Tuesday, June 14, 2011

14/06 Mỹ công bố 7.000 trang tài liệu mật về Chiến tranh VN


Thứ Ba, 14/06/2011 - 14:11
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, kể từ ngày 13/6, công chúng có thể tiếp cận tài liệu tối mật của Chính phủ Mỹ về Chiến tranh Việt Nam trên Internet hoặc trực tiếp tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda thuộc bang California, Mỹ.
Lính Mỹ tại cuộc chiến tranh ở Việt Nam
Toàn bộ 7.000 trang của tập tài liệu có tên gọi là "Quan hệ Mỹ-Việt Nam giai đoạn 1945-1967: Nghiên cứu do Bộ Quốc phòng thực hiện" đã được cơ quan Lưu trữ Quốc gia của Mỹ chính thức công bố ngày 13/6, đúng 40 năm sau khi tài liệu này bị rò rỉ. Tài liệu do Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Robert McNamara yêu cầu soạn thảo vào tháng 6/1967 nhằm ghi lại lịch sử cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Một phần tài liệu, còn gọi là "Hồ sơ Lầu Năm Góc," lần đầu tiên được công bố trên nhật báo hàng đầu của Mỹ là tờ Thời báo New York vào năm 1971.

Tài liệu do Daniel Ellsberg, cựu chiến binh thủy quân lục chiến của Mỹ, cung cấp cho báo trên cho thấy chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson khi đó đã bí mật leo thang chiến tranh và nói dối quốc hội cũng như công chúng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Ngay sau khi một phần tài liệu bị tiết lộ, làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam đã nổi lên dữ dội khiến Tổng thống Johnson quyết định không tái tranh cử.

Tuy nhiên, theo ông Ellsberg, nay là nhà phân tích quân sự, ông không trông đợi sẽ tìm thấy tiết lộ nào quan trọng trong tập hồ sơ dày 7.000 trang này vì phần lớn nội dung của tài liệu đã được trình bày tại các cuộc hội thảo của Quốc hội Mỹ hoặc dưới các hình thức khác trong vòng 40 năm qua.

So với bản tài liệu "Hồ sơ Lầu Năm Góc" được Thượng nghị sỹ Mike Gravel của Đảng Dân chủ bang Alaska công bố vào năm 1971 thì bản giải mật lần này có thêm 2.384 trang nhưng lại thiếu nhiều phần so với bản do Ủy ban Quân Lực Hạ viện Mỹ công bố cũng vào năm 1971.

Cũng năm đó, ông Ellsberg không tiết lộ phần liên quan tới các cuộc thương lượng về hòa bình giữa chính quyền Mỹ lúc đó và Hà Nội nhưng phần này đã được giải mật vài năm sau đó.
Theo TTXVN

14/06 Thách thức Biển Đông và "chiếc nỏ thần" Việt Nam

Tác giả: TS VŨ MINH KHƯƠNG (ĐHQG SINGAPORE)

Dân tộc Việt Nam có một vũ khí chiến lược vô song chỉ được dùng đến khi không còn phương cách nào khác. Vũ khí đó có khả năng làm kinh ngạc đối phương và thế giới bằng những nỗ lực phi thường mà trước đó không ai có thể hình dung được.

