Friday, October 28, 2011

28/10 Ngân sách, nghị trường và bộ trưởng


NGUYÊN HÀ
28/10/2011 21:53 (GMT+7)
pictureBộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị dành 40.000 tỷ đồng tăng thu của năm nay và năm sau để giải quyết các công trình cấp thiết của giao thông - Ảnh: CTV.

Không phải Bộ trưởng Bộ Tài chính mà lại là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn nút đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận chiều 28/10 về thu, chi ngân sách của Quốc hội.


Điều này cũng hơi bất ngờ, vì trong số 4 vị bộ trưởng phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội buổi sáng, đã có “tư lệnh” ngành giao thông Đinh La Thăng.

Tại trung tâm báo chí, nhiều phóng viên bật máy ghi âm khi ông được mời đăng đàn.

Cho biết là sẽ nói rất ngắn, Bộ trưởng Thăng đề nghị nên xem xét lại tính toán giá dầu thô của năm 2011 và của cả năm 2012. Theo tính toán riêng của ông thì nếu tính đủ 115 đôla/thùng, tổng thu ngân sách của năm 2011 sẽ tăng thêm gần 30.000 tỷ đồng.

Còn với năm sau dự kiến là 85 đôla/thùng nhưng dự báo sẽ khoảng trên 100 đôla và tính theo hệ số an toàn khoảng 90 đôla/thùng thì sẽ tăng thêm được khoảng 11.500 tỷ đồng.

“Tổng số thu của hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng dành để giải quyết các công trình trọng yếu cấp thiết của giao thông”, Bộ trưởng đề nghị, hội trường vang lên tiếng cười.

Không khí này có sự cộng hưởng từ diễn biến tại phiên họp buổi sáng, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh dẫn ý kiến của đại biểu và dư luận là Chính phủ không cắt một đồng nào với các công trình của Bộ Giao thông Vận tải, vẫn để nguyên kế hoạch năm 2011, trong bối cảnh yêu cầu cắt giảm đầu tư công được đưa ra mạnh mẽ. 

Và, ngay sau đó Bộ trưởng Thăng  kêu gọi sự chia sẻ của các địa phương, khi ngành giao thông vận tải từ tháng 4 đã hết tiền, vì chủ yếu là sử dụng vốn ứng mà năm 2011 theo Nghị quyết 11 thì không ứng vốn nên không còn tiền để đầu tư.

Dự định sử dụng 40 nghìn tỷ đồng cũng được Bộ trưởng Thăng trình bày ngay với Quốc hội.

Một là dành cho 568 cầu yếu đều nằm trong chương trình và cần giải quyết ngay. 

Hai là dự án tách cầu đường sắt và cầu đường bộ hiện nay còn 10 cầu cũng đã có dự án quyết định triển khai nhưng tiền chưa có.

Ba là để các địa phương xử lý dứt điểm các công trình giao thông dở dang mà hiện nay đang gây rất nhiều bức xúc cho nhân dân ở hầu hết các địa phương.

Bốn là dành cho các công trình trọng điểm của giao thông, đặc biệt là dành cho hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam. 

Điều được bộ trưởng Thăng nhấn mạnh là chỉ có dành ưu tiên vốn thì đến năm 2020 mới hoàn thành được tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Đề xuất của Bộ trưởng Thăng đã khiến phiên thảo luận thêm thú vị, bởi ngay sau khi Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu bình luận thêm, lập tức đã có phản hồi.

Cũng cần nói thêm lý do bà Ngân đưa ra đề nghị này là bởi, nếu khả năng tăng thu so với dự toán thì cũng có một số đại biểu đã đề nghị là phải thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tức là dùng 30% số tăng thu để giảm bội chi ngân sách của năm 2011 xuống dưới 4,8% GDP.

Thể hiện quan điểm ủng hộ kiến nghị của Bộ trưởng Thăng, đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) kể lại câu chuyện ở nước Anh hồi thế kỷ 18 khi công nghiệp hóa như nước ta, ông bộ trưởng nông nghiệp đã ba lần liên tiếp trả lời làm giao thông, khi Quốc hội hỏi nếu đưa tiền thì ưu tiên làm gì.

Giao thông sẽ giải quyết mọi thứ, song đại biểu Lịch nói rằng ông hình dung nền tảng cơ sở hạ tầng của Việt Nam về giao thông so với tăng trưởng kinh tế trong 10 năm qua cũng giống như người béo phì từ bụng trở lên còn 2 cái chân như 2 cái que, thành ra không đứng được.

Nhấn mạnh thêm lần nữa là ủng hộ đề nghị Bộ trưởng Bộ giao thông, song đại biểu Lịch kèm theo 3 điều kiện.

Thứ nhất là ngành giao thông phải chống cho được tiêu cực trong xây dựng, đừng để xảy ra vụ việc như PMU, PCI sẽ mất niềm tin.

Điều kiện thứ hai là phải nâng cao năng lực quản trị dự án nguồn nhân lực, nếu chậm trễ, lôi thôi thì trảm tướng như Bộ trưởng đã làm.

Điều kiện thứ ba, trong xây dựng giao thông, nên đặt mục tiêu thời gian quan trọng hơn tiền, chậm tiến độ, chậm thời gian còn nguy hại hơn là mất tiền, nếu cần thiết thay đổi quy chế tiêu chuẩn đấu thầu. 

“Tôi kèm 3 điều kiện kiến nghị và ủng hộ Bộ trưởng”, đại biểu Lịch lần thứ ba nhấn mạnh hai chữ ủng hộ.

Phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng tán thành với ý kiến của Bộ trưởng Thăng và đại biểu Lịch là phải ưu tiên đầu tư cho giao thông. 

Tuy nhiên, trước đó, bên cạnh một số phát biểu không bình luận gì về đề xuất của Bộ trưởng Thăng, thì vẫn còn ý kiến đồng tình với nhiều vị đại biểu đã thể hiện quan điểm trước khi đề xuất của Bộ trưởng được đưa ra. Đó là nếu vượt thu thì dành để kéo bội chi xuống.

Bởi vậy, câu trả lời cho một đề xuất rất cụ thể với cách tiếp cận được coi là khá mới mẻ của một vị bộ trưởng mới, vẫn đang còn để mở.
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Quoc Toan
    07:53 (GMT+7) - Chủ Nhật, 30/10/2011
    Quan trọng nhất là bỏ đi tệ 5-15% đối với mỗi gói thầu. Đây là việc gần như được thừa nhận nhưng không thấy ai lên tiếng.
  • Nguyễn Phước
    18:18 (GMT+7) - Thứ Bảy, 29/10/2011
    Ưu tiên giải quyết ngay các vấn đề của giao thông là hoàn toàn đúng đắn, Bộ Xây dựng và chính quyền các tỉnh thành cần chủ động phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để có quy hoạch hợp lý dọc các tuyến đường, có như vậy mới phát huy hết hiệu quả các dự án giao thông của chúng ta.
  • NAM DŨNG
    18:03 (GMT+7) - Thứ Bảy, 29/10/2011
    Tôi rất đồng tình ý kiến của đại biểu Lịch. Phát triển giao thông và quy hoạch luôn phải đi trước để hỗ trợ cho các ngành khác phát triển theo. Hy vọng Bộ trưởng Thăng sẽ làm tốt công việc của mình cho dù chiếc ghế của bộ trưởng cũng rất "nóng".
  • Việt Hùng
    12:09 (GMT+7) - Thứ Bảy, 29/10/2011
    Đại biểu Lịch nói rất trúng, trước tiên ngành giao thông phải gây dựng niềm tin.
  • Bùi Văn Doanh
    22:23 (GMT+7) - Thứ Sáu, 28/10/2011
    Quá tuyệt vời khi Quốc hội ưu tiên đẩy mạnh đầu tư cho giao thông. Chỉ có giao thông tôt mới đẩy mạnh kinh tế do hàng hóa được thông thương.

28/10 Bộ trưởng Tài chính: Không quá lo ngại về nợ công

NGUYÊN HÀ
28/10/2011 11:28 (GMT+7)
pictureTheo Bộ trưởng Huệ, đến 31/12/2012 nợ công ước khoảng 58,4% GDP trên cơ sở kịch bản GDP tăng 6%, còn nếu GDP tăng 6,5% thì tỷ lệ thấp hơn đáng kể.

Không lạc quan nhưng cũng không nên quá lo ngại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ bày tỏ quan điểm về nợ công của Việt Nam tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28/10.

Không phải đến khi thảo luận tại hội trường, mà ngay từ phiên thảo luận tổ về kinh tế, ngân sách, nhiều đại biểu đã tỏ ra quan ngại về nợ công của Việt Nam, khi cơ sở để đưa ra nhận định là an toàn hay báo động còn khá mơ hồ.

Báo cáo kế hoạch kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc của kỳ họp Thủ tướng Chính phủ cho biết nợ công được giữ ở mức an toàn với con số ước khoảng 54,6% ở cuối năm nay. Và đến năm 2015 sẽ khoảng 60 - 65% GDP.

Theo Bộ trưởng Huệ, đến 31/12/2012 nợ công ước khoảng 58,4% GDP trên cơ sở kịch bản GDP tăng 6%, còn nếu GDP tăng 6,5% thì tỷ lệ thấp hơn đáng kể.

Cũng theo Bộ trưởng thì cơ cấu nợ công của Việt Nam cũng không như các nước khác, khi nợ vay ODA chiếm 75% còn vay thương mại chỉ 7%, vay ưu đãi chiếm 19%.

Cụ thể, trong 75% nợ ODA thời gian vay rất dài lãi suất ưu đãi, chẳng hạn vay Ngân hàng thế giới World Bank thời hạn vay là 40 năm, ân hạn 10 năm và lãi suất chỉ có 0,75%, vay ADB thời hạn là 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất 1%, vay Nhật Bản thời hạn vay 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất từ 1% - 2%, thông thường là 1% còn một số khoản cao hơn chỉ 2%.

Vì thế, khi so với các nước thì cần chú ý cơ cấu này, vì các nước  vay thương mại nhiều, hơn nữa về phương pháp tính cũng khác nhau. Ở các nước đã phát triển như Châu Âu người ta tính theo phương pháp tỷ lệ theo giá trị dòng tiền, còn Việt Nam tính theo phương pháp giá trị danh nghĩa. Nếu quy giá trị danh nghĩa này với giá trị dòng tiền hiện tại thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã báo cáo với Quốc hội sẽ còn thấp hơn. 

Đối với nợ Chính phủ, Bộ trưởng cho biết, nợ nước ngoài chiếm 58% và đang có xu hướng giảm trong cơ cấu, còn nợ trong nước là 42% và xu hướng này đang tăng lên. Đây là một xu hướng tốt, giảm được lệ thuộc vào nước ngoài và chủ động hơn trong việc vay nợ. 

Hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng chiến lược quản lý nợ công  đến 2020 để trình Chính phủ. Đồng thời, Bộ đang xây dựng kế hoạch trung hạn và đề án cụ thể thực hiện chiến lược này một khi chiến lược được thông qua, ông Huệ nói.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu cho rằng, quan trọng là việc trả nợ như thế nào, Bộ trưởng Huệ lý giải, mỗi năm, phần trả nợ của Việt Nam chiếm 14-16% ngân sách nhà nước. Trong khi theo thông lệ quốc tế, mức trả nợ an toàn là không quá 30%. 

Cùng với tái cấu trúc kinh tế, quản lí nợ sẽ tốt hơn. Chúng ta không lạc quan nhưng không nên quá lo lắng về nợ công, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng đề nghị Quốc hội cho giữ tỷ lệ nợ công đã trình theo kế hoạch 5 năm, đối với nợ quốc gia là không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53% và nợ công thì khoảng 60-65%. 

Cũng liên quan đến nợ công, tại báo cáo tiếp thu, giải trình một số vấn đề về ngân sách vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội, Chính phủ cũng khẳng định “với mức dư nợ, cơ cấu nợ, thời hạn và mức lãi suất hiện tại thì nợ công của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn là an toàn, không gây sức ép cho ngân sách Nhà nước”.


(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • AC2011
    16:52 (GMT+7) - Thứ Sáu, 28/10/2011
    Giả sử các nguồn vay ODA với lãi suất cực thấp và thời hạn quá dài trên mà còn nằm trong “két” VN chứ không phải các dự án a,b,c,d,… thì nay đỡ biết bao nhiêu. 

    Thế mới biết giúp người nên giúp “cần câu hơn con cá” đâu phải lúc nào cũng đúng. Con cháu chúng ta mai mốt phải trả nợ cho các nguồn vay ưu đãi nhưng nếu đầu tư không hiệu quả thì ơn đó cũng như nước chảy lá môn, gánh nợ có khi còn nặng hơn, ví như câu nói nôm na là “ưu đãi thành ngược đãi” của người được mua CP ngày nào. 

    Mong Bộ trưởng nói vậy nhưng cũng cảnh tỉnh tương lai cho các món nợ “lâu bền” này.
  • An Bình
    14:56 (GMT+7) - Thứ Sáu, 28/10/2011
    Nợ nước ngoài thì tính theo ngoại tệ, tăng trưởng thì tính theo tiền đồng, tỷ giá hối đoái giữa ngoại tệ và tiền đồng thì luôn tăng nhanh. 

    Chúng ta cần xem xét thật kỹ càng hiệu quả đầu tư và trả nợ.

28/10 Nhận diện những “thủ phạm” gây bất ổn kinh tế

TỪ NGUYÊN
28/10/2011 07:20 (GMT+7)
pictureĐại biểu Quốc hội muốn Chính phủ nhìn nhận thẳng thắn về năng lực quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

“Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng, nhưng sự bất ổn của nền kinh tế nếu có xảy ra trong tương lai cũng sẽ bắt nguồn từ chính những ngân hàng yếu kém”.


Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư thành ủy Đà Nẵng) đưa ra quan điểm như trên khi nói về những bất cập của chính sách tài chính, tiền tệ, trong đó có việc “đẻ” quá nhiều ngân hàng thương mại thời gian qua.

Ngân hàng cũng buôn đất

Nhìn nhận của đại biểu Thanh khá đồng nhất với đánh giá của nhiều đại biểu khác trong phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về thực hiện kinh tế - xã hội 2011, ngày 27/10 cũng như các buổi thảo luận tại tổ trước đó.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thanh, sau Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương... thì tình hình kinh tế có khá dần lên, song còn nhiều vấn đề vẫn đáng quan ngại; trong đó tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, đồng tiền mất giá, nhập siêu tăng... là những nỗi lo thường trực.
 
Nguyên nhân chính của tình trạng trên, theo đại biểu, là nằm ở chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng trước đó và cơ cấu bản thân nền kinh tế còn nhiều bất hợp lý, phát hành, đưa nhiều tiền mặt vào lưu thông, trong khi hàng thì ít đã dẫn đến lạm phát cao. 

Đặc biệt, cơ quan thẩm quyền mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước đã cho ra đời hàng loạt ngân hàng mới, nâng cấp hàng chục ngân hàng nông thôn, nâng tổng số lên gần một trăm ngân hàng, trong khi quản lý nhà nước lại tỏ ra yếu kém đã dẫn đến mất kiểm soát. 

“Tôi biết có ngân hàng khi thành lập có vốn khoảng một nghìn tỷ đồng, sau đó họ huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng nữa, rồi nhẹ nhàng rút tiền của mình ra, lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản. Khi giá đất rớt thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên 18%, 20%, thậm chí 25%, 30%/năm để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người lấy trước, từ đó đẩy lạm phát lên cao...”, đại biểu Thanh cho hay.

Thậm chí, có ngân hàng “ôm” mấy miếng đất của mình mua rồi ôm luôn mấy miếng đất của người vay mang đi thế chấp, trong khi thị trường nhà đất thì đóng băng, không bán được thế là nợ xấu tăng lên.

“Báo cáo nợ xấu hiện nay là 75 nghìn tỷ đồng, nhưng tôi cho rằng con số này cũng đáng nghi ngờ vì có thể thực tế còn nhiều hơn. Nguy hơn là trong 75 nghìn tỷ đồng đó thì đã xấp xỉ 50% thuộc loại cực xấu, tức là không còn khả năng thu hồi được”, đại biểu nói tiếp.

Nhiều ngân hàng là vậy, song theo đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An), cử tri ở nông thôn rất bức xúc vì không tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Mỗi lần “vác” sổ đi vay thì ngân hàng luôn kêu hết vốn (thật ra là ngân hàng ngại cho vay trong sản xuất nông nghiệp vì tính rủi ro cao).

Hơn nữa, trong một thời gian dài, cùng với một hệ thống ngân hàng “hùng mạnh”, nền kinh tế đã bị rơi vào vòng luẩn quẩn bởi nới lỏng chính sách tiền tệ thì bị lạm phát, còn thắt chặt thì nợ xấu tăng lên, sức mua giảm sút, các nguồn tín dụng đen phát triển mạnh và kéo theo đó là nguy cơ đổ vỡ, sự tăng trưởng có nguy cơ bị đe dọa...

Bởi vậy, theo các đại biểu, Chính phủ cần sớm cải tổ hệ thống ngân hàng, nhưng phải hết sức thận trọng và có bước đi thích hợp, "làm sao chúng ta diệt được sâu rầy ở những cánh đồng nhưng vẫn giữ được cánh đồng lúa xanh tốt và có mùa bội thu".

“Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ là muốn nói đến trách nhiệm của người điều hành, muốn chỉ ra những yếu kém của quản lý nhà nước chứ không phải chỉ là mổ xẻ tình hình”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu ý kiến.    

Và những "đồng phạm" 

Cùng với những bất ổn của hệ thống tài chính, tiền tệ, nhiều tồn tại ở các lĩnh vực khác cũng được các đại biểu chỉ ra tại phiên thảo luận chiều 27/10.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho hay, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước dù nhận được nhiều vốn, ưu đãi nhưng lại kém hiệu quả. Khối này chiếm tới 60% vốn tín dụng và chiếm 70% vốn ODA, nhưng chỉ đóng góp khoảng 37 - 38% GDP hàng năm, trong đó khoảng 12% bị thua lỗ, với mức lỗ bình quân gấp 12% so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Một “tội đồ” khác cũng góp sức không nhỏ cho những bất ổn của nền kinh tế, theo đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) là tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, tài nguyên. Nó không những gây thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực quốc gia và còn là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng tham nhũng, tiêu cực. 

