Wednesday, June 23, 2010

23/06 Lưu Hữu Phước & mối tình dành cho cô gái Huế


Bài viết được đăng lúc 3:48:20 PM, 23.06.2010

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - Ảnh: nhantai.thv.vn
HƯƠNG CẦN
      
(Chuyện ít ai biết trong làng âm nhạc)

Nhạc sỹ, Giáo sư viện sỹ Lưu Hữu Phước (1921-1989) là tác giả của rất nhiều hành khúc nổi tiếng. Với tài năng của mình, từ bài hát này đến bài hát khác, ông đã góp phần nuôi dưỡng những phong trào cách mạng to lớn.

Những bước đi rầm rộ của hàng vạn, hàng triệu đồng bào theo nhịp hát “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Học sinh hành khúc”... trước đây và sau này là“Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”... đã làm rung chuyển cả đất nước. Phải nói rằng âm nhạc Lưu Hữu Phước đã có sức mạnh động viên, cổ vũ phi thường...

Thế nhưng Lưu Hữu Phước không chỉ có những hành khúc vang dội. Ông cũng có những tình ca cháy bỏng như“Trên Sông Hương”, “Ai nhớ ai”... Một điều ít ai biết là con người tài hoa ấy đã từng có một mối tình đầu đầy bí hiểm với một người con gái Huế.

Lá thư của người không quen biết

Đầu năm 1943, lúc bấy giờ nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đang học ở Hà Nội nhưng cũng đã nổi tiếng với các bài hát của mình như “Tiếng gọi thanh niên”(1941), “Bạch Đằng Giang” (1941), “Hội nghị Diên Hồng” (1942)... Một hôm ông đang phổ nhạc cho vở nhạc kịch thơ Tục lụy (nay gọi là Trần duyên) của Thế Lữ thì nhận được một là thư gửi từ Huế, ký tên Thu Hương.      

Đó là lá thư của cô gái Huế mà Lưu Hữu Phước chưa hề quen biết. Người viết lá thư ấy tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng của nhạc sỹ trẻ, ca ngợi bài hát“Ta cùng đi” và ngõ ý muốn trao đổi thư từ với nhạc sỹ. Có một điều đáng nói là trước đó cũng có nhiều cô gái viết thư tỏ tình, mến mộ... song đều không được Lưu Hữu Phước để tâm đến. Thế nhưng tự nhiên nhận được lá thư này, bỗng nhiên Lưu Hữu Phước đâm ra nghĩ ngợi. Nhớ lại chuyện này, người bạn thân của ông là nhà hoạt động cách mạng Mai Văn Bộ kể: “Tôi tò mò hỏi Phước: ”-Phước nghĩ xem, tại sao Thu Hương ca ngợi bài “Ta cùng đi” mà không ca ngợi bài hát nào khác của Phước? ”Phước nói ngay: ”- Thu Hương đề nghị cùng trao đổi ý kiến về cả hai phương diện nghệ thuật và tư tưởng. Chưa có bức thư nào khác có nội dung như thế cả!” Câu trả lời của Phước bật ra như có sẵn trong đầu, khiến tôi chợt hiểu: thì ra Phước đã nhìn thấy ở Thu Hương một cô gái trình độ, có bản lĩnh và chưa chi đã có sự cảm thông, đồng tình, đồng điệu với nhau rồi! Phước ngồi thừ ra. Lần đầu tiên tôi thấy Phước trong tư thế đó. Phải chăng Phước đang nghĩ về cố đô và đang lắng nghe tiếng hò trên sông Hương, như 7 năm về trước, khi Phước còn là một học sinh của trường Collège Cần Thơ? Thôi, Thần lương tâm (biệt danh của Lưu Hữu Phước - người viết) mắc bệnh tương tư rồi. Và từ đó, tôi gọi gác trọ của chúng tôi là ‘‘Gác TT”...

Từ đó, Lưu Hữu Phước thư đi thư lại với người con gái Huế có tên là Thu Hương mà Phước chưa một lần gặp mặt.