Những biến động dồn dập gần đây ở Biển Đông với hành động phi đạo lý của Trung Quốc trong xâm phạm chủ quyền của Việt Nam chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khổng lồ chứa đựng không chỉ tham vọng vô đáy của Trung Quốc trong vùng biển xung yếu này mà cả sự đánh giá rất thấp (nếu không nói là coi thường) khả năng ứng xử chiến lược của nhà nước và sức trỗi dậy của dân tộc Việt Nam.
Đây là một nước cờ sâu và táo bạo. Có lẽ những người đi nước cờ này đã trù tính kỹ tới ba phản ứng sau đây của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam sẽ không tiếc tiền, vội vã mua sắm vũ khí, tăng cường phòng thủ. Điều này sẽ làm ngân sách quốc gia kiệt quệ, kinh tế vĩ mô chao đảo, kinh tế suy yếu.
Thứ hai, người dân Việt Nam sẽ rất bức xúc trong khi nhà nước bối rối lo ngại nên tăng cường kiểm soát và kìm chế. Kết quả là, người Việt Nam sẽ mất đi tính sáng suốt của sự đồng lòng; và do đó không còn tâm trí nào cho một nỗ lực cải cách sâu rộng.
Thứ ba, giới doanh nhân Việt Nam sẽ mất đi quyết tâm và nhuệ khí  trong thâm nhập thị trường Trung Quốc, một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong chiến lược phát triển. Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục là nước thua thiệt và yếu kém nhất trong các nước châu Á trong quan hệ thương mại với thị trường khổng lồ và tăng trưởng nhanh chóng này.
Thế nhưng, những người chơi nước cờ sâu và táo bạo nói trên có thể không lường hết sức trỗi dậycủa dân tộc Việt Nam. Dân tộc này có một vũ khí chiến lược vô song chỉ được dùng đến khi không còn phương cách nào khác. Vũ khí đó có khả năng làm kinh ngạc đối phương và thế giới bằng những nỗ lực phi thường mà trước đó không ai có thể hình dung được. Thách thức Biển Đông có lẽ là một vận hội vô giá, nó buộc người Việt Nam chúng ta phải dùng đến chiếc "nỏ thần" kỳ diệu này.
Chúng ta cần hiểu Trung Quốc hơn
Để vượt qua thách thức nghiệt ngã hiện nay, Việt Nam cần hiểu rõ hơn Trung Quốc. Đây là một dân tộc có nền văn hóa lớn, lâu đời, với nhiều thành quả huy hoàng trong quá khứ nhưng đã bị kìm nén nặng nề trong hàng trăm năm qua do chính sách đóng cửa và não trạng mê muội. Từ khi có cải cách do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng họ đã đi được những bước khổng lồ, làm thế giới thán phục, với động lực chủ đạo là ý chí và tham vọng rất lớn, trọng dụng nhân tài, tầm nhìn rộng, và mưu kế sâu sắc. Xu thế này hiện còn rất mạnh mẽ và có thể còn kéo dài.
Đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Chu Thanh Vân.
Việt Nam cũng như nhiều nước khác cần thấu hiểu cục diện này và chuẩn bị thật tốt để có thể sống bên một người láng giềng khổng lồ, hùng mạnh, tham vọng, mưu sâu, và có thể có những hành vi nhẫn tâm trong khẳng định quyền thế nhờ sự trỗi dậy của mình.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần biết rõ những điểm yếu rất dễ tổn thương của Trung Quốc. Thứ nhất, đó là nội tình phức tạp với nhiều yếu tố bất ổn từ trong cốt lõi. Mức độ ổn định chính trị và kiểm soát tham nhũng của Trung Quốc rất thấp so với hầu hết các nước (theo khảo sát thường niên của Ngân hàng Thế giới). Trung quốc sẽ không thể rảnh tay làm mưa gió trên thế giới nếu người dân Trung Quốc thấy chính phủ mình thua kém Việt Nam và các nước láng giềng trong nỗ lực cải cách-phát triển. Khi đó Trung Quốc sẽ phải quay về giải quyết vấn đề nội bộ.
Thứ hai, hình ảnh nhân văn của Trung Quốc trên trường quốc tế còn rất thấp. Từ thực tế châu Phi đến Biển Đông, họ chưa chứng tỏ được mình là một quốc gia có trách nhiệm cao trong  kiến tạo hòa bình và phồn vinh cho thế giới.
Thứ ba, Trung Quốc để lại nhiều ấn tượng chưa đẹp về tính trung thực và sự nhất quán giữa hành động và lời nói, từ chất lượng sản phẩm đến đường lối kinh tế và chính sách ngoại giao.
Một mặt khác, Trung Quốc là một quốc gia có lãnh đạo giỏi, tầm nhìn xa. Trên thực tế, họ rất ngại và kiêng nể các quốc gia có hội đủ ba yếu tố: thượng tôn các qui luật của tạo hóa, trọng dụng nhân tài, và dốc sức khai phát sức mạnh dân tộc. Bởi họ biết dân tộc này sẽ là một quốc gia hùng cường. Hàn Quốc là một trường hợp điển hình. Trong khi đó, họ có thể hành xử rất ngạo mạn với những quốc gia mê muội, giáo điều, hắt hủi hiền tài, phân liệt nhân tâm. Bởi họ biết đất nước này đang ở vào thế suy vi.
