Wednesday, March 30, 2011

30/03 Địa đàng còn in dấu chân



Bài viết được đăng lúc 8:46:04 AM, 30.03.2011
Trăng thiên cổ (Chân dung Trịnh Công Sơn) - Tranh sơn dầu Bửu Chỉ
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28.2.1939 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Hai năm về trước, cụ thân sinh lên đây chơi, nhân thấy cảnh non xanh nước biếc xinh đẹp và thành phố núi yên tĩnh bèn đưa gia đình lên đây lập nghiệp dài lâu. Năm sau hai ông bà sinh con đầu lòng, nhưng không nuôi được. Năm tiếp theo, Trịnh Công Sơn ra đời, gia đình xem như con trưởng.

Vết tích của thời kì ấu thơ này chẳng còn để lại gì, ngoài một tấm ảnh của tuổi hài đồng, cùng một ít kỷ niệm mờ nhạt trong trí nhớ của người thân; với Sơn chắc cũng không hơn gì. Dĩ nhiên thôi vì nói như M. Ponty, nếu người ta không thể dừng lại một phút sau khi chết để biết mình chết như thế nào; thì người ta cũng không thể ra đời sớm hơn một phút, để biết mình ra đời như thế nào. Tuổi hài đồng là một kỉ niệm bất khả tri của đời người. Dù vậy, Trịnh Công Sơn vẫn coi rằng đây là thời kì trọng đại nhất trong cuộc đời của anh, và anh cố tìm đọc ở trong đó những tín hiệu của định mệnh mà anh sẽ phải đảm nhận sau này. Trịnh Công Sơn cảm nhận rằng tuổi hài đồng của anh là thời điểm mà thiên thần Ni-ca-e thông báo tin buồn về một sự ra đời, và rồi đây ở tuổi biết suy nghĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu nghiền ngẫm về tin buồn đó trong nghệ thuật của anh, rằng cuộc đời này chẳng có gì vui, tuy nhiên, người ta vẫn phải sống hết cuộc đời của mình, điều mà triết học hiện sinh gọi là “Courage to be”. Trong bài hát Gọi tên bốn mùa, Trịnh Công Sơn viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn xuất phát từ nỗi buồn có tính cách chung thẩm như vậy, cùng với cái nhìn âm u của anh ném ra khắp thế giới, bất cứ chỗ nào đôi mắt của anh từng hướng đến, kể cả cõi tình. Mà người ta có lí khi nghĩ về cuộc đời của Sơn như một hiện hữu không thể có niềm vui.

Minh họa: Thái Ngọc Thảo Nguyên

Sau khi triển khai tất cả ý nghĩa của một hiện hữu vào nghệ thuật, Trịnh Công Sơn chỉ nhìn thấy còn lại trong tay mình một chút vôi kết tủa của nỗi cô đơn. Có thể nói rằng nỗi cô đơn là không khí tản mạn khắp trong nhạc Trịnh Công Sơn, và là “tội tổ tông” con người phải gánh chịu từ thuở sơ sinh, và không thể nói gì khác. Có thể nói ngay rằng nỗi cô đơn của phận người là một đóng góp quí báu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho cảm hứng âm nhạc Việt Nam một thời. Trong khi mãi dồn sức cho cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều người đã quen với những lời hô hùng tráng mà quên đi rằng con người là một gã lữ hành đi trong sa mạc. Nhưng một nền nghệ thuật đánh rơi mất nỗi cô đơn của phận người chưa phải là một nền nghệ thuật hoàn hảo.

