Sunday, October 3, 2010

24/09 Nhan sắc Hà Nội xưa-nay tỏa sáng với lễ hội áo dài

24/09/2010 10:10:00

Một bộ sưu tập áo dài Ngân An sẽ xuất hiện trong đêm trình diễn.( Ảnh: Nguyễn Anh/ Vietnam+)


Đêm đầu tiên của dịp Đại lễ (20h ngày 1/10/2010), tại cụm danh thắng Tháp Bút – Ngọc Sơn sẽ diễn ra “Lễ hội Áo dài ba miền” với 600 tà áo dài. Và trong chương trình “Thăng Long – Hà Nội thành phố rồng bay” kết thúc 10 ngày Đại lễ những tà áo dài sẽ lại xuất hiện.

Cả hai phần đóng góp lớn cho chương trình trình diễn áo dài đều là của một thương hiệu áo dài nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội. Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư (Giám đốc điều hành của Công ty thời trang Ngân An).

- Chị có thể giới thiệu đôi nét về chương trình và các chủ đề biểu diễn áo dài trong "Đêm huyền ảo Hồ Gươm?"

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư: Đây là một hoạt động nghệ thuật được lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xác định là điểm nhấn của Đại lễ chào mừng Thăng Long – Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, từ nhiều tháng nay, Công ty thời trang Ngân An đã sáng tạo và thi công 600 bộ áo dài dựa trên sự kế thừa những tinh hoa văn hóa truyền thống.

Những thiết kế này tập trung vào hai chủ đề chính: Áo dài của một Hà Nội đậm chất Tràng An xưa và Áo dài mang đặc trưng ba miền văn hóa.

- Chị có thể tiết lộ về những gương mặt tham gia vào chương trình đặc sắc để tạo dấu ấn ngàn năm này, họ sẽ là những ai?

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư: Chúng tôi đã chọn những gương mặt xuất sắc để gửi gắm ý tưởng trình diễn của mình, trong đó phải nhắc tới những nhan sắc nổi tiếng như Hoa hậu Ngô Phương Lan, Á hậu Ngọc Oanh, Hoa hậu thể thao Trần Thị Quỳnh, Á Hậu Đặng Thùy Trang… cùng hàng loạt những tên tuổi khác trong làng thời trang Việt Nam. Tổng đạo diễn của chương trình áo dài là NSND Lê Khanh.

Tôi cho rằng điểm mới của cuộc trình diễn lần này là khán giả sẽ được thưởng thức vẻ đẹp của tà áo dài trên vóc dáng của người phụ nữ Việt ở mọi lứa tuổi. Vì thế chúng tôi mời cả một số đại diện của thế hệ các bác, các cô, các chị như Nghệ sĩ Lê Mai, NSƯT Thu Hà, chị Ngô Hương trong trang phục áo dài truyền thống.

- Họ sẽ ra sàn diễn như thế nào, ai cũng biết áo dài Việt Nam là đẹp nhưng khi mang tính truyền thống thì dễ quen mắt, vậy chị đã cùng các cộng sự sẽ tạo ra không gian, hoàn cảnh văn hóa và đời sống nào cho áo dài tỏa sáng?

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư: Tôi nghĩ là sẽ thú vị vì trong 45 phút của chương trình, 100 người mẫu liên tục xuất hiện và trình diễn trên một sàn catwalk bài trí nghệ thuật với những chiếc chiếu hoa và nón lá, bắt đầu từ phía trong đền Ngọc Sơn, qua cầu Thê Húc, vòng qua hai bên mặt trái và mặt phải của Tháp Bút.

Không gian nghệ thuật sẽ tái hiện phần nào những hoạt cảnh sinh động làm sống lại một Hà Nội xa xưa với hình ảnh ông đồ viết câu đối, trẻ con hát đồng dao chạy nhảy, các bà các mẹ đi lễ chùa… Phần trình diễn áo dài sẽ thêm tuyệt diệu vì có xen bắn pháo bông nghệ thuật và lễ hội ánh sáng 15 phút liền đó.

