Saturday, July 30, 2011

30/07 Bộ trưởng Giáo dục trăn trở về dạy và học lịch sử


30/07/2011 | 08:39:00

CỠ CHỮ A A A

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phạm Vũ Luận. (Nguồn: Internet)

Bên lề Kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi về các vấn đề giáo dục.

- Thưa Bộ trưởng, hiện nay một số trường đại học đã công bố điểm thi, trong đó điểm thi môn lịch sử được cho là rất thấp, ông suy nghĩ như thế nào về việc này? 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Kỳ thi đại học là kỳ thi để tuyển chọn người giỏi hơn nên đề thi có tính phân hóa cao. Đây không phải kỳ thi nhằm đánh giá kiến thức của học sinh phổ thông nên việc có nhiều học sinh đạt điểm dưới trung bình môn lịch sử cũng như các môn khác cũng là điều dễ hiểu. Chỉ số ít học sinh đủ điểm vào đại học.

Tuy nhiên khi kết quả thi môn lịch sử thấp hơn các môn khác thì cần quan tâm và bản thân tôi cũng rất trăn trở. Tôi nghĩ dạy sử chính là để dạy cho học sinh hiểu biết thế giới xưa và nay, hiểu được truyền thống tốt đẹp của cha ông, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước. Nên kết quả thấp như vậy cũng không thể xem nhẹ và cần phải phân tích và đánh giá một cách khoa học để rút ra những kết luận cần thiết.

- Có ý kiến cho rằng kết quả học kém môn lịch sử cũng như các môn khoa học xã hội khác là do chúng ta đã quá chú trọng hô hào các em học ngoại ngữ, tin học...? 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện, phải nhìn thấy rõ những nguy cơ và thách thức của thời đại để có các nhận định đúng và giải pháp phù hợp. Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải dạy và học ngoại ngữ và tin học ngay từ các lớp dưới.

Trong hoàn cảnh đó, việc dạy và học lịch sử, văn học và một vài môn môn khác không được như trước cũng là điều dễ hiểu. Còn có một nguyên nhân khác nữa: Các bạn hãy nhìn rộng ra các nước khác sẽ thấy: không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng thế hệ trẻ sao nhãng và thờ ơ với văn học, lịch sử, cũng như các môn khoa học xã hội nói chung. Điểm thi môn lịch sử thấp và ngành sử không thu hut được nhiều người, nhất là người giỏi là một hiện tượng chung của rất nhiều nước trên thế giới. Vì sao?

Theo tôi vì tiếng nói của ngành khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay cũng như cơ hội tìm việc làm có thu nhập tốt của những người giỏi sử, giỏi văn không nhiều như các lĩnh vực khác... Đó là vấn đề mang tính thời đại, do tác động của cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi của đời sống xã hội và đòi hỏi của thị trường lao động.

Trong khi đó, ngoại ngữ và tin học được giới trẻ đón nhận rất nhiệt tình. Có phải vì nội dung va phương pháp dạy và học tin học và ngoại ngữ hay hơn lịch sử không? Theo tôi câu trả lời là không. Nhưng trong xã hội hiện đại không thể thiếu tin học được và người ta phải học. Khi giỏi tin học, các em dễ tìm được việc làm cho thu nhập cao hơn . Từ đó người ta có động lực tự thân để học và học giỏi tin học.

Tôi cho rằng chúng ta phải nhìn rõ xu thế tác động của thời đại, nhìn rõ quy luật khách quan này để có các định hướng đúng và chú ý xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ.

- Có chuyên gia lịch sử lại cho rằng, đây là kết quả của việc dạy và học lịch sử chưa lôi cuốn, quá chú trọng chi tiết và còn mang tính nhồi nhét trong nhà trường? Bộ trưởng có đồng ý về điều này? 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đây là một ý kiến đúng nhưng chưa đủ. Tôi nghĩ nếu dạy sử mà chỉ hướng tới việc yêu cầu học sinh nhớ chi tiết máy móc, nay nhớ xong mai lại quên, thì không đúng. Điều quan trọng là phải hướng đến mục tiêu giúp các em tiếp thu được tinh thần yêu nước và truyền thống dân tộc qua mỗi bài học lịch sử, từ đó xây dựng ý thức trách nhiệm của mọi người đối với tổ quốc, với đồng bào.

