Saturday, September 17, 2011

17/09 Mỹ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam


17/09/2011 - 00:51

(PL)- Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ kiêm Tổng Giám đốc Dịch vụ Ngoại thương Mỹ, ông Suresh Kumar, vừa có buổi thuyết trình về chính sách thương mại của Mỹ và quan hệ mậu dịch Việt-Mỹ chiều 16-9.


Trong một thập niên qua, mậu dịch giữa Việt Nam và Mỹ đã gia tăng với tốc độ đáng kể, từ 1,5 tỉ USD năm 2001 lên 18,6 tỉ USD năm 2010. Mỹ hiện là bạn hàng lớn thứ ba và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Ông Kumar cũng nhận xét rằng để vươn lên trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần tôn trọng sáng kiến cá nhân, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thực thi các quy luật của kinh tế thị trường. Ông nói: “Thay vì chỉ dựa vào chính phủ và khu vực kinh tế nhà nước để giải quyết mọi vấn đề, Việt Nam cần chú ý đến khu vực tư nhân và các đối tác nước ngoài… Để tiếp tục cải cách kinh tế, cũng cần chú ý tránh bảo hộ mậu dịch, duy trì sự cởi mở với đổi mới, sáng kiến và cạnh tranh quốc tế”.

ông Suresh Kumar cho biết trong khuôn khổ sáng kiến tăng trưởng xuất khẩu của Tổng thống Obama, Mỹ có dự định đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
X.VŨ

17/09 Siết chặt việc đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước

07:47 | 17/09/2011
Bộ Tài chính đang soạn thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu theo hướng siết chặt việc doanh nghiệp nhà nước đầu tư trái ngành nghề và đầu tư vào các lĩnh vực “nhạy cảm” như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm...

Nguồn: giaoduc.edu.vn
10% vốn chủ sở hữu cho lĩnh vực nhạy cảm
Theo bản dự thảo Nghị định, doanh nghiệp chỉ được đầu tư, góp vốn vào ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp. Mức vốn đầu tư vào từng lĩnh vực không vượt quá 10% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng tổng mức vốn đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Dự thảo cũng nêu rõ, nếu trong cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ có các công ty con cùng đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên thì tổng mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ không vượt quá mức 15% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này doanh nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài ra, doanh nghiệp có mức vốn đầu tư ra ngoài vượt quá mức quy định trong dự thảo Nghị định này hoặc đã đầu tư góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán thì trong thời gian 1 năm, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, phải có phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo nguyên tắc bảo toàn vốn đã đầu tư. Trường hợp nếu thực hiện phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo quy định mà không bảo toàn được vốn đầu tư, doanh nghiệp được tiếp tục duy trì mức đầu tư và thực hiện trích lập dự phòng tổn thất về đầu tư, đồng thời báo cáo chủ sở hữu để theo dõi, giám sát.
Theo quy định cũ (Nghị định 09/2009/NĐ-CP), công ty nhà nước được phép đầu tư ngoài ngành tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Riêng đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mức vốn đầu tư công ty nhà nước không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Nhưng mức vốn góp của công ty mẹ và công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn.
Ban soạn thảo cho biết: tỷ lệ đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao nêu trên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm đều không vượt mức quy định. Tuy nhiên, trong khi năng lực, quản trị của các doanh nghiệp còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa mạnh thì việc siết chặt đầu tư là để các doanh nghiệp nhà nước tập trung vốn đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh chính.
Thay “vốn điều lệ” bằng “vốn chủ sở hữu”
Gần đây, việc các tập đoàn, tổng công ty dựa vào danh “nhà nước” để huy động vốn rồi vung tiền đầu tư dàn trải không còn là chuyện hiếm. Hệ quả là trong một số trường hợp, các ngân hàng trong nước ôm cục nợ xấu khổng lồ; còn đối với các tổ chức nước ngoài thì đã có trường hợp nhà nước phải đứng ra trả nợ thay. Theo Ban soạn thảo, dù tỷ lệ bình quân vốn huy động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2010 mới chỉ bằng 1,5 lần vốn chủ sở hữu, tuy nhiên, xét từng doanh nghiệp, vẫn còn những tập đoàn, tổng công ty nhà nước huy động trên 20 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ số tập đoàn, tổng công ty nhà nước huy động vượt mức quy định (năm 2010) là 25% trên tổng số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (24/95). Vì vậy, để các doanh nghiệp được phép huy động đúng với thực lực tài chính tại thời điểm huy động vốn, dự thảo Nghị định quy định: các doanh nghiệp được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo hệ số an toàn nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không vượt quá 3 lần. Đối với doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn vượt quy định phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải bảo đảm khả năng trả nợ và có hiệu quả.
Về tiêu chí để xác định mức huy động vốn tối đa của doanh nghiệp, trước đây, theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tài chính đối với công ty nhà nước và quy định hiện hành đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, các doanh nghiệp được huy động vốn tối đa không quá 3 lần vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc sử dụng tiêu chí “vốn điều lệ” để khống chế mức huy động vốn có những bất cập. Thông thường, vốn điều lệ luôn cao hơn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Vì vậy, việc sử dụng vốn điều lệ để khống chế mức huy động vốn tối đa sẽ làm cho mức dư nợ vay của doanh nghiệp càng vượt xa khả năng thanh toán của doanh nghiệp, trong khi phạm vi trách nhiệm hữu hạn của doanh nghiệp lại là vốn của chủ sở hữu đầu tư tại doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh kém, làm mất vốn nhà nước, sau quá trình hoạt động vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ (hoặc vốn nhà nước), nếu cho những doanh nghiệp này được huy động vốn trên mức vốn điều lệ sẽ không đảm bảo được khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Vì vậy, tại dự thảo Nghị định này lấy tiêu chí vốn chủ sở hữu để khống chế mức huy động vốn của doanh nghiệp.
 Ngày 8.9.2011, bản Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho hay: Có 21/31 doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số vốn đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ đồng. Trong 6 doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành trên một nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí chiếm vị trí đầu với 6.690 tỷ đồng, chiếm 3,76% vốn điều lệ; Tập đoàn Cao su xếp thứ hai với 3.700 tỷ đồng nhưng chiếm tới 19,8% vốn điều lệ; Tập đoàn Điện lực đầu tư ngoài ngành 2.100 tỷ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ…
Lĩnh vực được các doanh nghiệp chuộng rót vốn nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí với 5.636 tỷ đồng. Ngoài ra, có 13 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với tổng vốn gần 1.300 tỷ đồng. Có 8 đơn vị đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp, xây lắp với tổng vốn hơn 3.754 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su hơn 1.500 tỷ đồng…
Báo cáo cũng cho biết, hầu hết các đơn vị đều không đạt giá trị về đầu tư, bình quân chỉ đạt 60 - 70% kế hoạch. Đáng chú ý là giá trị đầu tư của Tổng công ty Hàng không mới đạt 39% kế hoạch, Tổng công ty Xi măng là 49%, và Sông Đà 59%...
Hải Dương

