Trung Quốc vừa xác nhận rằng nước này đã gây áp lực đòi tập đoàn dầu lửa ExxonMobil của Hoa Kỳ phải rút khỏi dự án với Việt Nam vì coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, PetroVietnam và ExxonMobil đã ký thỏa thuận khung về hợp tác. Một thông cáo mới ra của Exxon nói hai bên đã cùng làm việc trong nhiều năm nay 'để xác định các dự án có tiềm năng và hiện đang cùng đánh giá sơ bộ về kỹ thuật và kinh doanh một số vị trí ở ngoài khơi'. Trong cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Ba, 22/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu tuyên bố: "Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Nam Hải rất rõ ràng và kiên định. Chúng tôi đã nói rõ quan điểm của chúng tôi cho các bên liên quan trong vụ này." "Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động nào vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc tại Nam Hải." Bên thứ ba Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc và Việt Nam xung khắc quanh các dự án dầu khí có sự tham gia của bên thứ ba. Năm ngoái, dưới áp lực của Bắc Kinh, tập đoàn BP của Anh đã phải ngừng thăm dò trong khu vực Trường Sa. Khu vực này có sáu nước tuyên bố chủ quyền, là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Đây được cho là khu vực giàu tài nguyên dầu khí, tuy trữ lượng còn chưa rõ và đánh giá của các nước rất khác nhau .
Bản thân Trung Quốc cũng đã từng vấp phải phản đối mạnh mẽ khi mời nước ngoài vào thăm dò khai thác. Trong những năm 1990, việc Trung Quốc cùng công ty Mỹ Crestone tiến hành thăm dò ở bãi Tư Chính đã bị Việt Nam phản đối. Năm 2002, các quốc gia liên quan đã ký thỏa thuận về cách ứng xử với mục đích kêu gọi cùng kiềm chế, ngăn chặn xung đột. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hôm Chủ nhật cho hay ExxonMobil tự tin về chủ quyền của Việt Nam ở một số lô mà công ty này sẽ thăm dò. Tờ này cũng trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói Việt Nam "hoan nghênh và tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài, kể cả Trung Quốc, hợp tác trong lĩnh vực dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam, trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp Việt Nam." Trai Quê Mấy cậu thanh niên cũng xì èo vụ này trong bàn nhậu quán của ba tôi. Ba tôi sợ lôi thôi nên bảo họ "Việc nước đã có nhà nước lo, mấy cậu bàn cãi căm thù có nhằm nhò gì với TQ. Kẻ thù của dân mình là ai thì chỉ có thần Kim Quy mới biết". Mấy cậu thanh niên lặng thinh, có lẽ họ cho là ba tôi nói nhảm. Tri Quoc, HN Tại sao phim TQ tràn ngập Việt Nam, hàng loạt các loại phim anh của họ được trình chiếu trên hàng trục đài truyền hình từ TƯ đến địa phương, đặc biệt những phim dã sử làm cho không ít giới trẻ nhớ tên tuổi của các nhân vật lịch sử TQ hơn là VN. Hàng hoá TQ tràn ngập thị trường VN từ cái dao cạo râu đến chiếc ôtô, xe máy đều thấy "Made in China"...hàng nhập lậu cũng đa số từ TQ, đưa VN trở thành nước nhập siêu cũng phần đa "nhờ" người anh em quý hoá này! Chúng ta tự hào là nước xuất khẩu gạo thứ 2, 3 thế giới! Vậy mà người dân có biết đâu rằng thóc để gieo trồng nên những vụ mùa nặng hạt lại được nhập đa số từ TQ. Chính sách Văn hoá "xâm lăng",kinh tế "vỗ béo" và ngoại giao "bom tấn",họ đang dần biến chúng ta