Trung Quốc đã qua giai đoạn trỗi dậy hòa bình và bước vào giai đoạn khẳng định uy lực của mình. Họ sẽ không ngại đối đầu trên những điểm mạnh của họ, đặc biệt là về thực lực kinh tế và quân sự. Tuy nhiên họ sẽ phải chùn lại nếu sự đụng độ khoét sâu các điểm yếu nêu trên: ổn định chính trị thấp, hình ảnh nhân văn hạn chế, ấn tượng về hành xử thiếu văn minh và trách nhiệm.
Việt Nam: Chiếc "nỏ thần" và phương cách sử dụng
Từ bài học từ cha ông
Binh pháp cổ có tổng kết rằng, muốn làm nên một chiến thắng hiển hách, cần có khả năng làm kinh ngạc đối phương. Đây là chiếc "nỏ thần" kỳ diệu mà người Việt Nam qua bao thế hệ đã dùng đến mỗi khi đất nước bị lâm nguy hoặc ngoại xâm giày xéo. Ông cha ta đã để lại những bài học quí giá khi dùng đến vũ khí chiến lược này.
Bài học của Đức Trần Hưng Đạo chỉ ra rằng cách bảo vệ tổ quốc tốt nhất là chủ động tiến công vào những yếu kém của chính mình. Theo tư tưởng này, ngài thảo ra hịch tướng sĩ, khích lệ tướng sĩ thấy nỗi nhục quốc gia mà bỏ thói hư tật xấu, quyết chí một lòng, xả thân vì nước.
Ngài chỉ rõ, nếu để mất nước thì: "chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến ngàn năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận."
Và nếu giữ được nước thì: "trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền."
Nguyễn Trãi nêu ra những nguyên lý cao cả để dân tộc vượt lên mọi sự bạo ngược:
"Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo"
(Bình Ngô Đại cáo)
Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ trăn trở tìm kiếm người hiền tài ra giúp nước: "Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà có người tài cao học rộng chưa từng thấy đến... Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình - sức một người không thể đảm đương." (Chiếu cầu hiền)
Đến nỗ lực hôm nay
Sẽ cần những nghiên cứu sâu sắc và thảo luận rộng khắp trong nhân dân để tìm ra đủ phương cách để Việt Nam có thể vượt lên bằng những nỗ lực làm kinh ngạc thế giới, buộc đối phương phải rút về thế phòng thủ - hòa hoãn. Ba hướng đi lớn cho các nỗ lực có thể là:
1- Xác lập ý chí cải cách của lãnh đạo Đảng và Nhà nước;
2- Cả nước trên dưới một lòng toàn tâm toàn ý khai phát sức mạnh tiềm tàng của dân tộc; và
3- Toàn xã hội thành tâm coi giá trị nhân văn và lòng nhân bản làm nền tảng phát triển và hướng đích cho dân tộc đi đến phồn vinh.
Theo hướng đi này chúng ta có quyền đòi hỏi và kỳ vọng một số hành động sau đây.
+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước lắng nghe bàn luận để thấy hết nguy cơ, thậm chí thảm họa mà đất nước nhân dân sẽ phải gánh chịu trong tương lai không xa nếu đất nước tiếp tục tụt hậu, dân tộc phân tâm.
+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quây quần cùng đại diện mọi tầng lớp nhân dân, ngày đêm họp bàn tìm phương kế cải cách, đưa nhanh đất nước đến hùng cường.
+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước có chính sách sử dụng hiền tài, đưa đất nước vượt lên trên mọi lĩnh vực, từ phát triển kinh tế đến củng cố quốc phòng, từ dân chủ hóa đất nước đến xây dựng thiết chế nền tảng cho phát triển bền vững, từ cải cách giáo dục đến nâng cấp tiềm lực khoa học công nghệ, từ hợp tác quốc tế đến gia cường vị thế và hình ảnh Việt Nam.
+ Có những bước đi đột phá táo bạo; đặc biệt là xây dựng một số đặc khu kinh tế nhằm huy động sức mạnh tổng lực của dân tộc, là hình mẫu của Việt Nam năm 2045, với sức đuổi vượt mạnh mẽ làm thế giới khâm phục và kính nể.
+ Mỗi người dân Việt Nam, dù ở đâu hãy tự giác góp phần tạo nên hình ảnh một dân tộc có phẩm chất cao quí: thành tâm trong hợp tác, cầu thị trong học hỏi, ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng. Việt Nam cần trở thành một điểm sáng, có sức tương phản và thu hút mạnh mẽ trong hun đúc những phẩm chất cao quí này.

