Tuesday, May 10, 2011

10/05 Hai nhóm giang hồ thanh toán nhau đẫm máu tại Bình Dương

Thứ Ba, 10/05/2011 - 10:19

Khoảng 20h35’ tối qua (9/5), tại khu vực phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã xảy ra vụ thanh toán lẫn nhau giữa hai nhóm giang hồ. Cảnh sát đã phải rút súng bắn chỉ thiên khi cuộc tàn sát đang bốc lên đỉnh điểm.

Hung khí của các đối tượng thu được tại hiện trường

Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, một nhóm người đi trên ô tô mang BS 51B- 003.33 (biển số xe TP.HCM) đi vào đường Nguyễn Tri Phương, sau đó dừng lại tại một quán nước. Cùng lúc này 2 cô gái bước từ ô tô xuống, lên 2 xe máy chạy đi, 4 thanh niên còn lại vào quán nước nước ngồi chờ.

Chưa đầy 20 phút sau, 2 cô gái quay lại trong khi phía sau lưng có gần chục đối tượng đuổi theo đòi đánh chém. Hiểu chuyện, lập tức 4 thanh niên ngồi trong quán nước cùng một số đối tượng khác từ trên ô tô đã lao xuống dùng mã tấu, đao, kiếm và tuýp sắt tấn công lại nhóm thanh niên kia.

Do yếu thế về hung khí, nhóm giang hồ đuổi theo 2 cô gái phải dùng bàn ghế của quán nước để chống trả. Nhóm sử dụng xe ô tô biển số TP.HCM đã chém gần đứt lìa cánh tay một người trong băng nhóm đối thủ khi người này liều mình mở đường máu tẩu thoát. Cả khu phố náo loạn bới những tiếng la hét, chửi thề. Chỉ khi công an thị xã Thủ Dầu Một có mặt và nổ súng bắn chỉ thiên thì hai băng giang hồ mới bỏ chạy. Nhóm đối tượng bị chém nằm la liệt dưới đường. Băng giang hồ kia leo lên ô tô bỏ chạy.

Công an TX Thủ Dầu Một đã ngay lập tức tổ chức truy bắt nhóm này. Sau gần 2km truy đuổi đến khu vực Bến xe Bình Dương ở đường 30/4, trinh sát mới chặn được đầu chiếc xe. Dù đã rơi vào thể bị động, nhóm đối tượng trên xe vẫn cố thủ không chịu mở. Trinh sát phải yêu cầu nhiều lần nhóm này mới chịu hợp tác và bước xuống xe.

Đến 1h sáng ngày 10/5, khoảng 14 đối tượng trên ô tô đã tạm thời bị bắt giữ. Hầu hết đều đến từ TP. HCM. Khám xét, công an thu giữ thêm 14 mã tấu, 2 cây dao, 1 ống tuýp, 1 sợi dây xích… Hiện cơ quan CSĐT đang tiến hành truy xét và điều tra làm rõ nguyên nhân.
TT (tổng hợp)

09/05 Sẽ cổ phần hóa 4 doanh nghiệp thuộc HUD

Thứ Hai, 09/05/2011 - 10:08

Bộ Xây dựng vừa thống nhất chủ trương cổ phần hóa 4 Tổng công ty do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Các doanh nghiệp được cổ phần hóa gồm: Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Tổng công ty thuỷ tinh và gốm xây dựng, Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng, Tổng công ty đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam.

Việc thực hiện cổ phần hóa các tổng công ty con của HUD được thực hiện theo hình thức cổ phần hóa công ty mẹ - tập đoàn, trong đó công ty mẹ và các công ty con đều là doanh nghiệp đa sở hữu, công ty mẹ nắm giữ 100% vốn ở các công ty con.

Hình thức cổ phần hóa, xác định tỷ lệ nắm giữ cổ phần của công ty mẹ đối với từng Tổng công ty sẽ được đề cập cụ thể trong phương án cổ phần hóa do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
P.V

09/05 Khổ vì nhà đầu tư bất động sản 'lướt sóng'

Thứ Hai, 09/05/2011 | 14:39

Phản hồi: 0 | A


Gần đây, dân đầu tư bất động sản phản ánh chủ đầu tư dự án chung cư B5- Cầu Diễn (nằm trong khu vực thành phố Giao Lưu) có dấu hiệu bất thường, như: dự án 'ma' thu tiền thật, bán căn hộ khi chưa làm xong móng. Dự án 'hot' đến nỗi, vào Google gõ 'dự án B5 Cầu Diễn', hơn 5 triệu kết quả hiển thị, chủ yếu là thông tin rao bán, mua căn hộ tại đây.

Tại hiện trường dự án, phóng viên thấy trên diện tích 2,7 ha được giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã khoan xong cọc nhồi thí nghiệm và đang nén thử tải (đo độ lún), làm đường nội bộ.

Theo điều tra, dự án được UBND TP Hà Nội giao cho Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội và Cty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất làm chủ đầu tư. Dự án đang được điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo chỉ đạo của UBND thành phố, nằm ngay mặt đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, được quy hoạch nằm trong thành phố Giao Lưu.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuẫn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, than: “Chúng tôi khổ sở vì mấy nhà đầu cơ lướt sóng”.

Chuyện là, cuối năm 2010, khi dự án gần hoàn tất các thủ tục giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Cty của ông Tuẫn có chủ trương vay vốn của một số cán bộ công nhân viên trong Cty, nếu họ có tiền nhàn rỗi. Đổi lại, những người này sẽ được Cty ưu đãi bán cho căn hộ khi dự án được thực hiện. Nhưng ngay sau đó, có người đã mua đi, bán lại kiếm lời.

Khi dự án chưa được khởi công, nhà đầu cơ sốt ruột, bởi khó thu lợi nhuận. Nhiều người quay lại rêu rao, đưa thông tin thiếu chính xác lên mạng. “Cũng chính vì những thông tin này, chúng tôi khổ sở vì phải tiếp hết đoàn này, đoàn kia, rồi phóng viên báo đài vào kiểm tra, làm việc”, ông Tuẫn nói.

Ông Tuẫn cho biết, sở dĩ dự án chưa được thi công vì phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết nội bộ; thống nhất phương án đấu nối hạ tầng với dự án thành phố Giao Lưu do Cty cổ phần đầu tư và xây dựng quốc tế VIGEBA làm chủ đầu tư, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

“Mọi thủ tục sẽ hoàn thành trong một vài tháng tới, đến cuối quý 3-2011 chúng tôi sẽ thi công. Còn nếu ai đó sốt ruột, muốn lấy lại tiền, chúng tôi sẽ trả lại ngay theo đúng thoả thuận vay vốn”, ông Tuẫn khẳng định.

Hoài Linh

TIỀN PHONG

09/05 Điều chỉnh thuế suất 11 mặt hàng: Tác động nhỏ?

Thứ Hai, 09/05/2011 | 10:36

Phản hồi: 0 | A


Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các Bộ, ngành, Hiệp hội về dự kiến điều chỉnh thuế suất của 11 mặt hàng nằm trong danh mục hàng không khuyến khích nhập khẩu, không tính đến việc tăng thuế đối với các mặt hàng phục vụ kinh tế, dân sinh.

Theo Bộ Tài chính 11 mặt hàng dự kiết tăng thế sẽ gồm: quả óc chó đã bóc vỏ từ 20% lên 30%; nước xốt cà chua nấm và nước xốt cà chua khác từ 30% lên 35%; bồn tắm bằng sắt hoặc thép từ 32% lên 36%; máy in phun từ 0% lên 5%; băng từ dùng cho phim điện ảnh từ 10% lên 15%. Đối với mặt hàng thuốc lá thuần nhất hoặc hoàn nguyên, thuốc lá bột để hít, thuốc lá không dùng để hút khác, kể cả thuốc lá để nhai hoặc ngậm, Anghoon thuế suất hiện hành là 30% được đề nghị nâng mức thuế suất lên 50%...

