Friday, June 3, 2011

03/06 Dùng thương thảo giải quyết bất đồng



Thứ Sáu, 03/06/2011 00:06

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Phó Thủ tướng, nhận định: Việt Nam không sợ yếu mà vì yêu chuộng hòa bình, nhân đạo

* Phóng viên: Xin ông cho biết nhận định của mình về sự vi phạm của tàu Trung Quốc trong thời gian qua.
- Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Tôi đã gần 90 tuổi, kinh qua 3 cuộc chiến tranh của dân tộc dài hơn 30 năm, cùng với quân đội và nhân dân đã giành đến thắng lợi cuối cùng. Bất cứ một cuộc chiến tranh nào đều không phải là nguyện vọng lớn của nhân dân Việt Nam cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới.
Sự kiện tàu hải giám Trung Quốc tấn công tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam vừa rồi trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã từng xảy ra nhiều lần.
Theo tôi, đây là chuyện xảy ra giữa hai nước láng giềng anh em, hai nước xã hội chủ nghĩa, hai nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo làm tôi rất trăn trở.
Tôi cho rằng, để giải quyết mâu thuẫn này nên theo cách “lấy nước chữa lửa” mà không nên “dùng lửa chữa lửa”. Tôi chân thành đề nghị Đảng ta và đảng bạn nên thông qua việc lãnh đạo cấp cao hai bên ngồi lại thảo luận nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm cũng được và lấy việc thương thảo kiên trì để giải quyết bất đồng.
Nếu ai đó muốn sử dụng cách gì khác thì trong lịch sử đã chứng minh, không nên vấp lại những chứng minh không hay trong lịch sử.
* Trong trường hợp Trung Quốc vẫn leo thang hành động trên thì sẽ làm như thế nào?
- Đấy là ý muốn của một phía, còn phía Việt Nam phải có cách tính chủ động, độc lập của mình. Theo tư tưởng của Bác Hồ thì không có gì tốt bằng con đường giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hòa bình, có lý, có tình, cuối cùng vẫn đi đến thành công. Họ leo lên đường này, ta sẽ theo đường khác vì còn có pháp luật quốc tế, dư luận quốc tế. Nhưng trên hết luật lệ là tình người, là tình hữu nghị hai nước.
Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc giống như chiếc “lưỡi bò” trên biển
vô cớ vẽ sát vào bờ các nước ven biển Đông
* Như vậy, Trung Quốc làm gì thì còn phải nhìn vào mối quan hệ, tình hữu nghị hai nước được xây đắp từ nhiều năm nay?
- Đúng là như vậy. Quan hệ hữu nghị là cao nhất, trong khi hai nước là láng giềng, nên tìm cách giải quyết những vấn đề chung. Nếu tình hình xấu đi, cả Việt Nam và Trung Quốc cũng đều không hay cả.
Cần phải nhớ rằng tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp cả về môi trường, kinh tế, chính trị và quân sự. Nhưng chúng ta cần phải đứng trên các vấn đề này để giải quyết mâu thuẫn.
* Việc ôn hòa, dùng “nước chữa lửa” theo truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình của Việt Nam xem ra chưa phải bài thuốc hữu hiệu, thưa ông?
- Đến tuổi này thì tôi vẫn thấy nhân đạo là vấn đề lớn nhất, hòa bình là quan trọng nhất. Vì thế, điều quan trọng nhất hiện nay là hai nước cần ngồi vào bàn thương lượng.