14/06 Biển Đông vì sao 'dậy sóng'?


Thứ ba, 14/6/2011, 10:39 GMT+7
Khi vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam hôm 26/5 còn chưa lắng dịu, Trung Quốc lại tiếp tục khiến Biển Đông thêm căng thẳng bằng vụ khiêu khích cắt cáp tàu Viking II hôm 9/6, khiến giới chức Mỹ và ASEAN cùng phải lên tiếng.
Sự kiện hôm 9/6 tiếp nối chuỗi các hành vi khiêu khích của các loại tàu Trung Quốc đối với cả Việt Nam và Philippines trên Biển Đông, đẩy tình hình khu vực đột ngột gia tăng căng thẳng trong nửa tháng qua. Sau mỗi vụ gây hấn, Trung Quốc lại vu cáo hai nước ASEAN đã hoạt động trong vùng biển chủ quyền của họ, nhằm đánh lừa dư luận hiểu nhầm về một khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp trên biển.
Giới phân tích nhận định tất cả các hành động xâm phạm chủ quyền rõ ràng của phía Trung Quốc đã được tính toán kỹ lưỡng, nhằm dọn đường cho Bắc Kinh nhảy vào khai thác dầu khí tại Biển Đông, khu vực rộng hơn 2 triệu km vuông được cho là có trữ lượng tài nguyên dồi dào, trong đó dầu mỏ ước tính có đến 17,7 tỷ tấn, đứng thứ tư về trữ lượng trên thế giới.

ASEAN muốn hoà bình

Ngay sau vụ Trung Quốc cắt cáp tàu Viking II của Việt Nam, nước đang giữ quyền chủ tịch ASEAN là Indonesia lên tiếng kêu gọi các bên tại Biển Đông "hạ nhiệt", hành xử bình tĩnh và nhanh chóng đưa ra bộ quy tắc ứng xử có tình ràng buộc để làm cơ sở giải quyết các bất đồng. "Tình trạng gia tăng các sự cố trên ở Biển Đông cho thấy tầm quan trọng của việc Trung Quốc và ASEAN ngay lập tức đưa ra quy định về việc thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC)", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene nói.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh phát biểu tại các hội nghị của ASEAN ở Surabaya, Indonesia, từ ngày 7 đến 10/6, trong đó cũng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ các nỗ lực tăng cường xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Tàu
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ (phải) cùng tàu hộ tống thăm cảng Manila, Philippines tháng trước. Ảnh: AP.
Trong khi đó, tướng tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines Eduardo Oban hôm 9/6 cho biết quân đội nước này đang phòng thủ tích cực sau 6 vụ xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc thời gian gần đây. Ông cho biết Manila cố gắng duy trì hòa bình và tránh nổ súng, nhưng nếu tàu Trung Quốc bắn vào dân Philippines họ sẽ bắn lại.
Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile thì tỏ ra bức xúc hơn khi cho rằng Trung Quốc đang đối xử với Philippines như với "chiếc thảm chùi chân" và cho rằng đây là thái độ của "một nước lớn chống lại nước yếu hơn". Ông Enrile cũng bình luận cách tự vệ tốt nhất để chống lại "hành động bắt nạt" này là Philippines phải phát triển sức mạnh quân sự và kinh tế.
Trong một bước đi khác, chính phủ Philippines thống nhất không sử dụng từ South China Sea cho vùng biển tranh chấp mà dùng từ West Philipines Sea. Giống như Việt Nam từ xưa vẫn gọi là Biển Đông chứ không phải South China Sea. Văn phòng tổng thống Philippines đang bắt đầu sử dụng tên mới này trong các tài liệu chính thức.
Giữa lúc Biển Đông đang diễn biến căng thẳng, Manila thông báo sẽ tập trận hải quân chung với Mỹ vào ngày 28/6 trên vùng biển phía tây Philippines. Tuy nhiên nước này khẳng định đây là hoạt động theo lịch trình từ năm ngoái trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines, không liên quan đến tình hình trên Biển Đông.
Hôm qua, Đài Loan (Trung Quốc), một trong các bên đòi chủ quyền ở Trường Sa, cũng nhảy vào cuộc. Người đứng đầu cơ quan quân sự của hòn đảo này nói đang cân nhắc việc bổ sung khí tài cho đội quân đóng trên các đảo tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc lộ rõ khao khát dầu mỏ