17/09 Thị trường chứng khoán: Cơ hội có sóng gối đầu?

17/09/2011 | 08:05:00


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Hoạt động chốt lời trên thị trường chứng khoán đã diễn ra ào ạt trong ba phiên trở lại đây (14/9-16/9), khiến chỉ số chính trên hai sàn niêm yết VN-Index và HNX-Index đang "cài số lùi" mạnh hơn cả cách mà nó đi lên.

Mặc dù có được trợ lực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa hớn như BVH, MSN… song VN-Index vẫn phải từ bỏ đỉnh 470 điểm trở về chốt tạm thời ở mức 457 (phiên 16/9).

Không được may mắn như người bà con phía Nam, HNX-Index sau 11 phiên ì ạch đi từ mốc 69 điểm (24/8) lên 79 điểm (13/9) thì nay đã để tuột tay mất tới 5 điểm chỉ trong ba phiên, dừng tại mức 74 điểm (phiên 16/9)

Điều chỉnh trong dự báo

Tuy nhiên, tại các phiên lao dốc này không thấy xuất hiện tâm lý hoảng loạn, các thành viên tham gia thị trường dường như khá bình tĩnh và cho rằng đây là đợt điều chỉnh kỹ thuật đã nằm trong  dự báo.

Quan sát diễn biến thị trường, ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán IRS chỉ ra rằng cái cách vận hành của sóng lần này khác nhiều so với thời điểm tháng 12/2010 và tháng 6/2011.

Nếu như tại hai sóng trước, ngay từ đầu dòng tiền đã dồn dập đẩy các mã cổ phiếu đi lên đồng loạt trong một đến hai tuần, rồi sau đó mất lực, buông tay thả tất cả cùng rơi xuống, thì nay, làn sóng này lại được khởi nguồn từ từng dòng cổ phiếu. Ban đầu là nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán được cuốn lên rất mạnh, sau đó là ngành ngân hàng, tiếp đến ngành bất động sản… rồi đến nhóm cổ phiếu thị giá thấp.

