Friday, August 19, 2011

19/08 Phát triển công nghiệp phụ trợ: Tập trung vào các dòng sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch

10:10 | 19/08/2011
Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển, thế nhưng việc phát triển công nghiệp phụ trợ ở Hà Nội đến nay vẫn chỉ được nhìn nhận, còn nhiều đề tài, dự kiến vẫn ở trong “nghiên cứu”. GIÁM ĐỐC (GĐ) SỞ CÔNG THƯƠNG HÀ NỘI LƯU TIẾN LONG cho rằng, nếu như không đẩy mạnh đầu tư công nghệ, bắt nhịp với xu hướng quốc tế, chắc chắn công nghiệp phụ trợ nước ta vẫn trong vòng luẩn quẩn… Do đó, cần tập trung vào các dòng sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch.
- Khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia vào sản xuất công nghiệp phụ trợ hiện nay ra sao, thưa Giám đốc?
GĐ Lưu Tiến Long: Khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia vào phát triển công nghiệp phụ trợ là không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khi tham gia vào chuỗi giá trị đó, bắt buộc phải làm ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sự đồng đều về chất lượng và sản lượng rất lớn. Còn nếu như chỉ làm ra các sản phẩm công nghiệp phụ trợ mà không thuộc trong chuỗi giá trị toàn cầu, lúc đó sẽ phải chi phí cho một đơn vị sản phẩm rất lớn để tạo ra chất lượng cao. Cụ thể, nếu công nghiệp phụ trợ toàn cầu cần một vạn sản phẩm thì chúng ta chỉ cần tham gia vào một vạn chi tiết nhỏ, tức là đã tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Còn khi chúng ta chỉ tham gia được vào có vài trăm sản phẩm, như vậy vừa phải đầu tư công nghệ nhiều, chi phí lớn mà hiệu quả và năng suất lại không cao. Thực tế trên cho thấy, nếu như không đẩy mạnh đầu tư công nghệ, bắt nhịp với xu hướng quốc tế, chắc chắn công nghiệp phụ trợ nước ta vẫn trong vòng luẩn quẩn, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của trong nước và hướng cạnh tranh ra quốc tế.
- Thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển, tuy nhiên công nghiệp phụ trợ vẫn chưa có sự bứt phá, theo Giám đốc, khắc phục điều đó như thế nào?
GĐ Lưu Tiến Long: Mỗi một địa phương, mỗi một nền kinh tế đều có lợi thế so sánh riêng. Chính vì vậy các địa phương phải chọn các lợi thế riêng cho mình để tạo thành điểm nhấn phát triển. Hà Nội là một trung tâm có nhiều lợi thế phát triển, trong đó cần tập trung vào các dòng sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch. Bởi thực chất, chỉ có dựa vào nền phát triển các dòng sản phẩm này mới tận dụng được các lợi thế, sử dụng ít nguồn lao động, sử dụng lao động có trình độ, chuyên môn cao, dùng diện tích thấp và giảm thiểu các phát thải không có lợi ra môi trường.
Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều lợi thế với nhiều cơ sở đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tập trung của cả nước và quốc tế. Đó là nguồn lực, nhân lực khoa học công nghệ của đất nước đang tập trung tại Hà Nội. Các giáo sư đầu ngành trình độ cao đang quy tụ đông đảo tại Hà Nội. Việc có phát triển gì tại Hà Nội, cần thiết phải tận dụng triệt để lợi thế so sánh đó. Sản xuất các sản phẩm ứng dụng nhiều công nghệ cao, công nghệ sạch, chất lượng tốt; tiếp cận các dự án, các đề tài, các chương trình khoa học tạo ra.
Với những lợi thế nêu trên, Hà Nội đã xác định sẽ tập trung vào phát triển các sản phẩm cơ điện tử - ứng dụng nhiều sản phẩm khoa học, tự động hóa; phát triển công nghệ thông tin; phát triển vật liệu  mới - những sản phẩm này sử dụng nhiều chất sám, nhiều nghiên cứu khoa học và công nghệ cao, công nghệ sạch và công nghệ sinh học; phát triển các ngành, các sản phẩm cốt lõi mà các địa phương khác chưa có thế mạnh…
- Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm phụ trợ từ nước ngoài giá rẻ, chất lượng thấp, điều đó có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho phát triển công nghiệp phụ trợ nước ta?
GĐ Lưu Tiến Long: Tình hình nhập khẩu của nước ta trong thời gian qua đã được cải thiện nhiều, điều đó thể hiện ở chỗ, nhiều sản phẩm của Trung Quốc đang có dấu hiệu cạnh tranh với hàng Việt Nam dần bị hàng nội địa thay thế. Chỉ có một số mặt hàng còn tồn tại ở thị trường nội địa và không phải mặt hàng nào cũng cạnh tranh được với hàng Việt Nam. Các mặt hàng Trung Quốc còn ở Việt Nam đa phần là hàng công nghiệp không có chất lượng cao. Còn hàng công nghiệp ở nước ta hiện nay, như công nghiệp dệt may lại đang đứng trong top đầu chiếm lĩnh thị trường và tạo ra kim ngạch xuất khẩu.
Tại Hà Nội, hiện có nhiều mặt hàng như hàng điện tử, dây điện cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô mà hàng Trung Quốc không còn có khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương khác, hoặc ở đâu đó trên địa bàn TP vẫn còn nhiều hàng hóa của doanh nghiệp nội địa đang bị cạnh tranh gay gắt về giá sản phẩm. Chúng ta chưa tạo ra được nguyên liệu đầu vào, chưa chủ động được nguyên liệu. Điều này đòi hỏi cần phải có các vùng, các địa phương sản xuất nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đó là câu chuyện của một quốc gia và không chỉ có Hà Nội cần phải tính đến để tập trung sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
- Như vậy, đâu là điều khiến cho công nghiệp phụ trợ ở Hà Nội và các địa phương trong cả nước ta chậm phát triển, thưa Giám đốc?
GĐ Lưu Tiến Long: Điều này có ở nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đó có thực tế là xuất phát điểm của các doanh nghiệp nước ta đang ở quy mô, xuất phát điểm thấp. Thứ hai là tư duy doanh nghiệp trong nhiều năm qua vẫn muốn làm tổng thế, trong khi đó, yêu cầu phát triển của công nghiệp phụ trợ là cần có nhiều doanh nghiệp tham gia vào một chuỗi giá trị, sản xuất ra sản phẩm. Hơn nữa, chúng ta hội nhập với quốc tế chưa lâu. Trong khi để cho một sản phẩm có tính cạnh tranh cao, cần phải tạo ra chất lượng sản phẩm phải thực sự tốt và số lượng lớn. Đặc biệt, một thực tế cũng đặt ra đối với phát triển công nghiệp phụ trợ ở nước ta mà không chỉ Hà Nội vướng phải là nhiều đề tài, chương trình vẫn còn nằm trong diện “nghiên cứu”, chưa thực sự có chính sách cụ thể cho doanh nghiệp, ưu đãi họ tạo điều kiện cho họ đầu tư và phát triển công nghiệp phụ trợ. Do vậy, cần thiết phải có cơ chế, thể chế chính sách, các chuẩn mực, tiêu chuẩn, hệ thống quản lý và công nghệ khác nhau để thiết lập một tương lai cho công nghiệp phụ trợ của Hà Nội.
- Xin cám ơn Giám đốc!
Minh Trang thực hiện

No comments:

Post a Comment