- Chị có thể cho biết tâm tư của những người mẫu tham gia chương trình lần này?

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư: Đó là niềm vui chung của tất cả chúng tôi. Tham gia một chương trình lớn làm việc tập luyện nghiêm túc nhất nhưng không ai vì tiền thù lao. Vài trăm nghìn chỉ mang giá trị tượng trưng nên hầu hết mọi người không quan tâm.

Nhưng những tên tuổi, những nhan sắc nổi tiếng của Hà Nội đã vào cuộc. Ai cũng vui và xúc động vì được tham gia màn trình diễn bên hồ Gươm lần này. Tất cả đều lao động nghệ thuật nhưng với một tinh thần cống hiến trong hạnh phúc mà không phải chương trình nào cũng có được.

NSƯT Thu Hà nói: “Đây không phải là một show diễn mà là một cuộc góp sức mình vào lễ hội ngàn năm của Hà Nội.”

Nghệ sĩ Lê Mai thì bảo: “Ở tuổi tôi ngỡ không hợp với trình diễn thời trang nhưng mặc áo dài đi cùng các em các cháu tôi thấy mình như trẻ lại. Tôi được mời vào chương trình không phải vì con gái tôi [Lê Khanh-PV] làm tổng đạo diễn mà vì từ trẻ đến giờ tôi chỉ mặc áo dài của Ngân An.”

Ngoài ra, không chỉ những người mẫu là nghệ sĩ, chúng tôi còn mời các bà, các chị, các em làm nhiều nghề khác nhau cùng tham gia biểu diễn.

- Được biết, công ty của chị cũng được mời tham gia trình diễn áo dài đêm 10/10, đêm kết thúc Đại lễ?

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư: Vâng. Bên cạnh “Lễ hội áo dài ba miền,” Công ty Thời trang Ngân An còn cống hiến một màn trình diễn sinh động trong đêm hội mang tên “Thăng Long – Hà Nội thành phố rồng bay.”

Chương trình diễn ra vào tối 10/10 tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Đây là bữa tiệc nghệ thuật được dàn dựng quy mô khép lại toàn bộ Đại lễ. Những tà áo dài của Ngân An sẽ lại xuất hiện tại Chương thứ 22 mang tên “Hà Nội mùa thu.”

- Chị là người kế nghiệp của thương hiệu áo dài Ngân An, nếu có ai hỏi chị rằng chị có sợ không vượt được qua “cái bóng” của mẹ mình (bà Ngân An) thì chị sẽ trả lời thế nào?

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư: (Cười) Tôi cũng không hiểu sao lại cứ có một số người hỏi như vậy. Tại sao tôi phải vượt qua mẹ tôi. Tôi là người tiếp nối kia mà. Bây giờ mỗi việc tôi làm vẫn có những tư vấn không thể thiếu về chuyên môn của mẹ, về quản lý từ ba tôi.

Nếu chỉ vì bản thân mình, ví dụ như có danh “áo dài Anh Thư” chẳng hạn, thì xin nói thật rằng lúc mệt mỏi tôi đã “từ bỏ" để làm việc khác, có thể nhiều lợi nhuận hơn.

Song đó lại là sự tiếp nối sự nghiệp một đời của mẹ trong thương hiệu “Áo dài Ngân An” nên tôi phải cố gắng với một hứng thú và đam mê gấp đôi. Dù khó khăn đến đâu tôi cũng gắng chèo chống vì muốn được nhìn thấy mẹ vui.

- Trân trọng cảm ơn chị!


Nguyễn Anh (Vietnam+)

30/09 Các hoạt động sôi nổi trong 10 ngày diễn ra Đại lễ

30/09/2010 | 15:49:00 Từ khóa :

Hệ thống đèn Led trình diễn ánh sáng trên Hồ Gươm. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)CÁC TIN LIÊN QUAN

Từ 1 đến 10/10, hàng loạt các hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội với quy mô lớn sẽ diễn ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Ngày 1/10, ngày đầu tiên của 10 ngày Đại lễ, có tới gần chục sự kiện.

