Friday, July 8, 2011

08/07 VN mua cổ phần của ConocoPhillips ở Biển Đông?

Cập nhật: 13:29 GMT - thứ sáu, 8 tháng 7, 2011

Ảnh của Thông Tấn xã Việt Nam về sự cố các tàu Trung Quốc vào cắt cáp của tàu Việt Nam
ConocoPhillips đưa ra quyết định sau những căng thẳng trên Biển Đông
Tập đoàn dầu khí Việt Nam và các đối tác có thể mua lại 1,5 tỷ đô la cổ phần của ConocoPhillips ở Biển Đông, hãng Reuters đưa tin.
Hãng tin này trích một tuyên bố của Tổng Giám đốc Phùng Đình Thục nói điều này thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Trước đó có tin một số nhà đầu tư Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể mua lại số cổ phần này.
Reuters nói họ không gọi điện được cho các quan chức ConocoPhillips để có phản ứng trong khi một Phó Tổng giám đốc của tập đoàn dầu khí cũng không nghe điện thoại di động khi BBC gọi tới.
Trước đó ông Thục nói với truyền thông trong nước trong một họp báo mới đây về lý do ConocoPhillips rút khỏi các mỏ đang khai thác: "Nguyên nhân hãng này rút lui có thể do họ đang cơ cấu lại. Cũng có ý kiến cho rằng mỏ này đang trong giai đoạn phức tạp và họ không gia tăng khai thác nữa."
ConocoPhillips sở hữu hơn 23% cổ phần trong tổ hợp năm giếng dầu ở lô 15-1 thuộc bể trầm tích Cửu Long.
Tập đoàn này cũng nắm giữ 36% cổ phần mỏ Rạng Đông tại lô 15-2 và hơn 16% cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.
'Dồn vốn đầu tư'
Một số nhà phân tích nói một trong những nguyên nhân ConocoPhillips muốn rút khỏi Việt Nam là hoạt động kinh doanh của họ ở đây không tương xứng tầm vóc công ty và họ muốn dồn vốn đầu tư cho các dự án lớn hơn.
Bên cạnh đó, có thể ConocoPhillips đánh giá rằng trữ lượng dầu thô ở Việt Nam không đủ để hãng có cam kết lâu dài trong khi thăm dò ngoài Biển Đông đang phức tạp do tranh chấp lãnh hải.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam nói họ khai thác được hơn 7,2 triệu tấn dầu thô và 4,7 tỷ m3 khí đốt trong sáu tháng đầu năm, đạt doanh thu 340.000 tỷ đồng so với kế hoạch doanh thu cho cả năm là 640.000 tỷ.
Trước ConocoPhillips, tập đoàn BP của Anh cũng đã thu hẹp hoạt động của họ tại Việt Nam.
Hồi năm 2009, BP tuyên bố rút lui khỏi hai lô 5.2 và 5.3, tại hai mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh nằm ở khu vực Nam Côn Sơn, giữa Trường Sa và bờ biển Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối Việt Nam cho các đối tác nước ngoài khai thác dầu khí tại vùng biển này.

08/07 Tranh cãi về bốn chủ đề bức xúc trong bình đẳng giới

08/07 Quyết mục tiêu cho thủ đô

08/07 Thêm máy bay, tàu lớn cho cảnh sát biển Việt Nam


picture
Lực lượng cảnh sát biển Vùng 1 huấn luyện sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: TTXVN
▪  THÚY HẰNG
10:14 (GMT+7) - Thứ Sáu, 8/7/2011

Sẽ trang bị thêm máy bay, tàu lớn cho cảnh sát biển Việt Nam, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh cho biết bên lề hoạt động vừa diễn ra tại Hà Nội, chuẩn bị cho Hội nghị những người đứng đầu cảnh sát biển Châu Á (HACGAM) lần thứ 7.

Theo trung tướng Phạm Đức Lĩnh, hình thành từ ngày 28/8/1998, đến nay lực lượng cảnh sát biển cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Nhận định tình hình trên biển, đặc biệt là vấn đề ngư dân ta hoạt động trên biển vừa rồi có nhiều phức tạp, ông Lĩnh cho hay đã tổ chức lại phương thức hoạt động để duy trì sự có mặt của cảnh sát biển càng nhiều ngày trên biển càng tốt, nhất là các vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước. Tăng cường hoạt động ở khu vực này, đảm bảo quản lý hết vùng biển của Việt Nam.

Khi thấy có cảnh sát biển thì ngư dân cũng yên tâm hơn, nhất là khi có tình huống thì lực lượng này sẽ ứng cứu, giúp đỡ bà con, ông Lĩnh nói.

Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ thăm dò tài nguyên dầu khí trên vùng biển Việt Nam, ông Lĩnh khẳng định “nếu nước ngoài đến thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã là chủ quyền biển của mình, mình bảo vệ đến cùng. Chúng ta không có chuyện nhún nhường. Đây không phải là vùng biển chồng lấn, tranh chấp gì cả, đây là của Việt Nam. 

Nhấn mạnh việc Việt Nam là thành viên UNCLOS, ông Lĩnh nói “ta làm đúng trách nhiệm của nước thành viên, và chúng ta yêu cầu nước khác cũng làm như vậy. Đã là thành viên phải thực hiện cho đúng UNCLOS”.

Trả lời câu hỏi cụ thể hơn khi nước khác định đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trung tướng Phạm Đức Lĩnh khẳng định sẽ kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra việc đó.

“Nếu đặt giàn khoan, đương nhiên anh vi phạm chủ quyền của tôi, được quốc tế công nhận, chúng ta sẽ bằng mọi cách để không để việc này xảy ra, bằng mọi phương thức: đấu tranh pháp lý, ngoại giao… phải phát huy sức mạnh tổng hợp và bằng mọi hình thức để đấu tranh”, ông Lĩnh nói.

Theo Cục trưởng Lĩnh, tất cả các lực lượng có hoạt động trên biển đều phải tham gia bảo vệ chủ quyền. “Chúng tôi đã từng bước phối hợp và sẽ tăng cường phối hợp chặt hơn giữa các lực lượng: hải quân, biên phòng, giao thông vận tải, nông nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và các lực lượng khác có liên quan hoạt động trên biển”, ông Lĩnh cho biết.

Tuy nhiên, vị cục trưởng cảnh sát biển cũng nhìn nhận, với diện tích biển gấp 3 lần diện tích đất liền, lực lượng cảnh sát biển hiện chỉ đáp ứng được 30-40% yêu cầu. Trang bị còn hạn chế, chưa đảm bảo hoạt động ở vùng biển xa, trong thời tiết phức tạp như gió cấp 9-10 hoặc đi dài ngày trên biển. 

Trung tướng Lĩnh cũng cho biết, với định hướng đầu tư thêm, hiện nay, Chính phủ đang giao cho Cục lập đề án phát triển giai đoạn hai, xây dựng mô hình hoàn chỉnh của cảnh sát biển và sẽ tăng cường trang bị thiết bị cho cảnh sát biển. 

Việc đầu tư sẽ đáp ứng từng bước theo mức phát triển của nền kinh tế, chọn lọc những gì cần nhất, cấp bách nhất thì đầu tư trước. Bên cạnh đào tạo đội ngũ sẽ trang bị tàu thuyền, máy bay, để nâng cao tầm hoạt động và hiệu quả bao quát tốt hơn.

Về thiết bị, ông Lĩnh cho biết, trước mắt sẽ đầu tư tàu có độ giãn nước lớn, hoạt động dài ngày để có thể duy trì sự có mặt của cảnh sát biển trên biển thường xuyên.

Đầu năm 2012, chúng ta sẽ có tàu 2.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 12, sóng cấp 9. Sắp tới ưu tiên đầu tư thêm tàu, máy bay.

“Các tàu trang bị còn có nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, có cả sàn đỗ máy bay trực thăng, có buồng quân y, có 12 giường bệnh, cùng lúc cấp cứu được 120 người. Khi có tàu này thì bà con có thể yên tâm. Cần là lực lượng cảnh sát biển có mặt. Tốc độ cũng đảm bảo đủ để thực hiện nhiệm vụ” ông Lĩnh chắc chắn.

08/07 Thêm chi tiết về tập luyện hải quân Việt -Mỹ

Cập nhật: 09:25 GMT - thứ sáu, 8 tháng 7, 2011

Tàu hải quân Mỹ
Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa cung cấp thêm thông tin về hoạt động chung giữa hải quân Việt Nam và Hoa Kỳ kéo dài một tuần trong tháng Bảy.
Ngày 07/07, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao Việt Nam, Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên NHK về tình hình an ninh và an toàn Biển Đông, trong đó có đề cập tới sự kiện các tàu chiến Mỹ sẽ cập cảng Đà Nẵng ngày 15/07 sắp tới.
Bà Nga cho hay ba tàu hải quân Hoa Kỳ gồm có tàu USS Preble, tàu USS Chung-Hoon và USNS Safeguard "sẽ ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong khoảng thời gian chính thức từ ngày 15-21/07".
Bà Nga nói tại cuộc họp báo: “Đây là hoạt động giao lưu định kỳ hằng năm và đã được hai bên thỏa thuận từ trước nhằm mục đích tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước, thực hiện các hoạt động nhân đạo, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động chuyên môn của hải quân và tìm kiếm cứu nạn.”
Người phát ngôn Việt Nam cũng nhấn mạnh “đây không phải là cuộc tập trận hải quân như một số báo chí đưa tin”.
Trước đó theo cơ quan đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ, khi ở Việt Nam các thủy thủ Mỹ sẽ tham gia hoạt động cộng đồng, các buổi huấn luyện về tìm kiếm và cứu nạn, kiểm soát thiệt hại, lặn và cứu hộ với hải quân Việt Nam.

‘Tăng cường quan hệ’

Tháng 08/2010, tàu hải quân Hoa Kỳ USS John S. McCain cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao hai nước.
Nhân dịp này, hải quân Mỹ-Việt đã có cuộc diễn tập cứu hộ chung cùng với sự chỉ đạo cuả chỉ huy tàu USS John S. McCain, ông Jeffrey J. Kim bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
Tàu USS Chung-Hoon vừa tham gia cuộc tập trận chung "Hợp tác Sẵn sàng Chiến đấu và Huấn luyện Trên biển"-CARAT với hải quân Philippines hồi tháng Sáu. Tàu này được coi là một trong các khu trục hạm tối tân nhất của Hạm đội 7.
Trước đó tàu chiến của Mỹ đã có nhiều chuyến thăm đến Việt Nam, trong đó hai chuyến vào năm 2008, hai chuyến năm 2009.
Những sự kiện ‘diễn tập’ như thế này thu hút rẩt nhiều sự chú ý từ phía Trung Quốc, đặc biệt kèm theo các căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trước diễn biến tình hình mới này giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, giới quan sát nhận định đây là dấu hiệu tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia trong khu vực.

08/07 GS Phan Huy Lê trở thành Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp

01:47-08/07/2011 
Theo ĐVO và Bee.net.vn

Nhà sử học Phan Huy Lê nhận được thông báo chính thức trở thành Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn, Pháp, hôm 5/7.

Ông là giáo sư ngành khoa học xã hội đầu tiên của Việt Nam được nhận vinh dự này.


Cuộc bầu chọn của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Académie des Inscriptions et Belles-Letres) của Pháp diễn ra trong phiên họp ngày thứ sáu 27/5. Giáo sư Phan Huy Lê được bầu làm Viện sĩ Thông tấn nước ngoài (Membre Correspondant étranger de l’ Académie) vào vị trí ghế bành (fauteuil). Vị trí này trước đây của ngài Francisco Rico (Tây Ban Nha). 



08/07 TQ: Bay trên không phận đảo Điếu Ngư là phù hợp với luật pháp quốc tế


Thứ sáu, 08 Tháng 7 2011 14:25

(GDVN) - Theo Tân Hoa Xã ngày 7/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố việc hai máy bay quân sự nước này bay trên không phận của đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là Senkaku) là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phản ứng trên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra 3 ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản lên tiếng cáo buộc hai máy bay quân sự của Trung Quốc hôm 4/7 đã xuất hiện tại khu vực phía trên vùng biển cách đảo Điếu Ngư/Senkaku 60km.
alt
 
 
Sau đó, lực lượng Không quân Nhật Bản đã điều F-15 ra chặn hai máy bay quân sự của Trung Quốc nên hai máy bay này đã "không xâm nhập vào không phận của Nhật Bản".

Theo lời quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc, máy bay quân sự Trung Quốc đã bay trên vùng biển thuộc quyền tài phán của mình là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế bởi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vốn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại và nước này có chủ quyền không thể chối cãi.
Đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm ở biển Hoa Đông. Hiện đảo này được xem là vùng tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, phía Nhật Bản vẫn khẳng định không có chuyện tranh chấp với Trung Quốc vì đây là đảo thuộc chủ quyền của Nhật Bản.

08/07 'Biểu tình là phản ứng của người dân'

Cập nhật: 04:58 GMT - thứ sáu, 8 tháng 7, 2011

Trường Sa
Trả lời báo nước ngoài hôm thứ Năm 07/07, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói việc biểu tình là "phản ứng của người dân trước những sự kiện ở Biển Đông".
Bà Nguyễn Phương Nga đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ với các phóng viên trong và ngoài nước, trong đó bà trả lời một số câu hỏi được các phóng viên gửi tới từ trước.
Báo mạng Giáo dục Việt Nam tường thuật rằng phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP có mặt tại đây đã hỏi bà Phương Nga: "Liệu trong bao lâu nữa Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép người dân tiến hành biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc sau một loạt các sự kiện người dân Việt Nam tiến hành tuần hành trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như sự kiện thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã tới thăm Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua?"

Bà Nga không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà nói: "Trong cuộc họp báo hôm trước tôi cũng đã từng nói, đây là phản ứng của người dân Việt Nam trước những sự kiện gần đây diễn ra trên Biển Đông".
Câu trả lời của người phát ngôn dường như biểu lộ hàm ý không hẳn tán đồng nhưng cũng không chỉ trích điều mà chính phủ Việt Nam sau sự kiện biểu tình hôm 05/06 nói là "một số người đã tự phát tụ tập... để thể hiện tinh thần yêu nước".
Bản tin của Giáo dục Việt Nam nay đã bị gỡ xuống nhưng vẫn còn lưu lại trên một số trang mạng.
Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải "định hướng dư luận" sau các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Bắc Kinh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trả lời một câu hỏi khác, bà Nga nói Bộ Ngoại giao Việt Nam "không có thông tin về việc" được nói là tàu Trung Quốc định cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hôm 30/06.

'Nhận thức chung'

Bà Nguyễn Phương Nga cũng lên tiếng giải thích về 'nhận thức chung' giữa lãnh đạo VN và TQ về Biển Đông nhưng không nhắc tới cụm từ 'đồng thuận'.
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về 'nhận thức chung giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông', bà Nga nói "nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các tuyên bố chung của Việt Nam-Trung Quốc", gần đây nhất là trong "thông tin báo chí chung về cuộc gặp giữa Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và Ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc" hôm 25/06.
Bà Nguyễn Phương Nga
Bà Nguyễn Phương Nga là người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Người phát ngôn Việt Nam nhắc lại những chi tiết chính của nhận thức chung này, như quyết tâm gìn giữ hòa bình, ổn định tại Biển Đông; duy trì cơ chế đàm phán trên biển; căn cứ các nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 để tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được ...
Bà Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định, nhận thức chung đi kèm nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau trong đàm phán về các vấn đề trên biển, và "hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp".
Các điểm mà người phát ngôn Việt Nam đưa ra không có gì mới và trên thực tế đã nhắc lại nhiều lần.
Bà Nga không đề cập tới phạm trù "đồng thuận chung" mà truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là Tân Hoa Xã, đã đưa ra khi tường thuật cuộc gặp giữa ông Hồ Xuân Sơn và lãnh đạo Trung Quốc hôm 25/06.

Yêu cầu giải thích

Bản tin của Tân Hoa Xã phát đi hôm 28/06 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến đi của ông Sơn.
Ông Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ thực hiện đồng thuận chung và nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định tại Nam Hải (Biển Đông)".
Cụm từ "đồng thuận chung" hiếm gặp đã khiến không ít người ở Việt Nam lo lắng về khả năng có thể hai bên, nhất là các lãnh đạo Đảng, đã đạt một "thỏa thuận ngầm" nào đó.
Hôm 02/07, một nhóm nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Bộ Ngoại giao yêu cầu giải thích về những điều Tân Hoa Xã đưa tin.
18 trí thức ký tên yêu cầu cung cấp "thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc" hôm 25/06.
Họ cũng kiến nghị bộ này giải thích quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi người đồng nhiệm Trung Quốc năm 1958 về chủ quyền ở Biển Đông.
Phát biểu của Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga không đề cập tới các yêu cầu nói trên.

08/07 Nghe hò nhớ Huế



Bài viết được đăng lúc 10:27:59 AM, 08.07.2009
Ảnh: TL
VÕ QUANG YẾN
                Tiếng hát đâu mà nghe nhớ thương,
                Mái nhì man mác nước sông Hương.
                                                     Tố Hữu

Tôi sống lên ở quê ngoại, làng Mỹ Cang, phía bắc thành phố Huế chừng 40 cây số, trên bờ sông Ô Lâu, bốn mùa cuộn sóng xuôi dòng, tuỳ theo thời tiết, khi trong khi đục, phản ảnh mây trời, mưa nắng. Lớn lên một chút, trường huyện quá xa, anh em chúng tôi đi vô Huế học, chỉ Tết nhất, mùa nghỉ mới về đây thảnh thơi, vui đùa, gom góp những kỷ niệm êm đềm trước thời chinh chiến tàn phá quê xưa. Nghỉ hè, trời nóng, chúng tôi đánh trần ngủ ngay ngoài hiên. Có những đêm quá nóng, lại chuyện trò hào hứng, cũng khó lòng nhắm mắt. Thế rồi, không biết bắt đầu từ bao giờ, khoảng 2-3 giờ sáng, một giọng hò vọng lên trong đêm thâu. Tiếng hò theo đò từ xa lại gần rồi lại đi xa, không biết cô lái đò từ đâu đến và đi về đâu, cơ thể dẻo dang làm sao, mặt mũi duyên dáng đến mức nào. Chúng tôi chỉ nghe được lời thổn thức của cô ta, gởi gắm tâm tình vào sông, vào nước.