Danh mục ... còn nhiều

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Ngô Hữu Lợi cho biết: Danh mục các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu gồm 297 nhóm hàng ( trong đó có 3.724 dòng thuế) tập trung chủ yếu vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng như: thực phẩm, quần áo, giày dép, hàng may mặc, các sản phẩm sắt, thép, máy móc thiết bị chủ yếu phục vụ tiêu dùng cá nhân như quạt, máy giặt gia đình, máy fax, máy in, máy khâu gia đình, máy tính cá nhân...; các thiết bị điện dân dụng như điện thoại, loa đài, máy ghi âm, băng đĩa, camera...; các phương tiện đi lại như ô tô. Tuy nhiên, những mặt hàng này không điều chỉnh trong đợt này, vì qua rà soát và đối chiếu với cam kết WTO năm 2011 của các nhóm hàng trong Danh mục đã có mức thuế suất hiện hành bằng mức cam kết trần WTO 2011. Chính vì vậy, Bộ Tài chính sẽ không điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng này. Hiện chỉ có 149 dòng thuế thấp hơn từ 1- 3% so với mức cam kết trần WTO và 169 dòng thuế có mức thuế suất thấp hơn mức cam kết trần WTO 2011 từ 4% trở lên. Ông Lợi cho biết, sẽ không điều chỉnh tăng với danh mục mặt hàng có mức thuế thấp hơn 3% so với trần WTO. Đối với các dòng thuế có mức thuế suất hiện hành thấp hơn mức cam kết WTO 2011 từ 4 % trở lên (169 dòng thuế) sẽ điều chỉnh thuế. Tuy nhiên để đảm bảo ổn định thị trường cũng như tránh vướng mắc trong thực thi Bộ Tài chính sẽ không điều chỉnh tăng đối với 158 dòng thuế bao gồm các mặt hàng là nguyên liệu sản xuất; các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, các mặt hàng có tính chất lưỡng dụng (vừa dùng làm hàng tiêu dùng, vừa dùng làm nguyên liệu sản xuất). Như vậy, chỉ có 11 dòng thuế có thể xem xét điều chỉnh thuế suất (tăng khoảng 10%). Ông Lợi cũng khẳng định, lần điều chỉnh tăng thuế này sẽ tác động ít nhiều đến thị trường, tuy nhiên đó chỉ là những tác động nhỏ. Bởi Bộ Tài chính đã xem xét khá kỹ thuế suất các mặt hàng trước khi đề xuất điểu chỉnh..

Giữ nguyên thuế suất với sản phẩm nông nghiệp

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, sẽ ưu tiên không tính đến việc tăng thuế đối với các mặt hàng phục vụ kinh tế, dân sinh, trong đó chủ yếu là nông sản, thuỷ sản.

Theo đó Bộ Tài chính chấp thuận kiến nghị của Hiệp hội thuỷ sản VN, giữ nguyên mức thuế hiện hành là 0% đối với hầu hết các loại thuỷ sản (bao gồm các loại tôm, cua, hàu, vẹm, điệp, mực, bạch tuộc...) do trong nước không có hoặc sản lượng nuôi trồng thấp, không đủ đáp ứng nguyên liệu để phục vụ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Đối với mặt hàng trứng chim và trứng gia cầm nguyên vỏ, tươi hoặc đã bảo quản hoặc đã làm chín (Cam kết WTO là 40%, thuế suất hiện hành là 30%). Tuy nhiên, Bộ Tài chính dự kiến giữ nguyên thuế suất như hiện hành vì đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nếu tăng giá mặt hàng này sẽ gây áp lực cho thị trường trong giai đoạn giá cả leo thang này, đặc biệt với mức thuế áp với mặt hàng này hiện đã ở mức khá cao.

Đối với các mặt hàng gạo làm chín sơ (cam kết WTO là 50%, thuế suất hiện hành 40%), Bộ Tài chính dự kiến giữ nguyên thuế suất của mặt hàng này là 40%. Lý giải tại sao thuế suất của mặt hàng này không điều chỉnh, Bộ Tài chính khẳng định, theo căn cứ VN là nước xuất khẩu gạo (khoảng 6 triệu tấn/năm) nên gạo không phải là mặt hàng có ảnh hưởng đến nhập siêu. Các mặt hàng khác như: mỡ, dầu động vật hoặc thực vật đã tinh chế (cam kết WTO là 30%, 35%, 38%, thuế suất hiện hành 10%, 20% và 25%), dù các mặt này thuế suất hiện hành chưa cao nhưng quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, các mặt hàng này vừa là hàng tiêu dùng vừa được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, đó là những mặt hàng thiết yếu nên dự kiến không điều chỉnh tăng thuế trong thời điểm hiện tại. Bộ Tài chính cũng khẳng định, sẽ ưu tiên không tính đến việc tăng thuế đối với các mặt hàng phục vụ kinh tế, dân sinh, những mặt hàng thiết yếu để giữ ổn định xã hội.

Quang Anh

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

09/05 Giá hàng thiết yếu đang có xu hướng ổn định

Thứ Hai, 09/05/2011 | 09:49

Phản hồi: 0 | A


Đó là nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tại báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 4 và dự báo tháng 5/2011, phát đi hôm 5/5 vừa qua. Theo cơ quan này, bên cạnh những nguyên nhân tiếp tục gây áp lực tăng giá hàng hóa, nhiều yếu tố thuận lợi khác cũng có tác động kìm giữ.

Phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu và giá cả thị trường trong nước, báo cáo cho biết, giá cả một số hàng hoá, nguyên, nhiên liệu trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, gây sức ép tăng giá trong nước.

Cục Quản lý giá cũng lưu ý tác động theo độ trễ và yếu tố tâm lý của việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường có hiệu lực từ 1/6/2011, tăng giá xăng dầu và lương tối thiểu (từ 1/5/2011 đối với người hưởng lương ngân sách)...

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ du lịch tăng cao do số ngày nghỉ kéo dài có thể tác động làm tăng giá nhóm hàng đi lại, vận tải hành khách, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ vui chơi giải trí, trông giữ xe ô tô, xe máy... Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng một số hàng may mặc, mũ nón, giày dép và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè của người dân cũng tăng trong thời gian này.

Ngoài ra, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa được khống chế hoàn toàn và vẫn diễn ra trên diện rộng khiến người chăn nuôi chưa dám tái đàn mạnh, tác động đến nguồn cung thực phẩm trong nước.

Ở chiều tác động ngược, Cục Quản lý giá cho rằng, tình hình cung cầu hàng hoá cơ bản được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Đây được xem là yếu tố cơ bản giảm áp lực tăng giá.

Cùng với một số chương trình khuyến mãi, giảm giá trong đợt lễ 30/4, 1/5, “một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng được dự báo có xu hướng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ như thóc gạo, đường, xi măng, thép, phân bón...”, cơ quan này cho hay.

Trong khi đó, tác động từ điều chỉnh chính sách tại Nghị quyết 11 cũng tiếp tục vào thị trường, biểu hiện rõ nét qua tỷ giá USD/VND khá ổn định và đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

Đánh giá tình hình cung cầu và giá cả từng mặt hàng thiết yếu, Cục Quản lý giá dự báo, giá gạo thế giới và trong nước tháng 5/2011 sẽ ổn định do dự trữ gạo của Ấn Độ và Trung Quốc rất cao; Philippines, Indonesia, Bangladesh đã nhập khẩu gần đủ lượng dự trữ, trong khi nguồn cung gạo từ Thái Lan và Việt Nam khá lớn.