Sự kiện đầu tiên là Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ diễn ra vào sáng 1/10.

Chiều và tối cùng ngày sẽ có các sự kiện: “Triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật qua các thời kỳ” tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức; Khai mạc “Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội Việt Nam và Thăng Long-Hà Nội” tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện.

Bên cạnh đó còn có một số hoạt động khác như khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội; khai mạc Tuần lễ phim lịch sử cách mạng, Lễ hội “Đêm Hồ Gươm lung linh” và biểu diễn nghệ thuật tại năm sân khấu quanh hồ Hoàn kiếm, Chương trình hòa nhạc hội nhập quốc tế - Niềm tin hướng tới tương lai do nghệ sĩ Đặng Thái Sơn biểu diễn, cũng sẽ đồng loạt diễn ra tại nhiều điểm ở trung tâm Thủ đô.

Ngày 2/10, tại Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa Thành cổ Hà Nội sẽ diễn ra sự kiện Khai mạc trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khánh thành Nhà hát công nhân Hà Nội.

Trong ngày 2/10 cũng diễn ra các sự kiện như Lễ ra mắt tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến; Khai mạc liên hoan du lịch quốc tế Thăng Long-Hà Nội; Công bố công trình nghiên cứu khoa học tổng quan về Hà Nội; Lễ hội Rồng; biểu diễn ca khúc chọn lọc mới về Hà Nội.

Sáng 3/10, Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn sẽ diễn ra tại Công viên Thống nhất; Giải chạy truyền thống Báo Hà Nội mới Vì hòa bình xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Buổi tối là Chương trình nghệ thuật Thăng Long-Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh tại Sân khấu khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Ngày 4/10, Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng" sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn.

Các hoạt động khác cũng sẽ diễn ra cùng ngày gồm khánh thành Cung trí thức Thành phố tại Quận Cầu Giấy; Khai mạc Triển lãm “Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa Việt Nam” tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; Khai mạc Triển lãm Các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam; Khai mạc Triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long-Hà Nội tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám.

Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội tại Vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ diễn ra vào tối 4/10.

Ngày 5/10, Lễ khánh thành Tượng đài Thánh Gióng sẽ diễn ra tại Sóc Sơn. Sự kiện giới thiệu công trình nghệ thuật Con đường gốm sứ ven sông Hồng diễn ra tại đường Yên Phụ; Triển lãm nghề gốm Bát Tràng - Cổ truyền và hiện đại (Bát Tràng Gia Lâm); Triển lãm Những tấm lòng với Thăng Long-Hà Nội (Cung Hữu nghị).

Tại Nhà hát lớn có Biểu diễn âm nhạc của các nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam. Khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm có chương trình ca nhạc tổng hợp Hùng khí Thăng Long-Bài ca đất nước.

Sáng 6/10, Liên hoan nghệ thuật diều Hà Nội sẽ được khai mạc tại Quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình; biểu diễn võ thuật cổ truyền hào khí Thăng Long (Nhà thi đấu thể thao Quần ngựa, Ba Đình); Khánh thành Bảo tàng Hà Nội và Khai mạc Triển lãm Hà Nội xưa.

Tối cùng ngày, Liên hoan ẩm thực Hà Thành sẽ được khai mạc tại Công viên nước Hồ Tây.

Ngày 7/10, có các sự kiện: Tổng kết và trao giải cuộc thi quốc tế tìm hiểu “Hà Nội - Điểm hẹn của bạn”; Khai mạc Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Buổi tối có biểu diễn âm nhạc dân tộc tại Nhà hát lớn.

