Saturday, June 11, 2011

11/06 Việt Nam cần phản đối lên Liên Hiệp Quốc


Thứ Bảy, 11/06/2011, 07:43 (GMT+7)
Vụ “Trung Quốc lại phá cáp khảo sát của Việt Nam”:
Việt Nam cần phản đối lên Liên Hiệp Quốc
TT - Sau sự kiện tàu Bình Minh 02, một mặt Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố một cách hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và ngang ngược rằng hành động của Trung Quốc là “bình thường”, thậm chí là “chính đáng”, một mặt bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tuyên bố những lời hay chữ đẹp tại Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10 (còn gọi là Đối thoại Shangri-La).
Những hành động của Trung Quốc vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Ngay sau những lời hay chữ đẹp đó, các tàu Trung Quốc lại tiến hành cản trở và phá hoại tàu khảo sát địa chấn Viking 2 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Một chính sách có hệ thống
Điều cần nhấn mạnh là hai sự kiện Bình Minh 02 và Viking 2 không phải là những sự kiện đơn lẻ mà là những bước trong một chính sách có hệ thống của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang “cấm đánh cá” trong vùng biển phía bắc 12O Bắc và phía tây 113O Đông. Vùng biển này bao gồm một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của Việt Nam không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Điều đáng chú ý về vùng “cấm đánh cá” này là Trung Quốc đã thiết kế nó sao cho xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước Đông Nam Á nào khác, và không xâm phạm vùng bên ngoài 200 hải lý, nơi cả thế giới có quyền đánh bắt.
Có thể thấy trên bản đồ rằng hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch (được đánh dấu bằng ký hiệu M và H) không liên quan với tranh chấp Trường Sa. Hai vùng này cũng nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Thế nhưng, năm 2007 Trung Quốc đã ép Hãng BP rút ra khỏi hợp tác với Việt Nam trong hai vùng này.
Trước đó, vào năm 1992 Trung Quốc ký hợp đồng khảo sát dầu khí với Công ty Mỹ Crestone trong vùng Tư Chính. Trung Quốc còn tuyên bố rằng sẽ dùng hải quân để yểm trợ việc khảo sát. Khu vực cụ thể của hợp đồng này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chiếu theo luật quốc tế thì vùng Tư Chính không nằm trong tranh chấp Trường Sa.
Những điều trên thể hiện một chính sách có hệ thống của Trung Quốc để mở rộng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa như hỏa mù để ngụy trang cho chủ trương chiếm phần lớn biển Đông.
Có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách gây ra những sự kiện Bình Minh 02 và Viking 2, thậm chí những sự kiện còn nghiêm trọng hơn.
Sự xâm phạm phải bị trả giá
Trước mắt, Việt Nam phải không nhượng bộ về những sự kiện này. Nếu nhượng bộ, các công ty dầu khí nước ngoài sẽ không còn dám hợp tác với Việt Nam, ngay cả các vùng biển của Việt Nam không thuộc tranh chấp cũng sẽ rơi vào tay Trung Quốc.
Về lâu dài, Việt Nam phải xác định và khẳng định ranh giới cho các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khẳng định rằng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể nằm trong các vùng biển đó. Những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bên ngoài vùng tranh chấp đó là một sự bành trướng vô cớ vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Sau khi xác định, Việt Nam phải công bố rộng rãi các ranh giới biển của mình. Tất cả các bản đồ Việt Nam nên thể hiện quan điểm của Việt Nam đâu là ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, đâu là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam nên gửi bản đồ thể hiện quan điểm đó đến các nước trên thế giới và các cơ quan quốc tế. Như vậy để thế giới thấy rõ yêu sách của Việt Nam và yêu sách đó công bằng và phù hợp với luật quốc tế hơn yêu sách của Trung Quốc.
Yêu sách của Trung Quốc đối với 75% diện tích biển Đông là vô lý và Trung Quốc phải ngụy trang cho yêu sách đó bằng sự mù mờ. Việt Nam phải đối trọng điều đó bằng những ranh giới hợp lý và minh bạch.
