Friday, August 12, 2011

12/08 Võ Nguyên Giáp: "Chỉ là giọt nước trong biển cả"

12/08/2011 | 09:36:00
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tác giả (Ảnh: tác giả cung cấp)
CÁC TIN LIÊN QUAN
Tướng Giáp: Nhân dân mới là tướng tài giỏi nhất!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng lẫy lừng nhưng ông lại rất thấu hiểu rằng chính nhân dân mới là những "vị tướng" tài giỏi nhất.

Võ Nguyên Giáp trên con đường mòn Hồ Chí Minh
Đại tướng viết: “Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975, đánh dấu bước phát triển mới hết sức rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân."

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chẳng những là một nhà quân sự lỗi lạc, tên tuổi gắn liền với hai cuộc trường chinh lịch sử anh hùng của dân tộc Việt Nam, khiến bè bạn ta khắp năm châu hết lòng ngưỡng mộ, mà ông còn là một nhà văn hóa, am hiểu tinh thông lịch sử cũng như văn học nghệ thuật trong nước và nước ngoài, đã cho ra mắt nhiều tập hồi ký văn học giá trị.

Trong đời thường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thích chụp ảnh và đánh đàn piano. Với ông, mỗi bức ảnh do ông tự chụp bằng chính máy ảnh của mình là một dấu ấn, một kỷ niệm, một niềm vui những lần đi chiến dịch hay trên mọi nẻo đường công tác.

Và, từ cây piano được kê ở phòng khách (tại nhà riêng), tiếng đàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng hồi hộp, thiết tha, xúc động và say mê trong một tối mùa thu năm ấy, khi ông được đánh đàn cho Bác Hồ nghe.

Hàng phím đen trắng dưới tay ông đã vang lên bản hùng ca quen thuộc - "Chiến thắng Điện Biên," rồi lại ngân tiếp bản sonat của Beethoven và những điệu dân ca mà ông thường ưa thích: "Trống cơm," "Trẩy hội đêm rằm"...

Ông đàn chăm chú, hào hứng và Bác Hồ nghe rất thích thú, say mê. Nhưng cũng chính tối mùa thu năm ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đành chịu lỗi với Bác Hồ: ông chưa đánh được bài ca "Kết đoàn" cho Bác nghe, chỉ vì một lẽ đơn giản là bài ca ngắn, rất quen thuộc đã từng vang lên mọi nơi và dường như ai cũng biết hát ấy, bài ca gắn liền với hình ảnh thân thiết đã từ lâu đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam: Bác Hồ bắt nhịp hát bài ca 'Kết đoàn' - chưa hề có ai soạn cho đàn piano.

Ngay hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu người bấy lâu nay vẫn hướng dẫn cho mình tập đàn soạn bài ca "Kết đoàn" cho piano, rồi ông tập một cách hào hứng và nghiêm chỉnh, những ao ước sẽ lại có một lần được đánh bài hát đó trên phím đàn piano cho Bác Hồ nghe. Nhưng Bác đã đi xa.

Ngay từ khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc (1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học đàn. Người giảng viên được trường Nhạc (nay là Nhạc viện Hà Nội) cử hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp học đàn piano là cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh (vợ nhà văn Đào Vũ) cho tôi biết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học đàn rất say mê và cũng rất nghiêm túc. Ngay cả những năm tháng tham gia lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, từ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, trận “Điện Biên Phủ trên không” hay cả trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông vẫn học đàn rất nề nếp, rất hào hứng.

Phải chăng tiếng đàn có vai trò nào đó khi bậc tướng lĩnh quyết định những vấn đề lớn lao của chiến cuộc? Với niềm suy tư ấy, vào một lần có dịp phỏng vấn Đại tướng đầu xuân năm 1998, tôi dè dặt hỏi ông xem cảm hứng âm nhạc đến với ông trong hoàn cảnh nào, âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung có tác dụng gì đối với một vị chỉ huy quân sự lỗi lạc trong thời kỳ chiến tranh như ông.

"Hồi ấy, trong chiến dịch Biên giới, 11 ngày đêm căng thẳng, đầu óc không khi nào không nghĩ đến cuộc chiến. Bỗng dưng, một đêm khuya, tôi nghe có tiếng đàn từ dưới suối vọng lên - tiếng đàn guitar của một đồng chí chiến sĩ. Tự dưng tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản, đầu óc như được thư dãn ra, dễ chịu quá," Đại tướng kể lại.

"Tôi bỗng nhận ra tác dụng của âm nhạc đối với chính mình nói riêng, và càng hiểu hơn tác dụng của văn nghệ đối với kháng chiến. Tôi rất muốn và hết sức cổ vũ anh chị em văn nghệ sĩ đem lời ca, tiếng đàn, điệu múa... của mình ra tận chiến trường phục vụ chiến sĩ ta."

"Những khi có văn công, kể cả văn công địa phương - các chị em người Thái ở Tây Bắc, múa hát phục vụ bộ đội, tôi cũng thường lắng nghe. Đặc biệt, tôi rất thích nghe hát dân ca. Cũng từ đó, tôi ao ước biết đánh đàn, để tâm hồn mình được thư thái, thoải mái khi đầu óc phải làm việc nhiều, bận rộn. Nhưng lúc bấy giờ làm gì có điều kiện, có thời gian."

"Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, điệu múa sạp được cải tiến, tôi nói với anh Đỗ Nhuận: 'Anh sáng tác một bài về giải phóng Điện Biên để bộ đội ta vừa hành quân ra trận vừa hát.' Tiếc là không kịp khi hành quân nhưng bài hát đã kịp hoàn thành khi chiến thắng Điện Biên."

Rời câu chuyện về khúc ca giải phóng như đoạn nhạc dạo, Đại tướng nói về một vấn đề lớn hơn, về những nhịp nối của các thế hệ: "Tuổi trẻ bây giờ rất giỏi, rất năng động, tiếp thu kiến thức về khoa học kỹ thuật rất nhanh, nhưng mà... (tuổi trẻ bây giờ) ít hiểu biết về lịch sử quá. Giáo dục có dạy lịch sử nhưng chưa đủ. Phải dạy cho tuổi trẻ hiểu biết lịch sử một cách sâu sắc, thấu đáo. Hiểu lịch sử là biết mình, biết người, biết truyền thống, biết hiện tại... Làm quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao đều cần có kiến thức lịch sử. Và, giáo dục phải có cách dạy cho trẻ từ 3, 4, 5 tuổi, kiểu như 'Đồng ấu giáo khoa thư' ngày xưa ấy. Bởi vì tuổi ấy đã bắt đầu hình thành nhân cách. Tuổi ấy nhớ lâu dữ lắm. Những điều mà bà tôi, mẹ tôi dạy tôi từ 3, 4, 5 tuổi, đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ lắm."

Mỗi lần có tờ báo hoặc cuốn sách nào in riêng có bài tôi viết về Đại tướng, tôi lại được phép đến trực tiếp tặng ông tại nhà riêng.

Cầm tờ báo tầm cỡ trên tay có cái tít lớn: “Giọt nước trong biển cả,” Đại tướng rất vui, ông nói ngay: “Tôi nói đây mà! Đây là tôi nói mà!” Tôi thật sự cảm động! Tôi đã xin phép được mượn lời của chính Đại tướng để làm nhan đề bài báo viết về ông - người chiến thắng đối phương cả trong cuộc chiến bằng ngôn từ - trong cuộc đối thoại giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với phái đoàn quân sự Mỹ (McNamara).

Mấy mươi năm sau cuộc chiến đã đủ để đối phương nhìn nhận lại, tìm lời giải thích đích đáng cho sự thất bại của phía mình. Với lòng ngưỡng mộ và thán phục người chiến thắng, một thành viên phái đoàn tên là Smith đứng dậy nói: "Thưa Đại tướng! Ngài quả là một vị tướng huyền thoại!...”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười, đáp: “...Một vị tướng dù có công lao to lớn đến mấy cũng chỉ là giọt nước trong biển cả, là một chiếc lá xanh của rừng xanh bao la. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... Tôi đã nghĩ và đã sống bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ...” (Trích sách “Con người và sự kiện,” Nguyễn Thị Mỹ Dung - Nhà xuất bản Lao Động, 2003).

Tôi được biết, có một dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam khi đi thăm một đơn vị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ngồi đệm đàn cho ca sĩ Tường Vi hát bài “Bế Văn Đàn.” Cảm động và thú vị biết chừng nào! Một vị tướng đã đánh đàn bài hát ca ngợi chiến sĩ của mình.

Cảm phục và biết ơn Đại tướng, nhân dịp này, tôi bỗng nhớ rất nhiều và lại muốn viết về ông như một đóa hoa tươi thắm tôi muốn gửi tới Kính mừng sinh nhật lần thứ 100 tròn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp./.
Nguyễn Thị Mỹ Dung (Vietnam+)

12/08 Dai dẳng mối đe dọa an ninh hàng không

12/08/2011 10:45:48 AM
Tan-so.jpg
Nhiều thiết bị phát sóng không hợp chuẩn gây can nhiễu nặng cho hệ thống điều hành bay. (Ảnh minh hoạ)


