Saturday, November 20, 2010

24/11 Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Tôn – Thép


Thứ Tư, 24/11/2010 | 09:01
(Vietstock) – Chúng tôi không kỳ vọng vào những biến động đột biến về lợi nhuận của các công ty ngành thép trong ngắn hạn. Xét về trung và dài hạn, ngành thép đang có nhiều cơ hội phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn và có hướng ổn định hơn so với năm 2009.
Chúng tôi cho rằng, đối với trường phái đầu tư bảo thủ thì đây vẫn chưa là thời điểm thích hợp để tham gia vào cổ phiếu ngành thép. Trường phái ưa thích mạo hiểm có thể tích lũy cổ phiếu nhóm này vào giữa quý 4/2010 để đón đầu cơ hội hồi phục của ngành.
1. Diễn biến Ngành Tôn – Thép đầu năm 2010
Giá thép biến động mạnh và có khuynh hướng bị đầu cơ liên tục. Giá thép tăng mạnh trong quý 1/2010 và đạt đỉnh gần 15.5 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân chính là do tính chu kỳ của ngành thép và giá nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu bao gồm phôi thép, thép phế, than cốc… tăng mạnh. Ngoài ra, yếu tố đầu cơ của nhiều đại lý phân phối cũng khiến cho nhu cầu tăng một cách đột biến. Điều này được thể hiện rõ qua lượng thép tiêu thụ trong tháng 3/2010 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ và vượt quá nhu cầu thực sự trong nước.
Từ giữa tháng 5/2010, giá thép trong nước liên tục điều chỉnh giảm. Nguyên nhân một phần là do giá thép thế giới sụt giảm dưới tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và chính sách kiềm chế tăng nóng thị trường bất động sản của Trung Quốc. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại khi đã lỡ nhập khẩu nguyên liệu giá cao từ quý 1/2010.
Chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ cùng với ảnh hưởng của tính thời vụ khiến lượng tiêu thụ quý 2/2010 chỉ đạt khoảng 800,000 tấn, sụt giảm mạnh so với mức 1.2 triệu tấn của quý 1/2010. 
Biến động giá phôi thép thế giới
(01/01-29/10/2010)

Diển biến giá thép trong nước
(01/2009-10/2010)
Nguồn: London Metal Exchange

Nguồn: Vietstock tổng hợp
Sang quý 3/2010, lượng thép tiêu thụ tăng mạnh trở lại với 1.4 triệu tấn. Giá thép trong nước cũng tăng nhanh trở lại vượt mức đỉnh của quý 1/2010 xấp xỉ đạt 16 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận nhà phân phối đã đầu cơ đón đầu tính mùa vụ, và một phần là do giá phôi thép thế giới đã phục hồi nhẹ trở lại.
Điều đáng chú ý trong năm nay là khi ngành thép rơi vào mùa cao điểm, vào đầu tháng 10/2010, thì giá thép lại sụt giảm nhẹ và lượng cầu khá yếu. Tình hình tiêu thụ vẫn ở mức thấp so với các năm trước. Như vậy, ngành thép đang biến động thất thường và đảo ngược xu thế hằng năm.
Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Tình trạng mất cân đối cung cầu trong nước buộc nhiều doanh nghiệp phải đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là ống thép, với thị trường tiêu thụ chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản…
Theo đó, lượng xuất khẩu thép trong 9 tháng đầu năm 2010 đã tăng mạnh, ước đạt 322,000 tấn, tức tăng 170.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng xuất khẩu thép của Việt Nam năm 2010 cao đột biến do có sự đóng góp đến 40% của Công ty Thép Posco đi vào hoạt động từ tháng 10/2009 với công suất 1.2 triệu tấn/năm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đang tận dụng lợi thế mặt hàng thép Việt Nam không chịu thuế chống bán phá giá như sản phẩm của Trung Quốc, mức giá hợp lý cũng giúp dễ dàng thâm nhập thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia vào hoạt động xuất khẩu sản phẩm thép không nhiều, chủ yếu là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), CTCP Hữu Liên Á Châu (HoSE: HLA)…
2. Triển vọng Ngành Tôn - Thép trong quý 4/2010 và năm 2011
Doanh thu quý 3 và 4/2010 có thể được cải thiện, nhưng lợi nhuận khó tăng mạnh. Tình hình tiêu thụ thép trong quý 3/2010 đã tăng 40% so với quý 2/2010, giá thép cũng đã tăng trở lại sẽ giúp doanh thu của nhiều doanh nghiệp được cải thiện so với quý 2/2010. Dự báo lượng thép tiêu thụ trong quý 4/2010 sẽ tiếp tục tăng nhẹ so với quý 3/2010.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành sẽ không tăng trưởng đột biến. Nhiều doanh nghiệp đều tăng chiết khấu cho khách hàng, đại lý phân phối nhằm giải quyết hàng tồn kho trong quý 2/2010. Ngoài ra, giá thép trong nước tăng trong quý 3 vừa qua chủ yếu xuất phát từ việc điều chỉnh tỷ giá, hơn là nhu cầu thực sự. Áp lực tỷ giá trong những tháng cuối năm vẫn còn là một trở ngại của các doanh nghiệp trong ngành.
Tình hình tiêu thụ thép có thể phục hồi ổn định hơn trong năm 2011. Chúng tôi cho rằng bước sang năm 2011, tình hình tiêu thụ thép sẽ tăng trưởng khả quan và ổn định hơn so với năm 2010. Kinh tế trong nước sẽ phục hồi sau khủng hoảng, các công trình trong điểm cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy mạnh tiến độ trở lại nhằm đón đầu nguồn vốn đầu tư mới. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 11.7 triệu tấn trong năm 2011, tăng 8% so với năm 2010.
Việc Trung Quốc bắt đầu chấn chỉnh ngành thép từ tháng 9/2010 cũng tạo ra nhiều cơ hội, khi lượng thép xuất khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ tình trạng giá thép biến động bất thường do hoạt động đầu cơ của các nhà phân phối.
Ngoài ra, áp lực đối với việc thừa cung trong ngành thép vẫn còn mặc dù nhiều dự án đang bị thu hồi. Ngành thép cũng tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh với thép nhập khẩu từ các nước ASEAN, do giá thép trong nước vẫn thường cao hơn khoảng 500,000 đồng/tấn.
Biến động giá thép vẫn bất thường. Các đợt tăng giá mang tính ngắn hạn. Theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu thép toàn thế giới năm 2011 có thể tăng hơn 5%. Đây là động lực giúp giá thép thế giới phục hồi vào năm sau.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới trong đó bao gồm Mỹ, Nhật, châu Âu và Trung Quốc vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, giá phôi thép thế giới có thể chưa thể phục hồi vững chắc, ít nhất trong nửa đầu năm 2011. Thay vào đó, giá thép sẽ có những đợt sóng ngắn theo chu kỳ của ngành và những yếu tố đột biến của cung – cầu.
Áp lực biến động tỷ giá và chi phí sản xuất gia tăng. Doanh nghiệp thép trong nước chỉ mới tự sản xuất được 60% nhu cầu phôi thép và khoảng 25% lượng thép phế cho sản xuất; phần còn lại hoàn toàn phải nhập khẩu. Do đó, áp lực biến động tỷ giá USD/VND lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép là rất cao.
Giá quặng thô và nguồn nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng trong thời gian tới, khi hầu hết các hãng khai thác quặng lớn trên thế giới đang cắt giảm sản lượng.
Chúng tôi cho rằng giá bán tại của các nhà sản xuất khó có thể điều chỉnh tăng nhanh bằng tốc độ tăng của giá nguyên vật liệu. Tỷ suất lợi nhuận gộp biên của các doanh nghiệp sẽ không cao như năm 2009.
Chi phí nhiên liệu và năng lượng chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu chi phí sản xuất thép nhưng đang là vấn đề khó khăn của ngành. Việc thiếu điện không chỉ khiến chi phí tăng cao mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, nhất là những tháng cao điểm của ngành thép thường rơi vào mùa khô. Nhiều dự báo cho rằng tình hình cung cấp điện sẽ tiếp tục căng thẳng trong năm 2011. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thép.
Cơ hội cho các doanh nghiệp tập trung phát triển theo chiều dọc và thị trường ngách. Đối với ngành thép, vấn đề chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào đóng vai trò quan trọng. Việc tham gia xuyên suốt vào chuỗi giá trị ngành sẽ giúp cải thiện giá trị gia tăng, kiểm soát có hiệu quả rủi ro nguyên vật liệu đầu vào và giá bán đầu ra.
Một số doanh nghiệp nhỏ tập trung phát triển thị trường ngách cũng đang thu được kết quả khả quan nhất định. Điển hình như CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) đang dẫn đầu trong lĩnh vực thép hình, CTCP Quốc tế Sơn Hà (HoSE: SHI) đang mở rộng các dòng sản phẩm liên quan đến thép không gỉ…
3. Cổ phiếu quan tâm: POMHPG
Cổ phiếu ngành tôn – thép đang ở vùng đáy. Cổ phiếu ngành thép khá nhạy cảm với biến động giá thép trong nước và tình hình tồn kho của các doanh nghiệp. Diễn biến thất thường của giá thép vừa qua vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư đối với cổ phiếu nhóm ngành này.
Lợi nhuận quý 2 và quý 3/2010 của các doanh nghiệp cũng kém hấp dẫn trước những biến động thất thường của ngành thép và tình hình thụ ở mức thấp. Điều này được phản ánh vào mức giá cổ phiếu ngành thép hiện tại. Mức P/E và P/B trung bình của các doanh nghiệp ngành tôn - thép niêm yết vào khoảng 6.5x và 1.2x, thấp hơn nhiều so với thị trường.
Có thể tích lũy cổ phiếu vào giữa quý 4/2010. Chúng tôi không kỳ vọng vào những biến động đột biến về lợi nhuận của các công ty ngành thép trong ngắn hạn. Xét về trung và dài hạn, ngành thép đang có nhiều cơ hội phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn và có hướng ổn định hơn so với năm 2009.
Chúng tôi cho rằng, đối với trường phái đầu tư bảo thủ thì đây vẫn chưa là thời điểm thích hợp để tham gia vào cổ phiếu ngành thép. Trường phái ưa thích mạo hiểm có thể tích lũy cổ phiếu nhóm này vào giữa quý 4/2010 để đón đầu cơ hội hồi phục của ngành.
Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm lựa chọn doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu (chủ động đầu vào và đầu ra), thị phần và thương hiệu lớn như POMHPG. Một số doanh nghiệp phát triển nhắm vào thị trường ngách và quy mô ở mức trung bình như DTL,TLHDNYSHI… cũng hứa hẹn có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Đối với các doanh nghiệp thương mại thép như SMCHMCCNT,…, kết quả kinh doanh thường phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường thép. Do đó, chúng tôi cho rằng cần thận trọng và lựa chọn thời điểm tham gia hợp lý khi đầu tư cổ phiếu nhóm này.
CTCP Thép Pomina (HoSE: POM): POM là doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành, đầu tư phát triển theo chiều sâu, xuyên suốt chuỗi giá trị ngành. Năng lực sản xuất mỗi năm của POM có thể luyện 1.5 triệu tấn phôi và cán 1.6 triệu tấn thép xây dựng.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2010 POM đạt 7,912 tỷ đồng doanh thu thuần, hoàn thành 78% kế hoạch năm và LNST ở mức 616 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Chúng tôi ước tính năm 2010, POM có thể đạt 739.8 tỷ đồng LNST ứng với mức EPS 3,947 đồng/cp. Như vậy, P/E và P/B 2010 ước tính lần lượt ở mức 7.65x và 1.97x.
Điểm đáng lưu ý đối với POM là nhà máy sản xuất phôi thép có mức tiêu thụ điện năng lớn. Do đó, việc tăng giá điện có thể ảnh hưởng mạnh lên chi phí sản xuất củaPOM.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG): Việc phát triển khá đều về chiều sâu lẫn chiều rộng có thể giúp HPG ổn định kết quả sản xuất kinh doanh, ngay cả trong bối cảnh thị trường thép gặp khó khăn. Khu liên hiệp gang thép của HPG dự kiến sẽ nâng công suất sản xuất thép xây dựng lên 700,000 tấn/năm.
Sau 9 tháng đầu năm 2010, HPG đạt doanh thu 9,932 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch năm và LNST đạt 960 tỷ đồng, tương đương 71% kế hoạch.
Chúng tôi ước tính LNST 2010 của HPG có thể đạt 1,180 tỷ đồng ứng với mức EPS 4,006 đồng/cp. Như vậy, P/E và P/B 2010 ước tính lần lượt đạt 9.71x và 1.89x.
Tỷ lệ vay nợ/tổng tài sản của HPG hiện ở mức 36% với chủ yếu là nợ vay VND. Lãi suất biến động theo chiều hương tăng lên cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt có thể khiến cho chi phí lãi vay tăng mạnh. Bên cạnh đó, HPG cũng chịu áp lực chi phí khấu hao cao khi nhiều dự án mới đi vào hoạt động.
Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010