Biết ở đâu là cầu Ô Thước
Mênh mông nguyện ước, dưới nước trên trời.
Đêm khuya ngớt tạnh mù khơi,
Khúc sông quạnh vắng, có người sầu riêng.


Câu hò xao xuyến, bay bổng, điệu hò chậm rãi, miên man, tiếng hò bâng khuâng, da diết, trong đêm thâu làm chạnh lòng hơn một người.Và cứ như thế, ba bốn hôm một lần, không có hẹn ước, định kỳ, chúng tôi lại được thưởng thức một vài câu hò mặn mà, trữ tình, vô tình kín đáo chia sẻ nỗi lòng của cô lái đò cô đơn. Lúc đầu chỉ để ý, dần dần từ để ý chúng tôi trở qua chờ đợi. Rồi có những đêm trăng sáng, trong cơn gió thoảng, chúng tôi tưởng như nghe tiếng mái chèo khua nước, đợt sóng vỗ mạn thuyền, nhưng tiếng hò thì tuyệt không, thế là mặc sức trằn trọc, thao thức không sao ngủ được. Hết hè, trở lại Huế vào trường học, chúng tôi phải tạm biệt cô lái đò, tạm quên những câu hò đầy tình cảm, thương nhớ của cô gái quê không quen, không biết, chỉ gặp nhau trong không trung, khí quyển, qua gió, mây, sóng, nước.

Người dân xứ Huế dễ rung động với đồng ruộng, sông nước, rừng rậm, cây ngàn. Vì vậy trong đời sống họ hay biểu lộ tâm tình qua những câu hò, điệu hát. Riêng chỉ câu hò đã có cả chục điệu. Trong công việc đồng áng khi đạp nước, đạp lúa, họ cố quên thời gian với những câu hò ô thiết tha, trầm bổng. Khi đập đất, đắp nền, họ trêu chọc nhau với những câu hò hụi lưu loát, linh hoạt. Khi làm đường, đắp đê, họ khuyến khích nhau qua điệu hò nện dồn dập, khẩn trương. Khi kéo bè, kéo gỗ, họ động viên nhau với những điệu hò kéo thác mạnh mẽ, khoẻ khoắn. Khi xay lúa, giã gạo, họ đố đáp nhau qua những câu hò giã gạo sôi động, hào hứng.

Cây chi trong rừng không lá,
Cá chi dưới biển không xương
Trai nam nhơn giải đặng, thiếp xin kết nghĩa tao khang với chàng...
Cây xương rồng trên rừng không lá,
Con sứa dưới biển là cá không xương,
Anh nay đà đối đặng, em phải kết nghĩa cương thường với anh
.

Ở nhà, hò ru con là điệu hò ngọt ngào, êm ái thường ngày mà bà mẹ nào cũng biết. Đứa con nhỏ nào mà không lớn lên với những bài học từ thuở dại thơ.
Ru con cho théc cho muồi,
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.
Chợ Dinh bán áo con trai,
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.
Trong số các điệu hò nầy, hai điệu được phổ biến rộng rãi có lẽ là hai điệu chèo đò, giống nhau trong câu hát, chỉ có khác nhau chút ít trong cách diễn tả. Hò mái nhì là điệu hò nổi tiếng nhất, buông lơi, man mác, thường được nghe trên dòng sông trầm lặng, độc diễn, nhưng cũng có khi đối đáp giữa hai người cùng nhau tâm sự, kẻ xướng, người xô, gởi lòng vào mây nước trong đêm vắng như hai nhân tình cùng nhau thỏ thẻ mối tình dưới trăng thanh.

Trai:      Em về ngược gió xang mưa
            Thuận buồm xuôi gió biệt mông xa chừng.
            Em về anh cũng muốn về theo
            Lên truông cát nóng lội đèo đá dăm.

Gái:      Cát nóng em đưa lưng em cõng
            Đá dăm em lượm sạch đường anh đi.


