Saturday, September 24, 2011

24/09 Việt Nam có thể học hỏi Malaysia phát triển kinh tế

24/09/2011 | 19:42:00



Theo Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao. (Nguồn: VTC)
Phóng viên TTXVN thường trú tại Kuala Lumpur đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao về tổng thể quan hệ Việt Nam-Malaysia và những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới.

Cuộc trao đổi diễn ra trước thềm chuyến thăm chính thức Malaysia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo lời mời của Quốc vương Malaysia Tuanku Mizan Zainal Abidin Billah Shah từ ngày 28-30/9.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Singapore và Malaysia lần này là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên sau khi ông được bầu giữ cương vị này, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng với các nước ASEAN.

Chuyến thăm đồng thời khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Malaysia trên bình diện song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực cũng như quốc tế và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Đại sứ nhấn mạnh trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Malaysia đã được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực cả song phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN.

Hai nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm nhà nước, ký kết nhiều hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao, công nghệ thông tin, dầu khí và lao động.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Chính phủ Malaysia đã thực hiện chính sách kinh tế mới, tự do hóa kinh tế, khuyến khích tư nhân tham gia phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp thay thế nhập khẩu và chế biến hàng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, quản lý xã hội và kinh tế bằng luật pháp. Nhờ đó, tỷ lệ người nghèo giảm từ 50% khi độc lập đến nay xuống còn 3,5%.

Chính sách định hướng thị trường xuất khẩu rất nhanh chóng và nhạy bén giúp Malaysia luôn ổn định thị trường trước các biến động của kinh tế thế giới, không phụ thuộc nhiều vào các thị trường truyền thống. Malaysia đã trở thành một trong mười nước xuất khẩu hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 200 tỷ USD trở lên.

Chính phủ Malaysia được đánh giá đã thành công trong việc thực hiện chính sách một cửa nhằm thu hút đầu tư và chủ trương “Một Malaysia, nhân dân là trên hết và thu nhập là hàng đầu.”

Năm 2010 Malaysia công bố chương trình cải cách kinh tế mới với tầm nhìn 2020 đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển với thu nhập bình quân đầu người là 15.000 USD, gấp đôi hiện nay.

Malaysia có nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế mà Việt Nam có thể học hỏi được như xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp điện tử và công nghiệp thực phẩm.

Việt Nam và Malaysia là những đối tác thương mại quan trọng của nhau. Kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2010 đạt 5,5 tỷ USD (so với 1,8 tỷ USD trong năm 2004).

Trong ASEAN, Việt Nam là bạn hàng nhập khẩu thứ năm của Malaysia, trong khi đối với Việt Nam, Malaysia là đối tác thương mại thứ 10 trên thế giới và thứ hai trong ASEAN.

Tính đến ngày 23/2, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ năm trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam (chỉ sau Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản), với 364 dự án và tổng vốn đầu tư lên tới 18,78 tỷ USD.

Các doanh nghiệp của Malaysia đều hài lòng về môi trường đầu tư và muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Malaysia, ngày 27/9, sẽ tổ chức Hội thảo về cơ hội hợp tác giao thương giữa hai nước trong ngành thực phẩm Halal (thực phẩm được sản xuất theo luật Hồi giáo), nhằm giúp Việt Nam có thể khai thác không chỉ thị trường Malaysia mà còn cả thị trường Trung Đông.

Trong quan hệ quốc phòng, Việt Nam và Malaysia tích cực thúc đẩy việc triển khai thực hiện các nội dung trong Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác quốc phòng đã được ký kết hồi tháng 8.2008 nhân chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Hai nước đồng ý thành lập Ủy ban hỗn hợp để thực hiện MOU này nhằm tăng cường công tác tuần tra chung và ngăn chặn hoạt động trái phép trên biển.

Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Malaysia đã nhất trí về nội dung soạn thảo văn bản và tiến tới ký kết MOU về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trong thời gian tới tại Hà Nội.

Hai nước đã chủ động hợp tác lập hồ sơ chung về ranh giới ngoài thềm lục địa ở Biển Đông trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc ngày 7/5/2009, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của các nước thành viên Công ước Luật biển, góp phần ổn định, hòa bình, hữu nghị trên Biển Đông.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, dầu khí, cũng không ngừng được phát triển. Hiện có khoảng 1.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Malaysia.

