Sunday, March 14, 2010

14/03 Robin Macpherson: cuộc sống ở Việt Nam luôn có nhiều điều bất ngờ


Chủ Nhật, 14/03/2010, 15:02 (GMT+7)
Robin Macpherson - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Hàn Quốc (Hanwha) tại Việt Nam rất dễ gây cảm tình với người khác nhờ phong cách nồng nhiệt, cởi mở, dí dỏm mà sâu sắc. Những cuộc trò chuyện với vị doanh nhân người Úc này không chỉ mang đến cho người khác nhiều nụ cười sảng khoái, mà còn là những chia sẻ chân thành và thú vị về cuộc sống và công việc kinh doanh.
Nhịp sống trên những con đường
Trong bảy năm sống và làm việc tại Việt Nam, điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với Robin Macpherson có lẽ là nhịp sống trên những con đường. Như nhiều người đến từ các đất nước phát triển, cảm giác đầu tiên của Robin khi đặt chân đến xứ sở nhiệt đới này là sự choáng ngợp trước những dòng xe máy đông đúc đi về trên mọi ngả đường.
“Nhưng điều thú vị nhất có lẽ là đi trên đường phố cũng có thể nhìn thấy mọi hoạt động của cuộc sống đang tất bật diễn ra từng ngày từng giờ, từ xây dựng, buôn bán đến cả… nấu ăn” - Robin nhận xét. Tuy những cảnh tượng ấy có chút xô bồ và hơi mất trật tự nhưng đó là một trong nhiều nét đặc trưng của một đất nước đang phát triển.
Robin Macpherson (ngồi) trao đổi công việc với nhân viên
Nói về điểm khác biệt về lối sống giữa Việt Nam và nước Úc của mình, Robin cho biết: “Ở Úc cũng như nhiều nước phát triển khác mà tôi đã đi qua, hầu như mọi hoạt động trong cuộc sống đều được lên kế hoạch trước rồi cứ thế diễn ra. Đôi khi, điều đó khiến người ta nhàm chán. Còn ở Việt Nam, cuộc sống luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ thú vị mà không ai có thể đoán trước được”.
Chính vì sự khó nắm bắt ấy mà ông luôn tận dụng mọi cơ hội để có được những trải nghiệm quý báu về cuộc sống trên đất nước này. Một trong những kỷ niệm khó quên của Robin là việc ông trở thành khách mời của chương trình Smiling Vietnam (Việt Nam - Những nụ cười) - một chương trình truyền hình thực tế trên kênh HTV7 như một chiếc cầu nối để người nước ngoài hiểu thêm về văn hóa, lối sống của người Việt.
Ông kể: “Nhờ tham gia vào chương trình này mà tôi được gặp gỡ một nghệ nhân làm loa tranh. Sản phẩm độc đáo và có tính ứng dụng cao ấy không chỉ được người Việt ưa chuộng, mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Điều đó khiến tôi rất thích thú và khâm phục khả năng sáng tạo của người Việt Nam”.
“Công việc cho tôi cơ hội giúp đỡ cộng đồng”
Robin Macpherson rời Melbourne, xa gia đình để đến Việt Nam làm việc trong nhiều năm vì niềm đam mê đối với ngành bảo hiểm cũng như niềm tin vào thị trường đầy tiềm năng này. Ông nói: “Tôi cảm ơn công việc mà mình đang làm vì nó không chỉ mang lại lợi ích cho riêng bản thân tôi, mà còn có ích cho cộng đồng. Đối với tôi, bảo hiểm nhân thọ là một ngành kinh doanh rất đặc biệt. Khi khách hàng gặp rủi ro, bất trắc cũng chính là lúc bạn thực hiện nhiệm vụ của mình để giúp họ tìm được sự ổn định và an toàn trong cuộc sống”.
Ngoài việc điều hành công ty, Robin còn dành thời gian để trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động thiện nguyện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi Trung ương vào các dịp Tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi… Đó là những hoạt động hỗ trợ cộng đồng, chủ yếu hướng đến phụ nữ và trẻ em mà ông và các nhân viên đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua.
Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có khoảng 5% trong tổng số hơn 80 triệu dân có bảo hiểm nhân thọ trong khi ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, con số này đã vượt quá 100% (một người có nhiều hợp đồng bảo hiểm khác nhau). Với vị phó tổng giám đốc kinh doanh của Hanwha, đây vừa là một thách thức, vừa là một cơ hội lớn. Robin luôn tin rằng ông và các đồng nghiệp sẽ tận dụng được cơ hội này để phát triển bền vững tại thị trường nhiều tiềm năng như Việt Nam.
Ông tự hào cho biết: “Thành công lớn nhất của tôi cho đến bây giờ là đã thuyết phục được những người có năng lực cùng làm việc với mình. Hiện nay, tôi đang làm việc cùng 75 nhân viên người Việt. Họ đều là những người có thực lực và đáng tin cậy”. Có lẽ một môi trường làm việc thân thiện, nhiều cơ hội phát triển cùng với đội ngũ nhân viên năng động đã giữ chân Robin Macpherson lại đất nước hình chữ S này trong suốt bảy năm qua và ông vẫn chưa hề có ý định rời xa.
Theo KIM CÚC
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Friday, March 12, 2010