Huế - không phải là điểm hẹn tình yêu

Khoảng đến cuối năm 1943, Hà Nội bị bom đạn dữ dội, trường đại học đóng cửa, Lưu Hữu Phước cùng nhóm bạn bè thân là Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ (sau này cùng với Lưu Hữu Phước và một số người khác lập nên nhóm Hoàng Mai Lưu nổi tiếng) rời Hà Nội trở về Nam. Họ trở về bằng xe lửa. Bỗng nhiên khi tàu dừng ở Ga Huế, Lưu Hữu Phước xách va-li xuống xe và tuyên bố sẽ ở lại Huế để đi tìm Thu Hương. Những người bạn đồng hành rất ngạc nhiên, Huỳnh Văn Tiểng can ngăn song không thể thay đổi ý định của Lưu Hữu Phước.

Một sinh viên tên là T đã đón Lưu Hữu Phước rồi đưa đi tìm người con gái mà những cánh thư mỏng manh đã từng làm nhạc sỹ mất ăn, mất ngủ. Theo địa chỉ của Thu Hương ghi cho, Phước và T dẫn nhau đi tìm. Hồi đó thành phố Huế chưa mở rộng như bây giờ, chỉ nhỏ như bàn tay con gái, những tưởng đi tìm nhà người đẹp sẽ dễ dàng song rốt cuộc lại không hề như thế. Bởi vì khi tìm đúng tên đường, lần theo số nhà, nhưng chưa đến số nhà Thu Hương ghi cho trong thư hẹn hò thì đã hết ngõ đường. Hỏi những người trong xóm đó thì ai cũng lắc đầu:”- Không có Thu Hương nào ở đây cả”. Không tìm ra người đẹp mình từng mộng tưởng, hẹn hò mà trời Huế đã về chiều. Quá thất vọng trong bóng chiều buông, chàng nhạc sỹ cảm thấy như mình đang đứng ở “ngõ cụt Liêu Trai” ngay trên xứ Huế. Bí quá, Lưu Hữu Phước đành nghe theo lời T ở lại nhà người quen của T để đi thăm Huế một tuần.

Bài tình ca đầu tiên      

Thay vì gặp một Thu Hương, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã gặp nhị Kiều xứ Huế lúc bấy giờ là L.L và L.Đ, cả hai đều là em của T. Nghe chàng sinh viên kiêm nhạc sỹ nổi tiếng Lưu Hữu Phước đang có mặt ở nhà L.L và L.Đ, khoảng trên ba mươi nữ sinh Huế đã tìm đến và thế là đã từng diễn ra một cuộc trình diễn nhạc Lưu Hữu Phước ở Huế cách đây 67 năm. Trước những tà áo tím ngưỡng mộ mình, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã hứng khởi giới thiệu một số bài hát như “Bạch Đằng Giang”, “Hồn tử sỹ” và không thể thiếu bài “Ta cùng đi” đã từng làm nên duyên nợ với Huế của chàng trai Nam bộ.

Những ngày sau đó, T đưa nhạc sỹ Lưu Hữu Phước thăm viếng các lăng tẩm hoàng cung, đi thuyền sông Hương và có lần L.L cùng L.Đ đưa Lưu Hữu Phước đi thăm quê ở ngoại ô thành Huế. Không tìm thấy Thu Hương ở Huế, nhưng tình cảm của chị em L.L, L.Đ đã làm cho Lưu Hữu Phước khuây khỏa. Mơ hồ như trong số họ có bóng dáng của Thu Hương.

Bút tích bản "Hương Giang dạ khúc" của Lưu Hữu Phước tặng Thu Hương

Những ngày vui qua nhanh, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước từ biệt Huế mà lòng biết bao lưu luyến, trong tim canh cánh một nỗi niềm “Thu Hương-nàng là ai?”. Trở về Nam, nhạc sỹ đã sáng tác bài tình ca đầu tiên “Hương giang dạ khúc” theo phong cách dân ca Huế. Từ Sài Gòn, bài tình ca đã được gửi ra Huế cho Thu Hương, đồng thời cho cả L.L và L.Đ. Cô em L.Đ đã dành giữ bức thư, còn người chị L.L đằm thấm hơn thì giữ lấy phong bì có đóng dấu bưu điện Sài Gòn. Bài “Hương giang dạ khúc” có rất nhiều từ “hương”, như vừa để nhắn gửi đến nàng Thu Hương, vừa gửi về xứ sở đã để lại trong tâm hồn nhạc sỹ nhiều ấn tượng quá đẹp. Trong đó có những câu da diết: “Làn hương thu mờ trong bóng chiều, vờn run ánh ngà, nhẹ đưa đưa xa... Làn hương ơi! Làn hương mờ xóa bóng ai yêu kiều trong mơ...”

Năm 1944, Mặt trận Việt Minh kêu gọi, lệnh chuẩn bị khởi nghĩa đến với những người sinh viên yêu nước. Lưu Hữu Phước hát vang bài “Xếp bút nghiên”, bỏ học đi về Nam. Trước khi lên đường, chàng nhạc sỹ Lưu Hữu Phước thức suốt đêm đốt hết tất cả những bức thư của Thu Hương cùng các thư từ kỷ vật đã lưu niệm từ mười năm qua. Không chỉ thế, khi về ngang Huế, nhạc sỹ đã cắt một đoạn bài hát “Xếp bút nghiên” gửi cho Thu Hương theo địa chỉ “Ngõ cụt Liêu Trai” mà mình đã đến tìm nhưng không gặp người. Đoạn cắt ấy là: “Hèn thay đời nhàn cư! Hèn thay vui yêu đương! Lúc quê hương cần người. Dứt làn tơ vương”... Những lời ấy nói thay cho nhạc sỹ một quyết tâm cắt đứt mối tình đầu để lên đường tranh đấu...

Thu Hương - nàng là ai?

Những tưởng câu chuyện đến đó là kết thúc, thế nhưng mọi chuyện về người con gái xứ Huế bí hiểm mang tên Thu Hương đã dần dần sáng tỏ vào một ngày của năm 1948. Mai Văn Bộ kể lại, lúc ấy ông đang hoạt động bán công khai ở Sài Gòn - Chợ Lớn thì có người phụ nữ tìm đến gặp, tự giới thiệu là L.L. “Nàng có khuôn mặt hơi dài, trán cao, một cái nhìn rất sâu và rất tri thức sau cặp kính trắng”- Mai Văn Bộ tả. Rất tự nhiên, L.L cho biết là nàng đã có chồng và đang làm ăn buôn bán ở Sài Gòn, Hương Cảng, Singapore. Quanh co một hồi, L.L hỏi tin tức của Lưu Hữu Phước. Mai Văn Bộ cho biết là nhạc sỹ đang ở Việt Bắc và chưa có vợ. Ông nhớ là ông nhấn mạnh Lưu Hữu Phước chưa có vợ và cảm thấy như L.L muốn nói điều gì đó song lại thôi, vội vàng từ giã ra về. Ông Mai Văn Bộ đưa tiễn người đẹp ra ngõ, thế nhưng khi về đến nhà, ông mới giật mình vì một câu hỏi xoáy lên: “L.L có phải là Thu Hương không?”. Ông vội chạy ra ngõ tìm nhưng muộn mất rồi, không còn thấy bóng người đâu cả.

Sau Hiệp định Geneve, nhóm Hoàng Mai Lưu găp nhau ở Hà Nội. Lưu Hữu Phước kể cho mọi người nghe là năm 1946, nhạc sỹ đã gặp L.L ở Hà Nội. Lúc ấy nàng đã có chồng, thế nhưng L.L không những vẫn giữ thái độ thân tình của người quen cũ, mà còn tích cực giúp nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu II ấn hành một số bài hát, trong đó có bài “Hương giang dạ khúc” của nhạc sỹ không tên, tặng cô Thu Hương. Nghe chuyện L.L tìm gặp Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước thở dài: “Yêu người trong mơ, gặp người cụ thể, chưa biết hẹn hò gắn bó thì người ta đã đi lấy chồng”.

Nói vậy nhưng có phải L.L đã núp dưới tên Thu Hương để mê hoặc Lưu Hữu Phước không? Câu hỏi ấy vẫn chưa dễ dàng kết luận.

Câu trả lời chỉ đến 18 năm sau đó, vào năm 1961. Ông Mai Văn Bộ kể:“Tháng 8 năm 1961, Trần Văn Khê dự Hội nghị Âm nhạc của Hội quốc tế nghiên cứu Âm nhạc (S.I.M) tại New York. Gần địa điểm Hội nghị, có một tiệm ăn Việt Nam. Thấy Khê đến, hai vợ chồng chủ tiệm đón tiếp rất niềm nở. Trước ngày Khê rời New York, hai vợ chồng, nhất là người vợ khẩn khoản mời Khê ăn một bữa bánh khoái, vì hai vợ chồng đều là người Huế.

Sau bữa ăn, người vợ tự giới thiệu là L.L. và hỏi Khê có còn nhớ bài hát “
Hương Giang dạ khúc” của Lưu Hữu Phước. Dĩ nhiên là Khê còn nhớ bài hát và L.L đã đề nghị Khê hát.

Khê kể lại rằng khi L.L yêu cầu Khê hát bài “
Hương giang dạ khúc”, Khê bồi hồi nhớ lại cuộc đi thăm Huế một tuần lễ của Phước và nói : “Vâng, tôi còn nhớ và cũng còn hát được bài hát mà Phước viết sau chuyến thăm Huế cuối năm 1943 để tặng một bạn gái tên là Thu Hương’’.

L.L. không nói gì, nét mặt của nàng cũng không biểu lộ một điều gì. Nàng ngồi im, chờ nghe Khê hát.

Khê lại thoáng nghĩ L.L ắt có liên quan đến Thu Hương.

Với ý nghĩ trên đây, Khê hát bài “Hương giang dạ khúc” với tất cả tình bạn nồng nàn đối với Phước. Lúc đầu L.L còn nhìn Khê và nghe Khê hát. Nhưng sau đó, nàng nhìn xuống đất như để lẩn tránh cái nhìn của Khê vào mắt nàng.

Khê tiếp tục hát: “...Làn hương ơi. Làn hương mờ xóa bóng ai yêu kiều trong giấc mơ”

Đến đây, L.L gục xuống, ôm mặt khóc nức nở và nói qua hơi thở:

- Thu Hương ngày ấy là... em! 
Em xin lỗi anh Phước...

Người chồng - chắc có biết tâm tình vợ ôm hai vai vợ, tìm lời an ủi. Khê xúc động, cặp kính nhòa nước mắt.

Cuối cùng, tuy vì những lí do không giống nhau nhưng cả ba đều khóc”.
L.L - Thu Hương không còn nữa. Khi trên đường bay về Việt Nam, một tai nạn máy bay đã đưa nàng ra đi vĩnh viễn, mang theo cuộc đời có quá nhiều uẩn khúc của nàng. Từ bức thư đầu tiên của Thu Hương gửi cho Lưu Hữu Phước đến khi L.L bật khóc và thú nhận “Thu Hương ngày ấy là em”, tính ra đã 18 năm đi qua. Còn mãi đến năm 1976, nhạc sỹ Trần Văn Khê gặp nhạc sỹ Lưu Hữu Phước và nhắc lại chuyện cũ, bấy giờ Lưu Hữu Phước mới biết chắc L.L là Thu Hương ngày ấy, thì cũng đã 33 năm đi qua.

Ở Huế, người ta thường hay nhắc đến mối tình của một người con gái gửi ảnh và những dòng thư cho nhà thơ Hàn Mặc Tử, để rồi nhà thơ có bài thơ bất hủ “Đây thôn Vỹ Dạ”. Thế nhưng chuyện những dòng thư của Thu Hương và xuất xứ của bài “Hương giang dạ khúc” và câu chuyện ly kỳ trên đây thì không phải ai cũng biết.

Xứ Huế thường có những bí ẩn bất ngờ dành cho những con người tài hoa rất mực một cách lạ lùng như thế.
(SDB – 3-2010)

----------------------------
Ghi chú: các trích dẫn trong bài dẫn theo “Lưu Hữu Phước-con người và sự nghiệp” của Mai Văn Bộ, NXB Trẻ 1989

Monday, June 14, 2010

14/06 Việt Nam không thể có tam quyền phân lập khi còn chế độ độc đảng


THỨ HAI 14 THÁNG SÁU 2010
Thanh Phương
Khái niệm tam quyền phân lập, tức là hành pháp, lập pháp và tư pháp phải độc lập với nhau là nền tảng của một thể chế cộng hòa. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, với Đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, tam quyền phân lập không thể trở thành hiện thực.