Việt Nam đã phối hợp với Malaysia tổ chức nhiều chương trình xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa, tuy nhiên chưa thật sự khai thác hết tiềm năng. Năm 2010, lượng khách du lịch Malaysia vào Việt Nam đạt khoảng 210.000 lượt người.

Trong lĩnh vực hợp tác dầu khí, PetroVietnam cũng đang tham gia một số hoạt động liên kết với Petronas, thâm nhập thị trường cung cấp dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí đầy tiềm năng của Malaysia, đồng thời đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết với các đối tác để thực hiện chiến lược phát triển thị trường cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí ra nước ngoài.

Hiện Hãng hàng không quốc gia VietnamAirlines đang thực hiện hai đường bay thẳng giữa Thành phố Hồ Chí Minh-Kuala Lumpur và Hà Nội-Kuala Lumpur, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao giữa hai nước.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao còn cho biết hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia trong lĩnh vực lao động phát triển tốt, và đã góp phần giải quyết được phần nào về nhu cầu công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam.

Kể từ khi ký kết MOU về hợp tác lao động giữa hai nước vào tháng 12/2003, đã có khoảng 200.000 lượt người lao động sang làm việc tại Malaysia. Đây là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ ba của ta và tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, phù hợp với chính sách và mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.

Hầu hết các doanh nghiệp Malaysia đều thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động được quy định theo hợp đồng. Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ chưa thực hiện đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam đã rất tích cực đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động, bảo đảm các hợp đồng lao động được thẩm định có mức lương trên tối thiểu, giảm bớt các vi phạm.

Theo con số thống kê mới nhất được công bố sau khi kết thúc giai đoạn đăng ký trình diện lấy dấu vân tay của Chương trình ân xá 6P nhằm quản lý lao động nước ngoài của Chính phủ Malaysia, Việt Nam hiện có 53.869 lao động đang làm việc tại Malaysia.

Lao động Việt Nam được đánh giá là chăm chỉ, tiếp thu nhanh, khéo léo, cần cù, tuy nhiên, ý thức tổ chức kỷ luật của một số người còn yếu, một số nam công nhân hay uống rượu bia, gây gổ đánh nhau, bỏ việc phá hợp đồng.

Trong giai đoạn 2012-2015, Malaysia sẽ triển khai nhiều dự án tầm quốc gia, nhu cầu lao động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác cây công nghiệp sẽ tăng cao.

Theo Đại sứ, muốn cho hợp tác lao động giữa hai nước tiếp tục phát triển và duy trì được thị trường lao động Malaysia, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt với lao động các nước Bangladesh, Indonesia, Philippines…, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng, cũng như ý thức của người lao động, cần có thông tin tuyên truyền tốt về thị trường lao động Malaysia cho người lao động hiểu, yên tâm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có chương trình đào tạo, giúp đỡ người lao động hiểu biết về văn hóa, kỷ luật lao động, luật pháp và sinh hoạt tại Malaysia trước khi sang.

Công tác quản l‎ý nhà nước về xuất khẩu lao động phải được tăng cường ngay từ trong nước, tránh việc một số doanh nghiệp không giấy phép, lợi dụng chính sách nhà nước đưa người lao động sang thu lợi bất chính, bỏ rơi người lao động.

Đại sứ quán đang phối hợp, yêu cầu phía bạn phối hợp ngăn chặn các tổ chức phản động thâm nhập cộng đồng lao động Việt Nam lợi dụng người lao động, tuyên truyền chống phá chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết thêm mới đây ông vừa đi thăm một số nhà máy có nhiều lao động Việt Nam làm việc, tại đó ông đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ những khó khăn với anh chị em công nhân khi phải sống xa quê hương.

Phần lớn anh chị em đều hài lòng với cuộc sống lao động và sinh hoạt tại đây. Tại Tổng công ty Recron nơi có hàng nghìn lao động Việt Nam đang làm việc, Đại sứ đã trực tiếp tổ chức đại diện công nhân gặp ban lãnh đạo nhà máy để tăng cường hiểu biết và thông cảm giữa chủ lao động và công nhân, cùng hợp tác và giải quyết hòa bình các tranh chấp lao động nếu có.

