Tuesday, August 5, 2008

05/08/2008 Bước tiến của công nghệ vũ khí Nga







Xe tăng T90
Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga vượt 6 tỷ USD trong năm 2007
Máy bay là món hàng bán chạy nhất trong thị trường vũ khí và thiết bị quốc phòng trên thế giới, đó là nội dung được cô đọng thành tiêu đề cho bài phỏng vấn với tổng giám đốc Rosobronoexport.

Đây là tập đoàn độc quyền xuất khẩu vũ khí của Nga, mà doanh số năm ngoái vượt quá sáu tỷ USD, và Việt Nam cũng được nhắc đến trong số các khách hàng quan trọng, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Venezuela, Algeria, Iran, Ai Cập, Malaysia, Kazakhstan và Syria.

Bài phỏng vấn được tờ báo Nga, Rossiyskaya Gazeta thực hiện, dịch sang tiếng Anh và đăng trên phụ san được họ mua chỗ từ tờ Daily Telegraph, ra ngày 31.7.2008 vừa rồi.

Xu thế nước Nga đang chiếm lại thị trường vũ khí thế giới được thể hiện rõ trong riêng một trang chuyên đề với hình ảnh máy bay Su-35, xe tăng T-90 và trực thăng Mi-35 đang tập trận.

Năm 2007 chi phí quốc phòng trên thế giới đạt con số kỷ lục, mà nhà cung cấp hàng đầu là Hoa Kỳ, theo sau là Nga rồi đến Đức và Pháp, tổng giám đốc Anatoly Isaikin cho biết.

Theo ông, tập đoàn Rosobronoexport nhận được có đến 20 tỷ USD tổng trị giá đơn hàng, đủ để ngành công nghiệp quốc phòng Nga "bận rộn" trong 5-7 năm tới, "ngành công nghệ cao duy nhất của Nga đủ tiêu chuẩn xuất khẩu của thế giới".
Máy bay vận tải AN-70
Ngành vũ khí Nga suy thoái dưới thời Gorbachev

Phân tích của giới chuyên gia từ tạp chí Russia Profile ghi nhận các ý tưởng về xuất khẩu vũ khí kém phổ biến dưới thời Gorbachev nhưng bắt đầu mạnh trở lại trong thời gian gần đây, khi thấy hiện tượng mà họ coi là Hoa Kỳ rút lui khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí, mở rộng sang các thị trường truyền thống của Nga.

Bài báo trên cùng chuyên trang của chuyên gia Dmitry Babich ghi nhận mốc thay đổi là vào cuối thập niên 1980 đầu 1990, các nhà máy quốc phòng thất bại trong việc chuyển đổi sang thị trường dân dụng.

Nhưng các công ty quốc phòng Nga sau đó đã nhanh chóng tìm khách hàng nước ngoài để giành lại vị trí số hai về cung cấp vũ khí trên thế giới, khi đó thuộc về Anh Quốc.

Nhờ xuất khẩu ồ ạt qua nhiều ngả khác nhau mà các nhà máy vũ khí của Nga vẫn tiếp tục hoạt động bình thường ngay cả khi bộ quốc phòng Nga ngừng đặt mua xe tăng hồi năm 1996.