Ngược lại, giá các mặt hàng thịt, cá trong tháng 5/2011 có thể tiếp tục đứng ở mức cao do tốc độ tái đàn còn chậm, chi phí đầu vào tăng, yếu tố tâm lý bị tác động bởi giá điện, giá xăng dầu tăng và tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra trên diện rộng. “Có hiện tượng hút hàng sang Trung Quốc làm cho nguồn cung giảm”, Cục Quản lý giá lưu ý thêm. Riêng các loại rau củ quả cơ quan này dự báo giá cả có thể sẽ ổn định.

Với mặt hàng đường, khả năng giá giảm cũng được Cục Quản lý giá tính đến. Cơ sở cho dự báo này là sản lượng vụ ép năm nay có thể đạt 12,2 triệu tấn mía, tương đương với khoảng 1,146 triệu tấn đường sản xuất, cao hơn vụ trước 200 nghìn tấn.

“Cộng thêm lượng đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam tràn sang và lượng đường nhập khẩu về cho các nhu cầu không phải thương mại, đang tạo sức ép đẩy giá đường trong nước tiếp tục giảm xuống”, cơ quan này cho hay.

Đáng chú ý, giá xi măng và thép tháng 5 được dự báo sẽ ổn định so với tháng 4/2011 hoặc có thể giảm nhẹ. Sau khi tăng giá mạnh vào đầu tháng 4/2011 do tác động tăng từ một số chi phí đầu vào sản xuất xi măng, sang tháng này, cầu giảm có thể gây sức ép ổn định giá mặt hàng này.

Trong khi đó, giá phôi thép thế giới cũng đang ổn định, giá thép thành phẩm trong nước tháng 5/2011 có thể chững lại hoặc giảm nhẹ do nhu cầu thép giảm khi Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ được thực thi, khiến nhiều công trình xây dựng bị cắt giảm, Cục Quản lý giá nhìn nhận.

Với mặt hàng đang được quan tâm nhiều thời gian gần đây, xăng dầu, báo cáo dẫn nguồn phân tích của hãng thông tấn Reuters cho rằng, giá xăng dầu thế giới chưa thể giảm so với hiện tại và có thể sẽ tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng.

Cùng quan điểm nhận định, xu hướng giá khí hóa lỏng LPG cũng được dự báo có thể tăng nhẹ trong tháng này do chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, thiên tai…, trước khi có thể giảm trong các tháng hè tiếp theo.

Do giá một số loại thuốc nhập khẩu đã tăng từ 4-7% nhưng Bộ Y tế chỉ đạo và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc thực hiện lộ trình điều chỉnh tăng giá dần dần, Cục Quản lý giá cho rằng thị trường dược sẽ tương đối ổn định, giá còn ở mức cao với một số ít loại thuốc có thể tăng trong biên độ hẹp.

Diệu Hương

TBKTVN


09/05 Tăng trưởng Việt Nam cần động lực mới nào?

Thứ Hai, 09/05/2011 | 08:50

Phản hồi: 0 | A


Sau phiên họp bàn về những động lực mới cho tăng trưởng của khu vực châu Á thập kỷ tới, trong khuôn khổ hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 tại Hà Nội tuần qua, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với một số diễn giả bên lề hội nghị.

Nếu không có tư nhân thì khó thành công

Một trong những thông điệp chính mà ADB đem đến hội nghị lần này là nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực châu Á rất lớn, đồng nghĩa với cần đến nguồn vốn khổng lồ. Theo chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda, từ nay đến 2020, châu Á – Thái Bình Dương cần khoản đầu tư khoảng 750 tỉ USD mỗi năm cho đầu tư cơ sở hạ tầng, cả phần cứng và phần mềm, tương đương tổng số vốn cần ở mức 8.000 tỉ USD.

Phát triển cơ sở hạ tầng rõ ràng là một trong những động lực phát triển cốt yếu của khu vực, nhưng chủ tịch ADB cũng khẳng định, “Chính phủ không thể làm một mình trong việc phát triển này”.

Với tư cách giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Anoop Singh cho rằng, thách thức lớn của khu vực chính là tìm nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng. Các nước cần huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, để chung tay với Chính phủ. Nếu không làm được điều đó thì sẽ khó thành công.

Với Việt Nam, ông Changyoung Rhee, chuyên gia kinh tế trưởng, ban Nghiên cứu và kinh tế của ADB nói, thời điểm này Việt Nam cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng vật chất (hạ tầng cứng), được coi là động cơ chính cho tăng trưởng của các nước trong thập kỷ qua.

Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp nhưng vẫn chưa định dạng được phát triển cơ sở hạ tầng. Việc Chính phủ chỉ chọn một ngành công nghiệp và đầu tư trong thời gian dài có thể là sai lầm.

Theo ông Rhee, Việt Nam phải chú ý đến chất lượng cơ sở hạ tầng, đến chất lượng đầu tư ở lĩnh vực này. Muốn vậy, chính phủ cần thu hút được nguồn vốn của tư nhân tham gia cùng, hay còn gọi là mô hình hợp tác công tư (PPP). Đó có thể coi là một thách thức của Việt Nam.

Góp ý về vấn đề này, bà Tao Wang, chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư UBS AG nói, kinh nghiệm của Trung Quốc là chính phủ cần phải thúc đẩy mối hợp tác công tư trước, sau đó khu vực tư nhân nhận dạng và tham gia.

Trước đó, khi tham dự hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam (sự kiện mở đầu hội nghị thường niên ADB hôm 3.5), phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng công bố số vốn Việt Nam cần cho đầu tư cho phát triển giai đoạn 2011 – 2015 là khoảng 300 tỉ USD.

Quản trị cũng là một “nút thắt”

Nếu như chuyên gia kinh tế của ADB muốn Việt Nam chú trọng đến cơ sở hạ tầng phần cứng (đường sá, cầu, cảng…), thì đại diện của ngân hàng Standard Chartered lại nhấn mạnh đến cơ sở hạ tầng mềm.

Ông Gerard Lyons, chuyên gia kinh tế trưởng, kiêm trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Standard Chartered đặc biệt lưu ý đến vấn đề kỹ năng của lao động Việt Nam và “sự quản trị đúng đắn” của Chính phủ. Ông Lyons cho rằng, thế giới biết đến Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ, chăm chỉ nhưng vẫn là lao động có chi phí thấp, thiếu kỹ năng. Nếu nhìn vào nước láng giềng Trung Quốc, có thể thấy nước này đang hấp thu đầu tư của các công ty quốc tế bằng lao động có kỹ năng. Vì vậy, Việt Nam cần phải chú tâm vào cạnh tranh về mặt này.

Trả lời câu hỏi của Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội nghị, ông Lyons nói, bài học cho Việt Nam là cần học cách lên chính sách của mình phù hợp với nhu cầu trong nước, và tránh chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Theo ông, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rủi ro “thụt lùi” trong tăng trưởng, và chính sách cần được thắt chặt để kiểm soát tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát được lạm phát. Điều này có nghĩa là cần có lãi suất cao hơn, cắt giảm tăng trưởng tín dụng, các biện pháp vĩ mô khôn ngoan để kiểm soát lĩnh vực tài sản (property sector).

Đồng tình với ý kiến này, GS Kenichi Ohno, chuyên gia kinh tế của Nhật Bản, người có hơn mười năm nghiên cứu về Việt Nam cảnh báo, Việt Nam cần chú ý đến dòng vốn lớn từ bên ngoài đổ vào. Với nền kinh tế nhỏ, dòng vốn ODA, FDI, kiều hối… lớn đổ vào rất dễ tạo nên sự bùng nổ về thị trường bất động sản, chứng khoán… Do đó, Chính phủ cần có các biện pháp trung hạn kiểm soát dòng vốn cho “tương xứng”.

