Sunday, September 25, 2011

25/09 Nâng cao hiệu quả đầu tư công để ngân sách nhà nước lành mạnh

07:25 | 25/09/2011

Đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong GDP. Trong khi đó, đầu tư công ởã nước ta hiện có nhiều hạn chế, còn xảy ra thất thoát, lãng phí. Để có một nền tài chính quốc gia bền vững, ngân sách nhà nước lành mạnh, thì trước hết phải nâng cao hiệu quả đầu tư công song song với quá trình đa dạng hóa các nguồn vốn, khuyến khích đầu tư tư nhân.

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 được đặt ra rất cao. Trong đó, tăng trưởng kinh tế từ 7 - 7,5% GDP; giải quyết 6-7 triệu việc làm; giảm nghèo bình quân 2%/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 7-8%; GDP bình quân đầu người phấn đấu đạt khoảng 2.000USD/người/năm. Với mục tiêu như vậy, theo ước đoán của Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 sẽ tăng lớn so với mức hiện tại, tương đương 300 tỷ USD. Nhưng có thể thấy nhu cầu đầu tư lớn sẽ là áp lực cho động viên nguồn lực tài chính khi các kênh huy động trong và ngoài nước đang đứng trước nhiều khó khăn.

Nguồn: diachidoanhnghiep.com
Các mục tiêu này là nhu cầu sử dụng ngân sách chính đáng. Hơn nữa, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Trần Văn, sử dụng ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng là phần nhà nước có thể hoàn toàn chi phối. Bởi nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã được lập kế hoạch và phân bổ theo danh mục tổng hợp từ các công trình, dự án do chính quyền địa phương, các bộ ngành quyết định. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng nhà nước thường chiếm 5-6% GDP. Nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước thường chiếm 5,5-6% GDP – là phần vốn nhà nước có thể chi phối một phần. Nhưng không vì thế mà chỉ quan tâm đến cung cấp vốn cho nhu cầu phát triển. Thực tế, đầu tư công ở Việt Nam còn có nhiều vấn đề phải khắc phục như: cơ chế quản lý nguồn vốn, phân cấp giữa Trung ương và địa phương; xác định trật tự ưu tiên do nguồn lực đầu tư có hạn gắn kết với việc phân bổ, bố trí vốn theo các hệ thống tiêu chí, định mức công khai, minh bạch, ổn định trong 5 năm; vấn đề năng lực quy hoạch, tư vấn giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, năng lực nhà thầu và cuối cùng là đánh giá hiệu quả đầu ra. Đồng thời, hiện có tình trạng đầu tư chưa trúng với nhu cầu phát triển đất nước; trùng lặp hạ tầng giữa các địa phương khiến ngân sách sử dụng dàn trải, manh mún, gây lãng phí.
Đứng trước nhu cầu đầu tư khổng lồ cho hạ tầng để tạo sự đột phá cho nền kinh tế nước ta, thì mô hình hợp tác công tư PPP có lẽ là một hướng đi tích cực. Song, năng lực, quy mô của khu vực tư nhân nước ta hiện còn chưa lớn, và thu nhập của người dân còn thấp. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị, mục tiêu tối hậu của cải cách tài khóa, cũng như tái cấu trúc nền kinh tế là phải góp phần đánh thức, khơi dậy, huy động mọi nguồn lực phát triển đang tiềm ẩn, phân tán ở khắp mọi ngóc ngách trong nền kinh tế. Dù đây là nhiệm vụ nặng nền nhưng các chuyên gia tin tưởng sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong thời gian tới. Bởi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định số 108/2009 quy định về các hình thức hợp tác công – tư. Bộ Tài chính cũng đã có những hướng dẫn cần thiết. Theo đó, Nhà nước dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận đối với các dự án BOT và BTO. Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BOT. Những cơ sở pháp lý cơ bản như vậy tạo điều kiện cơ bản cho việc thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội của đất nước. Chính phủ cũng tiến hành lập danh mục các dự án hạ tầng trọng điểm mang tính đột phá đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, để có một nền tài chính quốc gia bền vững, ngân sách nhà nước lành mạnh, thì nhân tố quan trọng là phải nâng cao hiệu quả đầu tư công song song với quá trình đa dạng hóa các nguồn vốn, khuyến khích đầu tư tư nhân. Bởi giảm đầu tư công sẽ giúp chính sách tài khóa đi đúng chức năng. Thực tế, việc huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia với Nhà nước đã góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí; củng cố nguồn lực tài chính, giảm bội chi ngân sách, giữ nợ công ở mức an toàn, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Hải Thanh

No comments:

Post a Comment