phải lệ thuộc vào họ. Đây là những chiêu sách nhan hiểm mà Đảng, chính phủ và nhân dân ta cần phải biết để phòng chống! Người VN trẻ chúng ta cần phải biết và truyền nhau biết những âm mưu xảo quyệt đó để cùng nhau đoàn kết lại chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến. Seabird, Vũng Tàu Tôi rất bức xúc về cách ứng xử của CP Việt Nam đối với vấn đề biển Đông. CP bắt bớ, cấm báo chí đưa tin về các cuộc tranh chấp biển đông. Anh em thanh niên, sinh viên đi biểu tình về vấn đề HS-TS thì bị gây nhiễu sóng di động ở khu vực biểu tình, bắt bớ, đàn áp. Không hiểu với cách hành xử của CP như vậy thì thế hệ trẻ chúng tôi có nên tin vào CP Việt Nam, tin vào sự lãnh đạo "sáng suốt, tài tình" của ĐCSVN hay không nữa. Thế hệ trẻ chúng tôi thấy mất niềm tin quá. Nếu CP Việt Nam chỉ cho mỗi ông Lê Dũng phát biểu hết sức "nhu nhược" trấn an ru ngủ dư luận mà không có thái độ dứt khoát, công khai lên tiếng và đưa vấn đề Biển Đông ra LHQ thì sớm muộn gì biển Đông cũng rơi vào tay TQ. Nếu không dứt khoát thì cho dù ông NT Dũng có mời liên tục thì các công ty lớn cũng không dám vào VN nữa. Thế hệ trẻ chúng tôi ngồi nhìn thấy nước mất từng ngày mà không làm được gì, không dám làm gì vì bị CP đàn áp. Thật xấu hổ với các vị tiền bối, các vị công thần đã dựng và giữ nước. Tu Viet My, Úc châu Tôi muốn nói với Pinochio là không phải tư bản CN (TBCN) và XHCN đối đầu nhau trong thế kỷ 21 này. Tư bản càng phát triển mạnh do các công ty kiếm nhiều lời bằng cách giảm giá thành là đưa khâu sản xuất lao động qua các xứ nghèo với giá lao động rẻ trong đó có những quốc gia XHCN như TQ và VN. Do đó có cái nhìn từ một góc cạnh là TBCN phát triển thì XHCN cũng phát triển còn mạnh hơn chứ không nhìn theo khía cạnh là có những quốc gia là nô lệ lao động cho những quốc gia khác. Các quốc gia CS đông Âu và Nga đã nhìn thấy là XHCN đã bần cùng hóa nhân dân và đưa quốc gia đến chỗ kiệt huệ phá sản nên họ quyết định đi vào con đường tư bản ngay từ ban đầu, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi là những thí dụ. Nước Nga có rất nhiều thương gia giầu so với thế giới mà không ai biết. Một giáo sư nói “Tôi không quên những ngày tôi đứng xếp hàng dưới tuyết để mua vài cuốn giấy toilet”. Khi một thương gia tây phương được hỏi tại sao ông làm ăn ở TQ, ông trả lời chúng tôi có thể lợi dụng TQ vì họ không có sáng tạo (“We can exploit China because they don’t have innovation”). Khi hỏi một thương gia TQ về VN thì ông nói VN sẽ trở thành một phần của TQ mà không cần vũ lực như trong quá khứ vì chúng tôi sẽ nắm kinh tế và năng lượng của họ. Con đường VN đi bây giờ cần phải xét lại. Việt Nga, Đà Nẵng Tôi thấy đã đến lúc dân tộc VN chúng ta cần thể hiện sự yêu nước một cách mạnh mẽ và bằng hành động cụ thể ngay đi. Người dân hãy thôi dùng hàng TQ nữa, các cơ quan chức năng hãy trấn áp thật triệt để hàng nhập lậu từ TQ về. Các Đài truyền đừng chiếu các phim ảnh của TQ nữa, hãy thể hiện rằng Đài truyền hình không phải chỉ là nơi chiếu phim đơn thuần. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải tỏ rõ thái độ kiên quyết chứ không im lặng như hiện nay trước sự can thiệp đến mức coi thường từ TQ. Hãy tìm lại người bạn lớn của chúng ta là nước Nga, mặc dù người bạn này lâu nay đã chán chơi với VN rồi. Tuy vậy, chúng ta hãy kết thân lại bằng những lợi ích như hiện nay chúng ta đang cho TQ như hàng hoá, các công trình xây dựng, nghệ thuậ! t, phim ảnh ca ngợi nước Nga anh hùng... Chúng ta đừng tự mãn với những thành công trước mắt nữa. Vấn đề của VN bây giờ không đơn thuần chỉ là dầu khí, Hoàng Sa hay Cam Ranh mà là hướng đi của đất nước ta đang bị chệch hướng và rất thụ động với sự tác động co hệ thống và đầy toan tính của người hàng xóm TQ. Để giải quyết các vấn đề này, ngay bây giờ Lãnh đạo Đảng và nhà nước hãy thôi giải quyết các vấn đề sự vụ nhỏ nhặt nữa, hãy dũng cảm và dũng mãnh làm đầu tàu cùng với người dân VN cùng hành động. Le Cuong, HN Trung quốc thực hiện tinh thần "Bốn tốt" và "Mười sáu chữ vàng" rất chu đáo và tế nhị, không làm Việt Nam mất lòng. Họ đuổi khéo các tập đoàn (BP và Exxon)cuả bọn tư bản Anh, Mỹ định khai thác hết tài nguyên (cụ thể là dầu lửa ở biển Đông) của nhân dân Việt Nam. Cám ơn Trung Quốc!!! Huynh Tri Sy, TP HCM Nước Việt Nam là của toàn dân Việt Nam đang sống và làm việc tại Việt Nam hay trên toàn thế giới này, không thuộc băng đảng, tổ chức, hay bất cứ hình thức của nước nào. Nếu Hoa Kì, hay bất cứ nước nào muốn thực sự giúp Việt Nam thì toàn thể nhân dân Việt Nam rất hoan nghêng, nhưng phải đảm bảo quyền toàn vẹn lãnh thổ,không chia cắt và giao cho ai cả. Dân tộc Việt Nam đã chịu quá nhiều mất mát và chiến tranh hàng ngàn năm qua, đến tận bây giờ vẫn còn phải gánh chịu. Việt Nam sẵng sàng học hỏi và mong muốn sự giúp đỡ chính đáng từ các nước, đặc biệt là các nước lớn. Pinochio Chuyện của VN thì VN phải tự lo, nhân dân VN phải tự lo. Thật nực cười khi có người suy nghĩ "giao Cam Ranh cho Mỹ" thì ta có lại được hai đảo Hoàng và Trường Sa. Xin lỗi các bạn nào có ý nghĩ ấy trong đầu: không có nước lớn nào cho ai không cái gì, tất cả chỉ vì quyền lợi của họ mà thôi! Có vay thì phải có trả, đó là quy luật sòng phẳng. Hợp tác và quan hệ với nhiều nước trên thế giới để cân bằng cán cân lực lượng trong vùng là con đường chúng ta phải đi, không có con đường khác tốt hơn. Chống đối, tẩy chay hàng hóa..v.v. để tỏ rõ quyết tâm thì cũng nên làm nhưng quá khích để nói chuyện chiến tranh với TQ là điều hoang tưởng trong lúc này. Tương quan giữa Hải quân VN và Hải quân TQ bây giờ cũng không khác bao nhiêu so với Hải Quân của VNCH khi tham chiến với Hải quân TQ khi xưa. Chuyện thua là 99%, chỉ nói nhỏ thôi: TQ đã có tàu ngầm, đã có hỏa tiễn tầm xa, đã có hàng không mẫu hạm...còn VN chúng ta? Chỉ vài chiếc chiến hạm và một vài phi đội yểm trợ từ trong đất liền. Chưa nói VN chúng ta nghèo chưa thể gánh vác một cuộc chiến lâu dài với TQ. Còn bạn nào lo sợ việc XHCN bị "dẹp bỏ" thì xin an tâm: cái gọi là XHCN chính thống (original như trong sách vở dạy) đã không còn, cái gọi là XHCN hiện giờ ở TQ hay VN chỉ là XHCN biến thể mà cái tên tồn tại là chủ yếu; chứ nội dung đâu còn giống lý thuyết nữa! Cho nên XHCN chính thống đâu còn để dẹp bỏ. Thanh, Texas Chúng ta đừng nghi ngờ người Mỹ. Nếu thực sự chúng ta chơi đúng nghĩa thì chúng ta sẽ thấy người Mỹ chơi như thế nào. Trung quốc thâm hiểm vậy mà báo chí mình cứ ca tụng nó trong khi tình hình VN hiện nay rất cần sự giúp đỡ của Mỹ mà chúng ta lại ra rã chửi