Trong những trường hợp xâm phạm như sự kiện Bình Minh 02, Viking 2, nếu các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia đều lên án hành vi của Trung Quốc thì tiếng nói chung đó sẽ mạnh mẽ hơn chỉ có Việt Nam lên án.
Trong mỗi trường hợp cụ thể, mọi sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam đều phải trả một giá xứng đáng trong lĩnh vực ngoại giao và hình ảnh của nước xâm phạm trước cộng đồng quốc tế. Nếu nước có hành động xâm phạm không phải trả giá ít nhất là bằng hình ảnh xứng đáng thì họ sẽ tiếp tục xâm phạm, và sự xâm phạm sẽ ngày càng ngang ngược hơn. Để thực hiện điều này, không có cách nào khác hơn là mỗi cơ quan nhà nước có chức năng, mỗi người Việt có khả năng phải tích cực làm cho thế giới thấy rõ “hình ảnh xứng đáng” của Trung Quốc.
Những hành động xâm phạm ngày càng leo thang của Trung Quốc đã chứng minh rằng không thể sống cạnh một nước vừa lớn, vừa muốn bành trướng, bằng cách phản đối song phương mỗi khi họ xâm phạm chúng ta. Đã đến lúc Việt Nam phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc các hành động xâm phạm của Trung Quốc.
Việt Nam có thể đề nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xin ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế. Nếu chúng ta không phản đối lên Liên Hiệp Quốc các hành động xâm phạm của Trung Quốc, thì đến lúc cần sẽ khó thuyết phục Đại hội đồng rằng ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế là cần thiết. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc tất cả các hành động xâm phạm của Trung Quốc.
DƯƠNG DANH HUY (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)
Vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa
Để hiểu sự kiện Bình Minh 02 và sự kiện Viking 2 có thể xem bản đồ. Bờ biển và vị trí các đảo trong bản đồ này được kết hợp từ hai cơ sở dữ liệu World Data Bank II của CIA và World Vector Shoreline của cơ quan bản đồ quốc phòng Mỹ, độ chính xác rất cao.
Sự kiện Bình Minh 02 xảy ra tại điểm X trên bản đồ, tọa độ 12O48‘25‘‘ Bắc, 111O26‘48‘‘ Đông. Sự kiện Viking 2 xảy ra tại điểm Y trên bản đồ, tọa độ 6O47‘30‘‘ Bắc, 109O17‘30‘‘ Đông.
Các chấm tròn là lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Đường màu xám bao quanh hai quần đảo là đường cách đều hai quần đảo này và các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp. Đường màu xanh từ cửa vịnh Bắc bộ ra đến quần đảo Hoàng Sa là đường cách đều Việt Nam - Hải Nam không tính quần đảo Hoàng Sa. Đường màu xanh từ quần đảo Hoàng Sa đi xuống phía nam là đường 200 hải lý tính từ bờ biển đất liền Việt Nam.
Điểm X và điểm Y nằm cách xa các chấm tròn này, chiếu theo luật quốc tế chúng sẽ không nằm trong vùng biển thuộc hai quần đảo này, tức là không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Như vậy, việc tàu Trung Quốc uy hiếp và phá hoại tàu Bình Minh 02 và Viking 2 là những hành vi bành trướng vùng tranh chấp một cách vô cớ ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Các tuyên bố tiếp nối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau sự kiện Bình Minh 02 cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bỏ qua sự công bằng, lẽ phải và luật pháp quốc tế trong việc theo đuổi sự bành trướng đó.
........................................
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh:
Việt Nam phản đối mạnh mẽ những vụ việc gây bất ổn trên biển Đông
TT - Ngày 10-6, phát biểu tại các hội nghị cấp quan chức cao cấp ASEAN, ASEAN+3, cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), trưởng đoàn VN, trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: ngày 26-5-2011, tàu Bình Minh 02 của VN trong khi đang hoạt động hoàn toàn trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN đã bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp.
Tiếp theo, sáng 9-6-2011, một vụ việc tương tự lại xảy ra, tàu Trung Quốc được sự yểm trợ của tàu ngư chính cỡ lớn đã tiến hành các hoạt động phá hoại tuyến cáp thăm dò của tàu Viking 2 đang tiến hành thu nổ địa chấn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa VN.
VN phản đối mạnh mẽ những hành động này. Những vụ việc nêu trên càng làm cho tình hình biển Đông thêm bất ổn định, tìm cách biến khu vực hoàn toàn không có tranh chấp thành “khu vực có tranh chấp”, gây quan ngại không chỉ cho các quốc gia liên quan mà còn cho tất cả các nước cũng như cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực nói chung. VN khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia, kiên quyết yêu cầu không để tái diễn những vụ việc như nêu trên, đồng thời chủ trương tiếp tục đối thoại, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Điều thiết yếu là phải tăng cường hơn nữa các thiết chế luật pháp ở khu vực; tất cả các bên phải nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Đây là điều có ý nghĩa quyết định đối với hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.
H.GIANG - website Bộ Ngoại giao
Tin tặc nước ngoài tấn công trang web Petrotimes.vn
TT - HÀ NỘI - Trang điện tử Petrotimes.vn của báo Năng Lượng Mới đã bị tin tặc tấn công từ chối dịch vụ trong khoảng 30 phút - trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-6, tổng biên tập báo Năng LượngMới Nguyễn Như Phong cho biết như vậy. Theo ông Phong, bộ phận kỹ thuật của báo xác định hướng tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) chủ yếu từ nước ngoài.
Trước đó, khoảng 20g30-21g tối 9-6, trang Petrotimes.vn đã bị tin tặc tấn công. Vào thời điểm này, khi truy cập vào website luôn nhận được các thông báo lỗi không thể truy cập được hoặc báo không có dữ liệu. Đến ngày 10-6, trang web này vẫn còn phải chỉnh sửa nhưng không bị mất dữ liệu, cơ bản đảm bảo thông tin đến bạn đọc.
Trang điện tử Petrotimes.vn của báo Năng Lượng Mới (thuộc Hội Dầu khí VN) là nơi đăng tải bài viết, hình ảnh và clip về việc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2 vào ngày 9-6. Những hình ảnh đăng tải trên Petrotimes.vn cho thấy tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN và cắt cáp của tàu Viking 2, là những bằng chứng sống động về hành vi phá hoại này.
MINH QUANG

11/06 Tàu cá Trung Quốc xông thẳng vào tàu Viking 2


Thứ Bảy, 11/06/2011, 07:39 (GMT+7)
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC):
Tàu cá Trung Quốc xông thẳng vào tàu Viking 2
TT - Đó là phát biểu của ông Nguyễn Hùng Dũng, tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, về vụ tàu Viking 2 bị tàu cá Trung Quốc cố tình cắt cáp. Trong khi đó phía Trung Quốc lại ngang ngược đổ thừa tàu cá của họ bị phía Việt Nam rượt đuổi.
Ông Nguyễn Hùng Dũng (thứ tư từ trái sang) tặng giấy khen cho thủy thủ tàu Bình Minh 02 tại Nha Trang - Ảnh: Phạm Đình Kiên
Chiều 10-6, tại TP Vũng Tàu, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Dũng - tổng giám đốc PTSC - xung quanh sự việc hai tàu khảo sát địa chấn của đơn vị này bị tàu hải giám, tàu cá Trung Quốc cố tình phá hoại, cắt cáp. Ông Dũng cho biết:
- PTSC được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khảo sát địa chấn để tiến hành thăm dò tài nguyên dầu khí, tài nguyên biển trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Đây là dịch vụ truyền thống của PTSC. Nếu công tác khảo sát được tiến hành kỹ, thu thập được nhiều dữ liệu đầu vào sẽ tiết kiệm được chi phí cho công tác khoan thăm dò và đánh giá đúng tiềm năng vùng biển chủ quyền của nước ta.
* Thưa ông, tinh thần làm việc của các nhân viên tại các tàu khảo sát địa chấn trên vùng biển nước ta hiện tại như thế nào?
- Tôi khẳng định ngay tinh thần làm việc của anh em trên tàu cũng như của tổng công ty đang thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền là hoàn toàn vững vàng và bình thường. Bởi anh em làm việc đều có kiến thức về biển, đều biết rõ chủ quyền, quyền tài phán của nước ta đến đâu.
