Wednesday, September 1, 2010

01/09 Dư âm ARF và quan hệ ASEAN-Trung Quốc trên biển Đông

Tác giả: TS. Nguyễn Nam Dương (Học viện Ngoại giao)
Bài đã được xuất bản.: 01/09/2010 06:00 GMT+7

Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội ngày 23/7/2010 đã kết thúc cách đây hơn một tháng nhưng âm hưởng của sự thành công của Hội nghị vẫn kéo dài, tạo ra một tín hiệu tích cực tới quan hệ ASEAN-Trung Quốc trên vấn đề biển Đông trong tương lai.

LTS:
Diễn đàn An ninh khu vực ARF khép lại hồi tháng 7 nhưng dư âm của nó còn kéo dài, làm nóng các trang báo ở các quốc gia liên quan, nhất là xoay quanh vấn đề Biển Đông, và trục quan hệ ASEAN - Trung Quốc - Mỹ. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Nam Dương, cán bộ Viện nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao bàn về vấn đề này. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.*

Không ai được mặc cả lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông

Loạt bài về Biển Đông

Trong Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị, các Ngoại trưởng thành viên ARF một lần nữa đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở biển Đông", trên cơ sở thực hiện Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) và Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Tại Hội nghị, đã có hơn một nửa trong tổng số 27 nước thành viên ARF, bao gồm cả các nước ASEAN lẫn các nước bên ngoài ASEAN, đề cập đến vấn đề hòa bình và ổn định ở biển Đông trong phát biểu của mình, cho thấy sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế đến vấn đề an ninh thiết thực này của khu vực.

Sau khi Hội nghị ARF Hà Nội kết thúc, giới học giả và truyền thông ở Trung Quốc cũng như các nước khác đã có nhiều ý kiến đánh giá tích cực những thành công của Hội nghị ARF đối với toàn khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số bình luận thái quá, có nội dung chỉ trích các nước ASEAN câu kết với Mỹ và các nước ngoài khu vực để chống Trung Quốc trong vấn đề biển Đông trên các diễn đàn đa phương. Luồng quan điểm tiêu cực này có khả năng gây ảnh hưởng không tốt đối với dư luận Trung Quốc và dư luận các nước ASEAN, không có lợi cho hợp tác trên biển Đông và quan hệ hợp tác toàn diện ASEAN-Trung Quốc.

Thực ra, phát biểu của các nước ASEAN về vấn đề biển Đông đã bị một số tác giả diễn giải sai lệch, và nếu ta bình tĩnh nhìn nhận đúng quan điểm của các nước ASEAN thì sẽ có lợi cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa ASEAN và Trung Quốc, về lâu về dài tạo điều kiện thuận lợi cho việc giữ gìn môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực.

Thực hư của vấn đề "quốc tế hóa" tranh chấp biển Đông

Việc đầu tiên cần thiết phải làm rõ là đánh giá đúng thực trạng tình hình tranh chấp ở biển Đông hiện nay để có thể khẳng định đây là một vấn đề an ninh thiết thực của khu vực, không thể không đề cập đến trong chương trình nghị sự của ARF hoặc các thể chế an ninh đa phương khác ở Châu Á-Thái Bình Dương. Nếu vấn đề tranh chấp biển Đông không nằm trong nội dung thảo luận thì chức năng, sứ mệnh của các diễn đàn an ninh này sẽ bị giảm đáng kể, thậm chí có nguy cơ mất vai trò.

Trên thực tế, vấn đề biển Đông luôn luôn là vấn đề ưu tiên, nổi trội trong chương trình nghị sự của ARF từ khi thành lập Diễn đàn cho đến nay chứ không phải bây giờ mới nêu lên. Trong thời gian gần đây, nhìn tổng thể thì tình hình biển Đông về cơ bản vẫn giữ được xu thế hòa dịu, nhưng đồng thời có xen lẫn một số diễn biến phức tạp có thể làm tổn hại đến đại cục. Điển hình là sự kiện Trung Quốc công khai hóa yêu sách "đường lưỡi bò" (còn gọi là đường đứt khúc 9 đoạn) trên biển Đông, ngang nhiên tuyên bố biển Đông xếp vào hạng "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, cùng một loạt các hoạt động thiếu kiềm chế khác như bắt giữ ngư dân một số nước ASEAN và gây sức ép với các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động trên biển Đông...

Trong bối cảnh như vậy, khó tránh khỏi một số nước trong và ngoài khu vực bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa về vấn đề hòa bình, ổn định ở biển Đông tại Hội nghị ARF vừa qua, đồng thời nêu mong muốn các bên có liên quan tiếp tục kiềm chế, xử lý tranh chấp theo các chuẩn mực quốc tế như DOC và UNCLOS.

Việc một số bình luận trong báo giới Trung Quốc cho rằng đây chỉ là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và từng nước thành viên ASEAN, rằng các nước bên ngoài không nên can thiệp vào, đã làm không ít người ngạc nhiên, nhất là ở các quốc gia có bày tỏ quan điểm thiện chí tại Hội nghị ARF Hà Nội.