Đại sứ cũng nhắc nhở lao động Việt Nam cần phải nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tuân thủ luật pháp của bạn để không chỉ lấy được lòng tin của các chủ lao động mà còn luôn giữ được hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè, đồng thời góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Malaysia.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh để củng cố và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong tương lai, hai bên cần phải thúc đẩy việc triển khai thêm một bước nữa Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện song phương trong Thế kỷ 21, đồng thời cùng hợp tác thực hiện Hiến chương ASEAN, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Hai bên cần phải tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác hiện tại đồng thời mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác khai thác chung và tuần tra chung trên biển./.
Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

24/09 Đại sứ Việt Nam khảo sát tỉnh biên giới Argentina

24/09/2011 | 19:26:00


Vị trí tỉnh Misiones trên bản đồ Argentina. (Nguồn: Internet)
Nhận lời mời của Chủ tịch Nhóm nghị sỹ Argentina hữu nghị với Việt Nam, Julia Perié, Đại sứ Việt Nam tại Argentina, Nguyễn Văn Đào mới đây đã có chuyến thăm tới tỉnh Misiones, miền Đông Bắc Argentina giáp giới Brazil và Paraguay, nhằm tìm hiểu khả năng phát triển quan hệ với địa phương ngã ba biên giới quan trọng này.

Phát biểu tại buổi họp báo chung với nghị sỹ Julia Perié, Đại sứ Nguyễn Văn Đào đã giới thiệu sơ lược những đặc điểm kinh tế và chính sách phát triển của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh thời điểm quan hệ hai nước có bước phát triển tốt đẹp cùng nhiều thỏa thuận khung đã ký kết chính là cơ hội để thực hiện các dự án hợp tác cụ thể.

Về phần mình, trả lời phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, nghị sỹ Perié khẳng định lòng cảm mến và khâm phục của người dân Argentina nói chung và tỉnh Misiones nói riêng đối với quá trình đấu tranh và vươn lên của nhân dân Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng về khả năng Việt Nam sẽ khai thác thành công các lợi thế của Misiones như sản xuất gỗ, chè matê và du lịch...

Thị trưởng thành phố Posadas - thủ phủ tỉnh Misiones, ông Orlando Franco, cũng đã có buổi tiếp chính thức Đại sứ Nguyễn Văn Đào và trình bày những thế mạnh, nhu cầu phát triển của Misiones đồng thời cam kết ủng hộ các dự án của Việt Nam vào địa phương này, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu nguyên liệu và trao đổi văn hóa.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đại sứ Nguyễn Văn Đào cũng đã gặp mặt và trò chuyện thân mật với cộng đồng người Việt tại Misiones, nơi có số lượng kiều bào Việt Nam sinh sống đông đảo nhất trong các địa phương của Argentina./.
(TTXVN/Vietnam+)

24/09 TTCK Việt Nam: Cơ hội đầu tư “3 trong 1”


Chỉ với một chứng khoán, NĐT có thể sở hữu đồng thời những giá trị sau: thị giá thấp trong khi giá trị thực rất tốt, tăng trưởng cao và tỷ lệ cổ tức trên thị giá trên mức trung bình. Hiện tượng “3 trong 1” này cực kỳ hy hữu trong những thị trường mới nổi.

24/09 Chuyên gia kinh tế “phê” kế hoạch 5 năm

NGUYÊN THẢO
24/09/2011 10:11 (GMT+7)
pictureHội thảo về kinh tế vĩ mô đã đề cập nhiều vấn đề của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm tới - Ảnh: CTV.
Mặc dù Chính phủ đã “lùi” mức tăng trưởng 5 năm tới xuống 6,5% (thấp hơn chỉ tiêu được thông qua tại Đại hội Đảng 11) song đa số các chuyên gia được hỏi ý kiến trong một cuộc họp với Chính phủ gần đây đã đề nghị chỉ nên để mức 6%.


Đây là thông tin được nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ tại hội thảo về kinh tế vĩ mô, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM ngày 23/9 vừa qua.