Bóng dáng nhân loại gần gũi và thân thiết nhất đối với con người trong tuổi sơ sinh chính là hình bóng của người mẹ. Trong hầu khắp các ca khúc của anh, Trịnh Công Sơn thường dùng từ Mẹ khi nói về Tổ quốc hoặc quê hương. Tổ quốc của Sơn là một đất nước đổ vỡ vì chiến tranh, là một quê hương mịt mù trong khói lửa (Gia tài của mẹ), là những bà mẹ quê bỏ hoang ruộng vườn, ngẩn ngơ nhìn trái quả trên tay, nhớ về “một giàn đầy hoa”(Người mẹ Ô Lý). Tình cảm đau thương về Tổ quốc là một cảm hứng lớn trong nhạc Trịnh Công Sơn, đã làm cho anh mất ngủ, héo hon suốt tuổi thanh xuân, và từ đó, chín muồi thành thái độ phản chiến trong nhạc của Trịnh Công Sơn. Nội dung phản chiến tuy nhất thời đã làm một số người không bằng lòng, nhưng đó vẫn là tư duy chủ yếu của Trịnh Công Sơn trong ba tập: Ca khúc da vàng, Phụ khúc da vàng, Kinh Việt Nam, và là một nét nhân bản xứng đáng với nhân cách của một người công dân đối diện với một cuộc chiến quá dữ dằn và kéo dài. Chính Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới (do Liên hiệp quốc bầu chọn) đã từng nói “hòa bình là gốc của nhạc” dù ông đã đi qua cuộc kháng chiến chống Minh với tất cả hăm hở của một người chiến sĩ. Và trên con đường số Chín đầy máu lửa của một thời, đã từng có những người lính Mỹ đứng dàn hàng ngang, không chịu đi hành binh để phản đối chiến tranh. Ở đây, chúng ta thấy hậu quả quyết liệt và lâu dài của hành động phản chiến đó, và bây giờ bất cứ nơi đâu trên thế giới có tiếng súng của kẻ gây chiến, người ta lại thấy cần có hành động phản chiến như những người lính Mỹ nói trên. Vậy phản chiến không hề là một thái độ hèn nhát của những kẻ không dám xung trận, mà là hành vi dũng cảm của những người không muốn dùng máu lửa nhằm dập tắt một thảm kịch máu lửa đang diễn ra khắp nơi. Đây là một ít hồi quang xa xôi của tuổi sơ sinh mà chúng ta có thể tìm thấy trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Tôi muốn dừng lại ở đây trong khoảnh khắc để giải bày lòng biết ơn của cuộc đời đối với vai trò đặc biệt quan trọng của Người Mẹ.

Tôi sung sướng được tiếp xúc gần gũi với thân mẫu Trịnh Công Sơn trong nhiều năm kết bạn với anh, và được hưởng sự ngọt ngào từ trái tim người mẹ của bà. Bà người nhỏ nhắn, dịu dàng. Tuy phải xoay xở lo cho cả gia đình, bà vẫn chăm lo cho tám người con ăn học đàng hoàng, và lúc nào bà cũng giữ được phong thái ung dung. Thỉnh thoảng, bà vẫn phì phèo một điếu thuốc Kent trên môi, và tiếp chuyện một cách thành thạo những người bạn cùng lứa tuổi của con bà lúc Sơn đi vắng. Dù con trai (Trịnh Công Sơn) đã lớn gần 50 tuổi, bà vẫn dành cho Sơn một tình yêu thương đằm thắm và sự chăm sóc tỉ mỉ như đối với một đứa trẻ; và đáp lại về phía mình, Trịnh Công Sơn cũng dành cho mẹ một niềm yêu mến và kính trọng. “Khi một người mất mẹ ở tuổi 50 - Sơn viết - điều ấy có nghĩa là không còn gì có thể dàn xếp được. Cái sa mạc để lại trong lòng bạn cứ thế mỗi ngày lan rộng ra và cõi lòng bạn thì tan nát như một cánh đồng xanh tươi vừa trải qua một cơn bão lớn” (Trịnh Công Sơn, thủ bút để lại). Tôi cho rằng nhiều nét trong tính cách của Trịnh Công Sơn là thừa hưởng từ bà, thí dụ như sự tế nhị, tính dịu dàng và lòng bao dung. Và với một người chuyên viết tình khúc như Trịnh Công Sơn, ta có thể nói rằng một người tình mang đến cho ta thật nhiều ngọt ngào pha lẫn chút cay đắng, còn tình yêu của người mẹ thì chỉ có sự cưu mang, và trái tim nhân từ mà thôi. Một người tình luôn tự đặt mình trong quan hệ biện chứng giữa cho và nhận, trong khi tình yêu của mẹ chỉ diễn ra trong một chiều của lòng từ tâm mà thôi. Chúng con xin triệu lần biết ơn mẹ, ôi người mẹ tuyệt vời, Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát! Phải có một người mẹ từ mẫu như thế, và phải có một đàn em trìu mến như thế mới có một tài năng kiệt xuất như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không lạ gì bóng dáng của người mẹ thường hiện ra trong bài hát của Trịnh Công Sơn, hiện ra thấp thoáng trong hầu khắp mọi bài hát hoặc hiện ra thành một tượng đài toàn vẹn, như Người mẹ Ô Lý, Ngủ đi con, Ca dao mẹ, Huyền thoại mẹ… 