Bằng các vụ thâm nhập sâu vào vùng chủ quyền biển của Việt Nam để phá hoại các tàu thăm dò đang hoạt động tại đây, Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng dầu mỏ ở Biển Đông. Ý đồ này được bộc lộ khi đại sứ Trung Quốc tại Philippines là Lưu Kiến Siêu tổ chức họp báo hôm 10/6, trong đó ngang ngược đòi các nước láng giềng ngừng thăm dò dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.
Đại diện của Bắc Kinh cho rằng các nước muốn tiếp tục thăm dò phải hợp tác với Trung Quốc. "Chúng tôi đang kêu gọi tất cả các bên chấm dứt tìm kiếm khai thác tài nguyên trong khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Đồng thời nếu các nước muốn thăm dò thì có thể bàn với Trung Quốc về khả năng hợp tác cùng phát triển và khai thác tài nguyên thiên nhiên", tờ Inquirer của Philippines dẫn lời ông Lưu trong cuộc họp báo.
Giàn khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc chuẩn bị đưa vào Biển Đông. Ảnh: Shanghai Daily.
Đại sứ Trung Quốc cũng nói rằng nước này chưa khai thác dầu trong khu vực Biển Đông. Nhưng tuyên bố được đưa ra khi Bắc Kinh đã hoàn tất một giàn khoan dầu nổi khổng lồ và sẵn sàng đưa ra Biển Đông vào tháng tới. Báo chí Trung Quốc hôm 27/5 đồng loạt đưa tin và ảnh về việc nước này sẽ đưa vào Biển Đông giàn khoan có tên Dầu khí Hải dương 981, kiểu nửa chìm nửa nổi hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 mét và độ sâu giếng khoan tối đa đạt tới 12.000 mét.
Giàn khoan nói trên của Trung Quốc dài hơn 650 mét, gồm năm tầng cao 136 mét (tương đương tòa nhà 45 tầng). Diện tích boong tương đương sân vận động đúng tiêu chuẩn. Giàn khoan có đầy đủ hệ thống phục vụ cho 160 công nhân làm việc và nghỉ ngơi. Giới truyền thông Trung Quốc ví von đây là "tàu sân bay" dầu khí và khu vực hoạt động khai thác của nó được xác định là Biển Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn thể hiện rằng họ đồng ý khai thác dầu chung với các nước có tranh chấp. Nhưng quan điểm này được giới quan sát bình luận là cách để Trung Quốc lợi dụng khai thác ở nơi thuộc chủ quyền của nước khác. Để thực hiện kế hoạch này, Bắc Kinh thực thi chính sách nói không đi đôi với làm.
Một mặt Trung Quốc liên tục cam kết duy trì hoà bình ở Biển Đông, nhưng mặt khác lại tìm mọi cách gây hấn với các nước láng giềng bằng những vụ xâm phạm chủ quyền, điển hình là hai vụ Trung Quốc cho tàu thâm nhập sâu vào vùng chủ quyền biển 200 hải lý của Việt Nam để tấn công phá hoại hai tàu thăm dò dầu khí là Bình Minh 02 ngày 26/5 và Viking II ngày 9/6.
Nhận định về ý đồ khai thác dầu mỏ tại Biển Đông của Bắc Kinh, giới phân tích cho rằng động thái này nhằm giải cơn khát dầu của Trung Quốc do nhu cầu quá lớn trong nước, trong khi tại các vựa dầu của thế giới như Bắc Phi và Trung Đông liên tục bất ổn đe dọa đến nguồn cung dầu mỏ. Điều này buộc quốc gia đông dân nhất thế giới phải đẩy nhanh chiến lược phát triển dầu mỏ để tìm kiếm các nguồn cung ứng khác và Biển Đông là một lựa chọn.
Tàu hải giám, một trong những phương tiện của Trung Quốc thực hiện các vụ gây rối ở Biển Đông. Ảnh: PVN.

Mỹ lên tiếng về tình hình Biển Đông

Một ngày sau vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking II của Việt Nam hôm 9/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết họ lo ngại vì những căng thẳng trên Biển Đông và kêu gọi một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng tại đây. “Chúng tôi ủng hộ một tiến trình ngoại giao chung và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cả trên đất liền và trên biển, phải tuân theo luật pháp quốc tế", ông Toner nói thêm.
Washington cũng nhấn mạnh việc họ chia sẻ lợi ích trong việc duy trì an ninh hàng hải trong Biển Đông, ủng hộ tự do đi lại, phát triển kinh tế và tuân thủ luật pháp quốc tế. Mỹ cũng nêu rõ việc họ có lợi ích chiến lược rõ ràng trong việc thúc đẩy cách tiếp cận đa phương và hòa bình trong việc giải quyết những bất đồng ở Biển Đông để đảm bảo sự tiếp cận cởi mở cho thương mại và thực thi luật pháp quốc tế.
Diễn biến căng thẳng trên Biển Đông đã thu hút sự chú ý của Washington từ trước đó, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo xung đột có thể xảy ra tại Biển Đông nếu các nước cùng tuyên bố chủ quyền không lập ra được một cơ chế để dàn xếp bất đồng một cách hoà bình. Mối quan tâm của Mỹ tới Biển Đông được cho là sự hiện thực hóa của việc Washington đang chuyển trọng tâm chiến lược sang Đông Nam Á vì tầm quan trọng ngày càng lớn về quân sự, ngoại giao lẫn thương mại của khu vực này.
Không chỉ bày tỏ mối lo ngại, một nghị sĩ Mỹ là Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Thượng viện Mỹ, hôm 13/6 đã đệ trình lên Thượng viện Mỹ một nghị quyết lên án Trung Quốc dùng vũ lực tại Biển Đông và kêu gọi một giải pháp đa phương và hòa bình cho các tranh chấp trên biển tại khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, Mỹ cho triển khai tàu khu trục USS Chung-Hoon tới Tây Thái Bình Dương. Theo đó 280 thủy thủ trên con tàu có trọng tải 9.200 tấn trang bị nhiều tên lửa chống phi cơ, tàu chiến, tàu ngầm và cả tên lửa Tomahawk này sẽ hoạt động hợp tác với các nước đồng minh trong khu vực. Phía Mỹ cũng nói nhiệm vụ của tàu này còn là để "răn đe", thúc đẩy "hòa bình, an ninh" cũng như đảm bảo sẵn sàng cứu trợ nhân đạo.
Bên cạnh đó, báo chí quốc tế cũng đặc biệt quan tâm đến tình hình Biển Đông và ghi nhận việc căng thẳng leo thang tại khu vực này sau các vụ tàu Trung Quốc phá hoại cáp của tàu Việt Nam. Như tờ New York Times cho rằng tình hình hiện nay chứng tỏ cơ chế Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông không có hiệu quả và nhận định nguyên nhân căng thẳng là do Trung Quốc hiện có đủ lực để cố tình gây ra các vụ va chạm với các bên cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Đình Nguyễn

14/06 ベトナム:南シナ海で軍事演習 中国をけん制、緊張高まる

 【バンコク西尾英之】ベトナム海軍は13日、同国沖の南シナ海で実弾を使った軍事演習を実施した。領有を巡り対立する中国を刺激するのは必至で、南シナ海の緊張は一層高まりそうだ。
演習が行われたのはベトナム中部クアンナム省沖約40キロの海域。海軍当局者はAP通信に、大砲などを使った演習で毎年行われる通常のものと説明し、中国との対立とは無関係だと語った。
しかし南シナ海では、西沙諸島や南沙諸島周辺海域の領有を巡り中国とベトナム、フィリピンなどが対立。5月下旬以降、ベトナムの資源探査船と中国の船舶との小競り合いが続いている。ベトナム政府は中国への抗議を繰り返しており、この時期の軍事演習には中国をけん制する狙いがあるとみられる。
中国の南シナ海への進出をけん制したい米国は、ゲーツ国防長官が今月、東南アジア各国と協力して地域への軍事的関与を強める姿勢を示したばかり。しかしベトナムの軍事演習については「力の誇示は緊張を高めるだけ」(国務省のトナー副報道官)と懸念を表明した。
一方、ベトナムの首都ハノイと南部のホーチミン市では12日、5日に続いて再び市民による反中国デモが行われた。社会主義国の同国は市民の政治デモを厳しく取り締まってきたが、反中デモについては事実上容認している模様だ。
毎日新聞 2011年6月14日 東京朝刊

12/06 Phá vỡ cam kết biển Đông, Trung Quốc tự huỷ hoại uy tín


Chủ Nhật, 12/06/2011 - 09:19
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của nền kinh tế, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng hình ảnh là một cường quốc có uy tín và trách nhiệm trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nỗ lực này của Trung Quốc đã bị phá hủy sau một loạt hành động đi ngược lại lời nói gần đây của nước này trên biển Đông. Có câu nói: “Mất tiền bạc là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả”. Trung Quốc dường như đang tự mình đánh mất tất cả. 
Trong suốt nhiều năm qua, người ta liên tục được nghe các quan chức Trung Quốc từ nhỏ đến lớn khẳng định nước này kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, hợp tác với tất cả các nước và không có ý định đe dọa bất kỳ nước nào. Mới đây nhất, tại diễn đàn Đối thoại Shangri - la 10 ở Singapore hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vẫn còn nói đi nói lại những câu “thần chú” quen thuộc về vấn đề biển Đông như: Trung Quốc không bao giờ tìm kiếm vị trí bá chủ hay bành trướng quân sự.... Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định thông qua hợp tác an ninh... Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách thiết lập quan hệ láng giềng tốt, thân thiện... Trung Quốc mong muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại....

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi đưa ra những tuyên bố đầy tốt đẹp nói trên, Trung Quốc đã có hành động đi ngược lại hoàn toàn lời nói của họ. Theo đó, vào lúc 6h sáng 9/6, trong khi tàu Viking 2 do Tập đoàn dầu khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 tại thềm lục địa của Việt Nam thì tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu ViKing II, làm cho tàu ViKing II không thể hoạt động bình thường. Trung Quốc đã cố tình hành động như vậy bất chấp việc phía tàu Việt Nam đã phát pháo báo hiệu cảnh báo.

Vụ việc trên ra ngay sau khi vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam ngày 26/5 vừa qua. Cả hai hành động của tàu Trung Quốc đều hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Khu vực biển Đông đang nằm trong tranh chấp giữa Brunei, Malaysia, Philippine, Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2002, Trung Quốc đã chính thức ký vào bản DOC. Theo đó, các bên trong tranh chấp sẽ “phải kiềm chế trong mọi hành động, tránh làm phức tạp và trầm trọng thêm các cuộc tranh chấp”. Không chỉ ký vào DOC, Bắc Kinh còn từng thề sẽ không dùng vũ lực trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, trên thực tế họ đã phản bội lại lời thề của chính mình.

Điều khiến nhiều người choáng váng là Trung Quốc với tư cách là một cường quốc của thế giới lại ngang nhiên hành động đi ngược lại với lời nói chỉ trong nháy mắt, khi mà mọi người vẫn còn nhớ nguyên từng câu, từng lời của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại diễn đàn an ninh ở Singapore vừa mới đây.

Nhiều người tin rằng, tất cả những hành động ngang ngược gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ là vì nguồn lợi dầu mỏ ở khu vực tranh chấp. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì rõ ràng hành động của Trung Quốc đang khiến họ mất nhiều hơn là được.

Cái mất rõ nhất chính là niềm tin. Cùng với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, Trung Quốc đang muốn đánh bóng hình ảnh để có thể trở thành một cường quốc có tiếng nói và ảnh hưởng trên thế giới. Để làm được điều đó, Trung Quốc phải xây dựng cho mình hình ảnh là một quốc gia có trách nhiệm, có uy tín trên trường quốc tế. Trung Quốc phải trở thành một nước được các nước khác tin tưởng. Tuy nhiên, khi gần đây, Trung Quốc liên tục có hành động trái ngược với lời nói thì người ta bắt đầu hoài nghi về hình ảnh đáng tin cậy và uy tín mà Trung Quốc đang xây dựng. Một tờ báo Nhật Bản đã đăng bài xã luận trong đó có viết: "Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của cộng đồng quốc tế nếu những điều họ nói không giống những gì họ làm". Một nhà hiền triết từng nói “Mất tiền bạc là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả”.

Chưa hết, người ta từng nói “bán anh em xa mua láng giềng gần” để nhấn mạnh tầm quan trọng của những người láng giềng. Một nước có những người bạn láng giềng tốt, thân thiện sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn và ngược lại. Việc Trung Quốc gần đây có nhiều hành động ngang ngược trên biển Đông khiến các nước láng giềng như Việt Nam, Philippine.. tức giận sẽ không có lợi cho sự phát triển của cường quốc Châu Á này.
Theo VnMedia

