Friday, June 3, 2011

17/05 “Nền kinh tế đang ở thế bất lợi hơn năm 2008”


▪  ANH QUÂN
17/05/2011 16:27 (GMT+7)
 
Lễ công bố báo cáo kinh tế năm 2011.
Tăng trưởng GDP năm 2011 có thể thấp hơn dự kiến với lạm phát lên tới hai con số là kết quả một nghiên cứu, vừa được Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) - công bố sáng nay, 17/5. 

Báo cáo kinh tế năm 2011 có tiêu đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường” cũng cho thấy phần nào những khó khăn nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Thế bất lợi

Theo nhóm tác giả báo cáo, nếu xét về không gian cho các chính sách vĩ mô, hiện nay Việt Nam ở vào thế bất lợi hơn so với năm 2008, cho dù đó là năm chịu ảnh hưởng lớn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. 

Cách đây khoảng 3 năm, ngân sách chưa bị thâm hụt quá sâu nên chính sách tài khóa còn có thể khá linh hoạt; lạm phát bắt đầu bùng lên cao nhưng lãi suất lúc đó chưa cao, và khả năng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là chấp nhận đuợc. 

Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối năm 2008 đang ở đỉnh điểm, có thể can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối. Tâm lý của người dân và doanh nghiệp khi đó cũng vẫn còn khá lạc quan vì cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu.

Sau hai năm chống đỡ những khó khăn về kinh tế, sử dụng công cụ tài khóa một cách mạnh mẽ khiến nợ công đã tăng rất mạnh và thâm hụt ngân sách duy trì ở mức cao, không gian chính sách về khía cạnh tài khóa không còn nhiều, Báo cáo lưu ý. 

Trong khi đó, cũng năm 2010, Việt Nam cũng sử dụng nhiều can thiệp về tiền tệ như nâng lãi suất, thắt chặt hơn cung tiền và tín dụng, giảm mạnh dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá khiến không gian chính sách về khía cạnh tiền tệ bị thu hẹp. 

Báo cáo kết luận: “Trong năm 2011, các công cụ chính sách không còn nhiều cơ hội vận dụng với quy mô lớn được nữa. Điều này đã thể hiện rõ trong những tháng đầu năm, khi chúng ta phải sử dụng nhiều công cụ hành chính quyết liệt trong việc can thiệp vào các thị trường”.

Hai kịch bản tăng trưởng

Phân tích các nguồn lực hạn chế hơn trong năm nay, báo cáo đưa ra hai kịch bản cho nền kinh tế. 

Ở kịch bản thứ nhất, với chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách “kiên nhẫn” (kéo dài đến hết năm) đi liền với cắt giảm chi đầu tư công “ nghiêm khắc” như tinh thần của Nghị quyết 11, nhóm nghiên cứu cho rằng lạm phát năm nay vẫn có thể cao tới 15,5%, trong khi tăng trưởng chỉ đạt khoảng 6,2%, thấp hơn so với năm 2010 và chỉ tiêu của năm nay. 

“Việc lạm phát hay mức giá chung năm nay tăng cao bắt nguồn từ sự điều chỉnh lớn trong giá các mặt hàng thiết yếu và nguyên liệu đầu vào, cũng như đà tăng giá sau khi nới lỏng các biện pháp chính áp dụng trong năm trước. Chỉ trong trường hợp giá nguyên liệu thô trên thế giới giảm mạnh, thì lạm phát có thể giảm nhiều hơn vào cuối năm, giúp kìm đà tăng giá của cả năm”, Báo cáo nói rõ thêm.

Đặt kịch bản thứ hai với giả định Chính phủ không đủ quyết liệt trong việc chống lạm phát và bình ổn vĩ mô, nhóm nghiên cứu cho rằng mức lạm phát có thể cao hơn, khoảng trên 18%, nhưng đồng thời việc nới lỏng cũng giúp tăng trưởng cao hơn một chút, khoảng hơn 6,5%. 

So với các năm trước, hiệu ứng tăng trưởng không còn đáng kể vì sự bất ổn trong năm 2011 đã trực tiếp tác động đến chất lượng tăng trưởng, Báo cáo nhìn nhận và lưu ý thêm: “mức lạm phát cao như trong kịch bản này hàm chứa những rủi ro vĩ mô to lớn, và khả năng lạm phát vượt ra khỏi khả năng kiểm soát là cao”.

Rủi ro ngắn hạn: Lạm phát

Các nghiên cứu tại báo cáo cũng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những rủi ro cả ở ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. “Xét trong ngắn hạn, vấn đề lớn của năm 2011 vẫn là lạm phát và bất ổn vĩ mô”.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, các giải pháp chống lạm phát thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất dường như còn thụ động, chỉ được áp dụng khi vấn đề lạm phát đã xảy ra rồi, khiến hiệp lực không cao.

Trong khi đó, “ký ức” về lạm phát trong dân đã tồn tại lâu dài, khiến cho lạm phát thấp dễ bị đẩy lên cao, nhưng lạm phát cao thì “cân bằng bền”, gây khó khăn cho các giải pháp kiểm soát lạm phát và đòi hỏi phải duy trì các chính sách lâu dài, người điều hành đủ kiên nhẫn.

Báo cáo cũng lưu ý rằng, mức chuyển tỷ giá vào lạm phát là đáng kể trong ngắn hạn với việc phá giá dẫn đến giá cả tăng lên; thâm hụt ngân sách cộng dồn không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát mà chủ yếu do cách thức tài trợ thâm hụt; tăng lãi suất và tăng cung tiền có thể triệt tiêu nhau; cung tiền và lãi suất có tác động đến lạm phát nhưng với độ trễ khiến việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn...

Cũng chia sẻ quan điểm tại báo cáo này, TS. Võ Trí Thành lưu ý thêm, lạm phát tại Việt Nam chịu tác động cả từ phía cung và phía cầu. Tuy nhiên, để hạn chế tác động đến lạm phát từ chi phí đẩy, hiện Việt Nam không có công cụ nào để kiểm soát tốt: không có kho chiến lược để dự trữ nguyên, nhiên liệu quan trọng cho đầu vào sản xuất, không có khả năng trợ giá, như trường hợp với than, điện, xăng dầu mà thậm chí còn phải cho tăng giá... Cho nên chủ yếu giảm lạm phát ở bên cầu, giảm đầu tư, chi tiêu… 

Nhưng ông Thành cũng đặt hàng loạt câu hỏi cho vấn đề này, liệu Việt Nam sẽ chấp nhận đánh đổi tăng trưởng đến mức nào? Nếu đánh đổi thì vấn đề lao động như thế nào trong năm nay và giai đoạn tới?...

Rủi ro trung hạn: Cẩn trọng hệ thống ngân hàng

Với rủi ro trung hạn, báo cáo nhấn mạnh nguy cơ nằm trong khu vực ngân hàng thương mại. Theo nhóm nghiên cứu, khu vực này chịu áp lực rủi ro từ hai nhân tố lớn là doanh nghiệp, trong đó hệ thống doanh nghiệp nhà nước với những tiềm ẩn rủi ro tài chính đóng vai trò chủ chốt; và khu vực thị trường tài sản, trong đó thị trường bất động sản với giá cả bị kìm giữ ở mức cao (bong bóng) trong một thời gian dài tích tụ những nguy cơ tiềm tàng. 

Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất càng cao thì vốn càng chảy vào khu vực công nhiều hơn vì khu vực công sử dụng vốn “bất chấp” lãi suất. Và chi phí vốn càng cao thì đương nhiên chảy vào phí sản xuất.

Đánh giá một cách hệ thống, TS. Võ Trí Thành cho rằng, các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đang đối mặt 4 vấn đề: rủi ro thiếu thanh khoản; rủi ro sai lệch cơ cấu đồng tiền; rủi ro nợ xấu; rủi ro tổng dư nợ với thị trường bất động sản.

“Kết quả là, Việt Nam đang dần có nhiều dấu hiệu đi vào quỹ đạo điển hình của một nền kinh tế hàm chứa rủi ro khủng hoảng ngân hàng đi liền với rủi ro khủng hoảng tiền tệ (khủng hoảng đôi)”, báo cáo đưa ra bình luận. 

Kết luận thêm một rủi ro dài hạn từ các vấn đề nêu trên, nhóm nghiên cứu chỉ rõ nguyên nhân từ mô hình tăng trưởng dựa trên mở rộng đầu tư, khiến khoảng cách tiết kiệm - đầu tư của nền kinh tế ngày càng mở rộng, đi liền với thâm hụt cán cân vãng lai. Những mất cân đối đó khiến nền kinh tế trở nên dễ tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài, mà nguy cơ trực tiếp là các cuộc khủng hoảng tiền tệ.
 
Thảo luận (5 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Phan Bảo Lâm 16:31 (GMT+7) - Thứ Sáu, 20/5/2011
Như nhiều chuyên gia nhận định, việc điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay là không đồng bộ. Các biện pháp về điều hành vĩ mô có thể nói là gần như khoán trắng cho Ngân hàng Nhà nước.

Quyền lực của Ngân hàng Nhà nước là có hạn, không thể vượt ra khỏi hệ thống tiền tệ được. Trong khi đó, công cụ để điều tiết vĩ mô không phải chỉ có tài khóa và tiền tệ, còn thuế, còn kiểm toán, còn nhiều chính sách khác như chính sách tiền lương, chính sách nhà ở, chính sách giá cả, chính sách đầu tư công, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách xuất nhập khẩu,… với sự phối hợp của hàng loạt cơ quan chức năng khác chớ đâu phải chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước.

Phối hợp không đồng bộ do thiếu cơ chế chính sách thì lãi suất cao dùng cho ngắn hạn trở thành… vô thời hạn vì Ngân hàng Nhà nước đâu có quyền cấp phép hoặc không cấp phép cho dự án nọ dự án kia. Lãi suất cao mà họ vẫn chấp nhận vay tiền thì Ngân hàng Nhà nước cũng phải bó tay.

Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể dùng biện pháp hành chính bên trong hệ thống tiền tệ thôi chớ đâu có vượt ra ngoài được. “Quyết liệt” chống lạm phát nhưng vẫn để cho tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” xảy ra thì chống thế nào được.

Ngân hàng thắt chặt tín dụng BĐS còn Bộ Xây dựng thì hô hào kinh doanh đất đai BĐS ở khu vực nọ khu vực kia thì làm sao mà “thắt”. Bộ Kế hoạch đầu tư thu hút FDI 1 đằng còn Bộ Công thương cấp phép nhập khẩu 1 nẻo. Chính quyền địa phương “quyết liệt” bình ổn giá mà các DNNN độc quyền thì nay than lỗ mai kêu gào đòi tăng giá thì bình ổn kiểu gì.

Có thể nói kinh tế vĩ mô bất ổn ngay từ khâu điều hành. Quy trách nhiệm ra thì không có ai “đến mức bị kỷ luật” nên “chưa kỷ luật ai” và cuối cùng là “chuyện ai nấy làm”, ai điều hành cứ điều hành còn có tuân thủ cái sự điều hành ấy hay không lại là… chuyện khác.
Anhcuty 14:09 (GMT+7) - Thứ Năm, 19/5/2011
Megadeth lại nói đúng nữa rồi.

Theo em thiết nghĩ, cứ nghĩ đơn giản để điều hành đơn giản. Chứ đừng rối rắm thêm.

Tạm thời dẹp cụm từ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG, mà hãy điều hành bằng biện pháp hành chính cái đã. Chứ cứ cố đấm mà điều hành thì càng thêm rối tung.
MT 16:47 (GMT+7) - Thứ Tư, 18/5/2011
Chính phủ cần phải có một chính sách quyết liệt hơn nữa với hệ thống doanh nghiệp nhà nước lỗ triền miên. Biết rằng cắt bỏ cả cánh tay là đau, nhưng nếu đó là cách duy nhất thì cũng phải làm.
Megadeth 14:04 (GMT+7) - Thứ Tư, 18/5/2011
Thực tế tôi có cảm nhận một điều đối với nền kinh tế VN.

Càng là chuyên gia ở tầm vĩ mô thì lại càng nhận định tình hình kinh tế... kém hơn, thiếu nhạy bén hơn những người chỉ làm công ăn lương, sống nhờ vào đồng lương hoặc cán bộ ở tầm thấp hơn.

Lâu nay ngưòi làm công ăn lương, người lao động ai cũng thấy sờ sờ là rõ ràng khủng hoảng năm 2011 lớn hơn, khó khăn hơn năm 2008 nhiều nhưng đến giờ mới có kết luận thì rõ ràng là trễ.

Từ trễ đến lúc ban hành các chính sách để khắc phục thì lại càng trễ thêm.
Pvd 18:43 (GMT+7) - Thứ Ba, 17/5/2011
Tôi từng nghe trong dân gian câu: “Có dự án là có tiền”.

Phải chăng số cá nhân, tổ chức “đầu tư” chỉ chăm chú vào “kiếm tiền” bất chấp hiệu quả của đầu tư là thực hay giả, thành tích là thật hay chỉ là hình thức – đang chiếm tỷ lệ lớn?

Nếu đúng vậy thì thật buồn và những dự cảm về rủi ro VEPR đưa ra – không thể không kịp thời lưu ý – trước khi quá muộn!

No comments:

Post a Comment