ICTnews - Thay vì nghe tín hiệu của đài điều khiển không lưu, các phi công lại "được nghe thêm" tín hiệu của nhiều đài phát thanh do các thiết bị phát không đủ tiêu chuẩn gây nên. Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm cho an ninh hàng không và tính mạng của hành khách trên máy bay.  
Nhiều thiết bị phát thanh, truyền hình không hợp quy chuẩn
Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, qua công tác đo kiểm tra 163 thiết bị phát sóng truyền hình, 111 thiết bị phát sóng phát thanh và 156 thiết bị truyền thanh không dây (TTKD), Cục đã xác định số lượng thiết bị phát sóng của các đài phát thanh truyền hình (PTTH) không đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành bắt buộc áp dụng về phát xạ không hợp quy chuẩn trong số thiết bị đã đo chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể tỷ lệ này của thiết bị phát thanh, truyền hình không đáp ứng của cấp trung ương cao nhất là 66,7% (tức là cứ 6 thiết bị được kiểm tra thì có 4 thiết bị vi phạm), cấp tỉnh là 55,3% và cấp huyện là 48,5%.
Về các thiết bị TTKD, Cục Tần số vô tuyến điện đã tiến hành kiểm tra chất lượng phát xạ, tỷ lệ thiết bị TTKD không đáp ứng quy chuẩn là 25%. Ngoài ra, qua công tác kiểm tra đã phát hiện một số chủng loại thiết bị TTKD có tần số không đúng băng tần cho phát thanh quảng bá. Nhiều địa phương đã mua thiết bị TTKD do công ty PETEC sản xuất có băng tần (235-273 MHz) không đúng với quy hoạch cho nghiệp vụ quảng bá. Cục Tần số vô tuyến điện đã gửi công văn tới các Sở TT&TT và Đài PTTH tỉnh, thành thông báo sẽ không cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng cho các thiết bị này. Thế nhưng, đến nay một số địa phương vẫn sử dụng hệ thống này như Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh…
Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, nhiều thiết bị TTKD sản xuất trong nước không được chứng nhận hợp quy, dẫn tới tình trạng vẫn đưa vào sử dụng các thiết bị không đáp ứng quy chuẩn đối với thiết bị phát thanh FM, tạo nguy cơ gây can nhiễu có hại cao cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác. Thiết bị PTTH, TTKD không đáp ứng quy chuẩn chiếm tỷ lệ cao, hoặc có tần số không đúng băng tần quy định có nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý chất lượng thiết bị phát sóng vô tuyến điện từ khâu cho phép sản xuất, nhập khẩu, chứng nhận hợp quy, lưu thông trên thị trường đến lắp đặt, sử dụng thiết bị truyền thanh không dây chưa được thực hiện tốt. Ngoài ra còn có nguyên nhân nhiều thiết bị truyền hình đã được chứng nhận hợp quy trước năm 2007 đã không còn phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay.
Các thiết bị phát sóng PTTH, TTKD không đáp ứng chất lượng nêu trên đã làm gia tăng số lượng can nhiễu. Nhiều vụ can nhiễu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động điều hành bay, chất lượng dịch vụ của mạng thông tin di động, gây khó khăn cho công tác quản lý tần số, đặc biệt trong công tác giải quyết can nhiễu, ấn định và cấp phép tần số.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng thiết bị phát sóng
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, để hạn chế tối đa các can nhiễu có hại do thiết bị phát sóng của các đài PTTH, TTKD gây ra, Cục Tần số vô tuyến điện kiến nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở TT&TT tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai và thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực được phân công đối với các đài PTTH và truyền thanh không dây. Bên cạnh đó, các Sở cũng chủ trì, phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị sử dụng thiết bị phát sóng PTTH, TTKD vi phạm các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
Cục cũng đề nghị Vụ Khoa học công nghệ chủ trì phối hợp với Cục Viễn thông và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về phổ tần và tương thích điện từ đối với thiết bị phát sóng TTKD, băng tần 54-68MHz, làm cơ sở để chứng nhận hợp quy và định hướng việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng thiết bị phát sóng TTKD theo đúng quy hoạch. Ông Đoàn Quang Hoan cũng đề nghị Cục Viễn thông tăng cường công tác quản lý chất lượng thiết bị phát sóng PTTH, TTKD từ sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và đưa vào sử dụng để hạn chế việc sử dụng các thiết bị vô tuyến điện có tần số hoạt động không đúng quy hoạch, không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ gây can nhiễu cho các hệ thống thông tin khác. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chứng nhận hợp quy thiết bị phát sóng phát thanh, truyền hình, truyền thanh không dây, công tác kiểm định, quản lý hoạt động công bố sự phù hợp đối với các công trình là các đài phát sóng PTTH trước khi đưa vào sử dụng.