Tuy nhiên, cũng không nên cực đoan cho rằng học sinh bây giờ không cần nhớ điều gì cả. Những ngày tháng đã trở thành sự kiện, thành dấu ấn, thành máu thịt đối với mọi người Việt Nam thì ta phải dậy cho các em nhớ chứ! Ví dụ như ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngày thành lập Đảng, ngày sinh Bác Hồ, ngày giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc ... ,Tất cả chúng ta phải nhớ chứ! Là con cháu Lạc Hồng mà ngày giỗ tổ, ngày giỗ ông bà cha mẹ, ngày lễ tết truyền thống không nhớ thì còn đâu là nguồn cội, lấy đâu ra lòng yêu nước.

Tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ bước đầu nhân đề cập đến kết quả thi tuyển sinh đại học môn lịch sử. Công việc đổi mới căn bản, toàn diện chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học trong nhà trường, trong đó có môn lịch sử đang ở giai đoạn khởi động, cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người./.

Hoàng Gia Huy (TTXVN/Vietnam+)

30/07 JICA-USAID tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng VN

(ĐTTC) - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa nhất trí hợp tác tài trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ hợp tác để hỗ trợ ở tất cả giai đoạn của dự án phát triển hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á, từ khâu lập kế hoạch đến thiết kế, mua sắm, xây dựng và điều hành.  JICA và USAID dự kiến thực hiện dự án hợp tác đầu tiên ở Việt Nam và sẽ đệ trình Chính phủ Việt Nam kế hoạch, trong đó có việc thành lập một quỹ đầu tư vào năm tới.

Quỹ có trị giá từ 400-500 triệu USD, dự kiến thành lập tháng 3-2012. USAID sẽ bảo lãnh 50% giá trị vốn vay cho các dự án sử dụng quỹ này và tìm kiếm sự hợp tác từ các tổ chức tài chính ở Việt Nam và Hoa Kỳ.

Dự án nằm trong chiến lược hợp tác của 2 cơ quan này gồm các nhà máy điện và các cơ sở năng lượng, thông tin và viễn thông, hệ thống giao thông, cấp thoát nước... Ngoài Việt Nam, JICA và USAID có kế hoạch hỗ trợ các nước Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia.
TH

30/07 Một phụ nữ kiện nhiều tờ báo vì đăng ảnh của chị này


(Tamnhin.net) - Tám năm trước một nữ sinh trung học rất hãnh diện khi thấy ảnh của mình đăng trên báo vì quảng bá được hình ảnh đẹp cho quê hương. Tuy nhiên hiện nay nhân vật trong ảnh kiện tác giả với hơn chục tờ báo vì đã đăng tấm hình ấy.
Ảnh chị Trang
Sáng ngày 29-7, Tòa án nhân dân TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) cho biết, đã thụ lý đơn của chị Huỳnh Thị Thùy Trang (26 tuổi) ở thị trấn Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long) kiện 14 cơ quan báo chí. Hồ sơ này đã được bổ sung vào vụ án dân sự mà trước đó chị Trang kiện cá nhân nhiếp ảnh gia Nguyễn Vinh Hiển ở TP Vĩnh Long vì sử dụng hình ảnh của nguyên đơn này mà không xin phép.

Những tờ báo, tạp chí mà chị Trang yêu cầu xin lỗi, có trách nhiệm cùng với ông Hiển bồi thường 200 triệu đồng vì đã xúc phạm nhân phẩm, danh dự của chị này là Báo Thanh Tra Việt Nam, VietNam plus thuộc Thông tấn xã Việt Nam, Báo Dân Trí, Hà Nội Mới, Báo Ninh Bình, Báo Ninh Thuận, Tạp chí Công nghiệp của Bộ Công thương…

Theo đơn kiện của chị Trang, tám năm trước khi đang là học sinh cấp 3 chị có đồng ý làm người mẫu cho ông Hiển (hiện là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long) chụp ảnh phục vụ cho việc quảng bá, tuyên truyền về vẻ đẹp, thành tựu của quê hương. Chụp xong ảnh Trang đội nón lá trong tà áo dài trắng, cười tươi thật duyên dáng nên tác giả đã chọn tấm ảnh “nữ sinh vườn bưởi” mang đi in ấn triển lãm tại hội chợ và sử dụng trên đặc san xuân 2004 của huyện Bình Minh.

Hình ảnh đẹp của chị Trang còn được tác giả chọn gửi đăng trên báo Vĩnh Long xuân 2004, báo Mực Tím… Mỗi lần báo đăng, tác giả Nguyễn Vinh Hiển đều có mang báo tặng chị Trang, nhân vật trong ảnh vui cười hãnh diện.