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng sử dụng đất trái pháp luật, sai mục đích để hoang hóa lãng phí là rất nghiêm trọng. Vẫn còn 2.455 cơ quan, tổ chức với hàng chục nghìn dự án treo để hoang hóa tới 250.862 ha đất. Còn tới 3.311 cơ quan, tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật với diện 25.587 ha, trong khi các quận nội thành Hà Nội cần ít nhất 1.500.000 m2 đất, Tp.HCM cần tới 4.874.000 m2 đất cho các trường phổ thông, các trường mầm non... 

“Đầu kỳ họp này, tôi có trao đổi với đồng chí Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, đồng chí cho biết tại Tp.HCM, đất của rất nhiều cơ quan, tổ chức để hoang hóa, sử dụng sai mục đích với diện tích rất lớn, nhưng thu hồi chẳng được bao nhiêu vì đụng đâu vướng đó”, đại biểu Tiến cho hay.
 
Với thực tế trên, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) mong muốn Chính phủ cần có những phân tích nghiêm túc, sâu sắc hơn về diễn biến tình hình. Bởi, theo đại biểu, thực tế là hiệu quả của nền kinh tế nước ta đang có biểu hiện giảm sút, khi mức đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2010 cao hơn giai đoạn trước nhưng tốc đột tăng trưởng kinh tế lại thấp hơn, hệ số ICOR lại tăng lên...

Truyền đạt những nhìn nhận, suy nghĩ của cử tri đối với những bất ổn của nền kinh tế, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho biết, dư luận chung hiện đang có một tâm trạng vừa mừng, vừa lo và hi vọng.

Mừng vì trong điều kiện khó khăn trong nước và ngoài nước đang tăng, mà chúng ta đã có kết quả như báo cáo, chúng ta đã có một vị thế được thế giới đánh giá, nhất là giải pháp tình thế là điều đáng mừng. Lo vì đã chỉ đạo rất quyết liệt mà lạm phát vẫn cao, đứng thứ hai thế giới và cách xa các nước trong khu vực. 

Cùng với đó, cử tri cũng hy vọng là Chính phủ sẽ có những đột phá vào những khâu rất quan trọng như thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn lực... Đặc biệt là dỡ ra rào cản về tư duy nhiệm kỳ, về lợi ít cục bộ, lợi ích nhóm và bệnh thành tích.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) chốt lại: “Tái cấu trúc nền kinh tế và nhiều lĩnh vực khác không phải là vấn đề mới vì Chính phủ và nhiều đại biểu Quốc hội khóa XII đã đề cập khi thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế cần phải chớp thời cơ. Song tiếc là chúng ta nói sớm, nhưng làm muộn”.
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Lee
    09:00 (GMT+7) - Thứ Sáu, 28/10/2011
    Những vấn đề gốc đã được chỉ ra. Giải pháp cũng được định hướng. Còn thực hiện thế nào thì chờ Chính Phủ.
  • Minh Mạnh
    08:18 (GMT+7) - Thứ Sáu, 28/10/2011
    Nguyên nhân thi ai cũng biết, chỉ có điều giải pháp và hành động thì chưa đáng kể và mạnh mẽ. 

    Đối với doanh nghiệp Nhà nước, nếu đánh giá lại vốn đặc biệt về đất đai do đặc quyền từ lâu nay thì hiệu quả còn thấp đi rất nhiều và đại đa số thua lỗ khi tính đủ khấu hao (trên giá trị tài sản đánh giá) và chi phí, vậy vậy cần phải bán và cổ phần hóa triệt để ngay càng sớm càng tốt, đặc biệt các doanh nghiệp còn đang có lãi như viến thông, khoáng sản,... để thu hồi vốn cao nhất vào ngân sách phục vụ đầu tư phát triền hạ tầng kinh tế đem lại hiệu quả cao hơn. 

    Đối với đầu cơ đất đai cần định hướng cho thị trường giảm mạnh để hút vốn đầu cơ sang lĩnh vực sản xuất khác, thắt thật chặt dòng tiền đầu cơ bất động sản để ngăn chặn rủi ro nợ xấu gia tăng. 

    Có làm mạnh thì may ra thoát khỏi tình trạng luẩn quẩn, nói nhiều nhưng chẳng đi đến đâu, khó khăn càng chồng chất.