Không phải vì Việt Nam sợ yếu, hay kém mà là Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân đạo, Việt Nam cũng không phải một đất nước hiếu chiến.
Việc lấy mạnh đè yếu không phải lúc nào cũng thắng. Thậm chí có lấy giàu, lấy mạnh để đè yếu nếu có thắng thì cũng không có gì vinh quang cả. Nhưng tôi có thể kết luận việc lấy mạnh lấn yếu kết quả đều vấp thất bại vì không có chính nghĩa.
Chính nghĩa là sức mạnh dân tộc, chính nghĩa là sự ủng hộ rộng rãi của nhân loại. Nếu vi phạm điều này là có tính chất vi phạm cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Chính nghĩa quyết định việc thắng hay bại.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền
Ngày 2-6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối việc lực lượng hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh hành động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Tuyên bố chung về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC).
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở tàu cá lẫn ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.
P.Hồ
Thế Dũng thực hiện
[Quay lại]
Có 23 ý kiến
  • An Giang 1982
    03/06/2011 00:44
    Thưa Trung tướng, cháu hoàn toàn thống nhất với quan điểm của Trung tướng. Theo cháu, Việt Nam ta nên tăng cường mua sắm thêm các loại "hóa chất" dập lửa để chuẩn bị là vừa, mua càng nhiều càng tốt, phải không bác? Xin kính chào bác và chúc bác TRung tướng nhiều sức khỏe!
  • Bùi Tuấn Anh
    03/06/2011 09:03
    (...) Nếu ai hay dùng lửa bừa bãi thì có thể tự đốt cháy nhà mình
  • Thu An
    03/06/2011 09:06
    Nếu hàng xóm mà cứ quấy phá, lấn chiếm thì mình giảm chi tiêu cho các khoản khác để tập trung xây dựng hàng rào, mua thiết bị theo dõi, thậm chí cài nhiều bẫy (nói trước là có bẫy) để đối phó.
  • Dân tộc
    03/06/2011 09:07
    Tôi đồng ý với quan điển của trung tướng nhưng chỉ một phần thôi đó là phần nếu có thể xuất phát từ thiện chí của cả hai bên ta cùng ngồi đàm phán giải quyết, nhưng trên hết là tính toàn vẹn lãnh thổ phải được khẳng định cao nhất và bất di bất dịch. Vậy hành động lúc này của ta tuy chưa nên đối đầu nhưng phải chuẩn bị cho trương hợp đó xảy ra . Ta phải đấu tranh trực diện với họ trên chính trường pháp lý thế giới, phải cho thế giới biết bản chất của họ, phải để cho người dân lên tiếng tỏ rõ ý trí, lòng quyết tâm giữ nước có thế họ mới phần nào chùn bước chứ không là họ sẽ lấn tới mãi. Điều này tôi nghĩ trung tướng hiểu hơn chúng tôi rất nhiều
  • TRẦN TẤT BẠT
    03/06/2011 10:08
    Tôi cũng là một cựu chiến binh từ thời kỳ 69 -70 tại các chiến trường lào-campuchia- Việt Nam . Tôi thấm hiểu nỗi đau của chiến tranh, nên thấy mình cũng đã bị "lỳ " nên không sợ chiến tranh dù kẻ thù của chúng ta là ai.Tuy nhiên con đường chiến tranh là "con đường cùng", không phải là con đường mà nhân dân chúng ta chọn. Vơi Trung Quốc, tôi vẫn cho rằng vốn là người bạn, người anh em, người đồng chí thân thiết,Đảng, nhân dân trung quốc đã từng kế vai sát cánh cùng chúng ta trong cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc, "núi liền núi, sông liền sông" "môi hở răng lạnh" thì không có lý do gì chúng ta không cùng nhau ngồi