"Điều này cho thấy cơ hội trên thị trường đang luân chuyển, có nghĩa là dòng tiền sau khi chốt lời lại kiến tạo được ngay cơ hội mới từ dòng cổ phiếu khác có mức giá thấp hơn. Việc đầu cơ cổ phiếu theo phương thức ‘đánh’ xoay vòng sẽ là động lực duy trì xu hướng tăng," ông Việt nói.

Tín hiệu mới

Theo các nhà đầu tư, diễn biến thị trường chứng khoán bao giờ cũng đi trước những biến động của nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, về ngắn hạn kinh tế vĩ mô trong nước đã có tín hiệu mới và tích cực hơn.

Theo ông Marc Djandji, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt, thời gian gần đây giá thực phẩm và giá gas đã giảm mạnh. So với tháng trước đó, giá thịt heo giảm 6% và giá gas giảm 2,4%. Chính phủ cũng đã ổn định được giá gạo sau khi khẳng định sẽ can thiệp thị trường trong nước. Thêm vào đó, việc giá xăng giảm 300-500 đồng/1 lít vào cuối tháng 8 đã góp phần hỗ trợ chỉ số CPI tháng Chín. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khuyến nghị cần chú ý nhóm giáo dục thường tăng mạnh trong tháng và là yếu tố chủ yếu dẫn dắt CPI tháng này.

“Dự báo tỷ lệ lạm phát của tháng 9 trong khoảng 0,7%-0,75%. Theo đó, khả năng CPI cả năm tăng khoảng 19% so với năm trước đó. Chúng tôi kỳ vọng những tín hiệu tốt từ kinh tế vỉ mô và thay đổi chính sách tích cực để có thể khẳng định đà tăng dài hạn. Thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội tích lũy cho các nhà đầu tư trung và dài hạn vì chúng tôi tin rằng lạm phát sẽ giảm trong vòng 1 năm tới và thị trường chứng khoán sẽ trở thành kênh đầu tư hiệu quả,” vị chuyên gia nước ngoài lạc quan.

Mặt khác, về yếu tố dòng tiền, mặc dù dòng tiền tín dụng vẫn rất khó khăn nhưng khi thị trường chứng khoán xuất hiện cơ hội là dòng tiền đầu cơ ngay lập tức đã được quy tụ về từ mọi nguồn. Bằng chứng cho thấy, tổng giá trị giao dịch trên hai sàn niêm yết trong các phiên gần đây đã đạt qua con số 2.000 tỷ đồng/phiên.

Vì thế, ông Việt nhấn mạnh, dòng tiền đang chảy trong thị trường là đồng tiền thực và nó vẫn giữ được sức bền trong cả các phiên điều chỉnh.

“Theo tôi, thị trường sẽ có sự ổn định kéo dài hơn so với hai lần trước và đợt vừa rồi đã có chuỗi tăng nóng thì tất nhiên sau đó nó phải chùng xuống. Khả năng một đến hai tuần nữa thị trường chứng khoán sẽ lấy lại đà bật tăng trở lại,” ông Việt nhận định./.
Linh Chi (Vietnam+)