Cục Tần số vô tuyến điện đưa ra đề xuất Bộ TT&TT sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho thiết bị phát sóng phát thanh, truyền hình, truyền thanh không dây.
Can nhiễu nặng, phi công nghe được tiếng của đài phát thanh
Theo thống kê từ năm 2008 đến nay, khi giải quyết can nhiễu các mạng thông tin vô tuyến điện, Cục Tần số vô tuyến điện đã xác định 36 vụ can nhiễu liên quan đến chất lượng thiết bị phát sóng PTTH của các Đài PTTH từ cấp trung ương đến địa phương. Trong đó, có 7 vụ can nhiễu mạng điều hành bay do thiết bị phát thanh, 20 vụ can nhiễu mạng thông tin di động do thiết bị phát thanh, phát hình.
Trong khi đó, công tác giải can nhiễu có liên quan đến đài PTTH luôn phức tạp, thời gian giải quyết kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các mạng thông tin vô tuyến điện (VTĐ), thông tin điều hành đảm bảo an toàn bay. Các can nhiễu tần số điều hành bay chủ yếu xảy ra đối với các đài VTĐ đặt trên máy bay, một số ít can nhiễu đến hệ thống VTĐ mặt đất.
Trong thời gian qua, các báo cáo nhiễu của phi công hầu hết nghe được tiếng phát thanh, toạ độ báo nhiễu trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với số lượng lớn các đài phát thanh. Nhiều thiết bị TTKD không đáp ứng quy chuẩn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ can nhiễu có hại, đặc biệt nghiêm trọng là các vụ gây can nhiễu có hại cho hệ thống thông tin lưu động hàng không. Chẳng hạn Đài TTKD phường Ninh Sơn, thị xã Ninh Bình đã sử dụng tần số 107.5 Mhz có phát xạ giả gây can nhiễu cho các đài tầu bay tại tần số 125.9 Mhz từ vùng biển Thanh Hoá đến Hà Nội. Chưa hết, Đài dẫn đường sân bay Tân Sơn Nhất sử dụng tần số 120.1 MHz bị can nhiễu bởi phát xạ giả của đài truyền thanh xã Cư Huê, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk sử dụng tần số 91.5 MHz và đài truyền thanh xã Nam Đà huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông sử dụng tần số 60 MHz.
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, các đài phát thanh FM không đáp ứng quy chuẩn về phát xạ cũng gây can nhiễu cho hệ thống TTKD. Chẳng hạn Đài tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh tại Sóc Trăng có phát xạ giả gây can nhiễu cho đài TTKD thị trấn Mỹ Xuyên – Sóc Trăng. Câu chuyện can nhiễu không dừng lại ở đó khi Cục đã phát hiện chất lượng lọc thu của loa không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng nên rất nhiều trường hợp các cụm loa bị can nhiễu, phát sóng sai mục đích, ảnh hưởng đến người nghe đài. Các cụm loa không dây tại một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, TP. Hà Nội… bị can nhiễu dẫn đến chất lượng âm thanh kém, nghe không rõ, thời lượng phát sóng kéo dài (do tiếp tục tiếp âm cho đài khác) gây phản ứng từ người dân. Thậm chí, một số phần tử lợi dụng, sử dụng bộ đàm để kích cụm loa TTKD phát nội dung xấu.
Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, can nhiễu mạng thông tin di động có liên quan đến PTTH chủ yếu do thiết bị phát sóng PTTH có công suất lớn, việc điều chỉnh thiết bị gặp nhiều trở ngại, thời gian kéo dài và chi phí khắc phục thiết bị đảm bảo chất lượng lớn.
Hiện Cục Tần số vô tuyến điện đã cấp giấy phép sử dụng tần số trong đoạn băng 87-108 MHz cho 865 đài phát thanh FM cấp trung ương, tỉnh (thành phố), huyện, tỉnh quản lý, và gần 2000 đài TTKD cấp phường, xã; cấp giấy phép cho hơn 1300 máy phát truyền hình. Vì vậy mật độ sử dụng tần số PTTH rất cao, đặc biệt trong đoạn băng tần 87-108 MHz cho phát thanh FM đã không đáp ứng để ấn định cho các đài phát thanh FM đăng ký sử dụng.
Để tránh gây can nhiễu cho các đài phát thanh FM đã được cấp phép sử dụng tần số, đồng thời có đủ tần số phân bổ cho các đài TTKD, Cục Tần số vô tuyến điện đã có công văn số 601/CTS-PTTH ngày 12/04/2007 đề nghị Sở TT&TT, Đài PTTH tỉnh (thành phố) hướng dẫn Uỷ ban nhân dân (UBND) các phường, xã trên địa bàn tỉnh có kế hoạch triển khai hệ thống TTKD sử dụng tần số trong đoạn băng tần 54-68 MHz với công suất nhỏ (dưới 30W) tạo điều kiện cho việc tái sử dụng tần số, tuy nhiên đến nay số lượng đài TTKD đã đăng ký sử dụng tần số trong băng tần 54-68 MHz rất ít.
Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, sẽ chủ trì phối hợp với các Sở TT&TT hướng dẫn thủ tục đăng ký, cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện cho các đài PTTH, TTKD. Đồng thời Cục sẽ tăng cường kiểm soát tần số vô tuyến điện nhằm phát hiện kịp thời các thiết bị phát sóng PTTH, TTKD sử dụng không hợp pháp, không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật và kịp thời giải quyết khi có can nhiễu.
Trung Thành  
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 96 ra ngày 12/8/11