"Huyền thoại mẹ" - SH số 12/4-1985

Với Trịnh Công Sơn, ý niệm lời ru không chỉ dành riêng cho những gì êm ái, ve vuốt (Ru tình) mà còn là những gì dữ dội, tàn pha (Đại bác ru đêm) những gì đã trở thành thường xuyên, thường xuyên đến độ quen thuộc với tác giả, giống như một căn bệnh kinh niên của người già.

Trịnh Công Sơn trở lại Huế cùng gia đình, sống ở vùng Bến Ngự. Anh đã sống tiếp những năm thơ ấu ở đây, tiếp giáp với dòng sông Bến Ngự và khu ngoại ô Nam Giao đầy những làng vườn thơ mộng vùng trung du, đắm mình trong tiếng kinh cầu và tiếng chuông thu không của những ngôi chùa cổ ở Bến Ngự. Anh đi học ở Trường tiểu học Nam Giao và vào những trưa hè, thường theo đuổi thú vui đi bắt ve ve trong các khu vườn.

Gần Trường tiểu học Nam Giao, có ngôi tháp của vị thiền sư nổi tiếng khắp trong vùng, gọi là tháp Cát Ma (tiếng địa phương gọi là tháp Kiết Ma). Sư Cát Ma kết bạn với sư Từ Quang. Hai người thân nhau như bóng với hình, và thường tranh luận về tư tưởng Phật giáo. Chiều chiều dân trong vùng vẫn thấy hai vị thiền sư từ trên dốc đi xuống vừa đàm đạo sôi nổi về những vấn đề kinh điển. Có lần một núi lửa nhỏ đã xuất hiện ngoài khơi tỉnh Phan Thiết và sư Cát Ma tích cực hưởng ứng một phong trào vận động nhằm quyên góp giúp đồng bào nạn nhân. Sư Từ Quang từ chối sự quyên góp, cho rằng theo lý thuyết tiểu thừa của Phật giáo, thì mỗi người chỉ có thể độ lấy bản thân, không thể lo thay cho người khác. Ngài Cát Ma nói lại rằng lịch sử Phật giáo công nhận rằng sau khi thành đạo, Đức Phật đã độ cho vợ là công chúa Gia Du Đà La, con trai là thái tử La Hầu La… Hôm sau, vừa gặp ngài Cát Ma, sư Từ Quang đã nói: nếu chúng ta quyên tiền cho đồng bào nạn nhân Phan Thiết, thì thay vì dùng tiền ấy mua quần áo, có kẻ lại dùng tiền ấy để mua cây dao giết người thì biết làm thế nào? Cứ thế họ tranh luận với nhau không dứt. Hòa thượng Từ Quang mất vào khoảng năm 1915. Ngài Cát Ma bèn cho dựng một bức tường bên cạnh ngôi tháp định sẽ dành cho mình và đối diện với tháp của sư Từ Quang, nguyện rằng sẽ viết lên đó những ý kiến của mình về một vấn đề kinh điển nào đấy mà ngài tự đặt ra và hy vọng rằng âm hồn của ngài Từ Quang sẽ đọc thấy. Người Huế là như vậy, thích tranh luận dù ở tận bên kia thế giới. Những người đàn bà đi chợ để bán những trái cây sản xuất được trong vườn thường chọn một hai trái tốt nhất đặt ở tháp Kiết Ma, hoặc khi không có trái cây thì họ có ý thành kính bằng cách đặt vào đấy những viên đá xinh xắn nhặt được trên đường. Cũng nên nhắc