Sunday, June 12, 2011

08/06 Thêm phản đối hành động sai trái của Trung Quốc

Cập nhật lúc :9:17 AM, 08/06/2011
(Đất Việt) Trước việc tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối hành động này.
Tuyên bố của Hội Dầu khí Việt Nam nêu rõ: Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình và gây thiệt hại về kinh tế đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hành động này cũng đã đi ngược lại cam kết của Trung Quốc tại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Hội Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối hành động sai trái nói trên của phía Trung Quốc. Việc doanh nghiệp dầu khí Việt Nam thực hiện khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước mình là việc làm bình thường và đã được tiến hành từ những năm 1980 của thế kỷ XX, hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Hội Dầu khí Việt Nam kêu gọi phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là nước thành viên, cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm túc các cam kết nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; bồi thường những tổn thất mà các tàu hải giám của Trung Quốc gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trước đó, 20h20, ngày 5/6, tàu Bình Minh 02 đã rời cảng Nha Trang tiếp tục hành trình khảo sát tại vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Lần khảo sát này, tàu Bình Minh 02 có 8 tàu bảo vệ đi cùng, tăng 5 tàu so với lần trước.

Liên quan đến các sự kiện diễn ra trên biển Đông vừa qua, ngày 7/6, Ban Thường trực UBTƯ  MTTQ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với thành viên các Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Đối ngoại và Kiều bào, cùng số các ban, ngành liên quan về vấn đề này.
 
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi và lên án việc làm sai trái của các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 26/5 vừa qua. 

Các đại biểu đều cho rằng, Trung Quốc cần tôn trọng Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên về vấn đề biển Đông (DOC) cũng như cam kết mà phía Trung Quốc đưa ra trong thời gian gần đây. Theo các đại biểu, tranh chấp trên biển Đông sẽ không thể giải quyết trong một thời gian ngắn và cần kiên trì giải quyết bằng đối thoại và biện pháp hòa bình, trên cơ sở vì lợi ích của mỗi bên và dựa vào luật pháp quốc tế. 

Theo Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp, phân tích, để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề biển Đông.
Hãng AP dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 7/6 cáo buộc Trung Quốc vi phạm thô bạo một thỏa thuận ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm ngăn chặn các vụ xung đột tại quần đảo Trường Sa. Theo Ngoại trưởng Albert del Rosario, Philippines có những bằng chứng cho thấy, từ tháng 2/2011 đến nay, Bắc Kinh đã sáu lần thâm nhập các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền bên trong và gần quần đảo Trường Sa. 

Vụ gần đây nhất, tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu Philippines ở khu vực phía Tây Palawan, gần bờ biển của Philippines đầu tháng 3 năm nay, là thách thức nghiêm trọng nhất đối với những nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình kể từ năm 1995, khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng đảo chìm Mischief mà Manila tuyên bố chủ quyền. Phát biểu trên tờ Philippines Star, Ngoại trưởng Del Rosario đã kêu gọi các bên có tranh chấp tại khu vực giàu dầu lửa này tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang và thúc đẩy tháo gỡ xung đột. 

Trước đó, phát biểu trước thềm phiên họp chuyên viên cấp cao của ASEAN để bàn về chương trình nghị sự tại Hội nghị EAS được tổ chức hôm 7/6 tại Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cho biết, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN năm 2011, Indonesia mong muốn đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7 này và kể cả tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, ông Purnomo nhận định, Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với những nỗ lực của ASEAN, vì cho đến nay, Bắc Kinh luôn chủ trương chỉ tiến hành đàm phán song phương với từng nước, phản đối đa phương hoá đàm phán và nhất là có sự can dự của Mỹ.
Nhóm PV

No comments:

Post a Comment