Sunday, July 10, 2011

10/07 Ban Chấp hành Trung ương thông qua chương trình khóa XI

10/07 Tiếp tục hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự cấp cao


picture
Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc sau một tuần làm việc.
▪  NGUYỄN VŨ
13:17 (GMT+7) - Chủ Nhật, 10/7/2011

Theo tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, sau 1 tuần làm việc, Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. 

Phát biểu bế mạc Hội nghị sáng 10/7, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, về chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Trung ương đã thảo luận và đi đến thống nhất đưa vào chương trình toàn khoá 24 nhóm vấn đề quan trọng và cần thiết nhất nhằm tập trung thực hiện yêu cầu của Đại hội XI của Đảng.

So với dự thảo, Trung ương đã điều chỉnh tên, phạm vi nội dung, thời gian trình một số đề án và bổ sung vào chương trình 3 nhóm vấn đề: Quy định việc thi hành Điều lệ Đảng; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá X về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, cần ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, nhất là ở cấp chiến lược; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng… coi đây là điểm nhấn của nhiệm kỳ khoá XI.

Về triển khai nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn và phương pháp, phương châm tiến hành.

Tại hội nghị này, việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Nhà nước cũng đã được Ban Chấp hành Trung ương xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hợp lý nhất trong điều kiện cho phép và đã đạt được sự nhất trí cao.

Căn cứ quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước trình Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ nhất sẽ khai mạc vào ngày 21/7 tới đây, Quốc hội khóa 13 sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác tổ chức, nhân sự.

Dự kiến, sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội vào chiều 23/7, chiều 25/7 Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và ngay chiều hôm sau (26/7) sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ.

10/07 Mỹ sẽ giữ vững sự hiện diện ở biển Ðông

Tổng tham mưu trưởng Mullen tuyên bố tại Trung Quốc
  
BẮC KINH (Reuters, AFP) - Mỹ quyết tâm giữ vững sự hiện diện tại biển Ðông, đồng thời cũng lo ngại tranh chấp về vùng biển nhiều tài nguyên này sẽ dẫn đến giao tranh nặng nề hơn, Ðô Ðốc Mike Mullen, tổng tham mưu trưởng liên quan Mỹ, nói vậy tại Bắc Kinh hôm Chủ Nhật.


Tổng tham mưu trưởng Mỹ, Ðô Ðốc Mike Mullen, chuẩn bị nói chuyện tại đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh hôm Chủ Nhật. Tại một cuộc họp báo, Ðô Ðốc Mullen nói Mỹ “có trách nhiệm lâu dài” trong biển Ðông. (Hình: AP Photo/Ng Han Guan)


“Nỗi lo, trong nhiều nỗi lo khác của tôi, là những biến cố đang diễn ra có thể dẫn tới một tính toán sai lầm và một sự bùng nổ mà không ai tiên liệu trước,” ông nói trong ngày đầu tiên chuyến viếng thăm 4 ngày tới Trung Quốc.
“Chúng tôi có sự hiện diện lâu dài tại đây, chúng tôi có trách nhiệm lâu dài. Chúng tôi muốn ủng hộ mạnh mẽ một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp này,” ông nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Trong những tuần qua, Trung Quốc và Việt Nam, Philippines tranh cãi nhiều lần về những sự việc mà mỗi bên cho là bên kia xâm phạm chủ quyền của mình trong vùng biển Ðông, một vùng huyết mạch cho giao thông hàng hải.
Chuyến đi của Ðô Ðốc Mullen được xem là đáp lễ cho chuyến đi của Tổng Tham Mưu Trưởng Trung Quốc Chen Bingde (Trần Bỉnh Ðức) tới Washington hồi tháng 5.
Hoa Kỳ đã cam kết ủng hộ Philippines trong vùng biển Ðông. Ở vùng biển này, có 6 nước khẳng định chủ quyền, gồm Ðài Loan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam, trong đó Trung Quốc đòi phần lớn nhất, một vùng chữ U (quen gọi là đường lưỡi bò) rộng 1.7 triệu km2 và bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tuy nhiên, cho tới nay, Bắc Kinh chỉ muốn thương thuyết song phương với từng nước một, thay vì thảo luận đa phương với tất cả các bên.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thảo luận về biển Ðông trong cuộc gặp mặt song phương ở Hawaii tháng trước, và đề tài này rất có thể sẽ đứng hàng đầu trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN ở Indonesia sắp tới.
Ngay hôm Thứ Sáu trước khi Ðô Ðốc Mullen tới, báo China Daily tiếng Anh, một tờ báo chính thức của nhà nước Trung Quốc, nói ASEAN không nên chấp nhận sự can thiệp của thế lực bên ngoài vào các cuộc tranh chấp song phương, một lời chỉ trích gián tiếp tới Mỹ vì đã tuyên bố ủng hộ Philippines và đề nghị tập huấn chung với Việt Nam.
Tuy nhiên, Ðô Ðốc Mullen khẳng định Washington sẽ không rời khu vực này.
“Hoa Kỳ sẽ không đi đâu cả. Sự hiện diện lâu dài của chúng tôi trong khu vực đã là điều quan trọng cho đồng minh chúng tôi trong nhiều thập niên và sẽ tiếp tục đóng vai trò đó,” ông nói trong cuộc họp báo.
Chuyến đi của Ðô Ðốc Mullen trùng với một cuộc tập trận chung giữa Hải Quân Mỹ, Nhật và Úc trong biển Ðông, khởi sự hôm Thứ Bảy.