lại để "phải trái phân minh" trong việc "Biển đông" .Người trung quốc là người sống có truyền thống, có cốt cách và hiểu sâu sắc lịch sử của dân tộc Việt Nam ngàn đời, không có lý do gì lại làm những điều "lịch sử lập lại" Vì vậy chúng ta kiên quyết nhưng phải hết sức bình tĩnh, Quan điểm của việc Việc "ôn hòa" , dùng “nước chữa lửa” theo truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình của Việt Nam là bài học đời đời của truyền thống đánh giặc của ông cha ta. Khi giặc đến thì đánh, khi giặc thua thì "đi bộ thì ta cho ngưa, đi thủy thì ta cho thuyền" để tiễn giặc về nước , đó là đạo lý và là cách cư sử của người việt nam, dân tộc việt nam.Chúng ta không sợ nhưng chúng ta không muốn chiến tranh vì "Bán anh em xa, mua láng riềng gần" .chúng ta có chính nghĩa, chúng ta có luật, có bạn bè quốc tế , chúng ta có cả nhân dân trung quốc anh em, chúng ta sẽ giữ vững độc lập , chủ qyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc thân yêu.
  • Nguyễn Đức Nghĩa
    03/06/2011 10:12
    Theo tôi, Việt Nam đã nhún nhường,hòa hiếu rất nhiều, đến giới hạn chịu đựng rồi! Việc thương thảo chỉ được áp dụng đối với vùng tranh chấp và trong điều kiện 2 bên không làm phức tạp thêm tình hình! Ở đây Trung Quốc cố tình xâm phạm khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam được Pháp luật Quốc tế bảo hộ (Công ước Luật biển 1982). Nếu chúng ta thương thảo với Trung Quốc về sự kiện 26/5/2011 (Bình Minh 02) thì chúng ta rơi vào bẫy của Trung Quốc! Và chính chúng ta giúp cho Trung Quốc mở rộng khu vực tranh chấp! Láng giềng hữu nghị là điều ai cũng muốn để tránh xung đột, nhưng thời gian qua chỉ theo một chiều từ phía Việt Nam, còn Trung Quốc thì không cho thấy thiện chí. Nếu họ nghĩ tình hữu nghị 2 Đảng Cộng sản thì họ đã không có những hành động gây hấn leo thang như vừa qua.
  • viettoan
    03/06/2011 11:10
    Hoàn toàn đồng ý với NĐN. Đây chính là "phép thử" của Trung Quốc. Vào đến tận vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam để gây sự thử xem phía VN ta phản ứng thế nào. Nếu ngồi vào đàm phán thì không khác gì ta đã thừa nhận vùng đó là khu vực đang tranh chấp.
  • L.H.
    03/06/2011 11:18
    Với trường hợp tàu Bình Minh 02 bị tấn công, ta không việc gì phải thương lượng với Trung Quốc cả. Địa điểm tàu Bình Minh 02 bị tấn công hoàn toàn nằm trong vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam chứ không nằm trong vùng chồng lấn có tranh chấp. Đây rõ ràng là hành động xâm phạm trắng trợn mang tính khiêu khích. Chúng ta phải cho thế giới và cả nhân dân Trung Quốc thấy được sự phi chính nghĩa của chính quyền Bắc Kinh.
  • Trần Việt Dũng
    03/06/2011 11:30
    Trung Quốc luôn là kẻ đi nắn gân người khác, nêu Việt Nam không cương quyết thì suốt đời bị Trung Quốc bắt nạt thôi.
  • Nguyễn Minh
    03/06/2011 11:36
    Chưa có hành động nhún nhường nào Việt Nam chưa sử dụng. Nhưng nhún nữa thì chỉ có tự tay dâng đất, biển đảo, tài nguyên mời họ xơi thôi.
  • Kỹ sư Lê Quốc Ca
    03/06/2011 11:37
    Trước khi là kỹ sư tôi là người lính chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Tôi hiểu cái giá phải trả của một dân tộc nếu chiến tranh xảy ra, vì thế hòa bình là khát vọng của dân tộc ta nói riêng và nhân dân Thế giới nói chung. Những người lãnh đạo Trung Quốc không phải họ không hiểu điều mà Trung tướng nói mà thực chất của vấn đề là họ muốn chiếm Biển Đông. Khi mục tiêu của họ là chiếm Biển Đông vì lợi ích dân tộc của họ thì tình đồng chí cũng chỉ là mỹ từ mà thôi. Đặng Tiểu Bình đã từng nói rằng:" Mọi thứ đều có thể thay đổi, chỉ có lợi ích dân tộc của nhân dân Trung Quốc là không thay đổi". Vì thế, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt nam kiên trì đường lối hòa bình, nhưng phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống nếu có chiến tranh sảy ra, đó là đường lối duy nhất đúng, nếu chúng ta quá tin vào "tình đồng chí"  thì rất có thể chúng ta sẽ bị động. Lòng dân đang rất căm phẫn trước hành động ngang ngược của TQ. Lòng yêu nước của nhân dân luôn có sẵn, đây cũng là một cơ hội để đoàn kết dân tộc Lê Quốc Ca
  • Nguyễn hoàng
    03/06/2011 12:05
    cố mà nhịn, khi nào không nhịn được nữa thì... vẫn phải nhịn!
  • Phạm Ái Quốc
    03/06/2011 12:07
    Yêu chuộng hòa bình là phẩm giá cao đẹp của Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng phải tính táo để tránh "đặc tính ngụy biện" trong mỗi con người chúng ta, khi mình sợ hoặc ngại làm một việc gì đó...
  • Thanh Nam
    03/06/2011 13:44
    Tôi nghĩ Việt nam lâu nay vẫn theo đuổi giải pháp hòa bình với TQ nhưng ở thế yếu nên đã phải nhân nhượng nhiều. Đã đến lúc phải kiên quyết. Chỗ nào cần đàm phán thì ngồi vào đàm phán, chỗ nào thuộc chủ quyền rõ ràng của ta thì dứt khoát không đàm phán. Ai xâm phạm, nói không nghe thì phải dùng vũ lực. Nếu không, TQ biến từ chỗ không thành có, và ta nguy cơ mất biển.
  • N V Ngọc
    03/06/2011 14:23
    Một bên cứ đốt lửa bẳng mọi cách, bằng mọi loại nhiên liệu. Chẳng nhẽ bên này lại chỉ biết đi lấy nước dập lửa sao ? ...
  • phan thanh long
    03/06/2011 16:41
    Nói thì rất dễ ,nhưng tức nước thì vỡ bờ ,.. Ngư dân VN rất nhiều gia đình có người đã chết , chưa kể những thiệt hại kinh tế họ đang phải gánh chịu , và thể diện của 1 quốc gia có chủ quyền đang bị chà đạp .... Thật ngây thơ và ảo tưởng khi trông chờ vào thiện chí của họ.
  • Quang huy
    03/06/2011 21:11
    Kính thưa Trung Tướng . Là người lính tôi hoàn toàn không muốn có chiến tranh . Nhưng không có chiến tranh tại sao vẫn cần có những người lính ? Chắc Trung tướng thấu hiều hơn tôi nhiều lắm. Nhưng nếu "càng nhân nhượng nó càng lấn tới"
  • Trần Thoan
    03/06/2011 22:20
    Tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng bác Đồng Sỹ Nguyên, một lão thành cách mạng, đã dũng cảm trong chiến tranh giữ nước, thẳng thắn góp ý trong xây dựng Tổ quốc. Nhưng: chúng ta càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới. Thật ra chúng ta đã bị dồn đến chân tường rồi thưa bác. Hôm nay, chúng vào vườn nhà mình, nhổ cây, phá nát cả khu vườn, ngày mai chúng bảo vườn của nhà chúng. Chúng cháu thế hệ hậu sinh của bác, nhưng cũng dã thấm đẫm suy nghĩ trăn trở trước vận mệnh đất nước: Hoàng Sa 1974 - Biên giới phía Bắc 17/2/1979; Trường Sa - 1988.Và cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tướng Lê Văn Cương: đối với Trung quốc càng lùi thì họ càng tiến.