Cụm từ “chất lượng quản trị” cũng đã được chủ tịch ADB lưu ý trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thường niên ADB hôm 5.5, khi nói đến khả năng giải quyết các thách thức của châu Á. Theo ông Kuroda, nhiều nước đang phát triển trong khu vực châu Á vẫn bị xếp thứ hạng thấp trong quản trị, và điều này cần phải cải thiện để thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng của khu vực. Chủ tịch ADB cũng đề cập đến thay đổi định hướng xuất khẩu là một động lực mới cho tăng trưởng của châu Á.

Và ông Lyons đã phân tích khá thú vị với trường hợp của Việt Nam. Thời điểm này, với đặc trưng là nền kinh tế ở giai đoạn đầu của phát triển so với các nước khác ở Đông Á, Việt Nam vẫn hưởng lợi từ định hướng xuất khẩu với lao động chi phí thấp.

Tuy nhiên, theo ông, về dài hạn, nếu Việt Nam chỉ dựa vào xuất khẩu làm động lực tăng trưởng thì độ mở của nền kinh tế sẽ khiến Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương hơn, trước các cú sốc bên ngoài và phải phải trải qua tăng trưởng không ổn định.

Điều này có nghĩa là, Việt Nam, cũng như các nước châu Á khác, cần nhận thức rằng “một cỡ thì không vừa cho tất cả”. Tăng trưởng không chỉ dựa vào xuất khẩu, mà phải có sự cân bằng với nhu cầu trong nước. Điều đó sẽ giúp châu Á phát triển bền vững hơn.

Việt Anh

SÀI GÒN TIẾP THỊ

09/05 Đất nền Đà Nẵng sốt giá

Thứ Hai, 09/05/2011 | 08:36

Phản hồi: 0 | A


Một khu dân cư mới ở Đà Nẵng đang trong quá trình xây dựng

Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) nói chung đang trầm lắng thì từ đầu năm đến nay, giá đất nền ở Đà Nẵng liên tục tăng. Nhiều khu dân cư ven biển tăng giá chóng mặt, người mua đông, người bán lại ít.

Dời cả nhà máy để làm khu dân cư

Khu dân cư Liên Chiểu nằm phía nam đường Hoàng Văn Thái (thuộc phường Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) do Công ty CP dây cáp điện Tân Cường Thành đầu tư. Giai đoạn 1, theo thiết kế có khoảng 400 lô cho hai loại đường 7,5m và 10,5m. Và dù chỉ mới san nền, làm đường cấp phối, bó vỉa hè, điện - nước chưa có nhưng đại diện chủ đầu tư cho biết đã bán gần hết với giá 9 triệu đồng/m2. Mức giá này được xem là không cao so với nhiều khu vực khác ở Đà Nẵng, nhưng điều đáng lưu ý khu vực này lâu nay được xem là vùng ven của Đà Nẵng. Thấy nhu cầu mua đất nền quá lớn, công ty này cũng xin phép được tháo dỡ nhà máy đang hoạt động để làm tiếp khu dân cư giai đoạn 2, nhà máy thì dời đi nơi khác.

Hay như dự án Golden Hills nằm ở xã Hòa Liên (H.Hòa Vang) và Hòa Hiệp Nam (Q.Liên Chiểu) rộng khoảng 400 ha. Khu vực này được ví như vùng sâu vùng xa của Đà Nẵng cũng bắt đầu sôi động, kẻ bán người mua tấp nập kể từ khi chủ đầu tư làm lễ khởi công. Những dự án ở khá xa này có mức giá từ 5,5 - 6 triệu đồng/m2 được xem là hợp với túi tiền của đa số nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia BĐS, giá đất ở khu vực tây - bắc TP Đà Nẵng, trong đó có các khu dân cư ở Q.Liên Chiểu hiện đã tăng 40% so với những tháng cuối năm 2010.

Từ quý 3/2010, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đột biến của nguồn cung mới đất nền và BĐS Đà Nẵng đang thật sự chuyển hướng sang mảng thị trường này

Ông Nguyễn Đắc Trung - Trưởng phòng Nghiên cứu của CBRE

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư dự án bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng (vốn đầu tư dự án Golden Hills là 1,67 tỉ USD; khu dân cư Tân Hải Doanh là 1.600 tỉ đồng...) để đầu tư khu dân cư mới. Hầu hết những dự án này nhằm đón đầu dự án khu công nghệ thông tin ở đây sắp khởi động.

Giá tăng chóng mặt

Theo các chuyên gia của Công ty TNHH CB Richard Eliss Việt Nam (CBRE), từ những tháng cuối năm 2010, thị trường đất nền ở Đà Nẵng đã bắt đầu khởi sắc. Giá đất ở các khu vực từ trung tâm cho đến vùng ven biển đều tăng chóng mặt. Các lô đất nền ven biển đường Hoàng Sa, Trường Sa thu hút rất đông nhà đầu tư đến từ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên.

Một người môi giới ở phường Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn cho biết, năm 2006, đất mặt tiền đường Trường Sa (trước là đường Sơn Trà - Điện Ngọc) giá 7 triệu đồng/m2, nay đã là 60 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất ở khu tái định cư phía đông Xưởng 38 và Xưởng 387 đang được san nền cũng có giá tròn trèm 25 - 30 triệu đồng/m2. Các khu dân cư đã hoàn thành hạ tầng như khu nam cầu Tuyên Sơn, khu nam cầu Trần Thị Lý, các khu dân cư An Thượng, khu Phú Mỹ An... giá đất cũng tăng 20 - 30% so với năm 2010. Theo CBRE, trong quý 1/2011 đã có 3.218 lô đất nền ở Đà Nẵng được chào bán trên thị trường, tăng 24% so với tổng số lượng đất nền được bán trong cả năm 2010. "Đã có sự chuyển hướng khi các nhà đầu tư chuyển sang mua các lô đất nền để tìm kiếm khoản lợi nhuận nhanh hơn. Đất nền dễ mua với mức giá hợp lý và mang đến cơ hội cho lượng lớn người mua" - ông David Scribner II - Trưởng chi nhánh CBRE tại Đà Nẵng nói.

Theo các chuyên gia của CBRE, có 80% người mua đất nền ở Đà Nẵng đến từ Hà Nội. Anh D., một người môi giới đất ở Q.Ngũ Hành Sơn cho biết các nhà đầu tư Hà Nội mua bán nhanh, sòng phẳng và họ rất thích khu vực ven biển. Rồi anh kể tiếp, dịp lễ 30.4 - 1.5 là thời điểm mà người Hà Nội đổ xô vào Đà Nẵng nghỉ ngơi, tắm biển, du lịch... đồng thời tìm mua đất. Nhiều người mua xong, để đó chờ cơ hội bán lại kiếm lời chứ không làm nhà, nên rất dễ nhận ra là hàng loạt khu dân cư thưa thớt người ở, dù đã có người sở hữu từ lâu.

Hữu Trà

THANH NIÊN

09/05 Thuốc đặc trị nào cho 'căn bệnh' nhập siêu?

Thứ Hai, 09/05/2011 | 06:17

Phản hồi: 4 | A


Số liệu chính thức cho thấy nhập siêu bốn tháng đầu năm 2011 đã đạt mức 4,89 tỉ USD, chiếm 18,2% kim ngạch xuất khẩu. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc đã tới gần 4 tỉ USD. Những biện pháp từ kỹ thuật tới kinh tế và hành chính đều chưa đạt hiệu quả hạn chế nhập siêu như mong muốn.

Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành danh sách 100 mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu. Đây là một nỗ lực tiếp theo của các cơ quan quản lý sau các biện pháp như: tăng thuế, giấy phép, tỷ giá và cả hành chính nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế nhập siêu trong năm 2011.

