Sunday, July 20, 2008

19/07 Trung ương Đảng nói gì về xã hội?


19 Tháng 7 2008 - Cập nhật 14h31 GMT


Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại Hội nghị Trung ương VII
Các chuyên gia cho rằng VN cần phải đợi đến một cuộc "đổi mới mới"
Hội nghị Trung ương VII của đảng cầm quyền ở Việt Nam kết thúc mà chưa có câu trả lời cho các câu hỏi lớn về nền kinh tế đang có nguy cơ đình đốn.

Dù lạm phát, suy giảm kinh tế, sai sót điều hành vĩ mô được xác nhận và bàn thảo, giới quan sát nói chỉ một hội nghị Trung ương lần này khó bề có thể tạo ra được một chuyển biến rõ rệt.

Giáo sư Trịnh Duy Luân, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam từ Hà Nội nhận định:

"Nếu mà nói rằng chỉ đợi ở một kỳ hội nghị trung ương, thì tôi cho rằng một vài hội nghị trung ương không giải quyết được."

"Sắp tới Đại hội XI, rồi sửa đổi cương lĩnh, những chuyển đổi đó đòi hỏi có những bước tiến rõ rệt hơn, đột phá hơn, thậm chí cấp tiến hơn theo ý nghĩa nào đó."

Quyết sách thế nào?

 Tôi cho rằng một vài hội nghị trung ương không giải quyết được
 
Giáo sư Trịnh Duy Luân

Trả lời BBC hôm 17/07, ông Luân cho rằng một Hội nghị trung ương như vừa qua cũng chỉ giải quyết được một vài mảng và chắc chắn là phải đợi những quyết sách hoặc một cuộc Đổi Mới tiếp theo.

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này, bên cạnh chủ đề đối phó với lạm phát, bất ổn kinh tế, còn đề cập đến ba chủ đề là thanh niên, trí thức và tam nông.

Khái niệm Tam Nông gợi lại cách nói theo kiểu Trung Quốc thời bao cấp chính là để nói về nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.

Do Hội nghị Trung ương VI lần trước đã họp bàn về vấn đề công nhân, về mặt hình thức, Hội nghị Trung ương 7 đã tiếp tục bàn tiếp tới các khối quần chúng và tầng lớp còn lại.

Vấn đề nông thôn Việt Nam đã được đảng cầm quyền bàn thảo

Đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc hiện nay, đảng Cộng sản Việt Nam đang cố nắm lại các thành phần và tầng lớp chân kiềng công - nông - trí và đặc biệt là thanh niên.

Cách dùng nguồn tri thức trong xã hội của Đảng đã không đem lại kết quả mong muốn, đặt ra câu hỏi về các vấn nạn nhức nhối trong giáo dục, mối quan hệ giữa chính trị và đào tạo.
Hiện tượng chuyên viên trẻ, có ngoại ngữ và trình độ bỏ cơ quan nhà nước ra khu vực tư đã thành làn sóng.

Trong khi đó, các câu hỏi về việc dùng chuyên gia Việt Kiều và chuyên gia ngoại quốc cũng liên tục được nêu ra nhưng chưa thành chính sách cụ thể, hợp lý.

Với giới trẻ, việc mất niềm tin về hệ thống lãnh đạo đặt câu hỏi về vai trò của họ trong tương lai Việt Nam.

Thanh niên mất niềm tin

 Tham nhũng mà chống mãi không hết, càng chống càng tăng, cái đó là một cái phá hoại niềm tin của tuổi trẻ ghê gớm lắm
 
GS. Tương Lai

Riêng về thanh niên, Giáo sư Tương Lai, nguyên cố vấn các vấn đề xã hội của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng:

"Trong lớp trẻ đang có một khủng hoảng niềm tin. Khủng hoảng niềm tin có nhiều chuyện, ví dụ như là tham nhũng."

"Tham nhũng mà chống mãi không hết, càng chống càng tăng, cái đó là một cái phá hoại niềm tin của tuổi trẻ ghê gớm lắm."