họ hòai. Hãy giao Cam Ranh cho người Mỹ, họ sẽ giao Hòang Sa và Trường Sa lại cho ta. Tommy128 Đúng là báo chí của ta không hề đề cập đến chuyện Trung Quốc giành chủ quyền ở hai hon đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng chúng ta hi vọng là Chính phủ chúng ta không phải biết im lặng và chấp nhận để Trung Quốc muốn làm gì thì làm, và hơn thế nữa hi vọng là Chính phủ biết được nguyện vọng của cả dân tộc ta là gì. Trung Quốc ngày càng phong tỏa chúng ta, nếu chỉ biết im lặng có khác gì để người ta khóa cửa nhốt mình mà cũng chấp nhận. Điều chúng ta cần làm lúc này là phải chứng tỏ cho Trung Quốc thấy, chúng ta không hề chỉ biết im lặng. Tôi nghĩ Chính Phủ nên phối hợp với nhân dân cùng hành động. Chính Phủ cần phải tăng cường hơn nữa quân sự, quốc phòng ngoài hải đảo, bên cạnh đó cần sự hổ trợ của bạn bè quốc tế về mọi mặc. Chính phủ cần có chiến lược giảm dần ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nước ta về mọi mặt. Giáng Son Tôi đồng ý với đồng chí Titan hay Jackie. Chúng không thể đánh mất Chủ Nghĩa Xã Hội bởi vì chủ nghĩa này quá ưu việt đã dẫn dân tộc Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn và Trung Cộng trở thành những nước hàng đầu thế giới về...[cái gì không biết]. Thanh Lam Nếu lần này chính phủ VN không tỏ thái độ dứt khoát và quyết liệt thì Exxon sẽ tạm biệt VN thôi . Mà cũng không còn ai dám hợp tác với ta nữa. Không nói tên Cần phải xác định cái mà nhân dân Việt Nam cần là gì? Đó là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ văn minh thực sự? Đó là sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải? Hay là cần cái nhà nước được gọi là XHCN mà nghèo hèn như hiện nay? Tôi đồng ý với bạn Titan là "VN phải quan hệ bình đẳng với các nước trên thế giới chỉ thêm bạn ít thù đó là cách khôn ngoan để VN có thể tồn tại". Nhưng không đồng ý với bạn và bạn jackie là sợ bị dè bẹp hay mất XHCN. Theo tôi thì ta cần kinh tế phát triển để có thể phát triển xã hội, phát triển quân sự-quốc phòng và như vậy chúng ta sẽ không bị ai đè bẹp, không bị chèn ép như đang bị Trung Quốc chèn ép chúng ta hiện nay. Conan Gỉai pháp cho VN là làm đồng minh với Mỹ & các nước tự do dân chủ phương tây giống như HQ, Nhật, Đài Loan...xây dựng XH tự do, dân chủ. Nhưng thật bất hạnh cho dân tộc VN là đang chịu sự thống trị của tập đoàn ĐCS cho nên trước sau gì VN cũng làm nô lệ cho TQ. Titan, TP HCM Nói về việc Việt Nam hợp tác kinh tế với Mỹ thì đúng vì nó giúp cho kinh tế VN phát triển nhưng hợp tác về quân sự hay chính trị thì VN phải dứt khoác là không. Bởi nếu hợp tác thì chẳng khác nào cho Mỹ làm bàn đạp để dẹp TQ, sau khi dẹp TQ thì VN cuối cùng sẽ là nạn nhân tiếp theo của Mỹ, lúc đó VN sẽ không kịp trở tay. Tôi nghĩ VN phải quan hệ bình đẳng với các nước trên thế giới chỉ thêm bạn ít thù đó là cách khôn ngoan để VN có thể tồn tại. Jackie, TP HCM Tôi nghĩ Mỹ nhúng tay vào lúc này thì có thể giảm bớt sự căng thẳng nhưng không thể chắc những âm mưu của Mỹ trong việc này, tôi nghĩ cần đề phòng trước Mỹ bởi vì Mỹ luôn có ý định dẹp bỏ xã hội chủ nghĩa mà cái gai lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc. Tung Việt Nam rơi vào tình trạng này chính là do phản động của Trung Quốc cài vào. Họ đã sử dụng