lại rằng khoảng năm 1951-1956, gia đình của Trịnh Công Sơn thường xuyên vào ra Huế - Sài Gòn, ngụ tại đường Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) sau dời về phố Phan Bội Châu (nay là đường Phan Đăng Lưu). Cụ thân sinh (và thân mẫu) của Trịnh Công Sơn hoạt động cho phong trào kháng chiến, bị bắt giam nhiều lần, và đến tháng 6-1955 trên đường đi công tác, ông bị tai nạn xe qua đời. Trịnh Công Sơn và các em được mẹ đi qui y ở chùa Phổ Quang nơi dốc Bến Ngự, pháp danh là Nguyên Thọ. Sơn tụng kinh, ăn chay một tháng bốn lần, không ăn nhiều hơn vì trong nhà lo cho sức khoẻ của Sơn, trên đầu giường Sơn luôn có một chuỗi hạt và một chiếc áo tràng màu lam. Gia đình thường hay đi chùa vào ngày rằm, mồng một. Vì vậy, Trịnh Công Sơn không tránh khỏi ít nhiều tư tưởng Phật giáo, như chủ đề của của các bài hát Cõi tạm, Ở trọ, Đóa hoa vô thường, hoặc Một cõi đi về. Nhất là tư tưởng Sinh, Lão, Bệnh, Tử vẫn thường xuất hiện trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Và trong những bài như Biết đâu nguồn cội, thì giai điệu của âm nhạc nhắc nhở lại một cách rõ ràng giọng tụng niệm của Phật giáo.

Trên đây là tất cả những gì Phật giáo ở Huế đã để lại dấu ấn trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, làm tăng thêm giọng điệu buồn bã của các ca khúc.

Thời kì ở Bến Ngự, Trịnh Công Sơn thường ham mê thú vui đi bắt ve ve với một vài người bạn thân. Những con ve sống đời ấu trùng suốt bốn năm dưới những hang sâu tự khoét lấy trong lòng đất, đợi đến mùa hè để trưởng thành. Khi thân thể đã chuyển hóa thành hình con ve, chúng ngoi lên mặt đất đậu trên những cành cây, hát vang lừng những tuổi học trò cho đến một ngày đầu thu thì đời ve kết thúc. Suốt đời ve ve, nó chỉ biết ca hát, người ta thường mệnh danh nó là “ca sĩ mùa hè”. Đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như là một mô phỏng của đời ve, với tấm thân rỗng không, suốt đời chạy về phía chân trời tràn ngập tiếng hát ca.

Dạo ở Bến Ngự, thỉnh thoảng Trịnh Công Sơn đi bộ từ nhà qua trường, thường đi bộ dọc theo bờ sông Hương, băng qua bến đò Thừa Phủ. Có lẽ chính đó là thời kì anh bắt đầu đọc được từng nét Huế trên cây xanh, và sau này nhạc của Trịnh Công Sơn tràn ngập thiên nhiên Huế (ví dụ như bài Biết đâu nguồn cội). 

Cho đến tuổi thiếu niên, gia đình mới mua cho Sơn một cây đàn ghi-ta, điều mà lâu nay anh vẫn hằng mơ ước. Cho đến năm 12 tuổi, Sơn vẫn thường đánh bạn với cây sáo trúc, những gì cần cho anh trong âm nhạc về sau này đều do tự học.

