Friday, September 2, 2011

02/09 Trăn trở thương hiệu Việt

07:48 | 02/09/2011
Hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thương hiệu hàng hóa của nước ta càng bộc lộ một số bất cập, nhiều loại hàng hóa bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa. Hàng hóa phải xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua doanh nghiệp trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Vấn đề xây dựng thương hiệu phù hợp với nền kinh tế vẫn là nỗi trăn trở?
Khi nhắc đến thương hiệu Honda, Toyota người ta nghĩ ngay đến  Nhật. Khi nhắc tới Samsung, Daewoo người ta nghĩ tới đất nước Hàn Quốc… Trong khi, nước ta là một trong những nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như: gạo, cà phê, cao su… lại chưa xây dựng được một thương hiệu nổi tiếng nào để khi nhắc tới, khách hàng nước ngoài nghĩ ngay đó là Việt Nam.
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng chục tỷ USD về các sản phẩm công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép… Thế nhưng thương hiệu Việt vẫn được biết đến rất ít ở thị trường thế giới. 


Nguồn: diachidoanhnghiep.com

Chè Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 nước trên thế giới. Tuy nhiên, thương hiệu chè Việt Nam vẫn chưa tỏa sáng ở thị trường nước ngoài, vì chủ yếu các doanh nghiệp sản xuất với quy mô nhỏ và vừa, lại ít kinh nghiệm xây dựng thương hiệu. Các doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đến thương hiệu của riêng mình. Đó là chưa kể tới, sản phẩm của nước ta khi xuất khẩu ra nước ngoài phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu nước khác. Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Đoàn Anh Tuân cho biết, chè là sản phẩm văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, nếu biết khuếch trương, biết quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè thế giới thì sản phẩm dễ được khách hàng nước ngoài đón nhận hơn. Thời gian qua, Hiệp hội đã tổ chức để giới thiệu các bộ phim về chè Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam, qua đó sản phẩm chè Việt Nam được bạn hàng nước ngoài biết đến nhiều hơn. Các doanh nghiệp chè cũng đang tìm mọi cách để nâng cao chất lượng, xây dựng hình ảnh thương hiệu chè ở thị trường nước ngoài.
Khó khăn hiện tại đối với khối doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nói riêng là về nguồn vốn để sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm để giữ vững thương hiệu. Trong lúc khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp đã liên kết với nhau nhận những đơn hàng lớn để giữ chân khách hàng và giữ uy tín thương hiệu ở thị trường nước ngoài. Một số doanh nghiệp có thương hiệu lớn đã đứng ra nhận đơn hàng lớn, sau đó phân phối cho các doanh nghiệp nhỏ vệ tinh thực hiện để thu hút lao động và tạo nguồn vốn. Mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu cho ngành hàng đang được các doanh nghiệp trong ngành tính đến để tạo nên sức mạnh tổng hợp ở thị trường xuất khẩu. Theo Giám đốc điều hành Công ty May 10 Thân Đức Việt, để xây dựng thương hiệu cần đầu tư cho thiết kế, tập trung đào tạo nguồn nhân lực để sở hữu về công nghệ, tạo sản phẩm chất lượng cao. Vì hiện các hãng thời trang nước ngoài không sản xuất trong nước mà lệ thuộc vào nước thứ ba như Việt Nam.


Nguồn: langsontv.vn

Nước ta đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh và lợi thế so sánh. Tuy nhiên, luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề như: thiếu chiến lược xuất khẩu bền vững, năng lực tiếp thị hạn chế, những tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu… vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp. Sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt. Vì vậy, giá trị gia tăng trong tổng cơ cấu giá trị hàng hóa còn thấp, mà nguyên nhân yếu kém về thương hiệu vẫn chưa thể khắc phục. Xây dựng thương hiệu ngành hàng, yếu tố đầu tiên cần tính đến là chất lượng. Theo nhiều doanh nghiệp, trong quá trình xây dựng thương, hiệu cần quan tâm đến hệ thống quản lý, đào tạo con người, sẵn sàng hội nhập, biết chấp nhận thách thức để doanh nghiệp trưởng thành hơn. Trong thế giới không ngừng cạnh tranh, thì doanh nghiệp phải liên tục vươn lên để phát triển thị trường, đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.
Với thương hiệu mang tầm quốc gia, doanh nghiệp sẽ có điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị phần trong và ngoài nước. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, xây dựng ngành hàng để phát triển bền vững và có tầm ảnh hưởng ở khu vực thế giới, gắn với năng lực cạnh tranh và giá trị xuất khẩu. Bộ Công thương đang cùng các ngành liên quan bàn các biện pháp, đưa ra những ý tưởng để liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các hiệp hội hoặc các địa phương; cùng với chương trình Thương hiệu Quốc gia đưa ra những định hướng trong việc xây dựng các thương hiệu, ngành hàng. Nhà nước sẽ có những cơ chế tác động về chủ trương, đường lối, chính sách, tài chính, truyền thông để xây dựng và phát triển thương hiệu để hàng hóa Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Song, muốn thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam phát triển ra thế giới, doanh nghiệp phải có mặt hàng đáp ứng chất lượng của từng quốc gia đang hướng tới. Hệ thống phân phối cũng là điều doanh nghiệp cần tính đến khi muốn đem chuông đi đánh xứ người.
Xuân Lan

No comments:

Post a Comment