  • Nguyễn Cao Hải
    03/06/2011 22:34
    1. Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn Lấy chí nhân để thay cường bạo ( Nguyễn Trãi ) Chân lý đó không chỉ của một thời! 2. Chúng ta muốn hòa binh, chúng ta đã nhân nhượng,nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì kẻ muốn cướp nươc ta càng lấn tới. Chấp nhận một cuộc chiến là cách lựa chon cuối cùng của dân tộc Việt Nam để bảo vệ Tổ quốc. Điều đó cũng không phải của riêng thời nào 3. Nhưng, tìm cách tránh khỏi chiến tranh không đồng nghĩa với quỵ lụy, đầu hàng. Mà phải  phát huy bằng được tinh thần và năng lực yêu nước của toàn dân, không phận chia tộc người,tầng lớp. Vẫn đàm phán, kiên trì đàm phán nhưng phải có tiếng nói cua hội nghị Diên Hồng, quyết đánh, dám đánh, biết đánh thắng chứ
  • Nguyễn Tuấn
    04/06/2011 08:03
    Kính thưa Ngài Trung Tướng,  xin hỏi Ngài, bây giờ thì sẽ "NHẪN " đến mức nào thì gọi là giới hạn cuối cùng ?  Ông Bà ta có câu "chờ được vạ thì má đã sưng ". Nếu xảy ra thiệt mạng ngư dân ai chịu trách nhiệm?  Kính Thư.
  • Vũ Tuấn Anh
    04/06/2011 10:48
    Trước hết tôi cũng đồng quan điểm với tướng Nguyên, mọi tranh chấp trước hết phải thông qua thương lượng hòa bình. Tuy nhiên, việc thương lượng có tiến hành được hay không phải phụ thuộc vào ý chí của cả hai bên. Nếu chỉ một bên có thiện chí, còn bên kia chỉ muốn lấn tới, lấy mạnh đề yếu thì không thể thương lượng được mà mọi kết quả đạt được trong cuộc thương lượng như thế chỉ là sự đầu hàng. Đối với tình hình biển Đông nói riêng và biên giới Việt - Trung nói chung, thì Việt Nam đã nhân nhượng Trung Quốc rất nhiều. Chúng ta không dám xua đuổi tầu đánh cá Trung Quốc, không dám bắt giữ tàu Trung Quốc, không dám vạch mặt chỉ tên tàu Trung Quốc giết dân ta và vi phạm lãnh hải của ta mà chỉ dám gọi là "tàu lạ". Tuy nhiên, chúng ta càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới, chúng ngang nhiên cho tầu tiến sâu vào lãnh hải của ta, lại còn lớn tiếng yêu cầu ta không được sống trong ngôi nhà của ta nữa. Thật hết chịu nổi, vì vậy tôi cho rằng tại thời điểm hiện nay, chúng ta không thể tiếp tục nhân nhượng, không thể tiếp tục đàm phán với Trung Quốc được nữa. ...
  • Quốc Tuấn
    04/06/2011 21:30
    ....Hòa bình của chúng ta không phải là cầu hòa, Việt Nam không chấp nhận hòa bình lệ thuộc. Khi ta đã làm tất cả những gì có thể để gìn giữ hòa bình mà nước khác cứ muốn xâm hại lợi ích của đất nước ta thì lúc đó, thế của ta sẽ như cánh cung kéo hết, đã buông dây cung thì đó là sức mạnh vô cùng to lớn của cả dân tộc để bảo vệ Tổ quốc mình". Xin cảm ơn Tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông đã nói lên những lời làm chúng tâm an tâm và tin tưởng.
  • Manh Dương
    14/06/2011 10:17
    Tôi rất kính phục tướng Nguyên nhưng riêng với quan điểm của ông trong bài trả lời phỏng vấn này thì tôi không đồng ý, nhất là suy nghĩ và lời đề xuất của ông...

