Monday, November 15, 2010

12/11 Việt Nam đề xuất chủ trương ASEAN tăng cường hợp tác với G20

11:14 AM, 12/11/2010
(Chinhphu.vn) - Sáng 12/11 tại Seoul (Hàn Quốc), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nhằm thống nhất quan điểm về chủ trương tham gia, phối hợp sáng kiến của ASEAN tại Hội nghị cấp cao G20, qua đó tăng cường hợp tác giữa ASEAN và G20.

Với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ đưa ra đề nghị thể chế hóa việc mời Chủ tịch ASEAN tham dự các Hội nghị Cấp cao G20 - Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là cuộc gặp được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này.

Người đứng đầu Chính phủ nước Chủ tịch ASEAN 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo việc Việt Nam đã phối hợp với các nước ASEAN xây dựng Tài liệu quan điểm chung của ASEAN về các nội dung của Hội nghị cấp cao G20 Seoul.

Thủ tướng cũng thông báo một số đề xuất và sáng kiến sẽ được Việt Nam đưa ra tại các phiên thảo luận của Hội nghị Thượng đỉnh G20, trong đó có việc đề nghị thể chế hóa việc mời Chủ tịch ASEAN tham dự các Hội nghị Cấp cao G20; những khuyến nghị của ASEAN liên quan đến kinh tế toàn cầu, thương mại thế giới, cải cách các thể chế tài chính quốc tế; các vấn đề về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển ….

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chương trình nghị sự của G 20 cần chú trọng tới việc không chỉ quan tâm hỗ trợ các nước kém phát triển, thu nhập thấp mà còn quan tâm tới các nước đang phát triển, trong đó có các nước thành viên ASEAN, nhằm tránh nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” hoặc trở lại nhóm nước thu nhập thấp do những biến động của môi trường kinh tế khu vực và thế giới.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan hoan nghênh và ủng hộ các sáng kiến và đề xuất của Việt Nam đồng thời đánh giá Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực tại diễn đàn quốc tế quan trọng này với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010.

Đông Bắc

12/11 Thúc đẩy chuẩn bị nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng

Thúc đẩy chuẩn bị nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng
5:39 PM, 12/11/2010
(Chinhphu.vn) - Chiều 12/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp trực tuyến. Ảnh: Chinhphu.vn

Từ đầu cầu Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự cho biết, đến nay, khu kinh tế Vũng Áng đã có hơn 90 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 240.000 tỷ đồng. Trong số này có những dự án lớn như khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I với 1,2 tỷ USD.

Dự kiến từ nay đến năm 2015, khu kinh tế cần tới 35.000 lao động nhưng đến thời điểm này tỉnh Hà Tĩnh mới đáp ứng được hơn 21.000 người, trong đó chủ yếu là nhân viên hành chính, lái xe, công nhân kỹ thuật. Số lao động còn thiếu gần 14.000 lại chủ yếu là lao động đòi hỏi chất lượng cao như cán bộ quản lý, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật…tập trung ở các ngành nghề xây dựng, điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin…

Bên cạnh đó, việc sắp xếp, bố trí quỹ đất xây dựng chỗ ở cho công nhân còn gặp nhiều khó khăn do chưa có các cơ chế chính sách cụ thể để áp dụng đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án này.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từ Hội nghị liên quan tổ chức trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất việc đầu tư cung cấp thiết bị cho Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc; thông qua nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức đầu tư tăng cường năng lực dạy nghề cho Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức tại Hà Tĩnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh 300 chỉ tiêu trong đó 150 chỉ tiêu đào tạo đại học, 150 đào tạo cao đẳng nhằm chuẩn bị tốt cho việc đào tạo nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý để công tác chuẩn bị nguồn nhân lực được thực hiện đúng tiến độ, trong tháng 11 này Bộ Xây dựng, Bộ LĐTBXH thành lập 2 tổ công tác vào khảo sát trực tiếp tại Hà Tĩnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thiện việc rà soát danh sách sinh viên tỉnh Hà Tĩnh đang được đào tạo ở các trường để có chính sách kêu gọi thu hút lực lượng này về làm việc.

Phó Thủ tướng giao tỉnh Hà Tĩnh thành lập tổ giám sát về nguồn nhân lực cùng với các doanh nghiệp dự báo nguồn nhân lực để có phương án bố trí xắp xếp hợp lý.

UBND tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 2/2011 tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp tại khu kinh tế này.

Từ Lương

13/11 Thủ tướng dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nội

9:33 PM, 13/11/2010

(Chinhphu.vn) – Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập MTDTTN Việt Nam, tối 13/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" của Khu dân cư số 7, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.


Ảnh: Chinhphu.vn


Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.

Ngày hội đã diễn ra trong không khí sôi nổi, mọi người tham dự cùng nhau ôn lại truyền thống đoàn kết và thắng lợi của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) trong 80 năm qua, đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; biểu dương, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.

Đồng thời, phát động thi đua xây dựng khu dân cư tiến bộ toàn diện, gia đình văn hóa, thực hiện tốt dân chủ và kỷ cương, tích cực góp phần xây dựng quê hương và đất nước.

Phát biểu với cán bộ và nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống đó, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và đáng tự hào.