Nhập siêu cao càng làm cho bức tranh kinh tế còn nhiều thách thức có thêm những lý do để lo ngại. Tuy nhiên, dù áp dụng rất nhiều biện pháp và nhiều bộ ngành cùng vào cuộc nhưng nhập siêu trong 4 tháng đầu năm 2011 vẫn không giảm mà lại có dấu hiệu tăng. Số liệu chính thức từ Bộ Công thương cho thấy nhập siêu bốn tháng đầu năm 2011 đã đạt mức 4,89 tỉ USD, chiếm 18,2% kim ngạch xuất khẩu. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc đã tới gần 4 tỉ USD.

Các sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất là máy móc thiết bị (4,68 tỉ USD), xăng dầu (3,58 tỉ USD), vải (2,1 tỉ USD), sắt thép (1,95 tỉ USD); còn xuất khẩu nhiều nhất gồm dệt may (3,9 tỉ USD), dầu thô (2,4 tỉ USD)...

Đặc biệt, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu gồm ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc cũng có lượng nhập khẩu tăng tới 71,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam lên tới 14.330 chiếc với tổng trị giá 185 triệu USD.

Nhìn lại những năm gần đây, chống nhập siêu tuy luôn là một nhiệm vụ quan trọng nhưng chưa bao giờ là một thành công xuất sắc, thậm chí nó luôn là nỗi đau đầu với cả nền kinh tế. Chính vì thế, các chuyên gia và cả nhà quản lý đều thừa nhận chống nhập siêu cần nhưng không hề dễ.

Điểm lại các biện pháp chống nhập siêu hiện nay từ kỹ thuật như giấy phép, tiêu chuẩn kỹ thuật cho đến kinh tế như tăng tỷ giá, tăng thuế đều chưa mang lại kết quả mong muốn. Thậm chí dù phải áp dụng cả các biện pháp hành chính như hạn chế, cấm nhập, gia tăng các thủ tục... nhưng cuối cùng lượng hàng nhập vẫn tăng ầm ầm.

Trong khi đó, nhìn vào thống kê nhập khẩu và lý giải từ cơ quan chức năng thì nhập khẩu Việt Nam khó giảm ngay vì chủ yếu là nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên liệu trong nước chưa có.

Chính vì thế, không phải không có lý do khi một số chuyên gia cho rằng các biện pháp chống nhập siêu hiện nay chỉ có tác dụng rất hạn chế trong một số nhóm hàng chiếm cơ cấu nhập khẩu không quá lớn. Hay nói đúng hơn là chống nhập siêu chưa đúng hướng khi chúng ta chưa làm chủ được phần cơ bản nhất của nhập khẩu là nguyên liệu và máy móc. Thậm chí, ngay trong danh sách 100 mặt hàng hạn chế nhập khẩu có rất nhiều sản phẩm thuộc nhóm nông nghiệp, thực phẩm và hàng tiêu dùng... vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Điều này một lần nữa cho thấy, chống nhập siêu không thể trông chờ mãi vào những biện pháp ngắn và có tác động hạn chế như trên trong khi nội lực chưa đủ mạnh còn nhu cầu thì mỗi ngày một tăng lên.

Để chống nhập khẩu thì bên cạnh việc tìm cách hạn chế như hiện nay, các chuyên gia cảnh báo không thể quên việc gia tăng xuất khẩu và đi cùng đó là tăng cường năng lực sản xuất để thay thế nhập khẩu trong nước.

Biện pháp hạn chế đã nhiều mà chưa hiệu quả, xuất khẩu thì tăng trưởng ngày càng khó hơn thì "địa dư" còn lại là sản xuất để đáp ứng và thay thế nhu cầu trong nước còn rộng nhưng lại tiến chưa nhanh như mong đợi.

Câu chuyện muôn thuở và dễ nhìn thấy là xuất khẩu dệt may nhưng nhập khẩu nguyên liệu lớn, xuất khẩu thô và nhập xăng dầu, bán nông sản thô nhập khẩu về hàng chế biến và đồ tiêu dùng xa xỉ... Trong khi đó, một trong những định hướng lớn nhất để giảm nhập khẩu nguyên nhiên liệu và máy móc - phần lớn nhất của nhập khẩu là phát triển công nghiệp phụ trợ xem ra vẫn còn chậm chạp. Bên cạnh đó, việc gia tăng giá trị từ những mặt hàng thế mạnh như gạo, cà phê, hạt điều, cao su... vẫn còn ì ạch. Và như thế thì dù tăng có tăng xuất bao nhiều cũng khó mà bù nhập khẩu.

Nhập siêu là hạn chế cố hữu của nền kinh tế và vì thế không thể hy vọng một vài biện pháp hạn chế để có thể đạt được mục tiêu. Một khi nội lực chưa mạnh thì khó có thể năng được sự xâm lấn của hàng hóa từ bên ngoài. Những biện pháp hạn chế xem ra khó có thể trông chờ dài lâu trong hoàn cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng. Điều quan trọng là có những biện pháp dài hơi để giải quyết những căn nguyên của "căn bệnh" nhập siêu này.

Lê Khắc

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

09/05 TPHCM kiến nghị hỗ trợ vận động vốn ODA

Thứ Hai, 09/05/2011 | 01:55

Phản hồi: 0 | A


UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư sớm xem xét trình Thủ tướng Chính phủ đưa dự án vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - giai đoạn 2 vào danh mục yêu cầu tài trợ ODA của Ngân hàng Thế giới

(NLĐ)- Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án ODA trên địa bàn, UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư sớm xem xét trình Thủ tướng Chính phủ đưa dự án vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - giai đoạn 2 vào danh mục yêu cầu tài trợ ODA của Ngân hàng Thế giới; tiếp tục hỗ trợ TP trong việc vận động nguồn ODA tài trợ ưu tiên cho các dự án thuộc các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và cải thiện môi trường, đặc biệt là các dự án metro, dự án đầu tư xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành và bổ sung vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)…

L.Trang

NGƯỜI LAO ĐỘNG

08/05 Doanh nghiệp vẫn đầu tư, mở thị trường

Chủ Nhật, 08/05/2011 | 23:00

Phản hồi: 0 | A


Một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư hoặc tổ chức lại sản xuất kinh doanh để mở thị trường, đạt hiệu quả lợi nhuận.

Chưa hết khó khăn về vốn khi lãi suất ngân hàng còn cao, giá cả nguyên liệu, nhiên liệu chưa có dấu hiệu ổn định, doanh nghiệp (DN) vẫn xoay xở tìm lối ra.

Mở thị trường trong nước và xuất khẩu

Qua quý đầu năm không mấy thuận lợi, đến tháng 4 – đầu quý II, một số DN đã có tin vui. Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn vừa xuất khẩu 3 container giấy tissue đầu tiên sang Nhật, tháng 5 xuất tiếp 10 container nữa, tổng trị giá 120.000 USD. Từ tháng 6-2011, trung bình mỗi tháng, Giấy Sài Gòn sẽ xuất 15 - 20 container sang Nhật. Công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia và từ tháng 6, tăng xuất khẩu sang thị trường Canada, Mỹ lên 4 - 5 container/tháng.

Trong lúc khó khăn, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ bột mì (Vikybomi) vẫn chấp nhận bỏ chi phí khá cao đi hội chợ ở Anh và Hàn Quốc để tìm kiếm khách hàng nước ngoài. May mắn, một khách hàng ở Anh đã “kết” sản phẩm và cuối tháng 4 vừa qua, công ty đã xuất 8 tấn bột trộn sẵn Mikko sang Anh. Vikybomi còn tích cực mở thị trường trong nước đến tận các vùng sâu, vùng xa, với việc tham gia 10 phiên chợ bán hàng nông thôn từ nay đến tháng 9 tới.

Công ty Cổ phần Sài Gòn Food năm nay đổi hướng sang sản xuất thực phẩm chế biến dùng hằng ngày và làm sản phẩm có thể bảo quản nhiệt độ thường để thay thế dòng sản phẩm chủ lực là lẩu bị sụt giảm do người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm. Kết quả, thị trường nội địa vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng khá, chiếm 50% trong tổng doanh thu công ty.