17/09 [phong su] Nước mắt phu vàng - Kỳ 3: Phận phu nữ


Thứ Bảy, 17/09/2011, 06:47 (GMT+7)
TT - Cứ tưởng nơi “địa ngục trần gian” này chỉ có trai tráng làm phận phu phen, nào ngờ lại có những “bóng hồng” bị chủ cai lừa ép bán sức làm công việc đọa đày này. Hà, Hương, Nga, Hoa là những “bóng hồng” hiếm hoi ấy. Giữa bãi vàng họ lầm lũi làm mọi thứ ngang bằng công việc của một phu nam. Quanh họ là cạm bẫy rình rập...
Giữa bãi vàng vẫn có những thân phận phu nữ bán sức cho công việc nặng nhọc như thế này - Ảnh: Hoàng Lộc
>> Kỳ 1: Vào hầm
>> Kỳ 2: Vắt sức giữa rừng
“Hoa” giữa bãi vàng
Ngày đầu khi bước chân vào bãi vàng, tôi đã nghe các “đồng nghiệp” bàn tán xì xầm: “Lán lão Hà có mấy đứa con gái vào làm phu đó, con gái mà nó làm khỏe như con trai, cày suốt ngày đêm”. Còn bác Đức thì nói vẻ xót xa: “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, con gái con đứa bị đày kiểu nớ thì chết mất thôi”. Tôi sốc! Bãi vàng của chủ cai tên Hà nằm chênh vênh phía trên bãi vàng nơi tôi làm việc. Quy mô khai thác nhỏ nhất trong ba bãi và không đào hầm, chỉ khai thác dọc theo vách núi. Trong số tám phu vàng tại đây có bốn phụ nữ cùng quê Hà Giang.
Không cười, không nói, lầm lũi làm việc... là những gì tôi thấy ở những “đồng nghiệp” phu vàng nữ. Phải nhiều lần tiếp xúc, Hà mới hé miệng trò chuyện. Hà kể: “Em bị chủ cai lừa vào đây. Hơn bốn tháng trước ông chủ về quê bảo cần tuyển người vào làm việc ở công ty gỗ, lương cao, công việc nhàn và có chỗ ăn chỗ ở thoải mái nên bọn em rủ nhau đi, ai ngờ bị đưa vào rừng làm vàng khổ thế này”. Hà nói với tôi rằng ngày ra đi còn nghĩ là ông chủ “tốt bụng” quá khi bao luôn chi phí ăn uống, tiền xe từ quê vào lúc nào làm có tiền trả sau. Vậy mà...
“Tới đất Quảng Nam rồi vào vùng núi Phước Sơn thấy trước mặt là núi non cheo leo đứa nào cũng sợ nhưng không dám nói vì nghĩ công ty gỗ nằm ở gần rừng. Đi vào tận bãi vàng gặp toàn đàn ông xa lạ mấy đứa mới giật mình biết bị lừa. Khóc lóc, năn nỉ đòi về thì chủ cai tên Hà chửi: “ĐM, tụi bay muốn về thì phải trả đủ số tiền tao mang bọn bay vào đây. Tiền xe, tiền ăn mỗi đứa đóng cho tao 1 triệu đồng. Có trả được không?”. Biết bọn em không còn tiền về, có tiền cũng không biết đường về nên chủ cai giao kèo: “Tụi bay làm việc ở bãi sáu tháng tao sẽ trả tiền công, bắt xe cho về. Cứ đòi về trước thì tự kiếm tiền mà về, tao không chịu trách nhiệm”. Không tiền, không biết đường về, cả bốn chỉ biết cắn răng làm việc theo sự chỉ đạo của chủ cai Hà từ đó.
Hoa cho biết chủ cai Hà chia tám phu vàng thành hai ca, mỗi ca bốn người gồm hai nam, hai nữ. Giờ làm việc sớm hơn và nghỉ muộn hơn so với các bãi khác. Ca ngày từ 5g30-18g, ca đêm từ 18g-6g sáng hôm sau. Ở giờ nghỉ giữa mỗi ca ông chủ không cho tắt máy xay mà bắt nhóm khác ra thay để nhóm còn lại vào ăn cơm, xong ra làm tiếp. “Các bãi khác được nghỉ trưa nhưng bên em chẳng lúc nào được nghỉ. Hễ nhóm kia đến giờ nghỉ giải lao để ăn cơm là chủ cai lại bắt bọn em ra xúc đất, đổ đất và đứng máy đến khi ca ấy ăn xong thì thôi” - nước mắt lưng tròng Hoa kể.