Một trong những mục tiêu của hội thảo này là đóng góp ý kiến cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011- 2015, trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ hai tới đây.

24/09 Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế

20:19 | 24/09/2011
Ngày 24.9, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể thứ 2 dưới sự chủ trì của Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.
Tại phiên họp lần này, Ủy ban Kinh tế xem xét, cho ý kiến về Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2011, phương hướng, nhiệm vụ năm 2012 và Báo cáo về Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2011- 2015; Báo cáo về Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2015 và Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2015; Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi; Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011, mặc dù kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã đạt một số kết quả tích cực: tốc độ tăng giá đang có xu hướng giảm dần, dự kiến cả năm ở mức 18%; thu ngân sách tăng cao, ước đạt 674,5 nghìn tỷ đồng; bội chi giảm xuống khoảng 4,9% GDP; tốc độ tăng xuất khẩu tăng gấp gần 2,5 lần kế hoạch, nhập siêu giảm... Ước tăng trưởng kinh tế 2011 đạt 5,8 - 6%. Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức cao, một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thị trường bất động sản và chứng khoán giảm sút... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2012 và cho biết, trong điều hành dự kiến lựa chọn theo kịch bản 2 là tăng trưởng 6% để chủ động xử lý tình huống. Theo kịch bản này, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%; bội chi bằng 4,8% GDP; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33,5% GDP; nhập siêu khoảng 13,6 tỷ USD...
Về kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2011- 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu tổng quát là: ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; giữ vững ổn định chính trị; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự an toàn xã hội... Ở kịch bản 1, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 7%/năm; ở kịch bản 2, dự kiến tăng trưởng khoảng 6,5%. Trong giai đoạn này sẽ triển khai 3 đột phá lớn: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ...   
Tại Phiên họp, Chính phủ cũng đã có Tờ trình về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011- 2015 cấp quốc gia. Theo đó, trình QH quyết định chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020, cụ thể: đất nông nghiệp của cả nước đến năm 2020 là 26.732 nghìn ha, tăng 506 nghìn ha so với năm 2010 (trong đó, đất trồng lúa là 3.812 nghìn ha, giảm 308 nghìn ha so với năm 2010; đất lâm nghiệp đạt 16.245 nghìn ha, bảo đảm độ che phủ đạt 45%); đất phi nông nghiệp đạt 4.880 nghìn ha (trong đó, đất khu công nghiệp 200 nghìn ha, đất phát triển hạ tầng 1.578 nghìn ha); đất chưa đưa vào sử dụng còn lại khoảng 1.483 nghìn ha. 
H. Loan

24/09 China's Rare Earth Export Cutbacks Raise Alarms

China's Rare Earth Export Cutbacks Raise Alarms
Kristin Lewotsky

 

----- Forwarded Message -----
From: binh nguyen <binh_nguyen98@yahoo.com>
To: Binh Nguyen <binh_nguyen98@yahoo.com>
Sent: Saturday, September 24, 2011 3:05 AM
Subject: [CLBcSVVNtNB] China's Rare Earth Export Cutbacks Raise Alarms



VN là khu vực có khả năng có nhiều loại đất hiếm với trữ lượng lớn, và có giá trị cao .
NT Bình

24/09 Người anh hùng làng chài - Kỳ cuối: Sống trong lòng dân


Thứ Bảy, 24/09/2011, 04:11 (GMT+7)