công cụ tư tưởng, luật pháp và những cái thuộc về giá trị con người để điều khiển chính người Việt, gián tiếp làm cho người Việt chia rẽ. 36 Kế binh pháp từ Trung Quốc mà ra. Chúng ta muốn chiến thắng, chúng ta phải học 36 kế đó và đưa ra kế thứ 37. Quan trọng nhất là bộ chính trị đã bị thao túng. Một vài vị lãnh đạo có lòng, nhưng cũng không thay đổi được cục diện. Trong chuyện hợp tác với nước khác, mọi thứ chỉ là lợi dụng và chẳng có sự tốt đẹp nào, tùy theo cân nhắc và thời thế để tồn tại. Tan Dung, HN Chắc rằng sau nhiều sự việc như vấn đề bài viết nêu lên, trong thâm tâm, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nhìn ra sự cần thiết làm gì trong giai đoạn này. Các nước nhỏ và yếu luôn là con tốt trong bàn cờ của các nước lớn. Chính trị và ngoại giao khác xa tình bạn và không thể là cứu cánh cho một nước nhỏ yếu. Các nước nhỏ chỉ có thể mạnh mới không dễ để ai bắt nạt. Khi chưa đủ mạnh, cần có những tính toán khôn ngoan và hiệu quả. Chọn làm con tốt đen trong bàn cờ của một kỳ thủ hãnh tiến, chưa thực giỏi nhưng rất ngông cuồng và bất nhất là một sự dại dột kém trí tuệ. Khi buộc lòng thì thà là làm con xe trong tay một đại kiện tướng hàng đầu vẫn hơn. Hãy nhìn xem, nước Nhật bại trận trong thế chiến 2 đã buộc phải khuất phục và dựa vào Mỹ, nhưng đó là lựa chọn khôn ngoan. Nhật ngày đã trở thành một cường quốc, và không còn quá lệ thuộc vào Mỹ nữa. Nhận xét của tác giả bài viết này rất đúng trong tình hình hiện tại với Việt Nam. Các nhà Lãnh đạo Việt Nam hiện tại đứng trước sự khó khăn khi đi đến một sự lựa chọn hợp lý. Câu hỏi do người dân Việt nam đặt ra với họ là họ có đủ sự kiên cường và khôn ngoan như ông cha họ bao đời trước đã làm để bảo tồn đất nước trước Ngoại Xâm hay không? Hãy chờ xem! Giấu tên, Seoul Tôi đồng ý với ý kiến của bạn Someone từ Sài Gòn, TQ không thể là bạn, các bạn hãy hình dung một đất nước Canada bình yên bên cạnh một nước Mỹ hùng mạnh, Việt Nam bên cạnh TQ đã bao giờ được bình yên? Vì lợi ích quốc gia ĐCS hãy quên TQ đi, bắt tay với nước Mỹ, chúng ta hãy nhìn Nam Hàn xem họ đã phát triển như thế nào khi được nước Mỹ bảo trợ. Hãy cho Mỹ đóng quân ở Cảng Cam Ranh! Trần Đức Anh, HN Tôi biết rằng mỗi người đều có cách suy nghĩ về thể chế của Việt Nam hiện tại, nhưng là người VN chúng ta phải đoàn kết. Chúng ta phải suy xét khi mua các sản phẩm của TQ vì chúng ta bỏ tiền để làm giàu cho kẻ quay lại ép chúng ta. Tran Manh Ha, HN Vụ Trung Quốc ép Exxon ngừng hợp tác khai thác dầu khí với VN không thấy các báo trong nước nói gì.Lạ thật,có lẽ báo chí trong nước có vấn đề gì chăng? Ha, HN Tôi cho rằng nước TQ, nguời TQ thuộc loại tiểu nhân, mạt hạng tiểu nhân, nếu nói theo cái cách mà người Tàu hay nói trong dã sử. TQ biết đối lập người quân tử và kẻ tiểu nhân; nếu ta đối lập TQ với nước khác, người quốc gia khác, thì TQ thuộc hạng vô cùng tiểu nhân. Cá nhân tôi chưa bao giờ sử dụng hàng TQ. Tôi sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc Việt Nam yêu dấu! Pham Vinh, Singapore Hãy thử nhìn vào hai mối quan hệ này, một bên từng là địch ( trong 30 năm trở lại đây ) nhưng chơi rất sòng phẳng và dựa trên quan hệ kinh tế là chủ yếu còn một bên thì luôn khoe khoang là bạn chí cốt trong khi luôn đâm sau lưng. Với