Đầu tư cho tương lai

Trong khi một số DN đành phải dừng dự án đầu tư vì thiếu vốn do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới thì Giấy Sài Gòn đã gắng gượng tiếp tục đầu tư lại Nhà máy Mỹ Xuân 2. Mới đây, công ty đã ký kết hợp tác - đầu tư chiến lược với Công ty Daio Paper Corporation và Quỹ Đầu tư BridgeHead – trực thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản. Hai nhà đầu tư này sẽ nắm giữ trên 38% cổ phần Giấy Sài Gòn.

Đây có thể coi là thương vụ đầu tư chiến lược có chiều sâu nhất trong ngành giấy Việt Nam bởi không chỉ về vốn, các đối tác Nhật Bản sẽ chia sẻ với Giấy Sài Gòn toàn diện về quản lý kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực để thực hiện mục tiêu chiếm 40% thị phần giấy tissue và 15% thị phần giấy bao bì tại thị trường Việt Nam, chưa kể sẽ tăng xuất khẩu sang Nhật.

Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Cổ phần Hà Mỵ đã khánh thành nhà máy chế biến hạt điều tại cụm công nghiệp Hamyco. Nhà máy được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, công suất 50.000 tấn/năm theo quy trình khép kín từ khâu sơ chế đến thành phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP, tổng kinh phí xây dựng hơn 100 tỉ đồng. Nhà máy được xem là mô hình mẫu của tỉnh Bình Phước về chế biến hạt điều bán thành phẩm và thành phẩm chất lượng cao để Bình Phước nhân rộng ra nhiều DN chế biến, xuất khẩu nông sản khác.

Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafé) đã sắp xếp lại các dự án đầu tư theo hướng tập trung xây dựng các nhà máy chế biến cà phê nhân chất lượng cao; xây dựng các nhà máy cà phê rang xay ở các vùng có thương hiệu nổi tiếng như Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Pleiku, Ðà Lạt... Ngoài ra, Vinacafé đang xây dựng 4 trung tâm thương mại dịch vụ tại Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Khánh Hòa, song song đầu tư phát triển 3.000 ha cà phê, chè tại Lào. Giảm đầu tư nhưng trong mỗi dự án trên, Vinacafé đều gắn đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cả ở thị trường trong và ngoài nước.

Nguyễn Vân

NGƯỜI LAO ĐỘNG

08/05 EVN chuẩn bị các bước cho phát điện cạnh tranh

Chủ Nhật, 08/05/2011 | 17:08

Phản hồi: 0 | A


Từ sau ngày 15/5, Bộ Công thương ban hành quy định về thị trường điện cạnh tranh Từ 1/7 tới, sẽ thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh. Thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc chuẩn bị rất lớn. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gấp rút chuẩn bị các bước cho việc phát điện cạnh tranh.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang chuẩn bị 3 công việc chính gồm: hoàn chỉnh các dự thảo quy định để trình Cục Điều tiết thẩm tra và ban hành; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho thị trường điện và đào tạo nhân lực cho vận hành thị trường điện cạnh tranh. Về hạ tầng công nghệ thông tin, trong Quyết định của Thủ tướng cho phép EVN lắp đặt các thiết bị đo đếm cũng như các đường truyền số liệu từ các nhà máy, kể cả các nhà máy ngoài EVN.

Đầu tháng 5, EVN tiến hành khảo sát các nhà máy, phấn đấu lắp đặt xong công tơ đo đếm và đường truyền trước ngày 1/6. Trong tháng 6 sẽ vận hành thử trong nội bộ EVN. Từ sau ngày 15/5, Bộ Công thương ban hành quy định về thị trường điện cạnh tranh, EVN phối hợp với Cục Điều tiết điện lực tổ chức lớp đào tạo nhân lực để có thể vận hành thị trường điện cạnh tranh bắt đầu từ tháng 7./.

Minh Hà

VOV

08/05 Chung cư tư nhân: Lửng lơ giữa “chợ”

Chủ Nhật, 08/05/2011 | 16:02

Phản hồi: 0 | A


Hầu hết chung cư tư nhân hiện nay đều núp dưới mác nhà ở riêng lẻ để xây dựng và giao dịch.

Những tưởng sau khi được “luật hóa”, chung cư tư nhân sẽ đi vào quy củ và trở thành hình thức phát triển nhà có tính pháp lý đáng tin cậy. Nhưng không, việc mua bán căn hộ vi phạm quy định pháp luật vẫn diễn ra phổ biến. Ngạc nhiên hơn nữa, nó đang được cả bên bán lẫn bên mua chấp nhận một cách thản nhiên.

Rộn ràng mua bán

Mới xuất hiện được 2-3 năm trở lại đây tại Hà Nội, song chung cư tư nhân đã và đang phát triển khá rầm rộ, nhất là sau khi được pháp luật chính thức công nhận tại Nghị định 71/NĐ-CP ban hành giữa năm 2010. Từ các quận nội thành như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy..., chung cư tư nhân giờ mọc lên cả ở các huyện như Từ Liêm hay Gia Lâm. Đặc điểm chung của loại hình nhà ở này là “chui sâu” vào các ngõ ngách hoặc khu vực dân cư đông đúc, tọa lạc trên những mảnh đất nhỏ lẻ nhằm hạ tối đa giá thành xây dựng. Gần đây, do nhu cầu tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư (vì không kịp thời gian xây dựng mới) đã chuyển sang chọn mua các tòa nhà dân hiện có trong ngõ ngách, rồi gấp gáp cải tạo lại nội thất thành các căn hộ nhỏ riêng biệt để bán kiếm lời.

Trước hiện tượng này, các cơ quan chức năng cũng chỉ… thở dài, bởi nhà sau khi cải tạo thì bán hay ở là quyền của chủ công trình, Nhà nước không thể “đòi” quản được. Giấy phép xây dựng cũng chỉ ghi loại công trình là nhà ở riêng lẻ, không có dòng nào buộc ghi mục đích là để bán, ở hay tặng, cho... Đáng chú ý, nhiều chung cư tư nhân còn có hiện tượng xây sai phép, hoặc tự cải tạo nâng thêm tầng mà không xin phép. Điều này chủ nhà cũng không giấu mà nói rõ trong thỏa thuận mua bán với khách hàng. Căn hộ nằm trong phạm vi giấy phép xây dựng thường có giá cao hơn căn hộ ở tầng vượt phép hàng trăm triệu đồng. Căn giá rẻ chỉ có giấy tờ viết tay, không được công chứng. Song bởi giá rẻ, nhiều người mua vẫn nhắm mắt cho qua, chấp nhận mua không giấy tờ. Họ chỉ nghĩ đơn giản “nhà tôi trả tiền mua thì tôi ở, ai dám đuổi tôi ra”! Chị Lê Thị Hạnh, chủ nhân một căn hộ tư nhân ở quận Cầu Giấy tâm sự: “Biết là giấy tờ lởm khởm nhưng với gần 700 triệu đồng mà có căn hộ hơn 30 m2, đủ cả điều hòa và bếp, vào ở được ngay thì cũng đành”.

Gần như phạm luật 100%

Từ đầu năm 2011 trở lại đây, trong khi các loại bất động sản khác chững lại, giá chung cư tư nhân vẫn nhích nhẹ. Tùy theo vị trí, diện tích, giấy tờ pháp lý, giá chung cư tư nhân tại các quận nội thành phổ biến từ 22 triệu đồng đến trên 30 triệu đồng/m2. Giá tăng, nhưng các giao dịch mua bán nhà chung cư loại này không giảm. Ghi nhận tại các điểm nóng về chung cư tư nhân như quận Đống Đa, Thanh Xuân cho thấy, dù giá tăng, tỷ lệ giao dịch thành công khá cao. Lý do đơn giản bởi căn hộ chung cư tư nhân thường có diện tích rất nhỏ, chỉ hơn 30 m2, nên dẫu có giá gần 30 triệu đồng/m2 thì những căn hộ chung cư tư nhân cũng chỉ suýt soát 1 tỷ đồng, một mức giá rất hấp dẫn với phần đông người có thu nhập trung bình ở thành thị.

Việc mua bán căn hộ vi phạm quy định pháp luật vẫn diễn ra phổ biến, được cả bên bán lẫn bên mua chấp nhận một cách thản nhiên!

Hiện nay, các “dự án” chung cư tư nhân cũng nhanh chóng “rập khuôn” các dự án bất động sản chính quy ở “chiêu” huy động vốn bằng hình thức bán nhà trên giấy. Thay vì xây dựng xong mới mua đứt bán đoạn, giờ chung cư tư nhân cũng đóng tiền theo tiến độ, từ khi mới bắt đầu động thổ. Trong khi đó, theo các quy định tại Nghị định 71/NĐ-CP, hộ gia đình cá nhân chỉ được mua bán, cho thuê căn hộ sau khi đã có Giấy chứng nhận quyền sở hữu (GCN) với căn hộ đó. Khi bán căn hộ, phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người mua theo hình thức đất sử dụng chung. Chiểu theo quy định trên, gần như 100% giao dịch mua bán căn hộ chung cư tư nhân hiện nay là phạm luật, bởi tất cả mới chỉ có GCN chung cho cả tòa nhà, chưa có căn hộ riêng lẻ nào được cấp GCN! Ấy là mới xét ở góc độ chuyển nhượng, mua bán, chưa tính tới việc các công trình xây dựng chung cư tư nhân có giấy phép xây dựng hay chưa, ngay cả khi có phép thì có xây sai phép, tự ý “chồng” thêm tầng hay không...

Công chứng cũng làm liều

Văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 71/NĐ-CP nêu rõ, chung cư tư nhân được cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (đối với từng căn hộ riêng biệt trong tòa nhà). Khi đề nghị cấp GCN, ngoài các giấy tờ chứng minh việc tạo lập nhà ở hợp pháp, phải có bản sao Giấy phép xây dựng (kèm theo các bản vẽ của từng tầng, từng căn hộ) và bản sao GCN đảm bảo an toàn chịu lực. Sau khi thực hiện bán căn hộ và làm thủ tục cấp GCN cho người mua thì quyền sử dụng đất (kể cả khuôn viên) của toàn bộ công trình nhà ở thuộc quyền sử dụng chung của các chủ sở hữu căn hộ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, hợp đồng mua bán, cho thuê căn hộ phải ghi rõ các nội dung về diện tích thuộc sở hữu riêng - chung, diện tích sử dụng đất của tòa nhà, diện tích căn hộ... Ngoài ra, việc bán, cho thuê các căn hộ chung cư tư nhân không bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch bất động sản, nhưng hợp đồng mua bán căn hộ phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền mới có giá trị pháp lý.

Trên thực tế, trong đa số các cuộc chuyển nhượng căn hộ chung cư tư nhân, thay vì làm hợp đồng, người ta lại chỉ ký với nhau cái gọi là “văn bản thỏa thuận mua bán căn hộ”. Thỏa thuận này được công chứng chứng nhận, nhưng nhiều trường hợp chỉ soạn thành 3 bản. Người mua, người bán và cơ quan công chứng, mỗi bên giữ một bản. Như vậy, có thể hiểu, việc công chứng chẳng qua “giúp” tăng độ tin cậy giữa bên bán và bên mua, tạo ra “ảo giác” chặt chẽ về mặt pháp lý, chứ không hề phục vụ cho việc cấp GCN sau này. Bởi nếu muốn cấp GCN, số bản công chứng phải là 5 bản. Ngoài 3 bản do mỗi bên giữ 1 bản, còn phải có 1 bản nộp cho cơ quan thuế và 1 bản nộp cho cơ quan cấp GCN mới có cơ sở xem xét cấp GCN. Vấn đề là ở chỗ không có chủ chung cư tư nhân nào lại dại dột nộp hồ sơ xin cấp GCN cho từng căn hộ chung cư tư nhân, bởi nếu trình hồ sơ xin cấp GCN cho từng hộ thì chủ nhà chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Khi xét duyệt hồ sơ, cơ quan chức năng sẽ phải kiểm tra thực địa và chủ “dự án” chắc chắn sẽ bại lộ việc xây dựng sai phép, thậm chí cải tạo, nâng thêm tầng mà không xin phép...

Bình luận về kiểu công chứng “làm vì” kể trên, ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú cho rằng, đây thực chất là hình thức lách luật. Ông cho biết: “Công chứng viên làm như thế là quá liều. Giao dịch nhà đất bắt buộc phải công chứng hợp đồng chứ không thể là dạng “văn bản thỏa thuận” mù mờ như thế. Dạng thỏa thuận này chỉ có thể dùng để làm tin giữa các bên còn không có hiệu lực nếu nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước để xét cấp GCN”.

Phương Mai

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

08/05 Đập thủy điện trên sông Mêkông: Nguy cơ đối với thủy sản biển ĐBSCL

Chủ Nhật, 08/05/2011 | 10:28

Phản hồi: 0 | A

Đập thủy điện trên sông Mêkông:

Nguy cơ đối với thủy sản biển ĐBSCL

Các đập thủy điện trên sông Mêkông không chỉ gây tác động đối với thủy sản nội địa mà còn ảnh hưởng đến vùng ven biển ĐBSCL, làm giảm năng suất thủy sản biển và tạo ra những ảnh hưởng dây chuyền về kinh tế xã hội. Vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc.

Trong các vùng biển của cả nước, ngư trường thuộc ĐBSCL có sản lượng cao nhất, giàu có nhất, dù chiều dài bờ biển chỉ khoảng 736 ki lô mét, chưa tới một phần tư tổng chiều dài bờ biển cả nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng đánh bắt thủy sản biển của vùng ĐBSCL năm 2009 là 606.500 tấn, gần bằng tổng của ba vùng Đông Nam bộ, Trung và Bắc Trung bộ, và đồng bằng sông Hồng cộng lại, và gấp gần 8 lần sản lượng thủy sản biển của vùng đồng bằng sông Hồng (77.900 tấn). Theo thống kê năm 2008, toàn bộ khu vực ĐBSCL có 25.000 tàu thuyền đánh bắt cá, trong đó có khoảng 6.000 tàu đánh bắt xa bờ. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL liên tục tăng từ 1,2 tỉ đô la Mỹ năm 2003 lên 4,2 tỉ đô la năm 2009. Hiện nay, thủy sản của ĐBSCL đã có mặt trên 130 quốc gia trên thế giới.

Ngành đánh bắt thủy sản biển còn tạo ra một số ngành công nghiệp và dịch vụ “ăn theo” khác như chế biến, vận chuyển, thương mại, và cung cấp nguyên liệu chế biến thức ăn cho ngành nuôi thủy sản. Hệ thống cảng cá ở Kiên Giang có quy mô lớn nhất nước. Sự trù phú về hải sản của ĐBSCL chính là nhờ vào nguồn dinh dưỡng của sông Mêkông tải ra hàng năm.

“Bộ lông cánh” của lưu vực sông Mêkông

Xét về mặt sinh thái, lưu vực sông Mêkông không phải kết thúc ở cửa sông. Khi dòng sông đổ ra biển, một vùng nước đặc thù được tạo ra, gọi là vùng “plume”, tạm dịch là “bộ lông cánh” của lưu vực sông Mêkông mở rộng ra biển. Năng suất thủy sản trong vùng “bộ lông cánh” này phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng do sông Mêkông tải ra hàng năm với một lưu lượng nước trung bình đổ ra biển Đông khoảng 475 tỉ mét khối, thấp nhất vào tháng 5 và cao nhất vào tháng 10.

Tuy nhiên, ngoài những tác động do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, khai thác quá mức, mất rừng ngập mặn, thì sự trù phú của ngư trường ĐBSCL đang gặp phải một mối đe dọa mới, đó là các đập thủy điện trên sông Mêkông. Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (báo cáo SEA) của Ủy ban sông Mêkông (MRC) cho rằng năng suất sinh học sơ cấp của vùng ven biển ĐBSCL sẽ giảm do sự giảm dinh dưỡng sông tạo ra, kéo theo là sự suy giảm của ngành đánh bắt hải sản và các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ thuộc ngành này. Theo báo cáo SEA, sản lượng hải sản của vùng biển ĐBSCL phụ thuộc vào khoảng 16.000 tấn dinh dưỡng bám vào phù sa bồi lắng ở vùng nước nông ven thềm lục địa của ĐBSCL và đây chỉ mới là con số ước lượng thấp và dè dặt.

Vấn đề được đặt ra là năng suất thủy sản vùng ven biển ĐBSCL bị ảnh hưởng như thế nào và bao nhiêu bởi các đập thủy điện đã và dự kiến sẽ xây dựng trên dòng chính sông Mêkông.

Kinh nghiệm thế giới

Sự ảnh hưởng của đập thủy điện trên sông lên năng suất thủy sản biển đã được biết đến từ lâu và ở nhiều nơi trên thế giới. Theo báo cáo của A.A. ALEEM đăng trên Marine Biology và được trình bày tại hội nghị khoa học “Sự tác động của con người đối với biển”, tổ chức vào tháng 9-1970 ở Tokyo, việc xây dựng đập Aswan ở Ai Cập và sự ngưng dòng chảy lũ của sông Nile từ năm 1965 (35 tỉ mét khối hàng năm) ra biển Địa Trung Hải, đã gây ảnh hưởng lên vùng nước ven biển của đồng bằng sông Nile và năng suất thủy sản vùng nước lợ của các hồ ven biển.

Hàm lượng dinh dưỡng đã giảm đáng kể trong các vùng nước này; phiêu sinh thực vật liên quan đến nước sông Nile đã biến mất và sản lượng đánh bắt cá trích đã giảm đột ngột từ 15.000 tấn năm 1964 xuống 4.600 tấn trong năm 1965, đến 554 tấn vào năm 1966. Sự giảm chất dinh dưỡng, giảm chất hữu cơ, và sự lắng đọng bùn và phù sa cũng ảnh hưởng đến sinh vật đáy ở thềm lục địa và các hồ nước lợ ven biển. Sự sạt lở bờ biển cũng gia tăng rất nhanh sau khi đập này được xây dựng. Điều này đã dẫn đến hiện tượng biển lấn vào các hồ ven biển, và đòi hỏi phải có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ bờ biển.

Còn ở Australia, theo số liệu của FAO được trích dẫn trong báo cáo giai đoạn thông tin nền của báo cáo SEA, tổng sản lượng thủy sản nội địa và hải sản của Australia trung bình cho giai đoạn 2005-2007 là khoảng 140.000 tấn/năm. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Kinh tế tài nguyên và Nông nghiệp của Australia năm 2004 thì sản lượng hải sản của Australia vào khoảng dưới 250.000 tấn mỗi năm cho giai đoạn 1997-2004.

Các con số này thấp hơn nhiều so với riêng sản lượng hải sản của ĐSBCL trong khi Australia có bờ biển dài hơn 35.000 ki lô mét chỉ tính riêng phần lục địa chính, gấp gần 50 lần chiều dài bờ biển ĐBSCL. Thậm chí sản lượng hải sản của cả Australia cũng chỉ xấp xỉ bằng sản lượng hải sản đánh bắt của tỉnh Kiên Giang (239.000 tấn vào năm 2000). Sản lượng hải sản thấp của Australia có thể được giải thích là vì phần lớn đất bên trong Australia là sa mạc và có lượng mưa hàng năm thấp nên lượng dòng chảy bề mặt thấp và nghèo dinh dưỡng. Vùng biển của Australia vì vậy cũng nghèo dinh dưỡng và được mệnh danh là “vùng biển sa mạc”, nghèo sự sống.

Trong tương lai, nếu tất cả các đập thủy điện dòng chính Mêkông được xây dựng, lượng phù sa và dinh dưỡng bổ sung cho vùng ngư trường ĐBSCL giảm đi và vùng nước ven biển của ĐBSCL có thể trở thành “vùng biển sa mạc” tương tự như vùng biển của Australia. Sự sụt giảm năng suất thủy sản biển ĐBSCL sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản của Việt Nam nói chung, gây tác động dây chuyền lên các ngành khác, trong đó đời sống ngư dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cần nghiên cứu tác động của thủy điện Mêkông lên sản lượng hải sản ĐBSCL

Các nhà khoa học đều nhất trí rằng việc xây dựng thủy điện trên sông Mêkông, bên cạnh các tác động khác của con người, sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng của vùng biển và vì vậy ảnh hưởng đến năng suất thủy sản. Báo cáo SEA cũng dự báo rằng việc giảm phù sa và dinh dưỡng ra biển tính đến năm 2030 sẽ khoảng 50-75% của mức trung bình hàng năm hiện nay và sẽ có tác động lớn đến sản lượng thủy sản ven biển và ngành đánh bắt và thương mại thủy sản của Việt Nam - một ngành trên đà tăng trưởng mạnh trong vòng 10 năm qua.

Báo cáo này cũng thừa nhận hiện nay sự hiểu biết của khoa học về thủy sản biển của Mêkông còn rất thấp, mặc dù vùng biển này có sản lượng đánh bắt hơn nửa triệu tấn mỗi năm và cho rằng một khi các tác động kinh tế của thủy sản đồng bằng và thủy sản biển được hiểu rõ hơn, thì các con số ước lượng tổn thất sẽ tăng lên đáng kể.

Vùng nước “bộ lông cánh” của sông Mêkông đến nay vẫn chưa được nghiên cứu nhiều như đối với các sông lớn khác trên thế giới như Amazon, Dương Tử và Mississippi. Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào được công bố về tác động môi trường, kinh tế xã hội lên vùng ven biển ĐBSCL và đây là một lỗ hổng lớn trong việc đánh giá tác động xuyên biên giới của các đập thủy điện trên sông Mêkông.

Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất, ô nhiễm nguồn nước, mất rừng ngập mặn, thì các đập thủy điện trên sông Mêkông sẽ có những tác động nghiêm trọng về môi trường và kinh tế xã hội đối với ĐBSCL.

Rất khó có thể nghĩ rằng tác động đối với hệ sinh thái biển và năng suất thủy sản biển từ các đập thủy điện trên sông Mêkông có thể được khắc phục một khi các đập này sẽ được xây dựng. Đây là một thí dụ tiêu biểu của sự tác động vĩnh viễn và không phục hồi được của các đập thủy điện Mêkông. Vì vậy nghiên cứu đánh giá tác động của các đập thủy điện sông Mêkông là cần thiết và cấp bách.

Để đánh giá được các tác động này thì các nghiên cứu về các tiến trình tự nhiên diễn ra ở vùng cửa sông và ven biển cần phải được tiến hành trước hoặc song song. Việc tiến hành các nghiên cứu này đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, kinh phí lớn, và thời gian dài, và cần được tiến hành càng sớm càng tốt.

Nếu tất cả các đập thủy điện dòng chính Mêkông được xây dựng, lượng phù sa và dinh dưỡng bổ sung cho vùng ngư trường ĐBSCL giảm đi và vùng nước ven biển của ĐBSCL có thể trở thành “vùng biển sa mạc” tương tự như vùng biển của Australia.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện

TNKTSG