TT - 1.Ông Bùi Văn Thạnh, nguyên giám đốc Sở Văn - hóa thông tin tỉnh Kiên Giang, trong một bài viết về vụ Nguyễn Trung Trực đã bày tỏ niềm tin vào truyền ngôn về những ngày cuối cùng của cụ ở Phú Quốc: “Gặp phải lúc gian nguy, khó lòng địch nổi với giặc, cụ Nguyễn gom mọi người lại bảo: Ta tổ chức mọi người đi đánh giặc, giờ ta cho phép mọi người được tự do về với gia đình, còn ta quyết sống chết với quân thù một trận cuối cùng.
Ta không thể vì lý do gì mà đầu hàng quân giặc, ai cùng lòng với ta thì hãy xách gươm đứng dậy, chúng ta đi”. Số nghĩa quân còn khỏe mạnh sau trận ác chiến ở bến đồn không quá 20 người, tất cả cùng đi với cụ. Trong trận chiến đấu này cụ tả xung hữu đột, chặt biết bao đầu giặc, cuối cùng cụ bị thương nặng, bất tỉnh, bị giặc bắt...”.
Lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá là ngày hội lớn của người dân miền Tây - nh: Tấn Thái
Trong khi đó ông Trần Lam, người cũng từng là giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Kiên Giang, trước khi về làm phó chủ tịch tỉnh, có cách lý giải khác: Khi đối phương dùng thủ đoạn bắt, giết hại dần những người dân Phú Quốc để buộc cụ xuất hiện, cụ Nguyễn Trung Trực đã chủ động ra đối mặt với kẻ thù. Đối mặt chứ không phải “nạp mình”, không phải “ra hàng” để cầu sự sống cho riêng mình.
Đó là thái độ của người quân tử, dám chịu trách nhiệm, dám đối mặt với kẻ thù để dùng cái chết của mình khích lệ tinh thần nhân dân. Những câu nói bất hủ của cụ khi đối mặt với kẻ thù ở khám lớn Sài Gòn, thái độ hiên ngang của cụ khi ra pháp trường ở Rạch Giá chẳng phải đã chứng minh cụ đã thắng kẻ thù trong trận chiến cuối cùng đó sao!
Một nhà nghiên cứu lịch sử ở Kiên Giang khi nghe chuyện này đã nói: “Nghĩ kỹ hai cách nhìn khác nhau, nhưng cùng xuất phát từ tình cảm hậu thế dành cho người anh hùng: chỉ biết kính phục, chỉ biết ngợi ca, chỉ biết noi gương ông”.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, ngoài đình Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá) là nơi tổ chức cúng giỗ quy mô lớn nhất vào ba ngày (26 đến 28-8 âm lịch), tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cũng có nhiều đình, đền thờ tổ chức cúng giỗ cụ Nguyễn Trung Trực, nhưng vào các ngày 12-9 và 16 đến 17-10 (âm lịch). Việc cúng giỗ khác ngày vì các nơi chưa thống nhất ngày ông mất theo âm lịch (ngoại trừ 10-3 là ngày ông ra đi cứu nước).
2. Trung tâm TP Rạch Giá có tượng đài Nguyễn Trung Trực và công viên mang tên cụ. Lúc 4-5 giờ sáng, mấy ông bà lão đến dâng hương trước khi đi thể dục. Các chị bán hàng ở đường Duy Tân, Huỳnh Tịnh Của, Đinh Tiên Hoàng, Hùng Vương... dù bận cỡ nào cũng ghé qua bày đĩa trái cây, cắm mấy cành hoa tươi trước khi dọn hàng. “Sắp tới giỗ cụ rồi, tui tính chiều nay về sớm vô đình coi đồ ăn, thức uống cái gì còn thiếu để góp thêm một tay cùng bà con” - chị Hoa, bán trái cây bên Trung tâm thương mại Rạch Giá, nói.
Nắng lên, khách du lịch, vãng lai ngày một đông, xếp thành vòng cung trước bàn thờ khói hương nghi ngút. Trưa, mấy chiếc xe 15, 24 chỗ mang biển số nhiều nơi trong mọi miền đất nước đến đỗ ở đầu công viên, thả khách lên viếng cụ. Cứ thế hôm nào cũng vậy, từ rạng sáng tới 20-21g đêm không lúc nào ngớt người đến viếng, thành kính dâng hương trước tượng đài cụ.
Cách đó non cây số, cạnh trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang, đình Nguyễn Trung Trực còn rộn rịp gấp mấy lần. Theo các kỳ lão trong ban bảo vệ đình, ngôi đình này có trước năm 1852, ban đầu thờ Nam Hải đại tướng quân (cá voi). Khi cụ Nguyễn Trung Trực hi sinh, trong tình thế bị Pháp khủng bố, ngăn cấm, người dân không thể thờ công khai nên đã lén đưa linh vị ông vào thờ cùng thần Nam Hải.
Một chi tiết thú vị là trong khi Pháp ra sức trấn áp các cuộc khởi nghĩa và lòng dân tưởng nhớ cụ Nguyễn, có một viên chức người Pháp tên là Le Nestour làm việc tại Sở Thương chánh tỉnh Rạch Giá, đóng gần đình Nam Hải, tỏ ra rất mến mộ cụ Nguyễn Trung Trực. Năm 1881, khi nghe ban hương chức làng bàn định việc xây dựng lại ngôi đình để thờ Nguyễn Trung Trực và thần Nam Hải, Le Nestour liền hưởng ứng bằng cách đóng góp nhiều tài vật và tham gia ban xây dựng đình. Đến năm 1964, đình được đại tu xây dựng lần thứ hai và chính thức lấy tên “Đình thờ Nguyễn Trung Trực”.
Lần này có hai người mang họ Nguyễn là kiến trúc sư tài ba Nguyễn Văn Lợi và thầu khoán Nguyễn Văn Vui vì kính phục cụ Nguyễn mà bỏ công sức vô góp với dân. Về sau đình không chỉ thờ tự vị anh hùng dân tộc, mà còn tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở các tỉnh miền Tây. Từ sáng đến đêm, đình không lúc nào ngớt người đến dâng hương và trị bệnh.
3. Mấy hôm nay ông Bùi Văn Thành (Ba Thành, trưởng tiểu ban y tế - xã hội, ban bảo vệ đình Nguyễn Trung Trực) tất bật lo việc tiếp nhận củi, gạo, rau quả, đậu hũ do người dân các nơi mang đến chuẩn bị các buổi cơm chay phục vụ khách thập phương trong ba ngày lễ (23 đến 25-9). “Năm ngoái bà con mang tới 71.200kg gạo, 229.660kg rau quả các loại, 7.012kg đậu nành, 1.250 cây nước đá, 1.352m2 củi, 300 bao trấu... Nhờ đó đã có đủ thực phẩm làm cơm tiếp đãi hơn 700.000 lượt khách đến dâng hương cụ Nguyễn” - ông Ba Thành cho hay.
Đáng chú ý nhất là xưa nay lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực đều do nhân dân đóng góp và tổ chức. Tất cả là sản phẩm “cây nhà lá vườn”, ai có gì mang nấy. Hôm chúng tôi đến, còn hơn tuần nữa mới vào chính giỗ, đã thấy mấy gia đình từ Ba Thê (xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang) chạy ghe cả nửa ngày đường, mang theo giạ gạo và mấy mụt măng vừa xắn trong vườn sang góp vào bếp ăn của đình. Một học sinh mặc đồng phục Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá) chở đến bao đậu nành to bằng cái cặp, thưa: “Mẹ con gửi cúng ông cố”, rồi đạp xe đi vội... Người này đi, người khác tới, kho thực phẩm dành cho ngày giỗ cụ Nguyễn cứ đầy dần lên.
Dù ai buôn bán gần xa
Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta cứ về
Hằng năm, mấy trăm ngàn lượt người tựu về trong ba ngày lễ mà không phải lo chi chỗ ăn, chỗ ở. Ăn thì đã có gần 5.000 công quả (người phục vụ trong đình) lo. Ở thì cứ mái hiên, sân đình, hoặc ngay trên ghe đậu ở sông Kiên và mé biển Rạch Giá - nơi ngày xưa cụ Nguyễn hội quân tập kích Kiên Giang thành. Có thể nhiều người không quá khó khăn để tìm cho mình một bữa ăn, một chỗ nghỉ tốt hơn ở chợ Rạch Giá. Nhưng mọi người đến với cụ Nguyễn là đến bằng tấm lòng, ví như ở xa lâu ngày mới về thăm viếng ông bà mình vậy, nên không ai muốn phải rời xa phạm vi ngôi đình thờ tự cụ.
“Bây giờ ở miền Tây rất nhiều gia đình treo ảnh cụ Nguyễn Trung Trực cạnh bàn thờ gia tiên, coi cụ như một thành viên cửu huyền thất tổ của mình. Trong tâm thức của nhiều người, cụ đã hóa thần, vị thần luôn phù trợ, mang đến điều lành cho mọi người” - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang) nói. Cụ đã chính là một phần trong tâm thức của người Việt vậy!
TẤN ĐỨC
__________
Tin bài liên quan: