Wednesday, April 27, 2011

Fw: [Exryu-ww-Forum] Phạm Ðình Chương- lời chứng Du Tử Lê

Phạm Ðình Chương
Bi kịch và lòng nhân ái trong ca từ Phạm Ðình Chương (Tiếp theo kỳ trước)
Wednesday, April 27, 2011 5:13:58 PM


Du Tử Lê
(Tiếp theo kỳ trước)
Tôi vẫn nghĩ, đời sống mỗi cá nhân giống như một căn nhà, được xây bằng những viên gạch bất toàn.

Từ trái qua: Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Ðình Chương, Tạ Tỵ. (Hình: Tác giả cung cấp)
Bất toàn tinh thần hay bất toàn thể chất? Bất toàn ở giai đoạn đầu đời, trung niên hay cuối đời? Bất toàn với những cuộc tình, những ước mơ không đạt được...? Tất cả, với tôi đều là bất toàn, một trong những yếu tính mà, làm người dường không ai tránh được!
Riêng với nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, một trong những bức tường ngôi nhà đời sống cá nhân của ông, không được hình thành bằng những viên gạch bất toàn! Oan nghiệt thay, nó được xây dựng bằng những viên gạch thảm kịch trớ trêu. Ðịnh mệnh. Thứ định mệnh tai quái thường dành cho những bậc tài hoa. Như thể đó là tổng số tiền lời tính trên phân lời quá cao mà, cá nhân đó mặc nhiên phải trả cho phần tư hữu mang tên tài hoa hơn người của họ.
Tôi dùng hai chữ "mặc nhiên" bởi tôi cho rằng, họ Phạm không hề muốn "vay," càng không có chủ tâm chiếm hữu một sản nghiệp tinh thần đồ sộ, mang tên âm nhạc!
Tôi vẫn nghĩ, Phạm Ðình Chương đến với âm nhạc, tự nhiên như sự có mặt của ông trong cuộc đời này.
Ở tuổi mười tám tuổi, với lồng ngực thanh niên, náo nức nhựa sống, khi ông hối hả ghi xuống những dòng nhạc đầu tiên của ca khúc "Ra đi khi trời vừa sáng" - Cũng như ở tuổi mới chớm ngoài sáu mươi, khi ông mệt mỏi, buồn bã đứng lên - Ðặt cây bút xuống - Lặng lẽ rời khỏi chiếc dương cầm của mình đặt ở phòng khách, ngôi nhà chung cư đường số 23rd, Westmninster - Lúc ông mỉm cười chia tay nốt nhạc cuối cùng của ca khúc "Quê hương là người đó"(4) - Ðể từ đó, nó bắt đầu sự sống trên đôi chân chính nó - Trước, sau tôi không nghĩ, ông tự nguyện ký giấy vay bất cứ một khoản tiền lớn, nhỏ nào với định mệnh.
Nhưng, định mệnh vẫn tìm ông, để đòi. Nhưng, cay nghiệt vẫn tìm ông để phô diễn tính đố kỵ muôn đời của nó. Ðó là những ngày tháng cuối thập niên (19)50.
Ðó là một chia tay bất ngờ, không thể oan trái hơn, giữa ông và nữ ca sĩ Khánh Ngọc.
Thảm kịch với sức chấn động và, dư chấn dội lại dài lâu từ dư luận, thân, tâm, đã dập tắt mọi tiếng cười. Khóa chặt mọi nẻo đường dẫn tới tiếng hát.
"Thăng Long"' bị chôn sống sau địa chấn.
Nhà văn Mai Thảo kể, rời bỏ đầu tiên khỏi "bản doanh" đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan là Phạm Duy và Thái Hằng. Phần còn lại gồm cả "Bà mẹ Thăng Long" (thân mẫu nhạc sĩ Phạm Ðình Chương), dọn về một ngôi nhà nhỏ ở đường Võ Tánh.
Ðó là thời gian họ Phạm sống những ngày gần như cắt đứt mọi liên hệ xã hội. Ông chỉ tiếp xúc với một số bằng hữu thân thiết, giới hạn.
Vẫn theo lời kể của nhà văn Mai Thảo, đang từ một "tay chơi" một "star," thần tượng của giới trẻ thời đó, Phạm Ðình Chương đã lột xác thành kẻ khác.
Ông thay đổi hoàn toàn. Từ sự không còn một chút để ý quần áo, ăn mặc, tới sự tắt ngấm nụ cười. Ông trở thành một người không chỉ kiệm lời, đôi khi còn bẳn gắt nữa.
Mai Thảo, tác giả tiểu thuyết "Mười đêm ngà ngọc," một truyện dài viết về gia đình Thăng Long, nói:
"Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng... Nhưng số anh em thân, vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của Hoài Bắc. Chúng tôi tìm mọi cách, nghĩ đủ mọi chuyện chỉ với mục đích sao cho bạn vui. Bạn có thể có lại nụ cười..."
Trái với một vài bài viết cho rằng ngay sau đó, họ Phạm đã sáng tác một số ca khúc như "Nửa hồn thương đau" hay "Người đi qua đời tôi," "Khi cuộc tình đã chết"... Như một phản ứng tức khắc với phần số.
Sự thực dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương một thời gian khá dài. Nó như một dấu lặng (bất thường) trong âm nhạc!
Nếu tính từ 1960 tới 1966 thì đó là thời gian họ Phạm viết được một số ca khúc, đến nay vẫn còn được nhiều người yêu thích, như "Mộng dưới hoa" (thơ Ðinh Hùng), "Buồn đêm mưa" (thơ Huy Cận); "Mầu kỷ niệm" (ý thơ Nguyên Sa,); "Mắt buồn" (thơ Lưu Trọng Lư) hay "Mưa Saigon mưa Hà Nội" (viết chung với Hoàng Anh Tuấn), "Xóm đêm" (nhạc và lời Phạm Ðình Chương)...
Sau đấy, ở hai năm kế tiếp là hai ca khúc, họ Phạm phổ hai đoạn thơ trong một bài thơ dài, nhan đề "Bài ngợi ca tình yêu" của Thanh Tâm Tuyền. Hai đoạn thơ trở thành ca khúc đó, là "Bài ngợi ca tình yêu" và "Ðêm mầu hồng." Ông bị chú:
"Vừa viết xong (ca khúc "Ðêm mầu hồng") thì anh em mời cộng tác mở một phòng trà ca nhạc trên đường Tự Do Saigon. Bèn lấy tên bài ca đặt thành phòng trà này." Ðó là năm 1968. (05)
Còn những ca khúc như "Người đi qua đời tôi" (thơ Trần dạ Từ) và "Khi cuộc tình đã chết" (thơ Du Tử Lê) đều được họ Phạm soạn thành ca khúc năm 1969. Và, một năm sau, tức năm 1970, mới là "Nửa hồn thương đau" (nhạc và lời của Phạm Ðình Chương).
Trong tuyển tập "Mộng Dưới Hoa," trang 14, tác giả ghi:
"Viết xong (Nửa hồn thương đau) năm 1970, tại Ðêm Mầu Hồng, đường Tự Do theo yêu cầu của anh Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh Công Ty, để dùng cho cuốn phim Chân Trời Tím do công ty này sản xuất. Ðoạn cuối bài trích ở tác phẩm Lệ Ðá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến." (06)
Khi được hỏi tại sao chỉ còn hai câu chót mà "Nửa hồn thương đau" lại phải mượn nhạc Cung Tiến thì Phạm Ðình Chương cho biết:
"Khi tôi nhận lời viết một nhạc phim cho phim 'Chân trời tím', Quốc Phong chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Thời gian tôi dành cho 'Nửa hồn thương đau' không nhiều lắm. Nhưng khi tới phần 'coda' tức là lúc phải đi ra, kết thúc ca khúc, tôi loay hoay không biết phải viết sao cho hợp với nội dung bản nhạc... Nghĩ thời hạn 'nộp bài' còn xa, tôi cất nó đi. Bất đồ, một buổi tối Quốc Phong ghé lại 'Ðêm mầu hồng' đòi nợ! Bảo, mọi chuyện đã sẵn sàng. Ê kíp quay đã 'bấm máy'. Chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi, tối đa, hai ngày! Ông biết mà, tôi làm gì được với hai ngày phù du đó! May sao, khi ấy, trên nóc chiếc piano của tôi, lại có bài 'Lệ đá xanh' của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi thấy cái coda bài này có vẻ thích hợp với 'Nửa hồn thương đau', thêm nữa, cả hai đều là bạn rất thân; thế là... 'a lê hấp', tôi dùng ngay cái 'coda' đó. Và, tôi có ghi rõ là tôi 'mượn' của Cung Tiến..."
Nhìn lại giai đoạn "hậu địa chấn" bi kịch vùi dập đời riêng của họ Phạm, kể từ cuối thập niên (19)50 tới 1967, những người theo dõi sáng tác của ông trong giai đoạn này, hầu như không tìm thấy một ca từ nào mang tính kết án, nguyền rủa hay, thù oán... Mà trái lại.
Như khi ông phổ nhạc bài thơ "Một mùa đông" của Lưu Trọng Lư - Với tựa mới là "Mắt buồn" thì, ca từ "nặng" nhất trong ca khúc này, cũng chỉ là "Ðôi mắt em lặng buồn / nhìn nhau mà lệ ứa / một ngày một cách xa / một ngày một cách xa..." Hoặc tin tưởng (hy vọng) một cuộc sống bớt "đìu hiu" trong những ngày "sống thêm," như: "Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm / ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm / mong sao cho duyên nghèo mai nắng reo thềm / đẹp kiếp sống thêm / màn đêm tịch liêu / xa nghe ai thoáng ru câu mến trìu / nghe không gian tiếng yêu thương nhiều / hứa cho đời thôi đìu hiu." (Trích "Xóm đêm")
Ngay với ca khúc tựa đề "Người đi qua đời tôi" thì họ Phạm cũng đã chọn câu thơ như một câu hỏi, có thể làm nao lòng người nghe là: "Em đi qua đời anh / không nhớ gì sao em?"
Hoặc ca khúc có nhan đề khá "dữ dằn" là "Khi cuộc tình đã chết" thì họ Phạm cũng chỉ chọn những câu thơ "nặng nề" nhất là: "Khi cuộc tình đã chết / còn mắt nào cho nguôi / đời đã đành chia đôi..." Phản ảnh tinh thần chấp nhận, không than oán. Không trách cứ.
Ngay ca khúc "Nửa hồn thương đau" được dư luận nhắc tới, bàn tán nhiều nhất và, đề quyết rằng, họ Phạm viết ca khúc này nhằm gửi tới người bạn đời đã chia tay trong quá khứ của ông thì, "đỉnh điểm" của ca từ cũng chỉ là những câu hỏi ném ngược về quá khứ. Như một tỏ-tình- với-dĩ-vãng. Một nâng-niu-vết-sẹo-định-mệnh: "Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau / ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau / hay ta còn hẹn nhau kiếp nào? / Anh ở đâu? / Em ở đâu?" (Lời hoàn toàn của Phạm Ðình Chương.)
Tuyệt nhiên, người ta không thể tìm thấy trong ca từ của ông, những gào thét kiểu "Giết người đi! Giết người đi! / Giết người trong mộng đã bội thề / Giết người đi! Giết người đi! / Giết người quên tình nghĩa phu thê..." như ca khúc "giết người trong mộng," thơ Hàn Mặc Tử, nhạc Phạm Duy.
Những ca từ nêu trên, đã cho thấy, đã phản ảnh trung thực tính nhân ái, lòng bao dung, độ lượng của họ Phạm.
Từ góc độ này, có người đã kết luận, nhạc sĩ Phạm Ðình Chương không chỉ lớn lao ở tài năng, mà ông còn lớn lao ở phong cách đối mặt với thảm kịch và, ăn ở với người, với đời nữa.
Du Tử Lê
(Tiếp kỳ tới, Thứ Năm ngày 5 tháng 5-2011: "Thơ phổ nhạc và, tính lương thiện của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương")
Chú thích:
(4) "Quê hương là người đó," thơ Du Tử Lê. Xem thêm tuyển tập "Mộng Dưới Hoa - 20 bài thơ phổ của Phạm Ðình Chương," do Vincent & Company ấn hành tại California, USA, 1990. Tới ngày mất, người ta thấy trên nắp chiếc dương cầm của họ Phạm, một số sáng tác ở dạng dang dở.
(5) Sđd, trang 18.
(6) Sđd.