Gần gũi với hò mái nhì là hò mái đẩy, rắn rỏi, dồn nén, thường vang vọng trong khúc sông nước xiết hay ở đầm phá sóng to, gió lớn, người lái đò phải vững tay giữ chèo cho nên điệu hò bớt lơ lửng mà dứt khoát, chắc nịch.

Một mình cả chống cả chèo
Không ai tát nước đỡ nghèo một phen.
Cách ngân nga của điệu hò mái nhì, mái đẩy thật là đặc biệt, nhất là khi do một nghệ sĩ người Huế biểu diễn. Câu hò bắt đầu với những ò ơ à ơ dài dăng dẳng tưởng không khi nào ngớt. Rồi khi câu hò thật sự bắt đầu, mới được hai chữ lại còn ờ ơ à ơ, xem như người hò chần chừ không muốn đi ngay đến đích để người nghe thưởng thức tiếng ngân của mình. Ngày nay, như múa rối nước lên đường Nam tiến, hát cải lương lấn bước miền Bắc, ca hò Huế cùng bún bò, bánh bèo,... phân tán khắp đất nước, vượt biên ra cả nước ngoài. Các ca sĩ buộc phải biết hò, hát những bài ba miền nên thính giả được nghe những nghệ sĩ quê Bắc, quê Nam cũng ca, hò Huế. Ngay ở đoạn ò ơ à ơ đã thấy ngay chưa ổn. Nếu ca trù không thể diễn tả với một giọng khác giọng Bắc, cải lương phải được hát giọng Nam (cải lương ở Hà Nội hát như ngâm thơ, không xuống được một câu vọng cổ), hò Huế phải được trình bày với giọng Trung. Khi giả giọng, ca sĩ hạ giọng quá đáng, cho nghe một giọng hò, hát nếu không vướng âm Nghệ Tĩnh thì cũng lai căng, buồn cười như khi nghe tài tử nàm ảnh Pierre Fresnay bắt chước giọng Marseillais! Tôi chưa may mắn gặp được ai học hò mái nhì, mái đẩyqua nốt nhạc mà làm rung động lòng tôi khi biểu diễn; những nghệ sĩ tuyệt diệu tôi đã được nghe là những người thường hò trong đời sống hằng ngày từ thuở bé nhỏ, những người không có khi nào lại trường học hò!

Trước thế kỷ 14, xứ Huế còn là vùng đất của người Chàm. Theo bước chân công chúa Huyền Trân, người Việt từ miền Bắc mới dần dần vào hai châu Ô, Rí khai khẩn đất hoang, sống chung với người dân bản địa. Theo những nhà chuyên khảo, ca hò Huế là hệ quả giao lưu giữa văn hoá Champa và văn hoá Việt Nam. Họ khám phá ra, bên cạnh những điệu nam ai, nam bằng,giai điêu lơ lớ tức là hơi nam giọng ai hay ngũ cung ai của hò mái nhì, mái đẩy (do, re non, fa già, sol, la non) là một kết hợp của ngũ cung đúng miền Bắc (do, ré, fa, sol, la) với ngũ cung oán nhạc Champa (do, mi, fa, sol, la). Đặc biệt là kết hợp nầy chỉ giới hạn ở vùng Bình Trị Thiên, tức là ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, không lan vào miền Nam cũng không tràn ra miền Bắc.

Đi xa hơn, những nhà nhạc học thấy nhạc Champa chịu ảnh hưởng nhạc Ấn Độ mà âm giai nhạc Ấn Độ lại gẫn gũi với âm giai pélog đảo Java ở quần đảo Nam Dương (Indonesia). Giáo sư Trần Văn Khê đem so sánh thì thấy điệuhò mái đẩy rất giống điệu pélog có thể nguyên quán từ vùng Ba Tư - Ả Rập. Đằng khác, một cây đàn đá tiền sử đã được phát hiện ở Đac Lac mà âm giai lại cũng rất gần âm giai pélog. Thì ra âm giai hai điệu hò mái nhì, mái đẩy đã có sẵn từ trước ở Cao Nguyên miền đất Trung Việt, chứng minh một giao lưu giữa Nam Dương và Việt Nam. Thảo nào, qua bên ấy, tôi thường được người bản xứ gọi tôi "người anh họ phương xa". Giao lưu nầy còn được mở rộng ra Ấn Độ - Nam Dương - Việt Nam khi tôi có dịp viếng và ý thức những điểm tương đồng giữa ngôi tháp gọi là "Bờ biển" ở Mahabalipuram miền đông Ấn Độ và các tháp Chàm ở nước ta. Kiến trúc nầy đã trực tiếp ảnh hưởng lên cách xây tháp miền Nam nước ta hay dã qua trung gian Java, Bali? Ước mong rồi một ngày nào những nhà khảo cứu giải thích được rõ ràng cách thức những giao lưu văn hoá, âm nhạc, nghệ thuật nầy.

Trong lúc chờ đợi, giao lưu Pháp - Việt, sau gần một thế kỷ sống chung và mấy chục năm chinh chiến, lại trên đường nối tiếp. Riêng đối với Huế, hai Festival 2000 và 2002 vừa qua đã là dịp để cho các đoàn văn nghệ Pháp trình bày với công trình đất Thần kinh một mặt văn hoá nào của xứ sở Rousseau và Voltaire. Ngược lại, những đoàn ca hát Huế, Phú Xuân hay Trường Đại học Nghệ thuật, ban nhạc Cung đình hay nhóm tụng kinh niệm Phật của mấy vị tu sĩ cũng đem lai cho thính giả Pháp những làn điệu xa xăm, có khi lạ thường. Thật ra, những câu hò Huế đã từng được thưởng thức trên sâu khấu Paris, ngay cả trong vở múa nhạc Khúc nguyện cầu trong ấy nghệ sĩ Ea Sola khai thác mặt ảm đạm, âu sầu của các câu hò mái nhì, mái đẩythay vì sử dụng điệu hò đưa linh thấy như còn não nùng, ai oán hơn, góp phần xoa dịu khổ đau của những kẻ mất mát người thân.

Đêm năm canh ngày sáu khắc con ve kêu giục giã,
Con đương mơ màng sực nghe tiếng mẹ kêu.
Muốn tìm mẹ tìm sao đặng mẹ,
Tây phương đất Phật mẹ đi không về.
Mùa thu năm vừa qua, nhân buổi gặp mặt với nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương ở Phật đường Khuông Việt tại Orsay, ngoại ô nam Paris, những người bạn Huế, đồng bào hâm mộ thơ nhạc lại được thưởng thức những câu hò gợi biết bao thương nhớ.

Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.


Phụ hoạ đàn tranh cho chị Hỷ Khương ngâm thơ và hò Huế có giáo sư Trần Văn Khê. Anh Khê đệm thêm đàn tranh làm tăng giá trị câu hò những, qua trí óc tôi, cũng như ngày nay trên các đò du lịch trên sông Hương ca hò có đệm đủ nhạc khí tranh, nhị, tam, nguyệt, sáo thì đưa bài hò qua một hệ thống khác, loại thính phòng, làm mất mát ít nhiều tính hoang vu, thôn dã của câu hò cô độc trong đêm vắng trên sông. Câu hò ấy, ngày nay ai cũng biết do cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng tác, nhân nghĩ đến vua Duy Tân đợi Trần Cao Vân bàn chuyện quốc sự. Ngoài hò mái nhì, mái đẩy bên cạnh thơ văn đủ loại, cụ Ưng Bình còn có những câu hò giã gạo có tính cách trào phúng, ít được biết.

Áo Lơ-muya với giày cao gót
Theo em, theo chị cái mốt tân thời.
Vỏ ngoài che đậy mà chơi,
Tháo ngay trong dạ để gương đời soi chung.
Thấy ra hò thật là một thể loại dân ca rất được truyền tụng ở xứ Huế, một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, có thể là nơi tập trung nhiều điệu hò nhất trong một diện tích nhỏ hẹp miền Trung. Người con dân nào đã sống lên ở Huế mà không nuôi dưỡng trong lòng một bầu hò đầy kỷ niệm thơ mộng. Giờ đây, ngồi làm việc ở bàn giấy, tôi luôn có một dĩa hò nhẹ nhàng cho tỏa ra một bầu không khí ấm cúng quê nhà, làm dịu bớt nỗi nhớ nhung cả một thời thơ ấu êm đềm trên bờ sông Ô Lâu.

Đây quê mẹ ấp ủ tình thương
Đây xóm làng bao nỗi vấn vương...


Xô thành những ngày nóng bức hè 2003V.Q.Y(179-180/01&02-04)

07/07 Bộ trưởng Quốc phòng VN nhắc 16 chữ vàng

Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Á Châu tại Singapore hôm 5/6/2011
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói Việt Nam 'mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu' của Trung Quốc
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói Việt Nam 'coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị' với Trung Quốc trên cơ sở 16 chữ vàng: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. 
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ông Thanh đã nói như vậy trong buổi tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường khi ông này tới chào nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ đại sứ.
Lời khẳng định của Tướng Thanh được đưa ra sau những cuộc biểu tình liên tiếp phản đối Trung Quốc gây sự với Việt Nam trong vùng được coi là đặc quyền kinh tế của quốc gia thành viên ASEAN này.
Cả thảy năm cuộc biểu tình đã diễn ra và 16 chữ vàng từng được một số thành viên của cộng đồng mạng biến thành "láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai."
Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua.
Đại tướng Phùng Quang Thanh
Bản tin của BấmThông tấn xã Việt Nam hôm hôm 6/7 nói: "Phát biểu tại buổi tiếp, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá cao những đóng góp xứng đáng của Đại sứ Tôn Quốc Tường vào việc củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có quan hệ giữa quân đội hai nước.
"Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc; Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, đều kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và là hai nước xã hội chủ nghĩa, có nhiều điểm tương đồng.
"Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua.
"Đại tướng Phùng Quang Thanh tin tưởng mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển trên tinh thần 16 chữ; hai bên cùng giải quyết thỏa đáng những vấn đề do lịch sử để lại và những vấn đề mới nảy sinh..."
Hãng thông tấn của Việt Nam cũng nói: "Đại sứ Tôn Quốc Tường nhấn mạnh Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam; khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai nước."
Không thấy báo chí Việt Nam nói rõ 16 chữ vàng này có được quốc hội hai nước thông qua bằng văn bản, hay chỉ là quan điểm của các nhà lãnh đạo hai đảng cầm quyền với nhau.
Về mặt chính thức, quan hệ xấu nghiêm trọng giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã từng được ghi hẳn vào một bản hiến pháp của Việt Nam giai đoạn chống Trung Quốc, thân Liên Xô nhưng câu đó đã bị bỏ.
'Không nhún nhường'
Trong khi đó một số báo chính thống của Việt Nam đang tiếp tục chạy những bài đặc biệt về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, hai quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền toàn diện và không thể tranh cãi.
Hôm 7/7, trang tin VietnamNet cũng phỏng vấn Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biển Việt Nam về việc trang bị thêm tàu lớn và máy bay cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Ông Lĩnh nói Việt Nam sẽ dùng các biện pháp "hòa bình" để bảo vệ chủ quyền tại các vùng biển "của Việt Nam":
"Nếu nước ngoài đến thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã là chủ quyền của mình, mình bảo vệ đến cùng. Chúng ta không có chuyện nhún nhường.
Tới đây, đầu năm 2012, chúng ta sẽ có tàu 20.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 12, sóng cấp 9. Sắp tới ưu tiên đầu tư thêm tàu, máy bay.
Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biển Việt Nam
"Đây không phải là vùng biển chồng lấn, tranh chấp gì cả, mà của Việt Nam."
Ông Lĩnh thừa nhận trang thiết bị cho cảnh sát biển Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu đi biển dài ngày và sự cần thiết phải "bám dân" làm ăn trên biển.
Ông nói với BấmVietnamNet: "Nhu cầu thì nhiều, nhưng đáp ứng thì từng bước theo mức phát triển của nền kinh tế. Chúng ta chọn lọc những gì cần nhất, cấp bách nhất thì đầu tư trước.
"Một, trang bị tàu thuyền, hai là máy bay, để nâng cao tầm hoạt động và hiệu quả bao quát tốt hơn, ba là con người.
"Con người đã đào tạo, chủ yếu lấy từ quân chủng hải quân, rồi các đơn vị khác của Bộ quốc phòng, cho phép lấy người của các đơn vị, các trường khác có đào tạo ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển.
"Về thiết bị, trước mắt, chúng ta lo đầu tư tàu có độ giãn nước lớn, hoạt động dài ngày. Có như vậy thì mới có thể duy trì sự có mặt của cảnh sát biển trên biển thường xuyên được, mới bám được dân. Ra dăm bữa nửa tháng, 20 ngày rồi về thì không thể bám được.
"Tới đây, đầu năm 2012, chúng ta sẽ có tàu 20.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 12, sóng cấp 9. Sắp tới ưu tiên đầu tư thêm tàu, máy bay.
"Các tàu còn có nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, có cả sàn đỗ máy bay trực thăng, có buồng quân y, có 12 giường bệnh, cùng một lúc cấp cứu được 120 người. Khi có tàu này thì bà con có thể yên tâm. Cần là lực lượng cảnh sát biển có mặt. Tốc độ cũng đảm bảo đủ để thực hiện nhiệm vụ," tướng Lĩnh cho biết.