12/08 Tên lửa: Kế hoạch đánh bại Mỹ của Trung Quốc


Dù không ít nỗ lực phô trương sự hiện đại, nhưng quân sự Trung Quốc có thể yếu hơn nhiều người suy đoán, đặc biệt nếu so sánh với Mỹ.


Tuy nhiên, Bắc Kinh có một kế hoạch giản đơn - thậm chí là rủi ro - để bù đắp điểm yếu của mình: đó là mua tên lửa. Sau đó, mua nhiều và nhiều hơn nữa. Tất cả các loại tên lửa: tầm ngắn và tầm dài, phóng từ mặt đất, từ biển, đạn đạo hay hành trình... 
Có hai chủ đề nổi bật từ tác phẩm Sức mạnh không gian Trung Quốc - gồm những bài luận do Andrew Erickson biên tập. Erickson là nhà phân tích Trung Quốc khá nhiều ảnh hưởng của đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ. 
Theo Sức mạnh không gian Trung Quốc, ngày nay có khoảng 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình phi hạt nhân. "Phát triển kho vũ khí tên lửa với các tên lửa đạn đạo ngày càng có độ chính xác cao và tên lửa hành trình tấn công mặt đất ngày càng trở thành nền móng của khả năng chiến đấu với PLA", Mark Stokes và Ian Easton viết. Với mỗi loại vũ khí mà quân đội Trung Quốc (PLA) luôn tụt hậu so với Lầu Năm Góc, thì tên lửa có thể giúp Trung Quốc tạo ra sự khác biệt. 
Đó là thực tế rõ ràng. Mặc dù giới thiệu hàng loạt vũ khí mới trong những năm gần đây gồm máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu khu trục, tàu ngầm và cả một tàu sân bay Liên Xô được nâng cấp, nhưng Trung Quốc vẫn thiếu rất nhiều hệ thống cơ bản, tổ chức và thủ tục cần thiết để đánh bại một kẻ thù quả quyết, được trang bị tốt. 
Lấy ví dụ là tiếp nhiên liệu trên không. Để triển khai một số lượng lớn các máy bay tiếp dầu hiệu quả trên không đòi hỏi khả năng xây dựng và hỗ trợ các động cơ lớn - điều mà Trung Quốc chưa thể làm ngay. Trong tiếp dầu trên không đòi hỏi việc lên kế hoạch, điều phối và phối hợp vượt xa những gì PLA có thể đáp ứng. Kết quả là "PLA chỉ có máy bay tiếp dầu trong phạm vi cung cấp ngắn”, Wayne Ulman giải thích. 
Theo Sức mạnh Không gian Trung Quốc, tính về tổng số, PLA chỉ vận hành 14 máy bay tiếp dầu H-6U, mỗi chiếc chỉ mang được khoảng 17.000 kg nhiên liệu nạp (trong khi đó, chỉ riêng lực lượng không quân Mỹ đã sở hữu hơn 500 máy bay tiếp dầu, mỗi chiếc mang được khoảng 100.000 kg nhiên liệu). Vì thế, trong khi về lý thuyết , PLA có thể tự hào với hơn 1.500 máy bay chiến đấu, nhưng trên thực tế, chỉ có thể tiếp nhiên liệu cho 50-60 chiếc ở cùng thời điểm, giả định toàn bộ máy bay tiếp dầu H-6 hoạt động hoàn hảo. 
Trong trường hợp xảy ra cuộc chiến trên không về Đài Loan, cách xa phần lớn những căn cứ của Trung Quốc hàng trăm km, chỉ có 50 máy bay chiến đấu có thể dành thời gian chiến đấu hơn vài phút trên chiến trường. Như vậy, ưu thế về máy bay chiến đấu của Trung Quốc so với Đài Loan thực ra là đảo ngược. Chênh lệch sẽ lớn hơn nếu có sự tham gia của cả máy bay chiến đấu Mỹ. 
Và đâu là giải pháp của PLA? Dĩ nhiên đó là tên lửa. Có tới cả nghìn tên lửa đạn đạo và hành trình, phần lớn bắn từ các bệ phóng mặt đất “dường như sẽ được huy động trong cuộc chiến đầu tiên” chống lại Đài Loan hoặc các căn cứ ở Thái Bình Dương của Mỹ, Ulman viết. Mục tiêu là để tiêu diệt càng nhiều máy bay của đối phương càng tốt, thậm chí trước khi cuộc chiến bắt đầu. 
PLA có thể dùng cách tiếp cận tương tự để bù đắp những điểm yếu trên biển hiện nay của họ. Các tàu ngầm luôn luôn là “sát thủ” chống tàu tiềm năng nhất  của bất kỳ quốc gia nào, nhưng tàu ngầm Trung Quốc quá ít, quá ồn ào và thủy thủ thì quá thiếu kinh nghiệm trong việc tiếp cận và đối đầu với Hải quân Mỹ. Jeff Hagen dự báo, nếu cuộc chiến bắt đầu, “các tàu ngầm Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu dễ bị công kích”. 
Và hãy quên đi cách sử dụng máy bay chiến đấu trang bị vũ khí tầm ngắn để tấn công hải quân Mỹ. Một nhà phân tích Trung Quốc ước tính, sẽ cần có khoảng 150 - 200 máy bay chiến đấu Su-27 để phá hủy một tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ. Toàn bộ PLA có khoảng 300 chiếc Su-27 trong khi hải quân Mỹ có 22 tàu tuần dương Ticonderoga. 
Lại một lần nữa, tên lửa là sự bổ sung hoàn hảo. Một cuộc tấn công “siêu bão hòa” với hàng trăm tên lửa đạn đạo có khả năng “vô hiệu hóa lập tức hệ thống phòng không của Ticonderoga”, Toshi Yoshihara viết. Nếu ở gần bờ, Trung Quốc có thể sử dụng các loại tên lửa cũ, kém chính xác và tầm ngắn hơn mà họ đã sở hữu với số lượng rất phong phú. Với cuộc chiến tầm xa, PLA đang triển khai chương trình tên lửa DF-21D mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” sử dụng vệ tinh và máy bay không người lái để định vị chính xác mục tiêu. 
Mặt trái của chiến lược lấy tên lửa làm trọng tâm của Trung Quốc là nó có thể đại diện cho cái gọi là “điểm yếu duy nhất”. Do quá phụ thuộc vào một loại vũ khí có thể khiến PLA dễ bị tổn thương nếu gặp một loại biện pháp đối phó. Trong trường hợp này, đó chính là hệ thống chống tên lửa đạn đạo của Lầu Năm Góc, bao gồm các tàu chiến trang bị tên lửa SM-3, tên lửa Patriot và hệ thống pháo phòng không tầm cao của bộ binh Mỹ. 
Hơn thế nữa, tên lửa là loại vũ khí dùng một lần. Không thể tái sử dụng chúng như máy bay chiến đấu hay tàu khu trục. Điều đó có nghĩa là, trong thời chiến, Trung Quốc buộc phải chiến thắng nhanh hoặc thất bại. “Ví dụ, tính tổng số lượng tên lửa đạn đạo thông thường của Trung Quốc, có thể dội khoảng một nghìn tấn chất nổ có sức công phá lớn vào các mục tiêu”, Roger Cliff giải thích. “Tương quan so sánh với máy bay của Không quân Mỹ, có thể dội một lượng thuốc nổ gấp vài lần mỗi ngày trong khoảng thời gian không xác định”.  

Thái An (Theo wired)

12/08 Nhân "Thành nhà Hồ" được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới- bàn về ông Vua cải cách tiền tệ



Thành Nhà Hồ được Việt Nam công nhận là di tích quốc gia từ năm 1962. Việc xây dựng hồ sơ để đệ trình UNESCO được khởi động từ năm 2006 và ngày 27/6/2011 vừa qua đã chính thức được công nhận là Di sản văn hoá thế giới tại kỳ họp lần thứ 35 của Uỷ ban di sản thế giới UNESCO (WHC) diễn ra tại Paris, Cộng hoà Pháp.



Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc theo lối dinh lũy phòng thủ khi sảy ra chiến tranh. Công trình được Hồ Quý Ly-  một ông quan có nhiều thanh thế trong triều Trần cho xây dựng vào năm 1397 ở An Tôn (thuộc hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc,  tỉnh Thanh Hóa). Thành có hình chữ nhật, chu vi khoảng 3 km vuông, tường bao quanh xây bằng những khối đá hình hộp  được mài nhẵn, phẳng, dài từ 2 đến 4m, cao 1m, dày 0,7m. Cổng ghép đá hình vòm, cao 8m. Trong thành có khu dinh thự để vua ngự và xuống chiếu, nay chỉ còn lại những con rồng đá chạy dọc bậc thềm... 

