Monday, July 21, 2008

20/07 Trung Quốc ép công ty dầu lửa Mỹ

20 Tháng 7 2008 - Cập nhật 05h49 GMT

 
Logo của ExxonMobil
Một nguồn tin nói ExxonMobil không thể phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc
Bắc Kinh yêu cầu công ty ExxonMobil rút khỏi thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam vì cho rằng dự án xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong dẫn các nguồn tin thân cận với công ty dầu khí Mỹ cho biết rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Washington nhiều lần lên tiếng phản đối với các lãnh đạo của ExxonMobil thời gian qua.
Họ cũng cảnh báo rằng các hoạt động kinh doanh của công ty dầu khí hàng đầu thế giới ở Trung Hoa đại lục có khả năng gặp rủi ro vì thỏa thuận này.
Một nguồn tin nói với tờ báo: “Nếu đó là vấn đề pháp lý đơn thuần, mọi chuyện sẽ dễ dàng, nhưng sự việc còn mang tính chính trị”.
“Quan ngại của Trung Quốc khiến tình hình trở nên phức tạp hơn đối với một công ty như Exxon. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong ngành dầu mỏ quốc tế”.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam, PetroVietnam và ExxonMobil đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc thăm dò ở vùng biển Đông ngoài khơi bờ biển miền nam và trung Việt Nam.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) không nói rõ là hai bên ký thỏa thuận này khi nào.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, ExxonMobil và PetroVietnam đã ký thỏa thuận khung về hợp tác tại khu vực biển Đông trong khuôn khổ chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Hoa Kỳ tháng trước.

‘Không thể phớt lờ’

Tờ báo của Hong Kong dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết rằng ExxonMobil tự tin về chủ quyền của Việt Nam ở một số lô mà công ty này sẽ thăm dò, nhưng cũng đồng thời không thể phớt lờ cảnh báo của Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng được trích lời nói rằng mọi hợp tác với các đối tác dầu khí nước ngoài tại các đặc khu kinh tế và thềm lục địa của nước này là quyền của Việt Nam.
 Nếu đó là vấn đề pháp lý đơn thuần, mọi chuyện sẽ dễ dàng, nhưng sự việc còn mang tính chính trị
 
Một nguồn tin giấu tên

"Chúng tôi hoan nghênh và tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài, kể cả Trung Quốc, hợp tác trong lĩnh vực dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam, trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp Việt Nam."
Nguồn tin thân cận với ExxonMobil cũng cho Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hay rằng chính phủ Hoa Kỳ nắm biết được tình hình. Lúc này Mỹ chưa trực tiếp tham gia vào tranh cãi ở biển Đông, nhưng hồi tháng Năm, tại hội nghị an ninh khu vực ở Singapore, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo Trung Quốc không nên 'bắt nạt' các nước láng giềng trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên.
Khu biển xung quanh quần đảo Trường Sa đang được sáu quốc gia tuyên bố chủ quyền.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối Việt Nam cho các đối tác nước ngoài khai thác dầu khí tại đây.
Tập đoàn BP của Anh đã quyết định thôi thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam hồi tháng 6/2007 trước sức ép từ Bắc Kinh.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc châu, từng cho BBC biết rằng Trung Quốc đã vận động mạnh mẽ qua đại sứ quán tại nhiều nước phương Tây vốn có dự án dầu khí với Việt Nam nhằm buộc họ ngừng hợp tác với Hà Nội.





Ý kiến
Không rõ đường dây nóng được thiết lập giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam - Trung quốc trong những ngày qua có nóng không? Nếu nó nóng lên thì có phải do những vấn đề do Trung quốc yêu cầu ExxonMonil rút khỏi thoả thuận hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam? hay nóng lên do những vấn đề nào khác? Giả sử vấn đề này được đưa ra trao đổi qua đường dây nóng thì cách thức trao đổi của Lãnh đạo Việt Nam sẽ là như thế nào? Trao đổi thẳng thắn hay là xin xỏ, van lơn. Và người đồng chí Trung quốc sẽ trả lời như thế nào? nạt nộ hay ban phát?
Đinh Bộ Lĩnh, Tp.HCM
Dân tộc Việt Nam không thể trở thành "một dân tộc thiểu số của Trung Quốc". Việc ExxonMobil có rút khỏi Việt Nam hay không hoàn toàn phụ thuộc vào vị thế của Hoa Kỳ trên trường quốc tế và thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam. Chủ quyền Việt Nam mới là điều phải làm cho ra lẽ. Đất liền nước Việt dài và mỏng như con rắn, một bên thân lại xuyên suốt kéo dài theo biển Đông. Nếu Việt Nam không giữ được chủ quyền trên biển Đông có khác chi "cá năm trên thớt", vị thế quân sự như vậy hẳn nhiên ai cũng tỏ tường, chưa nói chi là lợi ích kinh tế, là tài nguyên, là cửa ngỏ biển Đông cho việc vận chuyển trên toàn thế giới đối với khu vực này.
Nhà cầm quyền Việt Nam quyết tâm theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là xương sống của ĐCSVN.. Mà chế độ XHCN chỉ còn ít ỏi nước ứng dụng, trong đó có cường quốc Trung Quốc, là láng giềng đất Việt. Nếu nhà cầm quyền Việt Nam quyết tâm giữ nguyên bờ cõi khác chi tự cô lập mình trên mặt trận XHCN, đồng nghĩa việc hủy bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam và tự giải tán tổ chức ĐCSVN cầm quyền. Còn nếu không quyết tâm giữ gìn nguyên bờ cõi nước Việt, khác chi là bán nước cầu vinh cho tổ chức ĐCSVN. Với nhân dân Việt Nam xưa nay đã rõ, không bao giờ chịu làm nô lệ, thuộc địa hay "một dân tộc thiểu số cho bất kỳ nước nào khác, trong đó có "anh em" là Trung Quốc ngàn năm muôn thể xâm lược Việt Nam, sử sách đã rõ...
Cam Ranh, Sài Gòn
Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng chính quyền ta sợ hãi Trung quốc, vấn đề ở chỗ là ta phải khéo léo không để đối phương lợi dụng khai thác vào chỗ yếu của ta (đó là khả năng tác chiến trên biển). Với thực lực của mình, Trung quốc có thể đánh chiếm Trường sa chỉ trong vòng 1 tháng vì vậy chúng ta không thể đi vào vết xe Hoàng sa một lần nữa, phải có một đối sách mềm dẻo để giữ đảo. Còn dựa vào Hoa kỳ ư? Thật là lố bịch vì ngàn đời nay, các nước nhỏ chỉ là những quân cờ trong tay các nước lớn mà thôi. Vì lợi ích của quốc gia họ có thể phủi tay không thương tiếc. Chúng ta phải nhớ rằng khi đã mất đảo rồi thì không ai giúp mình lấy lại đâu, lúc đó có chửi bới thì cũng chẳng ích gì.
Minh Pham, TQ