10/07 Mỹ muốn cải thiện "lòng tin chiến lược" với TQ

Cập nhật: 12:40 GMT - chủ nhật, 10 tháng 7, 2011

Đô đốc Mike Mullen (Reuters)
Đây là chuyến thăm đầu tiên trong bốn năm của một Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tới TQ.
Quan chức quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, nhằm mục đích cải thiện quan hệ căng thẳng quân sự giữa hai nước.

Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, cho biết Washington và Bắc Kinh phải cố gắng nhiều hơn nhằm phát triển điều mà ông gọi là "lòng tin chiến lược" giữa hai bên.

Chuyến đi của Đô đốc Mullen là chuyến thăm viếng lần đầu tiên của lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ trong bốn năm.

Hồi năm 2010, Bắc Kinh đã cắt đứt liên lạc quân sự với Washington sau khi Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.

Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

Về phần mình, Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng lo ngại về việc Trung Quốc phát triển khả năng quân sự và về sự "quyết đoán" gia tăng của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

"Hiện diện lâu dài"
Đô đốc Mullen đang ở Trung Quốc trong một chuyến viếng thăm bốn ngày theo lời mời của Tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng Tham mưu Trưởng Quân Giải phóng Nhân dân TQ, người đã tới thăm Hoa Kỳ hồi tháng Năm.

Cả hai vị lãnh đạo quân sự có kế hoạch tổ chức các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh vào ngày thứ Hai.
Một lo lắng, trong số những điều khác của tôi, là các sự cố liên tục có thể làm gây ra một tính toán sai lầm, và một diễn biến bùng nổ không lường trước
Đô đốc Mỹ, Mike Mullen
Trước cuộc họp cao cấp, Đô đốc Mullen cho biết Washington đã cam kết duy trì sự hiện diện của mình tại Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực Biển Đông.

Ông Mullen bày tỏ lo ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam tại khu vực.

"Một lo lắng, trong số những điều khác của tôi, là các sự cố liên tục có thể làm gây ra một tính toán sai lầm, và một diễn biến bùng nổ không lường trước," Đô đốc Mullen nói.

Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi có sự hiện diện lâu dài ở đây, chúng tôi có một trách nhiệm lâu dài. Chúng tôi tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ một giải pháp hòa bình cho những khác biệt."

Sáu quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông, một khu vực được cho là giàu có về dầu mỏ và khí đốt.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh rằng Washington đã cam kết bảo vệ Philippines, tôn vinh một hiệp ước phòng thủ chung.

Tại Trung Quốc, Đô đốc Mullen cũng dự kiến ​​đến thăm lực lượng không quân, quân đội và các căn cứ hải quân của nước này.
Hòa hợp bề ngoài
Trong tháng Năm, Tướng Trần cho biết Trung Quốc không có ý định chạy đua với sức mạnh quân sự của Mỹ.

Ông cho biết lực lượng vũ trang của Mỹ vẫn còn tân tiến hơn so với Trung Quốc mặc dù đã có tiến bộ đáng kể của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Nhưng không nên có các ảo tưởng khi mà sự hòa hợp bề ngoài này chắc chắn đã là tấm mặt nạ che đi những mối căng thẳng tiềm tàng
Jonathan Marcus, phóng viên quốc phòng BBC
Chuyến thăm của Tướng Trần đã được báo chí Trung Quốc theo dõi sát và có cách đưa tin tích cực - một tín hiệu về tầm quan trọng mà các giới chức Trung Quốc đặt lên việc cải thiện mối quan hệ quân sự với Mỹ, theo phóng viên quốc phòng BBC, Jonathan Marcus.

"Nhưng không nên có các ảo tưởng khi mà sự hòa hợp bề ngoài này chắc chắn là tấm mặt nạ che đi những mối căng thẳng tiềm tàng", vẫn theo phóng viên của chúng tôi.

Mục đích hiện đại hóa quân sự rộng lớn của Trung Quốc, Jonathan Marcus nói thêm, là để mở rộng quy mô và tầm vóc quân sự của Bắc Kinh vượt ra ngoài lãnh hải hiện có và có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống vũ khí ở chính nơi mà Mỹ vẫn có lợi thế áp đảo.

10/07 Khi lãnh đạo “đọc” bài phát biểu


(Tamnhin.net) - Là người tham dự khá nhiều các đại hội, hội nghị, hội thảo, các lễ khánh thành, ra mắt, tổng kết, khen thưởng, sinh nhật, hiếu hỷ tôi quan sát và thấy rất đáng suy nghĩ xung quanh 2 chữ PHÁT BIỂU.
Hãy thay việc đọc bài phát biểu bằng việc phát biểu. Ảnh: internet

Tôi không quên chuyện những tràng pháo tay liên tục từ hội trường. Vỗ rất dài. Và thậm chí kèm theo tiếng la ó, huýt sáo. Vỗ khi diễn giả đang đọc bài phát biểu. Bạn đọc sẽ nghĩ rằng vỗ tay cổ vũ là tốt, là tuyệt chứ sao. Xin thưa, tiếng vỗ tay này là cách phản đối và mời các diễn giả xuống!

Chuyện những bài phát biểu được đọc tôi đã chứng kiến nhiều lần. Khách được mời lên phát biểu nhưng vị khách này đã cầm giấy đọc bài phát biểu đến gần 1 tiếng. Mà nội dung không có gì đáng lưu ý và đáng nghe. Mà nếu cả ngày bạn phải tra tấn bởi những bài đọc này chắc bạn sẽ ngán ngẩm. Bạn bị tra tấn bằng các bài “đọc” quá dài nên mệt.

Suốt mấy tiếng đồng hồ cứ nghe đọc và nghe đọc thì ai còn muốn nghe nữa. Vỗ tay mời xuống là chuyện “cực chẳng đã”. Chuyện này xảy ra mới đây và mới nhất là tại đại hội Hội nhà văn Việt Nam mà báo chí đã rùm beng và tốn bao giấy mực. Có tờ báo còn viết rằng nhiều nhà văn mệt mỏi quá bỏ ra ngoài hội trường đại hội.

Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đến hàng chục, mà có lẽ là hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị mà tôi đã từng tham dự. Phải chân thành thú tội rằng cá nhân tôi cũng không ít lần bỏ ra ngoài để nghỉ ngơi nếu thấy người phát biểu lên đọc mà tập giấy của diễn giả nhiều trang quá.

Đôi khi vì lý do tế nhị hay để tập trung cho công việc riêng tôi ngồi mở máy tính ra viết báo, đọc tài liệu, chuẩn bị bài giảng, nhắn tin, hay đọc sách. Đây là cách sử dụng quãng thời gian vô bổ để làm những việc có ích. Tôi cũng khuyên mọi người tập được thói quen sử dụng thời gian “thừa” này một cách hiệu quả. Ít nhất là nên thủ theo 1 cuốn sách khi đi hội nghị.

Trong các hội thảo, hội nghị mà tôi hay tham dự, trừ bài đầu tiên của các vị quan chức có được giới thiệu lên để đọc diễn văn khai mạc. Khi đó những khách mời như tôi hiểu rằng vị đó sẽ đọc, ngắn thì 1 trang, dài thì vài trang. Biết như vậy để chuẩn bị tinh thần nghe. Còn lại sau đó phần lớn các diễn giả được mời lên để PHÁT BIỂU.

Rõ ràng được mời lên để phát biểu nhưng không ít vị bước lên sân khấu với bài phát biểu và bắt đầu đọc. Họ đọc bài phát biểu chứ không phải lên phát biểu. Nhiều trong số họ không chuẩn bị kỹ, không đọc trước nên đọc không trôi chảy, chỗ ngắt, ngừng bất hợp lý, nghe khá phản cảm.