03/12/2010 Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Nhựa


Thứ Sáu, 03/12/2010 | 10:18
Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader
Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Nhựa

(Vietstock) – Kết quả dự phóng của chúng tôi cho thấy, P/E và P/B forward cho năm 2010 trung bình của các doanh nghiệp trong ngành chỉ vào khoảng 6.29 lần và 1.07 lần. Đây là mức định giá khá hấp dẫn khi nhu cầu sử dụng sản phẩm nhựa xây dựng và nhựa dân dụng những tháng cuối năm thường có xu hướng tăng cao.
I. DIỄN BIẾN NGÀNH NHỰA ĐẦU NĂM 2010
Tốc độ tăng trưởng ngành và tăng trưởng xuất khẩu cao. Ngành nhựa hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh với tốc độ trung bình 15-20%/năm. Nhựa cũng được đánh giá là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, đứng thứ 4 sau cơ khí, hạt tiêu và cà phê. Xuất khẩu sản phẩm nhựa trong 8 tháng đầu năm 2010 đạt 650 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành nhựa Việt Nam đang hướng đến 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu, tăng gần 43% so với năm trước.
Thị trường xuất khẩu không quá khó để thâm nhập. Theo Cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc, đối với mặt hàng nhựa, Việt Nam là nước có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt, được hưởng mức thuế thấp hoặc đối xử ngang bằng các nước xuất khẩu khác ở hầu hết các thị trường. Các doanh nghiệp cũng đã tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại của thế giới và sản phẩm được thị trường chấp nhận. Ngoài thị trường Nhật Bản đã có vị thế cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập thành công những thị trường mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, EU… Đây là những khu vực có nhu cầu cao về sản phẩm bao bì, sản phẩm nhựa tiêu dùng và xây dựng.
Sản phẩm nhựa ngày càng phổ biến ở thị trường nội địa. Trong nước, sản phẩm nhựa cũng đã có mặt trong hầu hết các ngành, từ công nghiệp, nông nghiệp đến giao thông vận tải, xây dựng... Những sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao như ống dẫn dầu, đồ nhựa cho ôtô hay máy vi tính cũng đã được các doanh nghiệp sản xuất thành công, thay thế hàng nhập khẩu.
Phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện mỗi năm ngành nhựa cần 1.5 triệu tấn nguyên phụ liệu, trong khi sản xuất nội địa mới đáp ứng khoảng 300,000 tấn. Sản xuất chất dẻo trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 10 - 15% nhu cầu nguyên vật liệu, và ngành nhựa vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, biến động giá nguyên liệu thế giới lập tức gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngành nhựa.
Hầu hết các các loại nguyên liệu nhựa được sản xuất từ dầu mỏ và khí đốt nên giá chịu tác động trực tiếp từ giá các mặt hàng này. Việc giá nguyên liệu nhựa tăng liên tục theo giá dầu thế giới, cộng với sự bấp bênh của một số nguồn hàng, đã tạo sức ép không nhỏ trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Giá nguyên liệu nhựa đã tăng 20-30% so với đầu năm 2010. Trong các tháng gần đây, giá mặt hàng nguyên liệu nhựa đã giảm nhiệt do giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm. Tuy vậy, giá các loại mặt hàng này vẫn ở mức cao, đã tăng từ 20-30% so với đầu năm 2010.  