Và người ta tự hỏi: vậy thì Trịnh Công Sơn đã học nhạc từ bao giờ? Thì cũng giống như bảo con ve ve kia đã học nhạc từ bao giờ? Có lẽ nó đã học nhạc từ tuổi còn là ấu trùng, nằm tu luyện trong lòng đất tăm tối, hay nói như một ca sĩ chuyên nghiệp: Trịnh Công Sơn đã học nhạc từ trong “tiền kiếp”.

H.P.N.T
(266/4-11)

30/03 Ngày tháng vui buồn với Trịnh Công Sơn


Bài viết được đăng lúc 3:23:01 PM, 30.03.2011
Nhìn từ tầng 2 ở tập thể Nguyễn Trường Tộ là nơi gia đình Trịnh Công Sơn đã sinh sống
BỬU Ý
Lần đầu tiên tôi gặp Trịnh Công Sơn là vào năm 1957, năm khai sinh Đại học Huế. Tôi đến chơi một nhà bà con tại Ngã Giữa (tức là đường Gia Long, sau đổi là Phan Bội Châu và nay là Phan Đăng Lưu), nhân dịp có mấy em gái họ từ Dalat về nghỉ hè tại đây.

Anh em cười nói rộn ràng và bày ra một cuộc đàn hát vang dội. Giữa chừng có một anh chàng từ nhà kế cận vọt bao lơn sang và tỏ ý muốn chung vui. Anh ra dáng thư sinh, vui vẻ, dễ mến. Tôi nghe giới thiệu mới biết đó là Trịnh Công Sơn hiện ở trên con đường này cùng với gia đình có cửa tiệm là “Thanh Tâm” buôn bán phụ tùng xe gắn máy.

Hôm ấy mọi người mải hát và nghe hát, chẳng chuyện trò được nhiều nên sau đó tôi không gặp lại Sơn.

Mãi đến năm 1963, là năm tôi vào Saigon khởi sự làm báo và ở đậu một góc căn gác gỗ chân cầu Trương Minh Giảng, một hôm bỗng đâu Trịnh Công Sơn đến gặp tôi ở đây. Và lại có mẹ của anh đi cùng. Anh đã được Đinh Cường và Ngô Kha chỉ chỗ ở của tôi. Đây mới là lần thứ hai tôi gặp Trịnh Công Sơn, thêm vào đó căn gác gỗ của tôi quá chật chội và lôi thôi, tôi tỏ ra vô cùng lúng túng. Nhưng tôi rất mừng được gặp anh lần này sau khi nghe Ngô Kha tán dương những bài hát đầu tiên của anh mà tôi chưa được thưởng thức.

Đó là thời gian Trịnh Công Sơn đang chôn chân vào trường Sư Phạm Quy Nhơn.

Năm sau, 1964, tôi từ Saigon lên Bảo Lộc để ở lại với Sơn vài ngày tại đây là nhiệm sở của Sơn và nhân thể nhìn ngó tận mắt chỗ ở và chỗ làm việc của bạn. Tôi lên đến miền đất đỏ này vào buổi chiều, gặp lúc Sơn đang đứng lớp, nhưng tôi cũng được phép vào phòng Sơn: phòng, bàn ghế khá bề bộn, giường ngủ buông mùng, và cái đập vào mắt hơn cả là bao thuốc lá vứt vãi tứ tung. Nằm trên giường bạn và nhìn quanh, tôi nhận ra căn phòng này dễ xua đuổi hơn là ấp ủ chủ nhân, bởi lẽ chỉ toàn mùi thuốc lá, ẩm mốc và lạnh lẽo. Kim chỉ dây dưa, tôi nghĩ thêm rằng nghề dạy học không phải dành cho anh chàng phóng khoáng và tài hoa Trịnh Công Sơn.

Hàng tuần, anh đi đi về về Saigon - Bảo Lộc.

Đến 1965, anh bỏ dạy hẳn. Anh đi Dalat và lần đầu tiên gặp Khánh Ly ở đây. Cô ca sĩ này đang hát ở một hai phòng trà nơi thành phố mộng mơ. Ngay từ lúc đầu, hai người tỏ ra hợp nhau. Trịnh Công Sơn xem Khánh Ly là người em thân thiết và đúng là ca sĩ nhanh nhạy, thông minh, có chất giọng phù hợp với ca khúc của mình hơn cả. Khánh Ly không những hát toàn vẹn bài hát mà thôi, còn hát từng câu, và không những hát từng câu mà hát từng chữ một, tròn trịa, đầy đặn, nâng niu. Đó là chưa kể nốt luyến, nốt ngân, nốt buông, nốt vỡ, nốt lặng.

Trịnh Công Sơn cùng với Khánh Ly (quyết định từ giã phòng trà Dalat) về Saigon mở ra phong trào hát giữa sinh viên thanh niên: tại trụ sở sinh viên gần hồ Con Rùa, tại sân bỏ hoang của Đại học Văn Khoa. Trịnh Công Sơn với cây đàn thùng, Khánh Ly trật dép ra đi chân đất, cùng hòa mình vào phong trào tranh đấu vì hòa bình của sinh viên.

Cũng năm này, Trịnh Công Sơn đến ngủ đất tại chỗ ở mới của tôi: cư xá sĩ quan Chí Hòa, đường Bắc Hải.

Năm sau, 1966, tôi lại đến chỗ ở mới tại đường Lý Thái Tổ để cùng làm việc với Trương Phú, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm. Và nơi đây sẽ là nơi lui tới thường xuyên của Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn.

Năm 1968, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trình diễn ở Huế. Nhưng không ngờ khán giả khá mất trật tự nên cả hai không hài lòng lắm.

Năm 1969, ở Huế, có một giáo sư người Pháp trẻ tuổi tên là Rossignol mời Trịnh Công Sơn, Đinh Cường và tôi đến nhà dùng cơm. Vào tới nhà, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhìn thấy từ tầng trệt lên tới lầu, khắp nơi trang trí toàn những loại vàng mã, từ các loại áo dấu đến hia và nón. Chủ nhân mê các màu sắc sống nóng, các loại giấy bổi và các hình tượng nam nữ cách điệu này lắm. Đứng trước cái sở thích khác người này, chúng tôi đành cười tràn. Ngồi vào bàn, chúng tôi chuyện trò đủ thứ để khuất lấp sự chờ đợi. Cuối cùng món khai vị được đưa ra: mỗi người lãnh một tô to tướng. Anh bạn người Pháp cười hả hê như thể đã có sáng kiến bày ra món này. Trịnh Công Sơn biến sắc mặt: đó là một tô canh mướp đắng! Thừa lúc chủ nhà đứng lên đi xuống bếp, Sơn nói ngay: “Nhà mình bắt ăn thứ này mãi phát ngán, bây giờ đến nhà Tây cũng gặp lại, mà lại còn cả một tô, ai ăn cho hết? Khai vị kiểu chi đây?” Chịu thôi: phải ăn cho hết mới đến món sau. Đó là một bữa ăn nhớ đời.

Năm 1970, Trịnh Công Sơn trình diễn “Tự tình khúc” tại trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu quán ở Huế. Cũng năm này Phạm Công Thiện ra Huế chơi, đúng vào mùa mưa lụt. Buổi sáng, dù trời còn mưa, chúng tôi đi về Vỹ Dạ. Đi ngang qua Đập Đá, nước đục ngàu xăm xắp con đập. Có bạn nào đó ngồi trên xe lo sợ đi về Vỹ Dạ đến hồi trở lên nước có thể lên cao. Nhưng rồi vẫn đi. Xuống tới Vỹ Dạ, Phạm Công Thiện đi thăm nhà thơ Võ Ngọc Trác và buổi trưa ở lại. Chiều quay xe trở lên thì Đập Đá ngập nước. Tính liệu không thể qua đêm ở Vỹ Dạ, người bạn lái xe lao tới. Qua được nửa đường con đập, đột nhiên xe chết máy vì nước vào đến máy xe. Trịnh Công Sơn và tôi xanh mặt. Phạm Công Thiện đọc kinh “tai qua nạn khỏi” bằng tiếng Phạn: “Hare Rama…”. Tài xế bình tĩnh thử máy một hồi thì lát sau đã nghe tiếng máy rồ. Chiếc xe nhích từng bước, bò từng bước, và cuối cùng cũng qua được bên kia Đập Đá. Khỏi phải nói, đồng loạt mọi người thở phào!

Năm 1971, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát ở trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Và lần này có thêm Phạm Duy.

Xong buổi hát, mọi người kéo nhau sang trường Đại học Mỹ thuật gần kề và tiếp tục hát chung quanh cốt tượng Phan Bội Châu của Lê Thành Nhơn.

Những năm bảy mươi này, tôi thường tá túc ở nhà Trịnh Công Sơn ở Phú Cam. Đây là thời gian “trốn lính” cao điểm của chúng tôi. Một đêm nọ, cảnh sát dã chiến bao vây cả khu vực này và sục sạo từng nhà một. Nghe động, mẹ của Trịnh Công Sơn giục giã con trai trong nhà trốn gấp. Em trai của Sơn thoát nhanh, đến phiên Sơn cũng thoăn thoắt trèo lên cánh cửa và nhảy thót lên trần nhà. Cơ khổ cho tôi cứ trèo lên trật xuống, phải đứng lên hai vai em gái của Sơn, vậy mà vẫn không tài nào nhảy lên trần nhà được, đành buông tay làm rớt cả một dãy móc quần áo đính vào cửa. Và tôi ngồi xuống giường chờ cảnh sát xộc vào. Chẳng hiểu sao, cảnh sát đi ngang qua và đi thẳng.

Năm 1974, Sơn cùng tôi đi Dalat đón Noel. Ngay hôm đầu tiên, chiều lại, Sơn cùng tôi đến một cái quán đường Hai Bà Trưng vì nghe được giới thiệu là quán điều hành do nữ sinh viên. Đến nơi, vào quán, tứ bề vắng ngắt. Sơn chột dạ: “Quán chẳng ra quán chi cả.” Hai chúng tôi đứng lên, đi tới đi lui, vẫn chẳng có ai xuất hiện. Sơn lên giọng hướng vào bên trong: “Có ai ở đây không?” Mãi lâu sau, có một cô xuất hiện, dáng rụt rè. Sơn bảo: “Sao bán hàng quán mà lâu vậy? Có bia thì đem ra. Nhanh lên, nghe.” Lại phải đợi thêm một hồi nữa, thiếu nữ lúc nãy mới trở ra lại với chai và cốc trên tay. Sơn nói một thôi: “Chúng tôi trước khi rời Huế đi Dalat đã được nghe giới thiệu quán này là một địa điểm sinh động, trẻ trung, phục vụ mau mắn, vui vẻ. Bây giờ tới đúng nơi lại cảm thấy vắng vẻ, chậm rãi quá. Không hiểu vì sao? Cô có thể cho biết được không?”

Cô gái nãy giờ cứ chăm chăm nhìn Sơn và dáng điệu ấp úng thấy rõ. Bị hỏi dồn, cô phải trả lời: “Thưa các anh, chỗ này không phải là hàng quán chi cả. Đây là một cư xá của nữ sinh viên. Bọn em từ bên trong nhìn ra đã trông thấy các anh vào và nhận ra anh là Trịnh Công Sơn. Cho nên anh sai bảo gì thì bọn em nghe lời làm theo thôi!” Thế là bao nhiêu lúng túng ngượng nghịu phút chốc đều trút sang phía Trịnh Công Sơn và tôi. Chúng tôi đành cười nói chữa thẹn. Cô gái nói tiếp: “Tối nay bọn em bày lửa trại đón Noel. Mời các anh đến chơi.” Sau đó, trên đường về, chúng tôi chỉ còn nước rủa thầm đứa bạn đã giới thiệu quàng xiên.

