Sunday, June 12, 2011

08/06 Thêm phản đối hành động sai trái của Trung Quốc

Cập nhật lúc :9:17 AM, 08/06/2011
(Đất Việt) Trước việc tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối hành động này.
Tuyên bố của Hội Dầu khí Việt Nam nêu rõ: Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình và gây thiệt hại về kinh tế đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hành động này cũng đã đi ngược lại cam kết của Trung Quốc tại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Hội Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối hành động sai trái nói trên của phía Trung Quốc. Việc doanh nghiệp dầu khí Việt Nam thực hiện khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước mình là việc làm bình thường và đã được tiến hành từ những năm 1980 của thế kỷ XX, hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Hội Dầu khí Việt Nam kêu gọi phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là nước thành viên, cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm túc các cam kết nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; bồi thường những tổn thất mà các tàu hải giám của Trung Quốc gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trước đó, 20h20, ngày 5/6, tàu Bình Minh 02 đã rời cảng Nha Trang tiếp tục hành trình khảo sát tại vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Lần khảo sát này, tàu Bình Minh 02 có 8 tàu bảo vệ đi cùng, tăng 5 tàu so với lần trước.

Liên quan đến các sự kiện diễn ra trên biển Đông vừa qua, ngày 7/6, Ban Thường trực UBTƯ  MTTQ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với thành viên các Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Đối ngoại và Kiều bào, cùng số các ban, ngành liên quan về vấn đề này.
 
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi và lên án việc làm sai trái của các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 26/5 vừa qua. 

Các đại biểu đều cho rằng, Trung Quốc cần tôn trọng Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên về vấn đề biển Đông (DOC) cũng như cam kết mà phía Trung Quốc đưa ra trong thời gian gần đây. Theo các đại biểu, tranh chấp trên biển Đông sẽ không thể giải quyết trong một thời gian ngắn và cần kiên trì giải quyết bằng đối thoại và biện pháp hòa bình, trên cơ sở vì lợi ích của mỗi bên và dựa vào luật pháp quốc tế. 

Theo Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp, phân tích, để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề biển Đông.
Hãng AP dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 7/6 cáo buộc Trung Quốc vi phạm thô bạo một thỏa thuận ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm ngăn chặn các vụ xung đột tại quần đảo Trường Sa. Theo Ngoại trưởng Albert del Rosario, Philippines có những bằng chứng cho thấy, từ tháng 2/2011 đến nay, Bắc Kinh đã sáu lần thâm nhập các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền bên trong và gần quần đảo Trường Sa. 

Vụ gần đây nhất, tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu Philippines ở khu vực phía Tây Palawan, gần bờ biển của Philippines đầu tháng 3 năm nay, là thách thức nghiêm trọng nhất đối với những nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình kể từ năm 1995, khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng đảo chìm Mischief mà Manila tuyên bố chủ quyền. Phát biểu trên tờ Philippines Star, Ngoại trưởng Del Rosario đã kêu gọi các bên có tranh chấp tại khu vực giàu dầu lửa này tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang và thúc đẩy tháo gỡ xung đột. 

Trước đó, phát biểu trước thềm phiên họp chuyên viên cấp cao của ASEAN để bàn về chương trình nghị sự tại Hội nghị EAS được tổ chức hôm 7/6 tại Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cho biết, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN năm 2011, Indonesia mong muốn đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7 này và kể cả tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, ông Purnomo nhận định, Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với những nỗ lực của ASEAN, vì cho đến nay, Bắc Kinh luôn chủ trương chỉ tiến hành đàm phán song phương với từng nước, phản đối đa phương hoá đàm phán và nhất là có sự can dự của Mỹ.
Nhóm PV