                                           

           Từ một ông Quan  nắm được nhiều quyền hành tối cao ở triều Trần, tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua, lập ra vương triều mới: Triều Hồ. Nhà Hồ tồn tại được 7 năm (1400-1407) và dời đô từ Thăng Long về An Tôn, gọi đây là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội).  Trong khoảng 35 năm, Ông đã từng bước tiến hành nhiều cuộc cải cách rộng lớn về mọi mặt, từ chính trị, văn hóa đến  kinh tế- xã hội. Trong phạm vi  bài viết này,  xin dẫn dụ về một số nét về cải cách tiền tệ.
         Lần đầu tiên trong lịch sử tiền tệ thời phong kiến  Việt Nam có chuyện tiêu dùng tiền giấy.
         Lịch sử tiền tệ của chế độ phong kiến Việt Nam là lịch sử tiếp thu có chọn lọc tinh hoa chế tác đồng tiền kim loại hình tròn- lỗ vuông của nước láng giềng Trung Quốc vốn đã có ảnh hưởng khá sâu đậm qua hàng ngàn năm Bắc thuộc. Khác chăng là các ông Vua Việt lấy biểu trưng niên hiệu, hoặc thời hiệu của mình để đặt tên cho đồng tiền qua mỗi lần phát hành thay vì dùng tên tiền Trung Quốc cùng thời để chứng tỏ tính độc lập của vương triều thông qua tiền tệ.
Thế nhưng vào  năm 1396  “…mùa hạ, tháng 4 năm Bính Tý, niên hiệu Quang Thái, năm thứ 9 bắt đầu phát hành tiền giấy “Thông Bảo Hội Sao”. In xong, hạ lệnh cho người đem tiền đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy tiền giấy 1 quan 2 tiền…”. (trích Đại Việt sử ký toàn thư).
            Cũng phải nhắc lại là, năm 1024 ở Trung Quốc đã thấy nói triều đình Bắc Tống phát hành tiền giấy,  gọi là “Quan Giao Tử”. Dần dần, “Giao tử” cải thành “Tiền dẫn”, “Hội tử”, “Giao sao” …(xin xem:Lịch sử tiền giấy. http://vi.wikipedia.org). Tuy nhiên, các loại “tiền giấy” này thực chất chỉ như “ngân phiếu”, nó không thay thế hoàn toàn tiền kim loại trong lưu thông tiêu dùng. Do là những “bảo chứng” tiền tệ có mệnh giá lớn nên nó cũng chỉ lưu hành hạn hẹp ở tầng lớp giàu có. Cho đến năm1455 (thuộc triều nhà Minh) loại “tiền giấy” này không còn thấy lưu hành.
         Việc phát hành tiền giấy thời Hồ có thể xem là dấu hiệu của một “biến cố” bởi sự kiện xảy ra chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Điểm khác biệt căn bản so với nước láng giềng Trung Quốc là Hồ Quý Ly đãquyết định thay đổi dùng tiền kim loại sang tiền giấy. Về hình thức có thể cho rằng “Thông bảo hội sao” là cách phỏng  theo “Quan Giao Tử” hoặc “Giao sao” của Trung Quốc … , nhưng về quan niệm tiền tệ thì Hồ Quý Ly đã xem ‘Thông bảo hội sao”  là đồng tiền chính thức.
         Do tiên liệu trước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khép dân chúng tiêu dùng tiền giấy, Hồ Quý Ly cũng đã ban hành các điều luật cực đoan đi kèm, như: Cấm hẳn tiêu tiền kim loại, định tội không tiêu tiền giấy… Cho đến năm 1401, Hồ Hán Thương (con trai thứ của Hồ Quý Ly, nối ngôi vua) còn phải khuyến khích: “… mỗi mẫu thu 3 thăng thóc nay thu 5 thăng nhưng nộp bằng tiền giấy thì được giảm đi. Thuế đinh cũng tương tự, thu bằng thóc thì thu nặng hơn trước, nhưng thu bằng tiền giấy thì lại giảm đi…” (sách đã dẫn). Năm 1402, định lại các thuế  về tô ruộng, theo đó: ngoài việc dùng các quy định của pháp luật còn đưa ra nhiều biện pháp khác cố làm cho  tiền giấy được lưu hành rộng rãi trong dân. Nhưng trong thực tế, đến năm 1403, tức sau bảy năm ban hành, tiền giấy vẫn không được ưa dùng, đến nỗi dân buộc phải trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng để tránh phạm luật…
            Nguyên nhân và những hệ lụy của việc phát hành tiền giấy.
         Chuyện kể rằng, thời Hồ có Nguyên Trừng (con trai trưởng của Hồ Quý Ly)- là người sáng chế ra “thần cơ sang pháo” (súng thần công). Khi nhà Minh Trung Quốc tấn công Việt Nam theo lời thỉnh cầu của hậu duệ họ Trần, bắt được người chế súng cùng nhiều khẩu thần công đem về Trung Quốc, ông không bị giết mà còn được phong là “Tả tướng quốc”.  Mỗi lần làm lễ tế súng thần công, quân Minh đều phải tế sống Hồ Nguyên Trừng.
         Do thời phong kiến,  nguồn nguyên liệu đồng  luôn khan hiếm, vì vậy, nếu để duy trì  đúc tiền kim loại trong hoàn cảnh sáng chế súng thần công cũng đang rất cần một nguồn nguyên liệu đồng to lớn, thì đây quả là một thách thức không nhỏ.  Cùng với nguy cơ bị giặc Minh Trung Quốc đe dọa xâm lược, buộc Hồ Quý Ly phải lựa chọn hoặc đúc tiền, hoặc đúc súng. Và ông đã lựa chọn đúc súng.
Nếu đây là một trong những nguyên nhân cơ bản thì việc chuyển sang dùng tiền giấy là một quyết định đúng. Chỉ có điều, việc hoạch định chính sách cải cách đó  luôn chứa đựng các yếu tố cực đoan, thiếu các cơ sở có tính chất nền tảng để thực thi,  khi mà việc phát hành tiền giấy rất khác với tâm lý tiêu dùng thông thường, lại không giống  quốc gia nào xét trên bình diện chung của tiền tệ trong khu vực.
          Những sự thay đổi đó vô hình chung đã đi ngược lại quyền lợi thiết yếu của người dân, với thói quen tiêu dùng và giao thương hàng hóa lâu đời bằng đồng tiền có lỗ xỏ dây, với việc cất trữ, tích lũy tiền với số lượng lớn của tầng lớp quan lại, địa chủ, thương lái...một bộ phận không nhỏ tầng lớp trên trong xã hội. Sự quá đỗi đó đã vượt ngưỡng khuôn phép của hoàn cảnh kinh tế- xã hội đương thời có thể chấp nhận được.
 Việc ban hành tiền giấy của nhà Hồ xem như thất bại. Cùng với sự sụp đổ của nhà Hồ, tiền giấy cũng chấm dứt lưu hành (1407). Đánh dẹp xong quân Minh, năm 1429, năm thứ hai sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã cho đúc tiền kim loại trở lại, nhân dân  trở về tiêu dùng đồng tiền tròn- lỗ vuông.
          Ngày nay giới sử học nói chung đánh giá cao mặt tích cực của Hồ Quý Ly, cho rằng Ông là một nhà cải cách táo bạo và hiếm có trong lịch sử Việt Nam nhằm hai mục đích: tăng cường chế độ tập quyền, giải quyết mâu thuẫn kinh tế- xã hội, giải phóng sức sản xuất... những điểm sáng, tích cực trong hoàn cảnh hạn chế của chế độ phong kiến Việt Nam đương thời.