Cũng năm 1974, Trịnh Công Sơn đến với Đại học Cộng đồng duyên hải Nha Trang. Cùng sinh hoạt với anh, có thêm Đinh Cường, Lê Thành Nhơn, Huy Tưởng, Đặng Ngọc Vịnh và tôi.

Năm 1975, tháng ba, giải phóng Huế, Trịnh Công Sơn ở Saigon, Tôi nôn nóng gọi anh ra Huế. Và tháng chín, Trịnh Công Sơn có mặt tại Huế.

Anh về lại căn hộ ở cầu Phú Cam. Anh em bạn bè hàng ngày lui tới với anh, ngủ lại với anh, cho anh bớt trơ trọi. Anh vốn quảng giao, cởi mở, quen biết nhanh và nhiều. Tôi nhớ có một hôm Trịnh Công Sơn đèo tôi trên xe đạp dạo chơi trong Thành Nội. Đi ngang qua đường Nhật Lệ, có một anh đang dùng kéo cắt hàng rào chè tàu trước mặt nhà. Anh này trông thấy Sơn, dừng tay kéo, đưa tay lên vẫy. Sơn chào lại: “Cắt chè tàu, hả?” Anh kia đáp: “Ừ, cắt chè tàu.” Rồi Trịnh Công Sơn tiếp tục đạp xe, chẳng biết người mình vừa chào là ai.

Năm 1979, Trịnh Công Sơn từ giã Huế vào hẳn Saigon.

Năm 1982, tôi vào Saigon, đến Sơn, đường Phạm Ngọc Thạch. Vừa vào tới, gặp nhau, Sơn hỏi tôi có đói bụng không và gọi bà bán trứng vịt lộn vừa mới rao trước cửa ngõ. Tôi đói bụng ăn liền hai trứng, trong khi Sơn chưa kịp bắt đầu. Anh nhìn vỏ trứng trước mặt tôi, hỏi: “Ông ăn hai cái rồi à? Ăn chi mau khiếp vậy?” Và Sơn nhìn tôi ăn tiếp, còn anh không ăn. Tôi ái ngại nhìn bạn và biết Sơn rất muốn ăn nhưng ăn không xuống, như thường ngày vậy.

Năm 1989, tôi gặp Sơn tại Paris. Đêm hát tại Paris này, ngoài Trịnh Công Sơn, còn có Michiko, Nguyễn Quang Sáng, Thanh Hải. Và tôi giới thiệu chương trình. Việt kiều ở đây mừng vui gặp Trịnh Công Sơn. Buổi hát chấm dứt, các bạn trẻ mời mọc anh đi nơi này nơi khác. Anh cũng tha hồ thưởng thức rượu ngon tại kinh đô ánh sáng đến độ, phút chia tay, anh hôn nhầm thắm thiết một anh bạn trẻ.

Trịnh Công Sơn còn dịp về Huế sau năm 1979 rời căn hộ ở cầu Phú Cam: 1983 (về Huế với Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp, Trần Long Ẩn), 1990 (để quay phim với hãng BBC), 1993, 1995 (trình diễn hai đêm “Những bài ca không năm tháng”), 1996 (làm giám khảo thi sắc đẹp “Duyên dáng cố đô”), 1998 (khánh thành Morin tái thiết), 2000…

Năm 2000, ngày 13 tháng 4, Trịnh Công Sơn có mặt tại Huế - ngờ đâu đây là lần cuối cùng - giữa lúc đang diễn ra Festival Huế 2000 (Festival lần này tổ chức từ ngày 8 đến 19.4 chứ không phải là tháng 6 như những lần sau) và nói với tôi: “Festival mình không được ai mời nhưng mình vẫn về Huế”.

B.Y
(266/4-11)