Sunday, April 17, 2011

05/04 Tăng lương tối thiểu lên 830.000 đồng

Cập nhật lúc 05/04/2011 07:04:00 AM (GMT+7)

Từ ngày 1/5, mức lương tối thiểu sẽ là 830.000 đồng/tháng, tăng 100.000 đồng so với hiện tại.

Ảnh: H.Anh
Theo nghị định được Thủ tướng ký ngày 4/4, mức lương tối thiểu chung được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý theo hoạt động của luật Doanh nghiệp.

Mức lương tối thiểu chung này được dùng làm cơ sở tính các mức lương trong hệ thống thang, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định nêu trên.

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng thêm 13,7%.

Chính phủ thống nhất, kinh phí thực hiện tăng lương tối thiểu chung đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm từ các nguồn như sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao 2011 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sử dụng tối thiểu 40% thu được để lại theo chế độ năm 2011 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu.

Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ đi chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế).

Sử dụng 50% số tăng thu thực hiện so dự toán năm 2010 của ngân sách địa phương; nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2010 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương.

Ngoài ra, ngân sách trung ương sẽ bảo đảm bổ sung kinh phí để thực hiện tăng lương tối thiểu chung trong trường hợp các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện trích như trên nhưng vẫn không đủ kinh phí.

Ngân sách trung ương cũng sẽ hỗ trợ những địa phương khó khăn, chưa cân đối được nguồn với mức bình quân 2/3 so với mức lương tối thiểu chung đối với người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, ở thôn và tổ dân phố.

Theo TTXVN


11/04 Tư lệnh Mỹ hối thúc Trung Quốc minh bạch quân sự

Cập nhật lúc 11/04/2011 06:10:00 AM (GMT+7)

- Bày tỏ quan ngại về khả năng lực lượng vũ trang Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, một quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc cho rằng, việc thiếu vắng lời giải thích từ quốc gia Đông Á về các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của họ có tác động lớn tới ổn định khu vực.

"Thiếu vắng giải thích về quá trình hiện đại hóa quân sự, Trung Quốc đã tạo ra những ảnh hưởng quan trọng với ổn định khu vực”, Đô đốc Robert Willard - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ - nói trước Ủy ban Vũ trang Hạ viện.

Theo ông Willard, khu vực đang phát triển những kết luận riêng về việc tại sao quân đội Trung Quốc (PLA) tiếp tục mở rộng các khả năng để trình diễn sức mạnh bên ngoài biên giới Trung Quốc hay khả năng ngăn chặn sự tiếp cận của lực lượng Mỹ cũng như đồng minh trong khu vực.

h
Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ. Ảnh: wordpress
Đô đốc Mỹ cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ xác định phần lớn môi trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Ông nhấn mạnh, các hoạt động của hải quân Trung Quốc là thách thức trực tiếp với việc làm sáng tỏ luật pháp quốc tế cũng như thiết lập các chuẩn mực quốc tế đã được thừa nhận.

"Có quan ngại ngày một lớn về cách hành xử của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải. Các tuyên bố chính thức và hành động của Trung Quốc gần đây trong những gì mà Bắc Kinh gọi là "vùng biển gần" của họ đã tạo ra một thách thức trực tiếp với việc làm sáng tỏ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế đã được công nhận”, Willard nói.
"Trong khi Trung Quốc không đưa ra những tuyên bố chủ quyền hợp pháp với toàn bộ vùng biển này, thì họ đã tìm cách hạn chế hoặc ngăn chặn các hoạt động hàng không và hàng hải quân sự nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, tại những vùng biển gần từng gọi là chuỗi đảo đầu tiên (nói chung hiểu như một tuyến đường qua Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và Indonesia) và bao gồm cả vịnh Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông”, Tư lệnh Mỹ khẳng định.

Đô đốc Willard cho hay, các tàu hải quân và giám sát ngư trường Trung Quốc hoạt động ngày một quả quyết những năm gần đây để nỗ lực thúc đẩy tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông khiến cho các đối tác và đồng minh của Mỹ ở Đông Á phải tìm kiếm sự hỗ trợ bổ sung và tái đảm bảo để cân bằng cũng như kiềm chế cách hành xử của Trung Quốc.

