽ tổ chức giải báo chí cũng như các giải thưởng về văn hóa văn nghệ liên quan đến chủ đề NVNƯTDHVN nhằm tạo sức lan tỏa, tạo hiệu quả cao nhất, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, ổn định an sinh xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, chủ trương của Bộ Chính trị về CVĐ NVNƯTDHVN là đúng đắn, tạo sự đồng tình chung trong xã hội. Thông qua CVĐ, các DN có nhiều nỗ lực trong việc sản xuất và cung ứng những sản phẩm có chất lượng, giá thành vừa phải, còn người tiêu dùng cũng nhận thức tốt hơn về hàng Việt. Theo đó, hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng có bước chuyển đáng kể, đó là xu hướng chọn mua hàng Việt ngày càng gia tăng, thể hiện được tinh thần yêu nước của người dân.

Đồng chí nhấn mạnh, trong 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của UBND TP đề ra cần quan tâm đến việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN liên quan đến vốn, chính sách... Các sở, ngành chức năng cũng cần đi sâu sát hơn đến hoạt động của các DN, từ đó đề xuất, tham mưu cho chính quyền TP hỗ trợ cho DN đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cung cầu hàng hóa, đáp ứng tiêu dùng nội địa. Ngoài ra công tác kết nối sản xuất và phân phối cần được chú trọng để tạo cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng phát triển. Các hiệp hội DN, ngành hàng cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt...


Hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Trong ảnh: Sản xuất
máy tính thương hiệu Việt tại Nhà máy FPT Elead -
Ảnh: SGGP

Theo ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, một năm qua, CVĐ triển khai ngày càng sâu rộng, bước đầu đã tạo được sự đồng thuận hưởng ứng của toàn xã hội. Kết quả khảo sát trong 2 tháng 9 và 10-2010 của Bộ Công thương cho thấy, có 59% người tiêu dùng xác định sẽ ưu tiên chọn hàng VN; 39% người tiêu dùng khuyên người thân mua hàng Việt; 36% đã thay đổi thói quen mua hàng ngoại sang hàng VN.

Trong đó, sản phẩm quần áo, giày dép có tới 80% người tiêu dùng ưa chuộng; thực phẩm, rau quả 58%; đồ gia dụng 49%; vật liệu xây dựng, đồ nội thất 38%; đồ chơi, dụng cụ học tập 34%; văn phòng phẩm 33%… Tại TPHCM, trong năm 2010, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại các hệ thống siêu thị như Big C, Co.opMart đã chiếm tỷ lệ 90%-95%. Theo đó, lượng hàng Việt tiêu thụ tại một số siêu thị đã tăng thêm 55% so với năm 2009.

(Thúy Hải, SGGP)

28/05 Nhiều địa phương công bố kết quả bầu cử HĐND

Cử tri xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn , tỉnh Quảng Ngãi, bỏ phiếu bầu. (Ảnh: Đăng Lâm /TTXVN)
Ủy ban bầu cử các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, thành phố Đà Nẵngđã công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2011-2016.
Tại tỉnh Khánh Hòa, nhiệm kỳ 2011-2016 có 84 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, dự bầu tại 14 tổ bầu cử. Trong số 53 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ mới, có 20 đại biểu tái ứng cử và đều trúng cử, chiếm 37,74%; có 11 đại biểu là nữ, chiếm 20,75%; 5 đại biểu trẻ tuổi, chiếm 9,43%.

Có 3 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 2 đại biểu đại diện cho các tôn giáo, 3 đại biểu ngoài Đảng...

Các đại biểu đắc cử đều tốt nghiệp trung học phổ thông; có 5 người là tiến sỹ, 9 thạc sỹ và 36 đại biểu có trình độ đại học, cao đẳng... cơ bản đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, thành phần, chất lượng của Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ mới.

Tại đơn vị bầu cử huyện đảo Trường Sa, 3 đại biểu trúng cử đều có tỷ lệ phiếu bầu khá cao, từ 86,5% trở lên; trong đó đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Lữ đoàn 164, Vùng 4 Hải quân, có tỷ lệ số phiếu bầu đạt gần 94,5% và là đại biểu có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất. Qua đó cho thấy cử tri trong tỉnh rất quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào đại biểu đại diện cho vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, số đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh được bầu là 55 người, kết quả đã bầu được 54/94 người tại 19 đơn vị bầu cử. Đơn vị bầu cử số 5 thuộc huyện Lý Sơn chưa bầu đủ số đại biểu quy định, thiếu 1 đại biểu.

Ông Phạm Minh Toản, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết trong cuộc bầu cử Hộiđồng Nhân dân các cấp diễn ra vào ngày 22/5 vừa qua, tại các địa phương đã bầu thiếu 1 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, 6 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 38 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn. Do vậy, các địa phương bầu chưa đủ số lượng đại biểu sẽ được bầu thêm, dự kiến tổ chức vào ngày Chủ Nhật (5/6 tới).

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, số đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đã bầu đủ 52 đại biểu. Đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện trúng cử là 303 đại biểu trong tổng số 458 ứng cử viên.

Số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã trúng cử là 3.841 đại biểu, thiếu 27 đại biểu, trong tổng số 5.867 ứng cử viên.

Thành phố Đà Nẵng đã bầu đủ 50 đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố nhiệm kỳ2011-2016; trong đó có 14 đại biểu là nữ, 14 đại biểu tái cử, 4 đại biểu ngoàiđảng và trẻ tuổi, 48 đại biểu có trình độ đại học trở lên, 1 đại biểu dân tộc thiểu số, 1 người tự ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố trúng cử.

Theo Ủy ban bầu cử thành phố Đà Nẵng, trong số 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố, huyện Hòa Vang có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất với 99,99%; có 29/56 phường, xã có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 100% và 411/484 Tổ bầu cửcó cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 100%./.

(TTXVN/Vietnam+)

27/05 Nhiều doanh nhân trúng cử HĐND Hà Nội


Thứ sáu, 27/5/2011, 18:25 GMT+7

Trong số 95 người trúng cử đại biểu HĐND Hà Nội có 11 doanh nhân. Hai ứng viên 8x tự ứng cử đều trượt.

Nhiều sao trúng cử đại biểu HĐND TP HCM

Chiều 27/5, Ủy ban bầu cử Hà Nội công bố danh sách ứng viên trúng cử đại biểu HĐND thành phố. Trong 95 đại biểu khóa mới của thủ đô có đầy đủ lãnh đạo 29 quận, huyện cùng nhiều lãnh đạo thành phố. Người được số phiếu cao nhất là ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố với tỷ lệ phiếu bầu trên 84%.
Danh sách chi tiết người trúng cử đại biểu HĐND Hà Nội
Ngoài ông Thảo, có 6 người đạt tỷ lệ cao trên 80% gồm các ông, bà: Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố; Hoàng Công Khôi, Bí thư quận Hoàn Kiếm; Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Thạch, Bí thư huyện Mỹ Đức; Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh; Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.
Theo ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ, cuộc bầu cử tại Hà Nội đã thành công với tỷ lệ cử tri đi bầu trên 99%. Trong 95 người đắc cử có 24 người tái cử; 23 nữ; 7 người ngoài Đảng; 3 người trẻ dưới 35 tuổi...
Ảnh: N.H.
Cử tri Hà Nội trong ngày bầu cử 22/5. Ảnh: N.H.
Đặc biệt, có 11 doanh nhân trúng cử, trong đó có ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Động Lực (59,93%); bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn đầu tư và Xúc tiến Thương mại, Công ty Luật InvestPro và Hoàng Giao (69,17%); bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng nhà nước thành phố Hà Nội (70,57%); bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất (60,44%)...
Hai ứng viên tự do lọt vào vòng cuối đều không đạt đủ số phiếu bầu để trở thành đại biểu HĐND Hà Nội khóa mới.
Nguyễn Hưng