Các đợt nông dân khiếu kiện, công nhân đình công khiến đảng cầm quyền ý thức được vấn đề công nông trong hoàn cảnh an ninh xã hội.

Giáo sư Tương Lai, người từng đi điều tra các cuộc biểu tình của nông dân Thái Bình năm 1997, nói với BBC:
"Bao nhiêu nghị quyết đều đã khẳng định rằng nếu không chống được tham nhũng thì cái đó sẽ làm mất niềm tin của nhân dân nói chung, và nhất là thế hệ trẻ, vào nhà nước, vào Đảng lãnh đạo."

Nhiều nhận định của giới quan sát cũng thống nhất rằng Đảng nhận thấy đến lúc phải có các hành động khẩn trương nhằm ngăn chặn đà giảm sút niềm tin và bất bình xã hội đã ở mức độ nguy hiểm, rộng khắp và sâu sắc trong nhân dân.
Một số giải pháp tình thế sẽ được thi hành và do đó không được kỳ vọng sẽ đem lại những yếu tố đáng kể nào về việc thay đổi, cải tổ hệ thống chính trị - xã hội sang một mô hình mới, có tính đột phá hơn, điều mà một số nhà nghiên cứu cho là phải chờ đợi ở một cuộc "đổi mới mới."




Vo danh Hanoi 
Theo những gì biết được, tôi thấy ông Võ Thanh Bình giống một tội phạm hơn là một công dân. Xử lý cảnh cáo chẳng khác gì nhắm mắt làm ngơ, dễ làm cho người ta nghĩ các ông trong trung ương là cùng một giuộc cả thôi. Sao Đảng ta bây giờ lại kém cỏi đến như vậy. Tôi thật đau lòng cho sự sa đọa phổ biến trong Đảng. Như vậy còn lãnh đạo được ai?
Trungha HP
Chế độ không dùng được người thực tài. Việc mời chuyên gia kinh tế nước ngoài điều hành kinh tế vĩ mô đã là một tiến bộ. Mâu thuẫn xã hội ngày một sâu sắc, bộ máy cầm quyền và họ hàng thân thích giầu có nhanh chóng nhờ đặc quyền đặc lợi!
Thật khó chống tham nhũng khi những người có quyền đều hưởng lợi từ cơ chế mà chính Đảng tạo ra
Tran S Ngoc, Ha Noi 
Có một thực tế không mới mà BBC nói hoàn toàn chính xác ấy là "hiện tượng chuyên viên trẻ, có ngoại ngữ và trình độ bỏ cơ quan nhà nước ra khu vực tư đã thành làn sóng".
Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chiếm khoảng 8.3% GDP. Và mức chi bình quân cho một sinh viên bậc đại học cỡ 4 triệu đồng/năm quả là không hề nhỏ (nhất là so với thu nhập trung bình của mỗi người dân Vn). Nhiều em sinh viên có trình độ, có khả năng sau khi học xong mong muốn được thử thách và cống hiến cho các công ty, tổ chức ngoài khối nhà nước. Những công ty này cũng sẵn sàng chào đón họ với chính sách đãi ngộ và ưu ái cao.
Như vậy nghĩa là nhà nước đang lãng phí hay chí ít cũng là chưa tận dụng được nhiều cả nguồn tri thức đang ẩn náu ở nơi này nơi kia...
NK Trung Viet
Tôi đã quá quen thuộc với những lời hô hào sáo rỗng rồi. Nhìn vào cán bộ thì biết, trình độ toàn là tại chức, hàm thụ mà thôi, ai có trình độ, học thức thì luôn bị trù dập, chèn ép; bộ máy công quyền toàn cơ cấu, cơ chế chứ không dựa vào năng lực đâu. Thôi, sống chung với lũ đi, hết lũ sẽ ròng mà!
Mat Hanoi 
Bộ CT ra nghị quyết không phải do mười mấy ông ý làm đâu, các ông ấy cũng tập hợp ý kiến từ các chuyên gia, Bộ Ngành, hội thảo, xin ý kiến, tìm hiểu tài liệu nước ngoài... phản biện, đủ cả, cũng khoa học lắm đấy.
