Sunday, October 17, 2010

15/10 100% căn hộ CT7D Lê Văn Lương Residentials đợt 1 được bán hết

Rất đông nhà đầu tư cũng như khách mua đến giao dịch mua căn hộ đợt mở bán hơn 200 căn hộ ngày 15/10/2010 tại sàn giao dịch bất động sản Nam Cường.


Đợt bán sản phẩm lần này của Tập đoàn Nam Cường thực hiện theo đúng quy định của Nghị Định 71 vừa có hiệu lực vào tháng 8 vừa qua, khác với những đợt bán hàng trước kia khi sản phẩm còn chưa hình thành.

Đợt bán hơn 200 căn hộ lần này của tòa nhà CT7D đã hoàn thành xong móng, được niêm yết giá bán của từng căn, vị trí mặt bằng, thông tin pháp lý,…để khách hàng có thể lựa chọn và giao dịch trực tiếp tại sàn.

Tính đến hết buổi sáng ngày 15/10/2010, toàn bộ 99 căn mở bán đợt 1 của căn hộ CT7D đã được bán hết cho khách hàng trong tổng số 209 căn.

Số lượng bán đợt 1 của tòa CT7D chỉ với 99 căn nhưng số lượng khách hàng giao dịch tại sàn Nam Cường khá đông, lên đến vài trăm người. Điều đó chứng tỏ, căn hộ với giá tiền vừa phải vẫn thu hút được sự quan tâm lớn của khách mua.


Theo bảng giá bán căn hộ được niêm yết, các căn hộ được bán với giá từ 21,4 triệu đồng/m2 tầng 2 đến 24,5 triệu đồng/m2 tầng 19 (giá trên đã bao gồm VAT). Diện tích căn hộ từ 54,5m2 cho đến 107,2m2.

Một góc khách đến sàn Nam Cường để giao dịch


Theo hợp đồng mua bán, khách hàng khi mua căn hộ tại dự án sẽ thanh toán theo 6 đợt theo tiến độ xây dựng của dự án. Khi đặt mua căn hộ, khách hàng sẽ đặt cọc 100 triệu đồng, sau 5 ngày sẽ ký hợp đồng mua bán và thành toán đợt 1 là 20% giá trị căn hộ (khoản 100 triệu đồng được chuyển vào giá trị đợt 1). Đợt 2 thanh toán 20% sau 03 tháng kể từ khi ký Hợp đồng. Đợt 3 thanh toán 10% giá trị căn hộ sau 5 tháng ký hợp đồng. Đợt 4 thanh toán 10% giá trị căn hộ sau 7 tháng ký hợp đồng. Đợt 5 thanh toán 10% giá trị căn hộ sau 9 tháng ký hợp đồng. Đợt 6 thanh toán 30% giá trị căn hộ khi bán giao nhà (dự kiến vào quý 2/2013).

Các căn hộ được đánh dấu màu đỏ đã được đặt mua (9h 15/10/2010)

Đại diện một số khách hàng tại sàn Nam Cường cho biết, lần bán hàng này của Nam Cường công khai rất minh bạch, tạo thuận lợi cho khách hàng giao dịch mua bán. Đa số khách mua là những người có nhu cầu ở thật, và đầu tư lâu dài. Bên cạnh đó, dự án thu hút được nhiều người quan tâm như vậy, một phần do đường Lê Văn Lương kéo dài đã hoàn thành, việc kết nối giao thông lên khu trung tâm rất thuận lợi, bên cạnh đó cơ sở hạ tầng khu vực này cũng ngày càng hoàn thiện hơn.

Nhiều khách hàng tiếp tục đăng ký mua đợt 2

Báo cáo về nhà ở tại thị trường Hà Nội của CBRE cũng cho thấy rằng, phân khúc căn hộ có mức giá vừa phải dao động khoảng 900 – 1.200 USD/m2 có nhu cầu khá lớn. Thống kê của Công ty này cho thấy, nguồn cung mới cho phân khúc này lại thấp hơn nhiều so với loại căn hộ cao cấp trong 2 quý vừa qua, trong quý 3/2010 nguồn cung mới căn hộ cao cấp chiếm đến 67% tổng nguồn cung ra thị trường, còn lại là trung cấp và hạng sang.

Tổng cung quý 3/2010 là gần 2000 căn nhưng trong đó chỉ có 650 căn là thuộc hạng trung cấp. Theo dự báo của công ty tư vấn này, nguồn cung mới căn hộ trên địa bàn Hà Nội ước đạt con số khoảng 16.000 căn hộ, trong quý 4/2010 số lượng căn hộ tại các dự án ra thị trường vào khoảng 3.000 căn. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là giá bán phân khúc này tương đối ổn định, và có mức tăng khoảng gần 2% so với quý trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, thì trong những quý tiếp theo thị trường vẫn diễn biến tương đối ổn định, nhu cầu căn hộ trên địa bàn vẫn tập trung chủ yếu vào phân khúc có giá trung bình. Do loại căn hộ này phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo khách mua, và đang có nhu cầu cấp thiết về nhà ở.

K.T

15/10 Ba tuyến đường lớn tại TP.HCM: Sẽ phải xây nhà đồng bộ theo mẫu?

“Nhà liên kế trong khu hiện hữu dọc theo các tuyến đường mới mở phải đồng bộ về mẫu nhà, ít nhất là về kiến trúc mặt đứng”.



Đó là nội dung trong tờ trình Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM vừa gửi UBND TP về việc ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại các tuyến đường đang được mở rộng hoặc tuyến đường xây dựng mới, trước mắt là các tuyến đại lộ Đông Tây, Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài và xa lộ Hà Nội.

Sở QHKT cho hay, nội dung dự thảo chỉ thị tập trung vào xử lý đối với nhà liên kế hiện hữu dọc các trục đường vì đây là hình thức nhà ở phổ biến, gây ảnh hưởng lớn nhất đến bộ mặt cảnh quan kiến trúc. Theo dự thảo, những dự án mở rộng đường hoặc xây dựng trục đường mới khi lập dự án bắt buộc phải nghiên cứu toàn diện quy hoạch chi tiết, cảnh quan và giải pháp quản lý không gian kiến trúc hai bên đường theo đúng quy định Luật Quy hoạch đô thị.

Riêng với các dự án đã và đang mở đường hiện nay (như ba tuyến đại lộ Đông Tây, TSN-BL-VĐN và xa lộ Hà Nội), UBND quận, huyện cần xác định khu vực, ô phố có khả năng xây dựng cải tạo triệt để nhằm phát triển các dự án lớn dọc các tuyến đường hình thành khu nhà ở cao tầng, khu hỗn hợp nhà ở-dịch vụ-thương mại nhiều tầng để tích cực thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị. “UBND quận, huyện có thể kêu gọi các chủ đầu tư hoặc tạm ứng ngân sách để triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu vực dự kiến triển khai thực hiện dự án lớn” - dự thảo chỉ thị nêu.

Trong thời gian chờ triển khai các dự án lớn, UBND quận, huyện sẽ cấp giấy phép xây dựng tạm theo quy định tại Quyết định 68/2010 của UBND TP. Để đảm bảo sự đồng bộ về mỹ quan của từng dãy nhà hoặc đoạn phố đang bám theo mặt tiền đường, quận, huyện cần có thiết kế mẫu hoặc quy định cụ thể kiến trúc mặt đứng các dãy nhà này. “Lưu ý quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa việc chia nhỏ, phân lô các khu đất lớn” - Sở QHKT đề xuất.

Sở QHKT cũng đề nghị cần tạo thuận lợi cho người dân khi xây dựng lại nhà ở tại khu vực các dãy nhà ở có hình thức phân lô phù hợp, chất lượng tốt, phù hợp định hướng phát triển không gian. Tuy vậy, quận, huyện cần chú ý cấp phép xây dựng theo cùng mẫu thiết kế (ít nhất là mặt đứng) với các chỉ tiêu theo quy định hiện hành. Trường hợp này cũng được xem xét các yếu tố tăng tầng (như thuộc khu vực trung tâm, khu thương mại) theo Quyết định 135/2007 và Quyết định 45/2009.

Riêng khu vực có công trình, cụm công trình cần nghiên cứu bảo tồn, dự thảo chỉ thị yêu cầu cần đánh giá kỹ hiện trạng, kiến trúc để xác định cụ thể công trình cần đưa vào diện bảo tồn. Đối tượng này chỉ được sửa chữa theo nguyên trạng trong quá trình chờ lập thiết kế đô thị.

Theo Cẩm Tú


Pháp luật TP.HCM

12/10 Economist: Mỗi người Việt Nam nợ 580USD

Theo tính toán của Economist, với tổng số dân 87.622.465 người và tỷ lệ nợ công/GDP là 51,6%, mỗi người Việt Nam gánh khoản nợ 580,91 USD.

Economist công bố con số nợ chi tiết của các nước trên thế giới


Economist đã tiến hành khảo sát và công bố con số nợ công chi tiết của toàn thế giới và từng nước trên thế giới.


Cụ thể, tính đến 4h chiều ngày hôm nay (ngày 12/10/2010), tổng số nợ của toàn thế giới là 39.942.322.481.713 USD, khoảng hơn 39 nghìn tỷ USD.


Đối với Việt Nam, tổng số nợ công là 50.935.068.493 USD (50,9 tỷ USD).


Theo tính toán của Economist, với tổng số dân 87.622.465 người và tỷ lệ nợ công/GDP là 51,6%, mỗi người Việt Nam gánh khoản nợ 580,91 USD.







Theo thống kê đó, từ năm 2001 đến nay, số nợ công/đầu người của Việt Nam ngày càng cao. Năm 2001, nợ công/GDP của Việt Nam chỉ là 26,6% GDP, tính chia ra đầu người là 106USD.


Mỗi người Pháp nợ 31.785USD; mỗi người Mỹ nợ 27.683USD còn mỗi người Anh nợ 26.602USD.


Tại châu Á, mỗi người Trung Quốc nợ 713USD, con số này đối với người Ấn Độ là 713USD, Thái Lan 2.063USD.


Trong khi đó cũng tại châu Á, mỗi người Nhật phải chịu khoản nợ 83.697USD.



Nhóm nước nợ nhiều bao gồm Mỹ, Canada và Tây Âu. Chuyên gia thuộc Economist tính toán con số trên dựa trên báo cáo hàng quý của các nước và khảo sát 99% GDP trên toàn cầu.

My Vân
Theo Economist

SEC: 9 tháng đạt 55,08 tỷ đồng LNST, hoàn thành kế hoạch cả năm

Số dư hàng tồn kho cuối quý III/2010 là 14,39 tỷ đồng, giảm 66,86% so với số dư đầu quý là 43,42 tỷ đồng.



Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai (SEC) thông báo kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2010.

Đáng chú ý trong kỳ là số dư hàng tồn kho cuối quý giảm mạnh so với đầu quý. Cụ thể, số dư hàng tồn kho cuối quý III/2010 là 14,39 tỷ đồng, giảm 66,86% so với số dư đầu quý là 43,42 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng đột biến từ 6,83 tỷ đồng số dư đầu năm lên 178,21 tỷ đồng số dư cuối quý II và 183,34 tỷ đồng số dư cuối quý III/2010. Khoản tiền này là khoản đầu tư nâng cấp nhà máy 18 TMC lên 2500 TMC.

Khoản mục đầu tư dài hạn cuối quý III có số dư là 16,87 tỷ đồng, số dư đầu năm là 662 triệu đồng. Trong kỳ, công ty đầu tư 13,5 tỷ đồng vào cổ phiếu GEC và 3,37 tỷ đồng cho vay mua máy trồng mía.


Chỉ tiêu Q3/2010 Q3/2009 9T/2010 9T/2009
Doanh thu bán hàng 43.96 31.14 233.16 171.86
Giá vốn 29.54 18.34 156.36 129.26
LN gộp 14.42 12.8 76.8 42.6
DT tài chính 0.13 0.63 2.66 3.25
CP tài chính 5.2 0.12 11.26 0.54
CP bán hàng 0.02 0.05 0.32 0.91
CP Quản lý 2 1.13 6.45 5.18
LNST 6.52 11.03 55.08 36.3

Xét về hoạt động kinh doanh trong quý III, SEC đạt 43,96 tỷ đồng doanh thu từ họat động kinh doanh chính, tăng 41,17% so với cùng kỳ năm 2009.

Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính quý III/2010 đạt 14,42 tỷ đồng, tăng 12,66% so với mức 12,8 tỷ đồng cùng kỳ 2009.

Do chi phí trong kỳ-chủ yếu là chi phí lãi vay-tăng đột biến so với cùng kỳ nên dù lợi nhuận gộp cao nhưng tổng LNST quý III/2010 của SEC đạt 6,52 tỷ đồng tương đương giảm 40,89% so với quý III/2009.

Tại thời điểm kết thúc quý III/2010, dư nợ ngắn hạn của SEC là 41,42 tỷ đồng và dư nợ dài hạn là 123,45 tỷ đồng (đây là khoản vay dài hạn ngân hàng).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2010, SEC đạt 55,08 tỷ đồng LNST, vượt 80 triệu đồng so với kế hoạch 55 tỷ đồng đã được ĐHCĐ thông qua.

T.Hương

Theo SEC