Thursday, April 21, 2011

21/04 Kinh nghiệm chống lạm phát trong những năm 80 thế kỷ trước




Kể từ cuối năm 1986 khi Đảng ta bắt đầu lãnh đạo công cuộc đổi mới đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ, tập trung quan liêu bao cấp, phát triển kinh tế và ngăn chặn lạm phát. Việc nghiên cứu về lạm phát để từ đó có những giải pháp hữu hiệu kịp thời can thiệp vào thị trường là vấn đề hết sức quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay cả nước đang tích cực triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hộiVới ý nghĩa đótrong khuôn khổ bài viết này xin giới thiệu về kinh nghiệm chống lạm phát những năm 80 của thế kỷ trước để bạn đọc tham khảo.

Tình hình kinh tế, tài chính:

Trong những năm 1980, kinh tế nước ta tiếp tục trong tình trạng phải khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, kinh tế bị tàn phá nặng nề trong nhiều thập kỷ, ngoài ra còn bị cấm vận, hầu như cô lập với thị trường khu vực và thế giới. Do đó, những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại của cơ chế thị trường không có khả năng thâm nhập vào Việt Nam. Từ 1981- 1983 kinh tế có phục hồi đôi chút song tốc độ phát triển chậm, nét đặc trưng là hiệu quả thấp do chi phí sản xuất cao, công nghệ và thiết bị lậu hậu, trình độ tổ chức sản xuất và quản lý kém hiệu quả. Cơ cấu kinh tế mất cân đôi nghiêm trọng, lệ thuộc nhiều vào các nước xã hội chủ nghĩa, vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh bị sa xút, thế mạnh của sản xuất không được khai thác. Kinh tế nhiều thành phần chưa được chú trọng. Ngân sách nhà nước liên tục bội chi lớn phải dựa vào nguồn thu từ vay nợ và viện trợ. Quản lý tài chính còn lỏng lẻo mang nặng tính cấp phát, bù lỗ và trợ cấp, do đó không khuyến khích các đơn vị kinh tế quốc doanh nâng cao vai trò tự chủ kinh tế, phát triển sản xuất mà dựa vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc phát hành tiền trong lưu thông tăng cao.
Xuất phát từ những đặc điểm nêu trên, yêu cầu đổi mới các chính sách kinh tế vĩ mô là hết sức cấp bách, trong đó đột phá khẩu để xoá bỏ cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung là cuộc cải cách đồng bộ giá lương tiền năm 1985.
            Diễn biến lạm phát từ 1985-1989:
            Do bị tác động bởi việc cải cách tiền lương vào năm 1985, nền kinh tế từ tình trạng trì trệ theo một cơ chế quan liêu bao cấp đã phải đối mặt với việc điều chỉnh quá lớn. Chỉ số lạm phát luôn ở mức khá cao. Cụ thể:
                                                               1985           1986            1987          1988
             Chỉ số giá cả năm %:               73,3           774,7           223,1         393,8
Về các biện pháp đã tiến hành trong giai đoạn này:  Nhà nước đã tiến hành hàng loạt các biện pháp kinh tế vĩ mô nhằm từng bước đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ kém phát triển.
Đối với giai đoạn 1985-1986: Về giá cả thực thi chính sách một giá, xoá bỏ chính sách 2 giá một cách phổ biến và triệt để; xoá bỏ giá cung cấp hàng tiêu dùng bán theo tem phiếu. Nâng mặt bằng giá lên tương ứng. Có thể nói, đây là sự thay đổi có tính chất cơ bản là bước ngoặt trong tư duy kinh tế.
      Điều chỉnh tỷ giá: Giữa đồng VND và Rúp từ 17đ/Rúp lên 180 đ/Rúp; Với đồng USD từ 12đ/USD lên 180đ/ USD.
       Về giá bán lẻ: Nhà nước thực hiện nhất quán cơ chế một giá bán lẻ; Trung ương xác định một giá kinh doanh thống nhất cho những mặt hàng thiếu yếu, tuy nhiên có sự phân biệt theo vùng, đặc biệt là đối với lương thực thực phẩm, một số loại vật tư hàng hoá đòi hỏi vận chuyển xa, chi phí vận tải lớn; xoá bỏ giá bán cung cấp hàng tiêu dùng bán theo tem phiếu. Do đó, mặt bằng giá được nâng lên tương ứng.
      Về tiền lương: Đã có sự cải tiến tiền lương, nâng mức lương tối thiểu từ 27,3đ lên 220 đ (tiền mới bằng 10 lần tiền cũ).
      Về tiền tệ: Tiến hành đổi tiền trên cả nước theo tỷ lệ 10 đ tiền cũ bằng 1 đ tiền mới.
            Nhìn chung, biện pháp giá – lương - tiền áp dụng trong các năm 1985-1986 là hiệu quả chưa cao, chủ yếu là do nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề của cơ chế hành chính bao cấp cứng nhắc, sản xuất hiệu quả thấp.
            Giai đoạn 1987-1988: Trong giai đoạn này các biện pháp trọng tâm đều nhằm chấm dứt khủng hoảng kinh tế- tài chính- tiền tệ sau cuộc tổng điều chỉnh giá – lương -tiền.
Về tỷ giá: Điều chỉnh tỷ giá kết toán nội bộ từ 18đ/rúp lên 150đ/rúp và 225đ/USD,  đồng thời điều chỉnh hệ thống bán buôn vật tư lên tương ứng với mặt bằng tỷ giá trên; giữ ổn định giá bán lẻ những mặt hàng bán theo định lượng cho cán bộ công nhân viên và lực lượng vũ trang, các mặt hàng còn lại lưu thông trên thị trường tự do theo giá thị trường, khuyến khích nâng cao sản xuất đáp ứng tiêu dùng.
            Năm 1988 tiếp tục điều chỉnh giá vật tư lên theo tỷ giá 700đ/rup - 900đ/USD; xóa bỏ tỷ giá kết toán nội bộ; thực hiện giá vật tư ổn định đối với mặt bằng hàng quan trọng phục vụ sản xuất, số còn lại lưu thông tự do theo giá thị trường.
             Tiền lương: Điều chỉnh tiền lương để đảm bảo đời sống của người lao động, trong đó khu vực hành chính tăng 10,68 lần; khu vực sản xuất kinh doanh tăng 13,15 lần so với mức lương quy định khi cải tiến năm 1985.
            Về biện pháp cân đối cung cầu: Thực hiện việc quản lý vật tư hàng hoá, ngoại tệ xuất nhập khẩu và quản lý thị trường nhằm hạn chế tình trạng xuất nhập khẩu tràn lan gây rối thị trường.
            Bên cạnh đó, các biện pháp khác cũng được thực hiện như: Nông nghiệp thực hiện khoán theo Chỉ thị 100/CT nhằm khuyến khuyến khích sản xuất; Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý sản xuất, giao quyền tự chủ cho giám đốc xí nghiệp theo quyết định 217/HĐBT nhằm sắp xếp lại tổ chức, phát huy quyền làm chủ của giám đốc xí nghiệp.
            Với các biện pháp nêu trên, lạm phát vẫn còn cao nhưng đã tạo ra sự chuyển đổi trong nền kinh tế, từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường, xử lý được vấn đề giá, xoá bỏ bao cấp. Sản lượng lương thực đạt trên 19 triệu tấn.
Về các biện pháp tài chính: Tập trung tăng nguồn thu ngân sách nhà nước để giảm bội chi.
           
Về bài học kinh nghiệm chống lạm phát:

Bài học kinh nghiệm lớn nhất trong việc kìm chế lạm phát giai đoạn này là các biện pháp đưa ra đều nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả của sản xuất. Việc điều chỉnh giá – lương - tiền không đồng loạt mà theo bước đi đã định trước, vừa làm vừa điều chỉnh. Đáng chú ý là, sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương đi đôi với việc tăng cường kỷ cương kỷ luật, đổi mới cơ chế quản lý.
       Nhìn chung, trong giai đoạn 1985-1989 nền kinh tế đang ở thời kỳ đầu chuyển sang kinh tế thị trường. Tuy các biện pháp chưa thực sự giải quyết được những yêu cầu cấp bách của nền kinh tế nhưng đã làm nền tảng cho việc thực hiện tiếp ở giai đoạn sau.
-  Kết hợp hài hoà giữa chính sách tiền tệ với các chính sách tài chính trong quá trình đổi mới kinh tế.
-         Môi trường luật pháp tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động là vấn đề cấp bách để chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thi trường.
-         Ngân sách nhà nước phải bố trí lại cơ cấu thu chi hợp lý, đặc biệt là việc bố trí nguồn tài chính cho dự trữ vật tư hàng hoá thiết yếu, kịp thời can thiệt vào thị trường khi có sự biến động của giá cả.
-         Giảm và tiến tới chấm dứt phát hành cho chi tiêu ngân sách nhà nước. Thực hiện việc huy động tiền nhàn rỗi trong dân để bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước.
-         Việc điều hành giá vàng và tỷ giá VND/USD những năm này được đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ nhận thức về chức năng thực tế của vàng và USD là phương tiện lưu thông  tiền tệ, nó sẽ phát huy chức năng khi đồng tiền trong nước bị mất giá. Sự biến động giá vàng và USD sẽ đẩy lạm phát trong nước tăng lên. Do đó, trong thời kỳ lạm phát cao cần phải đặt mục tiêu giữ ổn định giá vàng và USD. Vấn đề là tạo lập quỹ dự trữ vàng và ngoại tệ để can thiệp thị trường, sử dụng quỹ này một cách linh hoạt, ngoài ra cần kết hợp khéo léo với các biện pháp hành chính, thông tin tuyên truyền rộng rãi để góp phần ổn định giá trong nước.

Tóm lại, toàn bộ các biện pháp thực hiện trong thời gian này đều nhằm tập trung giải quyết các vấn đề về tiền lương- giá cả- tài chính – tín dụng - tiền tệ là nhưng khâu chủ yếu của nền kinh tế thị trường, bước đầu đã tác động tới việc chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, nhằm tạo điều kiện tiền đề cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Các biện pháp tiến hành tuy chưa giải quyết được dứt điểm vấn đề lạm phát song đã tạo ra những nhận thức mới trong tư duy kinh tế và đem lại nhiều bài học quý báu cho công tác quản lý vĩ mô của Nhà nước trong  những năm  tiếp theo. 

 Văn Thanh (nguồn tham khảo BTC)