Monday, May 24, 2010

24/05 Người phụ nữ Đức sống với di sản Huế


Thứ Hai, 24/05/2010, 07:59 (GMT+7)
TT - Andrea TeufeL - thạc sĩ phục chế, giám đốc dự án bảo tồn, trùng tu và đào tạo Đức (GCREP) tại VN - đã dành bảy năm trời đi về VN, Đức và sinh sống hẳn tại Huế để làm việc cho các công trình mà bà theo đuổi.
Bà Andrea Teufel - Ảnh: l.p.
“Tôi lớn lên ở Postdam, một TP cũng từng là kinh đô cũ như Huế, cũng nhỏ và bình yên. Postdam tĩnh lặng. Huế cũng tĩnh lặng. Suốt cả tuổi thơ của mình, tôi luôn mơ sẽ làm một nghề ở giữa những công trình, di tích xưa cũ như bây giờ”. Andrea Teufel đã chọn Huế làm điểm dừng chân của sự nghiệp phục chế và bảo tồn các di tích trong suốt bảy năm qua chỉ vì một lý do giản dị và rất “phụ nữ” như thế.
Dự án GCREP được khởi động từ năm 2003 với công trình đầu tiên là cung An Định, di sản kiến trúc mang màu sắc phương Tây trên nền truyền thống VN. Song song với hỗ trợ bảo tồn các di sản kiến trúc, GCREP còn hỗ trợ VN đào tạo những chuyên gia đầu tiên về bảo tồn và phục chế một cách bài bản, kỹ thuật. Sau dự án cung An Định (hai giai đoạn, kéo dài năm năm), GCREP đã đào tạo 15 chuyên gia người Việt. Năm người trong nhóm tiếp tục phục chế tại lăng Tự Đức. Hai người của nhóm cùng với giám đốc dự án Andrea Teufel tiếp tục tham gia công trình phục chế đình làng cổ Trần Đăng ở Hà Nội. Dự án được “Chương trình bảo tồn văn hóa” của Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ và tiến hành.
Một “người lạ” nâng niu di sản Huế
Khi dự án GCREP của Đại sứ quán Đức tại VN bắt đầu, Andrea đã được chọn để đến với kinh đô ngủ yên ở miền Trung VN này. Bà nhớ lại: “Ngay khi người ta giới thiệu về công việc ở VN, tôi đã xung phong và đồng ý tới đây. Ở Đức có khá nhiều người VN sống từ rất lâu rồi. Tôi nghĩ có thể nơi này sẽ rất hay. Lúc đó tôi không chọn dự án ở Thái Lan vì Thái Lan có vẻ Tây quá. VN cái màu châu Á đậm hơn thì phải”.
Trước mắt Andrea khi đó là sáu bức tranh cổ trong phòng khách cung An Định của vua Khải Định. Đó là những bức tranh vẽ kiểu Tây, tượng hình những lăng mộ, sự tưởng nhớ với những hoàng đế thời trước. Mang theo ước mơ xa hoa và văn hóa, vua Khải Định cho xây dựng cung An Định với những phòng sang trọng, những bức tường với hình họa đầy chi tiết phức tạp, những bức tranh tường được vẽ tỉ mỉ với hàng nghìn hoa văn đậm màu truyền thống và cũng rất... Tây.
Trước mắt vị thạc sĩ phục chế người Đức khi ấy là một di sản của sự xa hoa, đầy ắp kỹ thuật và sự phức tạp mới mẻ học tập ở châu Âu về. Nhưng cùng với vẻ đẹp ấy, cung An Định đối mặt với hàng trăm loại nấm mốc, sự bong tróc, hủy hoại phủ khắp các bức tường và nền hoa văn. Khi đó, dự án GCREP chỉ chú ý đến sáu bức tranh. Andrea lại thấy cả một cung điện tuyệt đẹp đang ở bên bờ vực phá hủy. Chính bà đã đề nghị đại sứ quán mở rộng dự án trên quy mô toàn bộ cung điện.
Năm 2003, dự án chính thức được mở đầu với sáu bức tranh tường lớn ở tiền sảnh cung An Định. Những bức tranh là những cảnh trí đơn giản, nặng về đặc tính thờ cúng tổ tiên và chỉ tuyệt đối miêu tả hình ảnh các khu lăng mộ của các vua triều Nguyễn.
Tráng lệ. Nhưng hư hại đến đau lòng. Màu trên tranh bị bong tróc vì bề mặt vữa gốc của tường vỡ ra. Andrea gửi những mẩu sơn dầu đầu tiên về phòng thí nghiệm ở Đức để phân tích.
Bà giải thích một cách thành thạo: “Tôi phát hiện kỹ thuật vẽ tranh tường ở đây khá giống với những gì tôi đã học ở Ý, đó là kiểu vẽ fresco. Có nghĩa bạn trát vữa lên tường, đợi cho đến khi vữa khô, nhưng không khô hẳn mà còn hơi ẩm, tiếp đó bạn dùng chất màu
trộn với nước và vẽ trực tiếp thẳng lên mặt vữa tươi đó, không cần bất cứ loại chất kết dính hay keo nào. Trong quá trình vữa định hình cứng dần, màu vẽ sẽ dính chặt theo dần lên bề mặt vữa. Đó cũng là cách tốt nhất và giúp tranh tồn tại lâu nhất mà ở châu Âu người ta đã dùng. Có một loại vi khuẩn tốt sẽ sinh ra trong quá trình khô dần của vữa và màu ướt giúp bức tranh tường có tuổi thọ lâu. Tranh tồn tại vững chắc trong một thời gian rất dài. Trong các công trình như cung An Định, chất lượng hình ảnh còn khá tốt”.
Nhắc đến cung An Định, Andrea lại nói về nơi này bằng sự say mê không thể ngừng lại được. Màu sắc, hoa văn, sự xa hoa của ông vua thời cũ, cảm giác châu Âu, những ký ức, hội hè đã phai mờ đâu đó cùng với thời gian trong những gian phòng tuyệt đẹp... Andrea sống ở chính hoàng cung đó suốt từ năm 2003-2008, với màu vẽ, sơn, các biểu đồ chất liệu và cả một... đống xà bần những tác động của thời gian vào tác phẩm kiến trúc đặc sắc ấy.
Từ sáng sớm đến tận khuya, người phụ nữ này cặm cụi với những suy nghĩ miên man về chất liệu, cách tái tạo và sử dụng cẩn trọng nhất với chất liệu cho tranh vẽ cũ trên tường hoàng cung. Nguyễn Thị Phương Thảo, một phiên dịch của dự án, nói về Andrea: “Bà ấy chăm chút cho công trình còn hơn người Việt mình, cả ngày cả đêm làm việc miệt mài”. Thái độ làm việc và khao khát của Andrea để dựng lại những ký ức lịch sử trong lòng những công trình kiến trúc đã trở thành mẫu mực cho tất cả học trò người Việt sau này mà bà chọn để truyền nghề...
Bà Andrea trong một công đoạn làm sạch mối và mốc trên chi tiết công trình - Ảnh do GCREP cung cấp
Nối quá khứ cho người Việt trẻ
Dự án GCREP không chỉ đưa Andrea đến Huế để tỉ mẩn với hoàng cung, mà còn cho bà một cơ hội được kết nối thật sự với những người Việt trẻ ở Huế.
Andrea bối rối khi nhớ về năm 2003, khi bà đi khảo sát và thăm các công trình kiến trúc trong nhóm di sản của UNESCO ở Huế: “Tôi biết người ta muốn gìn giữ cái gốc nhưng không biết phải làm thế nào. Họ cũng muốn làm thế nhưng họ chẳng có công nghệ hay kỹ thuật gì để làm chuyện bảo tồn đó cả. Đó là lý do trong nhiều cuộc bảo tồn, người ta đã vứt bỏ quá nhiều yếu tố gốc của công trình. Họ làm hẳn ra cái mới và nghĩ rằng thế cũng như nhau thôi. Nhưng không phải thế. Ngày xưa người ta sử dụng kỹ năng sơn vẽ khác. Bây giờ người bảo tồn lại dùng sơn mới, vẽ theo kiểu mới, lên những bức tường bêtông mới...”.
Andrea phỏng vấn và tuyển chọn 15 họa sĩ địa phương sau khi đăng thông báo tuyển dụng trên báo và trong các trường mỹ thuật. Bà bắt đầu những ngày hướng dẫn lại cho các cộng sự của mình về ý nghĩa của công tác bảo tồn, sự quan trọng của việc gìn giữ nguyên trạng công trình. Những mẫu thí nghiệm màu sắc, chất liệu được phản hồi từ Đức cũng được bà dùng làm mẫu vật để dạy học viên cách phân tích biểu đồ, số liệu và cách tái tạo các nguyên liệu cũ đã được sử dụng cho tranh ở tường hoàng cung.
Bà nhớ lại: “Tôi hỏi họ có hiểu không thì tất cả im lặng. Có vẻ như họ hiểu. Nhưng khi bắt tay vào làm tôi mới phát hiện họ không hiểu rất nhiều điều, nhưng họ không hỏi. Mãi sau này tôi mới biết người Huế thường lặng lẽ và nhún nhường. Đôi khi việc hỏi hay chất vấn bị coi là bất lịch sự” - Andrea nhớ lại những ngày đầu tiên với học trò của mình. Nhiều bích họa khi vẽ lại đã bị chính những học viên người Việt cẩu thả vẽ... theo ý mình. Vừa chăm sóc từng mảng màu, lớp vữa, Andrea phải vừa khắt khe quan sát từng quy trình của các học viên mình đang hướng dẫn.
Andrea tự hào về những học trò của mình: “Ở lăng Tự Đức, chúng tôi cho một họa sĩ tự chịu trách nhiệm về một phần công việc. Trường Khánh là một người rất khép kín và làm việc cực kỳ tốt. Cậu ấy không thích làm việc với những người khác vì tính cầu toàn của mình. Cậu ấy phải tách bỏ mối, rêu, tách bỏ các loại nguyên liệu mới sai lệch, thử với loại vữa chúng tôi đưa vào phân tích, kiểm tra sự xâm phá của mối...”.
Sau công trình ở cung An Định, những học trò của Andrea đã lần lượt theo cô giáo tiếp tục phục chế cẩn trọng tại hai công trình lớn là lăng mộ vua Tự Đức (Huế) và đình làng Trần Đăng (Hà Nội).
Khi những bức bích họa trong cung An Định thành hình, Andrea đã cùng các học viên của mình mở một triển lãm nhỏ, không phải để giới thiệu hoàng cung, mà là đưa công chúng vào xem cách thức những nhà phục chế tái tạo quá khứ.
Một triển lãm nhỏ và hàng chục nghìn khách tham quan đã đến. Người ta nhìn thấy những họa sĩ làm việc, xem các bảng màu, nghe những giải thích về chất liệu, sự xâm hại của thời tiết, biến đổi lịch sử... Nhiều nhà nghiên cứu xúc động nghẹn ngào khi thấy những hoa văn nhạt nhòa vôi vữa giờ trở lại nguyên trạng như trong những hình ảnh lịch sử cũ họ còn thấy được.
Andrea mỉm cười: “Tôi chỉ là người Đức, đến đây và cùng họ làm một số việc để bảo tồn. Đây là di sản của người Huế và họ phải là những người tự tay gìn giữ nó. Tôi không phải là công an để canh chừng sự tàn phá hay cách bảo tồn sai lầm. Dần dần họ sẽ chính là những người thay đổi cách sửa chữa và bảo tồn các công trình của mình”.
Đã bảy năm trời người phụ nữ “xa lạ” này sống tâm huyết với những di sản của người Việt như vậy...
LAN PHƯƠNG