Ngày cũng như đêm, tôi chứng kiến cảnh chủ cai Hà bám sát theo dõi tiến độ làm việc gắt gao. Thời gian để vào uống miếng nước đối với các phu vàng nữ dường như quá xa xỉ. Đêm đến, chủ cai kéo dây lôi ra một bóng đèn bé xíu thắp sáng một khoảng giữa khu rừng tối om để các phu vàng làm việc. Trên những vách núi dựng đứng, bóng các phu vàng nam dùng xà beng cạy đá đổ dài không thấy rõ mặt mà chỉ nghe âm thanh "bốp bốp beng beng". Phía dưới hai phu nữ làm ca đêm là Nga và Hoa chân đất hì hục khuân đá, xúc đất liền tay, thỉnh thoảng những phiến đá được nạy ra khỏi khối núi bất ngờ lao xuống. “Đá rơi, tránh mau!” - giọng phu vàng nam hét lên - Nga và Hoa lại phá đường chạy tán loạn.
Cạm bẫy
Trong bốn phu vàng nữ, Hương lớn tuổi nhất với tuổi 20. Hà, Hoa, Nga mới 17, 18 và đều học hết cấp II. Bị lừa vào bãi vàng, bị đày ải làm việc như một con trâu giữa rừng sâu xung quanh họ là biết bao cạm bẫy chực chờ...
Hôm đó, sau khi hoàn thành công việc dưới hầm vàng, tôi tranh thủ chạy lên trò chuyện với Hà và Hương đang làm việc phía trên. Hà khoác chiếc áo xanh đoàn viên hùng hục xúc đất, bê đá lên xe và đẩy tập kết thành một bãi. Mồ hôi rơi lã chã trên má, Hà giơ hai bàn tay nói một cách hồn nhiên: “Anh xem này, tay em bị chai nổi mấy cục rồi đấy”. Rồi cô nói tiếp: “Em chưa bao giờ nghĩ mình phải làm việc nặng như thế này cả. Ở nhà có ba mẹ làm hết chứ em đâu biết làm. Hôm mới vào làm toàn thân em đau nhức, làm riết cũng quen anh ạ”.
Ngồi cầm cuốc mổ đá xuống lỗ máy đang xay phía trước là Hương. Nhỏ nhắn, đầu lúc nào cũng buộc chiếc khăn màu sẫm để ngăn mồ hôi chảy xuống mặt, Hương lầm lũi cúi gằm mặt xuống chiếc máy đang xay đá, ai hỏi cứ lặng thinh, chỉ dám ngước mắt lên nhìn một cách lén lút. Chỉ một lần duy nhất Hương chịu thốt nên lời khi tôi bắt chuyện: “Em muốn về, em muốn ra khỏi đây lắm rồi” đôi mắt đỏ hoe như chực khóc.
Đêm đến là khoảng thời gian đáng sợ nhất với phu vàng nữ. Giấc ngủ của họ là lúc ùa về bao nỗi sợ hãi, lo lắng. “Công việc khổ đến mấy em cũng chịu được, nhưng đêm đến em sợ bóng người rình rập lượn qua lượn lại” - Hoa tâm sự. Giữa hàng chục thanh niên trai tráng, Hoa và Hà là hai “bóng hồng” được nhiều cặp mắt dòm ngó nhất vì dáng người cao ráo, nụ cười duyên. Những giờ làm việc có cả bốn đến năm “lính ruột” của chủ cai ngồi bên tán tỉnh, chọc ghẹo đủ thứ. Hà kể một lần trong cơn ngà ngà say, lính của ông Mười lao lên bãi nơi Hà làm việc gạ gẫm vô rừng chơi, Hà không đồng ý thì ngay lập tức bị người này chỉ tay vào mặt chửi té tát: “ĐM, vào đây còn bày đặt. Đi với tao tao cho tiền mà về quê con ạ”.
“Em chỉ biết gào khóc lên để cho họ sợ bỏ đi” - Hà rớm nước mắt kể. Rồi vô số lần không chịu “chiều” bị các chủ cai ở các lán tát vào mặt và đuổi ra bãi đày làm việc. “Lao lên võng ngủ là em lại quấn kín mít từ đầu đến chân tay vì sợ” - Hoa nói.“Mỗi lần gọi điện về nhà em phải nói dối công việc rất tốt để cha mẹ khỏi lo lắng, nhưng cứ làm thế này em chịu không nổi...” - Hà kêu trời.
***
Khi tôi đang thực hiện loạt bài này, gọi điện cho Hoa thì Hoa hét toáng lên vẻ vui sướng: “Anh ơi! Bọn em đã về nhà được rồi. Gia đình em phải gọi điện vào nói với chủ cai là bà ngoại đổ bệnh nặng không qua khỏi ông ấy mới chịu thả cho bốn đứa về. Ngày về chủ cai chỉ cho bốn đứa đủ tiền mua vé xe là 740.000 đồng và tiền ăn uống dọc đường. Coi như hơn bốn tháng làm phu không công giữa rừng”. Vậy là họ đã có cái kết may mắn rồi!
HOÀNG LỘC
__________________
Bà Lợi mở loa ngoài điện thoại nói oang oang: “Mày kiếm cho tao mấy thằng lính nhỏ con nhưng phải khỏe. Nhiều thằng to xác vô làm mấy bữa đã gục. Có thằng già bị phù chân nằm một chỗ tao đưa vào bệnh viện vẫn chưa chịu chết kia kìa”.
Kỳ tới: Trăm nẻo đường phu