Nhưng cái điều cần nhất là dân chủ: để nghe nói thật, góp ý thật và dùng những người tài thật thì DCSVN lại không dám. Chính vì vậy mà nghị quyết nào cũng luôn giống nhau, sáo rỗng và không có gì mới kể từ ngày thành lập Đảng.
Khi thực hiện cũng không được vì không thể áp dụng trong cuộc sống sợ sai,mất chức và mất bổng lộc. Và những người cầm quyền, có chức là những ngưòi tham nhũng nhất. Những người thực hiện thì nhận nhiều bổng lộc nhất.
Người dân và những ngưòi bị thực hiện là những ngưòi đưa hối lộ nhiều nhất nếu muốn được việc.
Nguyen Minh, Sài Gòn
Quả thật là chúng tôi - thế hệ thanh niên VN hiện nay đang mất niềm tin trầm trọng. Mà chẳng những thanh niên, tất cả người dân đều mất niềm tin vào chính quyền.
Vụ sốt giá gạo là một bằng chứng về "niềm tin" của dân chúng đối với cách điều hành xã hội đấy thôi. Hay như giới sinh viên chúng tôi nói đùa với nhau về cái chết của Võ Văn Kiệt: "Ông Kiệt chết thì được nhắc vì để lại di sản là HỘI NHẬP, ĐIỆN LỰC, XÂY DỰNG, ĐẦU TƯ... Còn mai này TT Phan Văn Khải chết thì để lại cái gì nhỉ?!
Và thanh niên phản ứng lại bằng cách MAKENO - Mặc kệ nó, không quan tâm đến chính trị nữa, chỉ cần biết làm cái gì để kiếm ít tiền - thế thôi.
KP - SaiGon
Góp gì nữa mà BBC bảo góp ý? Có nghị quyết sáng suốt rồi cứ thế mà thực hiện theo chủ trương chính sách của "Đảng ta" đề ra thôi. Nếu thực hiện mà bị "tréo ngoe" thì ta sửa đổi... thế thôi!
Le Duy TP HCM 
Hiện nay xã hội Việt Nam đang mâu thuẫn nghiêm trọng. Mâu thuẫn giữa tầng lớp lãnh đạo "chuyên chính vô sản" mà tài sản thì ngất trời đang lãnh đạo đất nước với một bên là tầng lớp nông dân, công nhân nghèo khổ mà nhà nước "chuyên chính vô sản" đã từng nói là đại diện của họ. Một sự tréo ngoe trong xã hội Việt Nam hiện nay. Điều này Đảng Cộng sản Việt Nam không sao giải thích, lý luận nổi.
Tran Quang Thien, HCMC
Có khi nào Đảng làm một cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trong nhân dân để biết nhân dân còn tín nhiệm Đảng bao nhiêu phần trăm không? Biết lòng tin cụ thể của nhân dân, dân cả nước chứ không riêng gì thanh niên, vào Đảng nhất là trong lĩnh vực nào, hay toàn thể, nói chung là ĐCSVN còn được nhân dân tín nhiệm để cầm quyền hay không?
Mà nói thật chứ nếu Đảng chỉ còn được tín nhiệm ở mức dưới 30% thì liệu Đảng có từ nhiệm hay không nhỉ? Nói như ông TBT chỉ là kiểu suy đoán, không cụ thể thì khó mà tìm ra cách làm hữu hiệu được. Tôi mong Đảng can đảm làm một cuộc trưng cầu ý dân.
Humanrights, Saigon 
Tôi đồng ý với bạn King. Đảng không nên ra nghị quyết để cải thiện tình hình kinh tế. Đảng đâu có chuyên môn và cũng không có chức năng quản lý, điều hành nền kinh tế đâu mà can thiệp vào. Giải pháp đó phải giao các viện nghiên cứu mới đúng. Các viện nghiên cứu sẽ tìm ra được chính xác nguyên nhân và đưa ra được các giải pháp phù hợp với các quy luật kinh tế, quy luật khách quan.