Vậy mà đầu năm 2011, ông Hiển lại bị nhân vật trong ảnh kiện ra tòa đòi bồi thường 200 triệu đồng vì chị Trang thấy hình của mình xuất hiện trên logo quảng bá bưởi Năm Roi cùng nhiều tờ báo gây xúc phạm nhân phẩm, danh dự vì cô “nữ sinh vườn bưởi” ngày xưa nay đã có chồng con. Đầu tháng 7 vừa qua Tòa án nhân dân TP Vĩnh Long mở phiên xét xử đầu tiên nhưng chị Trang không đến dự, sau đó nguyên đơn nộp hồ sơ kiện bổ sung thêm 14 bị đơn là các cơ quan báo chí.

Trao đổi với báo chí, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Phúc Đức (TP HCM) - cho rằng trong vụ kiện này chị Trang rất khó đạt kết quả theo ý muốn vì khó chứng minh được thệt hại để đòi bồi thường 200 triệu đồng. Theo luật sư Phúc, tám năm trước ông Hiển chụp ảnh đăng báo đã được sự đồng ý của chị Trang nhằm để quảng bá hình ảnh đẹp của người miền Tây thì càng làm tăng uy tính của nhân vật trong ảnh, mang một ý nghĩa xã hội tốt chớ không có gì là xấu. 

Cũng theo luật sư này thì khi một cá nhân đã cho người khác chụp ảnh của mình mà không có kèm theo hợp đồng gì thì mặc nhiên cho tác giả sử dụng hình ảnh đã chụp với những mục đích không trái với pháp luật. Do đó, chị Trang không thể cho rằng hình ảnh của chị được đăng báo là làm giảm uy tính hay xúc phạm nhân phẩm bởi đây không phải là ảnh khỏa thân hay ảnh chụp sinh hoạt riêng tư của nguyên đơn.

Thiên Lộc

Ý kiến của bạn
"Đẹp Mà Không Đẹp"
Một hình ảnh quảng bá cho quê hương rất đẹp, nhưng rồi sau đó là một hành động không "đẹp". không biết chị nghĩ gì khi kiện nhiếp ảnh gia Nguyễn Vinh Hiển và các cơ quan báo chí? Vậy xin hỏi chị: ai là người đồng ý cho nhiếp ảnh gia chụp hình chị và mục đích của nhiếp ảnh gia khi chụp hình chị để làm gì? chắc chị biết rõ hơn ai hết. Thiết nghĩ có cần phải tô vẽ thêm một cái gì đó vào tác một tác phẩm rất đẹp rồi không?
Anh Lương
Bất thường
Tai sao khi 6 năm về trước chị Trang không kiên, nay lại đâm đơn ra tòa? Có lẽ theo tôi chị Trang nên cảm ơn nhà nhiếp ảnh và các tờ báo đã trăng tải bức ảnh đó mới phải. Người xưa vẫn thường nói: " đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy điệm" bức ảnh đó chẳng có gì là xúc phạm nhân phẩm, trái lại thì có. Vậy động cơ của chị Trang là gì?
Huynh Công lý

30/07 Đưa "Truyện Kiều" lên phim



Chuyển thể tác phẩm vĩ đại Truyện Kiều lên màn ảnh là thách thức và niềm khao khát của nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam.
Theo đánh giá của các nhà biên kịch, Truyện Kiều rất thuận lợi cho việc làm phim vì những lý do sau:
Thứ nhất, về cốt truyện, Truyện Kiều có một cốt truyện đầy kịch tính với những nút thắt mở liên tục, rất nhiều tình huống éo le đan cài, câu chuyện diễn ra mạch lạc, rõ ràng, càng về sau càng gay cấn. Một câu chuyện như vậy sẽ vô cùng thuận lợi cho việc xây dựng một kịch bản phim hay. 
 
Tăng Thanh Hà, một trong những ứng viên nặng ký cho vai Kiều được cư dân mạng bình chọn - Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Thứ hai, nhân vật nữ chính có cuộc sống rất đa dạng phong phú, đặc biệt hơn, phần lớn hoạt động của nhân vật chính lại xảy ra trong một môi trường “nhạy cảm” là chốn ăn chơi của giới đàn ông nhiều tiền nhưng hư hỏng. Ngoài ra, một số nhân vật phụ như Tú Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Từ Hải...  có nhiều tính cách độc đáo, khiến cho câu chuyện thêm phong phú sinh động.
Tóm lại, nếu một biên kịch có tài dựa trên Truyện Kiều để xây dựng kịch bản phim, sẽ có một kịch bản phim hay. Vì vậy, việc cho ra đời một bộ phim Truyện Kiều, ở cả hai thể loại, màn ảnh rộng (90 phút – 120 phút) hoặc truyền hình (vài chục tập) là khả thi. Vậy tình hình làm phim Truyện Kiều từ trước tới nay ra sao?
Đã có phim Kiều cách đây gần 1 thế kỷ
Một điều vô cùng thú vị, bộ phim truyện được sản xuất đầu tiên ở Việt Nam, lại chính là phim Kim Vân Kiều. Phim do ông E.A.Famechon, người Pháp, và ông Nguyễn Văn Vĩnh khởi xướng thực hiện từ năm 1923, Công ty phim và chiếu bóng Đông Dương  (Indochine Films et Cinémas) thực hiện và hoàn thành vào năm 1924, công chiếu tại Hà Nội ngay trong năm đó. Nội dung phim bám rất sát Truyện Kiều. Dự án được khởi đầu với một sự hào hứng đặc biệt.
Trên tờ Trung Bắc Tân Văn ngày 13.6.2003, ông Nguyễn Văn Vĩnh viết: “...nếu chúng ta đóng nổi tích Kim Vân Kiều cho khéo theo cái phương pháp nhà nghề chớp bóng là một kỹ nghệ tối tân trong xã hội Âu Mỹ thì trước nữa chúng ta tỏ được cho người Âu biết rằng không có điều gì mới cho sức hiểu của chúng ta...”. Tuy nhiên, hơn 30 diễn viên đóng phim Kiều đều chỉ là những diễn viên hát tuồng trước đó, được đưa vào đóng phim, nên các vai diễn được biết là không thành công. Vì thế, Đông Pháp Thời Báo số ra ngày 24.9.1924 chê rằng: “Trong bản chớp bóng có ba nhân vật quan trọng là Thúy Kiều, Kim Trọng và Hoạn Thư. Vai Kim Trọng thì chẳng khác gì một thằng ngốc, diện mạo chẳng ra chi, thái độ lại khả bỉ làm sao chẳng khác chi cái thái độ của mấy anh bôi nhọ mặt ở rạp Quảng Lạc. Nhất là lúc đi tìm nhà trọ... Đến lúc đối diện với Kiều coi thái độ chàng Kim đối với nàng Kiều chả khác gì cái tư cách một bác lính “chào mào” ngồi lần khân với một gái giang hồ... Tóm lại, cuộc chớp bóng vừa rồi thiệt không có giá trị gì, chả lột được đôi chút tinh thần Truyện Kiều, chớp bóng có lẽ lại làm giảm mất cái chân giá trị đối với thế giới...”.
Như vậy, các nhà làm phim Việt Nam cách đây gần cả thế kỷ đã nhắm đến Truyện Kiều rồi, nhưng rất tiếc do trình độ phát triển của nền điện ảnh lúc đó quá sơ khai nên thất bại.
Hai dự án lớn “giữa đường đứt gánh”
Ngót gần một thế kỷ, từ năm 1925 cho đến đầu 2010, không hiểu sao các nhà làm phim Việt Nam không đưa Truyện Kiềuvào đích ngắm, cho đến tháng 3.2010, một dự án lớn khởi động khiến dư luận phấn khởi. Đó là dự án của Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng. Dự án bắt đầu với việc tìm kiếm kịch bản hay qua hình thức tổ chức cuộc thi viết kịch bản, với mức thưởng cho kịch bản được đánh giá xuất sắc lên đến 200 triệu cho bộ phim nhựa dài 1 hoặc 2 tập, mỗi tập không quá 90 phút. Thế nhưng mới đây, ông Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đinh Trọng Tuấn thông báo rằng dự án này đã bị hoãn vô thời hạn. Lý do đưa ra là mâu thuẫn chưa thể dung hòa về quan điểm làm phim của 2 đơn vị.
Một dự án phim Kiều khác triển khai âm thầm vào khoảng năm 2010 cũng vừa kết thúc trong tình trạng dở dang. Dự án do một tập đoàn lớn về công nghệ thông tin của Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án này triển khai theo hướng phim truyền hình, đề cương lên đến 60 tập, nhưng rất tiếc phần kịch bản giao cho một người không chuyên về biên kịch phụ trách. Người này lúc đầu thuê một số nhà biên kịch viết một số tập, khi được khoảng 10 tập thì cắt hợp đồng với các nhà biên kịch và tự mình viết kịch bản trên cơ sở tham khảo các tập kịch bản đã viết. Có lẽ vì thế nên dự án thất bại ngay từ khâu kịch bản.
Xem ra, việc làm phim Truyện Kiều cũng muôn vàn trắc trở như chính cuộc đời của nàng Kiều, nên có lẽ lại phải nhờ cậy các thế hệ tương lai tiếp nối.
Băng Nữ Tuyết