Ngày 8/10, Chương trình văn hóa-nghệ thuật của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại các sân khấu ngoài trời xung quanh Hồ Hoàn Kiếm và một số điểm trên địa bàn Thủ đô sẽ diễn ra vào buổi sáng; sự kiện Lễ khánh thành Công viên Hòa Bình (Xuân Đỉnh, Từ Liêm); khánh thành Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội (Mỹ Đình, Từ Liêm).

Tối cùng ngày có Chương trình Lễ hội đường phố của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước trên Quảng trường Cách mạng. Đồng thời, Chương trình giao lưu Thăng Long - Hồn thiêng sông núi với sự tham gia của 1.000 anh hùng và Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình.

Ngày 9/10, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội và lãnh đạo 62 tỉnh, thành phố vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng cùng ngày cũng sẽ diễn ra Lễ động thổ xây dựng Nhà hát Thăng Long, khánh thành Nhà hát Đại Nam. Buổi tối có chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại nhiều sân khấu ngoài trời trên địa bàn thành phố.

Ngày 10/10, từ 8 giờ, lễ míttinh trọng thể, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội với sự tham gia của 31.000 người sẽ diễn ra trên Quảng trường Ba Đình.

Tối 10/10, Đêm hội Văn hóa-Nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ tưng bừng diễn ra trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình./.


Công Hải (TTXVN/Vietnam+)

03/10 Hà Nội của những người bạn tôi!


Ngày 03.10.2010, 23:15 (GMT+7)