           MT

12/08 Ai là người giàu nhất Việt Nam? Kỳ 4: Vũ Văn Tiền - Nhà giàu có vợ đẹp (phần 2)


Mấy lần sang số nhà 64 phố Nguyễn Lương Bằng, trụ sở đã nhiều năm của tập đoàn GELEXIMCO, tôi thấy lạ, nơi xe cộ tập nập trước đây sao giờ vắng thế. Có hôm, tôi lên mấy phòng làm việc, thấy chẳng có ai?
Bài II: Thông điệp của ông chủ
Tôi những lo. Đã quen biết nhau nhiều năm, nên cũng băn khoăn không biết thời buổi khó khăn này, ông chủ họ Vũ cùng quê với vợ tôi dưới Tiền Hải, Thái Bình có sao không?
Khi gặp ông, tôi hỏi cái điều tôi lo đó. Ông cười: Trụ sở của tập đoàn đã chuyển ra 36 Hoàng Cầu rồi anh ạ.
Ra thế. Tòa nhà 18 tầng choáng lộn bền bờ hồ Đống Đa, nơi ai đi qua cũng ngước nhìn giờ là trụ sở của tập đoàn ông.
Văn phòng mới của ông chuyển về tòa nhà 16 tầng ở Hoàng Cầu
Ông cho biết, trụ sở tập đoàn làm việc cùng lắm chỉ hết 10 tầng, còn lại là trung tâm thương mại, là …
Tôi lại hỏi cái lo khác, chỗ ngân hàng An Bình một dạo khó khăn, giờ ra sao? Ông bảo đã có hai đối tác cỡ bự tham gia, vốn pháp định đã nâng lên trên 3 ngàn tỷ đồng, đang phát triển tốt. Ừ phải, báo chí đã đưa việc này. Mừng cho ông.
Ông tâm sự với tôi rằng, đất trụ sở cũ ông đã bỏ tiền mua hoàn toàn, dự kiến sẽ phá đi, xây lên một …
Một khu đất vàng, ngay ở trung tâm, lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Tôi nhìn cái số nhà 64 quen thuộc, nơi tôi vẫn đứng chờ xe đưa đón bao năm, sắp tới sẽ là một tòa nhà tráng lệ, nguy nga. Đất đẻ ra tiền, tiền lại đẻ ra nhiều tiền…
Cái con người gầy, nhỏ, ít nói, có nụ cười hiền lành, hình như chẳng bao giờ to tiếng với ai, giữa những ông chủ to béo, ồn ào… Làm tôi rất ngạc nhiên. Tôi cứ tưởng ông, như một số đại gia có gốc gác nông dân khi phất lên thường hay chứng tỏ mình…
Hóa ra, ông làm ăn khá bài bản, tính toán khá kỹ càng, khi trò chuyện thân mật, ông cũng là người có chính kiến, ghét bọn tham nhũng, ghét lũ bất tài mà vênh váo…!
Ông có cả một thông điệp được in ra trong một tài liệu giới thiệu về tập đoàn của ông. Trong thông điệp có nói đến TẦM NHÌN, đến SỨ MỆNH với các giá trị cốt lõi như: ĐOÀN KẾT; TÂM HUYẾT; SÁNG TẠO; HIỆU QUẢ; CHIA SẺ.
“Mục tiêu chung: Xây dựng GELEXIMCO thành một tập đoàn sản xuất và đầu tư hàng đầu trong nước, mang tầm khu vực và quôc tế”.
Tôi đọc câu này trong thông điệp của ông và cảm thấy những ý nghĩ của tôi trước đây về ông giờ đã thay đổi.
Thì ra, đánh giá con người không nên nhìn vẻ bề ngoài.
Thì ra, được mất ở đời thật khó!
Tôi nhớ, có lần, đúng hơn là khi tôi viết một cuốn sách “Ai là người giàu nhất Việt Nam”, tôi có hỏi ông: Người ta bảo, Vũ Văn Tiền là người giàu nhất Việt Nam, đúng không?
Ông nói với tôi, nhỏ nhẹ: Là một trong những người thôi!
Một trong những tài sản của ông chủ họ Vũ
Tôi ngồi nhẩm tính: Sản nghiệp của ông, của tập đoàn ông lớn thế, trên 30 ngàn tỷ đồng, chỉ riêng số tiền ông đầu tư ở ngân hàng An Bình đã là 25% cũng đã ghê rồi!
Tôi kể cho ông nghe những người giàu ở Việt Nam mà tôi định viết trong cuốn sách của mình. Ông cười, cài cười như muốn nói rằng họ cũng thường thôi!
Khi tôi nhắc đến hai nhận vật: Phạm Nhật Vượng chủ tập đoàn TECHNOCOM và Trần Đình Long chủ tập đoàn Hòa Phát, ông có vẻ phục. Ông nói : Họ làm ăn rất bài bản, tiềm lực dồi dào …
Một ông chủ “ Biết mình, biết người” như các cụ ngày xưa thường nói, hẳn là “Trăm trận, trăm thắng”, không biết có đúng vậy không?! Ít nhất, tôi cũng mong cho ông như vậy.
Theo Dương Kỳ Anh
Tầm nhìn

12/08 Trung Quốc dùng tàu sân bay để giải quyết tranh chấp lãnh thổ?



EmailInPDF.
Chỉ một ngày sau khi chiếc Varyag được hạ thủy, Trung Quốc đã gián tiếp đe dọa có thể sử dụng chiếc tàu sân bay này trong các tranh chấp vùng biển. Tờ "Giải phóng Quân báo" - cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc - đã không ngần ngại cho rằng chiếc tàu sân bay của Trung Quốc cần phải được dùng vào các chiến dịch bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Tác giả của bài viết này đã đặt câu hỏi: “Đóng tàu sân bay để làm gì nếu chúng ta không có đủ dũng khí và quyết tâm sử dụng phương tiện này để xử lý các tranh chấp lãnh thổ? Đóng tàu sân bay là để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc trên biển một cách hiệu quả hơn. Chúng ta sẽ tự tin và quyết tâm hơn trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ sau khi có được hàng không mẫu hạm”. Theo ông này, “việc dùng tàu sân bay hay bất cứ loại tàu chiến nào để giải quyết tranh chấp là một điều hợp lý”. Lời lẽ đầy tính hăm dọa này hoàn toàn trái ngược với các tuyên bố đầy tính trấn an của giới chức lãnh đạo Trung Quốc từ trước đến nay khi nói về chiếc tàu này, rằng họ chỉ dùng con tàu vào mục đích nghiên cứu và huấn luyện, sự tồn tại của phương tiện chiến tranh mới này không hề thay đổi chính sách quốc phòng mà Bắc Kinh tự nhận là "hiếu hòa".
Theo giới phân tích, bài viết này có thể được coi là một tín hiệu hù dọa mới của Trung Quốc nhằm vào các nước đang có tranh chấp với họ tại Biển Đông như Việt Nam hay Philíppin, hoặc tại vùng biển Hoa Đông như Nhật Bản. Bắc Kinh từng mượn lời các phương tiện truyền thông trong tay họ để tung ra các tín hiệu hăm dọa nhằm vào các nước có tranh chấp thời gian gần đây. Hãng tin Pháp AFP nhận định báo chí hoặc các trang web nhà nước của Trung Quốc thường được kiểm tra chặt chẽ, do đó bài viết được đăng tải nói trên chắc chắn đã được thông qua ở cấp cao hơn, cho dù không hẳn đã phản ánh đúng quan điểm chính thống của Bắc Kinh. Theo AFP, một số chuyên gia phân tích độc lập cho rằng Trung Quốc đang muốn lợi dụng việc chiếc tàu được hạ thủy để chơi trò chiến tranh tâm lý trong khu vực, vào lúc họ đang tranh chấp chủ quyền với hầu hết các nước có cùng một vùng biển với họ.
Ngày 10/8, Oasinhtơn đã bày tỏ thái độ quan ngại trước việc Trung Quốc hạ thủy tàu Varyag (Thi Lang) với danh nghĩa là cho chạy thử. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland, nói rằng cần phải làm rõ vì sao Trung Quốc cần đến một phương tiện như hàng không mẫu hạm. Đối với phía Mỹ, vấn đề này là đáng quan ngại vì Trung Quốc thiếu minh bạch trong lĩnh vực quốc phòng, trong việc trang bị vũ khí cũng như trong việc tăng ngân sách quân sự. Cũng như Mỹ, sự phát triển quân sự nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng châu Á lo ngại. Tuần trước, Nhật Bản lên tiếng bày tỏ quan ngại về "ngân sách quốc phòng mập mờ" của Trung Quốc cũng như việc nước này ngày càng mở rộng sự hiện diện của hải quân trên các vùng biển.
Tuy nhiên, ông Russell Smith - cựu Tùy viên Quân sự Ôxtrâylia tại Trung Quốc, Giám đốc phụ trách bộ phận an ninh và quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Tư vấn IHS - cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc chạy thử tàu sân bay không nhằm mục đích giải quyết những xung đột ở Biển Đông, nguyên nhân là vì Trung Quốc đã có một căn cứ không quân có thể hỗ trợ hoạt động của quân đội nếu nước này quyết định tiến xa hơn trong vấn đề biển Đông. Ông nói: “Tôi cho rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đang nằm ở phạm vi toàn cầu. Vì vậy, đương nhiên nước này phải tăng cường quân đội để tự bảo vệ lợi ích của mình và việc phát triển hàm không mẫu hạm là một điều hết sức quan trọng nhằm phục vụ mục tiêu đó”. Theo ông, động cơ chính trị của Trung Quốc lần này là nhằm phô trương sức mạnh với các nước trên thế giới. Theo đó, tàu sân bay Varyag có tầm quan trọng lớn về mặt quân sự bởi nó thể hiện khả năng tác chiến của quân đội nước này. Trên thực tế, hiện nay Trung Quốc cũng đang phát triển các loại vũ khí khác để đảm bảo rằng hệ thống chỉ huy quân sự sẽ có thể vận hành trên mọi phương diện. Ông nói thêm: “Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cần thời gian mới có thể đạt được khả năng tác chiến toàn diện”./.
Hương Trà (gt)