Thiết nghĩ về bản chất, tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa lại liên quan đến năm nước, sáu bên; đó là còn chưa kể đến các tranh chấp ranh giới trên biển rất phức tạp giữa nhiều bên trên biển Đông.

Nếu bản chất tranh chấp là song phương thì quả thật "đa phương hóa" chỉ làm phức tạp thêm tình hình, nhưng ngược lại nếu bản chất tranh chấp là đa phương thì cũng không thể giải quyết theo con đường song phương được; cũng giống như chơi trò ghép hình nhiều mảnh nhưng nếu có hai mảnh chỉ muốn ghép riêng với nhau thì không thể hoàn thiện bức tranh toàn cảnh được.

Hãy tạm gạt vấn đề tranh chấp chủ quyền sang một bên, vì quan tâm của các nước thành viên ARF không hẳn là vấn đề chủ quyền trên biển Đông, mà đúng hơn là vấn đề hòa bình, ổn định để phát triển ở khu vực - nội dung trọng tâm của diễn đàn ARF. Việc một số học giả Trung Quốc cho rằng tranh chấp chủ quyền trên biển Đông không liên quan gì đến tự do hàng hải, đến hòa bình ổn định ở khu vực tỏ ra không có sức thuyết phục.

Chúng ta đều biết rằng môi trường hòa bình ổn định ở khu vực phụ thuộc vào tình hình phát triển và liên kết kinh tế các quốc gia, mà trao đổi kinh tế giữa các nước Đông Á lại phụ thuộc rất lớn vào thương mại hàng hải. Các tuyến đường hàng hải huyết mạch ở biển Đông là các kênh vận tải chính của các nguồn năng lượng tối cần thiết cho sự phát triển của không chỉ Trung Quốc, các nước ASEAN, mà còn của Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác.

Không nên nhìn quan hệ ASEAN-Trung Quốc dưới lăng kính quan hệ Mỹ-Trung như một số bài báo gần đây đã mắc phải, mà cần phải phân biệt rõ tính độc lập của quan hệ ASEAN-Trung Quốc và quan hệ ASEAN-Mỹ.

Đó là còn chưa kể đến khía cạnh an ninh con người của biển Đông, vì xét đến thực tế là đời sống của nhân dân các nước khu vực phụ thuộc lớn vào kinh tế biển. Nếu tự do hàng hải ở biển Đông bị tắc nghẽn thì sẽ là một thảm họa đối với kinh tế và an ninh không chỉ của khu vực Đông Á mà còn ảnh hưởng đến kinh tế và an ninh toàn cầu.

Do vậy, một khi bản chất của vấn đề là đa phương, quốc tế thì việc chỉ trích một "âm mưu đa phương hóa, quốc tế hóa" nào đó sẽ trở nên vô nghĩa.

Cũng cần lưu ý rằng không có phát biểu nào tại Hội nghị ARF 17 ủng hộ hay bác bỏ tuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào ở biển Đông, mà chỉ xoay quanh vấn đề duy trì hòa bình và an ninh ở biển Đông mà thôi. Như vậy, các quốc gia đề cập tới vấn đề biển Đông tại ARF 17 thực ra chỉ bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia của chính họ và lợi ích của khu vực, chứ không phải tập hợp lực lượng để ủng hộ hay chống lại bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào.

Ngay cả khi có sự trùng hợp quan điểm giữa các nước ASEAN với một số nước bên ngoài khu vực cũng là do sự tương đồng về lợi ích hòa bình ổn định chứ không phải "có tổ chức" như một số cáo buộc đã nêu.

Liên quan đến hiện tượng Mỹ điều chỉnh chính sách tái can dự đối với khu vực và phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ tại Hội nghị ARF 17, đã xuất hiện một số lời chỉ trích các nước ASEAN theo đuôi Mỹ chống Trung Quốc trên biển Đông. Không may là hiện tượng này xảy ra gần thời điểm với sự kiện chìm tàu Cheonan Hàn Quốc và những cuộc tập trận quy mô ở Đông Bắc Á, cùng với sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung từ đầu năm tới nay.

Tuy nhiên, các nước ASEAN không hề muốn gây phức tạp thêm cho quan hệ Mỹ-Trung vì điều này không có lợi cho các nước vừa và nhỏ ở Đông Nam Á. Chính sách truyền thống của các nước ASEAN đối với các nước lớn là hoan nghênh sự đóng góp của các nước lớn cho an ninh và phát triển ở Đông Nam Á, nhưng đồng thời nêu cao tinh thần ZOPFAN là độc lập tự chủ trong quan hệ với nước lớn. Các nước ASEAN không hề muốn Mỹ thâu tóm các công việc nội bộ của khu vực hay muốn Mỹ dính líu đến các đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông.

Do vậy, không nên nhìn quan hệ ASEAN-Trung Quốc dưới lăng kính quan hệ Mỹ-Trung như một số bài báo gần đây đã mắc phải, mà cần phải phân biệt rõ tính độc lập của quan hệ ASEAN-Trung Quốc và quan hệ ASEAN-Mỹ.

Triển vọng quan hệ hợp tác ASEAN-Trung Quốc trên biển Đông

Nếu như ta tỉnh táo gạt bỏ những diễn biến bên lề mà có thể che lấp bản chất tích cực của sự việc, thì quả thật sự thành công của Hội nghị ARF Hà Nội vừa qua là tín hiệu tốt đối với quan hệ ASEAN-Trung Quốc nói chung và vấn đề biển Đông nói riêng. Phát biểu của các nước ASEAN và các nước ngoài khu vực, kể cả phát biểu của Trung Quốc, đã thể hiện một không khí trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, làm tăng thêm mức độ hiểu biết lẫn nhau giữa các nước ARF.

Bản chất tranh chấp là đa phương thì không thể giải quyết theo con đường song phương được; cũng giống như chơi trò ghép hình nhiều mảnh nhưng nếu có hai mảnh chỉ muốn ghép riêng với nhau thì không thể hoàn thiện bức tranh toàn cảnh được. Ảnh Lê Anh Dũng.

Việc này cũng có thể xem là một tín hiệu cảnh báo sớm nhằm lưu ý các nước ASEAN và Trung Quốc trước sự xuất hiện của những yếu tố tiêu cực có khả năng làm ảnh hưởng tới tiến trình hợp tác giữa hai bên.

Tuy nhiên, các bên cũng phải biết tiếp tục kiềm chế để tránh những phản ứng thái quá mà có thể vượt ra khỏi mức độ hợp lý của sự việc. Với báo giới, điều này đòi hỏi một sự minh bạch thông tin và ứng xử công bằng đối với quan điểm của tất cả các bên liên quan, tránh những thành kiến có thể dẫn tới diễn giải sai bản chất của sự việc.

Thành công của Hội nghị ARF Hà Nội không nằm ngoài khuôn khổ những thành tựu kinh tế-chính trị gần đây trong quan hệ hợp tác toàn diện ASEAN-Trung Quốc. Có thể nói quan hệ ASEAN-Trung Quốc đang ở mức phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay, một phần nhờ vào sự thực hiện chính sách láng giềng thân thiện của chính phủ Trung Quốc. Không nên để bất cứ vấn đề nào ảnh hưởng đến đại cục quan hệ ASEAN-Trung Quốc mà hai bên đã dày công xây đắp.

Ngoài ra, cũng cần phải cảnh giác trước một số thế lực quốc tế cố tình thổi phồng những vụ việc gần đây trên biển Đông nhằm ly gián quan hệ ASEAN-Trung Quốc, như một số học giả đã cảnh báo.

Nhìn chung, triển vọng xử lý xung đột ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc là tích cực, do thông qua Hội nghị ARF 17 các bên đã đạt được nhiều hiểu biết nhất định và gia tăng mức độ đồng thuận trên một số vấn đề có liên quan. Phía Trung Quốc đã nhấn mạnh các nước khu vực đều muốn tiếp cận vấn đề tranh chấp ở biển Đông một cách hòa bình trên bình diện quan hệ láng giềng thân thiện hữu hảo.

Như Tuyên bố của Chủ tịch ARF đã nêu, hai văn kiện DOC và UNCLOS tiếp tục được khẳng định là cơ sở quan trọng để xử lý vấn đề biển Đông trong tương lai, có hướng tới mục tiêu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử khu vực trên biển Đông (COC). Các nước ASEAN và Trung Quốc cũng thỏa thuận tổ chức cuộc họp tiếp theo của Nhóm công tác liên hợp ASEAN-Trung Quốc về triển khai DOC trước cuối năm 2010.

Có thể nói Hội nghị ARF Hà Nội là bước chuyển tích cực trong quan hệ hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, sau một thời gian hợp tác giữa hai bên bị ngưng trệ kéo dài vì nhiều lý do khác nhau.

Khoảng thời gian từ sau Hội nghị ARF 17 đến cuối năm 2010 là khoảng thời gian thử thách quan trọng đối với hợp tác ASEAN-Trung Quốc. Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 10/2010 và các hội nghị có liên quan sẽ tổ chức tại Hà Nội là điểm nhấn trong các hoạt động ngoại giao đa phương trên toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó ASEAN và Trung Quốc là các hạt nhân tích cực. ASEAN và Trung Quốc có trách nhiệm phát huy sự thành công của Hội nghị ARF 17, tiếp tục đẩy tới sự hợp tác trên vấn đề biển Đông để góp phần quan trọng vào sự nghiệp hòa bình ổn định của khu vực, xây dựng một "Châu Á hài hòa" như quan điểm chiến lược của lãnh đạo Trung Quốc.

Trước mắt, việc triển khai thực hiện DOC một cách chân thành là hoạt động thiết thực nhất, vừa góp phần xây dựng lòng tin giữa các bên vừa tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp công bằng, có lý có tình đối với tranh chấp ở biển Đông trong tương lai.


--------------------------------------------------------------------------------

* Nội dung của bài viết chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả.