Chủ nhật, 22/5/2011, 05:35 GMT+7
Từ cực bắc Tổ quốc đến mũi Cà Mau, hàng triệu cử tri đã dậy sớm đến các điểm bỏ phiếu bầu 500 đại biểu Quốc hội và hơn 300.000 đại biểu HĐND các cấp. Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, quy mô cuộc bầu cử là chưa từng có trong lịch sử.
> Những phẩm chất của ứng viên được cử tri đánh giá cao/ Tâm sự của những cử tri lần đầu đi bầu cử
* Ảnh: Không khí bầu cử trên cả nước |
5h30, các khu vực bỏ phiếu bầu cử tại các xã vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai) bắt đầu mở cửa. Các thiếu nữ dân tộc Mông thẹn thùng trong những bộ váy áo đẹp nhất. Hoàng Thị Dín, sinh năm 1990, cử tri người Mông ở thôn Phố Cũ cho biết: “Chúng em mong các bác trúng cử Quốc hội ngoài việc quan tâm các vấn đề lớn của đất nước, thì sẽ quan tâm hơn đến thế hệ trẻ vùng cao và làm cho cuộc sống của đồng bào tốt hơn”.
Nghiên cứu tiểu sử ứng viên trước khi bỏ phiếu. Ảnh: Mã Anh Lâm |
Hôm nay cũng là ngày chợ phiên Si Ma Cai, nên cử tri thực hiện xong quyền và nghĩa vụ công dân là ra chơi chợ vùng cao đậm đặc sắc màu
Trong nắng nhẹ, hôm nay nhiều người dân thủ đô đã thức dậy sớm để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Từ 6h sáng tiếng loa cổ động bầu cử đã vang trong các ngõ xóm. Cảnh sát đã có mặt trên các tuyến phố chính để đảm bảo trật tự cho ngày bầu cử.
Tại khu vực bỏ phiếu số 3 phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), nhiều cử tri cao tuổi có mặt từ rất sớm, trao đổi sôi nổi trước giờ bỏ phiếu. 6h30 Tổng bí thư - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trong sự chào đón nồng nhiệt của các cử tri. Ông là một trong những người bỏ lá phiếu đầu tiên tại điểm bầu cử này vào lúc 7h sáng.
Mặc áo dài và đi bộ từ phố Yết Kiêu tới điểm bỏ phiếu, bà Đặng Hồng Anh (81 tuổi) cho biết, trước khi bỏ phiếu, bà đã tìm hiểu rất kỹ về các ứng viên. "Ngày nào tôi cũng xem tivi, nghe đài nên khi tới đây, tôi bỏ phiếu rất nhanh", bà Hồng Anh nói.
Cụ Trần Thị Kim 83 tuổi bỏ phiếu tại phường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội. |
Trong bộ quân phục đã ngả màu cùng hàng chục chiếc huy chương lủng lẳng trên ngực áo, cụ Nguyễn Bá Hưng (89 tuổi, phường Trần Hưng Đạo) cho biết, đây là lần thứ 12 mình được đi bầu cử. "Tiêu chí quan trọng để trở thành đại biểu Quốc hội, HĐND là phải có tài và đức. Có được 2 điều trên thì đại biểu sẽ có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật", cử tri 89 tuổi nói thêm.
Vừa đủ 18 tuổi, Trần Hoài Nam và Nguyễn Ngọc Sơn (phố Vũ Hữu Lợi) háo hức trong lần đầu đi bầu. Sau khi nhận 4 lá phiếu, Nam đắn đo xem lại kỹ tiểu sử của từng ứng viên trước khi bầu. "Em đánh giá cao những ứng viên trẻ có trình độ học vấn cao", Nam cho biết về căn cứ để lựa chọn ứng viên của mình.
Trao đổi với báo chí, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử chung đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Quy mô cuộc bầu cử là chưa từng có, người dân được thực hiện quyền tổng tuyển cử trọn vẹn kể cả ở cấp trung ương và địa phương.
"Bầu cả đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nên có tới 4 phiếu, cử tri hết sức chú ý, lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất trong những người xứng đáng để bầu được đủ 500 đại biểu Quốc hội", Tổng bí thư nhắn nhủ.
Tại cố đô Huế, từ sáng sớm, cụ Lữ Hữu Thi, 101 tuổi, làng Thế Lại Thượng, xã Hương Vinh (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) - nghệ nhân cuối cùng của dàn nhạc lễ cung đình triều Nguyễn – đã diện bộ quần áo mới đi đến điểm bỏ phiếu của xã. Cụ cho biết: “Ngày trước phục vụ trong Hoàng cung không có chuyện được đi bỏ phiếu. Lần đầu tui được cầm lá phiếu đi bầu cử là năm 1946. Lần đó tôi vui lắm, vì là lần đầu tiên trong đời được cầm lá phiếu thể hiện quyền công dân”.
Cầm trên tay lá phiếu, ông Hà Thế Trọng, 78 tuổi, cán bộ hưu trí, hiện trú tại phường Thuận Lộc, thành phố Huế, cho biết sáng nay ông đã nhắc nhở con cháu trong nhà đi bầu cử sớm để hoàn thành nhiệm vụ bầu cử của mình. “Tự tay bỏ lá phiếu bầu cử, tui muốn chọn ra những người đại diện cho mình, có năng lực thực sự để phục vụ nhân dân”.
Không chỉ các bậc cao niên, từ sớm, các nữ sinh Huế trong tà áo dài đã đến các điểm bầu cử.
Nữ sinh Huế đi bầu cử. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Từ sáng sớm, cử tri 24 quận, huyện của TP HCM đã đến khu vực bỏ phiếu. Tại khu vực bỏ phiếu số 38 (quận 3), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết, hôm nay là một ngày trọng đại với đất nước. "Chúng ta là cử tri phải lựa chọn đúng người để xây dựng đất nước và địa phương. Ở nhà tôi đã suy nghĩ rất kỹ, lựa chọn người thích hợp nhất, tín nghiệm nhất để bầu chọn", ông Triết tâm sự.
Tại khu vực bỏ phiếu trên đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1), Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo phường Tân Định đã đến tham gia bỏ phiếu. Ông Sang chia sẻ: "Tôi rất vinh dự và tự hào được làm tròn bổn phận của người công dân. Tôi kỳ vọng những người đắc cử hãy làm tròn chức trách của người đại biểu nhân dân. Cử tri đặt niềm tin vào các đại biểu".
Người dân TP HCM xếp hàng đi bầu cử. Ảnh: An Nhơn. |
Lần đầu tiên cầm lá phiếu đi bầu đại biểu, học sinh Nguyễn Hồng Phúc (lớp 12 trường Marie Curie) cho biết, rất vui sướng vì mình đã là một công dân trưởng thành. "Em sẽ chọn người trẻ tuổi có nhiệt huyết và dám đấu tranh để thực hiện lời hứa với người dân", Phúc chia sẻ.
Sáng nay, anh Nguyễn Mạnh Cường (cử tri quận Thủ Đức) đã sắp xếp công việc chu đáo cùng gia đình đến khu vực bầu cử để bỏ phiếu. "Tôi mong các ứng viên đắc cử thực hiện lời hứa với cử tri đã ghi rõ trong chương trình hành động", anh Cường chia sẻ.
Tại Cà Mau, cực Nam tổ quốc, từ 5h sáng cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang đồng loạt bầu cử sớm hơn các điểm còn lại khoảng 2 giờ để nhanh chóng đi làm nhiệm vụ. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi, Cà Mau có trên 850.000 cử tri đi bầu cử tại 1.292 điểm.
Lần đầu đi bầu cử, sinh viên Võ Ngọc Y (21 tuổi) ở đường 3/2, Cà Mau cho biết, từ tối qua bạn rất hồi hộp, mong trời mau sáng để thực hiện nghĩa vụ của cử tri. Theo Ngọc Y, cô đã bầu cho những đại biểu nam, chưa mạnh dạn chọn đại biểu nữ vì qua những lần tiếp xúc cử tri Y thấy các ứng cử viên nam bày tỏ quan điểm dám đấu tranh cho lợi ích của nhân dân.
Tại các cửa biển như Sông Đốc, Khánh Hội, Rạch Gốc… của tỉnh Cà Mau ngư dân cũng thức rất sớm để khẩn trương đi bầu cử. Ông Từ Văn Hiền - Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) - cho biết theo lịch ra khơi đánh bắt của ngư dân thì hơn một tuần trước tàu phải nhổ neo rời bến. Tuy nhiên, do bầu cử nên gần 2.000 tàu cá chậm ra khơi để chủ tàu và ngư phủ đi bầu cử xong mới ra biển.
Không khí bầu cử tại làng chài ở Quảng Ngãi sáng nay. Ảnh: Trí Tín. |
Thời gian bỏ phiếu theo quy định từ 7h sáng tới 19h. Tùy tình hình cụ thể từng tổ bầu cử, có thể bắt đầu bỏ phiếu sớm và đóng hòm phiếu muộn nhưng không sớm trước 5h sáng và muộn hơn 22h. Do đặc thù, một số nơi đã tổ chức bầu cử sớm như huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), huyện Mường Tè (Lai Châu), vùng biển DK1, một số xã miền núi ở Quảng Bình, Quảng Nam, đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)...
Cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội (từ 827 ứng viên); hơn 3.200 đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố, hơn 21.000 đại biểu cấp huyện và hơn 280.000 đại biểu cấp xã. Hà Nội và TP HCM là nơi có số đại biểu Quốc hội được bầu nhiều nhất (30) và số người ứng cử cao nhất nhì cả nước, lần lượt là 50 và 51. Các địa phương khác có số đại biểu được bầu dao động từ 6 đến 11.
Trong đợt bầu cử này, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 của Hà Nội (gồm quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ); Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 của TP HCM (gồm quận 1, 3, 4).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 của Hải Phòng (các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và quận Kiến An, Dương Kinh); Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 của Hà Tĩnh (gồm huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê và thành phố Hà Tĩnh).
Theo Bộ Nội vụ, cả nước có hơn 91.000 khu vực bỏ phiếu với hơn 60 triệu cử tri. Trung bình mỗi tỉnh có tới 4.000 - 5.000 cán bộ tham gia phục vụ công tác bầu cử. Tổng kinh phí dành cho bầu cử trên 700 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự bầu cử, lực lượng cảnh sát đã đồng loạt ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự công cộng, an toàn giao thông. Công an các địa phương vận động nhân dân giao nộp và điều tra thu giữ hàng nghìn khẩu súng các loại, hơn 200 dao, kiếm và mã tấu, vũ khí thô sơ. |
Nhóm phóng viên
No comments:
Post a Comment