Nhiều hội thảo lớn, chuyên nghiệp đều có hạn mức thời gian.  5, 10 hay 15 phút. Tuy nhiên do khâu chuẩn bị không kỹ, không tính được thời lượng nên nhiều bài tham luận vượt giờ, đôi khi là vượt gấp rưỡi, gấp đôi. Những hội nghị nghiêm túc thì có chuông reo hay sự nhắc nhở của chủ tịch đoàn hoặc ban tổ chức.

Tuy nhiên một số hội thảo tính chuyên nghiệp không cao hoặc vì nể nang nhau nên họ mặc kệ cho bài phát biểu dài chừng nào cũng được. Điều này làm cho thời lượng chương trình kéo dài, gây mệt mỏi cho người nghe, làm bất lợi cho các diễn giả tiếp theo.

Tôi cứ suy nghĩ, tại sao đã có từ phát biểu mà nhiều diễn giả vẫn lên bục đọc bài phát biểu! Người ta mời anh lên phát biểu thì anh phải nói những gì trong đầu anh, từ trái tim anh chứ không thể là đọc 1 bài viết khô khan chuẩn bị sẵn. Phát biểu tức nói không cầm giấy, có chăng chỉ là mảnh giấy ghi các ý chính để “phát biểu” kẻo quên chứ không phải là đọc. Nếu người dẫn chương trình giới thiệu lên đọc bài phát biểu ta mới được quyền đọc chứ. Đọc bài phát biểu và phát biểu là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, 2 cụm từ với 2 nghĩa hoàn toàn khác biệt.

Chuyện như tiếu lâm mà khó ai tin rằng có diễn giả kia cắm cúi đọc bài phát biểu của mình. Khi ngẩng lên thấy mọi người bên dưới hoặc ngủ gật hoặc ngáp. Ông buồn quá và hỏi trợ lý đi theo. Trợ lý nhận lỗi. Người trợ lý đã soạn bài diễn văn này, nhưng do máy in trục trặc, anh phải nhấn nút 2 lần, hóa ra thành ra 2 bản, mỗi bản 3 trang. Ông sếp cứ thế đọc tưởng rằng 6 trang giấy là nội dung bài phát biểu được anh ta chuẩn!

Khảo dị 2 của câu chuyện trên là trợ lý soạn sẵn, in sẵn 2 bài phát biểu để sếp đọc trong 2 hội nghị. Sếp đã để riêng 2 túi cho 2 bài. Túi bên phải cho hội nghị 1, túi bên trái cho hội thảo 2. Tuy nhiên lúc lên diễn đàn rút lộn. Đọc hết gần 1 trang mới phát hiên ra nhầm. Thế là lại phải xin lỗi, cất bài này đi, lấy bài kia ra đọc từ đầu!

Trong rất nhiều hội thảo hội nghị, mỗi khách mời đã được phát đầy đủ 1 bộ tài liệu trong đó có tất cả các bài tham luận của các diễn giả. Ấy vậy mà các diễn giả lên bục vẫn đọc nguyên si bài tham luận. Tôi thiết nghĩ, nên chăng diễn giả chỉ cần nói tóm tắt ý chính, phân tích các nét căn bản hay nói cái đáng nhấn mạnh vì  bài tham luận đã được in thành tài liệu. Nếu đọc nguyên văn sẽ tốn thời gian của hàng trăm khách mời ngồi bên dưới và nó thật sự không cần thiết.

Có những hội nghị cần một khoảng thời gian để kiểm phiếu hay làm biên bản. Thế là lại chêm vào các phát biểu. Các phát biểu lại vẫn là “đọc bài phát biểu”. Tôi thiết nghĩ, nếu không có ai có thể thật sự phát biểu thì nên thay các bài “đọc phát biểu” vô hồn, ít nghĩa này bằng văn nghệ là hay nhất.

Những tràng pháo tay ai cũng mong khi phát biểu. Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng và cao quý. Những tràng vỗ tay đột ngột giữa chừng càng vậy. Tuy nhiên đôi khi đó lại là điều làm cho diễn giả lo lắng. Nếu đó là những tràng vỗ tay vổ vũ, khen ngợi thì thật sướng và tự hào biết bao. Còn nếu mà đó là tràng vỗ tay mời diễn giả xuống thì đáng buồn.

Hơn nữa nếu bị vỗ tay mời xuống, diễn giả dễ luống cuống và đọc nhầm, đọc sai, đọc vô hồn để rồi càng gây phản cảm. Một diễn giả bình thường nhìn vào thái độ, nét mặt, cách vỗ tay của khán giả sẽ hiểu ngay họ vỗ tay với ý gì.

