Friday, January 21, 2011

21/01 Truyền thống gia đình trong Đảng



Nguyen Thanh Nghi
Đại hội XI đảng cộng sản Việt Nam vừa bầu ra ban chấp hành trung ương mới gồm 200 người. Trong đó, có một số tân ủy viên là con của các tay lãnh đạo cao cấp. Một số người được dư luận nói đến, một số người khác gần như ít ai biết.
Điểm qua các nhân vật được gọi nôm na là “Hạt giống đỏ” trong ban chấp hành lần này, có ông Nguyễn Thanh Nghị (ủy viên dự khuyết) là con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ông Nông Quốc Tuấn là con trai của Tổng bí thư khóa X Nông Đức Mạnh; ông Nguyễn Chí Vịnh là con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; ông Phạm Bình Minh là con trai cố bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch; ông Nguyễn Xuân Anh (ủy viên dự khuyết) là con trai ủy viên bộ Chính trị khóa X Nguyễn Văn Chi; ông Trần Sỹ Thanh (ủy viên dự khuyết) là cháu ông Nguyễn Sinh Hùng, và bà Nguyễn Thị Kim Tiến là cháu ngoại cố Tổng bí thư Hà Huy Tập.
Trần Sỹ Thanh hiện là phó bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk. Nguyễn Chí Vịnh là trung tướng thứ trưởng bộ quốc phòng. Phạm Bình Minh hiện là thứ trưởng thường trực bộ ngoại giao. Nguyễn Thị Kim Tiến là thứ trưởng bộ Y tế, người được cho là có thể lên thay ông Nguyễn Quốc Triệu, người bị hất văng khỏi ban chấp hành trung ương đảng kỳ này.
Một nhân vật khác xuất thân từ gia đình cao cấp là ủy viên trung ương Trần Bình Minh, phó tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam, con trai của cựu tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam, Trần Lâm.
Các tân ủy viên “con ông cháu cha” này hiện đang giữ những chức vụ như sau:
• Nông Quốc Tuấn, Bí thư Bắc Giang.
• Nguyễn Thanh Nghị (dự khuyết), phó hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Sài Gòn
• Nguyễn Kim Tiến, Thứ trưởng Y tế.
• Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Ngoại giao.
• Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng.
• Trần Sỹ Thanh (dự khuyết), Phó bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk
• Nguyễn Xuân Anh (dự khuyết), Bí thư quận ủy Liên Chiểu, Đà Nẵng.
• Trần Bình Minh, Phó giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Người được chú ý nhiều là ông tiến sĩ Nguyễn Thanh Nghị 35 tuổi, con trai của Nguyễn Tấn Dũng. Nghị được bầu bổ sung ngay tại Đại hội vào vị trí ủy viên dự khuyết của ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ ngành kỹ sư công chánh (xây dựng) ở Đại học George Washington ở Washington, Nguyễn Thanh Nghị về Việt Nam và làm việc tại trường cũ là Đại học Kiến trúc Sài Gòn. Ban đầu y làm Trưởng ban Sau đại học và Quan hệ quốc tế của trường, rồi nhanh chóng leo lên chức phó hiệu trưởng.
Cùng trẻ tuổi, và cũng là trẻ nhất trong số ủy viên dự khuyết như Nghị, còn có Nguyễn Xuân Anh, con trai ủy viên bộ Chính trị khóa X Nguyễn Văn Chi. Ông Chi, quê ở Hòa Vang – Đà Nẵng, nay rời vị trí Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, một chức vụ mà ông nắm từ năm 2002.
Nguyễn Xuân Anh đi thẳng từ chức bí thư quận uỷ Liên Chiểu (Đà Nẵng) lên chức ủy viên trung ương đảng, dù chỉ là ủy viên dự khuyết. Cả hai ông Nghị và Anh đều sinh năm 1976.
Và mặc dù ông Nông Đức Mạnh phải rời bỏ chiếc ghế tổng bí thư, con trai ông là Nông Quốc Tuấn đã vào trung ương đảng sau khi thất bại trong việc dàn xếp chiếc ghế dự khuyết vào 5 năm trước.
Sinh năm 1963, Tuấn đi lên bằng con đường Đoàn – Đảng, giữ chức bí thư trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch hội Liên hiệp Thanh viên Việt Nam trước khi được bổ nhiệm đột xuất năm 2010 vào chức bí thư tỉnh ủy Bắc Giang.
Trước đó, từ tháng 4/2009, Tuấn nắm ghế phó bí thư tỉnh ủy Bắc Giang, đặc trách ngành “xây dựng Đảng” và cũng là đại biểu quốc hội khóa XII, đại diện cho tỉnh Sơn La (???).
Việc đưa Nông Đức Tuấn vào ghế bí thư tháng 9/2010 diễn ra chỉ hai tuần sau vụ lộn xộn ngay tại trung tâm thành phố Bắc Giang đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Việt Nam là nước châu Á và ít nhiều chia sẻ với Trung Quốc có truyền thống để con cái các nhân vật cao cấp hoặc “công thần” của chế độ cộng sản tiếp nối truyền thống chính trị gia đình, dù không lộ liễu như ở Bắc Hàn.
Tại Trung Quốc, nhân vật được xem là sẽ lên làm chủ tịch nước kiêm chủ tịch đảng trong nhiệm kỳ tới là ông Tập Cận Bình, con của một quan chức cao cấp, Tập Trọng Huân.
Con cháu các nhân vật cao cấp của đảng và nhà nước tại Trung Quốc cũng công khai chiếm nhiều vị trí quan trọng trong nền kinh tế và hệ thống quyền lực, được gán tên là “Thái tử Đảng” mà phương Tây gọi là “Chinese princelings”.
KG