Thứ 6, 08/07/2011, 22:04
Bộ sưu tập Tiền Việt Nam của ông Nguyễn Bá Đạm đã được doanh nhân Nguyễn Đình Sử mua lại, bổ sung, nâng cấp, để hiện tại đang có mặt tại Bảo tàng Hà Nội.
Trong suy nghĩ của nhiều người, những đồng tiền xưa cũ là vật đã chết, nhiều đồng tiền được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau về nằm trong đống phế liệu để chờ hóa thân vào các sản phẩm khác, nhưng họ không biết rằng, với một người đam mê sưu tầm tiền cổ, nó cũng có “linh hồn” và chính chúng mới là vật chứng sống của lịch sử. Đôi khi nó còn là vận may, mang đến cho chủ nhân sự đổi đời rất tình cờ
Ngẫu nhiên trở thành người giàu nhờ động lực học lịch sử
Trong giới sưu tầm tiền cổ, nhiều người biết ông Nguyễn Bá Đạm ở Hà Nội với một bộ sưu tập nổi tiếng.
Một buổi ghi hình ông Đạm tại nhà riêng của VTV4 Truyền hình Việt Nam |
Bộ sưu tập Tiền Việt Nam của ông đã được doanh nhân Nguyễn Đình Sử mua lại, bổ sung, nâng cấp, để hiện tại đang có mặt tại Bảo tàng Hà nội với một khu vực trưng bầy riêng khá đồ sộ. Để đến được đây, bộ sưu tập này đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, giám định và công bố thành sách “Kho báu tiền cổ Đại Việt”, được Nhà nước dùng làm “quà biếu” cho các nguyên thủ quốc gia đến dự Hội nghị APEC 2006 tại Hà Nội. Cuốn sách được xem như nguồn chứng tích lịch sử- văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.
Việc xây dựng bộ sưu tập đó được bắt đầu từ việc thu gom những đồng tiền tròn- lỗ vuông của một cậu bé thích “chơi đáo” (một trò chơi có lẽ đã đi vào dĩ vãng như một trò chơi dân gian). Lâu dần vốn liếng đã trở nên kha khá, cậu bé nghĩ đến chuyện cất đi “làm vốn”. Bẵng đi rất lâu, thấy qua sách báo người ta kháo nhau, tìm kiếm, đồn đại về giá trị của những “đồng tiền đặc biệt cũ kỹ”. Tò mò, tự đi mua sách báo tìm hiểu và thấy đây đúng là “một kho báu thực sự”.
Từ một cậu bé có thói quen bỏ những đồng xu vào “ống bơ” để dành, gần 70 năm sau, vào năm 2004 ông bán bộ sưu tập này được 1 tỷ đồng Việt Nam. Vào thời điểm đó, đây quả là một tài sản lớn. Với số tiền này ông đã xây được ngôi nhà mới, thực hiện được ước mơ đi du lịch tại Pháp, nơi ông có mối quan hệ gắn bó với rất nhiều nhà sưu tập, nghiên cứu tiền cổ có tiếng tại hải ngoại và vẫn còn một số tiền để “dưỡng già”.
Hiện tại ông không còn lui tới giới sưu tầm như xưa nữa bởi bộ sưu tập của ông đã về đến nơi ông hằng ước ao- “tài sản quốc gia”- chứ không bị mang bán ra ngoài nước. Trong nhà ông còn lại “một kho” sách báo tiếng Việt, tiếng Anh, đặc biệt là các chuyên khảo tiếng Pháp và tiếng Trung quốc (những quốc gia mà trong quá khứ có rất nhiều mối liên quan đến tiền cổ Việt Nam).
Những cuốn sách này được cất giữ cẩn thận, ông nói, … đó là nguồn kiến thức giúp ông đến với hàng “đại gia” của giới sưu tầm. Nếu có điều gì muốn nói với lớp trẻ - ông quả quyết, … bạn có thể tình cờ gặp nhiều may mắn nhờ vào kiến thức lịch sử. Đây mới là “chìa khóa” để mở cửa “kho báu” cho mỗi người…
Ngày nay có rất nhiều người làm như thế. Cơ may chắc chắn sẽ đến với những người có động lực học lịch sử để tìm hiểu xem giá trị nào đang còn ẩn dấu bên trong những đồng tiền tưởng như đã chết.
Bảo tàng Tiền của Ngành Ngân hàng được xây dựng từ đâu?
Năm 1996, lần đầu tiên ông Nguyễn Bá Đạm được mời đến dự một hội thảo về văn hóa tiền tệ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 49, Lý Thái Tổ, Hà Nội. Có rất nhiều chuyên đề viết mong muốn bầy tỏ với Ngành Ngân hàng cần sớm có một Bảo tàng Tiền Việt Nam, nhưng tham luận của ông Đạm đã được Ngành Ngân hàng chú ý, bởi tình cảm chân thành của ông muốn Ngân hàng mua được bộ sưu tập này để ông thỏa ước nguyện là nơi chính thức lưu giữ được tên tuổi của mình gắn với công lao sưu tầm, tạo dựng trong nhiều năm mới có được. Và việc bán cho Ngân hàng có thể chỉ với số tiền tượng trưng cho công lao đó.
Nhưng tiếc rằng, cơ may này đã không đến với Ngành Ngân hàng. Phần vì, ngành thiếu chuyên gia có thể hiểu và giám định được bộ sưu tập này, phần vì cái nỗi “cơ chế” tài chính lúc đó rất phức tạp không dễ để giải quyết ngay một vấn đề rất mới như thế đặt ra. Thành thử, khi biết ông có ý định muốn bán, đã có rất nhiều người sẵn lòng muốn mua ngay. Tuy nhiên, việc bán đi lấy tiền thì rất dễ- ông tâm sự, cái tôi quan tâm hơn đó là bán cho ai? Cơ quan nào? Và thấy có lẽ chỉ có Ngân hàng là tốt hơn cả…, vì như thế, tôi nghĩ Việt Nam sẽ sớm có Bảo tàng Tiền.
Cho đến năm 2001, vào dịp kỷ niệm 50 thành lập Ngành Ngân hàng, dù chưa chính thức thành lập được Bảo tàng Tiền Việt Nam, nhưng đây cũng là dịp Ngành Ngân hàng lần đầu tiên cho ra mắt Phòng truyền thống, trong đó có một hệ thống trưng bầy tiền Việt Nam với quy mô tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống trưng bầy này có công đóng góp rất lớn của Giáo sư sử học Đỗ Văn Ninh, người vừa là chuyên gia kiến tạo, vừa là chuyên gia giám định trong suốt thời gian gần một năm từ nguồn thanh lý kho quỹ của toàn hệ thống ngân hàng còn lại.
Việc Ngành Ngân hàng có Phòng Truyền thống để trưng bầy các hệ thống tiền Việt Nam từ thời phong kiến, cho đến tiền thời thuộc Pháp và tất cả các “đồng tiền cách mạng” đến ngày nay là việc làm tri ân đối với mong ước của các thế hệ cán bộ Ngành Ngân hàng và công lao đóng góp của rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm trên khắp cả nước đã cho ý kiến thông qua các Hội thảo chuyên đề về văn hóa tiền tệ, để cùng nhau tạo dựng một cơ sở vật chất ban đầu, tạo tiền đề cho một Bảo tàng Tiền Việt Nam có thể sớm hình thành trong một tương lai gần.
Theo MT
SBV
No comments:
Post a Comment