Hiện nay cả nước đang tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X và tích cực chuẩn bị tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Những năm vừa qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế của Việt Nam liên tục tăng trưởng cao, chính trị ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, đời sống người dân khắp mọi miền Tổ quốc ngày càng cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần…

Biểu dương những kết quả đạt được của Khu dân cư số 7, phường Quán Thánh trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, xây dựng gia đình hạnh phúc, tương thân tương ái, gắn bó đùm bọc lẫn nhau, Thủ tướng đề nghị bà con trong khu dân cư cần giúp nhau phát triển kinh tế, người lớn phải là tấm gương sáng cho trẻ em noi theo, cùng nhau bài trừ tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật, cùng nhau giữ gìn vệ sinh nơi cư trú, cùng nhau phấn đấu xây dựng cộng đồng văn minh, giàu đẹp…

“Đó chính là đóng góp thiết thực của bà con và cụm dân cư vào xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh, xây dựng từng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, Thủ tướng mong muốn mỗi người dân, mỗi khu dân cư cần đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”.



Ảnh: Chinhphu.vn



Năm 2010, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các gia đình trong Khu dân cư số 7, phường Quán Thánh, quận Ba Đình luôn chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt quy ước, hương ước của tổ dân phố và nghĩa vụ của người công dân, xây dựng người Hà Nội “thanh lịch, văn minh”.

Toàn khu có hơn 200 hộ gia đình, trải rộng trên 5 tuyến phố trung tâm Hà Nội, song không có tệ nạn xã hội, không có hộ nghèo, an ninh trật tự được đảm bảo tốt, đường phố xanh sạch đẹp, 100% các cháu đến trường, hàng năm có hơn 90% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, riêng năm 2010 có 99% gia đình được công nhân là gia đình văn hóa. Đặc biệt trong đợt thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và các ngày lễ lớn trong năm các hộ gia đình đã triển khai nhiều việc làm thiết thực như xóa quảng cáo trái phép trên tường, không vứt rác ra đường…

Đông Bắc

14/11 Trao chứng nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2010

3:09 PM, 14/11/2010

(Chinhphu.vn) - Sáng 14/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám GS. Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã trao chứng nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2010 cho 71 Giáo sư và 507 Phó Giáo sư.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước trao chứng nhận cho các Giáo sư, Phó Giáo sư được công nhận năm 2010. ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng 578 tân Giáo sư, Phó Giáo sư được công nhận trong năm 2010, đồng thời đánh giá rất cao những nhà khoa học là nữ giới được công nhận các chức danh cao quý này.

Phó Thủ tướng tâm niệm trước 82 văn bia các tiến sỹ trong gần 1.000 năm qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhớ tới lời dạy của Bác Hồ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, mỗi chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm nặng nề ở phía trước. Do đó, các Giáo sư, Phó Giáo sư cần tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa, xứng đáng với các bậc tiền nhân trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân tài phục vụ đắc lực và thiết thực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, đưa nước ta sánh vai các cường quốc năm châu như ước nguyện của Bác Hồ.

Thay mặt các Giáo sư và Phó Giáo sư được công nhận năm nay, Giáo sư Phạm Thị Ngọc Yến bày tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những cống hiến của các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực đồng thời khẳng định quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trình độ cao, thực hiện các đề tài phục vụ thực tiễn, các chương trình, đề án cấp quốc gia góp phần hình thành các sản phẩm quốc gia của Việt Nam.

Giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết, bắt đầu từ năm 2011, việc xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư sẽ được sửa đổi theo hướng nâng cao hơn, chặt chẽ hơn về yêu cầu ngoại ngữ và các hoạt động chuyên môn. Đây cũng là đề nghị của đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học để đưa các tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư đi vào thực chất, phù hợp với chuẩn khoa học của khu vực và thế giới

Để có quyết định công nhận 578 chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2010, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã thông qua 82 hội đồng cấp cơ sở xem xét 941 hồ sơ trên toàn quốc với tinh thần trách nhiệm và công bằng cao nhất.

So với 2009, các Giáo sư, Phó Giáo sư thuộc các trường đại học được công nhận năm nay có giảm đi (năm 2010 là 72,6%, năm 2009 là 89%). Số Giáo sư là nữ tăng lên (10 người), đặc biệt có 2 Giáo sư 4 Phó Giáo sư là người dân tộc thiểu số. Tuy có nhiều chỉ số thay đổi, nhưng sự trẻ hóa đội ngũ này ở nước ta chưa có nhiều chuyển biến.



Trong đợt này, Phó Giáo sư trẻ nhất Từ Diệp Công Thành, 32 tuổi, ngành Cơ học, Đại học Bách khoa – ĐHQG TP Hồ Chí Minh;

Giáo sư trẻ tuổi nhất là Nguyễn Văn Hiệp ( ngành Ngôn ngữ học – ĐHQG Hà Nội) và Phạm Quang Trung ( ngành Kinh tế -Đại học Kinh tế Quốc dân) cùng 46 tuổi.

Nữ Giáo sư trẻ tuổi nhất Phạm Thị Ngọc Yến, 51 tuổi, ngành Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Phó Giáo sư cao tuổi nhất là ông Nguyễn Như Ất, ngành Giáo dục, năm nay 75 tuổi.

Từ Lương