0o0

Thơ phổ nhạc và tính lương thiện của nhạc sĩ Phạm Đình Chương,
(05/04/2011 06:42 PM) (Xem: 1698)


 

 Du Tử Lê.
Trong một bài viết cách đây khá lâu, tôi đã nhấn mạnh tới một tương tác đẹp đẽ giữa thơ và nhạc; như một gắn bó hữu cơ giữa hai bộ môn này. Nó giúp gia tăng sự giầu có, ý nghĩa và hạnh phúc trong kỷ niệm cho nền tân nhạc miền Nam, 20 năm.
Trong bài viết đó, tôi cũng có viết, đa số các nhạc sĩ của chúng ta, trong đời sáng tác của họ, ít, nhiều, cũng đã có lần tìm đến với thơ, như tìm đến với một người tình lý tưởng - - Dù cho sự tìm đến đó, là thành công hay thất bại! Những người nhạc sĩ đến với thơ này, cũng giống như hầu hết các thi sĩ sớm, hay muộn đã tìm về với Lục Bát (một thể thơ đặc thù của văn học Việt.)
Nhưng, nói như thế, không có nghĩa, tất cả các nhạc sĩ chỉ có một con đường duy nhất đến thơ. Vì thi ca Việt Nam như một cánh rừng già; đồng thời cũng có thể là biển cả hay vực sâu…Cho nên lịch sử thi ca Việt Nam hàng nghìn năm, đã mang đến cho người đọc (trong đó, có nhạc sĩ) những lựa chọn ứng hợp với cảm thức, trình độ thưởng ngoạn hay, mục tiêu nhắm tới của mỗi cá nhân. Có nhạc sĩ tìm đến với thi ca, như một lối thoát cho những bế tắc cảm hứng. Có những nhạc sĩ đến với thi ca, như đến với một người-tình-chung-của-văn-học. Và, dĩ nhiên, cũng có những nhạc sĩ tìm đến với một loại thơ nào đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn dễ dãi hay thị hiếu của đám đông.
Cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương ở trường hợp thứ hai. Trường hợp của những nhạc sĩ tìm đến với thi ca, như sự tìm đến với người-tình-chung- của-văn-học. 
Cụ thể ở những năm giữa thập niên (19)60, khi thơ Thanh Tâm Tuyền còn là một dị ứng lớn với đa số người thưởng ngoạn thì, họ Phạm đã chọn thơ ông để soạn thành ca khúc. (7)
Ông cũng là một trong vài nhạc sĩ đầu tiên, phá vỡ thành kiến cho rằng thơ tự do không thể phổ nhạc được. Chẳng những vì số chữ không đều của mỗi câu thơ mà các nhạc sĩ còn e ngại sự thiếu thi tính(?) của loại thơ đó nữa.
Như ca khúc "Bài ngợi ca tình yêu" của Phạm Đình Chương đã dùng gần hết phân đoạn thứ nhất của bài thơ dài, 4 đoạn của Thanh Tâm Tuyền:
"Tôi chờ đợi lớn lên cùng giông bão / Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai / Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai / Tìm cánh tay nước biển / Con ngựa buồn lửa trốn con ngươi / Đất nước có một lần tôi ghì đau thương trong thân thể / Những giòng sông, những đường cày, núi nhọn / Những biệt ly, những biệt ly rạn nứt lòng đường / Hút chặt mười ngón tay, ngón chân da thịt / Như người yêu, như người yêu từ chối vùng vằng / Những giòng sông, những đường cày, núi nhọn những biệt ly / những biệt ly rạn nứt lòng đường…" (Sđd.) 



Cũng vậy, với ca khúc "Đêm màu hồng," họ Phạm cũng lấy gần như nguyên văn, ¾ của phân đoạn thứ 3, bài thơ Thanh Tâm Tuyền vừa kể trên:
"Em gối đầu sương xuống chuyện trò bằng bóng mình / Em gối đầu sương xuống tôi đẹp bóng hình tôi / Như cuộc đời, như cuộc đời, như mọi người, như chút thôi, như chút thôi / Em là lá biếc, là mây cao, là tiếng hát / Sớm mai khua thức nhiều nhớ thương, nhiều nhớ thương / Em là cánh hoa, là khói sóng / Đêm màu hồng / Vòng tay, vòng tay dĩ vãng / Vòng tay, vòng tay bát ngát / Chốn yên nghỉ cuối cùng / Dưới mắt sao, dưới bàn chân những đứa con…"(Sđd.) 
Ngoài ra, họ Phạm cũng là người đầu tiên có sáng kiến dùng hai bài thơ của một thi sĩ để hoàn tất một ca khúc phổ thơ của thi sĩ ấy. Đó là ca khúc "Đôi mắt người sơn Tây" thơ Quang Dũng.(8) 
Bất cứ ai, nếu đọc kỹ thơ Quang Dũng, sẽ dễ dàng nhận ra rằng, đoạn đầu của ca khúc này là 4 câu thơ của cố thi sĩ Quang Dũng, trích từ bài thơ nhan đề "Đôi bờ":
"Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai / sông xa từng lớp lớp mưa dài  / mắt em xưa có sầu cô quạnh / khi chớm thu về một sớm mai." 

Nhưng ngay sau đoạn "intro.", họ Phạm lại dùng các đoạn thứ 5, 6, 7 và 8 của bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng để viết tiếp và kết thúc ca khúc ấy. Phần tiếp, được họ Phạm bắt đầu với câu "Đôi mắt người Sơn Tây / U uẩn chiều luân lạc…" Và chấm dứt bằng câu "Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ / Còn có bao giờ em nhớ ta."(Sđd.)
Sáng kiến của Phạm Đình Chương sau đấy, đã được một số nhạc sĩ ứng dụng. Thí dụ nhạc sĩ Đăng Khánh qua ca khúc "Lệ buồn nhớ mi" - - Vốn là hai bài thơ khác nhau của Du Tử Lê.
Là tác giả của nhiều ca khúc phổ từ thơ nổi tiếng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương được ghi nhận có biệt tài giữ nguyên lời mà ca sĩ không bị "trẹo" lưỡi khiến người nghe "nhận" được một…chữ khác, như thường xẩy ra nơi một số nhạc sĩ khác. Thí dụ có những chữ như "tình" không "ăn" được với nốt nhạc, ca sĩ có thể sẽ hát thành "tính" hay "tĩnh!" Chữ "sẻ" sẽ biến thành "sẽ" hoặc "sẹ"…Điển hình như trong ca khúc "Mộng dưới hoa" thơ Đinh Hùng, có một chữ rất "đắt" là chữ "lả" trong câu "mắt em lả bóng dừa hoang dại" - - Khi vào nhạc Phạm Đình Chương, ca sĩ không bị "trẹo" lưỡi, hát thành "" hay "lạ." Chỉ một đôi trường hợp đặc biệt lắm, họ Phạm mới buộc phải thay chữ để tránh sự hiểu lầm tai hại nơi người  nghe. Thí dụ khi phổ nhạc bài "Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển," có câu "Vùi đất lạ thịt xương e khó rã…" - - Ông đã đổi thành "Vùi đất lạ thịt xương không tan biến…" Ông nói:
"Nếu giữ nguyên, khi ca sĩ hát, nó sẽ thành 'Vùi đất lạ thịt xương e kho giá…"

Ghi nhận về vị trí hay tương quan giữa cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương với nền thi ca Việt Nam miền Nam,  hai mươi năm, tác giả Nguyễn Việt trong một bài viết được lưu trữ bởi trang mạng Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở), ông viết: "Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội & thơ Hoàng Anh Tuấn), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)."  


Nhưng trên tất cả, theo tôi, vẫn là tinh thần tự trọng đáng ghi nhớ của họ Phạm trong lãnh vực phổ nhạc thơ. Bởi vì, trong sinh hoạt thơ và nhạc của 20 năm nghệ thuật miền Nam, đã có không ít những nhạc sĩ thiếu tự trọng, rơi vào một trong 3 (hoặc cả 3) trường hợp sau đây:
1-Dựa theo ý thơ của một bài thơ nào đó để soạn thành ca khúc, nhưng những nhạc sĩ này cố tình không ghi xuất xứ!
2-Khi trình bày hay giới thiệu một ca khúc vốn là thơ của một nhà thơ nào đó, những nhạc sĩ này có thói quen không bao giờ nhắc tới tên nhà thơ!
3-Lấy nguyên bài thơ của một nhà thơ để soạn thành ca khúc, nhưng khi phổ biến, những nhạc sĩ này không ghi tên nhà thơ. Họ chỉ điều chỉnh, hay "nói lại" khi bị dư luận, báo chí phanh phui!
Tựu trung, đó là những tính thiếu lương thiện hay, những vết mực đen hoen ố, đáng tiếc trong sinh hoạt thơ và nhạc của 20 năm nghệ thuật miền Nam.
Nhưng, cho tới ngày từ trần, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đều không có mặt trong cả 3 trường hợp vừa nêu. Họ Phạm thận trọng và tự trọng tới mức, khi ông chỉ dùng 2 câu thơ của Thanh Tâm Tuyền, ở phần Coda của bài "Nửa hồn thương đau," ông cũng đã ghi "Ý thơ Thanh Tâm Tuyền," ngay dưới tựa đề; chưa kể thêm phần bị chú ở  cuối bài. (Sđd.)
Cũng vậy, ngay dưới nhan đề ca khúc "Màu kỷ niệm," Phạm Đình Chương ghi "Ý thơ Nguyên Sa." Cuối bài, ông lại bị chú thêm:
"Viết trong thập niên 60. Cảm hứng từ thơ Nguyên Sa: 'Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc / áo nàng xanh anh mến lá sân trường / sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương / anh thay mực cho vừa màu áo tím.' Bốn câu thơ trên trích từ bài Tuổi Mười Ba của ông." (Sđd.)
Trong một bài nói chuyện về thơ phổ nhạc, ký giả Lê Văn, nguyên Chủ biên phần Việt ngữ đài VOA kể, năm 1985, trong họp mặt thân hữu ở Hoa Thịnh Đốn, tác giả "Nửa hồn thương đau" khoe với ông rằng:
" 'Moa vừa phổ nhạc được 1 bài thơ của Du Tử Lê. Thú lắm, để moa hát cho mà nghe.' Anh ngồi vào piano, đã định hát nhưng trông thấy Quỳnh Giao có mặt ở đó, anh bèn gọi Quỳnh Giao đến và đưa cho cô bản nhạc chép tay của anh. Quỳnh Giao vốn là cô giáo dạy nhạc nên chỉ nhẩm qua một chút là hát được liền, và cô hát rất hay. Đó là bài "Đêm, Nhớ Trăng Saigon." (9)
Nói cách khác, chẳng những không che dấu mà, còn cho thấy ông rất vui khi phổ nhạc một bài thơ. Nên không bao giờ ông quên nhắc tới tác giả bài thơ mỗi khi giới thiệu, trình bày hoặc in trên giấy!  
Tóm lại, tính lương thiện của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, trong một chừng mực nào đó, đã cho thấy tính văn hóa rất cao của nhạc sĩ miền Nam, mà, ông là một người trong số đó. 
Du Tử Lê,
---------------------------
Chú thích:
(7) Nhà văn, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền tên thật Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1936, tại Vinh, Nghệ An. Ông là thành viên nòng cốt của nhóm Sáng Tạo. Ông từ trần ngày 22 tháng 3 năm 2006, tại thành phố Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, thọ 70 tuổi.
(8) Theo Wikipedia thì nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm. Ông sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội.) Ngoài tài làm thơ, ông còn được biết đến như một họa sĩ và nhạc sĩ nữa. Bị trù dập sau vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm, ông chết âm thầm ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại Hà Nội.
(9) Lê Văn, "Hứng nhạc trong thơ DTL," trang nhà dutule.com (Cột mục "Ghi nhận từ bằng hữu".)  

.
----- Forwarded Message -----
From: Dzung T <dzungthedinh@yahoo.com>
To: """Exryu-ww-Forum@yahoogroups.com""" <Exryu-ww-Forum@yahoogroups.com>; """exryu-ww-vannghe@yahoogroups.com""" <exryu-ww-vannghe@yahoogroups.com>
Sent: Wednesday, October 5, 2011 12:26 PM
Subject: [Exryu-ww-Forum] Phạm Ðình Chương- lời chứng Du Tử Lê
__,_._,___


Friday, April 22, 2011

22/04 TS. ĐINH XUÂN QUÂN: TÌNH TRẠNG KINH TẾ VIỆTNAM NĂM 2009 VÀ DỰ TRÙ CHO TƯƠNG LAI 2010

 
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân
Tiến Sĩ Kinh Tế Đinh Xuân Quân
Tác giả đã làm việc cải tổ kinh tế tại nhiều nước nhằm vào “quy trình đánh giá các dự án đầu tư” (PIP tại nhiều nước);
TS Đinh Xuân Quân tốt nghiệp Tiến Sĩ Kinh Tế hạng Ưu tại Đại Học Sorbonne, Pháp, năm 1974. Trước đó, năm 1972, ông đã lấy MBA tại Hoa Kỳ, đại học Temple, Philadelphia, Pennsylvania. Ông cũng có bằng đặc biệt về International Banking tại Đức (1974), Industrial and Commercial Credit, từ Banque Francaise pour le Commerce Exterieur, Paris, France, 1974.
Trước 1975, ông về Việt Nam phục vụ tại Quỹ Phát Triển. Sau 1975, ông bị bắt đi tù cải tạo. Ông đã cố gắng vượt biên 9 lần. Đến năm 1978 thì ông thành công khi vượt biên lần thứ 9. Ông vượt biên bằng thuyền, đem theo Mẹ và cháu gái, đến Thái Lan, và sang Hoa Kỳ. Ngay khi đến Hoa Kỳ, ông đã bắt đầu đi làm 3 việc để xây dựng lại đời sống trong lúc đóng góp lại cho xã hội. Ông viết nhiều báo và tiếp tay với nhiều hội đoàn Việt để mong hỗ trợ tiếng nói của người Việt tỵ nạn. Năm 1980 – 1981, ông bắt đầu làm việc với USAID trong vai trò Trưởng các dự án phát triển nông nghiệp. Từ 1982 đến 1990, ông làm cho Ngân Hàng Thế Giới trong nhiều chương trình phát triển các nước thứ ba tại Guinea, Tây Phi, Trung Phi (CAR), Kenya, Madagascar, Zaire. Năm 1992, 1994-1997 qua chương trình của UNDP, ông làm cố vấn cho chính quyền Việt Nam để giúp hướng dẫn một số cải tổ về hành chánh, nhân sự, và đầu tư. Từ 2000 đến nay, ông giúp cố vấn cho nhiều chính quyền các nước hậu chiến, đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế và hành chánh, để giúp ổn định tình hình và phát triển khả năng tài chính của các quốc gia này. Ông đã cố vấn cho chính phủ các nước như Iraq, Liberia, Afghanistan, Sudan, Kosovo, Indonesia…
Ngày 2 tháng 5, 2009, Ông tham dự buổi Hội Luận “Hành Trình Tìm Tự Do của người Việt: Nhìn lại câu chuyện Thuyền Nhân” tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, với bài tham luận nói lên câu chuyện hy hữu của đời ông, “Từ Tù Cải Tạo đến Cố Vấn Chính Phủ” [From Prisoner to Advisor] như một tấm gương không ngừng đóng góp cho sự cải tiến đất nước đến mức tốt đẹp hơn.Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân là cố vấn cho Voice of Vietnamese Americans.Theo Ngân Hàng Thế Giới (WB) VN là một “thành công” – tăng trưởng trung bình 7.3% trong thời gian 1995-2005 và tăng trưởng đầu người là 6.2%/năm [1]. GDP/đầu người tăng từ $260/người/năm vào 1995 lên $1,000/người/năm vào 2009. Theo WB [2] từ khi vào WTO năm 2007, VN nay xuất khẩu rất nhiều hàng may mặc, giầy dép, bàn ghế, vv.
Theo bản báo cáo đầu năm 2010 của Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng thì “… Hai năm 2008-2009, nhân dân ta, đất nước ta phải đương đầu và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức gay gắt do những biến động bất thường và trái chiều của kinh tế thế giới, làm nặng nề thêm những yếu kém nội tại của nền kinh tế và làm hạn chế khả năng lựa chọn chính sách ứng phó và phát triển của chúng ta.
…. Tác động tổng hợp của những yếu tố lạm phát, giá lương thực, xăng dầu và giá hầu hết các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh, đẩy mặt bằng giá trên thị trường nội địa lên cao. Mặt khác, chính sách tài chính, tiền tệ được nới lỏng trong nhiều này đã làm chỉ số giá tiêu dùng ở nước ta tăng nhanh lên hai con số, cao hơn một số nước trong khu vực, sản xuất và đời sống gặp nhiều khó khăn, gây lo lắng và phân tâm trong xã hội…”
Nghiên cứu của ĐH Havard [3] ngược lại cho VN còn nhiều yếu kém và tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống nếu không thay đổi “cơ cấu.” Dự báo của EIU cho thấy trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng của VN chỉ có thể duy trì ở mức 5,1% mỗi năm, thay vì ở mức trên 8% như hiện nay. Thực tế ra sao?

I. KINH TẾ VN TRONG NĂM 2009
VN nay đạt mức $1,000/đầu người/năm được xếp vào nhóm các nước có lợi tức hạng trung (> $1,000). Việc gia nhập WTO năm 2007 đã giúp VN tăng cường các quan hệ kinh tế quốc tế. Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp của Việt Kiều còn gọi là Kiều hối gia tăng và khu vực tài chính đã được mở rộng. Năm 2008 & 2009, kinh tế VN đã bước vào một giai đoạn đầy nguy cơ bất ổn vì những dao động của kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng GDP VN
Năm —– GPP/Năm
2006 —– 8.4
2007 —– 8.5
2008 —– 6.1
2009* —– 5.25* – 5.3 **
2010*—– <6*
* Nguồn và dự đoán của IMF ** Theo VN
Tăng trưởng kinh tế của VN bị ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến VN qua việc: 1) Giàm xuất khẩu (giầy dép, may mặc, vv); 2) Giảm đầu tư FDI và kiều hối (giảm 20% ước lượng từ 7.2 tỷ vào 2008 còn 6-6.8 tỷ năm 2009); 3) Giảm viện trợ ODA; và 4) Tiền tiêu du khách sẽ giảm (khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,8 triệu lượt người giảm 11.8%)
VN đã đưa ra một gói “kích thích kinh tế” [4] (các chính sách về tài chính, tiền tệ, miễn, giảm, giãn thuế, hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay sản xuất, kinh doanh, mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ nông nghiệp, các khoản vay của hộ nghèo và đối tượng chính sách..) nhưng những gói này không có hiểu quả cao vì nhằm vào các DNNN và khu vực công. Trong năm 2009 kinh tế VN đang trong tình trạng “nóng” và lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng, thâm hụt ngân sách và thương mại ngày càng lớn, và bong bóng giá bất động sản ngày càng lớn gây them nhiều khó khăn trong tương lai nhất là những yếu kém cơ cấu. Nói tóm tăng trưởng có thấp nhưng cũng không quá bết và gần đây, VN thành công trong việc được hứa USD 8 tỷ viện trợ ODA.

1. Lạm phát
Việc tăng giá dầu và một số hàng trên thế giới là những nguyên nhân dẫn tới việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI = tỷ lệ lạm phát). Nhưng lạm phát tại VN chủ yếu xuất là do cơ cấu của kinh tế VN vì các nước láng giềng TQ, Thái Lan, Malaysia … cũng đều phải chịu sức ép tương tự nhưng lạm phát ở các nước này lại thấp hơn một cách đáng kể so không lên đến hai số như ở VN
CPI (Tỷ lệ lạm phát tại VN)
2007 —– 2008—– 2009—– 2010
12.6—– 28.25—– 17.50—– 10-12*
Nguồn: IMF reports 2009 *ước đoán
Tại sao lạm phát? Nguyên nhân chính của lạm phát là VN nhận quá nhiều vốn [5] từ bên ngoài khoảng 22-23 tỷ USD (tương đương 30% GDP). Do đó Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) tăng cung tiền, tăng tín dụng, và đầu tư khu vực công đều đạt mức kỷ lục với các Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) với hiệu quả thấp. Khi số tiền đổ vào nền kinh tế quá cao, lại không được sử dụng một cách hiệu quả để sản xuất sẽ đi đến tình trạng “quá nhiều tiền nhưng quá ít hàng” và hậu quả dĩ nhiên là “lạm phát.”
Từ 2005 đến 2007, số tiền tăng tổng cộng 135% trong khi đó GDP chỉ tăng 27%. Chiến lược tăng trưởng của VN dựa vào đầu tư (duy trì tỷ lệ đầu tư nội địa cao hơn tỷ lệ tiết kiệm nội địa) đã gây lạm phát.
Tại sao giá đất lại cao và tăng nhanh như vậy? Tác giả này có viết nhiều trong quá khứ và giống phần nào trường hợp của Nhật trong những thập niên 70. Trong nhiều năm, VN đã không giải quyết nhu cầu địa ốc cho nên có tình trạng thiếu thăng bằng giữa “cung- cầu” về địa ốc gây việc giá nhà cao. Mặc dù lợi tức kém hơn nhiều nước láng giềng nhưng giá bât động sản và địa ốc tương đương Nhật hay Mỹ. Đây là bằng chứng về mức độ bong bóng của giá bất giá động sản/dịa ốc ở VN.
Nguồn tiền US$ dồi dào – gói “kích thích kinh tế” – “dễ dãi tín dụng” đã làm tăng nhập khẩu và lạm phát, khiến cho một phần lớn nguồn lực kinh tế bị chuyển sang mục đích “phi sản xuất – đầu cơ.” Các yếu tố này giúp tăng tín dụng đầu tư địa ốc/bất động sản. Tiền do tham nhũng và thất thoát trong đầu tư xây dựng Hạ tầng cơ sở (HTCS) cũng được đầu cơ vào địa ốc. Bong bóng tăng thêm vì các DNNN không cần thế chấp cũng có thể vay NH được – hậu quả là di chuyển nguồn lực từ các lĩnh vực kinh doanh sang hoạt động “đầu cơ bất địa ốc.”
Việc này sẽ gây những rủi ro cho hệ thống tài chính ngân hàng (giống như trường hợp Mỹ & Nhật – ngân hàng thương mại cho các nhà đầu cơ và phát triển vay địa ốc dựa trên tài sản thế chấp với giá đã được thổi phồng. Với những yếu kém hiện nay, hệ thống tài chính VN rất có thể nguy cơ gặp “sóng gió” như bài của GS Kenichi Ohno [6] là một phân tích đúng đắn.
2. Thâm hụt ngân sách – Thâm hụt thương mại – Thiếu sức cạnh tranh
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy là thâm hụt ngân sách 3% được coi là lo ngại, trong khi >5% thì bị coi là đáng “nguy hiểm”. Hiện nay, thâm hụt ngân sách của VN ở mức 8.75% GDP vào 2009. Nếu tính các khoản chi ngoài ngân sách trong mấy năm gần đây thì thâm hụt ngân sách lên tới 20-25% tổng ngân sách, một tỷ lệ quá cao.
Tại sao thâm hụt ngân sách? Đẩu tư khu vực công có hiệu quả kém (vì thất thoát – tham nhũng) là nguyên nhân gây ra lạm phát và việc lãng phi/kém sức cạnh tranh. VN đã phê chuẩn một danh sách các dự án đầu tư công đầy tham vọng từ nay cho tới 2015 với tổng số vốn ước tính lên tới 70 tỷ USD.
Chất lượng kém của “đầu tư trong khu vực công” vì yếu tố thiếu cạnh tranh/thiếu đấu thầu. Báo chí VN cũng đưa tin về những dự án hạ tầng cơ sở (HTCS) bị đội giá … VN phí phạm rất nhiều với một số ví dụ sau đây:
 Trong nhiều trường hợp dự án được lựa chọn không dựa trên các tiêu chuẩn kinh tế – tài chính thích hợp. Ví dụ VN đang cho đầu tư xây dựng 6 cảng theo bờ biển miền Trung (Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đànẵng, và Thừa Thiên-Huế) trong khi đó HTCS ở Saigon, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa–Vũng Tàu, nơi có 60% lượng gia tăng dân số và lao động của cả nước, đang bị quá tải một cách trầm trọng nhưng không được đầu tư. Về mặt kinh tế không có lý do chính đáng để đầu tư vào các cảng nhỏ này vì chỉ có cảng Saigon có hy vọng quốc tế nằm trong các luồng vận tải hàng hải thế giới.
 Dự án đầu tư 33 tỷ đô-la cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam quá sớm – sẽ đóng góp không đáng kể trong thời gian này cho tăng trưởng kinh tế, trong khi gia tăng gánh nặng nợ cho quốc gia và giảm cơ hội đầu tư cho các dự án khác cấp thiết hơn nhiều.
 Dự án đầu tư cho nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được trù tính từ 1990 và năm 2009 vẫn chưa sản xuất và chi phí đã nhân gấp 5 lần so với dự tính lúc đầu $550 triệu (công suất 6,5 triệu tấn mỗi năm/148 ngàn thùng mỗi ngày.) Theo Petro Vietnam thì 2010, Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu số 2 tại Nghi Sơn – Thanh Hóa (tại sao?) và nhà máy lọc dầu số 3 tại Long Sơn – Bà Rịa – Vũng Tàu với công suất khoảng 10 triệu tấn mỗi năm.
 Dự án đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân ở thời điểm hiện nay là quá sớm. QH đã thông qua đề án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mặc dù không có thông tin đầy đủ. Hai nhà máy điện hạt nhân với tổng sản lượng 4,000 megawatts, đặt tại tỉnh Ninh Thuận được dự trù tốn khoảng $11.2 tỉ USD theo thời giá hối suất hiện nay). Theo tính toán của ông Phùng Liên Ðoàn, một chuyên gia quốc tế về điện hạt nhân thì từ khi bắt đầu xây dựng năm 2014 đến khi hoàn thành năm 2020 (như dự trù), tốn phí sẽ lên khoảng $35 tỉ USD [7].
 Những chương trình như “Một triệu tấn đường” hay “đánh bắt cá xa bờ” và phong trào xây dựng các khu công nghiệp, và mới đây là “khu kinh tế trên thực tế” là không đem lại nhiều lợi ích cho người dân ở các khu vực nông thôn.
Thâm hụt ngân sách cao – là do các đầu tư khu vực công, và nếu tiếp tục thì sẽ có nguy cơ lạm phát và thâm hụt thương mại. Hiện nay đều tư công chiếm khoảng 18% GDP và 45% tổng đầu tư toàn xã hội và có còn thể cao hơn nhiều. Qua việc này những “người hay nhóm có thế lực chính trị” thường lợi dụng các dự án đầu tư công để trục lợi cá nhân và trở nên giàu có một cách bất chính.
Theo bảng 1 VN và Malaysia là 2 nước sử dụng đầu tư kém nhất. Việc sử dụng vốn một cách yếu kém sẽ ảnh hưởng đến tương lai và tính cách cạnh tranh của kinh tế VN.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy là thâm hụt thương mại 5-10% được coi là đáng lo ngại trong khi VN thâm hụt thương mại khoảng 16% GDP. Mức thâm hụt hiện nay coi là đáng nguy hiểm. Nếu không có vốn đầu tư, kiều hối và viện trợ nước ngoài đổ vào ồ ạt trong mấy năm nay thì tình trạng thâm hụt ngân sách và thương mại ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Tại sao thâm hụt thương mại? Sự phụ thuộc vào FDI (Foreign Direct Investment) – ngoải việc nhập khẩu các hàng xa xỉ – là một yếu tố thâm hụt. Các Doanh nghiệp (DN) FDI nhằm xuất khẩu như các DN giầy dép nhập khẩu máy khâu, nguyên liệu để sản xuất và xuât khẩu. DN điện nhập khẩu các linh kiện để láp ráp. Việc gia công, gây việc làm nhưng mang hiệu quả và giá trị gia tăng thấp. Hiện nay trị giá gia tăng hàng nội địa trong xuất khẩu chưa quá 40%. Đây là khu vực VN cần cố gắng.

Tỷ lệ thâm hụt thương mại VN/GDP
2007 —– 2008 —– 2009*
-9.75 —– -10.25 —– -16%*
Nguồn: IMF reports 2009
Mặc dù được nhiều vốn từ bên ngoài (kể cả kiều hối) so với các nước á châu khác, cách sử dụng vốn vay nước ngoài cho thấy VN sử dụng quá kém, không có sức cạnh tranh. Tỷ lệ ICOR (Incremental capital output ratio – tỷ lệ số vốn đầu tư và sản xuất) cho thấy VN chưa sử dụng tốt vốn đầu tư.
Bảng 1: Hiệu quả đầu tư
VN xuất khẩu gạo, café, cao su, hạt tiêu, đồ biển, vv và sản phẩm công nghiệp nhẹ như quần áo, giầy dép, trang trí nội thất. Việc này do các doanh nghiêp cỡ nhỏ vá DN nước ngoài trong khi các DNNN chỉ xuất dầu khí là chính. Khu vực DNNN không tạo ra nhiêu việc làm, nhưng chiêm gân một nửa trị giá đầu tư doanh nghiệp.
II. NHỮNG YẾU KÉM CỦA VN – TƯƠNG LAI
Những yếu kém trong năm 2009 chính là: lạm phát, quy trình xét các dự án đầu tư công để giảm phung phí, thiếu hiệu năng cạnh tranh.
Những nghiên cứu kinh tế phân tích tại sao một số nước á châu thành công được tóm trong cuốn “The Asian Miracle.” Một số chuyên gia cho là tính “thân thiện với thị trường” của các chính sách kinh tế của các nước á châu này trong khi một số chuyên gia khác tập trung vào vai trò can thiệp của nhà nước trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa. Hai nhóm đều đồng ý vào một số yếu tố thành công gồm: Giáo dục; Cơ sở hạ tầng; Doanh nghiệp và cạnh tranh quốc tế; Hệ thống tài chính; Hiệu năng của Nhà nước; và Công bằng xã hội
Nghiên cứu Havard [8] đã cập nhật hóa những bài học thành công để chỉ hướng đi cho VN trong tương lai.
1. Giáo dục
Hệ thống giáo dục VN đang khủng hoảng. Năm 2000, tỷ lệ lao động có bằng đại học chỉ chiếm 2% trong khi tỷ lệ này là 5% ở TQ và 8% ở Ấn Độ. Vào năm 2005, tỷ lệ sinh viên đỗ đại học là 16%, trong khi con số này ở TQ và Indonesia là 17%-19%, và 43% tại Tháilan. Mặc dù số lượng sinh viên đại học đã tăng nhưng những hạn chế về lượng và chất của các trường đại học VN cho thấy chưa đúng tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ các giảng viên các trường đại học VN có rất ít bài đăng trên các tạp chí quốc tế [9].
Tuy số sinh viên ra trường ít, phân nửa sinh viên ra trường không được làm đúng ngành đào tạo. Ví dụ hãng Intel cần mướn trên 2,000 chuyên viên thì họ chỉ tìm được dưới 50 người vì không tìm được nhân sự có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và ngoại ngữ. Hậu quả mỗi năm VN (chính phủ, tổ chức, và cá nhân) chi khoảng 1 tỷ đôla cho việc du học.
Cơ cấu quản trị theo kiểu XHCN (cách tuyển dụng, đãi ngộ, đề bạt), đổ tiền vào giáo dục không giải quyết được những vấn đề cơ bản của nền giáo dục VN để phù hợp với nhu cầu của thị trường trừ khi có thay đổ cơ cấu và GS. Hoàng Tuỵ đã lập luận một cách thuyết phục [10] về vấn đề này.
TQ khuyến khích các trường ĐH xâm nhập thị trường chất xám trong khi ngược lại VN chưa sẵn sàng mà lại còn “săn lung” các người yêu cầu “cải cách” hay đóng cửa các phương tiện truyền bá tư tưởng (trường hớp web Tia Sáng). Tình trạng khủng hoảng trong giáo dục đại học là một trở ngại cơ bản cho sự việc phát triển của VN trong tương lai.
2. Hạ tầng cơ sở (HTCS)
Xây dựng HTCS là cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế trong đó có điên và một số HTCS khác. Nếu thiếu điện, hay nếu giá điện quá cao thì tăng trưởng kinh tế sẽ bị chậm trễ. Hiện nay chính sách năng lượng của VN có nhiều sai lầm.
Việc “Công ty điện EVN” đầu tư quá nhiều vào thủy điện đã gây tình trạng thiếu điện trong mùa khô chưa kể gây “tai hại” trong mùa mưa vì xả nước của các đập như trường hợp Bình Định vài tháng trước. Việc đầu tư vào “điện hạt nhân” là một ví dụ khác là đi quá sớm. Các DNNN trong đó có EVN chỉ hoạt động tốt nhất nếu tập trung vào nhiệm vụ chính (làm ra điện) và thực hiện nhiệm vụ này. Là một Tổng Công ty (TCT) EVN bị phân tán bởi các hoạt động kinh doanh ngoại vi (địa ốc hay gây dựng ngân hang). Muốn giúp tình trạng thiếu điện cần khuyến khích đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực này.
Các dự án đầu tư HTCS còn bị phung phí hoặc là vì đối tượng của “tham nhũng” và của lãng phí. Trong khi nguồn lực bị phung phí vào các dự án ít lợi kinh tế, HTCS đô thị tại miền Nam lại ít được đầu tư và sẽ mang đến tình trạng suy giảm hoạt động kinh tế của các tỉnh miền Nam.
VN đang lãng phí rất nhiều tiền của vào các mục đầu tư công kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là quyết định đầu tư công (của chính quyền địa phương và các bộ ngành chủ quản và chịu ảnh hưởng của các nhóm lợi ích) không được đánh giá một cách thực sự khách quan. Một Hội đồng thẩm định dự án sẽ này sau đó cần được công bố một cách công khai.[11]
3. Doanh nghiệp – Cạnh tranh quốc tế – Tài chính
Từ 1994, VN đã tập hợp các DNNN để hình thành các tổng công ty (TCT). Mô hình của các TCT là “mô hình keiretsu” của Nhật Bản (như Mitsubishi, Mitsui v.v.) và mô hình chaebol của Nam Hàn (như Samsung, Daewoo, Kumho v.v.). Điều khác biệt quan trọng giữa các chaebol hay keiretsu với các TCT là tính cạnh tranh quốc tế.
Hiện nay kinh tế VN có vẻ càng bị thống trị bởi các tập đoàn kinh tế nhà nước. TCT như Petro Việt Nam, Vinashin, và EVN đang thành lập hay kiểm soát ở một số ngân hàng để mở rộng lãnh địa của mình [12] nhưng việc xếp hạng năng lực cạnh tranh của “Diễn đàn Kinh tế Thế giới,” cho thấy VN còn thua hầu hết các láng giềng Đông Á và Đông Nam Á.
Vì yếu kém trong quản lý vĩ mô về tái chính, khu vực ngân hàng sẽ dễ bị liên lụy vì cơ cấu các DNNN. Cách làm việc các ngân hang công sẽ ảnh hưởng xấu đến các ngân hang cô phần hay tư.
4. Hệ thống tài chính
Sự lúng túng của VN trong việc đối phó với lạm phát trong năm 2008 và khủng hoảng toàn cầu năm 2009 chứng tỏ việc quản lý kinh tế vĩ mô có “vấn đề” và VN thiếu nơi có thể thảo luận, phân tích các chính sách kinh tế tài chính (trong khi nhóm IDS phải tự giải tán).
Hệ thống tài chính nối giữa tiết kiệm và đầu tư. Thị trường tài chính (thị trường vốn + thị trường tiền tệ), tùy thuộc rất nhiều vào niềm tin, vào sự minh bạch và đầy đủ về thông tin, và vì những lý do đó chính phủ phải đóng một vai trò then chốt trong việc điều tiết thị trường để giảm thiểu những rủi ro có tính hệ thống. Vì kinh nghiệm xấu hồi “khủng hoảng tài chính á châu” các chính phủ Đài Loan và Nam Hàn cấm các tập đoàn công nghiệp mở ngân hàng, chống lại việc sáp nhập các thế lực tài chính và công nghiệp. Tại VN hiện việc này chưa có.
5. Hiệu năng của Nhà nước
Kinh nghiệm các “con hổ” Á châu cho thấy họ thành công vì:
 Có sự cách biệt giữa các chính sách phát triển và nhóm lợi ích đặc biệt;
 Các chính phủ xây dựng HTCS kinh tế, đầu tư thích đáng cho giáo dục, y tế, và an ninh công cộng và kinh tế vĩ mô được điều hành bởi những “Professionals – nhà chuyên môn” với mục tiêu phát triển đất nước.
 Tôn trọng pháp luật, và việc độc lập của hệ thống tư pháp – không bị chi phối bởi các thế lực chính trị hay đảng phái. Nó gây một môi trường tốt cho kinh tế và đầu tư và đề cao việc chống tham nhũng.
 Các quyết định được dựa trên những phân tích chính sách có chất lượng, trong suốt và kịp thời. Có tranh luận trong và ngoài chính phủ về nội dung và đường hướng của chính sách kinh tế. Nhờ vậy tham những ở mức thấp.
Tại VN sự cấu kết giữa “đảng và nhà nước” trong các đầu tư công có hiệu quả là “hiệu năng nhà nước” thấp, dìm khu vực tư và gây tham nhũng.
Việc này đi đôi với việc sử dụng hiểu quả vốn vay nước ngoài và các định chế QT và hơn nửa VN ngày cải phải vay tiền với mức lãi suất cao hơn (tiền Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) với thời hạn vay 25 năm, ân hạn 10 năm và lãi suất áp dụng là Libor (6 tháng) và chi phí quản lý 0,25% tổng số tiền vay).
Trong Bản 1 tỷ lệ ICOR cho thấy VN còn kém trong hiễu năng cạnh tranh. Trong việc này, VN có thể vay các định chế quốc tế để giúp khu vực tư có thêm đầu tư và mở cửa cho cạnh tranh là cần thiết. Việc này sẽ tăng gia hiệu năng cạnh tranh.
6. Công bằng
VN có tiến bộ nhưng vẫn chưa có một mức sống “chấp nhận được” theo tiêu chuẩn quốc tế. Muốn có ổn định xã hội thì VN sẽ phải đảm bảo cho số 30% dân nghèo nhất nước về các lĩnh vực giáo dục, y tế, và lưới an sinh xã hội.
Y tế có ảnh hưởng quan trọng mà nay người dân phải gánh chịu một tỷ lệ chi phí y tế cao vì hệ thống y tế ở xã và huyện còn kém. Nhiều người không nhận được những chăm sóc y tế sơ đẳng. [13]
Việc bất bình đẳng ngày càng gia tăng tại VN và bằng chứng là tỷ số Gini của VN là 0,41 [14]. Ngoài ra VN cũng nên bỏ chế độ hộ khẩu vì nó đã trở thành một công cụ “hành dân” và từ chối quyền tiếp cận dịch vụ công chính đáng của người nhập cư
Việt Nam: Trì Trệ Kinh Tế năm 2009 và Dự Đoán cho 2010.
Vào đầu năm nay, báo Wall Street Journal, ấn bản Á Châu, báo cáo sự quan ngại của các công ty về việc Việt Nam ngày càng gia tăng sự chế tài trong việc kinh doanh, trong khi đất nước gồng mình gánh sự suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng, và tiền tệ bị phá giá nặng nề. Từ thập niên 1990, sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã tạo nhiều ngưỡng mộ cho các quốc gia đang phát triển trong vùng Đông Nam Á. Ngân Hàng Thế Giới đã gọi Việt Nam là một câu chuyện thành công với GDP trung bình là 7.3% trong khoảng 1995 – 2005 và 6.2% GDP hàng năm cho mỗi đầu người [1]. tăng từ $260/ người trong năm 1995 đến $1000/ người năm 2009. Hiện nay, GDP đã giảm xuống còn 5.3% năm 2009, với lạm phát cao và có thể bị vấn đề bong bóng trong thị trường nhà cửa.. Năm 2009 đã là năm có nhiều chao đảo cho Việt Nam.:
Việt Nam sa lầy sâu hơn dưới con mắt của các nhà quan sát chính trị:
Năm 2009, Việt Nam chặn Facebook và Twitter không cho vào Việt Nam, đồng thời bắt giam một số nhà hoạt động dân chủ. Nhiều người tranh đấu này sẽ phải ra trước một tòa án do Đảng Cộng Sản giật dây.
Việc tự giải thể của nhóm IDS, một “think tank”, nhóm nghiên cứu gồm nhiều đảng viên từng thân thiết với chính quyền, là một dấu hiệu khác cho thấy sự bất ổn của giới trí thức Việt Nam trong nước. Việc IDS giải thể là một khúc rẽ cho các nhà trí thức Việt Nam đang hoạt động cho các mạng điện tử đẩy mạnh sự cổ vũ cho nhiều chương trình kinh tế tại Việt Nam như www.bausitevietnam.info , đề nghị Việt Nam có thái độ “độc lập” hơn với đàn anh Trung Cộng. Những người này đã bị công an nhà nước triệu tậ p và làm khó dễ, đòi họ phải “giải thích và bào chữa” cho thế đứng của họ, trong lúc các trang điện tử của họ bị tin tặc tấn công và làm cho phải đóng cửa. Chiến thuật mạnh tay này làm các nhà quan sát liên tưởng đến sự tranh đấu dai dẳng giữa Google và chính quyền Trung Cộng.
Đám Mây Đen đe dọa các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam đã cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang sợ hãi, mất bình tĩnh, và không cởi mở như trước nữa. Chủ Tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết mới đây đã thăm Đức Giáo Hoàng tại Vatican, nhưng các tin xấu liên tiếp xảy ra giữa các chính quyền cộng sản địa phuong và các giáo dân về việc nhà nước ngang nhiên chiếm đất thánh, gồm cả việc hạ thánh giá gần thánh địa ở Đồng Chiêm (gần Hà Nội) cho thấy Việt Nam đang sử dụng chiến thuật mạnh tay.
Việc Chùa Bát Nhã với gần 400 nhà tu hành bị trấn áp bởi du đãng và nhà nước để phải bỏ chùa ra đi cho thấy sự đàn áp tôn giáo ngày càng gia tăng. Thiền Sư Nhất Hạnh cáo buộc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã thuê du đãng tấn công thiền viện, nhưng chính quyền bác bỏ việc liên quan tới chuyện bắt đệ tử của Thầy Nhất Hạnh phải rời tu viện. Các điều này không thể nào trấn an được các quan sát viên.
Doanh nghiệp Việt Nam đối đầu nhiều thách thức. Biện Pháp Mạnh của Chính quyền?
Câu chuyện mới nhất về kinh doanh tại Việt Nam có liên hệ đến hai vị Giám Đốc Điều Hành người Úc, và việc bắt giam Cựu Tổng Giám Đốc Jestar Pacific Lương Hoài Nam vì tội : “Thiếu tinh thần trách nhiệm tạo nhiều thất thoát đáng kể”, sẽ làm các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại khi muốn kinh doanh với Việt Nam. Hai vị lãnh đạo của Jestar Pacific và Qantas’ tại Việt Nam bị cấm không được rời Việt Nam, và không được về thăm nhà trong dịp Giáng Sinh vừa qua. Năm 2009, một cuộc điều tra về tổ chức Jestar Pacific – một tổ chức Việt Úc – báo cáo thất thu $31 triệu Mỹ kim vì tiên đoán lầm giá xăng dầu.
Chính quyền Việt Nam cấm hai vị Giám Đốc này ra khỏi nước vì “theo sự đòi hỏi của pháp luật.” Việt Nam có một số luật nghiêm khắc trong sách vở về việc làm thất thoát tài nguyên quốc gia vì quản trị sai lầm, và có thể kết tội trước pháp luật vì hậu quả rủi ro của doanh nghiệp. Trường hợp Jetstar cũng không phải là một ngoại lệ. Các nhà phân tích lo ngại rằng việc lưu giữ hai nhân vật cao cấp và bắt ông Nam của Jetstar về tội làm thất thu vì xăng nhớt – một chuyện tương đối bình thường trong nghề – cho thấy việc đi lùi của nỗ lực cải tổ kinh tế . Với việc lạm phát tăng nhanh và khủng hoảng tài chánh toàn cầu ảnh hưởng lớn đến sự xuất cảng quan trọng của đất nước, có người cho rằng chính quyền phản ứng bằng cách giảm bớt tự do kinh tế và tự do cá nhân. Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam bắt nhân viên của hãng ngoại quốc sau khi thua lỗ và dùng chiến thuật mạnh để lấy lại tiền. Năm 2006, chính quyền Việt Nam bắt 4 nhân viên của ABN AMRO, một nhà băng Đức , với tội lường gạt khi Việt Nam bị thua lỗ trong hợp đồng về tiền tệ. Để chấm dứt việc cãi vã, ngân hàng Đức đã trả Việt Nam $4.5 triệu Mỹ kim cho một ngân hàng nhà nước của Việt Nam.
Tuy Việt Nam đã chế tài một số quyền tự do, Việt Nam đã hứa vào tháng 11 là họ sẽ cho phép người nước ngoài làm chủ 49% doanh nghiệp địa phương, tăng lên nhiều so với 30% . Khi Đảng Cộng Sản Việt Nam khuyến khích phát triển kinh tế nhưng vẫn không từ bỏ sự độc quyền, độc tài, thì họ chỉ tạo thêm nhiều va chạm với các bạn hàng thế giới.
Kỳ Vong gì vào năm 2010:
Việt Nam cho chúng ta một số tiên đoán lẫn lộn, dựa theo nhiều dữ kiện dưới đây:
§ Vai trò ngày càng quan trọng của nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt tại Á Châu, vốn không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và trên căn bản vẫn còn vững mạnh.
§ Doanh nghiệp tư nhân và xuất cảng đối phó nhanh chóng với khủng hoảng, ghi nhận ít thua lỗ hơn dự tính và lợi tức năm 2009 nhờ vào gói kích cầu kinh tế của chính quyền.
§ Hy vọng sẽ có sự thay đổi đáng kể, nhưng nạn lạm phát và chính sách tiền tệ cùng cạnh tranh sẽ tiếp tục không mấy khả quan.
§ Khung cảnh và chính sách tại Việt Nam không mấy tốt đẹp cho các nhà đầu tư, và người Việt phải gồng mình để chịu đựng nhiều giới hạn hơn cho sự tự do kinh doanh và tự do tôn giáo trong năm 2010, trừ khi chính quyền Việt Nam có thể giúp ổn định tình hình.
TẠM KẾT
Năm 2009 cho thấy nhiều biến đổi về đối ngoại và đối nội nhưng về kinh tế VN đã tạm ổn định và thành công trong việc kêu gọi vốn ODA. Bộ Kế hoạch đưa ra các ước tính tăng trưởng kinh tế từ 6,5% tới 7% và mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 10% so với 2009.
Cái nhìn của WB về VN là một cái nhìn của “chủ cho vay” (lướt qua các yếu kém của VN) trong khi cái nhìn của nghiêm cửu Havard là cái nhìn lâu dài – nhìn về cơ cấu, của một cơ quan phân tích. Sự thật gần nghiên cứu của Harvard cho thấy VN còn nhiều yếu kém và cần thay đổi để có tăng trưởng bền bỉ.
Theo tác giả thì tình hình 2010 không hoàn toàn ‘lạc quan’ như vậy. Một số tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ quốc tế còn giữ kẽ, “ngoại giao.” Nếu phải đánh giá về quản lý kinh tế trong năm Sửu – 2009, thì VN sẽ được điểm B- hay B–.
VN đã tránh được khủng hoảng trong năm 2009 bằng cách đầu tư trên qua gói trợ kích. VN có một số thử thách chính phải vượt qua: lạm phát, nợ và công bằng xã hội.
Lạm phát, thiếu hiệu năng kinh tế, thâm hụt thương mại và ngân sách là các yếu kém không chối. Việc này cho thấy quy trình lựa chọn các dự án đầu tư trong khu vực công (PIP – Public Investment Priority Program) là một quy trình VN cần tăng hiệu năng. Ngoài ra lợi ích của sự có mặt của nhiều viện nghiên cứu (nhu IDS) là rất cần thiết để giúp phát họa và bàn các chính sách – đóng góp đúng lúc cho VN.
Đánh giá theo các yếu tố thành công của các con “cọp á châu” trong các lĩnh vực Giào dục, Cơ sở hạ tầng; Doanh nghiệp và cạnh tranh quốc tế; Hệ thống tài chính; Hiệu năng của Nhà nước; và Công bằng xã hội cho thấy VN còn kém rất.
Vì bong bóng địa ốc và bong bóng chứng khóa – số tiền Kiều Hối và đầu tư nước ngoài – vì nhà nước «bơm » thêm tiền vào các DNNN, cho nên lạm phát tại VN trên hai số. Trong năm 2008 và 2009 giá địa ốc còn cao hơn nhiều nước tân tiến. Giá địa ốc, chứng khoán (bong bóng) và giá xăng trên thế giới đã làm cho lạm phát tăng cao. Việc này làm hại các người tiêu thụ và các người có lương cố định.
Vấn đề bất công bằng xã hội – hố giữa người nghèo và giàu cằng tăng. Lạm phát và lương bổng không theo kịp sẽ gây một tình trạng giữa ngưới giàu tại thành thị, các người công nhân có lương cố định và nông thôn ngày càng thêm sâu.
Ngoài ra còn vấn đề khai thác bauxite, uranium, etc. Sang năm Dần – khi kinh tế toàn cầu sẽ sáng sủa hơn, VN sẽ có cơ hội tiếp tục cải cách – « Hóa rồng hóa cọp » về kinh tế và nâng cơ hội cho mọi người – giúp khu vực tư tăng trưởng và giảm hố sâu nghèo giàu giữa nông thôn và thành thị.
—————
[1]– WB Country Overview 2008-2009
[2]– Trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành “con cưng” của WB. Ngân hàng Thế giới và nhóm các nhà tài trợ đồng minh của họ làm ngơ trước mọi diễn biến tiêu cực ở Việt Nam (vì họ cần cho vay) chỉ vì họ cần ít nhất một ví dụ thành công để chứng minh rằng viện trợ phát triển chính thức (ODA) có tác dụng. Indonesia trước đây đã từng là “con cưng” của WB cho đến đêm trước khủng hoảng 1997, và sự rối loạn về chính trị sau đó đã tiêu huỷ triển vọng tăng trưởng của quốc gia này trong suốt một thập kỷ. VN hiện nay đang được chọn để diễn vai trò của Indonesia trước đây. Kinh nghiệm của Indonesia cho thấy, làm “con cưng” có cái “khoái nhất thời” nhưng cái nguy dài hạn. Sau khi Indonesia thất bại, WB đã không ngần ngại chỉ trích những thất bại trong chính sách của nước này. .
[3]– Havard “Choosing success: Lessons from East Asia and SEAsia countries and future for VN,” Hanoi, 2008
[4]– Gồm việc nới lỏng lãi suất, tiền tệ và thuế.
[5]– Bao gồm FDI thực hiện (4,7 tỷ USD), đầu tư gián tiếp (5-6 tỷ USD), kiều hối (7-8 tỷ USD), ODA giải ngân (2 tỷ USD), chi tiêu của du khách quốc tế (3,3 tỷ USD).
[6]– K. Ohno “Vietnam’s Recent Inflation and Asset Booms: An External Explanation” .
[7]– Phùng Liên Đoàn ngày 11/2009 trong mục Ý kiến bạn đọc – Điện hạt nhân sẽ đắt gấp ba
[8]– Havard “Choosing success: Lessons from East Asia and SEAsia countries and future for VN,” 2008
[9]– Trong năm 2006, 2.830 giảng viên của trường Đại học Chulalongkorn của Thái-lan đăng được 744 công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế trong khi đó, 3.360 giảng viên của hai trường Đại học Quốc Gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ đăng được tổng cộng 36 công trình.
[10]– Theo ông thi quản trị chứ không phải thiếu tiền là căn nguyên thất bại của giáo dục đại học và khoa học. ở Mặc dù số sinh viên ra trường đã ít ỏi, khoảng phân nửa sinh viên ra trường không được làm đúng ngành đào tạo. Xem bài “Năm mới, chuyện cũ” trên trang web của Tạp chí Tia Sáng tại địa chỉhttp://www.tiasang.com.vn/print?id=1307.
[11]– Tác giả đã làm việc cải tổ kinh tế tại nhiều nước nhằm vào “quy trình đánh giá các dự án đầu tư” (PIP tại nhiều nước);
[12]– Đây là quan sát của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bài báo nhan đề: “Thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế.” Xem http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/detail.asp?muc=216&sobao=867&sott=5
[13]– Có thể hỏi tình trạng này với các thiện nguyện viên của Project Vietnam thăm VN 3 lần mỗi năm.
[14]– Một nước có chỉ số Gini từ 0,25 trở xuống được coi là rất công bằng, còn nếu chỉ số này cao hơn 0,50 thì bị coi là rất không công bằng. Chỉ số Gini của Hàn Quốc là 0,32, Đài Loan và Indonesia là 0,34, Malaysia là 0,40, Thái-lan là 0,42, Phi-lip-pin là 0,45, và Trung Quốc là 0,47. Về an sinh XH xin xem: “Martin Evans, Ian Gough, Susan Harkness, Andrew McKay, Đào Thanh Huyền và Đỗ Lê Thu Ngọc, “An sinh xã hội ở Việt Nam lũy tiến đến mức độ nào?” Nguyên bản: “How Progressive is Social Security in Vietnam,” Hanoi, UNDP Policy Dialogue Paper, 2006. “Tiền thuê nhà ngầm ẩn” là khoản tiền đáng lẽ hộ gia đình phải trả nếu họ không có nhà riêng. Vì nhiều hộ gia đình ở nông thôn sở hữu nhà nên khi cộng khoản thuê nhà ngầm ẩn này vào sẽ có tác dụng làm tăng thu nhập của họ.
TS Đinh Xuân Quân 
Bài viết cho Voice of Vietnamese Americans
Đầu năm 2010 – Cuối năm Kỷ Sửu, vào năm Canh Dần