"Rõ ràng, Trung Quốc đã đầu tư khổng lồ vào các khả năng hàng hải bao gồm cả lực lượng hải quân PLA. Và chúng ta không hề nghi ngờ rằng, họ có khát khao kiến tạo một lực lượng hải quân biển xanh có thể triển khai khắp thế giới, khát khao ấy ngày nay đã thể hiện qua các hoạt động chống cướp biển ở trong và gần vịnh Aden", ông Willard nhấn mạnh. "Họ đã chứng minh bằng cách điều động đội tàu tới biển Địa Trung Hải trong cuộc khủng hoảng Libya để hỗ trợ sơ tán công dân Trung Quốc. Họ đã mở rộng đội tàu tuần tra hơn nữa với chuỗi đảo đầu tiên, và mở rộng các hoạt động tại Thái Bình Dương với tốc độ khá ổn định”.

Theo ông Willard, nhiều tuyên bố chính sách hàng hải và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Tư lệnh Mỹ tuyên bố, Mỹ luôn tìm kiếm sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích các nước trong kiểm soát các hành động ở ngoài khơi bờ biển của họ với lợi ích của tất cả quốc gia trong việc bảo vệ tự do hàng hải.

Ông Willard cho rằng Trung Quốc tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa và nâng cao khả năng chiến đấu của không quân mà không giải thích công khai về việc các lực lượng này sẽ được sử dụng thế nào. "Lo ngại đặc biệt là chương trình tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình - trong đó có khả năng chống hạm - và việc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ bốn, thế hệ năm”, ông nói.

"Cùng lúc đó, Trung Quốc đang theo đuổi các khả năng chiến tranh ảo, chiến tranh không gian có thể được sử dụng không chỉ làm gián đoạn các hoạt động quân sự Mỹ mà còn đe dọa cơ sở hạ tầng không gian, thông tin trên mạng phục vụ cho truyền thông và thương mại quốc tế”, Tư lệnh Willard cảnh báo.

  • Thái An (Theo indianexpress)


14/04 Đường sắt cao tốc và sức mạnh quân sự Trung Quốc

Cập nhật lúc 14/04/2011 06:17:00 AM (GMT+7)

Các dự án đường sắt cao tốc đầy tham vọng ở khắp châu Á cho phép các dịch vụ quân sự và an ninh Trung Quốc “trình diễn” sức mạnh.

Phần hai bài viết của tác giả Christina Y Lin đăng trên Atimes

Konstantin Syroyezhkin tại Học viện Nghiên cứu chiến lược của Kazakhstan chỉ ra rằng, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới đường bộ và đường sắt tại Trung Á với sự tham dự của Trung Quốc có thể được sử dụng cho tương lai phát triển của quân đội Trung Quốc (PLA) trong trường hợp xảy ra xung đột nghiêm trọng đe dọa tới an ninh hay các lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Lo lắng này đã được chứng thực bởi cuộc tập trận quân sự Sứ mệnh Hòa bình SCO 2010, khi Trung Quốc đưa quân tới Kazakhstan bằng tàu hỏa.

Tương tự như vậy, những nước khác như Ấn Độ cũng chia sẻ quan ngại chung.

Đường sắt là một phương tiện vận chuyển quan trọng để di dời quân đội và các thiết bị nặng. Ảnh: Chinadaily
Trung Quốc đã nâng cấp và phát triển nhanh chóng mạng lưới đường sắt và hàng không tại Tây Tạng với bốn sân bay đang hoạt động và một đang trong quá trình xây dựng. Tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng được khánh thành năm 2006, sử dụng như một tuyến hỗ trợ, tăng cường khả năng hiện đại hóa của PLAAF. Ngày 3/8/2010, nhật báo PLA đưa tin về một đoàn tàu chở các vật liệu quan trọng phục vụ PLAAF đã tới Tây Tạng thông qua tuyến đường sắt này.

Theo giới phân tích, nếu quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ nhanh chóng xấu đi và tới bờ vực của cuộc đụng độ quân sự thì các lữ đoàn miền núi của PLA có thể nhanh chóng triển khai tới khu vực cần thiết thông qua đường sắt. Và trên thực tế, xây dựng đường sắt cũng như đường bộ đã là chiến lược Himalaya của Trung Quốc trong nhiều thập niên.

Đường sắt Trung Quốc - Iran

Tháng 10/2010, các bộ trưởng Vận tải của Trung Quốc, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan và Iran đã ký kết một thỏa thuận tại Dushanbe, Tajikistan, để bắt đầu khởi công xây dựng đường sắt Trung Quốc - Iran. Tuyến đường từ Tân Cương, Trung Quốc sẽ đi qua Kyrgyzstan, Tajikistan và Afghanistan, tới Iran và chia thành một đường phía nam đến vùng Vịnh, một đường phía tây đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tháng 8, Trung Quốc và Iran đã ký kết thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD để xây dựng mạng lưới đường sắt ở tây Iran, hướng lên phía tây tới Iraq và cuối cùng là kết nối với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia ven Địa Trung Hải.

Đường sắt Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ

Cùng khoảng thời gian đó, tháng 10/2010, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc nâng tầm quan hệ trở thành một “đối tác chiến lược”, ký kết các thỏa thuận về đường sắt cao tốc tại Thổ Nhĩ Kỳ để cuối cùng là kết nối với Trung Quốc, nâng cấp quan hệ quân sự hai bên, và tham gia cuộc tập trận không quân thường niên của NATO mang tên Đại bàng Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung Quốc sẽ đầu tư 30 tỉ USD để xây dựng 7.000km các tuyến đường sắt cao tốc khắp Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như nâng cấp hệ thống đường sắt nối Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, dự kiến thực hiện một tuyến đường sắt nối với Iran và Pakistan. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn mời Bulgaria tham gia vào kế hoạch đường sắt cao tốc Á - Âu. Trung Quốc đề nghị cung cấp các khoản vay khổng lồ cho việc xây dựng để đổi lại sự chấp thuận được sử dụng các sông ngòi, cảng biển, sân bay của Bulgaria như một trung tâm vận chuyển vào Tây Âu.

Với quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ, sự tham gia vào các cuộc tập trận trong tương lai, đường sắt Trung Quốc có thể tăng cường sức mạnh của PLA, giúp họ mở rộng hiện diện tại Trung Đông và xa hơn nữa là khu vực Biển Đen. Ngoài tham gia cuộc tập trận không quân “Đại bàng Thổ Nhĩ Kỳ” tháng 10/2010, Trung Quốc còn triển khai lực lượng đặc nhiệm tham gia diễn tập tại một trường quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng 11. Với các báo cáo về việc PLAAF tiếp dầu tại Iran trên lộ trình tới Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến đường sắt cao tốc có thể đảm nhận sứ mệnh hỗ trợ hậu cần và vận chuyến vật liệu sẵn sàng chiến đấu phục vụ cho không quân Trung Quốc trong tương lai.

Mặc dù rất tích cực, nhưng việc xây dựng các hệ thống đường sắt khắp Á - Âu, Iraq và Afghanistan vẫn còn thiếu sự liên kết bởi tình hình an ninh và sự hiện diện lớn của Mỹ cũng như quân đội NATO.

Tuy nhiên, khi Mỹ rút lui, Trung Quốc có thể tích cực tham gia vào Lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, để triển khai PLA dưới hình thức mũ nồi xanh nhằm bảo vệ năng lượng và các lợi ích chiến lược của mình. Nước này đã dành 3,4 tỉ USD đầu tư vào mỏ đồng Aynak tại Afghanistan cũng như rất nhiều khu khai thác dầu khí tại Iraq.

Trung Quốc cũng có thể sử dụng SCO để thúc đẩy cái gọi là hợp tác khu vực cho việc xây dựng hệ thống đường sắt xuyên Afghanistan đến Iran, và cuối cùng kết nối với Iraq. Trung Quốc không hào hứng với các sáng kiến do phương Tây dẫn dắt kiểu như Hành lang Giao thông châu Âu, Caucasus, và châu Á (TRACECA), được biết tới với tên gọi “Con đường Tơ lụa mới”. Thay vào đó, họ thích các dự án của riêng mình để không phải chịu ơn hay bị trừng phạt từ phương Tây.

Đường sắt - quân sự

Các dự án đường sắt cao tốc đầy tham vọng của Trung Quốc ở khắp châu Á và Trung Đông có những tác động chiến lược quan trọng. Nó kết nối những khu vực nghèo hơn với các khu vực thịnh vượng hơn, cung cấp nhiều việc làm trong thời kỳ suy thoái và khó khăn về kinh tế, cho phép các dịch vụ quân sự và an ninh Trung Quốc được “trình diễn” sức mạnh tốt hơn ở trong cũng như ngoài biên giới.

Trong khi vận tải hàng không thực hiện nhanh chóng hơn, nhưng lại giới hạn về số người và trọng lượng, thì đường sắt lại là một phương tiện vận chuyển quan trọng để di dời quân đội và các thiết bị nặng, hoạt động dễ dàng hơn khi đảm nhận nhiệm vụ hậu cần.

Khi danh mục kinh tế và năng lượng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng ở một Trung Đông rộng lớn hơn, thì các điều kiện tương lai có thể cho phép PLA triển khai quân đội sử dụng đường sắt cao tốc để bảo vệ các lợi ích chiến lược của họ. Tháng 1/2011, có những thông báo rằng, PLA đã triển khai quân đội tới khu kinh tế Rajin-Sonbong ở đông bắc Triều Tiên để “bảo vệ các cơ sở cầu cảng mà Trung Quốc đã đầu tư vào”.

Cho dù đây có thể là dấu hiệu tiết lộ những gì có thể xảy ra với các lợi ích của Trung Quốc tại Afghanistan, Iraq, và nơi nào khác nữa, thì tương lai chiến lược Hỏa tốc Đông phương của PLA vẫn còn là một bí ẩn.

* Christina Y Lin, tiến sĩ nghiên cứu, tư vấn cho IHS Jane và là cựu giám đốc hoạch định chính sách Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm 2008, tác phẩm đề cập tới mối liên quan các vấn đề hạt nhân Trung Đông và Đông Á mang tên “Đức vua từ phương Đông” của bà đã được Học viện Kinh tế Hàn Quốc xuất bản, gần đây được giới thiệu trên nhật báo Phố Wall.

  • Thụy Phương (Theo Atimes)


14/04 Ủy ban Mỹ thông qua việc bổ nhiệm Đại sứ tại VN

Cập nhật lúc 14/04/2011 07:31:00 AM (GMT+7)

Ngày 12/4, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua bổ nhiệm của Tổng thống Barack Obama đối với các đại sứ tại một số nước, trong đó có Việt Nam.

Ủy ban Đối ngoại đã đồng ý cho nhà ngoại giao chuyên nghiệp David B.Shear trở thành tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ông Shear được Tổng thống Obama đề cử hôm 13/12/2010 và chỉ còn phải chờ toàn thể Thượng viện Mỹ thông qua.

Ông David B.Shear còn phải chờ toàn thể Thượng viện Mỹ thông qua để trở thành tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: state.gov

Ông Shear là nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm về châu Á. Bắt đầu vào ngành ngoại giao năm 1982, ông từng công tác tại Sapporo, Bắc Kinh, Tokyo và Kuala Lumpur, cũng như làm việc tại phái đoàn Mỹ ở Liên hợp quốc.

Tại Washington, ông làm việc cho Văn phòng về Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, và là trợ lý đặc biệt của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị của Bộ Ngoại giao Mỹ. Từ năm 2009 đến nay, ông Shear là phó trợ lý Ngoại trưởng tại Vụ Đông Á - Thái Bình Dương.

Ông thông thạo tiếng Trung và tiếng Nhật, tốt nghiệp cử nhân trường Cao đẳng Earltham và có bằng cử nhân của trường Johns Hopkins về quan hệ quốc tế, từng làm nghiên cứu ở viện chuyên về ngoại giao tại đại học Georgetown, từng có đệ nhất đẳng huyền đai võ Kendo Nhật Bản.