tôi, tôi sẽ không bao giờ chơi với thứ bạn như thế. Vid, HCMC Việc tẩy chay hàng và người TQ thì không khó nhưng thử xem các kênh truyền hình toàn phim TQ. Ai là người đem tư tưởng TQ về với VN? Tu Viet My Vấn đề không mua hàng TQ cũng không phải dễ. Tôi đứng tại shop để quyết định mua cái Plasma 127cm nào. Cái của Nhật giá gần gấp đôi cái của TQ mặc dù cùng một hãng và cùng specification. Vợ tôi nói “nếu anh không cảm thấy an lòng mua đồ TQ (và Thái Lan) thì mua đồ Nhật vì anh phải ngắm nó mỗi ngày”. Tôi không suy nghĩ nữa và trả thêm 1500 đô để lấy cái đồ Nhật. Tôi cũng biết rằng nhiều người trong trường hợp như tôi sẽ mua đồ TQ vì quá rẻ. Hai Tại sao Trung Quốc lại cho mình quyền can thiệp dến việc làm ăn của nước khác? Chính phủ Việt Nam đã làm gì khi chủ quyền bị vi phạm một cách nghiêm trọng như vậy? Martin, Sài Gòn Tôi đồng ý với Huy Phan, San Jose. Đừng xem chuyến thăm của ông Dũng là điều thừa nhận của Mỹ, mà hãy có những động thái cụ thể từ phía Ban bí thư của Bộ chính trị để Trung Hoa Dân Quốc thấy rõ tinh thần Việt. Và tôi mong rằng Bộ chính trị cũng cho người Việt thể hiện rõ chủ quyền non sông gấm vóc của họ bằng tinh thần phản đối thay cho sự im lặng của Hà nội hiện nay. Trinh Minh, Hanoi Phải nói rằng,việc tẩy chay không dùng hàng Trung Quốc là không thể, 70% hàng tiêu dùng ở Hà Nội là Trung Quốc. Chuyện Trung Quốc thâm độc, tham lam, lấy mạnh hiếp yếu là rõ ràng rồi. Nhưng cái khó là so với Trung Quốc Việt Nam cái gì cũng yếu hơn bộn bề, chỉ một động thái nhỏ của TQ cũng làm ảnh hưởng đến nền kinh tế VN, vì thế VN đã và đang phải nhượng bộ rất nhiều. Cách duy nhất là chúng ta hãy đoàn kết lại, đưa dân tộc ta mạnh mẽ hơn đủ để đương đầu với TQ. Cam Ranh, Sài Gòn Dư luận thế giới ư? Liên hiệp quốc ư? Hoa kỳ ư? Họ chỉ thể hiện rõ sự quan tâm khi nước này chiếm thủ đô của nước kia thôi, chứ còn xung đột trong các vùng đang tranh chấp thì chẳng ai quan tâm đâu. Nhân dân ta, chính quyền ta, quân đội ta có ai sợ Trung quốc đâu mà các bạn cứ buộc tội người này, người nọ( các bạn phải biết rằng các bài huấn luyện trong quân đội hiện nay đều lấy quân đội Trung quốc là đối tượng tác chiến chính, chứ không phải là quân đội Hoa kỳ đâu nhé), có điều, chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng mà thôi. Bản thân tôi nghĩ không có nước nào thực sự là chủ của cả quần đảo Trường sa - đó là một thực tế vì có tới 6 nước tuyên bố chủ quyền, nếu khai thác một mình thì không nước này thì cũng là nước khác phản đối thôi - Vì vậy cách tốt nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp là cùng hợp tác khai thác, chia sản phẩm qua đàm phán, các bên cùng có lợi.Lúc đó ta vẫn giữ được đảo mà còn có thể tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nam, Nghệ An Tôi nghĩ rằng VN cần phải có lập trường cứng rắn về lãnh thổ vì cha ông ta đã hy sinh rất nhiều để đấu tranh gìn giữ đất nước nhưng khi chọn bạn để chơi cần phải thận trọng. Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế và tiềm lực quân sự đang dần tiến đến giai đoạn cường quốc mạnh nhất thế giới. Nếu chúng ta thân thiện với Mỹ quá chẳng khác gì Cu ba thân Nga. Theo tôi Việt Nam ta chỉ nên thân với các nước Tây Âu thì tốt hơn. Hai Nguyen, HCMC Trung Quốc lấy quyền gì mà tham dự vào việc làm ăn của Việt Nam, nội chuyện này không đã thấy TQ vi phạm quy chế của WTO rồi. Nếu TQ phản đối thì phải có bằng chứng chủ quyền về lô dầu mà VN dự định cùng Exxon hợp tác khai thác. Đề nghị anh em trong và ngoài nước tiến hành biểu tình chống, tẩy chay hàng và người Trung Quốc. Someone, SG Chính Phủ VN cần tỏ thái độ cứng rắn hơn với Tàu. Tăng cường quan hệ với Mỹ. CSVN hãy hành động vì quyền lợi của dân tộc; Đồng ý cho Mỹ đặt căn cứ QS ở Cam Ranh mới có thể kìm chế bớt tham vọng của Tàu. Huy Phan, San Jose Tôi tiên đoán là ExxonMobil sẽ rút lui như BP đã từng rút lui thôi, vì một công ty dầu khí làm điều gì cũng dựa trên lợi nhuận, họ chẳng dại gì mua lấy phiền toái sau này. Cái câu ông Bush nói" Mỹ ủng hộ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", chỉ là câu ngoại giao thôi. Chừng nào ông ấy nói rõ ràng như:"Trung Quốc mà đánh VN vì muốn chiếm lãnh thổ thì quân đội Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp" thì các bạn có thể mừng. Nhưng nên học bài học hứa cuội của tổng thống Nixon năm 72 với ông Thiệu thì rõ: " Ngài hãy ký vào hiệp định Paris ngay đi mà không nên chần chừ, nếu bộ đội Bắc Việt vi phạm hiệp định thì chúng tôi sẽ dùng không lực can thiệp". Ẩn danh, TP HCM Mỗi người Việt Nam đều có lòng yêu nước sâu sắc, quan trọng là Bộ Chính Trị thôi vì không chỉ có mình ông Dũng. Riêng tôi đã từng qua quân ngũ và sẵn sàng xả thân vì non sông Việt Nam nếu có lệnh tổng động viên. Công Vinh, SG Việc TQ phản đối là điều dễ hiểu vì họ luôn có âm mưu ngấm ngầm và tham vọng thôn tín thêm các phần lãnh hải với cớ là vùng đang tranh chấp. Tuy nhiên, nếu Việt Nam thật sự có bản lĩnh, khẳng định được chủ quyền thì nên mạnh dạn phản ứng và tích cực đàm phán để thuyết phục ExxonMobil thực hiện dự án. Nếu chần chừ và đình hoãn thì những vùng biển vốn VN vẫn thường công bố chủ quyền mãi mãi là hư vô. Đến một ngày nào đó phù hợp, TQ lại thực hiện lại chiêu thức như đã làm đối với Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa vừa qua. Minh, HN Mỗi người nên biểu thị thái độ bằng cách không dùng hàng TQ. Hàng TQ thường là hàng dỏm, nhưng ngay cả có tốt và rẻ cũng không nên dùng. Bằng cách không dùng hàng TQ và tuyên truyền (miệng và mạng) không dùng hàng TQ, chúng ta góp một phần nhỏ để cảnh cáo kẻ cậy khỏe bắt nạt yếu. Kevin Thach Thật mừng khi thấy Mỹ đã có những sự công nhận thuận lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta chỉ là con "tốt" trên ván cờ do Trung Quốc, Mỹ chơi thôi. Ngày đó, nếu không có sự đồng ý của Mỹ thì chúng ta đã không mất Hoàng Sa. Đừng bảo rằng việc mất Hoàng Sa là do Phạm Văn Đồng bán nước. Hãy nhìn lại lịch sử, Phan Thanh Giản phải "bán nước" để cứu dân. Hãy nhớ rằng "bọn đồng chí phương Bắc" đã dòm ngó đất nước từ ngàn năm nay. Dẫu sao, "giặc Mỹ" cũng để mắt đến "vùng Vịnh 2" của chúng ta thì cũng đỡ lo hơn các "bác Hồ khác cha khác mẹ ở Beijing". Minh Vy Trong thời nhạy cảm hiện nay việc xích gần lại với Hoa Kỳ là thượng sách vì quyền lợi của đôi bên. Cũng nên nhắc lại hơn 1000 năm nay giặc Tàu lúc nào cũng rình rập và muốn thôn tính nước ta cả chứ không đơn thuần là bạn thời nối khố mà suy nghĩ đó chắc sẽ còn mãi. Maida Nụ hôn của 2 ngài Tổng Bí Thư 2 đảng CS “anh