MỸ ĐIỀU TÀU SÂN BAY TỚI TÂY THÁI BÌNH DƯƠNG




Hàng không mẫu hạm USS George Washington từng có mặt ngoài khơi Đà Nẵng
Tin cho hay hàng không mẫu hạm USS George Washington của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ vừa lên đường tới khu vực Biển Đông.
Báo Mainichi của Nhật Bản đưa tin hàng không mẫu hạm sử dụng năng lượng nguyên tử vừa rời căn cứ Yokosuka ở Nhật để lên đường "tham gia một cuộc tuần tra đa quốc gia tại vùng Tây Thái Bình Dương".
Hiện mới chỉ có một mình nhật báo Mainichi đăng tải thông tin này.
Tờ báo hàng đầu Nhật Bản cho biết thêm rằng sứ vụ của USS George Washington sẽ kéo dài nhiều tháng, bao gồm việc hợp tác với các nước trong khu vực để tuần tra các vùng biển, trong có Biển Đông.
Báo này nói hoạt động của tàu Mỹ diễn ra trong bối cảnh "nhiều quan ngại về hiện diện ngày càng nhiều của tàu hải quân Trung Quốc trong khu vực".
Mainichi dẫn lời chỉ huy hàng không mẫu hạm David Lausman nói trước khi tàu xuất phát rằng cuộc tuần tra chung cùng các đồng minh ở Thái Bình Dương là nhằm mục đích duy trì ổn định trong khu vực.
Ngay cả khi chính phủ Mỹ muốn giữ trung lập về ngoại giao và quân sự, thì Washington vẫn có thể dùng hoạt động của các công ty dầu khí Mỹ để ảnh hưởng một cách kín đáo tới vấn đề Biển Đông.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải của TQ Ngô Sĩ Tồn
Ông Lausman không cung cấp thêm chi tiết hoạt động tuần tra.
Trước đó, Mỹ cũng loan báo việc khu trục hạm USS Chung-hoon tới Tây Thái Bình Dương và tham gia tập trận CARAT với Philippines và một số nước khác.
Hàng không mẫu hạm USS George Washington hồi tháng Tám năm ngoái đã tới thăm Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động hợp tác giữa Hải quân Việt Nam và Hạm đội 7 nhân dịp 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Một nhóm các sỹ quan cao cấp của Việt Nam đã được chở ra thăm chiến hạm khổng lồ này, lúc đó đậu ngoài khơi cách biển Đà Nẵng chừng 200 hải lý.
Hàng không mẫu hạm USS George Washington vừa mới quay lại hoạt động hồi đầu tháng sau khi phải sửa chữa bảo dưỡng vì ảnh hưởng của trận động đất sóng thần tháng Ba tại Nhật.
Ngư ông đắc lợi?
Trong khi đó, Trung Hoa Thông tấn xã, một cơ quan truyền thông thân Bắc Kinh đặt tạiHong Kong có bình luận về vai trò của Hoa Kỳ trong tình hình căng thẳng hiện thời ở khu vực.
Hãng này nhận xét "cách hành xử vô lý của Việt nam và một số nước khác đã khiến tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông trước đây quy mô nhỏ nay đã bùng lên nhanh chóng".
Trung tấn xã dẫn lời một nhà quan sát nói lập trường của Hoa Kỳ trong việc này đã chuyển từ "không liên quan" tới "Liên quan nhưng không tham gia".
Nhà quan sát này nói việc Mỹ đóng vai trò "trung gian thứ ba" thật đáng nghi ngờ và Mỹ có thể sẽ hưởng lợi trong việc xung đột leo thang.
Ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc nói rằng các động thái của Hoa Kỳ và các nước không thuộc châu Á-Thái Bình Dương khác đã khiến tình hình tại Biển Đông đã mong manh lại càng thêm bất ổn.
Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Người phát ngôn VN Nguyễn Phương Nga
Ông Ngô được Trung tấn xã dẫn lời nói: "Chính sách Biển Đông hiện nay của Mỹ trước hết là nhằm kiểm soát Trung Quốc".
"Ngay cả khi chính phủ Mỹ muốn giữ trung lập về ngoại giao và quân sự, thì Washington vẫn có thể dùng hoạt động của các công ty dầu khí Mỹ để ảnh hưởng một cách kín đáo tới vấn đề Biển Đông."
Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố không đứng về phía bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng bảo đảm tự do lưu thông là quyền lợi quốc gia của Mỹ.
Trước tình trạng căng thẳng hiện thời ở khu vực, Mỹ cũng nhanh chóng bày tỏ quan ngại và kêu gọi giải pháp ôn hòa.
Việt Nam tuần trước đã lên tiếng hoan nghênh sự tham gia của các nước ngoài trong tiến trình mà Hà Nội gọi là "duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tại Biển Đông".
Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga nói: "Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông."