Friday, June 3, 2011

03/06 Dùng thương thảo giải quyết bất đồng



Thứ Sáu, 03/06/2011 00:06

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Phó Thủ tướng, nhận định: Việt Nam không sợ yếu mà vì yêu chuộng hòa bình, nhân đạo

* Phóng viên: Xin ông cho biết nhận định của mình về sự vi phạm của tàu Trung Quốc trong thời gian qua.
- Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Tôi đã gần 90 tuổi, kinh qua 3 cuộc chiến tranh của dân tộc dài hơn 30 năm, cùng với quân đội và nhân dân đã giành đến thắng lợi cuối cùng. Bất cứ một cuộc chiến tranh nào đều không phải là nguyện vọng lớn của nhân dân Việt Nam cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới.
Sự kiện tàu hải giám Trung Quốc tấn công tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam vừa rồi trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã từng xảy ra nhiều lần.
Theo tôi, đây là chuyện xảy ra giữa hai nước láng giềng anh em, hai nước xã hội chủ nghĩa, hai nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo làm tôi rất trăn trở.
Tôi cho rằng, để giải quyết mâu thuẫn này nên theo cách “lấy nước chữa lửa” mà không nên “dùng lửa chữa lửa”. Tôi chân thành đề nghị Đảng ta và đảng bạn nên thông qua việc lãnh đạo cấp cao hai bên ngồi lại thảo luận nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm cũng được và lấy việc thương thảo kiên trì để giải quyết bất đồng.
Nếu ai đó muốn sử dụng cách gì khác thì trong lịch sử đã chứng minh, không nên vấp lại những chứng minh không hay trong lịch sử.
* Trong trường hợp Trung Quốc vẫn leo thang hành động trên thì sẽ làm như thế nào?
- Đấy là ý muốn của một phía, còn phía Việt Nam phải có cách tính chủ động, độc lập của mình. Theo tư tưởng của Bác Hồ thì không có gì tốt bằng con đường giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hòa bình, có lý, có tình, cuối cùng vẫn đi đến thành công. Họ leo lên đường này, ta sẽ theo đường khác vì còn có pháp luật quốc tế, dư luận quốc tế. Nhưng trên hết luật lệ là tình người, là tình hữu nghị hai nước.
Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc giống như chiếc “lưỡi bò” trên biển
vô cớ vẽ sát vào bờ các nước ven biển Đông
* Như vậy, Trung Quốc làm gì thì còn phải nhìn vào mối quan hệ, tình hữu nghị hai nước được xây đắp từ nhiều năm nay?
- Đúng là như vậy. Quan hệ hữu nghị là cao nhất, trong khi hai nước là láng giềng, nên tìm cách giải quyết những vấn đề chung. Nếu tình hình xấu đi, cả Việt Nam và Trung Quốc cũng đều không hay cả.
Cần phải nhớ rằng tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp cả về môi trường, kinh tế, chính trị và quân sự. Nhưng chúng ta cần phải đứng trên các vấn đề này để giải quyết mâu thuẫn.
* Việc ôn hòa, dùng “nước chữa lửa” theo truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình của Việt Nam xem ra chưa phải bài thuốc hữu hiệu, thưa ông?
- Đến tuổi này thì tôi vẫn thấy nhân đạo là vấn đề lớn nhất, hòa bình là quan trọng nhất. Vì thế, điều quan trọng nhất hiện nay là hai nước cần ngồi vào bàn thương lượng.
Không phải vì Việt Nam sợ yếu, hay kém mà là Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân đạo, Việt Nam cũng không phải một đất nước hiếu chiến.
Việc lấy mạnh đè yếu không phải lúc nào cũng thắng. Thậm chí có lấy giàu, lấy mạnh để đè yếu nếu có thắng thì cũng không có gì vinh quang cả. Nhưng tôi có thể kết luận việc lấy mạnh lấn yếu kết quả đều vấp thất bại vì không có chính nghĩa.
Chính nghĩa là sức mạnh dân tộc, chính nghĩa là sự ủng hộ rộng rãi của nhân loại. Nếu vi phạm điều này là có tính chất vi phạm cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Chính nghĩa quyết định việc thắng hay bại.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền
Ngày 2-6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối việc lực lượng hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh hành động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Tuyên bố chung về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC).
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở tàu cá lẫn ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.
P.Hồ
Thế Dũng thực hiện
[Quay lại]
Có 23 ý kiến
  • An Giang 1982
    03/06/2011 00:44
    Thưa Trung tướng, cháu hoàn toàn thống nhất với quan điểm của Trung tướng. Theo cháu, Việt Nam ta nên tăng cường mua sắm thêm các loại "hóa chất" dập lửa để chuẩn bị là vừa, mua càng nhiều càng tốt, phải không bác? Xin kính chào bác và chúc bác TRung tướng nhiều sức khỏe!
  • Bùi Tuấn Anh
    03/06/2011 09:03
    (...) Nếu ai hay dùng lửa bừa bãi thì có thể tự đốt cháy nhà mình
  • Thu An
    03/06/2011 09:06
    Nếu hàng xóm mà cứ quấy phá, lấn chiếm thì mình giảm chi tiêu cho các khoản khác để tập trung xây dựng hàng rào, mua thiết bị theo dõi, thậm chí cài nhiều bẫy (nói trước là có bẫy) để đối phó.
  • Dân tộc
    03/06/2011 09:07
    Tôi đồng ý với quan điển của trung tướng nhưng chỉ một phần thôi đó là phần nếu có thể xuất phát từ thiện chí của cả hai bên ta cùng ngồi đàm phán giải quyết, nhưng trên hết là tính toàn vẹn lãnh thổ phải được khẳng định cao nhất và bất di bất dịch. Vậy hành động lúc này của ta tuy chưa nên đối đầu nhưng phải chuẩn bị cho trương hợp đó xảy ra . Ta phải đấu tranh trực diện với họ trên chính trường pháp lý thế giới, phải cho thế giới biết bản chất của họ, phải để cho người dân lên tiếng tỏ rõ ý trí, lòng quyết tâm giữ nước có thế họ mới phần nào chùn bước chứ không là họ sẽ lấn tới mãi. Điều này tôi nghĩ trung tướng hiểu hơn chúng tôi rất nhiều
  • TRẦN TẤT BẠT
    03/06/2011 10:08
    Tôi cũng là một cựu chiến binh từ thời kỳ 69 -70 tại các chiến trường lào-campuchia- Việt Nam . Tôi thấm hiểu nỗi đau của chiến tranh, nên thấy mình cũng đã bị "lỳ " nên không sợ chiến tranh dù kẻ thù của chúng ta là ai.Tuy nhiên con đường chiến tranh là "con đường cùng", không phải là con đường mà nhân dân chúng ta chọn. Vơi Trung Quốc, tôi vẫn cho rằng vốn là người bạn, người anh em, người đồng chí thân thiết,Đảng, nhân dân trung quốc đã từng kế vai sát cánh cùng chúng ta trong cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc, "núi liền núi, sông liền sông" "môi hở răng lạnh" thì không có lý do gì chúng ta không cùng nhau ngồi lại để "phải trái phân minh" trong việc "Biển đông" .Người trung quốc là người sống có truyền thống, có cốt cách và hiểu sâu sắc lịch sử của dân tộc Việt Nam ngàn đời, không có lý do gì lại làm những điều "lịch sử lập lại" Vì vậy chúng ta kiên quyết nhưng phải hết sức bình tĩnh, Quan điểm của việc Việc "ôn hòa" , dùng “nước chữa lửa” theo truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình của Việt Nam là bài học đời đời của truyền thống đánh giặc của ông cha ta. Khi giặc đến thì đánh, khi giặc thua thì "đi bộ thì ta cho ngưa, đi thủy thì ta cho thuyền" để tiễn giặc về nước , đó là đạo lý và là cách cư sử của người việt nam, dân tộc việt nam.Chúng ta không sợ nhưng chúng ta không muốn chiến tranh vì "Bán anh em xa, mua láng riềng gần" .chúng ta có chính nghĩa, chúng ta có luật, có bạn bè quốc tế , chúng ta có cả nhân dân trung quốc anh em, chúng ta sẽ giữ vững độc lập , chủ qyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc thân yêu.
  • Nguyễn Đức Nghĩa
    03/06/2011 10:12
    Theo tôi, Việt Nam đã nhún nhường,hòa hiếu rất nhiều, đến giới hạn chịu đựng rồi! Việc thương thảo chỉ được áp dụng đối với vùng tranh chấp và trong điều kiện 2 bên không làm phức tạp thêm tình hình! Ở đây Trung Quốc cố tình xâm phạm khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam được Pháp luật Quốc tế bảo hộ (Công ước Luật biển 1982). Nếu chúng ta thương thảo với Trung Quốc về sự kiện 26/5/2011 (Bình Minh 02) thì chúng ta rơi vào bẫy của Trung Quốc! Và chính chúng ta giúp cho Trung Quốc mở rộng khu vực tranh chấp! Láng giềng hữu nghị là điều ai cũng muốn để tránh xung đột, nhưng thời gian qua chỉ theo một chiều từ phía Việt Nam, còn Trung Quốc thì không cho thấy thiện chí. Nếu họ nghĩ tình hữu nghị 2 Đảng Cộng sản thì họ đã không có những hành động gây hấn leo thang như vừa qua.
  • viettoan
    03/06/2011 11:10
    Hoàn toàn đồng ý với NĐN. Đây chính là "phép thử" của Trung Quốc. Vào đến tận vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam để gây sự thử xem phía VN ta phản ứng thế nào. Nếu ngồi vào đàm phán thì không khác gì ta đã thừa nhận vùng đó là khu vực đang tranh chấp.
  • L.H.
    03/06/2011 11:18
    Với trường hợp tàu Bình Minh 02 bị tấn công, ta không việc gì phải thương lượng với Trung Quốc cả. Địa điểm tàu Bình Minh 02 bị tấn công hoàn toàn nằm trong vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam chứ không nằm trong vùng chồng lấn có tranh chấp. Đây rõ ràng là hành động xâm phạm trắng trợn mang tính khiêu khích. Chúng ta phải cho thế giới và cả nhân dân Trung Quốc thấy được sự phi chính nghĩa của chính quyền Bắc Kinh.
  • Trần Việt Dũng
    03/06/2011 11:30
    Trung Quốc luôn là kẻ đi nắn gân người khác, nêu Việt Nam không cương quyết thì suốt đời bị Trung Quốc bắt nạt thôi.
  • Nguyễn Minh
    03/06/2011 11:36
    Chưa có hành động nhún nhường nào Việt Nam chưa sử dụng. Nhưng nhún nữa thì chỉ có tự tay dâng đất, biển đảo, tài nguyên mời họ xơi thôi.
  • Kỹ sư Lê Quốc Ca
    03/06/2011 11:37
    Trước khi là kỹ sư tôi là người lính chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Tôi hiểu cái giá phải trả của một dân tộc nếu chiến tranh xảy ra, vì thế hòa bình là khát vọng của dân tộc ta nói riêng và nhân dân Thế giới nói chung. Những người lãnh đạo Trung Quốc không phải họ không hiểu điều mà Trung tướng nói mà thực chất của vấn đề là họ muốn chiếm Biển Đông. Khi mục tiêu của họ là chiếm Biển Đông vì lợi ích dân tộc của họ thì tình đồng chí cũng chỉ là mỹ từ mà thôi. Đặng Tiểu Bình đã từng nói rằng:" Mọi thứ đều có thể thay đổi, chỉ có lợi ích dân tộc của nhân dân Trung Quốc là không thay đổi". Vì thế, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt nam kiên trì đường lối hòa bình, nhưng phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống nếu có chiến tranh sảy ra, đó là đường lối duy nhất đúng, nếu chúng ta quá tin vào "tình đồng chí"  thì rất có thể chúng ta sẽ bị động. Lòng dân đang rất căm phẫn trước hành động ngang ngược của TQ. Lòng yêu nước của nhân dân luôn có sẵn, đây cũng là một cơ hội để đoàn kết dân tộc Lê Quốc Ca
  • Nguyễn hoàng
    03/06/2011 12:05
    cố mà nhịn, khi nào không nhịn được nữa thì... vẫn phải nhịn!
  • Phạm Ái Quốc
    03/06/2011 12:07
    Yêu chuộng hòa bình là phẩm giá cao đẹp của Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng phải tính táo để tránh "đặc tính ngụy biện" trong mỗi con người chúng ta, khi mình sợ hoặc ngại làm một việc gì đó...
  • Thanh Nam
    03/06/2011 13:44
    Tôi nghĩ Việt nam lâu nay vẫn theo đuổi giải pháp hòa bình với TQ nhưng ở thế yếu nên đã phải nhân nhượng nhiều. Đã đến lúc phải kiên quyết. Chỗ nào cần đàm phán thì ngồi vào đàm phán, chỗ nào thuộc chủ quyền rõ ràng của ta thì dứt khoát không đàm phán. Ai xâm phạm, nói không nghe thì phải dùng vũ lực. Nếu không, TQ biến từ chỗ không thành có, và ta nguy cơ mất biển.
  • N V Ngọc
    03/06/2011 14:23
    Một bên cứ đốt lửa bẳng mọi cách, bằng mọi loại nhiên liệu. Chẳng nhẽ bên này lại chỉ biết đi lấy nước dập lửa sao ? ...
  • phan thanh long
    03/06/2011 16:41
    Nói thì rất dễ ,nhưng tức nước thì vỡ bờ ,.. Ngư dân VN rất nhiều gia đình có người đã chết , chưa kể những thiệt hại kinh tế họ đang phải gánh chịu , và thể diện của 1 quốc gia có chủ quyền đang bị chà đạp .... Thật ngây thơ và ảo tưởng khi trông chờ vào thiện chí của họ.
  • Quang huy
    03/06/2011 21:11
    Kính thưa Trung Tướng . Là người lính tôi hoàn toàn không muốn có chiến tranh . Nhưng không có chiến tranh tại sao vẫn cần có những người lính ? Chắc Trung tướng thấu hiều hơn tôi nhiều lắm. Nhưng nếu "càng nhân nhượng nó càng lấn tới"
  • Trần Thoan
    03/06/2011 22:20
    Tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng bác Đồng Sỹ Nguyên, một lão thành cách mạng, đã dũng cảm trong chiến tranh giữ nước, thẳng thắn góp ý trong xây dựng Tổ quốc. Nhưng: chúng ta càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới. Thật ra chúng ta đã bị dồn đến chân tường rồi thưa bác. Hôm nay, chúng vào vườn nhà mình, nhổ cây, phá nát cả khu vườn, ngày mai chúng bảo vườn của nhà chúng. Chúng cháu thế hệ hậu sinh của bác, nhưng cũng dã thấm đẫm suy nghĩ trăn trở trước vận mệnh đất nước: Hoàng Sa 1974 - Biên giới phía Bắc 17/2/1979; Trường Sa - 1988.Và cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tướng Lê Văn Cương: đối với Trung quốc càng lùi thì họ càng tiến.
  • Nguyễn Cao Hải
    03/06/2011 22:34
    1. Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn Lấy chí nhân để thay cường bạo ( Nguyễn Trãi ) Chân lý đó không chỉ của một thời! 2. Chúng ta muốn hòa binh, chúng ta đã nhân nhượng,nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì kẻ muốn cướp nươc ta càng lấn tới. Chấp nhận một cuộc chiến là cách lựa chon cuối cùng của dân tộc Việt Nam để bảo vệ Tổ quốc. Điều đó cũng không phải của riêng thời nào 3. Nhưng, tìm cách tránh khỏi chiến tranh không đồng nghĩa với quỵ lụy, đầu hàng. Mà phải  phát huy bằng được tinh thần và năng lực yêu nước của toàn dân, không phận chia tộc người,tầng lớp. Vẫn đàm phán, kiên trì đàm phán nhưng phải có tiếng nói cua hội nghị Diên Hồng, quyết đánh, dám đánh, biết đánh thắng chứ
  • Nguyễn Tuấn
    04/06/2011 08:03
    Kính thưa Ngài Trung Tướng,  xin hỏi Ngài, bây giờ thì sẽ "NHẪN " đến mức nào thì gọi là giới hạn cuối cùng ?  Ông Bà ta có câu "chờ được vạ thì má đã sưng ". Nếu xảy ra thiệt mạng ngư dân ai chịu trách nhiệm?  Kính Thư.
  • Vũ Tuấn Anh
    04/06/2011 10:48
    Trước hết tôi cũng đồng quan điểm với tướng Nguyên, mọi tranh chấp trước hết phải thông qua thương lượng hòa bình. Tuy nhiên, việc thương lượng có tiến hành được hay không phải phụ thuộc vào ý chí của cả hai bên. Nếu chỉ một bên có thiện chí, còn bên kia chỉ muốn lấn tới, lấy mạnh đề yếu thì không thể thương lượng được mà mọi kết quả đạt được trong cuộc thương lượng như thế chỉ là sự đầu hàng. Đối với tình hình biển Đông nói riêng và biên giới Việt - Trung nói chung, thì Việt Nam đã nhân nhượng Trung Quốc rất nhiều. Chúng ta không dám xua đuổi tầu đánh cá Trung Quốc, không dám bắt giữ tàu Trung Quốc, không dám vạch mặt chỉ tên tàu Trung Quốc giết dân ta và vi phạm lãnh hải của ta mà chỉ dám gọi là "tàu lạ". Tuy nhiên, chúng ta càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới, chúng ngang nhiên cho tầu tiến sâu vào lãnh hải của ta, lại còn lớn tiếng yêu cầu ta không được sống trong ngôi nhà của ta nữa. Thật hết chịu nổi, vì vậy tôi cho rằng tại thời điểm hiện nay, chúng ta không thể tiếp tục nhân nhượng, không thể tiếp tục đàm phán với Trung Quốc được nữa. ...
  • Quốc Tuấn
    04/06/2011 21:30
    ....Hòa bình của chúng ta không phải là cầu hòa, Việt Nam không chấp nhận hòa bình lệ thuộc. Khi ta đã làm tất cả những gì có thể để gìn giữ hòa bình mà nước khác cứ muốn xâm hại lợi ích của đất nước ta thì lúc đó, thế của ta sẽ như cánh cung kéo hết, đã buông dây cung thì đó là sức mạnh vô cùng to lớn của cả dân tộc để bảo vệ Tổ quốc mình". Xin cảm ơn Tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông đã nói lên những lời làm chúng tâm an tâm và tin tưởng.
  • Manh Dương
    14/06/2011 10:17
    Tôi rất kính phục tướng Nguyên nhưng riêng với quan điểm của ông trong bài trả lời phỏng vấn này thì tôi không đồng ý, nhất là suy nghĩ và lời đề xuất của ông...

No comments:

Post a Comment