SGTT.VN - Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc chở tôi dạo quanh Hà Nội. Tôi ngồi trước trên chiếc xe đạp dàn ngang đi tới nhà ông Lâm. Anh nói, ông này lưu giữ nhiều thứ của Hà Nội. Lúc đó ông Lâm cà phê đã già.
Một góc Hồ Tây Ảnh: intenet
Ngồi trong bóng tối căn nhà 60 Nguyễn Hữu Huân, vừa uống cà phê, ông Lâm vừa nói vừa cẩn thận giở những cuốn sổ vàng úa ra. Cơ man nào tranh ảnh, thủ bút của những văn nghệ sĩ tiếng tăm đất Hà thành được ông giữ gìn cẩn thận. Đó là những nhân vật gắn liền với Hà Nội, chỉ nghe tên đã ngưỡng mộ. Chưa nói đến chuyện được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm hay thủ bút của họ. Lúc sắp ra về, ông Lâm cà phê đối đãi với tôi y hệt một nhân tài. Ông lật cuốn sổ ra, kẹp cây bút vào và nói: “Cậu cho tôi xin vài dòng và ký tên vào đây!”. Tôi viết “cảm ơn ông Lâm cà phê, người giữ một phần hồn Hà Nội”, rồi ký tên. Hơi sến một chút nhưng tôi cảm thấy vui vui. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc cười hết cỡ, vỗ vai nói biết đâu mai sau chữ ký của chú giá trị ngang chữ ký ông Bùi Xuân Phái. Khi đó tôi mới hai mươi hai tuổi, lần đầu tiên tới đất Hà thành.
Viết đến đây, tôi lại nhớ anh Ngọc, người đã từng đi bộ xuyên Việt. Anh không phải là dân gốc Hà Nội nhưng anh chú ý và thích Hà Nội. Anh cư xử lịch lãm nhẹ nhàng và chu đáo như người gốc kinh kỳ. Hôm sau, không biết anh kiếm đâu ra hai cô đẹp cỡ hoa khôi rủ đi uống rượu. Giữa mùa đông, hai cô quàng khăn voan, ngồi trên hai chiếc xích lô tới quán rượu Cỏ ở gần nhà tù Hỏa Lò. Quán nhỏ chỉ đủ ba bộ bàn, mồi một món cá kho dưa cải. Khách đến kêu rượu từng li, úp mặt vào tường uống, nói năng thì thầm đều đặn. Anh Ngọc nói, Hà Nội là đây! Hai ông bà chủ quán nghe vậy mới chạy tới hỏi chú quê ở mô? Tôi bảo miền Trung. Hai ông bà già nói tôi quê Quảng Bình, ở Hà Nội mấy chục năm rồi mà vẫn thấy Hà Nội không phải quê hương. Nói xong bà chạy vào nhà lấy cây đàn ra, hỏi có biết dân ca miền Trung không? Thế là hát. Ông già say, bà già cũng say, anh Ngọc say, tôi cũng say, hai cô gái uống ít má ửng hồng. Bà già bắt đầu khóc trước, cả đám khóc theo. Lúc ra về, bà chùi nước mắt bảo: “Con người mình thà chết còn hơn sống tha hương”. Ngay sau đó bà chỉ anh Ngọc kêu mắt chú lộ quá, dị tướng và chết yểu, đừng có sống tha hương như tôi ở Hà Nội. Chẳng ngờ, đó là sự thật. Mấy năm sau anh Ngọc bị tai nạn, nằm liệt giường mấy năm rồi qua đời ở quê. Mỗi lần ra Hà Nội, nhớ tới anh lòng không khỏi bùi ngùi.
Tôi còn có vài người bạn gốc Hà Nội khác. Anh bạn bảo muốn biết Hà Nội phải đi ăn phở. Đối với anh, Hà Nội là phở. Lần nào ra, anh cũng chờ sẵn đưa đi ăn sáng ở tất cả các hàng phở tiếng tăm. Lần đầu tiên ăn phở Lò Đúc, anh phải dạy cho tôi như con. Bước vào quán, tay phải cầm cái bát, tay trái cầm tiền tiến tới nồi phở và gọi to món phở muốn ăn. Chờ tới lượt mình xong, cầm bát phở nóng sôi tự đi tìm cái ghế. Ăn xong anh hỏi, ngon không? Tôi bảo ngon nhưng hơi kỳ kỳ sao đó. Tưởng tôi chê, lần sau anh lại đưa đi phở Bát Đàn. Cũng y hệt chuyện cầm bát xếp hàng chờ tới lượt ngồi ghế bệt xuống vỉa hè. Ăn xong, chúng tôi sà sang hàng chè chén, nhìn những cô gái xinh như mộng ngậm tăm leo lên xe chạy vù vù ngoài đường. Những lần ra Hà Nội, những năm tháng sống ở Hà Nội của tôi cứ theo bạn hết hàng phở này sang hàng phở khác từ lề đường xó chợ cho tới những hàng sang. Bất cứ hàng nào bạn tôi cũng biết lai lịch người bán, biết cả hương vị hoa hồi trong bát phở nhiều hay ít… Tôi hiểu, anh sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Hà Nội, nhìn nhận và yêu quê hương theo cách của riêng mình. Mới đây, tôi lại rủ ngược anh vào một hàng phở mà anh chưa biết tới. Phở bò ở phố Hoàng Ngọc Phách, chỗ ngồi bình thường, phở lai căng nhưng giá đắt hơn phở ở Mỹ. Mỗi tô từ 450 ngàn tới 650 ngàn đồng. Ăn xong anh bảo hôm nay mày rủ tao đi làm bò. Nói xong anh chau mày mông lung, nhưng biết làm sao, nhu cầu đời sống nó là vậy. Mày có thấy nườm nượp người sang trọng đi ăn cái phở Hà Nội lai căng kia không?
Hà Nội của những người bạn của tôi như vậy. Đó là những buổi chiều thu ngồi bên hồ Thuyền Quang hay Hồ Tây nhâm nhi vài chén rượu chờ người bán ốc rọng đi qua để gọi một đĩa rồi nhìn người nhìn xe chạy qua chạy lại như nêm. Hà Nội trong mắt bạn vẫn còn những góc lẩn khuất để người phương xa có một chút hoài niệm!

THỔ DÂN

23/09 Chọn nhà thầu Italy về ý tưởng Nhà hát Thăng Long

23/09/2010 | 20:28:00

Phối cảnh Nhà hát Thăng Long. (Nguồn: Internet)

Ngày 23/9, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã khai mạc triển lãm và công bố kết quả tuyển chọn phương án thiết kế ý tưởng kiến trúc công trình Nhà hát Thăng Long.

Công trình Nhà hát Thăng Long được Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư dự án. Trên cơ sở này, Sở Xây dựng đã tổ chức cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc Nhà hát Thăng Long theo đúng trình tự xây dựng cơ bản và pháp luật hiện hành.

Hai đơn vị tư vấn quốc tế nổi tiếng thế giới có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế nhà hát đã tham dự cuộc thi là Nhà tư vấn Norman Foster & Partners (Anh) và Nhà tư vấn Renzo Piano Building Workshop (Italy).

Kết quả, phương án thiết kế ý tưởng kiến trúc công trình Nhà hát Thăng Long do nhà tư vấn Renzo Piano Building Workshop thực hiện đã được lựa chọn.

Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng chấm chọn phương án, nhà tư vấn Renzo Piano Building Workshop thực hiện phương án thiết kế có ý tưởng độc đáo và tinh tế về giải pháp, vừa thấm đậm bản sắc dân tộc, vừa hiện đại tầm cỡ thế giới. Đây là nơi biểu diễn và thưởng thức văn hóa một cách đa dạng văn hóa Việt Nam, văn hóa Á châu, văn hóa phương Tây.

Theo thiết kế, hình khối lập phương của công trình bao quát phần nội thất của sáu khu vực chính với nhiều công năng như khu nhà hát opera, khu vực vườn trên cao, khu sảnh hòa nhạc... Đồng thời, các khu vực chung được sử dụng tổ chức triển lãm cùng với vườn cây với tầm nhìn ra toàn thành phố.

Với mục tiêu thông báo rộng rãi với công chúng kết quả cuộc thi, Triển lãm lần này đồng thời lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng nhằm hoàn thiện hơn phương án kiến trúc đoạt giải. Theo kế hoạch, Công trình Nhà hát Thăng Long sẽ được xây dựng tại Khu đô thị mới Tây Hồ Tây./.


Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

24/09 Trao bản khắc mộc bản “Chiếu dời đô” cho Hà Nội

24/09/2010 | 15:17:00

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trao tặng phiên bản khắc mộc bản Chiếu dời đô. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)


Sáng 24/9, tại phòng khánh tiết Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trao phiên bản khắc mộc bản “Chiếu dời đô” (thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới) cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo.

Trong quá trình tìm kiếm tài liệu thuộc khối mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới liên quan đến Thăng Long-Hà Nội, các cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước đã tìm thấy bản khắc “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn nằm trong Bộ sách "Đại Việt sử ký toàn thư."

Đây là bản khắc chữ Hán ngược, khổ khuôn in 20cmx29,5cm, gồm toàn bộ 214 chữ của “Chiếu dời đô” (không kể phần chú thích). Từ trước đến nay, nhiều tài liệu liên quan đến "Chiếu dời đô" đã được giới thiệu nhưng chỉ là những bản in, bản chụp. Mộc bản được tìm thấy lần này là bản khắc cổ nhất còn lại của Việt Nam về “Chiếu dời đô” tính đến thời điểm hiện nay.

Phiên bản khắc mộc bản “Chiếu dời đô” được trao cho thành phố Hà Nội để trưng bày giới thiệu, giúp nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế hiểu sâu sắc thêm về truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội anh hùng.

Nhân dịp này, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước cũng trao tặng thành phố Hà Nội 1.000 bản của hai cuốn sách quý là “Khoa bảng Thăng Long-Hà Nội qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn” và “Mộc bản triều Nguyễn - Chiếu dời đô và một số kiệt tác.”