Nếu được toàn thể Thượng viện Mỹ phê chuẩn, ông Shear sẽ là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thứ 5 kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, kế nhiệm ông Michael Michalak đã rời Việt Nam ngày 14/2 sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác 3 năm rưỡi.

Nói về người nhiều khả năng kế nhiệm mình, ông Michael Michalak bày tỏ trong buổi họp báo cuối cùng tại Hà Nội trên cương vị Đại sứ Mỹ: “Ông ấy là một người tốt và đã từng làm việc dưới quyền tôi khi tôi công tác tại Nhật Bản. Chúng tôi coi nhau như anh em. Tôi đã từng nói chuyện với ông ấy và biết rằng giáo dục là vấn đề được ông ấy ưu tiên cao”.

Được biết tại buổi điều trần trước Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại ở Thượng viện trước đó, ông Shear đã bày tỏ: “Tôi rất cảm kích trước sự tin tưởng mà Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton dành cho tôi trong cương vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Nếu được chấp thuận, tôi sẽ làm việc thật sát với Quốc hội để tăng cường mối quan hệ Mỹ - Việt”.

Trong khi chờ tân Đại sứ được phê chuẩn chính thức, bà Virginia Palmer, Phó Đại sứ, tạm thời đảm nhiệm vị trí Đại biện lâm thời phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam.

Chung Hoàng (tổng hợp)


15/04 Có thể dùng mạng xã hội vận động bầu cử

Tổng thư ký Hội đồng bầu cử TƯ:

- "Luật không quy định vận động bằng mạng xã hội song nếu ai đó thấy hữu ích vẫn có thể khai thác, miễn là̀ trình bày một cách trung thực, khách quan về bản thân. Cá nhân tôi cho là được phép", Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương Phạm Minh Tuyên nói.


"Ai trúng cũng được"

Từ ngày 3/5 đến ngày 18/5, các ứng viên sẽ bắt đầu vận động bầu cử Quốc hội. Theo luật định, ứng viên được làm gì và không được làm gì, thưa ông?

- Đây là thời gian để ứng viên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri trình bày chương trình hành động, qua đó thể hiện năng lực của mình. Nhờ vậy ứng viên cũng ́ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Ông Phạm Minh Tuyên: Không có chuyện các ứng viên đối thoại, tranh luận, trao đổi xem ai hơn ai. Ảnh: Long Anh

Thông thường ứng viên sẽ nói một số nội dunǵ như về trách nhiệm của người đại biểu. Nếu được bầu vào QH, mỗi người sẽ có trách nhiệm phản ánh vấn đề bức xúc của cuộc sống, tham gia đóng góp xây dựng luật pháp. Thực hiện các chức năng lớn về lập pháp, giám sát tối cao...

Những cách thức vận động chủ yếu là gì?

- Có hai hình thức: Gặp gỡ trực tiếp với cử tri nơi ứng cử và thông qua đài truyền hình địa phương để nêu chương trình hành động.

Ứng viên có được tự mình vận động hay mọi cuộc tiếp xúc đều phải thông qua tổ chức?

- Theo luật định, cơ quan nhà nước có trách nhiệm đứng ra tổ chức buổi tiếp xúc vì nếu để các đại biểu tự lo việc đi gặp gỡ, vận động, thì có người đủ điều kiện, có người không.

Liệu có xảy ra tình trạng phân biệt giữa các ứng viên là lãnh đạo cấp cao với ứng viên là công chức bình thường, chẳng hạn có người được ưu ái dành nhiều thời gian hơn, được lên truyền hình vào "giờ vàng"?

- MTTQ có một bản hướng dẫn chi tiết cho quá trình tiếp xúc cử tri. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo bình đẳng giữa các ứng viên giữ chức vụ khác nhau. Ví dụ, quy định tối thiểu phải tiếp xúc bao nhiêu cuộc, trong phạm vi nào... Mỗi ứng viên đều phải cố gắng ở mức cao nhất.

Mỗi người sẽ được tổ chức một buổi riêng hay tất cả các ứng viên đều được tổ chức vận động cử tri vào cùng thời gian?