03/06 Công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp


11:00 AM, 03/06/2011

(Chinhphu.vn) – Sáng nay (3/6), Hội đồng Bầu cử Trung ương đã họp báo công bố kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
>> Nghị quyết về việc công bố kết quả bầu cử trên phạm vi cả nước / Danh sách người trúng cử ĐBQH / Danh sách người trúng cử theo đơn vị bầu cử tỉnh, thành phố

Phó Chủ  tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban tuyên truyền Nguyễn Đức Kiên và Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử Phạm Minh Tuyên chủ trì họp báo - Ảnh Chinhphu.vn


Phó Chủ  tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban tuyên truyền Nguyễn Đức Kiên và Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử Phạm Minh Tuyên chủ trì họp báo. 

Theo ông Phạm Minh Tuyên, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. 

Công tác bầu cử diễn ra khẩn trương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thể thức bỏ phiếu, kiểm phiếu, xác định kết quả bầu cử. 

Tổng số cử tri là 62.269.175 người, số cử tri đi bầu là 61.965.651 người, tỉ lệ đi bầu đạt 99,51%. Trong đó, các tỉnh có tỉ lệ cử tri đi bầu cao là Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn đạt 99,99%; tỉnh có tỉ lệ đi bầu thấp là Bắc Ninh là 94,22%. 

Ở một số tỉnh, tỉ lệ cử tri đi bầu đạt kết quả cao ngay sau thời điểm khai mạc. Đến 14h ngày 22/5, đa số các tỉnh, thành phố trong cả nước có tỉ lệ cử tri đi bầu đạt từ 80% trở lên. Kết thúc bỏ phiếu vào 19h ngày 22/5, tỉ lệ cử tri đi bầu đạt rất cao ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, có 49 tỉnh, thành phố đạt trên 99%... 

Chúng ta đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội từ 827 ứng cử viên. Trong đó, đại biểu do Trung ương giới thiệu là 167 người, đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 333 người, đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu là 333 người, đại biểu có trình độ trên đại học là 229 người, trình độ đại học là 262 người, dưới đại học là 9 người. 

Đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số là 78 người, phụ nữ 122 người, ngoài đảng là 42 người, trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 62 người, tự ứng cử 4 người và tái cử là 167 người. 

Kết quả bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ này, có 472.528 ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp để bầu 306.068 đại biểu. Trong đó, cấp tỉnh là 5.968 ứng cử viên để bầu 3.829 đại biểu; cấp huyện là 32.363 ứng cử viên để bầu 21.124 đại biểu; cấp xã là 434.197 ứng cử viên để bầu 281.720 đại biểu. 

Tuy nhiên, cấp tỉnh bầu thiếu 8 người; cấp huyện bầu thiếu 47 người, cấp xã bầu thiếu 2.962 người. 

Đối với bầu cử lại, bầu cử thêm, Hội đồng bầu cử đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kịp thời bầu cử lại, bầu cử thêm. 

Trả lời câu hỏi của các phóng viên trong nước và quốc tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử Phạm Minh Tuyên đều khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử vừa qua, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với các đại biểu dân cử, những người ưu tú được nhân dân lựa chọn, gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình đối với các vấn đề lớn của đất nước và địa phương. 

Với những vấn đề cụ thể, Hội đồng Bầu cử sẽ có báo cáo phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm và thông báo cho các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm. 

Một số đồng chí lãnh đạo có tỷ lệ phiếu bầu hợp lệ cao:
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đạt 85,63%; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt 95,38%, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đạt 80,19%; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đạt 95,51%, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đạt 84,90%, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đạt 92,93%, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đạt 94,59%, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 89,84%, Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an đạt 88,10%...

Lê Sơn

03/06 Hai chị em họ Đặng trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII


Thứ 6, 03/06/2011, 12:44


Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch tập đoàn Đầu tư Sài Gòn
Bà Đặng Thị Hoàng Yến - chủ tịch tập đoàn Tân Tạo và ông Đặng Thành Tâm chủ tịch HĐQT tập đoàn Đầu tư Sài gòn đã trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Đợt bầu cử Quốc hội khóa XIII ngày 22/5 có sự tham gia của hơn 100 ứng cử viên là những doanh nhân thành công trên thương trường. Trong số đó có hai chị em nhà họ Đặng nổi tiếng, ông Đặng Thành Tâm chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) và chị gái là bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA)
Theo kết quả bầu cử được công bố, bà Đặng Hoàng Yến trúng cử đại biểu Quốc hội đạt tỷ lệ 62,36% số phiếu hợp lệ tại đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Long An.
Ông Đặng Thành Tâm trúng cử với tỷ lệ 57,82% thuộc đơn vị bầu cử số 6 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai chị em ông Đặng Thành Tâm và bà Đặng Thị Hoàng Yến hiện là những doanh nhân nhiều năm liền nằm trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch tập đoàn Tân Tạo
Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Bình Thạnh (TPHCM) ngày 9/5, ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XIII Ông Đặng Thành Tâm cho biết: “Chương trình trọng điểm của tôi là góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, tham gia và đóng góp vào các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng học bổng cho học sinh nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa - tình thương…”.
Cao Sơn
Theo chinhphu.vn

03/06 15 ứng viên trung ương trượt đại biểu Quốc hội


Thứ sáu, 3/6/2011, 09:35 GMT+7

Trong danh sách đại biểu Quốc hội khóa 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt tỷ lệ phiếu bầu cao. Tuy nhiên, 15 ứng viên được trung ương giới thiệu đã trượt.

Hơn 60 triệu cử tri đi bầu cử

Sáng nay, Hội đồng bầu cử trung ương công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13. Theo Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên, tổng số đại biểu khóa 13 là 500, các tỉnh thành đã bầu đủ số đại biểu được phân bổ.

Đánh giá sơ bộ về kết quả bầu cử, ông Phạm Minh Tuyên khẳng định, cuộc bầu cử đã thành công, bảo đảm dân chủ. "Thành phần, cơ cấu đại biểu phản ánh tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân.", ông Tuyên nói.

Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên trả lời trong cuộc họp báo quốc tế sáng nay. Ảnh:N.H.
Về cơ cấu, đại biểu ngoài Đảng có 42, nữ có 122, trẻ dưới 40 tuổi 62 người, đều ít hơn so với cơ cấu dự kiến và ít hơn khóa trước. Số đại biểu tái cử (167) cao hơn so với khóa trước 7 người. Có 229 đại biểu trình độ trên đại học (45,8%), đại học 262 người (52,4%).

Trong số 15 người tự ứng cử, có 4 người trúng cử, tăng 3 so với khóa 12, gồm bà Châu Thị Thu Nga (Hà Nội), các ông Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), Phan Văn Quý (Nghệ An) và Hoàng Hữu Phước (TP HCM). Ba trong số bốn người này là doanh nhân.

Tuy nhiên, trong 182 ứng viên thuộc diện trung ương giới thiệu có 15 người trượt đại biểu Quốc hội khóa 13, trong đó có 7 đại biểu chuyên trách khóa 12. Đặc biệt, có một số là lãnh đạo ủy ban của Quốc hội.

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, đây là kỳ bầu cử ghi nhận số ứng viên trung ương trượt nhiều nhất. Ở khóa 12, con số này là 7.
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đạt tỷ lệ phiếu bầu cao nhất (95,51%), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (95,38%). Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt 85,63%.

Các ứng viên thuộc khối Đảng và Nhà nước trúng cử còn có ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban bí thư; ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức trung ương, ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương; ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan...
Ba phó chủ tịch Quốc hội tiếp tục trúng cử là các ông Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn và bà Tòng Thị Phóng.

Ngoài ra, trong danh sách trúng cử có mặt 12 bộ trưởng đương nhiệm, gồm các ông: Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an; Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp; Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương; Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Tài chính; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giàng Seo Phử, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội.

Theo Hội đồng bầu cử, số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,51%. Trong đó, cao nhất là 4 tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn đạt 99,9%.

Nguyễn Hưng

03/06 Phản đối tàu quân sự Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam


picture
Ngày 1/6, tàu quân sự của Trung Quốc đã dùng súng uy hiếp tàu cá PY 92305 TS của ngư dân tỉnh Phú Yên.
10:30 (GMT+7) - Thứ Sáu, 3/6/2011

Ngày 2/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc lực lượng hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh hành động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết ngày 1/6, 3 tàu quân sự của Trung Quốc đã dùng súng uy hiếp tàu cá PY 92305 TS của ngư dân tỉnh Phú Yên trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

(TTXVN)