Friday, July 8, 2011

08/07 GS Phan Huy Lê trở thành Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp

01:47-08/07/2011 
Theo ĐVO và Bee.net.vn

Nhà sử học Phan Huy Lê nhận được thông báo chính thức trở thành Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn, Pháp, hôm 5/7.

Ông là giáo sư ngành khoa học xã hội đầu tiên của Việt Nam được nhận vinh dự này.


Cuộc bầu chọn của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Académie des Inscriptions et Belles-Letres) của Pháp diễn ra trong phiên họp ngày thứ sáu 27/5. Giáo sư Phan Huy Lê được bầu làm Viện sĩ Thông tấn nước ngoài (Membre Correspondant étranger de l’ Académie) vào vị trí ghế bành (fauteuil). Vị trí này trước đây của ngài Francisco Rico (Tây Ban Nha). 



Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn được thành lập từ năm 1663, là một trong những Viện Hàn lâm lâu đời và danh tiếng của Học viện Pháp quốc (Institut de France), chuyên nghiên cứu các lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử và ngữ văn thời cổ đại, trung đại cho đến thời Cổ điển trên không gian lịch sử rộng lớn từ Tây Âu đến Viễn Đông.


Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê (sinh ngày 23/2/1934) là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: từu năm 1990 đến 2010.


Ông sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh Phan Huy Tùng đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu - năm 1913, là Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân: Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.


Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994); giải thưởng nhà nước (năm 2000). Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996).


Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.


Tháng 5/2011, ông được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn - Học viện Pháp quốc.

No comments:

Post a Comment