Wednesday, December 1, 2010

01/12 Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Khoáng sản


Thứ Tư, 01/12/2010 | 09:55
Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader
Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Khoáng sản

(Vietstock) – Chúng tôi cho rằng triển vọng của ngành khoáng sản trong những tháng cuối năm 2010 và trong thời gian tới có khả năng tiếp tục tích cực. Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc – một trong những nước có nhu cầu khoáng sản lớn nhất hiện nay, là yếu tố thúc đẩy ngành khoáng sản trong nước.

1. Diễn biến chính của Ngành Khoáng sản đầu năm 2010
Xuất khẩu quặng thô là chủ yếu. Các sản phẩm chủ yếu của ngành khoáng sản Việt Nam là dầu thô, kẽm, chì, titan, antimony, mangan… Các sản phẩm này được bán và xuất khẩu dưới dạng thô. Khâu tinh chế hầu như bị bỏ ngỏ do năng lực và thiết bị của các công ty trong nước còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, Việt Nam lại nhập khẩu rất mạnh quặng sau tinh chế. Đây chính là điểm yếu của ngành khoáng sản Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công thương năm 2010, sản lượng nhập khẩu khoáng sản gấp 5 lần xuất khẩu, trong khi đó giá trị nhập khẩu lại gấp đến 10 lần xuất khẩu.
Công nghệ khai khoáng vẫn lạc hậu. Do năng lực hạn chế, khai thác phần lớn dựa vào phương pháp thủ công, nên đa số các mỏ nhỏ hiện nay chỉ lấy được những phần giàu nhất, bỏ đi toàn bộ các quặng nghèo và khoáng sản đi cùng, dẫn đến không thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên. Tổn thất trong chế biến khoáng sản hiện cũng rất cao, khiến hiệu quả trong ngành khai khoáng Việt Nam vẫn đang ở mức thấp.
Giá khoáng sản tiếp tục phục hồi. Những tháng đầu năm 2010, giá khoáng sản tiếp tục tăng cao so với năm 2008, trong đó titan và antimony là hai khoáng sản có xu hướng tăng mạnh nhất trong nhóm khoáng sản. Hiện nay giá của antimony đang ở mức cao trong lịch sử, cao gấp 2 lần giá so với mức giá trong năm 2009 (đi từ đáy 4,000 USD/tấn vào tháng 2/2009 lên đến 9,500 USD/tấn vào tháng 5/2010). Việt Nam đang là một trong 10 nước sản xuất và cung cấp á kim hiếm antimony lớn nhất trên thế giới. Đây là lợi thế rất lớn đối với các doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam.
Tốc độ gia tăng số doanh nghiệp trong ngành khá cao. Trong vòng 12 năm từ 1996 đến năm 2008, Bộ Công nghiệp và Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp 928 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản. Trong khi đó chỉ trong vòng 3 năm, từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, UBND các tỉnh, thành phố đã cấp 3,495 giấy phép khai thác. Có thể thấy rằng trong thời gian trở lại đây ngành khoáng sản luôn được sự chú ý của các doanh nghiệp trong nước.
2. Những rủi ro chủ yếu của Ngành Khoáng sản
Rủi ro về chính sách. Khoáng sản là ngành tạo ra lợi nhuận rất lớn, nhưng việc khai thác khoáng sản thường ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia. Vì vậy, luật pháp các nước thường có những quy định rất chặt chẽ về lĩnh vực này. Một sự thay đổi nhỏ trong chính sách luôn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.
Giá nguyên vật liệu đầu vào. Nguyên vật liệu đầu vào của ngành khoáng sản chủ yếu là than và điện. Giá than và điện tuy không có biến động mạnh trong thời gian qua, nhưng sẽ có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt khi Chính phủ đang dần chuyển việc xác định giá các mặt hàng này theo cơ chế thị trường. Đây là rủi ro rất lớn mà các doanh nghiệp khai khoáng phải đối mặt.
Rủi ro đầu ra. Trong lịch sử, giá của khoáng sản đã giảm từ 2-4 lần vào thời kỳ khủng hoảng. Điều này cho thấy ngành khoáng sản rất nhạy cảm với hiện trạng của nền kinh tế.
Rủi ro về thời tiết. Đây là một rủi ro khá đặc thù của ngành khoáng sản. Hầu hết các mỏ đều lộ thiên. Vì vậy, những thay đổi của thời tiết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác mỏ, độ an toàn và sản lượng khai thác của doanh nghiệp.
Rủi ro về môi trường. Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo và có trữ lượng hạn chế. Việc khai thác có thể gây ảnh hưởng đến môi trường. Điều này cũng gây tiềm ẩn rủi ro bị rơi vào những vụ tranh cãi pháp lý hay phản đối của dư luận.
3. Triển vọng Ngành Khoáng sản
Việt Nam hiện có hơn 5,000 điểm mỏ với hơn 60 loại khoáng sản được phát hiện và khai thác trải dài khắp cả nước. Tuy nhiên, ngành khai khoáng Việt Nam được đánh giá là ngành sơ khai, công nghệ khai thác mỏ còn lạc hậu và chưa hiệu quả. Các hoạt động chỉ mới dừng lại ở khâu xuất khẩu quặng thô, khâu tinh chế hoàn toàn còn bỏ ngỏ. Do đó, chúng tôi cho rằng ngành khai khoáng trong tương lai vẫn còn tiềm năng rất lớn. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư vào công nghệ ngành khai khoáng.
Nhu cầu khoáng sản trong nước và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao, đặt biệt là từ các quốc gia đang phát triển. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của các công ty trong nước là Trung Quốc và các nước Châu Âu. Dự báo nhu cầu của các nước này vẫn tiếp tục tăng cao để phục vụ cho sản xuất khi kinh tế phục hồi. Việt Nam có nhiều thuận lợi về mặt địa lý khi nằm gần Trung Quốc, là thị trường tiềm năng của ngành khoáng sản.
Từ ngày 01/07/2010, Chính phủ đã giảm thuế xuất khẩu các sản phẩm sau tinh chế của titan xuống còn 15% từ 18%. Trong khi đó, sản phẩm titan thô xuất khẩu vẫn phải chịu thuế xuất xuất khẩu ở mức 20%. Điều này cho thấy Chính phủ đang ủng hộ các doanh nghiệp trong nước tăng cường chế biến và xuất khẩu quặng sau tinh chế hơn là xuất khẩu quặng thô.
4. Cổ phiếu quan tâm: KSSHGM
Gần đây, hầu hết giá cổ phiếu ngành khai khoáng đều sụt giảm cùng với xu hướng chung của thị trường. Chúng tôi cho rằng các cổ phiếu ngành khai khoáng luôn được giới đầu tư đánh giá cao, vì đây là nhóm cổ phiếu có nhiều khả năng gây đột biến lợi nhuận. Tương đồng với mức lợi nhuận cao, đây cũng là nhóm cổ phiếu có biến động giá rất mạnh so với thị trường.
CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (HoSE: KSS): LNTT lũy kế 9 tháng đầu năm 2010 đạt 81.08 tỷ đồng, vượt 5.3% so với kế hoạch 77 tỷ đồng LNTT cả năm 2010. KSS đã có mức tăng trưởng ấn tượng nhờ một số mỏ như: mỏ đá vôi trắng, mỏ đá kiềm đã chính thức có doanh thu trong năm 2010.
KSS hiện đang là một trong những công ty có quy mô lớn trong các công ty khai khoáng đang niêm yết. Được sở hữu 7 mỏ khoáng sản gồm mỏ quặng sắt, mỏ quặng silic, mỏ vàng sa khoáng, mỏ đá vôi trắng, mỏ đá kiềm, mỏ chì kèm đa kim, mỏ đá hoa cương, KSS hiện đang là công ty sở hữu số lượng mỏ nhiều nhất so với các công ty niêm yết trong ngành. Việc sở hữu mỏ vàng sa khoáng đã làm tăng lợi thế cạnh tranh rất lớn của KSS so với các công ty cùng ngành. Chúng tôi cho rằng, tiềm năng củaKSS được đánh giá rất lớn từ năm 2010 khi các mỏ đã chính thức đưa vào khai thác.
Ngoài ra, KSS còn được hưởng lợi từ vị trí địa lý. Bắc Cạn là địa phương được đánh giá là khu vực tiềm năng cho hoạt động khai thác khoáng sản, đặt biệt là các mỏ chì và kẽm.
Điểm khó khăn của KSS chính là nguyên vật liệu đầu vào, chủ yếu là điện và than. Trong bối cảnh giá điện, than, nhân công có xu hướng ngày càng tăng, lợi nhuận biên của KSS trong tương lai có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các hoạt động khai khoáng của KSS (tương tự như các doanh nghiệp cũng ngành khác) luôn phải đối mặt rủi ro rất lớn về mặt chính sách.
CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HNX: HGM): LNTT 9 tháng đầu năm 2010 đạt 43.67 tỷ đồng, tăng trưởng 269% so với cùng kỳ, đạt 107% so với kế hoạch năm 2010 (LNTT 40 tỷ đồng).
Thế mạnh của HGM là cung cấp á kim quý hiếm antimony. HGM là đơn vị duy nhất tại Việt Nam (một trong 10 nước cung cấp antimony lớn nhất thế giới) đang khai thác và chế biến antimony với quy mô công nghiệp. Đây là sản phẩm mang tính chuyên biệt được sử dụng trong công nghiệp chống cháy, công nghiệp bán dẫn, pin ắc quy và các lớp vỏ bọc dây cáp, nên đầu ra của HGM luôn được đảm bảo.
HGM sở hữu quyền khai thác mỏ antimony Mậu Duệ ở tỉnh Hà Giang với trữ lượng khá lớn đạt 371,818 tấn quặng. Trữ lượng này đủ cho HGM khai thác đến năm 2040. Đây là thế mạnh rất lớn so với các công ty khoáng sản khác.
Nhu cầu tiêu thụ antimony của các nước phát triển trên thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao khi kinh tế phục hồi, nổi bật nhất là Trung Quốc. Tuy vậy, HGM vẫn chịu rủi ro về chính sách (đặc biệt về mặt chủ trương hay thuế xuất khẩu), và rủi ro từ biến động giá antimony thế giới.
Tuy vậy, giá của antimony trong thời gian qua đã tăng hơn 100% so với đáy, tăng từ mức đáy 4,000 USD/tấn vào tháng 2/2009 lên đến 9,500 USD/tấn vào tháng 5/2010. Dự kiến giá antimony tiếp tục tăng khi nền kinh tế dần phục hồi và nhu cầu ngày càng cao. Điều này giúp HGM có sự bứt phá trong hoạt động kinh doanh trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới.
Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản cho năm 2010
Phòng Nghiên cứu Vietstock