Đảng cộng sản Việt Nam làm vậy vô tình làm cho ý chí chủ quan của ĐCSVN (thể hiện qua nghị quyết) đứng trên cả quy luật khách quan. Điều này trước sau gì cũng đem đến hậu quả cho nền kinh tế VN.
Những vấn đề lớn như vậy, liên quan đến vận mệnh dân tộc, lẽ ra phải để Quốc hội quyết mới đúng. Ban chấp hành TW Đảng đại diện cho hơn hai triệu Đảng viên chứ không thể đại diện cho 85 triệu người dân Việt Nam. Không nên đồng nhất ý chí của ĐCSVN với ý chí mong muốn của dân tộc Việt Nam.
CVM
Mỗi khi đất nước đứng trước khó khăn hay nguy cơ khủng hoảng thì những người tài ba, uy tín trong Đảng kịp thời can thiệp uốn nắn lại các sai lạc, khiến người dân cảm thấy yên tâm. Lần này tôi rất ấn tượng với ông Mạnh, Ông phong độ và đọc diễn văn rất hay.
King
Bộ chính trị (BCT) ra Nghị quyết để cải thiện tình hình kinh tế Việt Nam? Thế thì các Viện Kinh tế ở Việt Nam lập ra để làm gì nhỉ?
Nói thực nhé Nghị quyết của cấp Đảng nào cũng vậy thôi, chỉ là chia trách nhiệm khi có sai trái mà thôi!
Tôi cũng là Đảng viên đã làm Nghị quyết cho các vị ký thì lạ gì? Chỉ sáo rỗng mà thôi. Nhìn mà biết tương lai của nước Nhà, buồn thay cho thế hệ giao thời như chúng tôi!
Jami
Quyết sách của Đảng nhìn chung là tốt. Trí tuệ của Đảng đã được khẳng định từ nhiều thập kỷ qua. Các nghị quyết được trình bày sáng sủa, sạch sẽ (10 điểm).
Dina Nguyễn, San Jose
Bộ Chính Trị lại đưa ra giải pháp kinh tế nghe thế nào ấy. Thế hoá ra Bộ Kinh Tế, Bộ Kế Hoạch lập ra để làm cái gì? Cái gì cũng là lệnh, cũng là kế hoạch của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị thì theo tôi để tiết kiệm tối đa về ngân sách như ông TBT chỉ thị thì nên dẹp hết các bộ, các ban ngành để cho TW Đảng và BCT chỉ huy, ra lệnh tất tật cho nó tiện việc sổ sách và bảo đảm triệt tiêu được quốc nạn tham nhũng.
TW Đảng và BCT cũng Đông người lắm và toàn là những vị có đầu óc ưu việt hơn cả Gia Cát Khổng Minh thì chắc chắn nhân dân VN khá lên mấy hồi và qua mặt các nước trong khối ASIAN chỉ cần vài năm nữa mà thôi.
Mít Đặc
Đảng thì nhiều nghị quyết và lúc nào đảng cũng tự nhận là "lãnh đạo tài tình". Bao nhiêu nghị quyết thời bao cấp đưa đất nước về gần thời kỳ đồ đá rồi.
Quản lý kinh tế là khoan học nghệ thuật phải xử lý hàng ngày không thể chung chung bằng những câu lý thuyết chung chung được.
Nghị quyết về nông dân nhưng không thấy nói nông dân được quyền bình đẳng về sở hữu, sử dụng ruộng đất như các nhà đầu tư. Cũng trên mảnh đất ấy nông dân được trồng lúa và khi thu hồi thì được đền bù theo giá thóc.
Khi nhà đầu tư sử dụng thì được làm nhà và bán theo giá đất ở. Siêu lợi nhuận khi chuyển đổi sử dụng đất nông dân không được hưởng. Người nông dân đi kiện thì gọi người ta là "phần tử". Như vậy có gọi là sáng suốt của đảng không??!
Bùi Hiệp
Đảng muốn chống tham nhũng, nhưng Đảng không có cơ chế chống tham nhũng và bảo vệ người chống tham nhũng.