- Theo quy định của luật, mỗi đơn vị bầu cử sẽ bầu không quá 3 ĐB. Như vậy mỗi đơn vị sẽ có từ 5 đến 6 ứng viên và sẽ có một hội nghị tiếp xúc tổ chức chung.

Ứng viên có được đối thoại, tranh cử để thể hiện năng lực không?

- Luật pháp không cấm. Nhưng theo truyền thống và thông lệ của nước ta, do tôn trọng suy nghĩ cá nhân nên việc ai đó phát biểu thế nào là quyền riêng tư nên cũng không có chuyện các ứng viên đối thoại, tranh luận, trao đổi xem ai hơn ai mà thường trình bày năng lực, những việc sẽ làm nếu trúng cử...

Đây là truyền thống và sự tôn trọng lẫn nhau.

Tất nhiên, các ứng viên có quyền đối thoại với nhau song ứng cử QH không giống tranh cử vào một chức vụ quản lý nào đó. Danh sách ứng cử vào QH là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và lựa chọn trên một phạm vi rất rộng. Qua nhiều vòng hiệp thương sàng lọc đo lường năng lực, trình độ các ứng viên thì đến vòng bầu cử ai trúng cũng được vì đều đã được chọn lựa.

Mặc dù luật pháp không cấm nhưng quy trình tổ chức hướng dẫn rất kỹ như vậy có làm hạn chế tính linh hoạt và nếu cứ tổ chức theo khuôn mẫu chung, sẽ không khuyến khích và tạo cơ hội cho ứng viên thảo luận với nhau?

- Tham gia hai khóa QH, mỗi lần đi vận động ứng cử tôi đều thấy diễn ra rất thoải mái. Bản hướng dẫn là khung quy định chung, nhưng các buổi tiếp xúc diễn ra linh hoạt. Người tự tin thì trình bày miệng, có người thận trọng hơn thì viết ra giấy đọc để tránh sai sót.

Tất nhiên, do số lượng đông và trình độ không đồng đều nên MTTQ có đưa ra khung chung và hướng dẫn cụ thể như vậy là để giúp cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm khi tiếp xúc với công chúng có điều kiện thể hiện bản thân hơn. Mục đích là để cho ứng viên tiếp xúc với cử tri một cách tốt nhất, hữu ích nhất.

Trúng cử rồi hãy làm từ thiện

Nếu ứng viên có thể sáng tạo ra cách thức khác để đạt mục tiêu như dùng vật chất, tiền bạc biếu tặng cử tri thì có phạm luật?

- Nhà nước đảm bảo kinh phí cho người ứng cử QH. Nếu ai đó có tiền để hỗ trợ, giúp đỡ hay làm từ thiện, nhân đạo thì cá nhân hay tập thể nào cũng có thể làm, không cứ là ứng viên QH.

Một hội nghị lấy ý kiến cử tri tại Hà Nội. Ảnh: Lê Nhung


Tuy nhiên, để vận động cử tri thì ứng viên cũng không hỗ trợ tiền bạc cho xuể. Bởi một khu vực bầu cử có phạm vi rất rộng, trải dài từ ba đến bốn huyện, dân số đông.

Tốt nhất, các ứng viên khi vận động tranh cử cứ làm theo đúng pháp luật. Nếu sau này khi trúng cử rồi thì tham gia làm từ thiện cũng giúp được cho người dân.

Tỷ lệ trẻ trong QH đang ngày càng tăng, vậy nếu các ứng viên trẻ thông qua mạng xã hội, blog để tự vận động liệu có hợp pháp?

- Luật không cấm việc ứng viên truyền tải tâm tư, chương trình hành động theo nhiều hình thức khác nhau.

Luật cũng không quy định vận động bằng mạng xã hội song nếu ai đó thấy hữu ích vẫn có thể khai thác, miễn là̀ trình bày một cách trung thực, khách quan về bản thân. Cá nhân tôi cho là được phép.

Hội đồng bầu cử có một tiểu ban tuyên truyền và 1 tiểu ban đảm bảo an ninh.

Những nội dung tuyên truyền đúng quy định pháp luật thì được khuyến khích. Còn vấn đề tuyên truyền không đúng quy định thì sẽ bị nhắc nhở và tuýt còi.

