Friday, September 2, 2011

02/09 Giúp nông dân và nông thôn bứt phá

07:48 | 02/09/2011
Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới đã đạt được những kết quả ban đầu. Mô hình nông thôn mới tại 11 xã điểm ngày càng rõ nét. Mục tiêu cuối cùng của chương trình là để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho người nông dân mới. Vì thế, chương trình phải xoay quanh đối tượng này, lấy nông dân làm trọng tâm, để tạo bứt phá cho khu vực nông thôn.


Nguồn: baodatviet.vn

Nông thôn thay đổi
Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới Trung ương cho biết, đã có 10/11 xã điểm hoàn thành cả quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Từ quy hoạch đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Hiện nay, 11 xã đã hoàn thành được 902/1.188 công trình hạ tầng theo kế hoạch, đạt 76% kế hoạch đề ra. Trong đó 2 xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) và Tân Thông Hội (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã cơ bản đạt tiêu chí về hạ tầng. Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hồ Xuân Hùng, hình hài nông thôn mới theo 19 tiêu chí tại 11 xã điểm ngày càng rõ rệt. Từ điểm khởi đầu: xã cao nhất chỉ đạt 8 tiêu chí, xã thấp nhất 2 tiêu chí, đến nay đã có xã đạt tới 16 tiêu chí là xã Tân Thông Hội; trong đó có một số tiêu chí khó như thu nhập bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu lao động ở một số xã đã được hoàn thành. Các xã còn lại phổ biến đạt 10 -15 tiêu chí.
Qua việc triển khai thí điểm tại 11 xã đã có những mô hình tốt trên các mặt lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch, huy động nguồn lực; phát triển sản xuất gắn với quy hoạch ruộng đồng và cơ sở hạ tầng; cải thiện điều kiện sống của các hộ dân cư; mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Các mô hình này đã phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. Từ năm 2011, phong trào xây dựng nông thôn mới được Chính phủ phát động ra cả nước. Theo đó, 9.121 xã trong cả nước sẽ bắt tay vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Ban chỉ đạo Trung ương cũng sẽ chọn ra 5 tỉnh điểm và 5 huyện điểm để trực tiếp chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Ở mỗi tỉnh cũng tự chọn ra các xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo điểm thành công.
Những đường giao thông, hệ thống thủy lợi, xây dựng trường học khiến diện mạo làng quê thay đổi. Vẻ đẹp của nông thôn mới không chỉ từ cơ sở hạ tầng được xây dựng. Tại nhiều địa phương như Thái Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc... đã quy hoạch lại đất đai, tiến hành dồn điền đổi thửa rồi mới xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Nông thôn bề thế, hiện đại, quy củ hơn là nhờ các công trình hạ tầng được xây dựng trong quy hoạch phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.


Nguồn: kimchi.capt

Người nông dân mới
Lợi ích rõ nhất của chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới là đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp. Điều này có thể thấy rõ ở các địa bàn còn khó khăn, ở xa trung tâm tỉnh, thành phố. Như xã Mỹ Long Nam, Trà Vinh, từ khó khăn đã trở thành xã giàu do chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm sú. Người dân và chính quyền tập trung làm thủy lợi hoàn chỉnh, làm đường giao thông, kéo điện thông suốt tới các ấp phục vụ nuôi tôm công nghiệp. Đồng thời, mời kỹ sư thủy sản về tập huấn kỹ thuật, tìm nguồn giống tốt, bố trí thời vụ hợp lý… giúp bà con nuôi tôm hiệu quả. Với sự thay đổi tư duy sản xuất, tại xã Hải Đường, Nam Định đã có hàng trăm hộ gia đình cùng chuyển sang trồng cây cảnh xuất khẩu. Một số hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn để mở các xưởng mộc, thêu ren, làm đồ thủ công mỹ nghệ... Một ví dụ khác là tại xã Tân Thịnh, Bắc Giang, người dân chuyển sang trồng cây thuốc lá và trồng cà chua bi xuất khẩu, với thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú. Đặc biệt là, tại nhiều địa phương, chính quyền cũng năng động, sáng tạo thông qua việc chủ động mời gọi được doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến nông sản, sản xuất công nghiệp vào địa phương. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp của bà con được tiêu thụ, các lao động trẻ có việc làm ổn định.
Tư duy của người nông dân thay đổi giúp nông thôn đổi mới về chiều sâu. Ở bề sâu nhất của sự thay đổi này là không còn cách làm tiểu nông, người nông dân đã tiến lên cách làm tiên tiến. Chính quyền địa phương cũng năng động, sáng tạo, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nông dân trong quá trình đổi mới khu vực nông thôn. Rộng hơn, từ chuyển biến tại các xã điểm, nhiều địa phương đã chủ động áp dụng chương trình nông thôn mới bằng nguồn lực tự có của mình. Tạo ra phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp bà con làm giàu, xây dựng bộ mặt làng quê ngày càng khang trang, hiện đại, đạt các tiêu chí về nông thôn mới.
Có thể thấy, từ chương trình này, sự chuyển mình của nông thôn chủ yếu do sự thay đổi của người nông dân. Mục tiêu cuối cùng của chương trình này cũng là để tạo dựng lên hình ảnh mới của người nông dân. Vì thế, các việc cần triển khai hay cách thức thực hiện đều phải xoay quanh đối tượng này, lấy đối tượng này làm trọng tâm, để tạo bứt phá cho khu vực nông thôn. Trước mắt, tổng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân sẽ giảm đi, cần có phương thức sử dụng kinh phí hợp lý để đạt hiệu quả cao trong việc  giáo dục, đào tạo người nông dân. Và triển khai công tác khuyến nông phải phù hợp với điều kiện địa phương, giúp người nông dân làm giàu trên mảnh ruộng của mình, tránh lãng phí nguồn kinh phí. Ngoài ra, cần chú trọng tuyên truyền, vận động và tổ chức hiệu quả các chương trình đào tạo nghề cho thanh niên, để nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động nông thôn. Với 70% người dân sống tại nông thôn, tạo được lực lượng chuyên nghiệp tại khu vực này sẽ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất trong thời gian tới.
Phương Thủy

No comments:

Post a Comment