Thứ Sáu, 03/06/2011 00:04
Nhận lời của Báo Người Lao Động, GS Carl Thayer - chuyên gia về các vấn đề Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc - có bài viết riêng gửi báo phân tích mưu đồ của Trung Quốc và nêu những giải pháp các nước ASEAN cần phải hành động
Từ vụ tàu hải giám Trung Quốc quấy nhiễu, cắt cáp tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam và một số vụ tàu Trung Quốc uy hiếp tàu cá của ngư dân Việt Nam gần đây có thể thấy rằng Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông nhằm thiết lập quyền ở vùng này, theo ngôn ngữ của họ gọi là “quản lý biển Hoa Nam”.
Trung Quốc đang sử dụng các tàu hải giám dưới dạng dân sự nhằm tạo áp lực. Những động thái này chứng tỏ rằng Trung Quốc muốn áp đặt luật pháp tại khu vực hàng hải mà họ cho rằng thuộc chủ quyền của họ.
Trung Quốc nhắm tới dầu khí
Rõ ràng, Trung Quốc có rất nhiều mục tiêu qua các động thái đó. Thứ nhất, làm gia tăng phí tổn và rủi ro đối với Việt Nam và Philippines trong các hoạt động khai thác dầu khí trên biển Đông, qua đó hy vọng 2 nước này sẽ nhún nhường và mặc nhiên chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc ở đó.
Các chiến sĩ hải quân Việt Nam chắc tay súng giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Ảnh: Thế Dũng
Thứ hai, Trung Quốc muốn dọa các nước thành viên ASEAN khác nhằm ngăn chặn khối này hình thành một mặt trận đoàn kết chống lại Trung Quốc. Trung Quốc muốn các nước này sợ bị trả đũa và vì thế không dám đối đầu Trung Quốc hoặc phải nhượng bộ Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Quốc muốn làm suy yếu vai trò của Mỹ đối với khu vực (ASEAN). Từ vụ đụng độ hôm 2-3 giữa tàu tuần tra Trung Quốc với các tàu thăm dò địa chấn Philippines đã “thai nghén” sự ra đời của Hiệp định An ninh chung giữa Manila và Washington.
Theo đó, Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ Philippines nếu các tàu quân sự của nước này bị tấn công, song quân đội Mỹ sẽ không trú đóng trên các đảo ở biển Đông. Philippines mong muốn cam kết đó được thực thi một khi một trong các hòn đảo của họ bị tấn công.
Và mục đích tối thượng của Trung Quốc là kiểm soát vững chắc khu vực biển Đông giàu tài nguyên dầu khí nhằm đáp ứng cơn khát năng lượng trong nước.
Đưa vấn đề biển Đông ra quốc tế
Việt Nam cũng như Philippines đều không thể đáp trả các hành động của Trung Quốc vào lúc này bằng giải pháp quân sự. Cách này chỉ có thể được dùng đến nếu chiến tranh leo thang. Không một quốc gia nào trong khu vực (liên quan đến biển Đông) mạnh bằng Trung Quốc khi đối đầu ở lĩnh vực hàng hải.
Vì vậy, các nước ở đây có thể chung sức gìn giữ hòa bình khu vực bằng cách tăng cường sức mạnh của riêng mỗi nước để bảo vệ chủ quyền quốc gia… Việt Nam và Philippines hãy cắt cử lực lượng tháp tùng các tàu khai thác dầu khí và cho máy bay ứng trực bảo vệ các tàu này khi có đụng độ…
Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung cần khuyến nghị lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tôn trọng những cam kết trong Hiệp định Thân thiện và Hợp tác ASEAN đã ký vào năm 2002 và Tuyên bố chung về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC).
Tốt nhất là sử dụng sự đoàn kết mạnh mẽ trong ASEAN và các phương pháp ngoại giao hữu hiệu để phân lập Trung Quốc, buộc họ hành động cẩn trọng hơn.
Các nước ASEAN cần tạo dựng sự đồng tâm hiệp lực để ràng buộc Trung Quốc vào các cuộc đàm phán, thảo luận đa phương; đồng thời, nên đưa vấn đề biển Đông ra Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng (ADMM+) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) nhằm làm giảm tín nhiệm của Trung Quốc và vạch trần cách tuyên bố chủ quyền của nước này.
Nếu Mỹ cho thấy rõ rằng Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines được thực thi trên cụm đảo thị tứ Kalayaan Island (một phần của quần đảo Trường Sa, Philippines tuyên bố chủ quyền đối với cụm đảo này) thì hiệp ước đó sẽ làm thoái chí Trung Quốc, qua đó góp phần giữ gìn hòa bình cho khu vực, bởi lẽ Trung Quốc chưa đủ mạnh về quân sự để thách thức Mỹ.
GS Carl Thayer (Dương Quang dịch)
[Quay lại]- Tấn Trần03/06/2011 07:23GS Carl Thayer cũng thực hiện theo lời dạy Bác Hồ của chúng ta thôi, đó là: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công".
- Tiêu Hoàng Kym03/06/2011 07:34(...) Ngày xưa chúng ta muốn thắng Pháp, Mỹ trên bàn ngoại giao thì trước đó ta buộc phải thắng chúng trên chiến trường, ngày nay khi ta chưa làm điều đó thì làm sao có được tiếng nói trên bàn ngoại giao ? ...
- Nguyễn Văn Thuật03/06/2011 09:24Giải pháp duy nhất và hiểu quả nhất trong vấn đề biển đông là Asean phải đoàn kết, sự đoàn kết quốc tế này sẽ thể hiện được đủ sức mạnh chống lại tính "tham" của TQ. Giải quyết các bất đồng phải dựa trên nguyên tắc ngoại giao và đàm phán, không được phép đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để thôn tính lẫn nhau. Đã đến lúc các nước Asean phải cảnh giác trước âm mưu phá hoại sự đoàn kết của khối , vì TQ chỉ muốn đàm phán song phương với mỗi nước trong vấn đề biển đông. Đây là phương thức đã được họ tính toán kỹ càng làm nảy sinh bất đồng giữa các nước Asean.
- hp03/06/2011 09:44HÃY XÂY DỰNG ASEAN LIÊN KẾT TƯƠNG TRỢ THÂN THIẾT NHƯ NATO CỦA PHƯƠNG TÂY MỚI CÓ THỂ LÀM ĐỐI TRỌNG VỚI TRUNG QUỐC
- cuti03/06/2011 11:16Khó mà có một asean đoàn kết lắm!
- nguyễn dũng03/06/2011 11:45Theo tôi đến bây giờ Trung quốc đã lộ dã tâm muốn nuốt trọn biển đông , những lời lẽ ngạo mạn vô căn cứ của phát ngôn nhân BNG Trung quốc đã nói lên điều đó ,ngay bây giờ các nước ASEAN hãy đoàn kết lại và CÙNG NHAU chống lại sự bành trướng của TQ nhân dịp hội nghị đang diễn ra tại Singapor. Hãy dùng hàng VN hay các nước trong asean , riêng gia đình tôi không bao giờ mua hàng của TQ , bởi lẽ mua hàng của TQ là vô tình tiếp sức mạnh cho TQ
- Hai lúa lép03/06/2011 12:03Theo tôi thì nếu muốn làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo thì cần phải trước hết: -Khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thật quật khởi quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nứoc đã được hun đúc trong lòng dân tộc suốt hàng nghìn năm qua. -Tăng cường tiềm lực quốc phòng ở mức cao nhất có thể. -Tăng cường khối đoàn kết Asean, tăng cường đoàn kết với tất những nước mà Việt Nam có thể làm bạn, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, ra toàn thế giới về sự vô lý trong các yêu cầu của Trung Quốc trong các đòi hỏi về Biển Đông, chỉ cho thế giới thấy rằng hành động của TQ là cách hành xử bá quyền, nước lớn theo kiểu xã hội đen, chà đạp và bất chấp mọi luật pháp quốc tế, không xứng đáng là một trong những nước lớn có thể dựa vào để cùng nhau đi lên trên con đường tiến bộ. -Và cuối cùng, một điểm nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng to lớn (xin trích dẫn bài viết của giáo sư Carl Thayer và xin cảm ơn ông rất nhiều vì bài viết này): “Nếu Mỹ cho thấy rõ rằng Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines được thực thi trên cụm đảo thị tứ Kalayaan Island (một phần của quần đảo Trường Sa, Philippines tuyên bố chủ quyền đối với cụm đảo này) thì hiệp ước đó sẽ làm thoái chí Trung Quốc, qua đó góp phần giữ gìn hòa bình cho khu vực, bởi lẽ Trung Quốc chưa đủ mạnh về quân sự để thách thức Mỹ”.
- Trung Hiếu03/06/2011 12:57Các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cần họp lại với nhau, thống nhất tạo một lực lượng Quân đội chung ( Như tuần tra chung trên Biển Đông , Tiến hành tập trận chung giữa các nước ASEAN về bảo vệ, phòng thủ , tác chiến trên biển....) Mô hình như khối NATO của Châu âu . Như vậy Trung Quốc sẽ không dám ỷ thế làm càn nữa. Như vậy khi xảy ra xung đột về Quân sự thì Trung Quốc đang chống lại lực lượng quân sự hùng hậu của 11 nước ASEAN, chứ không phải chỉ 1, 2 nước. Được như vậy thì có cho vàng Trung Quốc cũng không dám hó hé. Nếu ASEAN không đoàn kết , không tạo ra Quân đội chung thì Trung Quốc sẽ dể dàng thực hiện ý đồ xâm chiếm biển Đông với từng nước.
- Nguyên khôi Nguyên03/06/2011 13:20Mỗi người dân Việt chúng ta thôi uống vài chai bia & bớt mua một vài thứ hàng hiệu sẽ làm nước ta giàu hơn từ đó có tiền để hiện đại hóa thiết bị quân sự .
- Duy Le03/06/2011 15:58Đôi khi VN cần học Philipine về một Hiệp ước Phòng thủ chung. VN quá yếu, khối ASIAN không nhất quán, VN không có đồng minh khả dụng; khả năng lớn là chúng ta khó giữ toàn vẹn lãnh thổ trong tương lai gần.
- Tấn Trần03/06/2011 16:11Việc kêu gọi các nước trong khối ASEAN đoàn kết để làm đối trọng với Trung Quốc là việc cần phải làm và làm ngay, chỉ có đoàn kết mới có thể chống lại bọn bành chướng Trung Quốc, còn chia rẽ sẽ bị TQ lấn áp ngay. Nhưng trước khi các nước đoàn kết lại thì Việt Nam ta nên cần tự cứu lấy mình trước; Việt Nam cần có biện pháp mạnh lại để TQ không ngông ngênh như hiện nay. Tôi rất thích cách xử lý của Nhật, TQ xâm phạm chủ quyền là Nhật xử ngay, có như vậy TQ mới sợ.
- Thành Chung04/06/2011 00:37(...) Chúng ta không được nhân nhượng 1 tấc đất nào hết. Nhân nhượng tức thất bại. Con người Việt Nam,dù hy sinh chứ không bao giờ để giặc giày xéo, đô hộ thêm một giây phút nào nữa...
- XXXXXX05/06/2011 07:46Việt Nam có vị trí quan trọng nên không cần nói các nước ASEAN cũng hợp lại giúp thôi.
Tin liên quan
- 7 nước ASEAN kêu gọi hòa bình ở biển Đông
- Trung Quốc trắng trợn vu cáo Việt Nam
- “Đường lưỡi bò”: Áp đặt vô lý
- Hướng về biển đảo thiêng liêng
- Nên quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông
- Ấn Độ tăng cường phòng thủ biên giới với Trung Quốc
- Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: "Nếu xung đột, không bên nào thắng"
- Đàm phán để giải quyết tranh chấp trên biển Đông
- Mạnh mẽ ngoại giao quốc phòng
- Kênh đối thoại tuyến hai
- Hai bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế
- Ngư dân kiên trì bám biển
- Dùng thương thảo giải quyết bất đồng
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: "Trung Quốc đã có bài học lớn"