Các ứng viên Trung ương có được tự do chọn địa bàn ứng cử không, hay Hội đồng bầu cử sẽ phân bổ, và nếu phân bổ thì theo tiêu chí nào để đảm bảo công bằng, tránh tính trạng ứng viên được phân về một nơi không biết họ là ai?

- Trong danh sách có cả ứng viên lãnh đạo cao nhất và ứng viên địa phương. Người được giới thiệu và tự ứng cử đều bình đẳng.

Nguyên tắc thứ nhất, các lãnh đạo Trung ương được phân bổ rải đều. Các địa bàn trọng điểm quốc phòng, an ninh, kinh tế thì sẽ được lưu ý hơn. Các ứng viên khác phân bổ theo tính chất công việc và theo nguyện vọng đăng ký.

Ví dụ mỗi ứng viên ở Trung ương được hướng dẫn đăng ký nguyện vọng chọn 3 tỉnh thuộc 3 miền.

Nguyên tắc khác là phân bổ không trùng lặp mà sẽ đan xen hợp lý các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Có thể ưu tiên phân ứng viên nữ, các cụ cao tuổi, hoặc ứng viên tôn giáo về địa bàn công tác hoặc nơi sinh...

Nói chung, sẽ sắp xếp ứng viên về các đơn vị bầu cử đảm bảo yêu cầu tối đa là ứng viên và cử tri nơi đó phải có một mối liên hệ nhất định, phải hiểu biết lẫn nhau, từng có thời gian tiếp xúc. Tránh tình trạng sắp xếp một ứng viên về địa bàn ứng cử quá xa lạ và không có mối liên hệ nào, ứng viên phải làm quen ngay từ đầu.

Quá trình này được làm khách quan. Nhưng không thể ai muốn ở chỗ nào là được bố trí về chỗ đó.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha: "Nếu chỉ hứa suông"...

Chương trình vận động tranh cử phải hết sức chân thực. Thái độ với cử tri phải chân thành. Ứng viên không nên dùng những lời lẽ đao to búa lớn như cam kết sẽ vào QH để làm bộ luật này, bộ luật kia hay để làm thay đổi vấn nạn này nọ.

Chương trình vận động bầu cử phải mang hơi thở thực tiễn, gắn với công việc, thế mạnh mà ứng cử viên đó đang làm. Ứng cử viên phải biết lắng nghe tiếng nói cử tri, phải có sáng tạo, và phải hứa với cử tri những gì mà mình có thể làm được, tránh hứa suông để lấy lòng cử tri rồi sau đó lại không làm đúng.


Lê Nhung
(ghi)

17/04 Trung Quốc hãm phanh đường sắt cao tốc

Cập nhật lúc 17/04/2011 06:10:00 AM (GMT+7)
Trung Quốc sẽ bắt buộc các loại tàu cao tốc đang phát triển mạnh mẽ vận hành ở tốc độ chậm hơn - tân Bộ trưởng Đường sắt nói.

Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu “trục trặc” mới nhất với phương tiện vận chuyển được tán dương nhất ở Trung Quốc.

Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Thịnh Quang Tụ nói với Nhân dân Nhật báo rằng, quyết định trên sẽ khiến giá vé tàu cao tốc ở mức hợp lý hơn và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trên các tuyến đường sắt cao tốc. Ông Thịnh đảm nhận chức vụ đứng đầu Bộ Đường sắt Trung Quốc từ hồi tháng 2 sau khi người tiền nhiệm mất chức vì cáo buộc tham nhũng.

Ông cho rằng, đường sắt Trung Quốc cần hướng tới việc phục vụ mọi bộ phận của xã hội. "Trung Quốc rộng lớn và có những sự khác biệt trong phát triển kinh tế và xã hội, vì vậy, các chuẩn mực xây dựng đường sắt không thể thống nhất”, ông Thịnh nói nhưng không đề cập cụ thể giá vé tàu có thể thay đổi thế nào.

Ảnh: techeblog
Các dự án đường sắt lớn và đắt đỏ của Trung Quốc đang bị “nhấn chìm” vào tham nhũng trong những tháng gần đây và đối mặt với những lo lắng nợ nần ngày một lớn. Một chiến dịch chống tham nhũng tại Bộ Đường sắt đã buộc người đứng đầu phải từ chức trong tháng 2.

Hãng Tân Hoa tháng trước đưa tin, khoảng 28,5 triệu USD bị biển thủ trong dự án đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải. Đây là dự án mà nhiều quan chức Trung Quốc tán tụng là một trong những thành tựu vận chuyển vĩ đại nhất của nước này. Vụ việc đang được mở rộng điều tra trong vài tuần nay.

Trong vài năm trở lại đây, đường sắt cao tốc Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng cả về phạm vi và tốc độ. Tại báo cáo đưa ra năm ngoái, Ngân hàng Thế giới ước tính vào năm 2012, Trung Quốc sẽ có ít nhất 42 tàu với tốc độ tối đa là trên 250km/h và sẽ có mạng lưới đường sắt cao tốc nhiều hơn phần còn lại của thế giới gộp vào. Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các dự án, ví dụ chỉ riêng tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải đã có chi phí khoảng 33 tỉ USD.

Nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về sự an toàn của đường sắt cao tốc Trung Quốc. Một nhà điều hành tại nhà máy sản xuất tàu cao tốc không phải của Trung Quốc cho rằng, các tàu chạy với tốc độ trên 330km/h sẽ đặt ra vấn đề an toàn và chi phí cao hơn. Ở ngưỡng tốc độ này, bánh tàu sẽ trượt nhiều nên cần những động cơ lớn và lượng điện đáng kể để hoạt động. Ngoài ra còn cần nhiều chi phí phục vụ cho việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hàng ngày. Đó là lí do vì sao mà ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc không có các hãng khai thác chạy tàu trên 320km/h - vị điều hành nhấn mạnh.

Trong cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc cho hay, các tàu cao tốc sẽ bắt đầu chạy ở tốc độ tối đa 300km/h bắt đầu từ 1/7, so với tốc độ tối đa trước đó vào khoảng 350km/h. Rất nhiều các tàu liên tỉnh của Trung Quốc sẽ vận hành ở tốc độ từ 200 - 250km/h.

Cải thiện hiệu quả năng lượng là một lý do dẫn tới quyết định giảm tốc độ tàu cao tốc, ông Thịnh nói. Các tàu chạy ở vận tốc 350km/h đòi hỏi năng lượng gấp đôi tàu chạy 200km/h, ông cho biết.

Theo Tôn Trương, một chuyên gia của Học viện Đường sắt và vận chuyển đường sắt đô thị thuộc đại học Đồng Tế, những dấu hiệu mới nhất cho thấy, chính phủ đã bắt đầu lắng nghe nhu cầu của người sử dụng đường sắt. Ông cho rằng, những thông tin báo chí về giá vé cao của đường sắt cao tốc đã khiến Bộ Đường sắt cần xem xét lại vấn đề. “Sự khác biệt về tốc độ và giá vé giờ đây sẽ tạo ra nhiều chọn lựa cho người tiêu dùng”, ông khẳng định.

Giá vé tàu cao tốc có thể gấp đôi giá vé hạng cao nhất với tàu tốc độ thông thường. Ví dụ, giá vé tàu cao tốc giữa Vũ Hán và Quảng Châu là 469 nhân dân tệ (70 USD). Đây là mức giá cao với nhiều người dân Trung Quốc và kết quả là nhiều tuyến đường sắt cao tốc rất vắng khách.

Tháng trước, hãng Tân Hoa cho hay, các công ty đường sắt của Trung Quốc mang nợ khoảng 271 tỉ USD. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, nợ nần không phải là một vấn đề.

Cuộc phỏng vấn của Nhân dân Nhật báo không đề cập tới việc tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải (đang trong quá trình xây dựng và dự kiến khánh thành trong tháng 6) sẽ ảnh hưởng thế nào bởi các biện pháp mới đưa ra. Tàu chạy trên tuyến đường này được thiết kế vận hành ở tốc độ khoảng 380km/h - nhanh hơn bất cứ tàu nào hiện có ở Trung Quốc.

Thái An (Theo Wall Street Journal)