Sunday, November 14, 2010

14/11 Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn về Vinashin và bôxit

Chủ Nhật, 14/11/2010, 07:42 (GMT+7)


TT - “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội” - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết tại cuộc họp với một số nhà báo vào chiều 13-11 để thông báo nội dung phiên chất vấn sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24-11.


4 bộ trưởng cùng trả lời chất vấn

Ông Đàn cho biết tính đến chiều 13-11, đã có 185 chất vấn của 82 đại biểu Quốc hội thuộc 41 đoàn. Theo đó, Bộ Công thương dẫn đầu với 33 chất vấn, tiếp đến là Thủ tướng Chính phủ 19 chất vấn, Bộ Tài chính 16, Bộ Y tế 15, Bộ Giao thông vận tải 13, Bộ Giáo dục - đào tạo 11... ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất xin ý kiến các đại biểu Quốc hội cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bốn vị bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 6-11 - Ảnh: TTXVN


Trong số 19 chất vấn dành cho Thủ tướng, tập trung nhất là vấn đề của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin). “Đại biểu chất vấn về tái cơ cấu Vinashin; xử lý các vi phạm thế nào; tại sao 11 đoàn thanh tra, kiểm tra mà không phát hiện sai phạm; thực nợ của Vinashin là bao nhiêu và lộ trình trả nợ thế nào; trách nhiệm xử lý nợ Vinashin thuộc về ai; trong vụ việc Vinashin thì Thủ tướng chịu trách nhiệm đến đâu, phó thủ tướng phụ trách có trách nhiệm đến đâu...” - ông Đàn cho hay.

Đối với việc khai thác bôxit ở Tây nguyên, các chất vấn xoay quanh về hiệu quả kinh tế, môi trường, nhất là xử lý bùn đỏ và nên dừng hay triển khai tiếp các dự án. Ngoài ra, đại biểu cũng chất vấn Thủ tướng vì sao Chính phủ vẫn tiếp tục theo đuổi dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM khi Quốc hội chưa chuẩn thuận chủ trương đầu tư.

Vinashin mua sắm tài sản tùy tiện

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh vừa ký công văn trả lời chất vấn của đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) về một số vấn đề liên quan đến Vinashin.

Theo đó, đối với Vinashin, từ đầu năm 2007 đến nay Bộ Tài chính đã thực hiện một cuộc thanh tra, bốn cuộc kiểm tra định kỳ và một cuộc kiểm tra đột xuất về công tác quản lý tài chính và sử dụng vốn trái phiếu quốc tế..., đã có một báo cáo toàn diện về tình hình sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính... năm 2007 của Vinashin.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện Vinashin thành lập thêm quá nhiều công ty, trong đó góp vốn, thành lập mới và đầu tư tại 100 công ty “con”; các công ty “con” lại đầu tư 138 công ty “cháu”; trong đó 12 công ty “con” và 22 công ty “cháu” chưa đi vào hoạt động, 17 công ty “con” và 14 công ty “cháu” hoạt động không phục vụ ngành đóng tàu.

Công văn của Bộ Tài chính cho hay không phải đến năm 2010 mà từ cuối năm 2007 Vinashin đã có tổng số nợ phải trả lớn, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 13,7 lần. Đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính là 1.833 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Vinashin đã mua sắm tài sản không đúng quy định và không hiệu quả. Trong đó mua tàu Bạch Đằng Giang (năm 2006) với tổng chi phí 168,8 tỉ đồng mà không có hồ sơ lai lịch tàu và tàu mua về không sử dụng được. Vinashin còn mua 10 tàu vận tải biển, trong đó có chín tàu trên 15 năm tuổi (hai tàu 26 năm và bốn tàu 22-24 năm tuổi) nên không đăng kiểm được, phải treo cờ nước ngoài...

Liên quan đến nội dung trả lời bằng văn bản của Bộ Tài chính, đại biểu Lê Văn Cuông cho rằng chưa đi đúng vào trọng tâm mà ông chất vấn, đó là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng như ở Vinashin và biện pháp xử lý. Do vậy, ông nói sẽ đăng ký chất vấn trực tiếp để làm rõ.

LÊ KIÊN - V.V.THÀNH


Cần nâng tầm giá trị báo cáo kiểm toán

* Cấp xã khó giúp đỡ nạn nhân mua bán người

HÀ NỘI - Ngày 13-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật kiểm toán độc lập. Nhiều đại biểu đồng tình việc ban hành luật sẽ tạo ra một khung pháp lý cao nhất về kiểm toán độc lập, tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm toán phát triển, nhưng còn băn khoăn các quy định về giá trị báo cáo kiểm toán, điều kiện thành lập doanh nghiệp kiểm toán...

Theo phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước, còn kiểm toán độc lập hoạt động theo hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp khác, vì vậy báo cáo kiểm toán cần phải có giá trị pháp lý ở mức độ nhất định. “Cần phải nâng tầm giá trị báo cáo kiểm toán, nếu không thì không giải quyết được vấn đề gì” - ông Lợi nói.

Về điều kiện để thành lập doanh nghiệp kiểm toán, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng quy định giám đốc doanh nghiệp kiểm toán phải góp vốn 10% như trong dự thảo luật là không hợp lý vì chỉ người có tiền mới được quyền điều hành, trong khi doanh nghiệp hoàn toàn được phép thuê tổng giám đốc. “Bỏ quy định ràng buộc góp vốn 10% sẽ tạo điều kiện cho người giỏi có thể đảm nhận những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp kiểm toán” - bà Loan kiến nghị.

Đối với quy định kiểm toán bắt buộc, đại biểu Loan và đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) đề nghị nên buộc các doanh nghiệp, các dự án có sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước đều phải kiểm toán để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tiền ngân sách.

* Chiều 13-11, Quốc hội cũng thảo luận về dự án Luật phòng chống mua bán người. Phần lớn ý kiến đều cho rằng việc giao cho UBND xã có trách nhiệm hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn bán người điều kiện ăn ở, tiền tàu xe đi lại, giúp họ trở về nhà là không khả thi “vì các xã vùng sâu rất khó khăn”, không kham được các chi phí.

V.V.THÀNH - LÊ KIÊN



---------------------

* Tin, bài liên quan:

>> Chưa cần thiết thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ Vinashin
>> Làm rõ trách nhiệm trong vụ Vinashin
>> Đừng vì Vinashin mà làm rắc rối tình hình
>> Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: “Vinashin thực sự đã sụp đổ”
>> Kết luận của Bộ Chính trị về Vinashin
>> Vinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồng
>> Vinashin vẫn phải trả khoản nợ nước ngoài
>> Vinashin đứng trước nguy cơ phá sản
>> Danh tính 11 cuộc thanh tra, kiểm toán Vinashin