Những địa điểm mà PTSC đã và sẽ khảo sát đều nằm trong phần biển chủ quyền của nước ta theo luật pháp quốc tế. Tôi khẳng định lại, những việc PTSC làm là công việc sản xuất kinh doanh, dịch vụ bình thường, trong vùng chủ quyền của Việt Nam được pháp luật quốc tế công nhận.
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với việc làm đúng đắn của mình, chúng tôi đã và sẽ được Chính phủ, Nhà nước, các cơ quan chức năng bảo vệ và dư luận quốc tế ủng hộ.
* Ông đánh giá thế nào về việc tàu khảo sát địa chấn của PTSC liên tục bị tàu Trung Quốc tấn công gần đây?
- Bên cạnh việc động viên tinh thần, lãnh đạo PVN và PTSC cũng chỉ đạo anh em phải hết sức bình tĩnh, không được manh động trước bất kỳ hành động khiêu khích nào của đối phương. Việc tàu đánh cá số hiệu 62226 của Trung Quốc xâm phạm vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam, xông thẳng vào vị trí tàu Viking 2 đang hoạt động khảo sát là việc làm có chủ đích.
Khi phát hiện tàu 62226 quấy phá tàu Viking 2, các tàu bảo vệ của chúng tôi đã có cảnh báo bằng pháo hiệu, gọi loa... nhưng họ vẫn bất chấp. Điều này cho thấy đây không phải là tàu đánh cá bình thường của ngư dân Trung Quốc.
* Phía Trung Quốc nói rằng do tàu của Việt Nam đuổi tàu cá Trung Quốc nên họ bỏ chạy và làm cáp vướng vào chân vịt. Ông có ý kiến gì về phát ngôn này của Trung Quốc?
- Chúng tôi hoàn toàn phản đối phát ngôn đó. Bởi chúng tôi là đơn vị sản xuất trực tiếp ngoài biển, là người chứng kiến diễn biến sự việc. Cụ thể, tàu khảo sát Viking 2 đang chạy khảo sát theo hướng 900, lúc này tàu cá Trung Quốc chạy theo hướng 1800. Nhưng bất ngờ tàu cá Trung Quốc chuyển hướng sang phải và tăng tốc cắt ngang dây cáp của tàu Viking 2.
* Ông có thể cho biết tình hình hoạt động hiện nay của tàu Bình Minh 02 và Viking 2?
- Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục công việc hoạt động khảo sát bình thường trong vùng biển của đất nước mình. Anh em cán bộ, công nhân viên trên tàu cũng đã quán triệt rõ ràng nhiệm vụ này. Hiện tàu Bình Minh 02 đang làm việc bình thường theo kế hoạch, còn tàu Viking 2 đang gấp rút khắc phục sự cố để tiếp tục công việc.
Chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ khảo sát và thu nổ địa chấn của các tàu Bình Minh 02, Viking 2 không đơn thuần là hoạt động kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị nhằm góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Các hoạt động khảo sát địa chấn và thăm dò dầu khí của PTSC diễn ra hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thuộc chủ quyền của Việt Nam và phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển cũng như các luật quốc tế có liên quan.
Với mục đích và ý nghĩa đúng đắn như trên, lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tất cả hướng về tàu Bình Minh 02, Viking 2 với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thủy thủ, thuyền viên trên tàu yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
* Thưa ông, tàu cá Trung Quốc liên tục quấy phá hoạt động khảo sát của tàu Bình Minh 02, Viking 2, vậy chúng ta cần có những giải pháp gì để hoạt động bình thường này không bị cản trở?
- PTSC chỉ thuần túy là một đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ nên chúng tôi không có trang bị gì ngoài những thiết bị kỹ thuật để làm nhiệm vụ khảo sát. Tuy nhiên, do bị các tàu Trung Quốc liên tục quấy phá nên hiện nay tập đoàn và tổng công ty đã có kế hoạch phối hợp cụ thể, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị chức năng khác để có kế hoạch và phương án bảo vệ phù hợp đối với tàu Bình Minh 02, Viking 2 với quyết tâm không để tái diễn việc cáp của chúng ta bị phá hoại.
ĐÔNG HÀ - MINH LUẬN thực hiện
Trung Quốc đổ thừa tàu Việt Nam tấn công trước
Trả lời về câu hỏi xoay quanh phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc tàu 62226 cùng hai tàu ngư chính 311 và 303 của Trung Quốc phá cáp tàu thăm dò Viking 2 và đã xâm phạm thềm lục địa của Việt Nam, ngày 9-6 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã ngang nhiên cho rằng chính các tàu cá của họ đã bị phía Việt Nam rượt đuổi.
Ông Hồng Lỗi còn ngang nhiên nói rằng vấn đề cần chỉ rõ hiện nay đó chính là Việt Nam đã tiến hành thăm dò dầu khí và truy đuổi tàu cá Trung Quốc một cách phi pháp ở bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, đã xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích biển cũng như chủ quyền của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi còn nói rằng Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội ngưng ngay mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc cũng như không được lặp lại những hành động đe dọa đến an toàn tài sản và tính mạng của ngư dân Trung Quốc, không được lặp lại những hành động làm phức tạp hóa và gây tranh cãi về vấn đề biển Đông.
MỸ LOAN
______________
Một ngày, hơn 30 tàu Trung Quốc quấy rối tàu Viking 2
Theo các báo cáo từ tàu khảo sát địa chấn Viking 2, chỉ riêng trong ngày 8-6 đã có hàng chục tàu cá Trung Quốc quấy rối việc khảo sát của tàu Viking 2. Để bảo vệ việc khảo sát của tàu Viking 2, PTSC G&M đã cử sáu tàu bảo vệ gồm các tàu Vạn Hoa 731, 734, 737, 746 và hai tàu HQ 954 và 621. Dù các tàu bảo vệ đi theo Viking 2 liên tục đẩy đuổi nhưng các tàu Trung Quốc vẫn cố tình xâm lấn vùng khảo sát của Viking 2. Cụ thể như sau:
Tại tọa độ 6048' Bắc - 109017' Đông, tàu Vạn Hoa 737 làm nhiệm vụ bảo vệ trước mũi tàu mẹ (Viking 2) đã đuổi tám tàu cá Trung Quốc không rõ số. Tại tọa độ 6047' Bắc -109019' Đông, tàu Vạn Hoa 746 bảo vệ mạn trái phía trước tàu Viking 2 đã đuổi ba tàu cá Trung Quốc số hiệu 80105, 80115 và 62226 (tàu này sau đó một ngày quay lại cắt cáp tàu Viking 2). Đáng chú ý, tại tọa độ 6047' Bắc-109021' Đông, chỉ trong ngày 8-6 đã có 26 tàu Trung Quốc quấy rối phía trước mũi tàu Viking 2, tất cả đã bị tàu bảo vệ Vạn Hoa 731 đẩy đuổi thành công.
Một lãnh đạo PTSC nói: “Căn cứ hành vi này của tàu 62226, có thể khẳng định rõ ràng họ hoạt động có chủ đích, có nhiệm vụ phá hoại theo những âm mưu, kế hoạch đã được vạch sẵn trước đó”. Các tài liệu Tuổi Trẻ có được cũng cho thấy các hoạt động phá rối của tàu Trung Quốc không phải là tàu đánh bắt hải sản bình thường. Điển hình như tàu cá số hiệu 62226 cắt cáp của tàu Viking 2 lúc 6g ngày 9-6-2011, trước đó đã có hành động phá hoại tàu Viking 2 và đã bị tàu bảo vệ đuổi đi. Cụ thể, vào sáng 8-6, tàu 62226 phá rối phía mạn trái phía trước tàu Viking 2, ngay lúc đó đã bị tàu bảo vệ Vạn Hoa 746 đẩy đuổi. Sáng sớm hôm sau, tàu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 tiếp tục quay lại phá hoại thiết bị của tàu Viking 2.
M.LUẬN - Đ.HÀ
______________
Chủ tịch Hội nghề cá VN Nguyễn Việt Thắng:
Trung Quốc xâm phạm có chủ ý
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-6 về việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển, ngư trường của VN và đặc biệt quấy nhiễu, phá cáp khảo sát của tàu Viking 2 hôm 9-6, ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội Nghề cá VN, khẳng định: “Đây là hành động không thể chấp nhận của phía Trung Quốc. Hội Nghề cá VN kịch liệt phản đối hành động bành trướng này”.
Theo ông Thắng, việc Trung Quốc có lệnh tạm ngừng đánh cá từ ngày 16-5 đến 1-8 mà phạm vi mở rộng cả vào vùng biển VN là hoàn toàn sai trái. Hành động này lặp đi lặp lại nhiều năm nay và phần nào nói lên ý đồ bành trướng, xâm phạm vùng biển chủ quyền của VN. Ông Thắng cho biết không chỉ vụ việc sáng 9-6 với tàu khảo sát Viking 2, trong thời gian cấm biển đã có rất nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển VN. Điều này minh chứng rất rõ cho ý đồ bành trướng của Trung Quốc, khi nói cấm biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng thực tế vẫn có nhiều tàu cá của Trung Quốc hoạt động trên cả vùng biển VN.
Ông Thắng cũng cho biết trong vòng một tháng trở lại đây, Hội Nghề cá VN đã hai lần gửi công văn phản đối các hành động này tới Đại sứ quán Trung Quốc. Công văn gửi đi nhưng hội không hề nhận được phản hồi gì.
Đ.BÌNH
______________
Mục đích của tàu Trung Quốc không phải để đánh cá
Chiều 10-6, ông Cao Xuân Tiều, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định với địa hình đáy biển ở vùng biển tại tọa độ tàu Viking 2 đang khảo sát địa chấn (6O47'30'' Bắc - 109O17'30'' Đông), việc hành nghề lưới kéo ở đây không thể khả thi và hiệu quả. Cụ thể, theo ông Tiều, nền đáy của vùng biển này là đá gan gà và san hô nhiều tầng.
Nhiều ngư dân dày dạn kinh nghiệm, am hiểu biển Đông đang ở Vũng Tàu cũng cho biết vị trí tàu Viking 2 bị quấy rối có độ sâu gần 180m. Ở những vùng lân cận vị trí trên cũng có độ sâu từ 135-180m, nên đây không phải là ngư trường mà ngư dân tìm đến đánh bắt cá. Theo ngư dân Trần Văn Hai, qua hình ảnh tàu cá Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2 được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải có thể khẳng định đây là loại tàu cá đánh lưới kéo đơn, bởi sau đuôi tàu cá có hai cần như cần cẩu.
Đây là loại tàu cá đặc trưng của Trung Quốc. Ông Hai khẳng định với độ sâu và địa hình đáy biển ở khu vực này đánh bắt bằng hình thức lưới kéo (giã cào) là không thể được. Vùng biển ở đây chỉ có thể đánh bắt được bằng hình thức lưới bao hoặc câu. Điều đáng nói, ở những vùng biển có đá gan gà nhiều cũng rất ít cá. Do đó có thể nói mục đích của tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển trên không phải là để đánh cá mà theo ý đồ tính toán từ trước.
ĐÔNG HÀ

11/06 Hành trình Bình Minh - Kỳ 3: Đạp sóng biển Đông


Thứ Bảy, 11/06/2011, 06:55 (GMT+7)
TT - Sau phát nổ địa chấn đầu tiên ở vùng biển mỏ Bạch Hổ, thềm lục địa phía Nam và kỷ niệm để đời với trận cuồng phong sinh tử, TS Trương Minh cùng đồng nghiệp lại lao vào cuộc trường chinh khảo sát địa chấn biển để tìm kiếm tài nguyên cho đất nước thoát khỏi khó khăn.
TS Trương Minh (bìa trái) cùng các đồng nghiệp từng tham gia khảo sát ở thềm lục địa phía Nam - Ảnh tư liệu
Mỗi chuyến ra khơi của họ là thử thách lớn với cả những vấn đề an ninh, nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng vì nhiệm vụ với Tổ quốc, họ vẫn đạp trên sóng gió biển khơi với trái tim can trường của người lính trong trí óc nhà khoa học. Và quân đội cũng hết lòng hỗ trợ để họ hoàn thành sứ mệnh phục vụ đất nước...
Nhà khoa học và những người lính
“Đất nước sau ngày giải phóng 30-4-1975 không chỉ khó khăn, thiếu thốn, mà an ninh còn gặp phải nhiều vấn đề phức tạp, nhất là ở biên giới phía Nam. Nhiều chuyến làm việc của chúng tôi phải có sự hỗ trợ của quân đội” - TS Trương Minh kể thêm thời kỳ đó các nhà khảo sát địa vật lý phía Nam gắn bó rất chặt chẽ với chiến sĩ Quân khu 7, Quân khu 9. Nhiều chuyến khảo sát họ được “quá giang” trực thăng quân đội. Còn lênh đênh trên biển, hải quân cho tàu đi theo hộ tống họ chặt chẽ.
Đến giờ TS Minh vẫn còn nhiều kỷ niệm với trung tá hải quân Nguyễn Phong Vân, sĩ quan đã nhiều lần chỉ huy các đơn vị tàu thuyền đi theo hộ tống đoàn khảo sát địa chấn. Thời điểm này quân Pôn Pốt thường xuyên đánh phá biên giới và nhiều hòn đảo phía Nam. Nếu không có lực lượng vũ trang bảo vệ, các nhà khảo sát sẽ khó làm việc được an toàn.
Những lần đầu làm việc trên vùng biển Phú Quốc, nhiều nhà khảo sát địa chấn ở đồng bằng miền Bắc chưa quen sóng gió nôn thốc nôn tháo. Số ít người chịu được sóng gió phải căng sức choàng gánh công việc. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là sự đánh lén của quân Pôn Pốt. Từ nơi ăn ở đến phương tiện làm việc trên biển, đoàn khảo sát phải nhờ sự giúp đỡ của trung đoàn hải quân 101 đóng trên đảo Phú Quốc. Điều kiện làm việc khó khăn, nguy hiểm và bị thiếu hụt nhân lực do anh em say sóng, nhưng chuyến khảo sát này vẫn thành công.
Hôm đoàn khảo sát chia tay về Vũng Tàu, các chiến sĩ hải quân bịn rịn đãi một bữa hải sản tươi tự cải thiện. Các nhà khảo sát ngỏ lời cảm ơn. Còn hải quân gửi lời chúc thành công để nhanh chóng tìm ra tài nguyên cho đất nước. Lời hứa này được xem như lời thề trách nhiệm với Tổ quốc. Có lần đoàn lên bờ, nghỉ ăn ở tại trụ sở xã Mỹ Đức, Hà Tiên. Họ chưa kịp lắng xúc động với tình cảm nhiệt tình quân dân địa phương thì nghe tin trụ sở này đã bị quân Pôn Pốt đột kích, san phẳng ngay sau khi đoàn khảo sát vừa rời đi. Mọi người phải nuốt nước mắt để tiếp tục làm việc...
Nhiều năm đã trôi qua nhưng TS Minh vẫn không quên những kỷ niệm gắn bó với quân đội. Có chuyến đi khảo sát vùng ven biển Tây, Minh Hải, ông được không quân hỗ trợ cả một chiếc trực thăng UH1A với một trung tá phi công kỳ cựu cầm lái chính và một đại úy lái phụ để đảm bảo an toàn cho các nhà khảo sát. TS Minh nhớ chuyến bay xuất phát từ sáng sớm ở Tân Sơn Nhất bay đến sân bay Trà Nóc, Cần Thơ thì phải hạ cánh để tiếp xăng. Anh em không quân tại đoàn Trà Nóc nhiệt tình ra tận máy bay mời đoàn khảo sát xuống nghỉ ngơi, rồi hướng dẫn đường bay tiếp ra đảo Hòn Khoai.
Lần đầu tiên được trải tầm mắt ngắm nhìn vùng biển phía Nam của Tổ quốc, TS Minh rất xúc động, nhất là khi máy bay hạ cánh được gặp gỡ người dân trên các đảo.
Một đoạn hồi ký của ông đã kể lại kỷ niệm này: “Trực thăng hạ cánh xuống bãi đỗ ngay trên đỉnh của Hòn Khoai, gần trạm Hải Đăng. Ở đây có một gia đình sinh sống trong ngôi nhà cổ để trông coi hải đăng. Họ ở và làm việc tại đây lâu lắm rồi, không nhớ từ bao giờ, con cháu lớn lên thì vào Cà Mau sinh sống làm ăn, còn cháu nhỏ ở với ông bà ngoài đảo. Đảo Hòn Khoai có hình thù giống củ khoai, nhưng người trông coi hải đăng kể ở đây có loại khoai môn to bằng đầu người, vậy nên gọi đảo này là Hòn Khoai. Ông bà chủ đảo đã mời chúng tôi món khoai luộc màu phớt tím rất thơm ngon... Trên đường bay về TP.HCM, phi công còn cho máy bay hạ cánh xuống quê nhà ở Đồng Tháp Mười, được gia đình cho mấy bao gạo trắng để bổ sung các bữa ăn toàn bo bo và sắn khô thời đó...”.
Thời kỳ đất nước còn khó khăn, những người đi làm khảo sát địa chấn phải chịu nhiều thiếu thốn. Các chiến sĩ quân đội đi theo hỗ trợ cũng đồng cảnh. Họ chia sẻ nhau từ con cá khô, bát cơm độn đến cả máy móc, thiết bị làm việc. Có lần các chuyên gia Pháp sang hỗ trợ khảo sát địa chấn ở miền Tây. Họ không chịu đựng được hoàn cảnh sống khó khăn như các đồng nghiệp VN, nhất là cảnh tối om, nóng bức vì không có điện. Đích thân TS Minh là trưởng đoàn khảo sát lúc đó ở khu vực này phải đi “gõ cửa” Quân khu 9 xin mượn máy phát điện. Lãnh đạo Quân khu 9 vui vẻ ký duyệt ngay 10 máy. Đoàn khảo sát mừng như tìm được vàng.
Nụ cười trên biển
Bây giờ ôn lại hành trình khảo sát địa chấn biển, những người trong cuộc tâm sự quá trình này như một cuộc trường chinh đằng đẵng nhiều năm trong vất vả, thiếu thốn, nguy hiểm nhưng cũng thấm đượm tình cảm quân dân. Chính vì vậy, khi tài nguyên dầu khí dưới đáy biển được đưa lên phục vụ Tổ quốc, niềm vui của những người làm công việc khảo sát thầm lặng càng như được nhân đôi, nhân ba thêm hạnh phúc...
Kỹ sư Nguyễn Cường Binh và các đồng nghiệp gắn bó với tàu khảo sát địa chấn Bình Minh đầu tiên của VN vẫn nhớ mãi những chuyến ra khơi nhiều vất vả, nguy hiểm nhưng cũng lắm tự hào. Tàu trang bị hệ thống ghi địa chấn Progress 1, Progress 2 của Liên Xô. Trong lúc đó ở thềm lục địa phía Nam, giai đoạn khoan thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí đã được nhanh chóng triển khai ngay sau nỗ lực của những người đi đầu khảo sát địa chấn biển.
Đất nước bị cấm vận, đang rất khó khăn, những tấn dầu đầu tiên được bơm lên khỏi lòng đất ở mỏ Bạch Hổ trong nửa cuối thập niên 1980 đã phả sinh khí mới vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Lúc đó, kỹ sư Binh vẫn đang lênh đênh trên tàu khảo sát. Các đồng nghiệp của ông cũng đang có mặt khắp vùng biển đất nước. Nhận được tin vui, mọi người vỡ òa hạnh phúc, nhưng ngay sau đó lại tiếp tục hối hả lao vào công cuộc khảo sát, tìm kiếm tài nguyên.
Biển cả vẫn đang vẫy gọi tình yêu và trách nhiệm của những người con nước Việt với Tổ quốc...
QUỐC VIỆT
_____________________
Sau Bình Minh, tàu địa chấn Bình Minh 02 lại tiếp bước ra khơi để không chỉ tìm kiếm tài nguyên, mà còn giương cao ngọn cờ của Tổ quốc trên biển Đông. Hải trình của Bình Minh 02 đầy sóng gió nhưng đầy tràn niềm tin.
Kỳ tới: Tiếp nối Bình Minh