09/06 Văn bản khẳng định Hoàng Sa thuộc Việt Nam

Cập nhật lúc :9:11 AM, 09/06/2011
Từ lâu, làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế, không chỉ nức tiếng là nơi có bề dày lịch sử về truyền thống văn hóa, với nhiều lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc mà còn là nơi lưu giữ những tài liệu quý hiếm về Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
Ông Phan Như Ý, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ, cho biết: “Dân làng Mỹ Lợi lưu giữ trong đình làng của mình một văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm, trong đó khẳng định chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.
Văn bản liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa được lưu giữ tại đình làng Mỹ Lợi. Ảnh: N.Phương/
Văn bản do làng Mỹ Lợi lưu giữ có từ năm Quý Hợi (1743), dưới thời nhà Lê, được viết bằng chữ Hán trên giấy dó, có nội dung xử lý một vụ kiện giữa P.Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi) và P.An Bằng (làng An Bằng) về việc nộp thuế vỏ tàu khai thác sản vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa. 

Văn bản được nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu tạm dịch như sau: “Tuần quan cửa biển biên hải là Thuận Đức hầu phê cho phường Mỹ Toàn về phường An Bằng. Nguyên năm Quý Hợi (1743), phường An Bằng buộc phường Mỹ Toàn đón chiếc thuyền đội Hoàng Sa của lái Tin ở chỗ giáp ranh, kéo về đến bờ sông. Qua vụ thuế tiết liệu năm Mậu Dần (1758) khoản của thuyền thủ Trường, phường An Bằng lại bắt phường Mỹ Toàn cùng chịu, mỗi bên đem nộp tại chính điện. Đến nay, phường Mỹ Toàn thúc phường An Bằng cùng phường Mỹ Toàn đem nộp vô tàu nhưng phường An Bằng cố ý không đem nộp vô tàu ấy, phường Mỹ Toàn bèn trình đơn lên. Vậy giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê như vậy. Ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng 20 (tức ngày 6.11.1759)”. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An, văn bản này cho thấy, từ thời Lê, Việt Nam đã có đội Hoàng Sa chuyên trách quản lý và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa. Nội dung văn bản trên cho thấy cách đây 250 năm, triều đình nhà Nguyễn đã có đội quân làm việc tại quần đảo Hoàng Sa. Ông Phan Thuận An cũng cho biết, dân làng Mỹ Lợi đã bàn giao cho Nhà nước văn bản này vào năm 2010 để Nhà nước quản lý, xác lập chủ quyền của Tổ quốc. Giá trị của văn bản này mang tầm quốc gia, thậm chí là quốc tế, với những nội dung rất rõ ràng, ngày tháng cụ thể, người thật, việc thật. “Đây là một nguyên bản có giá trị lịch sử để chứng minh rằng biển đảo Hoàng Sa là của Việt Nam”, nhà nghiên cứu Phan Thuận An nói. 

Theo tìm hiểu, làng Mỹ Lợi được thành lập năm 1562, do những người khai canh ra đi lập nghiệp từ làng Lương Niệm, Quảng Xuyên (nay là thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Làng có bề dày lịch sử về truyền thống văn hóa lâu đời, với nhiều lễ hội, phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó Đình Làng Mỹ Lợi được xây dựng từ năm 1808, đến năm 1996, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia. 
Nguyễn Phương

09/06 Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Xuất hiện bạo lực khoác áo dân sự ở Biển Đông

Cập nhật lúc :9:24 AM, 09/06/2011
Tình hình khu vực cơ bản ổn định nhưng đang xuất hiện một số vẫn đề, cần tích cực hợp tác giải quyết thông qua các cơ chế hợp tác đa phương hiện nay.
Đó là đánh giá chung của hầu hết các đoàn tham gia Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) hôm 8/6 tại Indonesia về tình hình an ninh khu vực và thế giới. 

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam khẳng định, vấn đề Biển Đông và vấn đề sông Mekong là những vấn đề hết sức hệ trọng. Các vấn đề này càng ngày càng chứng tỏ  không phải là thách thức của riêng ai. 

“Thách thức không phải của riêng những nước trực tiếp có biển hay sông Mê Công, không phải của riêng những nước có lợi ích trực tiếp gắn liền ở đây, hoặc chỉ những nước trong ASEAN mà nó là của tất cả những nước có lợi ích trong khu vực”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu.  
Trong hội nghị, các nước đều khẳng định vấn đề an ninh biển và lưu thông hàng hải tại khu vực hiện nay cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu, trong đó nhấn mạnh đến việc cần phải thực thi nghiêm chỉnh Công ước Liên hợp quốc  về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng COC.
Đoàn Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến cho rằng vấn đề Biển Đông cần giải quyết theo UNCLOS 1982. Các nước cần thực hiện đầy đủ DOC và sớm xây dựng, ký kết  COC. “Chúng tôi hy vọng đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia sẽ có bước tiến mới về COC vào cuối năm nay, hay ý kiến của Thủ tướng Campuchia Hun Sen mong muốn năm 2012 nhân kỷ niệm 10 năm DOC  có thể ký được COC, sẽ trở thành hiện thực. Đây là những ý tưởng hết sức mạnh mẽ và thiết thực”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Tuy nhiên, Đoàn Việt Nam cho rằng khi các bên ký được COC hoặc chưa thực hiện đầy đủ UNCLOS 1982 thì tất cả những tranh chấp, khác biệt  phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tránh những hành động đơn phương, đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng bạo lực. “Ở đây chúng tôi muốn nói đến bạo lực vũ trang và cả bạo lực không vũ trang, bạo lực khoác áo dân sự đối với hoạt động lao động hòa bình trên biển”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói. Đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh việc các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, đặc biệt là tránh chia rẽ, tránh xung đột
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ nghiêm chỉnh thực hiện nguyên tắc phát triển hòa bình mà Trung Quốc đã cam kết với cộng đồng quốc tế và cam kết tiếp tục đóng vai trò duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. Đoàn Trung Quốc cũng nói rằng, Trung Quốc luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ UNCLOS 1982. 

Đoàn đại biểu Mỹ cũng cho biết, Mỹ cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế đảm bảo các nước có thể tự do tiếp cận đầy đủ biển, trên không và trên đất liền nhằm đảo bảo tự do lưu thông thương mại, hàng hóa. Mỹ phản đối dùng vũ lực trong giải quyết các vấn đề tranh chấp; kêu gọi các nước tuân thủ UNCLOS 1982, tự do hàng hải và các bên tuyên bố chủ quyền thực hiện nghiêm chỉnh DOC và tiến tới COC. Phía Mỹ hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc họp Nhóm kỹ thuật bàn về việc thực hiện DOC và tiến tới xây dựng COC.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng khẳng định vấn đề an ninh biển là tối quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tại khu vực Biển Đông các nước cần tích cực hợp tác hơn nữa để xây dựng một cơ chế đảm bảo tránh xung đột, căng thẳng. Nhật Bản kêu gọi các nước trong khu vực nghiêm túc chấp hành luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Võ Bình

10/06 Tướng Việt Nam phân tích tình hình Biển Đông

10/06/2011
(ĐVO) "Không sợ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền khu vực đó, vừa giữ được hòa khí. Cách đó phải học lịch sử. Kể cả lịch sử gần đây nhất", Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trò chuyện về câu chuyện biển Đông.

>>TQ lộ rõ ý đồ biến biển Đông thành 'ao nhà'


'Người dân Trung Quốc muốn hòa bình'
Đại tướng Lê Đức Anh nhận xét: “Không phải người dân Trung Quốc bất chấp lẽ phải đâu. Họ cũng muốn hòa hiếu, muốn ổn định, hòa bình”.
Đồng ý kiến này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an nhận định: “Tôi tin rằng 1,3 tỷ dân Trung Quốc đều là những người hòa hiếu, muốn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Tin rằng đa phần lãnh đạo Trung Quốc thiện chí với Việt Nam”.

12/06 Làm tất cả bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc



Cập nhật lúc :9:46 AM, 12/06/2011
(ĐVO) Trước những hành vi phá hoại vừa qua của Trung Quốc, chúng ta có quyền làm những việc mạnh mẽ hơn. Nhưng chúng ta vẫn dừng lại và đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, vì chúng ta muốn hòa bình, phù hợp với những gì chúng ta cam kết trong những hội nghị quốc tế, trong DOC và các tổ chức chúng ta là thành viên, trong cam kết song phương của lãnh đạo cấp cao 2 nước.
TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ, đã khẳng định như vậy sau khi Trung Quốc liên tục gây hấn, cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam khi đang thăm dò hoạt động trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sử dụng biện pháp hành chính để ngăn chặn hành vi phá hoại

Theo Nguyên Trưởng ban biên giới, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục phá hoại, chúng ta không thể chỉ dừng ở mức độ ngoại giao mà hoàn toàn có thể làm những việc cần thiết phù hợp với quyền chủ quyền và quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Chẳng hạn, nếu họ tiếp tục cắt đường dây cáp thì với tư cách nước có quyền tài phán và quyền đối với chủ quyền để bắt giữ, kiểm tra, kiểm soát những hành vi đó, lập biển bản, thậm chí bắt, dẫn độ về nước để cơ quan tài phán Việt Nam xét xử công khai dưới sự chứng kiến của cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc. Tất nhiên, chúng ta cần lưu ý, tránh sử dụng đến vũ lực xâm phạm đến thân thể, nhưng hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp hành chính để ngăn chặn hành vi phá hoại đó.

Còn nếu chỉ ngồi chờ, vô tình họ sẽ đạt được mục đích là tạo ra vùng tranh chấp để họ giành lấy lợi ích lớn hơn, tạo môi trường về mặt thực tế và pháp lý để tiến hơn nữa trong tham vọng bá chủ biển Đông. Do đó, chúng ta cần làm tất cả những biện pháp để bảo vệ sự trường tồn về chủ quyền của đất nước.

“Rõ ràng, trong Công ước Luật Biển năm 1982 cũng nói rõ đối với những vi phạm về quyền về chủ quyền và thềm lục địa thì quốc gia bị vi phạm có thể áp dụng các biện pháp hành chính và nếu phía vi phạm không thực hiện, cố tình chống lại thì chúng ta có thể kiện ra các cơ quan tài phán quốc tế, trong đó có tòa án quốc tế về Luật biển để đảm bảo việc thực thi công ước. Có cả một cơ chế và thủ tục pháp lý cần thiết để đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Chúng ta cũng có thể kiện dân sự các tàu hải giám và tàu cá phá hoại đối với Việt Nam. Chúng ta có thể lập hồ sơ, với những chứng cứ xác đáng để buộc họ phải bồi thường. Đó là những vụ kiện dân sự rất bình thường trong quan hệ dân sự quốc tế”, ông trục nói.

'Hết sức bình tĩnh, không manh động'

Trước hành động hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc, Đất Việt trích đăng những ý kiến, quan điểm của bạn đọc về tình hình này. Nguyễn Văn Hưng (nguyenvanhungcbls@gmail.com) chia sẻ: "Mỗi người dân Việt Nam đều khắc sâu trong tim rằng, từng thước đất của Tổ quốc đều thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của cha ông; do vậy chúng ta phải bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá... Chúng ta từng trải qua bao nhiêu thử thách mà Mỹ và Pháp đã đổ lên đầu và đều ngẩng cao đầu vượt qua. Chúng ta hãy lấy đó làm mục tiêu phấn đấu không để Trung Quốc tranh giành lãnh thổ của mình. Chúng ta hãy giữ vững vùng biển để ngư dân nói riêng và người dân Việt nói chung được hưởng quyền lợi. Tôi tin vào Đảng và Chính phủ!".

Bạn đọc Nguyễn Hữu Thanh (nguyenhuuthanh72@gmail.com) nêu quan điểm: Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, không manh động. Xét về mặt lịch sử, cả 4 ngàn năm, Trung Quốc có những lúc cường thịnh, vẫn đại bại trong những cuộc xâm lược nước ta. Không chủ quan, không nhân nhượng, tránh xung đột đổ máu mà vẫn giữ được chủ quyền là thượng sách! Tôi nghĩ Quốc tế vẫn luôn ủng hộ Việt Nam, vì chúng ta là chính nghĩa mang dòng máu nhân đạo và có trách nhiệm với cộng đồng. Tiếng nói của Việt Nam rất có uy tín trên trường quốc tế, họ sẽ ủng hộ chúng ta. Trong công cuộc bảo vệ đất nước, Việt Nam chưa từng thua bất cứ ai có ý đồ xâm lược vì người Việt có một thứ vũ khí mà không một nước nào trên thế giới có được là: lòng yêu nước, đoàn kết, anh hùng, bất khuất và tự tôn dân tộc... Chúng ta hãy "lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn - lấy chí thân mà thay cường bạo".

Tương tự, Tiến Đức (tduc@hotmail.com) cho biết: "Bên cạnh việc đấu tranh bằng các giải pháp ngoại giao trên cơ sở hữu nghị, hiện rất cần đấu tranh chính thức theo hệ thống luật pháp quốc tế. Chúng ta không nên dùng vũ lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, mà phải dùng công pháp quốc tế, dùng lẽ phải với sức mạnh quốc tế để đấu tranh với Trung Quốc".

"Việt Nam gần đây mới phóng mình ra biển lớn, nên không tránh khỏi áp lực của sóng to. Trung Quốc lại dần trở thành một cường quốc, trên nhiều mặt, nên việc họ bành truớng thế lực, đối xử với ta theo 'kiểu cá lớn nuốt cá bé' là tất yếu. Quyền lợi ở vùng biển đông là vô cùng lớn cùng với việc dần lớn mạnh của đất nước chúng ta khiến họ không thể ngồi yên. Chúng ta cần tỉnh táo trước mọi đòn khiêu khích của Trung Quốc, không nên làm tình hình quá căng thẳng... Theo tôi, việc cần làm của chúng ta bây giờ là kiêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, mà trực tiếp là ASEAN. Truyền thống, tinh thần dân tộc của chúng ta luôn là sức mạnh lớn nhất từ xưa tới nay, tuy nhiên cần biết lượng sức mình trước mọi xung đột bên ngoài. Hy vọng đồng bào chúng ta không nên quá bức xúc mà có những hành động thiết thực hòa bình vì chủ quyền biển đảo Tổ Quốc", Phạm Quỳnh Phương (phamquynhphuong1083@gmail.com) bày tỏ.
Vũ Anh - Mạnh Đồng

12/06 Giải quyết xung đột lãnh thổ ở biển Đông

Cập nhật lúc :2:25 PM, 12/06/2011
(ĐVO) "Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình...', Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định.
>> Làm tất cả bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
>> Quan ngại biển Đông 'sóng lớn' vì TQ 'quá đà'
>> Trung Quốc đang tạo tiền lệ rất xấu ở biển Đông!

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan tới tình hình hiện nay trên biển Đông. 

Thứ nhất
, các xung đột lãnh thổ ở biển Đông nên được giải quyết trên cơ sở song phương hay đa phương có sự tham gia của các bên liên quan? - bà Nguyễn Phương Nga khẳng định: "Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), thông qua đàm phán song phương và đa phương nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, có nhiều loại vấn đề trong vấn đề biển Đông. Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương giữa các nước liên quan trực tiếp (đối với Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề cửa vịnh Bắc bộ, vấn đề quần đảo Hoàng Sa). Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, như vấn đề quần đảo Trường Sa, thì giải quyết giữa các bên liên quan đó. Đối với những vấn đề không chỉ liên quan đến các nước ven biển Đông, mà còn liên quan đến các nước ngoài khu vực, như vấn đề an ninh, an toàn hàng hải v.v… thì phải được giải quyết với sự tham gia của các bên liên quan.
Thứ hai, Mỹ hay các nước khác không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và các cơ quan quốc tế có vai trò gì trong việc giải quyết các xung đột ở Biển Đông? - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông là lợi ích chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Do đó, mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực biển Đông đều được hoan nghênh.

Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ, dựa vào nỗ lực và nội lực của chính mình để giải quyết các tranh chấp với các nước liên quan bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tàu của Trung Quốc (trong vòng đỏ) nhìn từ tàu Viking II của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes.

Trước đó, ngày 9/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại khu vực lô dầu khí 136/03, tàu khảo sát địa chấn Viking II do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thuê khi đang khảo sát địa chấn đã bị một số tàu cá của Trung Quốc, dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính Trung Quốc, cản trở hoạt động, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết:

“Lúc 6h ngày 9/6/2011, trong khi tàu Viking II do Tập đoàn dầu khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 (tọa độ 60 47,5’ Bắc và 1090 17,5’ Đông) tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, thì tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã chạy ngang qua mũi tàu Viking II, sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ. Mặc dù phía Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh báo nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường. Tiếp đó, hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng với nhiều tàu cá khác của Trung Quốc đã  vào giải cứu cho tàu 62226. 

Khu vực hoạt động thu nổ địa chấn nói trên của tàu Viking II nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định tại biển Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Đáng chú ý là vụ việc nói trên xảy ra ngay sau vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam ngày 26/5 vừa qua, làm cho tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng. Các hành động có tính hệ thống này của phía Trung Quốc là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, thực hiện mục tiêu biến yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc thành hiện thực. Đây là điều phía Việt Nam không thể chấp nhận.

Phía Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc làm nói trên của phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt – Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chiều cùng ngày, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động này của phía Trung Quốc và nêu rõ lập trường của Việt Nam”.

Vũ Anh

12/06 Trung Quốc tiếp tục bị chỉ trích


Chủ Nhật, 12/06/2011, 11:03 (GMT+7)
TT - Hành động của TQ trên biển Đông tiếp tục vấp phải phản ứng kịch liệt từ cộng đồng khu vực và quốc tế. Sau Bộ Quốc phòng, đến lượt Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố cảm thấy “bất an” về những căng thẳng tại biển Đông do TQ gây ra.
Thượng nghị sĩ Jim WebbẢnh: Reuters
AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner: “Những sự kiện trên biển Đông trong thời gian qua chỉ gây căng thẳng và không đóng góp vào hòa bình, an ninh khu vực. Chúng tôi ủng hộ tiến trình ngoại giao hợp tác và kêu gọi các nước đòi chủ quyền tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Ông Toner nhấn mạnh Mỹ và cộng đồng quốc tế chia sẻ lợi ích trong việc duy trì an ninh hàng hải khu vực.
Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cũng ra thông cáo báo chí bày tỏ sự quan ngại đối với hành vi gây hấn của Trung Quốc. “Chuỗi hành vi mang tính hăm dọa của Trung Quốc là mối quan ngại lớn. Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc tạo điều kiện cho một phương thức tiếp cận đa phương, hòa bình để giải quyết các tranh chấp kể trên, đảm bảo tự do thông thương theo luật pháp quốc tế”.
Ngày 13-6, thượng nghị sĩ Webb sẽ đệ trình lên Thượng viện Mỹ một nghị quyết lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở biển Đông và kêu gọi một giải pháp hòa bình, đa phương cho các tranh chấp lãnh hải ở Đông Nam Á.
Phát biểu về ứng xử ở biển Đông của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-La trái ngược với diễn biến trong những ngày qua trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Mỹ trấn an Philippines
Theo báo The Star của Philippines, tàu khu trục Mỹ USS Chung-Hoon hiện đang trên đường đến biển Đông cũng như biển Sulu. Hải quân Mỹ khẳng định tàu USS Chung-Hoon “sẽ đi qua các vùng biển mà nước Mỹ cho là vùng biển quốc tế nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và cho thấy cộng đồng quốc tế không chấp nhận những tuyên bố đòi chủ quyền vi phạm quyền tự do hàng hải”.
Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết tàu USS Chung-Hoon là một trong những tàu hải quân Mỹ được mời để dự cuộc diễn tập thường niên CARAT giữa hải quân Mỹ và Philippines.
Đài Loan cũng đòi tranh chấp biển Đông
Hãng tin Đài Bắc Trung Bình cho biết tối 10-6, Đài Loan tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và toàn bộ các vùng hải vực xung quanh các quần đảo trên đều thuộc chủ quyền của Đài Loan tức “Trung Hoa Dân Quốc”.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho rằng căn cứ vào chứng cứ lịch sử địa lý vốn có, các đảo và vùng nước ở biển Đông đều thuộc chủ quyền của họ. Động thái này được đưa ra nhằm tuyên bố chủ quyền đối với đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa.
Đài Loan còn cao giọng lãnh thổ này tuân theo nguyên tắc “chủ quyền của chúng tôi, gác bỏ tranh luận, cùng hòa bình và cùng khai thác phát triển”.
(MỸ LOAN)
Trước đó, đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas Jr. cũng trấn an chính quyền Philippines rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines chống lại các mối đe dọa đối với an ninh nước này. Báo Philippine Daily Inquirer dẫn lời tướng Eduardo Oban Jr, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, khẳng định hải quân Philippines ở biển Đông được lệnh tránh va chạm, nhưng sẽ nổ súng bắn trả nếu bị tấn công.
Tướng Oban cũng cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề biển Đông với các quan chức quân sự Mỹ trong cuộc hội nghị quốc phòng giữa Mỹ và Philippines vào tháng 8 tới.
“Mỹ cũng đang rất quan ngại với tình hình biển Đông” - ông Oban cho biết.
Mới đây, Văn phòng Tổng thống Philippines tuyên bố Manila tin rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines trước những hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc do Mỹ và Philippines đã ký Hiệp ước quốc phòng song phương (MDT).
“Dù vậy chúng tôi hi vọng tình hình biển Đông sẽ không diễn biến xấu đến mức đó, và chúng tôi cam kết giải quyết vấn đề theo cách ngoại giao và hòa bình nhất có thể” - người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Philippines Edwin Lacierda khẳng định.
Ông Lacierda cũng yêu cầu phía Trung Quốc không đưa ra những tuyên bố mang tính gây hấn khiến tình hình thêm căng thẳng.
Tiếng nói ASEAN
Bình luận về tình hình biển Đông, báo Yomiuri Shimbun cho rằng Trung Quốc cần kiềm chế, không được thực hiện những hành vi mang tính chất khiêu khích trên biển Đông. “Hành vi đơn phương của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Trung Quốc sẽ không bao giờ giành được sự tin cậy của cộng đồng quốc tế nếu cứ tiếp tục nói một đằng làm một nẻo”.
Theo báo Yomiuri Shimbun, chính quyền Trung Quốc cần tham gia các cuộc đối thoại để thảo luận việc thành lập Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông (COC) mang tính chất ràng buộc pháp lý. “Các thành viên ASEAN cũng cần đoàn kết chặt chẽ để ngăn chặn Trung Quốc biến biển Đông thành ao nhà”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Leszek Buszynski thuộc Trường Nghiên cứu chiến lược quốc tế và chính trị ĐH ANU châu Á - Thái Bình Dương (Úc) cho rằng Trung Quốc đang tăng cường các hành vi quấy rối trên biển Đông đơn giản vì phía Trung Quốc coi mình ở “cửa trên”, và không quốc gia nào dám chống đối lại Trung Quốc. Theo tiến sĩ Buszynski, Việt Nam cần yêu cầu ASEAN ra tuyên bố phản ứng lại.
“Nếu ASEAN lên tiếng với Trung Quốc, phía Bắc Kinh sẽ phải lắng nghe và hành sự cẩn trọng hơn” - tiến sĩ Buszynski nhận định.
Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng điều cần thiết là ASEAN và Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin đã ghi trong Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông (DOC) năm 2002.
Ông cảnh báo nếu Trung Quốc tiếp tục các hành vi quấy rối, có nguy cơ xung đột sẽ xảy ra trên biển Đông và điều đó không có lợi cho bất kỳ quốc gia nào.
HIẾU TRUNG

12/06 Biển Đông: Nghị sĩ Mỹ trình nghị quyết phản đối Trung Quốc

Cập nhật lúc 12/06/2011 05:44:16 AM (GMT+7)
 - Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb (bang Virginia) vào thứ Hai tới sẽ đệ trình một nghị quyết lên Thượng viện Mỹ lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb Ảnh: readthehook

Ông Webb, Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc liên tiếp sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền hàng hải ở Biển Đông.
Trang web của văn phòng Thượng nghị sỹ bang Virginia vào ngày 10/6 đã đăng tải thông cáo báo chí nêu rõ: “Các quan chức ở bộ ngoại giao và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho biết, vào ngày 9/6, ba tàu an ninh hàng hải của Trung Quốc đã lao vào và làm hỏng cáp của một tàu thăm dò Việt Nam, tàu Viking 2, trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam”, Thượng nghị sĩ Webb nói. “Hành động này diễn ra tiếp theo các vụ việc tương tự ngày 26/3 ở gần Việt Nam và trong tháng 3 ở gần Philippines, cũng như các vụ việc trên biển vào năm ngoái tại quần đảo Senkaku dưới sự quản lý của Nhật Bản”.
Thông cáo nhấn mạnh: “Kiểu đe dọa của Trung Quốc gây quan ngại sâu sắc. Mỹ có lợi ích chiến lược rõ ràng trong việc tạo điều kiện cho việc tiếp cận đa phương, hòa bình hướng tới giải quyết các tranh chấp và đảm bảo sự tiếp cận cởi mở cho thương mại cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Trang web cho hay, thứ Hai tới, Thượng nghị sĩ này sẽ đệ trình một nghị quyết lên Thượng viện Mỹ lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông và kêu gọi một giải pháp hòa bình, song phương cho tranh chấp hàng hải ở Đông Nam Á.
Thượng nghị sĩ Webb đã bày tỏ những quan ngại về vấn đề chủ quyền ở khu vực này trong nhiều năm qua. Phiên điều trần của ông với tư cách là Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ là tranh chấp hàng hải và vấn đề chủ quyền ở châu Á vào tháng 7/2009.
Trước đó cùng ngày, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế đã đưa tin về tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ với vấn đề Biển Đông. "Chúng tôi lo lắng bởi những báo cáo gần đây về tình hình Biển Đông và tin tưởng rằng, nó chỉ làm gia tăng căng thẳng, không góp phần cho hòa bình và an ninh khu vực”, ông Mark Toner nói. "Chúng tôi ủng hộ một tiến trình hợp tác ngoại giao…và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cả trên đất liền và trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Ông nhấn mạnh, Mỹ và cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ lợi ích chung trong duy trì an ninh hàng hải ở khu vực thông qua tự do hàng hải, phát triển kinh tế và tuân thủ luật pháp quốc tế. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: "Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ điều gì làm gia tăng sự căng thẳng hiện tại; chúng tôi không nghĩ rằng điều đó là hữu ích. Những gì cần thiết là một tiến trình hợp tác ngoại giao, một tiến trình hòa bình, để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và những vấn đề khác”.
Bắc Kinh luôn khẳng định cam kết hòa bình ở Biển Đông, nhưng quan điểm ngày càng gây hấn của họ trong vấn đề hàng hải đã gây ra sự quan ngại với các quốc gia trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) gần đây đã nhiều lần phản đối hành động ngày một gia tăng của các tàu Trung Quốc ở khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền. Từ 31/5-4/6, Philippines đã hai lần chuyển lời phản đối tới đại sứ quán Trung Quốc ở Manila. Quan chức Philippines cáo buộc lực lượng Trung Quốc đã 6 lần xâm nhập vào khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền kể từ tháng 2 tới nay, và bắn vào các ngư dân Philippines trong ít nhất một vụ việc.
Chỉ trong vòng hai tuần, các tàu Trung Quốc đã hai lần cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam khi các tàu thăm dò hoạt động trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận mọi hành động sai trái từ các tàu của họ và cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.
  • Thái An