TQ nên biết rằng Mỹ thừa hiểu những gì đang diễn ra trên Biển Đông, họ làm như thế chỉ tôn thêm hình ảnh của một kẻ bành trướng tham lam trong mắt cộng đồng quốc tế. Dự án về thăm dò dầu khí tại Việt Nam của các công ty Mỹ không đơn giản chỉ là các lợi ích về kinh tế, mà nó là các lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, lần này khác rồi, không có chuyện Mỹ rút khỏi dự án này. TQ đúng là không biết người biết ta khi đã quá tự đắc và mãn nguyện sau khi ép được BP của Anh rút khỏi dự án dầu khí năm ngoái, sau vụ này cho TQ biết VN không đơn giản đâu!
Le Cuong, HN
Nhân dân Việt Nam và các công ty nước ngoài và cả trong nước cứ yên tâm mà khai thác tài nguyên biển (dầu khí, cảng biển, hải sản...). Vì đã có người láng giềng tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt... ở bên cạnh lo gì.Và nhất là "Bộ chính trị" của Đảng CSVN đã quyết lấy kinh tế biển làm trọng điểm cơ mà. Tôi nghĩ trong giai đoạn này là quá thuận lợi cho sự lãnh đạo kinh tế của Đảng CSVN hơn bao giờ hết để đưa Việt Nam trở nên giầu có.
Ẩn danh
Các vị lãnh đạo của Đảng CS nên bảo vệ chủ quyền đất nước hơn là lo bảo vệ cái ghế của mình, chỉ lo thu vén cá nhân mà quên đi quyền lợi của cả một dân tộc.
Yony, Y+USA
Theo tôi, VN nên giao hết các vùng biển khu Hoàng Sa + Trường Sa cho Mỹ khai thác và quản lý dài hạn, vì chỉ có Mỹ mới làm được chuyện này, không có nước nào dám làm cả. Còn chia chác, VN được bao nhiêu cũng được. Tôi chỉ muốn tìm người "đấm" vào mặt TQ một "đấm" thế thôi. Thằng láng giềng lưu manh, đểu cáng mà CSVN đang dựa lưng vào.
TQ, SG
Từ lâu Trung Quốc được xem là người anh em với Việt Nam theo kiểu "môi hở răng lạnh" nhưng những gì đã và đang xảy ra cho chúng ta thấy rõ bộ mặt thật của người anh em này. Đã đến lúc chúng ta phải cứng rắng hơn, phải lên tiếng vì lãnh thổ VN.
Sài Gòn
Đồng ý với Việt! Với cái đà này, một lúc nào đó, VN là một nước có biển chỉ dùng để...tắm! Mọi con thuyền ra vào đều phải đi vòng qua "cái lưỡi rồng" của Trung Quốc! Bản đồ biển của TQ là cái bản đồ lố bịch nhất thế giới từ trước đến giờ! Vậy mà dân TQ vẫn tin sái cổ vào "chủ quyền cha ông" tại một nơi cách nước khác thì ít mà cách nước họ thì nhiều??? Chín triệu km vuông là chưa đủ???
U49, tp Hồ Chí Minh
Dư luận trong cộng đồng các dân tộc Châu Á tin rằng ban lãnh đạo và thế lực ngầm của Trung Quốc đã và sẽ mở đường tương lai không xa tới cả Châu Phi xa xôi, còn Châu Á chỉ còn là thời gian ngắn!
Nguyen Hong Quoc, Sài Gòn
Có lẽ không một người Việt nào, cho dù sống ở đâu, không cảm thấy phẫn uất khi biết đất nước mình bị chèn ép như vậy. Phần lỗi trước tiên và lớn nhất thuộc về Hà Nội. Chính sự yếu hèn của Hà Nội đã làm cho Bắc Kinh càng ngày càng lấn tới. Rõ ràng là đối đầu với Bắc Kinh ở thời điểm này thì Hà Nội chỉ có thất bại. Luôn nhìn Phương Tây và Mỹ như là những "thế lực thù địch" đã làm cho Hà Nội chẳng có một đồng minh nào thật sự. Đối với Hà Nội, hình như là, thà mất một phần của đất nước còn hơn là mất đi chính thể cộng sản này. Thật cay đắng!
John Nguyen, USA
Chính quyền Hà Nội nên có thái độ rõ ràng về vấn đề lãnh hải của Việt Nam, nhất là trong lúc VN đang làm chủ tọa Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Hà Nội nên nêu vấn đề chủ quyền trên lãnh hải phía đông của mình, để cho toàn thế giới thấy được vấn đề, đồng thời ngăn trở phần nào ý đồ xâm lăng của Bắc kinh. Mong rằng chính quyền Hà Nội không nên quá nhượng bộ để dẩn đến hậu quả mất đất rồi mất nước...
Vo Danh, Sài Gòn
"Vua Hùng đã có công dựng lên đất nước. Bác cháu ta cùng nhau giữ nước" Ý định của thằng TQ ngay cả con nít năm tuổi ở VN cũng biết. Lịch sử VN ko bao giờ khuất phục bại trận dưới tay TQ
Minh, Long An
Tôi còn nhớ như in là trong chuyến viếng thăm đến Trung Quốc vừa qua, ngài Tồng Bí thư kính mến của chúng ta đã ôm hôn thắm thiết chủ tịch Hồ Cẩm Đào kia mà, sao bây giờ sự việc lại đến nông nổi như thế nhỉ ?
Stevedat
Điều này sẽ cho thấy thái độ của Mỹ trong vấn đề biển Đông.
Ju Mong, Việt Nam
Kéo Mỹ vào vùng này thì chủ quyền biển đảo của VN được tăng khả năng đảm bảo. Để kéo Mỹ vào thì nên cho họ hưởng phần nhiều hơn (ví dụ 6/10, thậm chí là 75%). Giá dầu hạ xuống thì cả kinh tế Mỹ và kinh tế VN đều có điều kiện ổn định và tăng trưởng. VN có thêm lợi thế để giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Mỹ được dịp thể hiện vai trò siêu cường của mình ở khu vực đang có đà phát triển nhất thế giới. Có thêm điều kiện kiềm chế TQ. Một sự hợp tác hai bên cùng có lợi như thế tất sẽ ngày càng phát triển sâu, rộng.
Lam, Sài Gòn
Sự kiện này chẳng kém việc Trung Quốc lập thành phố Tam Sa năm ngoái. Chúng ta không thể ngồi im nghe người phát ngôn Bộ ngoại giao VN " lấy làm tiếc" về sự kiện này.
Long
Nước Anh đã sợ Trung Quốc, bây giờ đến lượt Mỹ? Mặc dù là vấn đề lợi ích, nhưng cũng nói lên sức mạnh thế giới trong hoàn cảnh cục bộ này. Người ta sẽ đánh giá nước Mỹ thế nào ở Nam Á sau sự kiện này? Chúng ta cần quan sát kỹ hơn.
Ho Tung, Sài Gòn
Lần trước là vụ công ty BP của Anh rút lút sau sức ép của TQ, bây giờ Exxon thì sao ? Tại sao những chuyện hệ trọng này của đất nước mà chính phủ VN lại làm ngơ. Hay chăng chính phủ VN đang "bán" biển Đông cho TQ để đổi lại sự hậu thuẫn cho Đảng Cộng Sản VN ?! Có lắm chứ, tôi có quyền nghi ngờ khi thấy "họ" im lặng.
Maida, USA
Đây là lúc CSVN cho thế giới biết là họ có độc lập hay không! BP đã sợ còn Exxon? Hoa Kỳ có phải là đối trọng với TQ hay không? 2.200 Km bờ biển VN đẹp như vạt áo dài VN, đầy hấp dẫn nên anh láng giềng khổng lồ đang thèm khát nhiên liệu không thể không có ý đồ bất chính tám chữ "vàng" chỉ là khẩu hiệu của TQ còn VN có dám lặp lại bài hịch của Lý Thường Kiệt chăng?
Nhưng thực tế thì ông lớn nhất nước phải đi Bắc Kinh còn ông nhỏ hơn đi Washington. Bây giờ mới thấm thía hơn câu ca dao:" Thân em như tấm lụa đào - Phất phơ trước gió biết vào tay ai? Tội nghiệp VN và một thể chế chính trị chẳng những đã không tập hợp được tổng lực dân tộc mà ngược lại.
Viet, Sai Gon
Không lâu nữa lãnh thổ Việt Nam sẽ không bao gồm biển nếu chúng ta tiếp tục nhượng bộ.