Đảng viên không phát huy được vai trò tiên phong trong chống tham nhũng nếu không nói là họ sống mang tính cơ hội.
Mặt khác nếu Đảng viên tố cáo tham nhũng thì trước hết họ bị một khuyết điểm là không đấu tranh nội bộ,trong khi đó thì vấn đề đấu tranh đã thành câu vè" đấu tranh tránh đâu".
Nhật
Một người có chuyên môn làm thì tốt chứ để Bộ Chính Trị (mười mấy ông) tìm ra các giải pháp ổn định nền kinh tế thì tôi cũng chưa thấy cơ sở khoa học nào? Rồi nghe nói đang nhờ tư vấn nước ngoài nữa? Há chẳng phải đẽo cày giữa đường sao?
Không nêu danh
Hoàn toàn chính xác cho rằng thanh niên Việt Nam có khủng hoảng niềm tin.
My, Canberra, Australia
Tham nhũng là mối hại cho quốc gia ai cũng biết. Chỉ có cơ cấu chính trị đúng đắn thì mới có thể kiểm soát tham nhũng và tạo niềm tin cho toàn thể mọi người. Lập pháp, hành pháp và tư pháp (nhiều người còn gọi tam pháp) phải độc lập lẫn nhau. Lập pháp (quốc hội) làm ra luật, hành pháp (chính phủ) thi hành luật và tư pháp (tòa án) là trọng tài.
Quốc hội gồm những người do dân bầu một cách tự do để đại diện cho họ. Những người đại diện này có quyền tham gia từ một đảng nào đó. Quốc hội có những nhóm ủy ban điều tra (committee) về đủ vấn đề trong xả hội, thí dụ kinh tế, ngoại giao, y tế, tài chánh, sự quản trị của nhân viên chính phủ, tư pháp v.v…
Những người trong nhóm điều tra này có thể từ đảng cầm quyền nhưng phải có người từ đảng đối lập. Tất cả nguyện vọng hay thắc mắc của bất kỳ người dân gửi qua đại diện của họ sẻ chuyển tới cho nhóm ủy ban này.
Bộ trưởng và các nhân viên cao cấp của bộ khi ra điều trần trước ủy ban này phải trả lời trung thực, nếu khai gian có thể bị đưa ra tòa. Báo chí và truyền thông có quyền tự do tường trình. Kết luận, muốn giảm tham nhũng và tạo niềm tin thì tất yếu phải có tam pháp độc lập, phải có đảng đối lập và phải có tự do báo chí. Nước Úc chuẩn bị nửa triệu đô la để đưa 26 cán bộ cao cấp Việt Nam qua để huấn luyện chống tham nhũng, cũng hy vọng phần nào thôi.
Hồ Thanh Tùng
Có trình độ, tri thức, có ngoại ngữ phù hợp, chưa chắc gì đã được vào làm ở các cơ quan Nhà nước. Bản thân tôi là một người tốt nghiệp cứng ngành giao thông, nhưng từ năm 2005 sau tốt nghiệp, không thể vào được bất cứ cơ quan nào của Tỉnh Bến tre để cống hiến.
Trong khi lúc nào tỉnh cũng hô hào thu hút, ưu tiên trí thức trẻ, nhân tài v.v... Cũng may cho tôi là nhờ không làm nhà nước, tối đành ra ngoài làm, và hưởng lương 12 triệu đồng / tháng (đã nộp thuế thu nhập).
Biết đâu, xin được vào Nhà nước, do lương thấp, chất xám vừa thui chột, lại dính vào tham nhũng, hối lộ. Xin cảm ơn.
Pathfinder, Nha Trang, VN
Các GS Trịnh Duy Luân và Tương Lai đều không dám nói thẳng ra là cần đột phá về dân chủ. Mà đột phá dân chủ đó chắc chắn phải dựa trên cơ sở đa nguyên chính trị.
Lê Cường, Hà Nội
Sống trong môi trường bị phong toả thông tin, và định huớng tương lai không khách quan thì làm sao có niềm tin mà mất.