Tôi rất thích nghe các bài phát biểu, nhất là những bài trút từ tâm diễn giả. Tôi rất sợ nghe những người đọc bài phát biểu. Và để rút kinh nghiệm, tôi hầu như chưa bao giờ đọc tại các hội nghị. Tôi không muốn gây sự khó chịu cho người nghe. Và cả chính mình nữa.

Tôi mong các lãnh đạo đọc được bài viết này sẽ thay việc đọc bài phát biểu bằng việc phát biểu.


Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Hà Books

Ý kiến của bạn
LÝ THÚ
TÔI ÍT ĐỌC BÁO, NAY NHẬN ĐƯỢC LINK TỪ BẠN GỬI ĐẾN. tÔI ĐỌC VÀ THẤY HAY QUÁ, THẤY ĐÚNG QUÁ. TÔI MUỐN VIẾT ĐÔI LỜI CÁM ƠN TÁC GIẢ VÀ TÒA SOẠN. VẤN ĐỀ NHỨC NHỐI CỦA XÃ HỘI CHÚNG TA. VẤN ĐỀ KHÔNG CÓ TRÌNH ĐỘ MÀ LÀM LÃNH ĐẠO. VẤN ĐỀ ĐỌC NHỮNG GÌ THƯ KÝ VIẾT LÀM NHƯC NHỐI TÂM CAN BAO NGƯỜI. NGHE NHUNG CHUYỆN ĐỌC PHÁT BIỂU THẾ NÀY THÌ THẬT LÀ BUỒN. NGƯỜI TA NẾU KHÔNG THAY ĐỔI, KHÔNG HỌC ĐỂ CÓ TRÌNH ĐỘ, CỨ ĐI MUA BẰNG CẤP THÌ CHUYỆN MÃI ĐI ĐỌC MÀ THÔI. VÌ CÓ KIẾN THỨCM, CÓ TRÌNG ĐỘ ĐÂU MÀ TỰ MÌNH NÓI RA ĐƯỢC. CÁI CỦA NGƯỜI KHÁC THÌ PHẢI ĐỌC THÔI. TIẾC QUÁ ĐI THÔI!@
NGUYỄN HOÀNG CƯỜNG
Hoan nghênh
bài viết quá thực tiễn.it great. Tôi thấy phát biểu nó biểu hiện cảm xúc thật- Lời văn của chính tác giả. Cám ơn bạn về bài viết hay - microadvert
tienhoang
lâu rồi tôi mới thấy 1 bài rất đang đọc nhiều lần
Tôi tình cờ phát hiện ra bài này. Và tôi đã đọc đi đọc lại vài lần. và tôi đã gửi đường link cho bạn bè. Và không chỉ mình tôi thích nội dung cũng như cách viết của tác giả Mạnh Hùng. Mỗi nhà lãnh dạo cần đọc kỹ bài này để biết mìnhg cần phải làm gì khi được mời lên phát biểu. Chắc chắn nhiều người giật mình khi đọc bài viết của tác giả Mạnh Hùng. Tôi rất mong có nhiều bài sâu sắc và thưch tiễn như bài này trên tamnhin. Trải nghiệm và quan sát của các doanh nhân khi vết ra thật là đáng đọc!
Vương Quốc Thắng
Hay quá
Tôi rất hứng thú khi đọc bài viết này. Bài viết rất đáng đọc vfa làm cho mỗi chúng ta cần suy nghĩ. Tôi rất thích đọc các bài viết của TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch công ty sách Thái Hà. Các bài viết của anh luôn làm chúng ta suy nghĩ và thay đổi chính mình. Mong có nhiều bài viết hay như vậy trên báo chí. Trân trọng cảm ơn. VHL
Vũ Hải Long
"ĐỌC BÀI PHÁT BIỂU"
LỜI CHỦ BLOG: Lần đầu tiên được đọc một bài viết thẳng thắn như thế này về vấn đề "PHÁT BIỂU". ĐỌC BÀI PHÁT BIỂU trước người lớn đã là tệ, nhưng nhiều vị đến thăm cung thiếu nhi, thậm chí đến thăm một lớp mẫu giáo, cũng... ĐỌC BÀI PHÁT BIỂU! Các cháu không dám "vỗ tay" kiểu "mời xuống" như trong bài viết này đâu, nhưng là người lớn, thiết nghĩ vị nào còn phát biểu kiểu ĐỌC BẢN VIẾT SẴN như thế, cũng nên TỰ VỖ TAY CHO BẢN THÂN MÌNH đi thì hơn... Trần Huy Thuận (76 tuổi)
Trần Huy Thuận