Năng lực sản xuất và công nghệ hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp nhựa đều phát triển từ các công ty gia đình. Nguồn vốn ít, trình độ quản lý hạn chế, thiếu thông tin cập nhật nên những doanh nghiệp này thường đầu tư chủ yếu vào những mặt hàng đơn giản, thâm dụng lao động và có tỷ suất lợi nhuận thấp.
Hầu hết các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư công nghệ cho các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, đặc biệt là các loại bao bì tự hủy, sản phẩm phục vụ nội địa hóa ngành ôtô, xe máy, điện tử, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng cấp thoát nước, các sản phẩm nhựa tiêu dùng... Vì thế, ngành nhựa Việt Nam vẫn chưa thể trở thành ngành công nghiệp phụ trợ cho các ngành sản xuất khác.
Cơ cấu ngành nhựa mất cân đối. Mức độ cạnh tranh cao ở phía Nam. Ngành nhựa bao bì có 702 doanh nghiệp, chiếm 35.1%, nhựa gia dụng có 794 doanh nghiệp, chiếm 39.7%, trong khi nhựa kỹ thuật chỉ có 272 doanh nghiệp, chiếm 13.6%.
Mức độ cạnh tranh trong ngành nhựa không cao do phân bố địa lý, các doanh nghiệp có phân khúc thị trường riêng, nhu cầu tiêu thụ lớn. Khoảng 76% doanh nghiệp tập trung ở phía Nam nên khu vực này có mức độ cạnh tranh cao hơn hẵn khu vực miền Bắc và miền Trung.
Những rủi ro tiềm tàng. Đáng chú ý là mặt hàng nhựa cũng chịu rủi ro thuế chống bán phá. Hiện Mỹ đang áp thuế ở mức cao nhất, 75% lên túi nhựa Việt Nam. Ngoài ra, ngành nhựa còn phải chịu các rủi ro hoạt động như đổ nhựa, hỏa hoạn…
II. TRIỂN VỌNG NGÀNH NHỰA NĂM 2010
Tiềm năng thị trường nội địa vẫn còn rất lớn. Việt Nam có gần 86 triệu dân, với mức tiêu thụ sản phẩm nhựa trung bình khoảng 22 kg/người, và mục tiêu năm 2010 có thể đạt 32 kg/người. Đây là con số khá thấp so với nước láng giềng như Thái Lan, trên 100 kg/người, các nước phát triển như Nhật Bản ở mức 200 kg/người. Các doanh nghiệp ngành nhựa có nhiều thuận lợi để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hàng nội địa và sản xuất thay thế nhập khẩu đang được khuyến khích.
Đang dần hạn chế phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu, đặc biệt khi các tổ hợp hóa dầu hoạt động. Hiện có nhiều dự án sản xuất nguyên liệu nhựa PP, PE đang được triển khai. Dự kiến đến hết năm 2010 khi đi vào hoạt động, các nhà máy mới có thể nâng tổng công suất của ngành nhựa thêm khoảng 1.2 triệu tấn/năm. Việc gia tăng sản lượng của ngành gặp thuận lợi khi các dự án sản xuất hạt nhựa trong các tổ hợp lọc hóa dầu (như Dung Quất) từng bước trở thành hiện thực. Điều này có thể giúp giảm thiểu rủi ro biến động nguồn nguyên vật liệu và biến động tỷ giá.
Nhựa bao bì và gia dụng chiếm tỷ trọng lớn. Nhu cầu khá ổn định và thường tăng cao vào cuối năm. Doanh nghiệp sản xuất nhựa bao bì và gia dụng chiếm khoảng 75-80% số lượng doanh nghiệp của cả ngành. Đây là nhóm không đòi hỏi trình độ công nghệ cao như nhựa kỹ thuật và xây dựng.
Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu tại các nước phát triển về sản phẩm bao bì và nhựa gia dụng đang giảm đi. Đồng thời, giá trị gia tăng của các sản phẩm này không cao như nhóm nhựa kỹ thuật và vật liệu xây dựng.
Các sản phẩm của nhóm này phục vụ nhu cầu thiết yếu, nhu cầu sử dụng trong nước ngày càng cao và có thị trường khá bền vững. Bao bì cho sản phẩm nông nghiệp, bao bì cho thực phẩm chế biến, các sản phẩm gia dụng như tủ, ghế, …ngày càng có xu hướng phát triển do thị hiếu thích gọn nhẹ, năng động và hiện đại.
Những tháng cuối năm với các dịp lễ, Noel, Tết sẽ khiến việc sử dụng thực phẩm, nhu cầu mua sắm tăng cao. Do vậy, các doanh nghiệp bao bì và nhựa gia dụng có thể tăng lượng bán hàng và thúc đẩy doanh thu.
Doanh nghiệp sản xuất nhựa kỹ thuật. Ngành nhựa kỹ thuật có giá trị gia tăng lớn hơn và đang được các nước phát triển quan tâm. Tuy vậy, công nghiệp phụ trợ ngành nhựa trong nước như cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị, khuôn mẫu… lại chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, hoạt động sản xuất nhựa kỹ thuật cao phục vụ cho các ngành điện – điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như không đáng kể.
Doanh thu của ngành nhựa kỹ thuật phụ thuộc vào đơn hàng. Do vậy, trong những tháng cuối năm, hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp ngành nhựa kỹ thuật ít có đột biến.
Doanh nghiệp sản xuất VLXD bằng nhựa. Hàng loạt dự án tiếp tục được đầu tư triển khai, Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng là những yếu tố tạo nên nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng, trong đó có các sản phẩm nhựa xây dựng như ống nhựa, tấm lợp, tấm trần,… Ngành nhựa xây dựng cũng chịu tác động từ tính thời vụ của ngành xây dựng. Quý 1 và quý 4 hằng năm thường là thời điểm hoạt động xây dựng tăng cao, các doanh nghiệp ngành nhựa sẽ được hưởng lợi và doanh thu thường tăng trưởng mạnh.
III. CỔ PHIẾU QUAN TÂM: BMPNTP
Những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, quy mô lớn, có trình độ khoa học kỹ thuật cao, sản xuất được nhiều mặt hàng chuyên sâu, thương hiệu mạnh sẽ có nhiều lợi thế trong giai đoạn cạnh tranh cao, giá nguyên vật liệu biến động mạnh như hiện nay.
Để hạn chế các rủi ro tăng trưởng trong dài hạn, những doanh nghiệp có dự án phát triển tiềm năng, có kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới phương pháp kỹ thuật cũng là tiêu chí quan trọng khi chúng tôi xem xét lựa chọn cổ phiếu.
Hiện đang có 11 doanh nghiệp ngành nhựa đang niêm yết, trong đó có 4 doanh nghiệp có tình hình tài chính nổi trội là BMPDPCNTP và TTP. Trong đó, BMP và NTP là 2 công ty lớn nhất xét về thị phần lẫn quy mô.
CTCP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP)
Cơ hội: BMP hiện có năng lực sản xuất cao thứ 2 trong ngành, sản lượng sản xuất đạt 39,000 tấn trong năm 2009. BMP chi phối 50% thị phần ở miền Nam và chiếm khoảng 20-25% thị phần ngành sản xuất ống nhựa cả nước.
BMP hiện có hệ thống bán lẻ rộng khắp, khá năng động trong quản lý và đang nỗ lực mở rộng thị trường. Với việc sở hữu 20% DPCBMP có lợi thế để củng cố thị phần ở khu vực miền Trung.
Hằng năm, BMP đầu tư và nâng cấp máy móc thiết bị để tăng công suất từ 10-15%. Trong năm 2010, BMP đã thuê 15.56 ha đất tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc - Bến Lức, Long An để đầu tư xây dựng nhà máy với công suất dự kiến 150,000 tấn/năm. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2013.
Rủi ro: Việc mở rộng ra thị trường phía Bắc vẫn chưa đem lại hiệu quả. Nhà máy ở phía Bắc chưa đem lại lợi nhuận và tác động không tích cực lên tình hình tài chính củaBMP. Mặc dù 100% nguyên liệu chính (PVC) được mua trong nước nhưng BMP vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi biến động tỷ giá, do các đối tác lấy USD làm cơ sở tính giá.
Doanh thu BMP trong 9 tháng đầu năm 2010 đạt 1,004 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 187.3 tỷ đồng, giảm 8.5% so với cùng kỳ do trong năm giá bột nhựa, chi phí tiền lương tăng cao làm sụt giảm lợi nhuận. 
Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của BMP trong năm 2010 tương ứng đạt 1,338 và 249 tỷ đồng. P/E và P/B dự phóng năm 2010 của cổ phiếu BMP lần lượt ở mức 6.93 và 1.9 lần. BMP vẫn là một cổ phiếu ưu tiên của ngành nhựa khi nhu cầu nhựa xây dựng quý 4/2010, quý 1/2011 thường có xu hướng tăng trưởng mạnh.
CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP)
Cơ hội: NTP hiện có năng lực sản xuất cao nhất so với các doanh nghiệp trong ngành, sản lượng sản xuất đạt 42,962 tấn trong năm 2009. NTP chiếm khoảng 25-30% thị phần ngành sản xuất ống nhựa cả nước và chi phối 65% thị phần của miền Bắc. NTP có khách hàng là nhiều nhà thầu lớn nên doanh thu có xu hướng ổn định. Hệ thống phân phối hiện diện khắp cả nước với 3 kênh phân phối: trung tâm bán hàng và đơn vị bán hàng, khách hàng riêng lẻ và đấu thầu công trình; sẽ gây nhiều khó khăn cho những công ty đối thủ muốn thâm nhập thị trường.
Các sản phẩm của NTP là nhựa ống, phụ tùng,… phục vụ các công trình xây dựng. Việt Nam hiện đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trung tâm thương mại và nhà ở. Ngành xây dựng có nhiều triển vọng sẽ kéo theo nhu cầu ống nhựa, phụ tùng nhựa xây dựng tăng cao.
Các quý 4/2010, quý 1/2011 là mùa vụ cao điểm của hoạt động xây dựng nên NTP có thể sẽ có doanh thu tăng trưởng đột biến.
NTP chiếm lĩnh thị phần lớn nhất và tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất bên cạnh việc thành lập thêm CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam và Công ty Liên doanh Nhựa Tiền Phong SMP tại Lào. Điều này sẽ giúp NTP duy trì mức tăng trưởng tích cực  trong các năm tới.
Trong tháng 10/2010, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 60%. Đây có thể là một yếu tố tích cực thúc đẩy giá cổ phiếu tăng trưởng trong thời gian tới.
Rủi ro: NTP hiện tại vẫn phải nhập khẩu 80% lượng nguyên vật liệu. Do đó, vấn đề tỷ giá và biến động giá nguyên vật liệu thế giới có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, thị phần ở khu vực miền Nam và miền Trung vẫn còn thấp, và CTCP Nhựa Tiền Phong phía Nam (NTP giữ 51% vốn cổ phần) mới đi vào hoạt động, vẫn chưa sinh lãi.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2010, doanh thu của NTP đạt 1,385 tỷ đồng, tăng 36.8% so với cùng kỳ năm trước nhờ gia tăng sản lượng bán hàng và giá bán sản phẩm thêm 10% từ tháng 1/2010. Lợi nhuận sau thuế đạt 235 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ; do trong năm giá bột nhựa PVC, PE-HD tăng khoảng 10-13% và chi phí tiền lương tăng cao. 
Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2010 của NTP có thể đạt 1,847 tỷ đồng nhờ vào nhu cầu xây dựng ở miền Bắc tiếp tục tăng trưởng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 313 tỷ đồng. Như vậy, P/E và P/B năm 2010 của NTP sẽ lần lượt ở mức 5.7 và 2.16 lần. Đây là mức khá hấp dẫn đáng xem xét để đưa cổ phiếu này vào danh mục đầu tư.
Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010

03/11 ĐBQH Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh):Trung ương cần tiếp tục giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính


03/11/2010
Kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2010 có điểm đáng ghi nhận là tăng thu đạt trên 58.000 tỷ và giảm được bội chi so với dự toán, từ 6,2% xuống còn 5,9%. Về nhiệm vụ thu - chi ngân sách năm 2011, tôi cho rằng, cần thực hiện với tinh thần “tích cực trong thu, tập trung tiết kiệm trong chi”.
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nguồn thu lớn. Chúng tôi cũng xin hứa sẽ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao là tăng thu 22%, tương đương với trên 20.000 tỷ đồng. Theo đó, năm 2011, TP Hồ Chí Minh phấn đấu tăng thu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, về phía Trung ương cũng cần tháo gỡ giúp địa phương những khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Vừa qua, chúng ta thực hiện rà soát các thủ tục hành chính. Các địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh đã rà soát, cắt giảm thủ tục gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Còn phần của Trung ương, tôi thấy trên cơ sở rà soát, Trung ương sẽ xử lý nhanh để giảm những thủ tục hành chính. Những vấn đề về đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hiện nay còn mất nhiều thời gian. Thời gian phê duyệt ngân sách cho một dự án còn tính bằng năm trở lên. 

Về cơ chế chính sách cũng vậy, một số quy định trong văn bản luật, nghị định còn gây cản trở, ảnh hưởng đến nguồn thu. Ví dụ Nghị định 69 của Chính phủ ban hành năm 2009 về việc thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường, tôi thấy ở tất cả các trường hợp thu đều có những bất cập. Đối với người dân là diện tích ngoài hạn mức lấn chiếm tính theo giá thị trường đang gặp nhiều khó khăn về phương pháp tính và nghĩa vụ của người dân. Đối với tổ chức doanh nghiệp, mặc dù đã bỏ tiền đền bù theo giá thị trường nhưng theo Nghị định 69 thì họ phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường một lần nữa. Dẫu rằng phần đóng này có khấu trừ theo giá Nhà nước song như vậy cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp và gây ách tắc trong việc thu tiền sử dụng đất cho các địa phương, kể cả việc thúc đẩy đầu tư... Tôi đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 69 năm 2009.

Về phân cấp nguồn thu, tỷ lệ điều tiết, tôi nghĩ, việc này sẽ cố gắng thực hiện theo phân chia nhưng cần tính toán phân chia cho khoa học, tinh thần là nước lên, thuyền lên; giúp các địa phương có điều tiết thì sẽ có điều kiện đầu tư phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu. Ví dụ ở TP Hồ Chí Minh,  năm 2011, nhiệm vụ thu sẽ tăng 22%, còn chi tăng 4,5%. Như vậy là nước cũng có lên nhưng thuyền lên ít quá. Thành ra, tôi nghĩ rằng cũng nên xem xét vấn đề này. Tỷ lệ điều tiết ở TP Hồ Chí Minh giảm dần, như năm 2003 điều tiết phần phân chia còn lại là 33%; đến năm 2004, chỉ một năm sau, thì tỷ lệ điều tiết giảm ngay 3%, còn 29%; năm 2006 giảm còn 26% và dự kiến năm 2011 sẽ giảm còn 23%. Tôi nghĩ là rất khó khăn cho TP Hồ Chí Minh. Không biết các địa phương, các thành phố lớn trên thế giới có được điều tiết với tỷ lệ này không? Tôi hỏi một số chuyên gia thì họ trả lời là không ai điều tiết thấp như vậy. .

Tuesday, March 2, 2010

02/03/2010 VN quan tâm chiến đấu cơ đời mới của Nga



Sukhoi T-50
Sukhoi T-50 được cho là hiện đại hơn Raptor của Mỹ
Tin cho hay Việt Nam bày tỏ quan tâm tới chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm mà Nga đang nghiên cứu chế tạo.
Hãng tin Reuters trích nguồn giới quan sát quân sự Nga cho biết ngoài Việt Nam còn có một số nước như Lybia đã nhắm nhe loại máy bay này.
Tuy nhiên các chiến đấu cơ Sukhoi T-50 phải tới 2015 mới có thể được sản xuất đại trà.
Được biết chính bản thân Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã ra lệnh phát triển dự án chế tạo chiến đấu cơ đời mới, mà các nhà thiết kế nói sẽ hiện đại hơn máy bay tàng hình Raptor F-22 của không lực Hoa Kỳ.
Việc chế tạo Sukhoi T-50 được cho là nằm trong kế hoạch hiện đại hóa không quân của Nga, vốn đang lâm vào tình trạng xuống cấp kể từ khi Liên bang Soviet tan rã năm 1991.
Thiết kế viên trưởng của dự án Sukhoi T-50, ông Alexander Davydenko, nói với các phóng viên: "Các chi tiết cơ bản tương tự như ở F-22 Raptor, nhưng chúng tôi sẽ hoàn thiện chúng hơn".
"Về giá cả thì chắc chắn máy bay của chúng tôi sẽ vừa túi tiền hơn".
Việt Nam đã mua 8 chiến đấu cơ Su-30 của Nga, năm nay sẽ giao hàng đợt đầu tiên.
Các loại chiến đấu cơ đời cũ như MiG-29 và Su-27 đã "trình làng" từ năm 1977. Việt Nam dựa vào Nga khá nhiều trong việc duy trì không quân và đang được đánh giá là một trong các khách hàng thuộc loại tiềm năng nhất của kỹ nghệ sản xuất vũ khí của Nga.
Giáo sư Carlyle Thayer từ Úc, một chuyên gia về Việt Nam, giải thích các lý do vì sao Việt Nam muốn mua vũ khí.
"Những quốc gia như Việt Nam muốn cập nhật công nghệ mới nhất. Họ chỉ có thể mua một số lượng nhỏ máy bay, nhưng như thế cũng có thể làm chủ công nghệ, bắt đầu hiểu khả năng của những đối thủ tiềm năng trong chiến tranh."
"Lý do thứ hai là đánh giá xem chúng có phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vốn rất khác với Nga. Ngoài ra, người ta mua còn vì uy tín, để ra dấu hiệu cho khu vực và Trung Quốc rằng Việt Nam có khả năng tích hợp công nghệ mới vào lực lượng không quân."
Việt Nam không thể đối đầu với Trung Quốc trong cuộc xung đột, nhưng điều Việt Nam có thể làm là khiến Trung Quốc phải trả giá đắt nếu tiến vào hải phận.
GS. Carlyle Thayer
Hà Nội được ca ngợi là khách hàng "truyền thống và đáng tin cậy" của các công ty vũ khí Nga.
Cuối năm ngoái, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sang Nga, hai bên đã ký hợp đồng cung cấp vũ khí khổng lồ, mà các bình luận viên cho rằng để đối phó với ảnh hưởng và vị thế ngày càng lớn của Trung Quốc ở trong khu vực.
Các kênh chính thống của Việt Nam đều bác bỏ nhận định này, nói rằng Việt Nam chỉ củng cố quốc phòng để tự vệ và bảo vệ chủ quyền.
Giáo sư Carlyle Thayer nhận định việc mua vũ khí là nhằm phản ứng trước công cuộc hiện đại hóa trong vùng, đặc biệt là của Trung Quốc.
"Việt Nam không thể đối đầu với Trung Quốc trong cuộc xung đột, nhưng điều Việt Nam có thể làm là khiến Trung Quốc phải trả giá đắt nếu tiến vào hải phận. Việt Nam cần bảo vệ dầu và khí đốt. Sau năm 2020, họ hy vọng hơn 50% GDP là nhờ vào kinh tế biển. Vì thế Việt Nam có quyền lợi quốc gia là phải bảo vệ chủ quyền."

Chiến đấu cơ đời mới

Các nhà thiết kế Sukhoi T-50 cho biết vẫn còn nhiều điểm phải cải thiện và hàng chục lần thử nghiệm trước khi loại chiến đấu cơ tàng hình mới này cọ́ thể đưa ra sản xuất đại trà.
Sự ra đời của nó dù sao cũng cho thấy Nga vẫn là một trong các nước tiên phong về công nghệ quốc phòng.
Sukhoi T-50 sẽ không chở theo vũ khí, do vậy không dùng để tấn công.
Các phân tích gia nói động cơ của loại máy bay này hiện còn chưa đủ mạnh để so sánh với động cơ Pratt & Whitney F119 của Mỹ, đồng thời còn một số lỗi về radar và hệ thống điều khiển trên khoang, tuy nhiên các nhà thiết kế chắc chắn đang nỗ lực để khắc ohục chúng.
T-50 sẽ do một liên doanh Nga-Ấn Độ sản xuất, mỗi bên góp vốn một nửa.
Có thể nó sẽ được trang bị hỏa tiễn siêu thanh BrahMos, cũng do liên doanh này sản xuất.
Các nhà thiết kế cho hay Trung Quốc không tham gia vào dự án Sukhoi T-50.