Hai cuốn sách giới thiệu những tài liệu gốc giá trị về truyền thống khoa bảng Thăng Long-Hà Nội; bản khắc cổ các tác phẩm bất hủ như "Chiếu dời đô," bài thơ thần "Nam quốc sơn hà," "Hịch tướng sĩ," "Bình Ngô đại cáo" thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn.

Đây là nguồn tư liệu quý, giúp các nhà nghiên cứu và độc giả hiểu sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội./.


Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

25/09 Công bố kịch bản chi tiết khai mạc 10 ngày Đại lễ

25/09/2010 | 21:08:00

Biểu diễn trống hội tại vườn hoa Lý Thái Tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Ngày 25/9, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố Quyết định phê duyệt kịch bản chi tiết khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Lễ khai mạc diễn ra sáng 1/10 tại vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Tổng đạo diễn chương trình là Nghệ sỹ ưu tú Đặng Văn Hùng, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội.

Lễ khai mạc gồm hai phần lễ và hội. Trong phần lễ, sau khi dàn trống, cồng chiêng tấu bản nhạc lễ là Hiệu lệnh “Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long” và thắp lửa trên Đài lửa. Tiếp đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội làm lễ dâng hương.

Sau lễ chào cờ và phát biểu khai mạc của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO sẽ trao bằng Di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long cho thành phố Hà Nội. Nghi thức thả chim bồ câu sẽ kết thúc phần lễ.

Phần hội diễn ra tại 5 sân khấu đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Sân khấu 1 tại vườn hoa Lý Thái Tổ có chủ đề “Thăng Long-Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng.”

Sân khấu 2 tại Đền Bà Kiệu với chủ đề “Thăng Long-Hà Nội, Thủ đô văn hiến.” Sân khấu 3 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với chủ đề “Thăng Long-Hà Nội, thành phố vì hòa bình.”

Sân khấu 4 tại ngã ba Lê Thái Tổ-Hàng Trống với chủ đề “Hà Nội, thành phố hội nhập và phát triển.” Sân khấu 5 tại ngã tư Hàng Khay-Tràng Tiền-Đinh Tiên Hoàng-Hàng Bài với chủ đề “Hà Nội, trái tim của cả nước."

Sân khấu 6 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám: biểu diễn những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long-Hà Nội.

Lãnh đạo thành phố giao Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai thực hiện sơ duyệt, tổng duyệt, đảm bảo đúng nội dung, tiến độ, chất lượng đã được duyệt./.


Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

29/09 Bắc Ninh dâng bộ đỉnh đồng mừng Đại lễ ngàn năm

29/09/2010 | 18:11:00


Chiều ngày 29/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã tiếp nhận bộ đỉnh và đôi hạc thờ bằng đồng từ Cơ sở đúc đồng Thành Đạt của nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích ở làng nghề đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình).

Bộ đỉnh đồng trên là món quà ý nghĩa của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và nhân dân Bắc Ninh thành kính dâng tặng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Bộ đỉnh có trọng lượng 1.000kg tượng trưng cho 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội với chiều cao 1,89m; đường kính 1,27m. Đôi hạc đi kèm cao 2,37m, thân hạc theo tỷ lệ chiều cao.

Mặt trước của đỉnh có khắc nổi bài Chiếu dời đô của Vua Lý Thái Tổ. Mặt sau của đỉnh khắc nổi bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Thái úy Lý Thường Kiệt đọc trên chiến tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống.

Bộ đỉnh đồng được làm trong năm tháng với chất liệu đồng loại tốt, có màu da cua đặc trưng. Điểm độc đáo ở bộ đỉnh là hai con rồng thời Lý được chạm khắc tinh xảo và gắn trên cổ bộ đỉnh.

Bộ đỉnh đồng có giá trị khoảng hơn 300 triệu đồng được ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại An, thị xã Từ Sơn tài trợ.

Ngày 30/9, bộ đỉnh đồng sẽ được chuyển về Hà Nội để nhân dân và du khách thập phương thưởng lãm trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.


Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)