em” VN-TQ vừa xảy ra cách đây không lâu tại Bắc Kinh trong lúc ông Thủ Tướng VN kỳ kèo và bắt tay Tổng Thống Bush để có thêm mấy chữ “Hoa Kỳ tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ VN”, tưởng thế là được yên, nhưng ngó vậy mà không phải vậy! Hồng Quốc Việt Nam hợp tác với ExxonMobil là để khai thác dầu hỏa chứ không phải để...tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc! Nhưng khi Trung Quốc lên tiếng về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và gây áp lực với đối tác của mình thì Hà Nội lại ngậm miệng! Hành động này của Hà Nội chẳng khác nào "mang con bỏ chợ". ExxonMobil nên rút kinh nghiệm khi hợp tác với VN nhé. Các bạn cũng thấy là anh Trung Cộng hàm hồ đến cỡ nào. Tommy Ngoài chuyện tranh chấp Biển Đông, khu vực xung quanh VN dạo gần đây cũng có nhiều cuộc tranh chấp. Thái Lan và Campuchia tranh chấp ngôi đền mà cả hai cùng chuyển quân đến khu vực biên giới, rồi Campuchia đem sự việc ra ASEAN mổ xẻ. Nhật và Hàn Quốc cùng tranh chấp một hòn đảo mà phía Hàn Quốc “cương” tới cùng bằng những kế hoạch tập trận trên biển sắp tới… Còn VN thì sao? Không biết mấy ông lãnh đạo VN nghĩ gì khi để TQ ngang nhiên như vậy. Dẫu biết rằng nước VN ta nhỏ, yếu thế. Nhưng không vì thế mà ta lại sợ TQ. Lịch sử 4000 năm nay đã chứng minh một điều rằng quân phương Bắc luôn thảm bại dưới tay người Việt ta, nếu như lòng yêu nước được khơi dậy trong mỗi trái tim người Việt. Ý kiến 1 Lạ ghê, sao TQ không phản đối thẳng với chính quyền VN nhỉ, hay họ coi Đảng CS VN không có trọng lượng. Nếu Exxon chịu lép vế vì lợi nhuận với TQ quan trọng hơn chẳng hạn thì VN XHCN cũng phải chịu thiệt. Samuel Nguyen, TP HCM Qua sự việc trên có thể thấy Việt Nam đã biết cách chơi để không bị Trung Quốc cô lập o ép như truớc đây, sự năng động của chính phủ VN là rất đáng hoan nghênh và cần thiết trong lúc này! Long Biên, VN Chuyến thăm Hoa Kỳ của thủ tướng Dũng được coi là thành công vì không chỉ thuận lợi cho việc phát triển kinh tế mà còn là sự cố gắng tạo đối trọng với Trung Quốc. Việc thăm và kết thân với Hoa Kỳ đã làm TQ phải suy nghĩ nhiều rồi thì việc hợp tác khai thác dầu khí trên vùng biển nhạy cảm làm sao TQ đồng ý cơ chứ. Đây cũng là cách bày tỏ lập trường về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ của TQ. Mình là nước nhỏ phải lựa mà sống thôi. Quan điểm của tôi là VN cần phải tăng cường hơn nữa quan hệ với Hoa kỳ về mọi mặt, kể cả việc là Đồng minh của Hoa kỳ. Chứ TQ chắc không bao giờ bỏ được suy nghĩ Việt Nam đã và sẽ là chư hầu đâu. Trừ khi Việt Nam có đủ thực lực về kinh tế và Quân sự ( Đài loan mà TQ đã thống nhất được đâu). Thời buổi này phải chọn bạn mà chơi. Minh, SG Tôi nghĩ lần này thì ExxonMobil sẽ không bỏ cuộc đâu bởi vì trong chuyến thăm vừa rồi của thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, tổng thống Bush đã gián tiếp cảnh cáo Trung Quốc rồi, khi tuyên bố:" Mỹ ủng hộ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam". Một động thái cho thấy Việt Nam và Mỹ đang xích lại gần nhau. |
Wednesday, July 23, 2008
22/07 Trung Quốc xác nhận đã ép Exxon
Labels:
Backinh,
BBC,
Biển Đông,
China Hegemony,
conflicts,
Exxon Mobil,
Nguyen Tan Dung,
PetroVietnam,
Philippines,
Vietnam-China
Subscribe to:
Posts (Atom)